Saturday 10 October 2009

“Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng”

Lòng đang giá băng,

bỗng ngập tràn muôn tia nắng;”

(Tùng Giang – biết đến thuở nào)

(Lc 10: 33-37)

Lời nghệ sĩ, khi xưa viết. Nghe phát khiếp. Mới lần đầu gặp nhau, sao đã thấy cuồng quay nhiều tinh tú. Quay và cuồng, đâu có là chuyện của tinh tú. Cuồng rồi quay, cũng chẳng là chuyện của anh. Của em. Của nhiều người. Chí ít, là truyện kể, như bên dưới.

“Truyện rằng:

Ông nội lâu nay vẫn cố dạy cho bé hiểu đôi chút về giáo lý ông thuộc nằm lòng, từ thời bé. Những chuyện, như: Chúa là Đấng dựng nên bé theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa là Cha sống ở trên trời. Bé là đứa con ngoan, được Chúa yêu hết mình… Nói tới đó, bỗng cháu của ông nội bèn lấy tay bịt miệng ông, rồi bảo:

-Không phải đâu, ông ơi.

-Sao lại không, hả cháu? Cái này ông thuộc lòng như cháo, ấy mà.

-Không đâu. Ở trường, thày cô bao giờ cũng đọc sách cho cháu biết. Các người ấy cứ bảo: con người khi xưa biến hoá từ loài khỉ, hoặc đười ươi, đó ông. Không có Thần linh Thượng Đế nào dựng ra con người đâu. Chỉ là vạn vật biến hoá đó thôi.

-Thế thì, ông nội phải lôi mấy ông thày bà cô này ra toà mới được. Nói sai bét mà cứ còn nhồi sọ cho ba đứa trẻ làm cháu của ông nay tin vào những chuyện nhảm nhí như thế!”

Sự thật, thì: nhảm nhí đâu do truyện thày cô kể, về biến hoá. Nhảm nhí, là ta dạy cho bày trẻ điều gì thì không dạy, lại cứ tìm ba cái sách khoa học, ra mà đọc cho con trẻ nghe. Đầu óc chúng còn bé, nghe riết rồi sẽ quay cuồng, như tinh tú trên trời. Như, sao Hoả sao Kim, xẹt qua xẹt lại, nhiều xót xa, như câu ca ta nghe tiếp:

“Nghe bao xót xa, vụt bay theo cánh chim ngàn,

Dừng bước nơi này, chỉ còn em với ta…” (Tùng Giang – bđd)

Quả là, xót xa và quay cuồng, đâu như tinh tú. Trên trời. Mà, chỉ như tình em với ta. Tình ta với người. Những là, người thân, rất cận thân hay cận lân. Láng giềng. Chòm xóm. Có lẽ, cũng chỉ vì cứ coi chòm xóm, láng giềng như người dưng khách lạ nên mới có giòng chảy xót xa đau , như sau:

“Ngỡ ngàng nhìn em, như đã quen rồi

Hỏi em biết chăng, những bàng hoàng giăng vây kín

Như muôn tóc mây quyện vương đôi mắt nhung huyền

Mộng ước đây rồi… sao ngại ngùng vương trong ta.” (Tùng Giang –bđd)

Nói cho cùng, thì: ngại ngùng, xót xa, quay cuồng, chỉ là tình tự trong đời, mình hay gặp. Gặp nhiều nhất, là cảm xúc xa lạ, thiếu tôn kính. Những tôn trọng. Và, tôn phục. Tôn và phục, là một trong các vấn đề thời đại, hôm nay. Ở xã hội văn mình hôm nay, đời thường người nghe thấy: một trong các vấn đề khá gai góc. Hơi khó phiếm. Và đụng chạm.

Thôi thì, để tránh cho khỏi đụng và chạm, bất cứ ai, xin mời bạn - mời tôi, ta thử mạn rồi đàm bâng quơ, như chua giờ biết phiếm. Cũng hay. Nên làm. Vậy, ta cứ thử. Thử đàn, thử hát đôi giòng nhạc, người nghệ sĩ hát:

“Bao đêm cô đơn, miên man với niềm thương nhớ

Suy tư âu lo, men thuốc đắng trên môi

Đã xót xa nhiều mà sao không nói nên lời

Đành thôi ôm trọn, mối u hoài trong tâm tư..”(Tùng Giang – bđd)

Vậy thì, để tránh cơn “u hoài, ôm trọn trong tâm tư”, nay ta phiếm:

Thoạt nhìn, ra như ta thấy: tôn kính lỉnh kỉnh chuyện tôn trọng, chỉ là một việc hời hợt. Lịch sự bề ngoài. Ít nghe quen. Thực tế, ngay từ nhỏ, ta đã được dạy: hãy biết thảo kính cha mẹ. Tôn kính, các bậc tiền nhân. Tiền bối. Rất đáng tôn phục. Các bậc ấy, nay đếm trên đầu ngón tay, như: mẹ cha. Cô thày. Thẩm phán. Linh mục, vv.

Thoạt đầu, nhiều người cứ tưởng tôn kính hay tôn phục, chỉ là điều giả tưởng. Hoặc, do con người tạo ra. Tạo thành cả những điều được gọi là điều răn, giới lệnh được Hội thánh cổ võ, suốt nhiều thế kỷ. Tôn kính và khâm phục, thường trực chỉ các đấng vị vọng. Tôn và kính đến độ, còn khuyên kẻ ở dưới hãy bái gối hôn tay hôn nhẫn các vị có chức, có quyền ở bên trên. Trong nhà Đạo. Nhưng, lâu dần, rồi cũng quên. Hoặc, cũng thấy kỳ.

Ngày nay, muốn giữ những điều khoản ấy, chắc phải tìm hiểu cho sâu cho sát với thực tại.

Thực tại, thực tế nghĩa là: cử chỉ tôn kính phải nằm trong con tim, của bất cứ một tương quan/quan hệ giữa người với người. Sâu sát hơn, không chỉ là dáng điệu của nề nếp, lịch sự. Mà thôi. Như thế, có nghĩa là: khi tôn và kính ai đó, phải hiểu là mình nhìn người ấy hoặc người khác, như chính mình. Người ấy, hoặc đấng ấy phải là đấng, là vị có mặt ở vào trọng tâm cuộc đời của chính ta.

Người ấy, vị ấy có tư tưởng và cảm tính, cũng như hy vọng hoặc hãi sợ, hệt như ta. Các đấng bậc ấy, cũng có tự do trong yêu đương. Cũng lạnh như tiền, giống với ta, ở vào giây phút lạnh cẳng, lạnh tanh, mọi lãnh vực. Nhưng, các vị ấy/đấng ấy không bao giờ là vật/phẩm ta có thể sở hữu. Cũng chẳng là chiếc máy vô tâm, ta khống chế. Kiểm soát. Cũng chẳng là đồ chơi, ta vui đùa.

Nói cách khác, tôn kính/tôn phục khởi từ việc ta nhìn các vị, bằng mắt thịt. Chứ không phải như đồ dùng, ta vẫn mua. Vẫn bán. Nên, khi nhìn vào mắt của các vị ấy, ta mới thấy là các cụ cũng có những chuyện riêng tư, của chính mình. Nhưng, thành công hơn ta. Vượt thắng, hơn ta. Chính đó, mới là lý do ta tán phục. Để rồi sẽ tìm hiểu thêm chi tiết cuộc đời, của các đấng.

Và khi đã phục lăn, hay phục thiệt người nào đó, ta lại sẽ theo đuôi người nghệ sĩ mà ca hát:

“Bao đêm cô đơn, miên man với niềm thương nhớ

Suy tư âu lo, men thuốc đắng trên môi

đã xót xa nhiều mà sao không nói nên lời

Đành xin ôm trọn mối u hoài trong tâm tư..” (Tùng Giang – bđd)

U hoài ở đây, hôm nay, chẳng phải là niềm u sầu, buồn giận, gì đâu đâu. U hoài, chỉ là nỗi niềm thương nhớ. Nhớ những gì, mình cũng được dạy bảo mà thi hành, từ Thánh Kinh. Nhưng, lại không làm được như các thánh.

Các thánh khi xưa, cũng biết kính và biết phục. Kính và phục, trong tương quan với mọi người. Tương quan chỉ chú trọng đến tâm can, của niềm tin. Nỗi niềm để ta tin, đều thấy nói ngay từ đầu. Ở cả Cựu Ước, lẫn Tân Ước.

Ở Cựu Ước, giới lệnh trước nhất và lớn nhất là kính trọng và thương mến Thiên Chúa là Đức Chúa Trời của ta, sau đến là thương yêu mọi người như chính ta, vậy.

Ở Tân Ước, Đức Giêsu chứng minh để ta thấy giới lệnh dạy cho mọi người, được Chúa thực hiện, trên thực tế. Bằng chính cuộc sống của Ngài. Khi Chúa được người nào đó hỏi về giới răn quan trọng, cần giữ là gì. Thì, Chúa lấy ví dụ về câu chuyện người Samaritanô tốt lành. Người này hơn hẳn người Do Thái, vẫn tự hào chỉ mình là số một. Hơn hẳn, người khác. Dân tộc khác. Chí ít, là ngoại bang. Lân cận.

Kinh Sách Đạo Chúa, còn kể nhiều về các trường hợp Đức Giêsu vẫn dạy con dân/đồ đệ biết yêu thương kính trọng, hết mọi người. Chí ít, là những kẻ thấp bé, những hối nhân. Cả đến nữ phụ lăng loàn như Maria Magđala, hoặc các tay ‘trời đánh thánh vật’, đủ cỡ, như: giới thu thuế, tội phạm hình sự, các tay trộm cướp bị người đời sỉ vả, treo trên thập giá, như tên trộm lành, thật đáng đánh…

Chúa không cứng ngắc trong cung cách, những kính và trọng, mọi người. Ngài đối đáp trực diện. Lôi cuốn hết mọi người. Ngài ứng xử, hội nhập với họ. Cho họ, toàn bộ thời gian và ưu tư Ngài có sẵn. Ngài không thích ứng xử bề ngoài. Những hành vi, mang cung cách giả đạo giả đức, chỉ phô trương. Ngài chú trọng tôn và kính, có tác dụng đi sâu vào lòng người nhận biết. Để rồi, họ sẽ lại thuyết phục mọi người, theo Ngài. Sống như Ngài. Sống yêu thương, tôn trọng. Coi người khác như mình. Như, người cần được yêu. Tôn kính.

Sống như Ngài, và theo Ngài, là sẽ sống mà không quên điều Ngài vẫn nói. Sống và hát, như người nghệ sĩ ở trên, nay đã viết:

“Biết thuở nào quên, quên hết ưu phiền

để thôi xót xa, để bàng hoàng không vây kín

Bao nhiêu ước mơ rồi đây sẽ kết nên lời

mộng ước một ngày, thôi đợi chờ… ta có nhau.” (Tùng Giang – bđd)

Biết thuở nào quên, là bởi bản tính con người mình, rất dễ quên. Quên, bởi vì tôn và kính là chuyện, làm được nhưng không dễ. Không dễ, là vì: tỉ như, ta vẫn mắc nợ những tôn và kính, nhiều người. Nhiều đấng bậc, dù không cao. Nhưng dù có nợ, ta vẫn chẳng muốn tí nào, dù là những người ấy coi ta như bạn. Thậm chí, đôi khi ta còn muốn quên cả những việc tốt, người ấy/đấng ấy đã và đang làm cho ta.

Biết thuở nào quên, là quên đi việc người khác từng làm, cho người. Cho mình. Quên việc tốt, mà các chính trị gia tranh đấu cho ta, với tư cách dân thường ở huyện. Quên cả, việc lành mà thày cô từng dạy dỗ. Quên hết những hành vi thiện nguyện mà ai đó, dù là bạn hay thù vẫn nhất quyết đấu tranh để ta có được tương lai tốt đẹp. Thật dài lâu.

Biết thuở nào quên, là quên cả những phiền ưu trong cung cách của tôn và kính, thay đổi theo từng thời điểm. Từng tập tục văn hoá, của sắc tộc. Của địa phương. Mỗi vùng. Ví dụ dễ thấy nhất ở chuyện “quên hết ưu phiền”, là như: trong lối xưng hô. Thưa/gửi. Trong cả cung cách ta tỏ lộ, như cúi đầu, chào hỏi. Mỉm cười, tỏ bày sự vui tươi. Thích thú.

Biết thuở nào quên, còn là quên bẵng đi mất, cả những tập tục tỏ bày sự tôn kính. Tỉ như: chọc quê người nào cần được mọi người tôn trọng. Hoặc, trong cách xưng hô, gọi tên tục. Hoặc nói ra, tâm tánh của người mình không thích. Rồi cười phá lên. Đôi lúc, việc thiếu tôn và kính này, còn gây nên thảm trạng, mà trời Tây hay gặp phải, như khiến người bị chọc phải lùi vào bóng tối. Có khi, còn tự kết liễu cuộc đời, như thường thấy ở giới trẻ, một đôi nơi.

Bao nhiêu ước mơ, rồi đây sẽ kết nên lời, là như mơ ước có lại ở đâu đó, chốn nhà trường. Ở nơi đó, các bậc trên sẽ lại dạy dỗ nhóm học trò, những điều cần thiết trong cư xử. Những bài học “công dân”. Những câu chuyện đạo đức ở “giáo khoa thư”, vui nhiều hơn buồn. Những “hạnh các thánh” chủ trương khuyến khích người đọc, một tình huống nên sống. Nên bắt chước.

Tóm lại, những mong rằng: ước mơ về chuyện tốt lành, trong Đạo/ngoài đời, sẽ thành hiện thực. Ở muôn nơi. Cả ở trong nước, lẫn hải ngoại. Để rồi, sẽ không còn xảy ra, những chuyện cười ra nước, tréo cẳng ngỗng, như bên dưới. Để minh hoạ:

“Đấng cao niên nọ, đã và đang có vấn đề về lãng tai. Suốt nhiều năm. Cụ đi bác sĩ, và bác sĩ bảo: ông sẽ giúp cụ lắp đặt bộ phận “trợ thính” rất tối tân, sẽ giúp cụ nghe được mọi chuyện tới 99%, khả năng của người bình thường.

Một tháng sau, Cụ trở lại gặp bác sĩ. Lại được thông báo tin vui, rất an bình: Này thưa cụ, thính giác của cụ bây giờ kể như tuyệt vời. Không chỗ chê. Gia đình cụ chắc sẽ hài lòng vì nay cụ lại tìm thấy niềm vui, rất nghe ngóng, rồi đây…

Quả y như rằng, tài nghệ nghe và ngóng của cụ cao niên lịch lãm, nay trở về thời kỳ vàng son, như khi trước. Nghe bác sĩ bảo, cụ bèn kính cẩn thưa với gửi, dù vị chuyên gia làng thuốc kia, tuổi chỉ đáng con:

-Dạ thưa ngài bác sĩ rất yêu quý, tôi cũng chưa cho gia đình hay biết gì sốt cả. Mới chỉ ngồi nghe con cháu trong nhà bàn bạc chuyện di chúc riêng tư gia đình, thế thôi. Nhưng tôi cũng đã quyết định rồi. Xem ra, bọn chúng chẳng biết kính trọng gì bậc “già lão” chi hết. Thế cho nên, tôi đã lẳng lặng thay đổi di chúc, đến 3 lần…”

Đặt vấn đề tôn kính, và tôn phục, chỉ để nhớ lại nhiều điều tốt lành, ta được dạy, vào khi trước. Những điều đã được ghi, ở Kinh Sách, như sau:

“Hãy tôn trọng mọi người

và yêu mến người anh em

hãy kính trọng Thiên Chúa

hãy tôn trọng nhà vua.”

(1Pê 2: 17)

Lời cuối, biết thuở nào quên, còn nhắn nhủ: đừng nên quên rằng, ta vẫn là một Kitô hữu và mỗi Kitô hữu đều mang tính tư tế, vua quan, và Kitô khác (Alter Christus) nữa đấy.

Trần Ngọc Mười Hai

không quên rằng

mình là kẻ hèn mọn, bé nhỏ

vẫn kính trọng mọi đấng bậc

ở bên trên.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: