Saturday 12 March 2011

“Kể từ em, đem cô đơn mọc lên phố vắng”

Khi em mang nụ cười khỏi đời. Từng chiều rơi nghe như cõi lòng mình tê tái Ngỡ như đời còn gọi tên nhau” (Từ Công Phụng – Tuổi Xa Người) (Ga 12: 32) Đặt đầu đề cho nhạc bản mình vừa viết, mà tác giả lại gọi là “Tuổi Xa Người”, có quá đáng không? Bởi, tuổi người đâu có là linh hồn mà bảo xa với gần. Hoặc, tác giả đây muốn nói đến tình huống “cô đơn”, “tê tái”, một cõi lòng. Rồi lại bảo: “phố vắng”, “nụ cười”, “từng chiều rơi”, vv và vv.. Nếu là nhà Đạo, hẳn tác giả sẽ gán ghép tư tưởng ấy vào buổi nguyện cầu ngày Chay thánh, rất lễ tro? Thế nhưng, ngay sau đó, tác giả lại đã hát: “Ngày đó khi một lần, một lần tiếng hát Đồng lõa đưa em vào vùng trời lấp lánh Bằng những cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến. Em, em xa dần ngàn đời hoang vắng tôi đi về buồn chưng kẽ tóc bước chân này còn trọn kiếp hoang vu.” (Từ Công Phụng – bđd) À thì ra, tiếng em ca hát, nhiều lắm cũng chỉ là: “đồng loã đưa em vào vùng trời lấp lánh”, với “cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến.” Để rồi, em “xa dần ngàn đời hoang vắng”, và “bước chân này còn trọn kiếp hoang vu…” Ôi thôi là lời lẽ, những âm nhạc. Ấy đấy, là ý tưởng với hồn thơ. Mấy ngày nay, bần đạo cũng đi vào chốn “ngàn đời hoang vắng” có suy tư về những kiêng khem/tự kiểm, của mùa Chay. Gọi suy tư, là nói về những tư lự, rất suy và cũng nghĩ. Suy tư hay suy nghĩ về trạng huống chay kiêng, một tình tự cũng bôn ba, vương vấn, vẫn là tâm tư người nhà Đạo, như bầy tôi đây, lúc này. May thay, nhờ ơn Trên soi sáng, bần đạo nhặt nhạnh được đoạn chú giải của bậc thày đàn anh đã từng viết về động thái đúng đắn cần có vào chay mùa, như sau: “Ngày nay phụng vụ Mùa Chay cũng không ngừng loan báo Tin Mừng. “Mầu nhiệm Vượt Qua”, “hình ảnh Con Chúa Phục Sinh” (lời nguyện làm phép tro). “Trên núi thánh, bày tỏ vinh quang Ngài (…) Ngài đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang Phục Sinh” (Tiền tụng Chúa Nhật II Mùa Chay) “dịp thanh tẩy tâm hồn và hân hoan đón mừng các mầu nhiệm Vượt Qua” (Tiền tụng Mùa Chay I); “Sức mạnh của thập giá chứng tỏ rằng thế gian đã bị lên án và quyền lực của Đấng bị đóng đinh nay được sáng ngời” (Tiền tụng Thương Khó I). “Đã gần tới những ngày Đức Kitô chịu khổ hình để cứu độ và sống lại vinh quang…” (Tiền tụng Thương khó II). Mùa Chay, hay lúc nào khác trong năm, thì Phụng vụ vẫn là xum họp quanh Chúa Kitô đã sống lại, “không còn chết nữa” (Rm 6: 4): người tín hữu không bao giờ còn phải ”đi tìm Đấng Sống giữa những người chết” (Lc 24: 5). Cách thức Vượt Qua, Vọng Phục Sinh mới cốt cách, tinh thần của cả Mùa Chay. (x. Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, Cơ Sở Hy Vọng 2002, tr. 156)” Hiểu được tinh thần của Mùa Chay theo chiều hướng ấy, hẳn bạn và tôi, ta sẽ hát: “Một chiều êm tay đan tay dìu nhau trên lối Đưa em đi nhè nhẹ vào đời. Bằng vòng tay tôi nâng niu mùa thu thức giấc Đưa em vào ngày tháng vỗ về” (Từ Công Phụng – bđd) Vỗ về nhiều ngày tháng, hỡi bạn và tôi, ta hãy cứ “tay đan tay” dìu nhau mà đi. Đi vào đời, để thấy rằng đời mình/đời người, ai cũng gặp được ở đâu đó, những ý tưởng/ý hướng rất “trí lớn gặp nhau”, như sau: “Mùa Chay là thời gian dài đằng đẵng để mọi người chuẩn bị cho lễ hội lớn lao nhất trong năm Phụng vụ: Lễ hội Phục Sinh rất quang vinh của Đức Chúa. Lễ Hội Phục Sinh, đến lượt mình, chấm dứt Tam Nhật Vượt Qua, trong đó Hội thánh cử hành tưởng nhớ nỗi niềm khổ đau đến chết của Đức Kitô, để mang đến cho loài người, ơn cứu độ. Vào mùa chiêm niệm rất Chay, hôm nay, ta tháp tùng Chúa qua đoạn đường khổ ải để cùng Ngài Sống Lại. Có làm thế, ta mới sống thực lời Ngài gọi mời ở Tin Mừng: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16: 24) Mùa Chay, là thời gian để ta quan tâm tự hỏi: mình nên làm gì hơn thêm? hơn là tự nhủ “hãy nên từ bỏ những gì”. Nếu ta sống thực những điều như thế cho thật tốt, thì có lẽ cũng chẳng cần chờ đến Phục Sinh mới hưởng được niềm vui Chúa tặng ban. Hiểu mùa Chay theo ý nghĩa đích thực là như thế, thì rồi đối với ta, mỗi ngày trong đời sẽ là Lễ Hội Phục Sinh kéo dài để ta càng gần gũi Đức Kitô hơn qua việc từ bỏ chính mình, bằng những nguyện cầu và động thái mến thương người đồng loại.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 28/2/2011, tr. 10) “Tay đan tay, đi vào đời”, để rồi sẽ lại gặp giòng chảy khác, cũng ưu tư không kém về ý nghĩa của chay kiêng/nguyện cầu, rất như sau: “Trong những ngày qua, tôi thường nghe những câu đại loại như: mùa chay này, ta nên từ bỏ hay hy sinh điều gì đây? Hoặc: ta sẽ làm gì để Mùa Chay này mang nhiều ý nghĩa? Người thì quyết tâm bỏ thuốc lá. Kẻ thì cố gắng bỏ uống bia. Người khác có ý định bỏ ăn đồ ngọt, vv. Nói chung, những ý ngay lành nói trên và những ước muốn hy sinh tương tự, cũng đều tốt. Tuy nhiên, các lực sĩ hay nhà thể thao không chỉ thực hiện những điều ấy trong mùa chay, thôi. Họ tập luyện và từ bỏ những gì cấm kỵ trong suốt đời mình. Vậy, ta phải làm gì cho xứng với yêu cầu của Mùa Chay?... Thay vì đi tìm lời đáp cho câu hỏi: ta nên hy sinh/từ bỏ điều gì trong mùa Chay này, tôi nghĩ đến điều tích cực hơn, là: tự vấn xem mình sẽ làm thêm điều gì. Nói đến việc chúng ta cần từ bỏ điều gì, vẫn có thể hiểu ngầm là ta có quyền trên điều đó. Rồi vì hy sinh, nên ta mới từ bỏ nó… Nhưng thật ra, ta có quyền gì đâu? Những gì ta có, đều do Trên ban. Trong các trình thuật kể về việc Chúa Giêsu tìm ẩn dật trong hoang địa, sa mạc không thấy nói đến việc Chúa từ bỏ. Tất cả những gì Chúa làm, là Ngài làm cho Thiên Chúa, Cha Ngài. Và từ đó, mối quan hệ giữa Ngài và Cha càng mật thiết hơn. Cả Hai như một vậy. Từ bỏ thói hư tật xấu, là những việc làm đáng cổ võ, khích lệ. Nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Vì, như nhành nho, chúng không chỉ bị tỉa mà còn phải đơm hoa kết trái nữa. Và, chỉ có ở trong Tình yêu và sự cộng tác của Thiên Chúa thì hoa trái mới sinh ra và tồn tại mãi.” (x. Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR, Chay Mùa Đã Đến, www.giadinhanphong.blogspot.com 10/3/2011) Nói thế, là nói khác người nghệ sĩ cũng từng đi. Nghệ sĩ đi, không nhất thiết phải “tay đan tay” đi vào cuộc tình có những điều cần thêm hay bớt. Mà là: đi vào cuộc tình có thi ca/âm nhạc, lời chưa vui: “Một mình đi, lang thang trong mùa đông rét mướt nghe bơ vơ hồn mình, lạc loài Buồn dậy lên, trên dung nhan gầy xanh của tuổi trên tháng ngày hằn vết đời mình. “Trời mùa Đông, hong khô đi niềm tin sỏi đá trên đôi tay này mình còn gì. Và giòng sông, trôi đi vô tình mang tất cả cuộc đời này, của người hay tôi.” (Từ Công Phụng – bđd) Ở giòng sông cuộc đời, vào trời Đông, tuy “hong khô niềm tin sỏi đá”, nhưng đâu nào đã vô tình “trôi đi”, “mang tất cả, của người hay tôi”, được. Bởi, cả khi Ngài sắp sửa ra đi, Chúa vẫn quả quyết rằng: “Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta.” (Ga 12: 32) Xem thế thì, khi được “giương cao khỏi đất” rất Chay kiêng, là lôi kéo cuốn hút mọi người về lại với Ngài. Về với Tình yêu thương, như Chúa nói. “Giương cao khỏi đất”, để hiểu rõ hơn ý nghĩa của chay kiêng/nguyện cầu, rất đợi “Giờ”. Đợi “Giờ”, là ý nghĩa khác nữa của Chay kiêng rất thánh thiêng như nhận định của bậc thày đàn anh, từng bày tỏ: “Mùa Chay là mùa Vọng Phục Sinh. Mùa đợi “Giờ”. Không lạ gì ngày Thứ Sáu Thánh, ngay sau khi công bố tường thuật thương khó, Hội thánh tôn vinh thập giá và với lòng tin cậy hứng khởi, lạc quan tràn trề. Hội thánh dâng lời cầu nguyện cho từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cho khắp bàn dân thiên hạ, không trừ một ai. Ngay trên thập giá hạt giống đang sai hoa lắm quả và Chúa Kitô đang kéo mọi người lại với Ngài.” (x. Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, Cơ Sở Hy Vọng 2002, tr. 171) Đợi “Giờ” đây, là đợi chờ “Giờ” cứu độ từ Chúa, rất Phục Sinh. Nếu Chúa không Phục Sinh, thì cũng chẳng ai cần đợi đến thế. Chẳng có gì, để phải chờ như vậy. Đợi “Giờ” đây, là đợi chờ để có được một biến đổi. Biến đổi, từ tro bụi thành tình huống có sự sống mới. Sự sống đã phục hồi nhờ vào lửa Phục Sinh của Chúa. Biến đổi, từ trạng thái vỡ đổ/tàn lụi, thành tình huống biết dựng xây. Bồi đắp. Từ trạng thái nô lệ đoạ đày sang tình huống có tự do con cái Chúa. Từ suy sụp/gãy đổ sang hoà giải/đỡ nâng. Từ tình trạng chết chóc cảnh huống sinh động. Sinh động, có lửa cháy bừng bừng sức sống, Chúa đỡ nâng. Độ dài mùa Chay kiêng là một biến đổi rất kéo dài. Dài, những 40 ngày. 40 ngày, của đại hồng thủy. Của, lưu lạc nơi sa mạc. Của, thời gian dân Do thái cầu mong Môsê tiếp xúc với Giavê Thiên Chúa để rồi Ngài sẽ đỡ nâng. 40 ngày dài, khiến ngôn sứ Êlya cứ phải lang thang đây đó. 40 ngày dài/năm tháng, là thời gian chính Giôna đã loan báo việc Ninivê bị hủy diệt. 40 ngày dài, là thời gian Chúa chấp nhận thử thách/cám dỗ nơi sa mạc. Và, 40 ngày dài, là thời gian để mọi người thay đổi chính con người mình, tận thâm căn. Biến đổi, để tái sinh. Sống lại. Biến đổi thành người mới, Chúa ở cùng. Và, dù gì nữa, 40 ngày Chay kiêng biến đổi, sẽ không làm mọi người khô khan, chán nản. Sơ cứng. Nhưng vẫn kiên trì đủ như lời ca của nghệ sĩ từng hát: ““Ngày đó khi một lần, một lần tiếng hát Đồng lõa đưa em vào vùng trời lấp lánh Bằng những cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến…” (Từ Công Phụng – bđd) Cuối cùng thì, 40 ngày chay kiêng/biến đổi là tháng ngày đưa ta về với “cánh sao trời”. Với, “đôi mắt ngước trìu mến” của mẹ hiền, là Đức Kitô. Tháng ngày ấy, phút giây này, vẫn cứ là buổi chay kiêng rất tâm tịnh; ở đó, có ánh sáng vui tươi nhè nhẹ như truyện kể, để thư giãn, rất như sau: “Alexander là vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Thời khắc ấy, những vùng ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, thanh gươm sắc bén và giàu sang không còn mang ý nghĩa gì với ông nữa. Ông nhận ra rằng: cái chết sắp sửa đến; và ông sẽ không về kịp với mảnh đất quê hương mình. Ông bảo các sĩ quan dưới trướng rằng: -Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba nguyện ước. Các ngươi phải thực hiện những gì ta bảo. Các vị tướng tuân lệnh trong nước mắt dầm dề. -Nguyện ước đầu tiên của ta, là: hãy bảo thầy thuốc mang hòm rỗng của ta về một mình. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander lại nói tiếp: -Ước nguyện thứ hai của ta, là: hãy rải vàng bạc châu báu trong kho của ta suốt dọc đường đến tận nấm mồ của ta khi các ngươi mang quan tài ta ra nghĩa địa”. Sau khi quấn mình trong áo khoác và nghỉ ngơi một lúc, ông nói tiếp: -Nguyện ước cuối cùng của ta, là: hãy đặt 2 bàn tay ta ra ngoài cỗ quan tài. Mọi người quanh ông đều tò mò, nhưng không ai dám hỏi lý do tại sao thế. Vị cận tướng của Alexander hôn đôi bàn tay ông rồi hỏi: -Tâu đức Vua, hạ thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng xin Ngài có thể cho hạ thần biết tại sao Ngài lại muốn bề tôi làm như vậy? Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời: -Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta học được. Nguyện ước thứ nhất cốt để thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình, là cho người ta nhận ra rằng các thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho con người được. Chí ít, là khi con người đối diện với cái chết, thầy thuốc đều bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học ra được bài học này, là: biết trân quý sự sống của chính họ. Nguyện ước thứ hai của ta, là để nhắn mọi người rằng: không nên bắt chước ta theo đuổi giấc mộng làm giàu. Nếu ta bỏ cả một đời chạy theo sự giàu sang phú quý, ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian quý báu của chính con người. Nguyện ước thứ ba của ta, là để người đời hiểu rằng: ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời thế gian này cũng với hai bàn tay trắng, mà thôi. Nói xong ông nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng, ra đi rất thanh thản.” Thế ấy, là kinh nghiệm của vua quan/lãnh chúa, về cuộc đời có nỗi chết. Thế ấy, là lời bàn rất “Mao Tôn Cương” của người kể để nói về những tháng ngày ròng rã khổ đau. Âu sầu. Buồn bã. Những tháng ngày dài của cuộc sống, rất đời thường. Những 40 ngày đêm chuyên chăm nguyện cầu. Những ngày tháng có cuộc sống rất bức bách. Luôn tự vấn về những hành xử của chính mình, suốt cuộc sống, dưới ánh sáng của Phục Sinh, quang vinh. Cuối cùng thì, sống đời người cho có nghĩa, sẽ làm bạn làm tôi biết hy vọng vào những ngày vui. Vui, như Phục sinh mới. Vui, vì đã tìm ra cứu cánh cuộc đời, dù vẫn còn chìm đắm trong thương đau. Phiền muộn. Bởi, đau thương/phiền muộn rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ, chẳng bao giờ kéo dài mãi, đến thiên thu. Bởi, Đức Chúa đã khẳng định với những kẻ quyết đi vào trầm lặng, rất Chay kiêng, rằng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được sự sống đời đời.” (Ga 12: 25) Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ nên hy vọng và tin vào lời Chúa hứa. Hãy cứ thực hiện Lời Ngài, mỗi ngày trong đời. Cứ sống niềm vui Phục Sinh, giữa Mùa Chay kiêng, để rồi, tự khắc sẽ thụ hưởng tương lai mai ngày, rất ngời sáng. Trần Ngọc Mười Hai Tự thấy nên nhắc nhở mình nhắc nhở người, về lời hứa của Chúa. Như Ngài từng dặn dò bấy lâu nay.

1 comment:

Unknown said...

Phê bình âm nhạc, nghệ thuật như ông thì hỏng bét.
Cuồng tín!