Monday 11 February 2008

“Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm”

(Yn 3: 8)

Một lần nọ, khi viết về đề tài “nghe cũng là quà tặng”, bần đạo có trích dẫn câu nói của vị thiền sư nổi tiếng mang tên Thích Nhất Hạnh, để mở đầu cho chủ đề mình muốn viết. Ít lâu sau, bần đạo nhận được ý kiến phản hồi từ chị bạn rất thân trong cộng đoàn, chị tỏ ý bảo rằng: sao anh lại đăng ý kiến lập trường của nhân vật gây nhiều tranh cãi về thái độ ông ta giao kết với giới bạo tàn, ở trong nước, vậy?

Hôm nay, bần đạo gợi lại tên tuổi của một hiền nhân khác có nhắc đến ý kiến “không hề gây tranh cãi” của thiền sư Nhất Hạnh, như sau:

Có lần Thích Nhất Hạnh viết: “Đạt tới được Thiên Chúa ngang qua Đức Thánh Thần của Ngài, bao giờ cũng an toàn hơn đi vào thần học.”

Tôi thấy, tác giả “Living Buddha, Living Christ” dù ông cũng là nhà thần học theo nghĩa thâm sâu, nhưng ở đây ông nói đến Thiên Chúa bằng chính kinh nghiệm sống của mình. Ông nói bằng diệu cảm. Bằng tiếng nói thần thiêng của Thánh Thần Chúa đang chiếu sáng tâm can của mỗi người. Thành thử, nếu ta lắng tai nghe tiếng của Thánh Thần Ngài một cách cẩn trọng, ta sẽ nghe được chân lý ngàn đời. Chân lý vẫn diễn tả ra ngoài bằng đường hướng mới. Đường hướng gây sửng sốt lòng người, không ít.

Môt lần khác, Thích Nhất Hạnh cũng đã viết: “bàn cãi nhiều về Thiên Chúa không là cách thức hay nhất để ta sử dụng năng lượng theo phương pháp tốt đẹp. Nếu ta sờ chạm được Thánh Thần Ngài, ta cũng sờ chạm được Thiên Chúa không như một ý niệm trừu tượng, mà là Thực Thể rất sống động.” Thiền sư Nhất Hạnh nói thế có nghĩa: ông đã dịu dàng chìa đôi tay nhẹ nhưng vững dẫn ta ra khỏi nền thần học trừu tượng, đến với thực tại sống động. Ông cũng trân quý ý niệm trừu trượng vẫn có đó, nhưng ông coi đó như phương tiện, chứ không phải cứu cánh.

Từ lâu, tôi được vinh hạnh gặp mặt nhiều anh chị từng gần gũi Đức Phật sống, Đức Kitô sinh động, các anh chị ấy có nổi tiếng hay không, chẳng là chuyện cần thiết. Nhưng, chỉ với sự hiện diện của các anh chị thôi, cũng đã làm cho chúng ta “tỉnh giấc chiêm bao”. Và, cũng thách thức tính tự mãn của ta, rất nhiều.” (Brother David Steindl-Rast, OSB viết lời tựa cuốn Living Buddha Living Christ, Thích Nhất Hạnh, 1995, tr. 13-18)

Lời lẽ trên đây của một sư huynh nhà Đạo nói về một thiền sư ngoài Đạo, về sờ chạm Đấng Thần Linh Thánh Ái của Chúa, hẳn là trường hợp hi hữu, ít thấy. Và, sự việc trên xảy ra hồi thập niên ’90. Tính đúng, cũng đã hơn chục năm. Cứ sự thường, mỗi lần thành viên các tôn giáo lớn gặp nhau, hay có những đụng chạm cãi vã, và tranh luận.

Nhưng ở đây, chừng như họ đã cảm phục nhau, sau lần nhìn nhau, thấy tận mặt. Cảm phục và thân thương, vì đã sờ chạm Thần Linh Chúa. Xem thế, chính Thần Linh Ngài đã tạo nên cuộc gỡ trong tương quan rất chân tình. Cũng bằng tình thân, Thánh Thần Chúa đã soi sáng kết hợp các người anh em từng là “người dưng khác họ, chẳng lọ thời kia..”

Từ đó, ta dám nói: Thần Linh Chúa là đầu giây liên kết cho mọi tình tự thân thương, tình đại kết. Dù chỉ là bước đầu, nói cho cùng, đây cũng không là đoạn cuối của cuộc tình đại kết. Nhưng, đây chính là tình thân thương mang tính miên trường. Tình người đại kết. Hết mọi tôn giáo.

Có để tâm theo dấu vết sự việc đã xảy ra vào độ trước hoặc những lúc gần đây, bạn và tôi sẽ nhận ra nhiều điều đáng ta quan tâm. Nhiều điều rất khích lệ. Cụ thể, phải nói Thần Linh Chúa vẫn thao tác hoạt động nơi mỗi mgười. Và mọi người. Xưa cũng như nay. Xưa như ngày Lễ Ngũ Tuần, thời trước. Thời kéo dài xuyên suốt qua chiều dài lịch sử cứu độ rất Hiển Linh. Rất quang vinh. Thời nào cũng thế, Thánh Linh Chúa vẫn cứ “Hiển” và cứ “Linh”, với cộng đồng dân con Đức Chúa, nơi trần thế. Trong ngoài Đạo.

Dẫn chứng cho tính Hiển và Linh này, vào buổi giao ban Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rô-ma tháng 7/2007, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI có nói với người trẻ hiện diện ở đó, như sau:

“Các bạn trẻ thân mến của cha,

Ai cũng biết yêu người và được người yêu là một tiến trình kéo dài. Tuy nhiên, yêu người không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có khi ta gặp nhiều khó khăn, lầm lỡ và thất bại. Nên có người sinh ra nghi ngờ cả khả năng yêu nữa. Tuy nhiên, nếu ta cứ lẩn tránh yêu người thì chắc chắn là ta sẽ nghĩ rằng tình yêu là một chuyện không tưởng và như giấc mơ không bao giờ đạt được vậy. Không. Tình yêu bao giờ cũng là chuyện có thể thực hiện được. Và, mục đích của thông điệp cha gửi đến hôm nay là các bạn hãy tự đánh thức mình và tin rằng: niềm tin nơi tình yêu là chuyện có thật, đáng tin và vững chãi. Tình yêu tạo an bình và hứng khởi. Tình yêu liên kết hết mọi người, cho phép họ tôn kính lẫn nhau trong tự do.

Các bạn trẻ thân mến,

Hãy nuôi dưỡng tài năng của mình không chỉ để có chỗ đứng trong xã hội mà thôi, nhưng còn để giúp người khác “tăng trưởng”. Hãy mở mang kỹ năng của các bạn không chỉ giúp mình có thêm hiệu năng, cạnh tranh nhau hơn, nhưng để trở thành nhân chứng cho tình bác ái. Hãy cố gắng tự tạo cho mình kiến thức về lòng Đạo để giúp mình thực hiện sứ vụ được ủy thác theo phương cách có trách nhiệm.Cha kêu mời các bạn hãy dày công nghiên cứu học thuyết xã hội của Giáo Hội để rồi các nguyên tắc của học thuyết này sẽ gợi hứng, chỉ dẫn mọi họat động mà bạn đang thực hiện với thế giới hôm nay.

Xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho các bạn trở nên sáng tạo trong yêu thương, bền vững trong cương quyết và dũng cảm trong các sáng kiến của mình. Có thế, các bạn mới có khả năng đề xuất những đóng góp cho việc dựng xây “nền văn hóa yêu thương”. Chân trời của tình yêu quả thật không có biên giới: chân trời ấy chính là trọn vẹn thế giới này.”

Xuyên qua các tư tưởng và ý kiến của các bậc hiền nhân ở trên, hẳn ta đều thấy rõ một điều: Thần Linh Chúa là Đấng ta có thể sờ chạm được. Vì, chính Ngài là nguồn hứng khởi, của tình yêu. Nguồn hy vọng cho mọi tương lai đang sáng ngời, của cả thế giới. Của toàn thể nhân loại. Tức những con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện một cách đầy sinh động. Hiện diện quanh ta và với ta.

Thế giới đây là chính ta. Những người không còn trẻ hay vẫn trẻ. Bởi lẽ, trẻ hay không vẫn là người. Là thế giới. Và, thế giới hôm nay, cần dựng xây nền “văn hóa của yêu đương”. Văn hóa của Thần Linh Chúa, đích thị là Nguồn Hy Vọng cho mọi người. Mọi việc. Và Thần Linh Chúa gửi, không giới ranh:

“Với những người được Chúa sai đi,

đều nói Lời của Chúa,

vì Ngài gửi Thánh Thần đến,

không hạn chế, không giới ranh.”

(Yn 3: 34)

Ở một đoạn khác, thánh sử Gio-an cũng nói thêm:

“Đức Chúa là Thần Linh

người phụng thờ Ngài

phải phụng thờ trong thần khí và sự thật.”

(Yn 4: 24)

Để phụng thờ Chúa trong sự thật, có lẽ cũng nên nhận diện Thần Khí Nguồn Hy Vọng, qua sự vật ta có thể sờ chạm những vật thân thương chân tình, trong cuộc sống, như truyện kể dưới đây:

Trong phòng tối có 4 ngọn nến đang cháy sáng. Vạn vật xung quanh trở nên im ắng cách lạ thường. Im đến độ ta có thể nghe tiếng thì thầm của mọi vật. Bất chợt, ngọn nến thứ nhất lên tiếng nói: Tôi đây, hiện thân của HÒA BÌNH. Không có tôi, mọi sự sẽ ra như thế nào? Tôi quả là quan trọng hơn hết mọi người. Mọi sự.

Ngọn nến thứ hai cũng mạnh dạn góp giọng: Tôi đây, hiện thân của TRUNG TÍN. Mọi người mọi thời, lúc nào cũng cần đến tôi. Hơn tất cả mọi thứ.

Đến phiên mình, ngọn nến thứ ba cũng phân bua:Tôi đây, hiện thân của TÌNH YÊU. Tôi mới thật sự quan trọng. Quan trọng hơn tất cả. Giả sử không có tôi - TÌNH YÊU, hẳn là chẳng ai làm nên tích sự gì! Và, cuộc đời con người sẽ ra sao?

Bất chợt, cửa phòng mở tung ra. Một cậu bé chạy vội vào phòng, kéo theo sau cậu, là cơn gió mạnh lùa vào làm tắt ngúm tất cả ba ngọn nến vừa lên tiếng. Thấy vậy, cậu bé sửng sốt òa lên khóc, và nói: Tại sao cả ba cây nến lại tắt cả vậy?.

Lúc ấy, ngọn nến thứ tư mới kịp lên tiếng, bảo: Này cậu bé, đừng quá lo lắng như thế. Khi tôi đây còn cháy sáng, thì cậu vẫn có thể thắp lại ba ngọn nến kia. Bởi, tôi chính là NIỀM HY VỌNG. Hãy dùng tôi mà thắp sáng cho họ đi. Hãy lau khô những giọt nước mắt của cậu đi. Hãy giữ nguyên hy vọng. Giữ lại mà vui sống.

Nghe xong, cậu bé gạt nước mắt, rồi thắp sáng lên các ngọn nến vừa chợt tắt.

Vậy hỡi các bạn,

Hãy luôn gìn giữ và thắp sáng ngọn lửa HY VỌNG của mình và của những người sống chung quanh mình, bạn nhé. Có được lửa HY VỌNG, tất cả chúng ta đều có thể thắp sáng mọi lửa HÒA BÌNH, TRUNG TÍN và TÌNH YÊU.

Đừng bao giờ để lửa HY VỌNG tắt nhé! Và, thành công sẽ đến với các bạn.

Đúng thế. Dù Hòa bình, Trung tín và Tình yêu đều đã ra đi tắt lịm, thì bạn và tôi vẫn còn có HY VỌNG để trông chờ. Để kiên trì hành động hầu đạt được thành công, theo ước nguyện. Thành thử, hãy thắp sáng lên, lửa HY VỌNG của chính bạn, và của tôi nữa. Thắp lên niềm Hy Vọng, vẫn còn đó. Thắp lên, để rồi ánh sáng của ngọn nến ở cuối đường hầm đời mình, sẽ lại lóe sáng trong đêm thâu. Đêm kéo dài cả một đời người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn tự nhủ thầm như thế

quanh năm

suốt tháng.

No comments: