Saturday 25 February 2012

“Rồi khi qua Giáo đường kiếm Chúa,”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 2 Mùa Chay năm B 04.03.2012

“Rồi khi qua Giáo đường kiếm Chúa,”
“Đội Thánh giá xin làm chiên ngoan
Thấy có đứa đuôi dài đầu sừng
Chúa cũng xót thương người lầm than.”
(Phạm Duy – Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ)
(Mt 19: 14)
 
Đúng thế không? Ca từ về “Cô em Bắc kỳ nho nhỏ”.
Thật vậy sao? Lời nghệ sĩ già ngoài Đạo nói đến Chúa đến Mẹ? Nói và hát những lời về “Cô em” Bắc hay Nam kỳ không còn nhỏ, nhưng vẫn nhún nhảy điệu Fox Trot ở diã nhạc Thuý Nga Paris 104?
Nhảy và hát, hoặc vừa hát vừa nhảy mỗi vũ điệu, rồi còn thêm:

                        “Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ,
                        Này cô em mắt trời bao dung.
                        Nhìn anh đi, hãy nhìn cho rõ,
                        Trước khi nhìn đám đông.
                        Trước khi vào đám đông.”
                        (Phạm Duy – bđd)

Kể cũng lạ. Những hát hò lò dò điệu vũ cũng anh anh/em em đấy chứ! Hát và nhảy điên cuồng như thế thì làm sao bảo “nhìn anh đi, hãy nhìn cho rõ”? Rồi lại nói: “Trước khi nhìn đám đông”, và: “Trước khi vào đám đông.” 

Kể cũng vui. Vui, vì thật sự ở đời, làm gì có ai “đi vào đám đông” hoặc cứ đắm nhìn đám đông rồi lại bảo: “nhìn anh đi, hãy nhìn cho rõ”, ngộ nhỡ em nhìn lộn/nhìn lạo người nào ở đám đông, thì sao?

Cũng vui thật và ngộ quá, là ngôn ngữ người đời. Chí ít, là ngữ ngôn người nghệ sĩ nói về đời người rồi lại hát:

                        “Đời chim muông nhánh khổ nguy nan,
                        Mà anh mang tội gốc chưa tan.
                        Cửa chùa nào mà không rộng mở,
                        Quỷ sứ nào chẳng muốn nương thân?”
                        (Phạm Duy – bđd)

Ôi thôi! là ý từ và ý tứ người nghệ sĩ cứ nói ra.
Thế đó! là tư tưởng của người đời về đời người và con người.   
Về đời người và người đời, người nghệ sĩ hay nhà văn hoá viết sao cho hết! Chí ít, là viết về những người em nhỏ, chưa hẳn là gái Bắc hay Nam kỳ! Nhất thứ, là nói và hát về các thiên thần nhỏ bé chưa biết nói, chỉ biết nhìn. Nhìn mẹ/nhìn cha, nhìn mọi người chứ không chỉ “nhìn anh đi, hãy nhìn cho rõ”, kẻo giả bộ nhìn lộn, thấy lầm. 

Về tầm nhìn, vừa qua bần đạo cũng đã nhìn nhưng không tỏ nên chưa rõ có bắt gặp được những người em thiên thần rất bé nhỏ lại dễ thương mà Đức Chúa Nhân Hiền Lòng Lành vẫn khuyên ta đến gần:

                        “Đức Giêsu nói:
Cứ để con trẻ đến gần Thầy,
đừng ngăn chúng,
vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”
(Mt 19: 14)

            Bàn về đời người và người đời, nhiều vị đợi đến lúc mình đã chín chắn/trưởng thành rồi mới nghĩ suy và luận bàn. Hệt như ý kiến của một số cụ, được ghi như sau:

“Tác giả Bronnie Ware là một nhạc sĩ sáng tác kiêm y tá chăm nom người sắp chết, những bệnh nhân biết mình không qua được, không muốn chữa trị nữa và về nhà chờ ngày ra đi vĩnh viễn.
Dưới đây là 5 câu thường nghe do Cô Ware hiện viết thành một quyển sách mang tên “THE TOP FIVE REGRETS OF THE DYING,” nxb Balboa Press, có bán trên Amazon.com.: 

1. “Tôi ước gì tôi có đủ can đảm để sống cho mình, thay vì sống theo ước muốn của người khác.” Ðây là điều tiếc nuối lớn nhất, cô Ware nói. Khi sắp qua đời, nhìn lại, người ta mới thấy mình có những điều ước chưa bao giờ thực hiện. Hầu hết mọi người còn chưa thực hiện được một nửa điều mình muốn mà đã phải nhắm mắt ra đi và biết rằng đó là do chọn lựa của mình. Cô Ware nói: “Ðiều quan trọng là thỉnh thoảng phải thực hiện vài điều mình ước mơ. Ðến lúc mình bệnh thì đã trễ. Sức khỏe là điều kiện để thực hiện nhiều thứ, một khi mất rồi thì “đã trễ.” 
2. “Tôi ước gì tôi đừng đi làm nhiều quá như vậy.” Cô Ware nói hầu như bệnh nhân phái nam nào cũng nói vậy. Các ông ấy do quá quan tâm việc làm, đã lỡ mất thời thơ ấu hay thiếu niên của các con, lỡ mất tình bạn với người bạn đường. Phụ nữ cũng nuối tiếc như vậy nhưng ở thế hệ các bệnh nhân của cô Ware, số phụ nữ đi làm thường không nhiều. Còn đàn ông, thì “tất cả đều nuối tiếc vì đã bỏ phí quá nhiều phần cuộc đời mình cho cuộc chạy đua đường trường vì sự nghiệp.” 
3. “Tôi ước gì tôi có can đảm bày tỏ cảm xúc”. Nhiều người cố nén cảm xúc để không bị đụng chạm. Kết quả là cuộc đời của họ bị đè nén. Có người còn vì thế mà bị bệnh. 
4. “Tôi ước gì tôi giữ liên lạc được với bạn bè.” Nhiều người không thực sự biết giá trị của tình bạn cũ cho tới những tuần cuối đời và nhiều khi không còn kịp tìm lại bạn cũ nữa. Ðời sống bận bịu, ai cũng có lúc bỏ bê bè bạn. Nhưng, khi người ta biết mình sắp chết, thì việc trước tiên của mọi người là lo sắp xếp tài sản đâu ra đấy, và muốn giúp đỡ những người mà mình quan tâm. Nhưng, vì quá yếu, quá mệt, nên không thể làm được việc này. Ðến cuối đời, những gì còn lại chỉ là bạn bè và người thân là quan trọng. 
5. “Tôi ước gì tôi cho phép mình được hạnh phúc hơn”. Ðiều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người nói lên điều này. Nhiều người phải đến lúc gần ra đi mới thấy là hạnh phúc là một chọn lựa. Nhiều người cứ sống và làm theo thói quen, để quên đi mất mình có quyền thay đổi mọi sự để tìm đến hạnh phúc. Ðến lúc nằm trên giường bệnh, nhiều người lúc đó mới thấy chuyện người khác nghĩ gì, chê bai gì, là chuyện không quan trọng gì hết. Họ chỉ muốn được vui, được cười, được hạnh phúc.” (Theo Vũ Quí Hạo Nhiên, Đến cuối đời có gì để tiếc.)  

            Bần đạo nghe chuyện, thấy đời con người cũng có điều đáng để ta suy nghĩ, không chỉ vào lúc gần chết, mà ngay khi còn sống. Suy và nghĩ về lối sống của bọn trẻ rất bé nhỏ, ta cần học. Học và hỏi vì biết rằng chuỗi ngày dài ta sống sẽ chẳng hấp dẫn nếu cứ để nó trôi qua đi, bao tháng ngày trống rỗng, không biết học. Học và hỏi, không chỉ từ người lớn tuổi, mà cả từ em bé, rất măng trẻ.

            Nhưng vấn đề là: học được gì ở trẻ bé nằm đó chỉ nhìn ngó, rồi cười. Và, trẻ bé chỉ vung tay vung chân, “nhìn anh cho kỹ” rồi cười với hết mọi người. Nhưng trong ánh nhìn đó, nơi nụ cười này, bé em đã gửi đến mọi người một đề nghị, để học. Đó là những chiêu thức nhẹ rất “nhu thắng cương”, như: sống cho hiện tại, không sống vì quá khứ, cũng chẳng quá lo cho tương lai, mai ngày. 

Sống, là sống chân thật, không thêu thùa/diêm dúa. Vẫn chân chất/chân phương, một bản lĩnh. Những là cảm tạ, biết ơn hết mọi người đã và đang đồng hành với bé. Cảm kích/biết ơn không chỉ bằng ngôn từ. Nhưng, bằng cử chỉ mũm mĩm. Bằng, tiếng cười nấc khi người khác chọc quê, cù lét hay làm trò. 

Quả cũng đúng. Cuộc đời người cần nhiều trò để mọi người và mình được cười nắc nẻ cho vui, nhất thứ là khi mình chỉ muốn khóc thét vì thực chất của động thái, mình gặp phải. Phải chăng như thế là “Nước Trời”? Có phải như thế là cuộc sống của trẻ em, cần đến gần?

Điều mà người lớn cần học nơi con trẻ không chỉ là “hãy nhìn”, “cứ nhìn” và “nên nhìn” cho rõ “có phải là anh hay không”. Mà là: “hãy cười”, “cứ cười” và “nên cười” cho vui hơn. Cười ngất hoặc nắc nẻ, đều được. Hoặc, cười thầm không thành tiếng, cũng chẳng sao. Cười, là bởi vì có làm gì cho lắm, thì đời mình vẫn như thế. Và, không hơn thế. Cười xong rồi cứ thế mà chạy nhảy/vui chơi cho thoả thích. Cứ chạy nhảy. Cứ nói cười líu lo, chẳng lo toan chuyện gì cho thêm mệt. Thế đó là “Nước Trời” ở trần gian, rất không sai.

Nước Trời là của những ai giống như con trẻ”, nói như nghệ sĩ ngoài đời là sẽ nói như:

                        “Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ,
                        Này cô em có nụ cười ngây thơ.
                        Thành khi không quãng đường im gió,
                        Không gió lấy gì lang thang.
                        Cô có thương thầm anh không?”
                        (Phạm Duy – bđd)

Thì ra, nghệ sĩ nhà ta đã tìm ra bí kíp của cuộc sống, ở Nước Trời. Cuộc sống trong đó, có nhiều người vẫn cứ hỏi: “Cô/em có thương thầm anh không?”  Tại sao lại thương thầm? Mà, không phải là thương “sôi nổi”, om sòm, rộn rã? Thương thầm, như thế có phải là thái độ của trẻ nhỏ? Của, “Nước Trời, là của những ai giống như chúng”? Hỏi đây, tức phần nào đã trả lời rồi, phải thế không hỡi bạn và hỡi tôi, ở đâu đó?

Thế nhưng, vấn đề mọi người đều nhận thấy hôm nay, đó là: làm sao sống được như trẻ nhỏ, một khi các gia đình ở “Nước Trời” trần gian vẫn cứ tìm đến những chuyện tréo cẳng ngỗng, chẳng giống ai? Tréo cẳng ngỗng ở chỗ: không còn muốn lấy vợ lấy chồng. Hoặc, cứ đòi lập gia đình với người cùng phái tính, thế mới sai.

Cách đây không lâu, Cơ quan nghiên cứu tự gọi là Pew Research Center ở Mỹ đã thực hiện một phân tách để nghiên cứu về dữ liệu thống kê cho biết con số đám cưới ở Hoa kỳ xem ra đang tụt dốc, khoảng 5% giữa năm 2009 đến 2010, dù lý do của suy giảm này phần lớn là vì suy thoái kinh tế. 

Qua nghiên cứu tỷ lệ những vị có gia đình ở tuổi trên 18 (còn gọi là nhóm 18+) thì con số những người này đã giảm sút từ 72% vào năm 1960 nay xuống còn 51% thôi. Cụ thể hơn, bản tường trình từ khảo sát thống kê cho thấy rõ:  

“Tại Hoa Kỳ, việc giảm sút nói trên đều xảy đến với mọi nhóm tuổi, không trừ một ai, nhưng với người trẻ, thì tình trạng suy giảm đạt mức báo động, rất thê thảm. Ngày nay, mỗi 20% số người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 đến 29 có gia đình so với với 50% thấy có vào thập niên 1960. Suốt 5 thập niên vừa qua, tuổi tác trung bình của những người lần đầu tiên lập gia đình nay tăng khoảng 6 tuổi cho cả nam lẫn nữ.
Cho đến nay, tình trạng người trẻ đạt tuổi trưởng thành nay chẳng thiết tha chuyện vợ chồng hoặc chần chừ không nghĩ đến nó nữa không, cũng không rõ. Duy, có điều là lắm lúc gần như phân nửa người trưởng thành ở Mỹ, và có lúc còn lên cao đến 72% từng lập gia đình ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, con số những người như thế đang từ 85% vào năm 1960 nay giảm sút rất đáng kể.” (x. Carolyn Monihan, Only 51 per cent of Americans are married, MercatorNet 17/12/2011)

            Các nhà nghiên cứu khảo sát như Giáo sư Brad Wilcox có cho khán giả đài ABC News biết con số những người làm đám cưới đang giảm sút là do có sự gia tăng chung sống giữa người trẻ nam nữ đã ra trường. Điều đó gây hậu quả trên con cái. Và, Giáo sư B Wilcox có nói thêm, như sau:

“Với người Mỹ, lấy vợ gả chồng và trở thành cha mẹ là hai chuyện khác nhau. Đối với họ, ưu tiên chính là làm cha mẹ đã, sau đó mới tính chuyện thành công trong hôn nhân. Phần đông người trẻ hôm nay tách bạch hai chuyện rất rõ rệt. Trong khi đó, thì nhiều năm về trước, mọi người đều liên kết hai việc chung làm một.
Cuối cùng thì, chính trẻ nhỏ mới là những kẻ chịu thiệt thòi về sự bất ổn cũng như gặp nhiều khó khăn hơn do bởi người lớn nay ít muốn lập gia đình và/hoặc cứ ở mãi trong tình trạng có gia đình.” (x. Carolyn Monihan, bđd)

            Xem thế thì, cố gắng tính chuyện có gia đình để sống như trẻ nhỏ hầu như đã trở thành chuyện không tưởng, hoặc lui về dĩ vãng, cũng rất xa. Càng xa hơn, nếu như chuyện hôn nhân giữa người cùng phái tính dần dà trở nên hiện thực, bất kể sự đối kháng của Hội thánh hoặc của các chính trị gia còn tinh thần đạo hạnh. Đến lúc đó, có trẻ nhỏ ở với mình đã là chuyện khó. Huống hồ, sống như trẻ nhỏ, làm sao có! Cái khó là ở chỗ đó. 

            Cuối cùng, người người rồi ra cũng chẳng biết thế giới này sẽ đi về đâu. Còn chăng lương tâm con người. Hoặc, nói theo kiểu văn hoa/thi tứ, thì: người ơi, còn đó nỗi buồn.

            Buồn hơn, khi giới trẻ hôm nay mở băng/diã Thuý Nga Paris 104 ra nghe mà chả hiểu câu hát:             

                                    “Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ,
                                    Này cô em tóc demi-garc,on,
                                    Chiều hôm nay xuống đường đón gió,
                                    Cô có tình cờ, nhìn thấy anh không?”
                                    (Phạm Duy – bđd)

            Trẻ không hiểu thế nào là tóc “demi garc,on”. Cũng chẳng biết, tại sao cô em “Chiều hôm nay xuống đường đón gió”,  mà lại hỏi: “Cô có tình cờ, nhìn thấy anh không?”  Sao lại “tình cờ”? Việc gì phải hỏi: “Nhìn thấy anh không” để làm gì? Hoặc: cô có nhìn, như trẻ bé mới sơ sinh cứ dương mắt ra mà nhìn. Nhìn, nhưng không hỏi người lớn: có thấy bé không? Có cười với bé hoặc như bé em không? Bởi, khi ấy bé em sẽ nhắn bảo: cứ nhìn và cười đi! Rồi ra khi khôn lớn quý vị sẽ không còn thấy ánh nhìn và nụ cười của bé đây. Như truyện kể bên dưới và minh hoạ, chứng minh và xác chứng, dù chỉ để cho vui:

            “6 tuần đầu ...
6 tháng sau ... và
... 6 năm sau ...
Hãy đọc để biết tình yêu trong tương lai ! 
1. Lời yêu thương:
-Sau 6 tuần: Anh yêu em.
-Sau 6 tháng: Tất nhiên là anh yêu em.
-Sau 6 năm: Nếu không yêu, tôi cưới cô làm gì ?
2. Khi đi làm về:
-Sau 6 tuần: Em yêu, anh về rồi.
-Sau 6 tháng: Đã về.
-Sau 6 năm: Nấu bữa tối chưa ?
3. Quà tặng:
-Sau 6 tuần: Em yêu, hy vọng em sẽ thích sợi dây chuyền này.
-Sau 6 tháng: Anh mua một bức tranh, anh nghĩ treo nó ngoài phòng khách thì rất hợp.
-Sau 6 năm: Lương đây, muốn mua gì thì tự đi mà mua.
4. Điện thoại đổ chuông:
-Sau 6 tuần: Em ơi, có người muốn nói chuyện với em này.
-Sau 6 tháng: Điện thoại của em đấy.
-Sau 6 năm: Nghe điện thoại đi .
5. Nấu nướng:
-Sau 6 tuần: Anh chưa bao giờ được ăn món nào ngon hơn thế.
-Sau 6 tháng: Em nấu món gì cho bữa tối thế?
-Sau 6 năm: Lại là món này à?
6. Lời xin lỗi:
-Sau 6 tuần: Em yêu, đừng lo, anh thề không bao giờ tái phạm.
-Sau 6 tháng: Được rồi, anh hứa.
- Sau 6 năm: Biết rồi, nói nhiều thế.
7. Quần áo mới:
-Sau 6 tuần: Trông em như thiên thần trong bộ đồ này.
-Sau 6 tháng: Em lại mua quần áo mới à?
-Sau 6 năm: Suốt ngày quần với áo.
8. Lập kế hoạch cho kỳ nghỉ:
-Sau 6 tuần: Mình sẽ đi nghỉ vài ngày ở nơi nào đó em thích.
-Sau 6 tuần: Đi nơi nào đó vừa gần vừa rẻ.
-Sau 6 năm : Du lịch làm gì, ở nhà thì có chết ai đâu
9. Cai tivi:
-Sau 6 tuần: Chúng mình xem phim gì tối nay?
-Sau 6 tháng: Anh thích phim này hơn.
-Sau 6 năm: Để kênh này xem bóng đá đi. Em không thích thì cứ ngủ sớm.
10. Chiếc gường:
-Sau 6 tuần: Chúng mình cưa bỏ nửa chiếc giường đi em ạ.
-Sau 6 tháng: Chiếc giường này vừa đủ em ạ.
-Sau 6 năm: Anh ra ngoài nằm cho thoáng.
11 Đi xe máy:
-Sau 6 tuần: Khiếp, giữa anh và em ngồi thêm được 1 người nữa đấy.
-Sau 6 tháng: Mình mua chiếc SH cho đủ chổ ngồi em ạ.
-Sau 6 năm: Mỗi người đi một xe cho nó tiện.
12. Nhà:
-Sau 6 tuần: Chúng mình cần một phòng là đủ.
-Sau 6 tháng: Mình nên tìm mua nhà có 4 phòng.
-Sau 6 năm: Ta nên có hai cái nhà, phòng khi mình cãi nhau.
13. Con cái:
-Sau 6 tuần: Có bầu chưa em.
-Sau 6 tháng: Còn 4 tháng nữa anh làm bố rồi!
-Sau 6 năm: Đi thử ADN.
14. Tiền bạc:
-Sau 6 tuần: Tiền của anh là của em.
-Sau 6 tháng: Em phải để cho anh ít tiền tiêu vặt chứ!
-Sau 6 năm: A! Anh dám lập qũi đen à!
15. Nghe em nói:
-Sau 6 tuần: Không nghe em nói anh nhớ lắm.
-Sau 6 tháng: Anh biết rồi!
-Sau 6 năm: Em im lặng một lúc không được sao.
16. Đi siêu thị :
-Sau 6 tuần: Ở cạnh em là anh vui rồi.
-Sau 6 tháng: Mua nhanh nhanh rồi về
-Sau 6 năm: Em đi một mình được rồi.
17. Trang sức:
-Sau 6 tuần: Để anh mua cho em đôi hoa tai cho đủ bộ.
-Sau 6 tháng: Mua làm gì nhiều hả em.
-Sau 6 năm: Cứ đeo mấy cái thứ ấy, cướp nó giật cho … có gì thì đừng bảo tui đi nuôi.
18. Ủi đồ:
-Sau 6 tuần: Em ủi lúc nào nhanh thế.
-Sau 6 tháng: Còn cái này chưa ủi này.
-Sau 6 năm: Chờ cô ủi có mà ở trần đi làm.
19. Nghe vợ nói:
-Sau 6 tuần: giọng em cứ líu ríu như chim hót ấy, anh nghe cả đời không chán.
-Sau 6 tháng: Nói ít thôi cho anh còn xem bóng đá.
-Sau 6 năm: Sao cứ quàng quạc như vịt suốt ngày thế nhỉ, không biết mệt à!
20. Sang đường:
-Sau 6 tuần: Từ từ em, để anh dắt sang đường nào, xe cộ thế này nguy hiểm lắm.
-Sau 6 tháng: Nhìn vào mà sang đường.
-Sau 6 năm: Làm gì mà dò dẫm như thế, chết làm sao được mà sợ.
21. Ăn đêm:
-Sau 6 tuần: Em có đói không, em thích ăn gì, anh chạy ù ra ngoài phố mua về cho.
-Sau 6 tháng: Vừa ăn tối xong giờ này đã đói rồi à, lấy tạm gói sữa mà uống đi.
-Sau 6 năm: Ăn gì mà ăn lắm thế, người ngợm thì béo ú lên rồi kia kìa.
22. Trang điểm:
-Sau 6 tuần: Em trang điểm nhẹ nhàng nhưng rất ấn tượng, anh rất tự hào khi đi bên cạnh em.
-Sau 6 tháng: Thôi, không trang điểm có chết ai đâu nào.
-Sau 6 năm: Son son với chả phấn phấn, mất thời gian. Có định đi không thì bảo!
23. Món ăn:
-Sau 6 tuần: Món ăn có vị hơi lạ nhưng là sản phẩm của chính tay em làm nên thật tuyệt vời.
-Sau 6 tháng: Em xem bố trí thời gian đi học nấu ăn đi.
-Sau 6 năm: Nấu ăn thế này thì ai mà nuốt nổi hả trời, vợ với chả con.
24. Du lịch:
-Sau 6 tuần: Anh sẽ đưa em đi khắp thế gian này.
-Sau 6 tháng: Ở nhà thôi, đi một chuyến cũng mất toi mấy tháng lương.
-Sau 6 năm: Du lịch du liếc gì , năm nào cũng đi chưa chán à!
25. Uống café:
-sau 6 tuần: Em nhớ lần đầu mình đi uống café với nhau không, anh thích lúc như thế này.
-sau 6 tháng: mình mới đi tuần trước rồi mà.
-sau 6 năm: Ra đấy làm cái gì, xem tivi còn có lý hơn.
26. Mua đồ cho con:
-sau 6 tuần bé sinh: phải tự tay anh chọn anh mới yên tâm.
-bé được 6 tháng: bộ nào cũng được.
-bé sáu tuổi: có bộ đồ mà cũng không biết mua cho con, thế mà cũng làm mẹ.
27. Mua quà cho bố mẹ vợ:
-sau 6 tuần: Anh biết tính bố mẹ lắm , cứ để anh mua.
-sau 6 tháng: em xem bố mẹ cần gì thì mua.
-sau 6 năm : Ông bà già rồi, có cần đâu mà mua.
28. Sau giờ làm:
-sau 6 tuần: để anh đón em về luôn, tối mình cùng đi ăn tối.
-sau 6 tháng: Em về nấu cơm trước, anh xong việc về ngay.
-sau 6 năm: Em cứ ăn cơm trước, anh nhậu với bạn rồi.
29. Đọc báo:
-Sau 6 tuần: anh thấy mấy quyển báo, truyện này hay quá nên mua cho em đọc.
-Sau 6 tháng: mục vui cười này hay quá (cả 2 vừa đọc vừa cười khúc khích).
-Sau 6 năm: anh ơi mục ĐBGB trên web trẻ thơ có bài này hay lắm em đọc cho anh nghe nhé
-Úi xời, em đọc đi anh đang buồn ngủ.
30. Chép bài báo cho chồng đọc:
-Sau 6 tuần: Đâu đâu, cũng hay đấy chứ em, để anh đọc rồi rút kinh nghiệm.
-Sau 6 tháng: Cứ từ từ để đấy. lúc nào rảnh anh xem.
-Sau 6 năm: Rách việc, không có việc gì làm nữa hay sao?
32. Vợ thân hình hơi tròn trịa, luôn hỏi chồng một câu hỏi: Em có béo không anh?
-Sau 6 tuần: Không, nhìn em phúc hậu.
-Sau 6 tháng: Không!
-Sau 6 năm: Nhiều mỡ quá, ngấy lắm!”
(trích: “Chuyện vui trên mạng” bạn bè gửi vẫn rất nhiều)

Nhiều cốt truyện được người viết ra để ta cười, nhưng cũng khó. Bởi, đó vẫn là chuyện có thực, xảy đến với muôn người. Chí ít, là người chẳng cần biết việc Chúa khuyên dạy: ta nên sống như trẻ nhỏ. Hoặc, người chỉ mỗi quan tâm đến vi tính, kinh doanh, công việc. Ngoài chuyện ấy ra, tất cả đều là thứ yếu, rất không cần. Chẳng chú ý. Thế mới chết. Thế mới mệt, cả đời bé em. Nho nhỏ. Rất Bắc kỳ.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng ít khi tự hỏi:
nên chăng sống giống trẻ nhỏ
như Chúa dạy?
Bởi cứ là hay quên.


No comments: