Saturday, 11 February 2012
“Rồi đây, dù lạc ngàn nơi, ta hướng về chốn xa vời,”
Chuyện Phiếm đọc trong tuần Thứ 7 Mùa thường niên năm B 19.02.2012
“Rồi đây, dù lạc ngàn nơi, ta hướng về chốn xa vời,”
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai,
Nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi”
(Vũ Thành – Giấc Mơ Hồi Hương)
(1Th 2: 12)
Còn nhớ có lần, trong một buổi “Hát Cho Nhau Nghe” rất bỏ túi, bần đạo đã cả gan buột miệng phê một lời, rồi lại hối. Số là, buổi hôm ấy, khi thấy quá nhiều “hát sĩ” chọn các bài nói về Hà Nội, có bạn đưa ra câu hỏi: “Sao ai cũng thích hát mấy bài về Hà Nội quá vậy?” Thấy chẳng có ai trả lời/trả lãi cho huề vốn, bần đạo bèn thưa: “Hà Nội là nơi cha sinh mẹ đẻ ra tôi!”
Dạo gần đây, nhân chuyến ra đi về miến quá khứ, rất lữ thứ với tương lai mai ngày, bần đạo cứ thấy hối vì câu nói “cường điệu” chẳng ra làm sao ấy. Càng hối hận hơn, khi nghe lại nhạc bản trích ở trên, có đoạn hát:
“Lìa xa, thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về,
Lòng khách tha hương, vương sầu thương.
Nhìn “em” mờ trong mây khói, bước đi chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly…”
(Vũ Thành – bđd)
Vẫn biết rằng, lời nhạc ghi trên là tâm tình người nghệ sĩ xa quê nay mơ giấc hồi hương/hồi hướng, với quê nhà. Nhưng, với bần đạo, đây là cơ hội để tưởng nghĩ về đề tài khá ray rứt, cũng nóng bỏng như “hồi hướng”.
Nói ray rứt, là để kể về câu chuyện vỏn vẹn như thế này: hôm ấy, một ngày đầu xuân năm 2012 anh bạn thành viên của nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” ở Sydney đến với bần đạo bỏ nhỏ một câu mà, theo anh, nhiều linh mục cũng đã trả lời/trả vốn, rất huề vốn. Bần đạo nghe mà thấy run. Vì, vốn giòng hào kiệt như đấng bậc thày cả, tức thày của cả và thiên hạ, mà câu đáp trả của các “đức thày” còn chưa vừa ý, thì bần đạo đây là cái “thá” gì mà dám múa rìu qua mắt thợ. Thôi, sợ lắm người ơi. Chả dám đâu cứ cho em xin, em xin hai chữ bình yên là tốt nhất! Nhưng, vì chỗ thân tình, nên bạn bè vẫn cứ hỏi để anh em mình cùng học. Học chưa tỏ, sẽ lại đi hỏi đấng bậc khác, ở nhiều nơi.
Câu hỏi của người bạn đạo rất anh em, vỏn vẹn có thế này: “Kinh thánh kể truyện ‘Người Đàn Bà Ngoại Tình’ có chỗ nói: “Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất (Ga 8: 6)” Ngài viết gì thế?”
Như mọi lần, mỗi khi “bị” tra vấn về triết/thần hoặc Kinh Sách, bần đạo thấy mình tài hèn sức mọn, bởi kiến thức rất có hạn, vẫn thường lảng sang chuyện khác, những thơ văn/âm nhạc, để ê a ba ca từ chẳng ăn nhập gì đến vấn đề, dễ bề hát:
“Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu,
Dáng yêu kiều của ngày đã qua,
Thướt tha bên hồ liễu thu.
Lắng tiếng tiêu buồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước…
mối duyên hờ, đã phai mờ, trong bóng đêm mơ hồ.”
(Vũ Thành – bđd)
Hôm ấy, bần đạo nghêu ngao thầm hát xong, ra như được thần hứng bèn tỏ bày cùng bạn đạo, rằng: “Câu bạn hỏi, tớ đây nghe quen quen, hình như có ai đó cũng hỏi tôi một điều như thế. Để trả lời, có học giả nọ cho rằng khi ấy Chúa viết là viết đôi hàng chữ qui về Cựu Ước, có thế thôi. Bởi, đấng bậc Do thái giáo thời bấy giờ ưu tư nhiều đến Lời Chúa, trong Cựu Ước. Còn, hỏi rằng hàng chữ ấy nói lên điều gì? thì có là tông đồ hay thánh sử cũng chẳng thông!” Bạn đạo nghe xong, cũng lại bảo: câu trả đáp của bần đạo cũng quen quen, nghe rất huề vốn.
Nay nghĩ lại, thấy bần đạo can đảm đến là thế. Cũng may, đó mới chỉ lập lại ý tưởng của học giả nào thôi, chứ cứ mà bảo: “theo tôi trộm nghĩ hay gì đó…” thì chắc cũng chẳng còn sống sót đến hôm nay, vì búa bổ lên đầu, từ muôn phía rồi.
Và hôm nay, chợt gặp lại giòng chảy những han hỏi bảo rằng: “Là dân đi Đạo, dù bậc thày rất tiếng tăm, hỏi rằng những ai được phép nói năng hoặc giảng giải về Kinh Sách? Chí ít là đoạn kinh chương sách khá khó ở Tin Mừng. Ta nghĩ thế nào về chuyện này?”
Và, khi đã hỏi, hẳn người nghe hay người hỏi đều cùng nhau tìm kiếm câu trả đáp cho đúng đắn. Bần đạo đây, là giáo dân bình thường, nên thấy mình hơi bị chậm. Có lẽ vì thế nên bầu bạn mới thương bần đạo đề nghị bần đạo hãy hướng về Lời Chúa thân thương đầy lời khuyên răn, rất ý nghĩa. Khuyên những ý từ, rất như sau:
“Về phần chúng tôi,
chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa,
vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa,
anh em đón nhận, không như lời người phàm,
nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy.
Lời tác động nơi anh em là tín hữu.”
(1Th 2: 13)
“Đón nhận Lời”, với tư cách là tín hữu, hẳn ai cũng đều thế. Cũng đón và nhận trong tư thế của người con, như con người bình thường. Đón nhận rồi, còn để Lời hoạt động nơi bản thân mình. Sáng soi hồn mình theo cảm nghiệm của mỗi người.
Thế nên, hãy thử xem người người hiểu biết và tiếp cận Lời ra sao. Người người hôm nay, đâu cứ tự cho là đấng bậc rồi nghĩ rằng mình có đặc quyền để tuyên bố, nói năng. Mà, hãy cứ đón nhận, sẽ thấy uy lực của Lời hoạt động nơi mình. Đón và nhận đề tài xem ra cũng rất dài, nhưng vẫn lắng tai nghe, rồi ra người người sẽ có đôi giòng chảy để ta suy, như lời bàn của đấng bậc những tên cùng tuổi nghe rất quen, như sau:
“Ngay từ thế kỷ đầu, các thánh Tổ phụ Giáo hội và đấng bậc viết nhiều bản văn phẩm bình Lời Chúa. Cứ sự thường, vẫn có đôi ba ý kiến khác biệt về ý nghĩa một vài chương đoạn trong Sách thánh. Nhưng, tựu trung vẫn có sự đồng thuận trải dài trên toàn bộ Sách thánh. Các lời bình cuối cùng đúc kết thành những gì mà ngày nay ta gọi là Thánh Truyền.
Một mặt, Thánh Truyền vốn phản ánh sinh hoạt của Giáo hội tiên khởi luôn tin tưởng và thực hành, như một luật chung. Đồng thời, Thánh Truyền cũng giúp đúc kết các lời bình ấy thành suy tư thực tiễn của Hội thánh. Bởi, một khi Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho các thánh viết lên Kinh Sách thế nào, thì Ngài cũng hoạt động để tiếp tục hướng dẫn tạo nên Thánh Truyền sống động này.
Trong chiều hướng đó, Công đồng Triđentinô đã ra huấn thị ngăn cấm việc tự tiện chú giải Kinh thánh chống sự đồng thuận có từ thời các thánh Tổ Phụ. Riêng, Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 cũng đã viết tông huấn nhan đề “Thiên Chúa Quan Phòng” vào năm 1873, nói rằng: “Các thánh Tổ Phụ có quyền tối hậu khi giải thích bất cứ chương đoạn nào trong Kinh thánh. Khi làm thế, các ngài đều theo cung cách thống nhất hầu duy trì giáo huấn niềm tin đi đạo.” (x. Tông Huấn Providentissimus Deus câu 1944)
Lý do của việc đó, là bởi Kinh thánh viết cho Hội thánh để dùng trong thánh hội, nên ta chỉ được phép diễn giải những điều viết trong đó theo cách đúng đắn trong niềm tin của toàn thể thánh hội. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Bêneđíchtô 16 có viết thêm đôi điều khích lệ dân con qua tông thư “Lời Chúa” năm 2010, như sau:
“Thánh Giê-rô-ni-mô xưa từng nhắc ta không nên đọc Sách thánh riêng một mình. Bởi, thực trạng là có quá nhiều chiều hướng chống đối thường hay sai phạm, ngộ nhận. Kinh Thánh là Sách được người của Chúa viết cho Dân Ngài, có sự gợi hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ khi nào ta hiệp thông với Dân Con Chúa ta mới có thể cùng mọi người đi vào tâm can sự thật Chúa muốn chuyển cho ta, mà thôi”. (x. Tông Huấn đã trích dẫn đoạn 30).
Xem thế thì, Hội thánh đặt nền tảng giáo huấn của Kinh thánh và Thánh Truyền là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cắt nghĩa Kinh thánh mà thôi. Mọi chú giải hoặc cắt nghĩa xảy đến hôm nay, đều phải nhất quán với giáo huấn của Hội thánh và không bao giờ được phép đi ngược lại giáo huấn ấy.” (x.Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 22/1/12 t. 10)
Trong khi đó, Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh khi viết suy niệm Lời Chúa vào mỗi tuần, khi bàn về câu Kinh Thánh nói: ”Con Người không có chỗ tựa đầu”, có lời bàn như sau:
“Đọc Tin Mừng về nơi ăn chốn ở của Đức Chúa, có lẽ cũng nên thận trọng đừng đem ý niệm tài sản/sở hữu ra khỏi nhận thức về gia đình đông con vẫn thấy ở Trung Đông, vào thời đó.” (x. www.suyniemloingai.blogspot.com CN thứ Tư thường niên năm B 29.01.2012)
Với Gs Robin R. Meyers, trong cuốn “Cứu Đức Giêsu Khỏi Giáo Hội: Làm Sao Ngưng Việc Phụng Thờ Đức Chúa nhưng Hãy Bắt Đầu Theo Chân Ngài”, lại đã viết:
“Cầu mong sao tất cả những ai đang làm việc trong các ngành nghề dễ ngộ nhận, hiểm nguy và cao cả được khích lệ gợi hứng để xác định rằng tâm can và đầu óc con người là đối tác đồng đều, khi tin tưởng. Sợ rằng hội thánh lại sẽ tạo nhiều mảnh vụn bảo tàng viện trong đó hàng giáo sĩ biến thành biếm hoạ hiền lành nhưng ngộ nghĩnh, tức cười. Một lần nữa, ta nên cống hiến chính mình để đáp ứng lời mời gọi từ nơi hoang dã. Đó là nơi kéo ta ra khỏi đời sống dễ chịu mà đi vào ngành nào khả dĩ chỉ nói sự thật là thành phần của công việc diễn giải. Và, cũng cầu mong sao ta không còn sợ ai và tín điều gì hiệp lực với tính nhút nhát của con người. Cũng cầu sao cho ta khích lệ và yểm trợ nhau trong quyết tâm với Đạo giáo có trách nhiệm về Lời Chúa, thật thà với trí tuệ, toại nguyện về cảm xúc và quan tâm đến xã hội.” (x. Ms Robin R. Meyers, Saving Jesus from The Church: How to Stop Worshipping Christ and Start Following Jesus, HarperCollins New York 2009, Lời Nói Đầu)
Với Gm John Shelby Spong thì lại khác. Tuy không là Giáo sư Triết/Tthần như Robin R. Meyers, Gm John S. Spong vẫn có tư cách và kinh nghiệm mục vụ cũng từng giảng dạy rất nhiều ngày để có thể tuyên bố:
“Tôi nâng kính Sách Thánh trước mặt mọi người cố tìm xem có ai gan dạ đủ để giải thoát Thánh Kinh khỏi mọi khuôn phép từ chủ thuyết quyết diễn giải Kinh Sách theo nghĩa đen đến mức độ như người không hồn. Đồng thời, quyết biểu thị Kinh Sách của Chúa như tài liệu quý giá sâu sắc, vẫn phù hợp với con người hôm nay cả về uy lực lẫn tính xác thực.” (x. Gm John Shelby Spong, Rescuing the Bible from the Fundamentalists, HarperCollins Publishers New York 1991)
Về lập trường chú giải Kinh Sách của tác giả John S. Spong khi khuyên can mọi người hãy cứu lấy Sách thánh, báo New York Times, còn viết thêm đôi điều để thăng hoa tiến cử:
“Cuốn sách bán rất chạy đầy khiêu khích của vị Giám mục mà tên tuổi và tiếng tăm của ông từng gây tranh cãi, cho người đọc thấy rằng: thông thường, nhiều người vẫn cứ giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen cốt duy trì tình trạng nô lệ, hoặc nhằm cấm cản việc ra sách giáo khoa, hoặc chối bỏ quyền của người đồng tính, đồng thời còn hạ thấp giá trị phụ nữ, và để biện minh cho cuộc chiến lẫn hận thù hận. Gm John S. Spong đã kết hợp sự uyên bác của Kinh Thánh với nền khoa học hiện đại, với lòng yêu thương đậm sâu tôn kính Thánh Kinh, ngõ hầu nâng cao Kinh thánh đem Kinh thánh ra khỏi thành kiến cũng như tính thiên vị khỏi các thời kỳ văn hoá đã qua. Bằng vào tài năng nổ, trực tính và lòng xót thương, Gm John S. Spong đã giải thoát sứ điệp hy vọng của Thánh Kinh cho mọi dân tộc.” (New York Times-sđd bìa 4)
Trong khi đó, nhóm phê bình sách Booklist ở Mỹ cũng đề cập đến lập trường của Gm John S. Spong về quyền tiếp cận Kinh thánh:
“Giám mục John Spong muốn đưa Kinh Thánh về với thế kỷ thứ 20 bằng việc tập trung vào sự thật miên trường của Kinh Sách hơn vào những sai sót mang tính lịch sử, triết thuyết hoặc khoa học vốn tạo ra một vài trừ hao thường xảy đến. Tác giả John S. Spong đưa ra những ý tưởng hấp dẫn có suy tư rất kỹ và ông từng muốn người người trở về với Thánh Kinh.”
Về với vấn nạn ghi trên, đấng bậc vị vọng thuộc tuần báo Công giáo Sydney, lại đã ghi:
“Ngoài việc đưa ra giáo huấn thông thường dựa trên Kinh Sách, Hội Thánh cũng cho phép mọi người có được diễn giải đích thực về chương đoạn đặc biệt nào đó, ngõ hầu đáp trả một số câu hỏi hoặc vấn đề còn trong vòng tranh cãi, dù việc này xảy ra cũng không thường. Chẳng hạn như, Công Đồng Triđentinô định nghĩa Lời Chúa nơi câu nói: “Này là Mình Ta”, là có ý xác nhận sự Hiện Hữu Đích Thực của Đức Kitô trong Thánh Thể.” (x. Tông thư đã dẫn câu 874 và thư thánh Giacôbê Gb 5: 14 về truyền bá Bí tích Xức dầu.” (x. Tông Thư đã dẫn câu 908)
Về với lời bàn rất “Mao tôn Cương”, bần đạo đây chỉ biết hương mắt hoặc vểnh tai ra mà nghe hoặc chọn lựa thái độ rất “nhu” chứ không “cương” bậy, kẻo ăn gậy. Vì tài sức quá non yếu biết gì mà thưa thốt, nên chỉ dựa cột rồi lang thang trên trang mạng cùng điện thư, bỗng gặp bạn bè gửi cho truyện kể để minh hoạ cho lời bàn, tuy không liên quan đến đề tài được kể, nhưng cũng đủ để bần đạo mời tôi/mời bạn, ta suy tư về kho tàng quý giá, đáng trân trọng.
Truyện kể, rất như sau:
Thời buổi này có cái gì mà không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện tử v...v... mọi thứ đều hạ giá tuốt tuồn tuột!
Tôi cầm mảnh bằng đại học cạy cục mãi vẫn chưa tìm được việc làm, bèn bắt chước nhiều người cũng nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Lev Tolstoy, Rabinadath Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... thảy đều bị “hạ” nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi:
-Nên cười hay nên khóc, thưa chư liệt vị?
Cách đây ít lâu, có một lão ông dáng hình tiều tụy mang đến bán hai pho sách dày. Một, là “Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh do Khai Trí tái bản. Cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẻ, tôi mua ngay. Ấn bản này, mà gặp khách hiểu biết, bán cũng được lời. Ngoài bìa và ở một số trang ruột mỗi cuốn, đều in dấu son hình ellipse: “Bibliothèque - Đô Bi - Professeur”. À, té ra ông lão vốn từng là giáo chức. Thảo nào!
Cất tiền vào ví rồi mà lão ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngoảnh lại nhìn những tài liệu - di sản phải đứt ruột mà bán đi. Ngoái cổ mãi mấy lần ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp đi. Mắt ông đỏ hoe. Lòng tôi chợt se lại!
Chiều 25 Tết. Ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm, ngồi chồm hổm chờ khách mua. Qua đường chẳng ai thấy, lá vàng rơi trên giấy. Sài Gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ Vũ Đình Liên. Nhưng bụi đường thì có đủ: đủ khổ thứ dân lê lết vệ đường như tôi.
-Anh mua bánh bò, bánh tiêu không anh? Một chị hàng rong đến mời. Tôi lắc đầu nguầy nguậy. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ sách. Ngồi thụp xuống, Chị đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia cứ lật lật, rồi lật lật. Xong, chị hỏi giá cả của hai cuốn. Nghe nói giá xong, chị ngần ngừ một lúc, rồi hỏi:
-Anh có bán... trả góp không?
-Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở đại hạ giá ai đời lại bán trả góp bao giờ? Vả lại, tôi nào biết chị là ai, ở đâu đâu?
-Tôi cần mua cả hai - chị nói tiếp - xin anh giữ, đừng bán cho người khác. Khi nào góp tiền đủ, tôi sẽ quay đến lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi với. Thấy lạ, tôi bèn hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Đô Bi chính là thầy cũ của chị. Chị Tám (tên chị) bất chợt nhìn thấy dấu son quen thuộc, hiểu ra hoàn cảnh thầy cũ của mình, bèn nảy ý chuộc lại để tặng cho người mình từng thọ giáo. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại phải nuôi con nhỏ, tiền đào đâu ra để mua một lần, nên chị mới xin mua trả góp. Tôi cảm động quá, trao tay cho chị Tám và nói:
-Chị cầm lấy, kịp làm quà Tết cho thầy. Tôi chỉ xin lại đúng số vốn thôi.
-Nhưng...
-Đừng ngại, chị trả dần sau này cũng được. Chị mừng rỡ, cuống quít trả tôi một ít tiền.
-Chao ôi, quý hóa quá! Cảm ơn... cảm ơn... anh nhá!
Ngày mai lại, chị Tám trả tiếp số tiền cho tôi, rồi kể:
-Tình cảnh của thầy Bi tôi thảm thiết lắm... Gần Tết, cô lại ngã bệnh... Nhìn thầy nhận lại sách, thấy mà phát tội!... Thầy cũ trò xưa khóc, khóc mãi!
Nghe kể, tôi bỗng muốn nhảy cỡn lên và thét: “Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski... ơi! Ông Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng cùng ông Ngô... ơi! Có những thứ người ta không thể hạ giá được! Có những người tuy vô danh tiểu tốt nhưng các ông và tôi cũng không thể hạ giá những kiệt tác của họ được, là ‘Tấm lòng’ của họ, các ông có biết không?”
Thật rất đúng. Lòng người, ai nào dám hạ thấp. Nhất là tấm lòng đó là của chị Tám, người học trò đối với thày cũ. Cũng hệt như thế, lòng người con ở đời đối với đại tác phẩm là Kinh Sách gồm Lời Vàng của Đức Chúa, làm sao dám hạ thấp hoặc coi thường, dù có ai đó sử dụng trăm phương ngàn kế để phân tách, lý giải!
Thế nên, cũng đề nghị với bạn và với tôi, đôi điều rằng: nếu ở vào giây phút khó xử hoặc tình trạng ắc tách đến mấy đi nữa, thì hãy cứ thầm lặng nguyện cầu cho thật lâu, rồi ra cũng sẽ được ánh sáng ở cuối đường hầm như sau. Như sau, là cuối cùng gặp được bạn hiền có lời thơ ăn ý, vẫn hát rằng:
“Mặc lấy Đức Kitô, Khuôn Mặt thật hiền hoà,
Mặc lấy Đức Kitô, Tấm Lòng luôn thiết tha.
Mặc lấy Đức Kitô, Môi Miệng Lời thật thà,
Mặc lấy Đức Kitô, nguyễn vâng phục theo Cha.”
Cuộc sống kiếp lữ khách, lộ trình xa ôi thật xa,
Dọc đường nguy nan phong ba, đơn độc đấu tranh nghiệt ngã,
Kìa bỗng Ngài tiến đến, nhẹ cầm tay nâng mình lên,
Ủi an như mẹ hiền, chính Ngài Chúa Bình Yên…”
(Tiến Lộc/Quang Uy – Trường Ca Đức Kitô)
Quả là, Trường ca ấy/Kinh sách này vẫn là lời ca tung hô Đức Chúa rất Bình Yên. Đức Chúa, vẫn ủi an người đơn độc đang “đấu tranh nghiệt ngã”, hoặc “gặp nguy nan phong ba” trong tiến trình tìm hiểu sự việc diễn tiến nơi Kinh Sách, vẫn cứ nghĩ và cứ hiểu từng chữ trong Sách ấy, theo nghĩa rất đen, của lịch sử.
Vì thế nên, khi ngâm nga lời ca nhẹ nơi Trường Ca Đức Kitô rồi, bần đạo bèn tự hứa với lòng mình rằng: nếu gặp lại thành viên nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” ở Sydney, nguyện sẽ nhắn với bạn rằng: nếu thấy thánh Gioan nói “Chúa viết viết trên cát…” bạn cũng đừng tìm xem Ngài viết những gì, mà chỉ nên hiểu xem thánh sử muốn nói điều gì khi viết lên câu ấy.
Nhắn bạn rồi, bần đạo sẽ lại cứ như thế tiếp tục hát khúc “Trường Ca” như sau:
“Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình.
Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh.
Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình,
Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh…”
Hát câu ca này rồi, chắc chắn bạn và tôi, ta sẽ lại lên đường mà tìm kiếm. Để rồi sẽ còn gặp chính Đức Kitô, không chỉ nơi Kinh và Sách mà thôi, nhưng còn ở hết mọi người. Trong đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Còn viết và lách là còn gặp
không chỉ mỗi Con Người ở đời,
mà cả những người con của Chúa,
dẫy đầy khắp mọi nơi.
Vào mọi thời.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment