Monday 4 February 2008

“Dìu nhau đi chung một niềm thương”

“hãy vui sướng trong ngày ấy,

hãy nhảy mừng vì này: phần thưởng các ngươi sẽ lớn

ở trên trờI”.

(Lc 6: 20-23)

Trong những khoảnh khắc kéo dài cả cuộc đời, người dân thị thành thường vẫn có những thắc mắc/vấn nạn về cuộc sống của chính mình. Thắc mắc về chuyện Đạo. Về giữ Đạo cho đúng nghĩa tên gọi của nhà Đạo. Của đường đời đi Đạo.

Trong quá trình đi Đạo và giữ Đạo, có những lúc người tín hữu rất chăm đã có không ít hoài nghi về điều mình nghe, biết. Ở vào giây phút rất căng ấy, có khi mình cũng đã hoài nghi cả những gì mình đang rao truyền, nữa.

Dẫn chứng các trường hợp kể trên, bạn cũng như tôi, nếu nỗ lực một chút rồi cũng tìm ra phương cách, rất dễ thôi. Nó nhan nhản trên sách vở/báo chí, truyền thông, đủ cả. Nhưng, vào dạo gần đây, với phương tiện truyền thông/kỹ thuật như các trang nhà /điện thư, chit chat … bạn và tôi cũng nhận ra điều ấy, thật không khó. Cụ thể như bức thư điện mà phận hèn bọn tôi vừa nhận được là những giòng chảy rất thân và cũng rất thương từ bạn bè thân quen ngày trước. Điện thư, là giòng tâm sự sầu buồn, như sau:

“Sau một thời gian dài nguyện cầu và xin cầu nguyện rất hăng, mà vẫn chưa hoặc không được Chúa nhận lời, nhiều lúc tôi cứ nghĩ các cụm từ như “thử thách”, Thánh giá Chúa gửi”, vv. Chỉ để an ủi lòng mình, mà thôi. Tôi thực tâm đã có lúc muốn ngã lòng….

Trong sống thực ở đời, khi dạy giáo lý hay khi nói chuyện, khi viết lách, trao đổi… tôi vẫn chủ trương đề cao tình yêu cao sang, tuyệt đối của Thiên Chúa. Đồng thời, gạt bỏ quan niệm cho rằng “ấy là hình phạt Chúa gửi”.. Thế nhưng, tự thâm tâm, trước những “im lặng dễ sợ” của Thiên Chúa trong đáp ứng lời khẩn khoản cầu xin, tôi đã có lần suy nghĩ… hay Chúa lại đã dùng hình phạt đối với tôi?

Nhiều lần nghe bè bạn nói tôi thấy cũng rất đúng, chẳng gia đình nào là hoàn toàn hạnh phúc, hết! Trăm phần trăm hạnh phúc, như nhiều người vẫn vọng tưởng. Nhưng đối với gia đình người Công giáo có hiểu biết, thì thường có sự độ lượng, và cái-gọi-là chín bỏ làm mười”…

Như thế là, qua cụm từ Chúa đã phạt tôi..”, “đều là thử thách”, “Thánh giá Chúa gửi”, “thực sự có lúc ngã lòng”…bạn và tôi cũng muốn hàm ngụ một điều, rằng: nhiều lúc mình thấy cũng có sự lung lạc nơi niềm tin đang lĩnh nhận? Thật ra, ở vào một số trường hợp, không hẳn là như thế! Tuy nhiên, điều dễ thấy nơi một số giáo dân bình thường ngoan đạo, thì khi gặp khó khăn/sự cố xảy đến với chính họ; nhất là, khi có mất mát/chia lìa những gì thân thương, mật thiết, thì lung lạc niềm tin cứ thấy xuất hiện.

Thắc mắc hay tự nhủ thật ra cũng là điều dễ hiểu, thôi. Dễ hiểu, vì các biến cố xảy đến với mình, với người nếu không là mất mát/hao hụt điều mình sở hữu, cũng đều là tình huống lung lay, dễ làm ta lung lạc. Lung lay, ngõ hầu chứng tỏ, rằng: đi Đạo ta vẫn cứ đi, nhưng nào thấy vui trong bụng…

Thành thử, thắc mắc hỏi rằng: đã thấy vui chưa đi Đạo? chính là vấn đề. Chính đó là điều, mà bạn và tôi vẫn cứ hay gặp. Mà, đã là vấn đề, thì bạn và tôi, ta cứ phiếm. Phiếm cho nhiều. Tản mạn cho sâu cho sát. Chỉ để mua vui. Vui dăm phút, đã về chốn cũ…

Thọat kỳ thủy, từ lúc bước chân vào đời “đi Đạo”, bạn và tôi đã thấy mình phần nào có dấn thân. Cái dấn bước đưa thân, đã đẩy tôi và bạn tiếp cận lời vàng lành thánh, mà có người đã cả gan nôm na gọi bằng những lời lẽ rất thi tứ, như: Lời buồn thánh”, hoặc “Phúc Âm buồn”.

Vâng. Nghiêm chỉnh mà nói, thì ngay từ đầu, Mẹ thánh Giáo hội đã chuyển đến bạn và tôi những lời Vàng-lành-thánh-mà-sao-vẫn-cứ-buồn, như sau:

“Vui lên đi nào, thiếu nữ Xi-on”

(Xh 3: 14)

hoặc;

“Mừng vui lên đi, Giê-ru-sa-lem hỡi!

hân hoan lên mà hưởng nguồn an ủi chan hòa.”

Tiếp đến, tôi và bạn còn thấy Luca thánh sử vẫn cứ luôn nhắc nhở mọi người:

“Này Da-ca-ri-a ông đừng sợ!

ông sẽ mừng vui hoan hỉ.”

(Lc 1: 13-14)

Và rồi, cả đến Đức Maria cũng nhận được lời hưng phấn khích lệ như thế:

“Mừng vui lên đi, hỡi Đấng đầy ơn phúc.”

(Lc 1: 28)

Đáp lại, Đức Maria cũng tỏ lộ niềm riêng kia:

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

(Lc 1: 46-47)

Và, cứ thế rồi lại cứ thế, bàng bạc trong Tin Mừng Nhất Lãm với 4 tác giả của lịch sử thánh, bạn sẽ thấy xuất hiện những cụm từ rất “vui lên!”. Thay vì, như vị nào đó đính kèm thêm hình dung từ “buồn” vào các cụm từ trên, bạn cũng như tôi, ta chỉ thấy các từ ngữ vui như: “hân hoan”, “mừng vui lên”, “tin vui”, an bình”, “vui lên đi”… Như vậy có phải vì buồn quá nên mới được bảo ban khuyến khích: vui lên?

Nhưng, nếu có ai đó vẫn thấy băn khoăn chưa dứt hoặc chưa đủ sức thuyết phục, thì hỡi bạn, những người anh-em-ngoài-Đạo của tôi ơi, ta hãy nghe lời khẳng định của một tác giả mà uy tín của ông cả về Đạo lẫn đời đã không phải là nhỏ, như sau:

“Đạo Kitô là Tin Mừng, Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, Tin Mừng theo thánh Mar-cô, Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Tin Mừng theo thánh Gio-an. Tin Mừng và Tin Mừng. Tiên vàn là Tin Mừng, và chung cuộc là Tin Mừng. Có Tin Mừng mới có Kitô giáo. Còn là Tin Mừng Đạo Chúa Kitô mới còn. Kitô giáo giả sử hết là Tin Mừng thì dẫu có là đạo lý cao siêu tốt lành đến đâu đi nữa, thì cùng lắm cũng chỉ đáng cất tủ kiếng giữ gìn như một di tích lịch sử, không đáng loan báo, rao giảng làm gì.”

(Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, tr. 317”

Vâng. Đúng thế. Đạo là “niềm-vui-tuy-vậy”. Là sự vui mừng.

Nhưng làm thế nào để nhận ra được sự hân hoan, niềm-vui-tuy-vậy trong những lần loan báo Tin Mừng, như thế?

Thì đây, bạn ạ. Mời bạn và tôi, ta cứ dấn bước thăng trầm mà tìm hiểu Lời vàng lành thánh kia, bằng cả tâm hồn của một “kẻ hèn mọn”. Vì ngay như Đấng “Đầy-Ơn-Phúc”, tức đầy những sự vui và mừng như Đức Maria, Mẹ của Chúa, cũng đã tự cho mình là kẻ mọn hèn, cơ mà. Có mừng và có vui như chúng ta, Ngài mới hiểu được sự nghịch lý, nghịch thường trong văn bản mà ta gọi là “Tuyên ngôn vui” về Đất Nước của những “niềm-vui-tuy-vậy” trong Sách đầy những Lời Vàng lành thánh, sau đây:

“Phúc cho những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi.

Phúc cho những kẻ phải đói bây giờ,

Vì các ngươi sẽ được no đầy!

Phúc cho những kẻ phải khóc bây giờ,

Vì các ngươi sẽ được vui cười!

Phúc cho các ngươi, khi thiên hạ oán ghét các ngươi,

Khi họ loại các ngươi đi cùng sỉ mạ,

và khử trừ tên các ngươi như đồ xấu xa vì cớ Con người.

Hãy vui sướng trong ngày ấy,

Hãy nhảy mừng vì này:

Phần thưởng các ngươi sẽ lớn ở trên trời.

Vì cũng cách ấy, cha ông chúng đã đối xử với các tiên tri.”

(Lc 6: 20-23)

Quả là nghịch lý. Đúng là chuyện ngược đời. Với những kẻ sầu buồn đang đói, nghèo, khóc lóc hoặc bị ghét bỏ, hạ nhục, khử trừ đủ điều, mà lại bảo: Hãy vui lên, vì như thế là có phúc, thì thật là khó lòng. Rất khó để mà tin.

Nhưng, vấn đề là ở chỗ: Ai thấy đuợc sự mừng vui trong khi, thực tế cuộc đời cho thấy dẫy đầy sự hiện diện của ác thần/sự dữ, những đau buồn. Thậm chí, còn gây nhiều cảnh chết cho’c, khóc than nữa. Giải thích làm sao về những hiện tượng đang xảy ra như thế?

Trả lời vấn nạn này, thiết nghĩ ta cũng nên trở lại với Lời vàng của Đấng từng đưa ra “niềm vui 8 điểm”. Nếu cho rằng, việc tuyên bố “Phúc cho ai…” là chuyện vui đáng mừng rực rỡ, thì hẳn người người sẽ phải đồng ý coi lời tuyên bố trên đây như hiến chương hiến pháp của Nước Trời ở trần gian. Vả lại, ngay trong lời tuyên bố đầu đời, Đức Chúa cũng khẳng định lý do của sự mừng và vui kia.

Để giúp người đọc Kinh thánh hiểu them về “tuyên bố 8 điểm” này, cố Giáo sư Kinh thánh, Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR có nói:

“Những lời chúc phúc của Chúa Giê-su là ‘tuyên bố’ , là ‘lời hứa’,

Nước Thiên Chúa được tuyên bố hứa cho hạng nghèo khó như là

‘sở hữu’ của họ. Bởi tính cách ‘tuyên bố’,’hứa’ đó của các lời

chúc phúc, thì các lời chúc phúc trở nên ‘mặc khải’ của Chúa

Giê-su về chính mình Ngài. Ngài là Đấng được sai đến cho

để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.”

(Nguyễn Thế thuấn, Tin Mừng Nhất Lãm, tr. 179)

Hiển nhiên là như thế.

Nhưng, tại sao những người đã nghe và lãnh hội Tin Vui an bình ấy, lại không có được một phản ứng đúng đắn về điều Đức Chúa mặc khải. Phải chăng, vì các người “có tai để nghe” vẫn chưa nghe cho hết, cho thủng chăng? Phải chăng, những người ấy chưa biết cách lắng nghe, hoặc chỉ “nghe qua rồi bỏ”, thôi?

Giả như, những người này biết lắng nghe, hoặc nghe theo phương cách tích cực, tức nghe mà không mang trong đầu một định kiến nào; hoặc, nghe mà không dự trù khích bác những điều mình vừa nghe, thì sự thể xảy ra sẽ khác hẳn. Nói cách khác, những người này, tuy nghèo về khía cạnh nào đó, những họ vẫn giàu và vẫn có. Giàu và có về tinh thần. Giàu, là vì họ chưa tạo cho mình thái độ đích thực của người nghèo. Họ chưa có tinh thần nghèo khó theo đúng ý nghĩa của nó.

Người nghèo đích thực, là người không có gì để phải sợ mất. Họ chẳng có gì mà phải lo âu, hãi sợ. Lo và sợ vì biết mình sẽ thiếu hụt, hoặc mất mát. Ho. là những người luôn hài lòng với thân phận bọt bèo của mình. Nói cách khác, người nghèo thật sự là người luôn vui vẻ, hài lòng và dễ chịu với đủ mọi thứ. Với tất cả mọi người.

Xem như thế, có thể nói ngược lại mà không sợ sai sợ quấy, là: ai không có thái độ vui tươi, dễ chịu, có phần chắc là họ không đích thực là người nghèo. Hoặc, xưa kia cũng nghèo đấy, nhưng nay thì chẳng gọi được là nghèo, nữa. Nhìn từ góc độ nào đó, có thể bảo: những người như thế, cũng giàu đấy, hoặc đã có tinh thần hoặc phong thái rất giàu, rồi.

Đến đây, hẳn sẽ có bạn nêu thắc mắc, bảo rằng: Phúc Âm tiếng gọi là Lời của Đức Chúa Hạnh Phúc, nhưng sao các chi tiết , các truyện kể trong Sách viết về Lời Ngài, đôi khi phảng phất một nỗi sầu buồn, nào đó, vậy? Phải chăng đó là thứ buồn tình trong cuộc sống/sầu não trong nhận định? Tỉ như nhận định về sự Thương Khó của Đức Giê-su Kitô, hoặc về chuyện Chúa nói trước về những điều xảy đến nhân ngày cánh chung…, về những xung khắc bất đồng giữa người mẹ và con gái/con dâu của mình? Giữa con trai với cha ruột của mình? Buồn về những chuyện vẫn cứ xảy đến từ thời nào tới giờ…?

Tưởng cũng không nên đi quá sâu vào lĩnh vực chú giải. Bởi lẽ, phải hiểu Kinh thánh trong bối cảnh ngôn ngữ của Mạc Khải mà Đức Giê-su mang đến, như tác giả Joel B. Green, từng nhận như sau:

“Rõ ràng là Tin Mừng theo thánh Luca đáng được mệnh danh là Phúc Âm về sự vui mừng. Nói chung, các dẫn chứng về sự vui mừng đều tập trung vào diễn từ chung luận và lời nguyện cầu. Chúa Giê-su đã làm sa’ng tỏ nền tảng và bản chất của sự mừng vui bằng một khẳng định: đó chính là quà tặng Ngài ban cho những ai tin vào Ngài.

Dù việc ra đi của Ngài có đem lại nỗi sầu buồn cho các môn đệ thế nào đi nữa, chuyện mang dáng dấp nghịch lý, đó là nền tảng cho sự mừng vui. Bởi, Ngài ra đi là để về lại với Cha. Và, dù xa rời đồ đệ đàn con, cuối cùng thì Ngài vẫn sẽ quang lâm đến lại. Vì thế nên, các môn đệ rất vui mừng khi gặp lại Ngài. Tuy nhiên, Chúa có đi thì Thánh Thần Ngài mới đến ngự giữa anh em.

Nhìn theo chiều hướng đúng đắn này, mọi sầu não nơi đồ đệ lại biến thành niềm vui chính đáng. Và, không ai có thể dập tắt niềm vui mừng ấy được. Và Ngài cũng chuẩn bị cho họ trở thành nhân chứng và giúp họ họat động trong thế gian. Dù hòan cảnh có trở nên tốt xấu thế nào đi nữa, thì niềm vui Ngài mang đến, cũng sẽ được hoàn tất nơi họ.(Joel Green, Jesus & the Gospel, Inter Varsity Press 1992, tr. 394-396)

Để minh họa thêm cho quả quyết trên, có lẽ tôi và bạn cũng nên nhắc lại lời khẳng định của Đức Gio-an Phao-lô II qua bài phát biểu hôm 1/4/2004. Hôm ấy, Đức giáo Hòang trích thuật thánh vịnh, nói rằng:

“Kết hợp với Chúa

là cội nguồn cho sự an lành,

mừng vui và thanh tĩnh. (Tv 25)

Còn một điều đáng để ta ưu tư, là: mặc dù ta đã có những quả quyết của Lời Chúa đã từ lâu, nhưng sao thấy có quá nhiều người nhà Đạo vẫn không hoặc chưa bộc lộ được sự mừng vui Chúa mời gọi. Đức Chúa đã và vẫn đang khuyên mọi người hãy cứ vui đi. Hãy mừng và vui luôn mãi. Vì, Ngài chính là Niềm An Vui, đã tỏ bày:

“Mỗi khi làm việc này,

các con hãy nhớ đến Thầy.”

(Lc 22: 19)

Nhớ đến Ngài, thật sự không phải chỉ là nhớ đến những tình huống sầu buồn Ngài gánh chịu trong đêm khổ nạn, hôm ấy. Nhưng, vẫn phải nhớ rằng Ngài đã sống lại. và, ngài sống lại trong hân hoan, mừng rỡ. Ngài đã ủy thác con cái Giáo hội và xin Cha Ngài tha thứ hết mọi người. Vì họ không biết mừng vui đón nhận Tin An Lành. Và cuối cùng, Ngài sai phái đàn con yêu của mình tiến bước ra đi, trước khi ngày về với Cha, như sau:

“Này Ta sai các con đi đến

đất miền tận cùng trái đất

đem Tin Vui rao giảng cho người nghèo khó.”

(Lc 24: 49)

Lời sai phái dặn dò là như thế. Và, câu khuyên răn từ Ngài, là như vậy. Tuy nhiên, có lẽ vẫn có nhiều người chưa dược thuyết phục cho lắm. Những người vẫn coi đây là chuyện xưa tích cũ, cách nay hơn hai ngàn năm, có lẻ. Những chuyện không là vấn đề thời đại.

Nếu như thế, nhờ bạn chuyển đến các “thánh Tô-ma” của thời đại truyền thông vi tính, rất hôm nay. Xin nhờ bạn chuyển tải một truyện kể rất ngắn, còn nóng bỏng, như sau:

“Mới đây, CNN Hoa Kỳ vừa loan tin có một nhà tâm lý khoa học đã khám phá ra loại vi khuẩn mới, rất đáng sợ.Vi khuẩn này rất dễ lây nhiễm tỏa lan đến được hàng triệu người, trên thế giới, do tính dễ tiêm nhiễm của nó. Cùng một lúc, các Tổ chức Y tế Toàn cầu, cũng vừa cảnh giác mọi người rằng vi khuẩn ấy đã nhanh chóng lan tràn đến từ người này sang người khác, trên thực tế. Và, họ gán cho vi khuẩn mới phát hiện này một cái tên nghe cũng dễ chịu: vi khuẩn Nụ Cười Mỉm.

Tổ chức Y tế Quốc tế nói trên, đã nhắc nhở mọi người hãy đề cao cảnh giác, kẻo vướng mắc phải vi khuẩn hiểm nghèo, lạ lùng ấy. Nhưng không xong. Đã trễ tầu. Chừng như, tất cả mọi người đều đã bị vi khuẩn trấn át, xâm nhập. Bởi, nó xuất phát từ bạn bè người thân, vào thời điểm bất chợt, không hề biết. Nhưng không sao. Sự việc đã ra như thế, chúng tôi vẫn cầu mong và căn dặn quý vị thêm điều này:

-Hãy cứ duy trì Nụ Cười Mỉm, dù nỗi sầu buồn có lắng đọng tâm tư của quý vị

-Hãy đón nhận cầu vồng khởi sắc gây hưng phấn ấy, dùng nó làm thang leo lên đến nóc trời, nay ta gọi là Vương Quốc Nước của Thiên Chúa

-Hãy cứ để cho nụ cười quên tắt trên môi ấy, cho thỏai mái

-Và cứ thế tiếp nhận đều niềm ủi an riêng tư, khi tinh thần bị xuống.

-Hãy giữ gìn các bạn nào vốn làm rực sáng đời mình

-Hãy cố đạt cho được những thứ gì mắt mình luôn chiêm ngắm

-Giữ vững niềm tin khi mối nghi nan xâm nhập lòng mình, không báo trước

-Hãy cứ tỏ ra thật dũng cảm để hiểu rõ lòng mình

-Cứ kiên nhẫn chấp nhận sự thực; và quan trọng nhất là

-Cứ mang thật nhiều tình thương hầu gửi đến hết mọi người.

Nếu bấy nhiêu điều chưa đủ để bạn và tôi xác tín về sự cần thiết phải vui và cũng mừng khi đang có trước mắt cả một đời người đi Đạo. Và, đây chính là một trong những tin nhanh mình vừa nhận. Phim “The Passion of Jesus Christ” của đạo diễn nguời Úc là Mel Gibson, dù đã ghi lại toàn ảnh hình buồn về giây phút cuối của Đức-Chúa-Làm-Người , cũng đã hái gặt được nhiều kết quả mừng vui, chưa từng thấy.

Nhờ có xem phim đầy cảnh sầu buồn - bức xúc này, mà muôn vạn người thưởng lãm đã biết quay trở về với Chúa. Về với Tin Vui và Mừng, Ngài giảng rao.

Như thế, há không phải là dẫn chứng hùng hồn cho niềm vui đi Đạo sao?

Trần Ngọc Mười Hai

Và những cảm nghiệm

Vui buồn lẫn lộn

No comments: