Saturday, 17 October 2009

“Ngoài hiên mưa rơi rơi,”

Lòng ai như chơi vơi Người ơi, nước mắt hoen mi rồi.”

(Trịnh Công Sơn – Ướt mi)

(Rm 12: 1)

Làm người đi Đạo… giữa đời, đôi lúc bà con mình tưởng cũng nên lắng tai xem, người đời nói thế nào về nhà Đạo, ở đời? Mới đây, có bạn đạo đã không nói mà chỉ kể cho bần đệ nghe về những gì bạn ấy đã tai nghe mắt thấy. Chuyện xảy đến, vào buổi lễ hôm ấy. Lễ, Chúa nhật thứ 26 thưòng niên năm B, có Lời Chúa về “cớ vấp phạm”. Trong lễ, đức thày nọ đưa ra bài chia sẻ, bảo rằng: “Chúa nói: nếu tay chân làm cớ cho ta sa ngã, thì hãy chặt nó đi; thà cụt tay mà vào Nước Trời còn hơn … vậy thì, người “phạm tình” tạo cớ vấp ngã, chặt gì đây?

Bần đạo không nghe sẻ chia, lẫn han hỏi, chỉ âm thầm dám hát theo người nghệ sĩ:

“Buồn ơi trong đêm thâu,

ôm ấp giùm ta nhé.

Người em thương mưa ngâu,

hãy khóc sầu nhân thế…” (TCS – bđd)

“Sầu nhân thế”, khi mưa ngâu. Hay, khi nghe “đức thày” giảng lời trái khoáy. Nổ lỗ tai. Cũng chẳng dám khóc/dám bàn, về thế thái nhân sinh, tình chia sẻ. Chia Lời xẻ Chúa. Đến thế là cùng!

Về sẻ chia ở nhà thờ, có đức thày khác từ miền cực Nam nước Úc ghé bến Sydney cũng đã sẻ san lời Chúa sao cho gần gũi/ấm cúng hôm Hiển Linh năm hai nghìn lẻ sáu, bèn mào đầu bằng lời kể rất ư là chắc nịch: “Ba Vua đến thờ lạy Chúa và dâng Ngài lễ vật gồm Vàng, Nhũ hoa… ấy quên, Nhũ hương, và Mộc dược…” Và kể xong, đức thày cứ cười một mình, trong bầu khí rất căng của giáo đường im ắng. Xấu hổ. Lặng im. Lặng và im, nhưng rất bất bình về lối tiếu lâm “mặn”, buổi ấy.

Về tiếu lâm chay hay mặn, ở giờ lễ, nhiều đức thày nay mải mê những kể và lể. Kể nhiều đến độ quên rằng truyện kể chỉ để minh hoạ/diễn giải đôi điều về thần học khô cứng, rồi giảng tiếp. Có vị, quên mất những chi tiết thần học thánh kinh mình từng trải. Quên cả mục đích cần nhắm đến là sẻ san thông điệp của Chúa, vào buổi lễ. Để rồi, gặp cảnh tượng trái khoáy. Khó xử. Chẳng mang tính tiếu lâm chút nào, như ở dưới:

“Đức thày, có cố tật là mỗi lần diễn giải Tin Mừng Hội thánh công bố, “ngài” thường dùng đôi ba truyện ngắn rất tiếu lâm, kể cho giáo dân nghe, đỡ ngủ vùi. Không những chỉ kể thôi, “đức ngài” lại còn chỉ vẽ đôi điều khác biệt giữa tiếu lâm Tây và châm …(chích) ngôn ta, mà giải trí. Đức ngài nói thế này:

-Để mở đầu và cũng để diễn giải ý tưởng Lời Chúa nói hôm nay, xin liệt kê ra đây vài ba giai thoại, để quý ông bà cô bác các anh chị nghe mà suy nghĩ, xem có đúng không. Bên Tây người ta nói: đàn ông chú trọng đến “sex” trước, rồi mới tính đến “love”; đàn bà, thì chú trọng đến “love” trước rồi mới chấp nhận “sex”.

Thấy giáo dân nghe có vẻ thâm thấm, “đức ngài” bèn tiếp tục giảng thêm một truyện nữa, mà rằng:

-Bên mình, người ta so sánh ba điều bốn chuyện về phong tục/tập quán, giữa Tây/ta, như sau: Tây có thói quen: ăn chậm, đi lẹ, hôn công khai, tè lén. Trong khi đó, người mình có thói tục: ăn lẹ, đi chậm, hôn lén, tè thì tè công khai.

Thấy câu chuyện thứ hai, không thuyết phục người nghe, dù họ là giáo dân rất tinh thông, “đức ngài” bèn giải tiếp: Với người Tây: họp bàn, thì tranh luận. Họp xong, thì thống nhất ý kiến; triển khai, thì nhất trí… Với người Việt: họp bàn, thì nhất trí. Họp xong, mới bắt đầu tranh luận; lúc triển khai, thì mỗi người mỗi ý… chẳng ra làm sao…

Tới đây, vị diễn giải bèn hết ý. Kể mãi, cũng chẳng thấy giáo dân cười đồng tình, hoặc đắc ý/đắc nhân tâm gì hết trọi. Người ngủ gật. Kẻ lật đật, cựa quậy xem ra có vẻ không ổn. Và cứ thế, diễn giải quên mất đề tài mình muốn giảng. Cứ thế, cụ kể mãi. Không tìm ra bãi để đáp nhẹ.

Trên đường về, vợ chồng giáo dân cười khe khẽ, bảo nhau: Chà! hôm nay ông thầy kể chuyện tiếu lâm sao nhạt quá. Giảng thì lòng vòng, dài dòng văn tự, không chỗ kết. Hôm nao, mình phải có ý kiến phản hồi, mới được. Con gái nghe thế, góp ý:

-Ba mẹ sao hay phê bình cha cố, quá à! Bỏ tiền nhà thờ thì ba mẹ chỉ bỏ có 50xu, làm sao cha giảng hay, cho được!...

Cô em nói có lý, tuy không đúng. Hay hoặc dở, đâu phải do mình bỏ tiền nhà thờ ít hoặc nhiều. Mà là, đôi bên người giảng và người nghe có kiên nhẫn hay không, thế thôi. Kiên nhẫn, đối với giáo dân, nhất là giáo dân Việt, là ngồi nghe dài mấy cũng không thành vấn đề. Kiên nhẫn, đối với diễn giả, là: biết giảng ngắn và gọn. Dùng đòn tâm lý, mà giảng. Kiên và nhẫn, là ở chỗ: biết nắm bắt và diễn giải một vài điểm trong Tin Mừng cách sao cho thích hợp với trình độ, của người nghe.

Về trình độ, cũng như tầm nhìn của người nghe, có truyện kể khác, tuy không hài hước tiếu lâm chay hay mặn, nhưng là bài học để đời. Để cho đời, thấy được những thứ như sau:

“Vợ chồng nọ, vừa dọn đến sống ở khu phố mới. Giờ điểm tâm, người vợ thấy bác hàng xóm, cứ chân cao chân thấp cố phơi tấm trải giường lên cho kịp nắng. Bà nói:

-Tội nghiệp cho cụ hàng xóm nhà mình quá, bố mày ạ. Cụ này, chắc yếu lắm rồi hay sao, mà giặt có mỗi tấm trải giường, cũng không sạch. Vẫn dơ như chưa giũ. Người chồng đến gần cửa sổ quan sát, chẳng nói chẳng rằng. Cứ lặng im. Không phẩm bình.

Ít lâu sau, cũng vào buổi sáng, lại thấy cụ hàng xóm lôi tấm trải giường ra phơi. Người vợ thấy tấm trải kỳ này sạch hơn trước, bèn lên tiếng:

-Bố mày nhìn kìa, thì ra cụ nay đã biết giặt biết giũ rồi. Hay, tại bố mình sang bên đó chỉ cho cụ biết cách mà giặt giũ, phải thế không?

-Không dám đâu! Đây, chẳng giảng và cũng chẳng dạy ai hết. Chả là hôm qua, anh đây vừa chùi kính cửa sổ nhà mình để “má nó” nhìn qua hàng xóm cho rõ hơn, thế thôi. Có lẽ nhờ đó mà má mày mới thấy sạch. Dù tấm trải.

Và, lời bàn của người kể hôm nay, là thế này: Cuộc đời ta khi nào cũng thế. Mọi sự có sạch trong hay không, điều đó còn tuỳ tầm nhìn của mỗi người. Bởi thế, trước khi phẩm bình người khác, cũng nên kiểm lại tầm nhìn của mình, đã.

Về giảng giải Lời Chúa, cũng thế. Giảng vui hay giảng giỏi, không thành vấn đề. Vấn đề chỉ thành, là khi người diễn và giảng thấy hài lòng và nắm chắc rằng: khi ra về, người nghe còn có “chút gì để nhớ, để thương”. Thương Chúa. Thương người. Nhiều hơn thương ta. Thương, như Lời Chúa vẫn diễn và vẫn giải, trong Kinh Sách rất Thánh. Ngoài ra, tất cả chỉ là phương cách chuyển tải thông điệp Chúa gửi, mà thôi.

Về sẻ chia, cũng đừng nên chia và sẻ một cách lê thê/lạnh lùng như lời ca ở dưới:

“Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về

nghe não nề…

Mưa kéo dài lê thê, những đêm khuya.

Lạnh ướt mi

Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông…” (TCS – bđd)

Chắc chắn, công tác giảng giải Lời Chúa, sẽ chẳng bao giờ giống thế. Trái lại, vẫn phải như huấn dụ gửi đến dân con, đầu năm 2009, có Đức Bênêđíchtô XVI từng nhắc nhở:

“Đời linh mục, rao truyền đạo giáo và cử hành phụng vụ phải đi đôi, không tách rời. Bởi, mục đích của sứ mạng truyền giáo các linh mục thi hành, đều mang tính chất phụng tự. Mục đích là để mọi người có thể tự hiến mình cho Chúa, như lễ vật sống động. Thánh thiêng. Đẹp ý Chúa.” (x. Lời Chúa và Bí tích, hai cột trụ của sứ vụ linh mục, Vietcatholic News 02/7/2009)

Về hiến mình cho Chúa, qua vai trò rao và giảng cùng là cử hành phụng vụ thánh lễ, Đức Thánh Cha có trích thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma, nói:

“Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta,

tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình

làm của lễ sống động,

thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.

Đó là cách thức xứng hợp

để anh em thờ phượng Người.”

(Rm 12: 1)

Tự hiến. Sống xứng hợp. Bằng, rao giảng. Bằng, cử hành phụng vụ. Hai việc không thể tách rời. Đó là lời vàng của đấng bậc lành thánh, vẫn quản cai Giáo hội Chúa, xưa nay. Những nhủ khuyên và nhận định, mà bạn và tôi, anh em mình sẽ còn gặp nhiều, trong chuổi ngày phục vụ Chúa. Gặp, như người anh em linh mục phục vụ truyền thông ở Sydney đã từng trải. Từng trải bằng hỏi đáp, như sau:

“Mới đầy, vợ chồng tôi đến dự thánh lễ ở xứ đạo nọ. Thấy vị chủ tế hôm ấy xem ra đã tự-biên tự-diễn, không soạn trước bài giảng giải, cả vào khi đọc lời Dâng Lễ, Kinh Tiền Tụng và Lời Truyền Phép trên bánh rượu.Theo tôi, lời Truyền Phép trong thánh lễ, phải là lời được Hội thánh định ra trong sách lễ. Trường hợp này, Hội thánh nói gì về hiện tượng tự-biên tự-diễn, tràn đồng như thế? Và thánh lễ, có lời kinh quan trọng như thế mà bị sửa đổi, có còn hiệu lực? Còn được coi là lễ tế thánh thiêng, không?

Chẳng rõ, câu của độc giả tờ The Catholic Weekly hôm ấy có là lời hỏi han xác thực của ai, không. Nhưng, trả lời vấn nạn, lâu nay là việc của đức thày/chàng trai chuyên giải đáp rất như sau:

“Tôi được nghe nhiều về trường hợp vừa kể. Thành thử, tôi nghĩ hẳn là giáo dân cũng như các vị tân cựu tu sĩ/linh mục cũng có lần thắc mắc như thế.

Để trả lời cho câu đầu, tôi đề nghị ta nên qui về lời Hội thánh đề cập ở tông thư Redemptionis Sacramentum (Nhiệm tích Cứu Thế) được Thánh Bộ Phụng Tự ban hành ngày 25/03/2004.

Qua Tông thư, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị uỷ nhiệm cho Thánh Bộ soạn thảo chung với Thánh Bộ Đức Tin, được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 19/03/2004.

Ở đoạn đầu, Tông Thư nói chủ đích là để bảo vệ Tiệc Thánh Thể, trong đó sức sống của Hội thánh phải được duy trì. Tiệc Thánh là nguồn cội và đỉnh cao đời sống của tín hữu.” (x. bđd #2)

Tông Thư cũng nói đến lý do ta phải tuân thủ nội dung và qui cách Phụng vụ theo niềm tin, rằng: “Lời lẽ và chi tiết Phụng vụ, là ngôn từ của niềm tin, được trưởng thành qua nhiều thế kỷ, nhằm giúp tín hữu hiểu rõ và hiểu từng chi tiết, về Chúa. Lời kinh Phụng vụ còn dạy ta biết cầu nguyện như Chúa làm. Bằng việc để hồn trí thích nghi với lời lẽ ấy, ta có thể nâng cao lòng mình lên với Chúa.” (x. #5)

Sự thường, tiêu chuẩn đổi thay lời kinh trong nghi thức phụng vụ được ghi trong Hiến Chế Phụng Vụ, do Công Đồng Vatican II ban hành, có ghi: “Lời kinh Phụng vụ tuyệt đối là thuộc thẩm quyền Hội thánh. Nghĩa là, chỉ Toà Thánh mới có quyền sửa đổi, Theo luật, thì điều này còn tuỳ giám mục chủ quản. Vì thế, không một ai, cả linh mục chủ tế, lại có quyền sửa đổi, thêm thắt hoặc cắt bỏ bất cứ điều gì trong văn bản phụng vụ, mà không có phép của Toà Thánh.” (x. #22)

Lý do khác: “Mầu nhiệm Thánh Thể là nhiệm tích cao cả, bởi thế, không một ai được phép tuỳ tiện sửa chữa theo ý mình, khiến cho tính cách thánh thiêng và phổ cập của phụng vụ bị lu mờ… Nói như thế, tuỳ tiện sửa đổi lời kinh thực sự ra không đổi mới được điều gì, mà chỉ gây hại cho quyền của tín hữu Đức Kitô được cử hành phụng vụ đúng với mục đích, là diễn bày sức sống của Hội thánh cho đúng truyền thống. Và, có kỷ luật… Tuỳ tiện sửa đổi lời kinh, sẽ kéo theo sự bất định về các vấn đề có liên quan đến tín lý, tính phức hợp của lòng tin và thường làm cho con cái Chúa bị mang tiếng bất phục tùng…” (x. #11)

Lời nguyện Thánh Thể, được tông thư ghi rõ: “Chỉ được phép dùng Lời nguyện Thánh thể có ghi trong sách lễ Rôma hoặc các lời kinh đã được Toà Thánh chuẩn nhận. Các kinh trong Tiệc Thánh phù hợp với cung cách và ý nghĩa được đặt ra. Nên, ta không thể chấp nhận một số linh mục tự ban cho mình phép tắc được chế biến Lời nguyện Thánh thể trong Tiệc Thánh mình cử hành. Cũng không được thay đổi lời kinh mà Hội thánh chấp thuận. Và, không nên đưa thêm vào Lời nguyện Thánh thể các lời kinh do cá nhân lập ra cho riêng mình, ở đâu đó.” (x. #51)

Dù bạn không trích dẫn hoặc nói ra, tôi biết có một số lạm dụng khác, như vẫn thấy. Chẳng hạn như có trường hợp chủ tế mời cộng đoàn đọc lời kinh Vinh danh hoặc kinh nào khác tự chế trong thánh lễ có mặt của chủ tế. Tài liệu trên còn ghi: “Lời nguyện Thánh Thể, tự thân, là cao điểm của thánh lễ. Cho nên, bất cứ linh mục nào cũng biết chuyện này và vẫn tuân thủ, từ ngày chịu chức. Nhưng có vị, vì thói quen lạm dụng thiên chức của mình, nên dễ dàng để cho phó tế, thừa tác viên, giáo dân hoặc toàn thể cộng đoàn được phép đọc lời kinh nào đó, do mình đặt. Lời nguyện Thánh Thể là lời kinh trong thánh lễ, duy nhất chỉ có linh mục chủ tế mới được phép đọc từ đầu đến cuối, thôi.” (x. #52)

Và Tông Thư gọi cả hai trường hợp lạm dụng nói trên là các “trường hợp nghiêm trọng.”(x. #173)

Câu hỏi khác, là: thánh lễ ta tham dự như thế có thành hay không? Ta có thực sự lĩnh nhận Mình và Máu thánh Đức Kitô khi rước lễ không? Câu trả lời là “có”, miễn là vị chủ tế có đọc Lời nguyện Thánh Thể cho cộng đoàn, đúng như văn bản được Toà Thánh đặt, là được.

Vấn đề cuối cùng xin dành cho vị Giám mục chủ quản quyền sửa sai lạm dụng nào đã và đang xảy ra trong giáo phận của ngài.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 06/09/2009 tr. 16)

Hôm nay, trích và dẫn nhiều đoạn, nhiều chỗ không có nghĩa là bần đạo muốn diễn giải công việc của một số diễn giả đã và đang làm trong buổi lễ. Không muốn và cũng không dám làm vai trò đó. Trích và dẫn, chỉ để lòng dặn lòng rằng: trong sống đời đi Đạo, vẫn còn đó, nhiều điều để mình học hỏi. Học, từ đấng bậc trên cao. Cả, những vị đã từng trải nghiệm cuộc đời, trong tình tiết. Học và hỏi, là cung cách hành xử ta phải có trong đời. Không chán. Học mọi người. Ở mọi nơi. Vào mọi lúc. Cả vào lúc, thấy căng thẳng. Hoặc, chán đời nhất.

Trần Ngọc Mười Hai

Tuy đã già

nhưng vẫn muốn học.

Học cả giới trẻ,

rất khôn nguôi.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: