Monday 25 February 2008

“Anh đi về đâu, mà bụi đường vương trên mái tóc”

(Yn 4: 5-42)

Trong phiếm đạo đường dài, một số bạn đã thuật cho bần đạo nghe, rất nhiều truyện kể. Kể về mọi thứ chuyện trên đời. Từ chuyện trời trăng mây nuớc, lại bước sang chuyện nhà Đạo. Chuyện sống Đạo giữa đời. Và với đời. Có bạn còn cho rằng: sống Đạo bằng ngòi bút hoặc với vi âm, vi tính, có loa phóng thanh lớn nhỏ, có truyền hình, truyền thông... bao giờ cũng là chuyện ngon cơm dễ làm hơn là sống thực ở đời. Chí ít, là sống nghèo sống khổ. Bởi, lúc nào “cái khó cũng bó cái khôn”, sao sống Đạo?

Để minh họa chuyện này, một đấng bậc thân quen trong thẩm quyền giáo phận, có kể lại cho nhóm người trẻ ngoan Đạo, chuyện “khó tin nhưng có thật” ở khu nhà ổ chuột đầy rác, sau đây:

Cách đây không lâu, Caritas Úc Châu có gửi giấy mời linh mục có tên nghe rất quen là cha Chris đi Phi-luật tân chứng kiến công việc mà cơ quan này thực hiện với người nghèo, vào mùa chay.

Vừa đặt chân đến thủ đô Ma-ni-la, cha Chris đã được các vị đồng đạo hỏi ngay là ngài có muốn sống thử vài ngày với giới nghèo được Caritas giúp đỡ, không? Cha chưa kịp trả lời, thì mọi người quyết định là cha nên ở lại khu nhà chuột ổ nọ ít nhất hai ngày, mới hiểu được thế nào là… sống Đạo. Điểm hẹn cho cha, là khu “lao động” có cái tên rất mộng mơ: “Núi đồi mù mịt”. Tuy gọi là núi, nhưng chốn núi non này thật ra cũng không cao và cũng chẳng mù mịt gì cho lắm.

Thật sự, thì 30 năm về trước, đây là chốn núi đồi nồng nặc mùi xú uế, chốn đi về của mươi ngàn con người, sống gần như là chuột rúc. Vùng này trực thuộc Ma-ni-la, được dân con nội thành lên đây tống khứ đủ mọi thứ xú uế bùi nhùi, rất khó coi. Mịt mù là ảnh hình của lớp mây bụi mù lởn vởn bao quanh, cộng thêm với mầu xanh nhem nhúa của đám nhặng/ruồi và ong bày vỡ tổ, khiến khu đồi đã trọc lại càng khó coi vì là nơi hẹn hò của hợp chất khí - bụi, gây lợm giọng.

Vòng quanh ba mặt của ngọn đồi hiện giờ, là đám dân con thị thành chui rúc để tồn tại. Họ sống bằng cơm thừa canh cặn do người dân thị thành phế thải. Cha Chris cũng nghe nhiều chuyện về ngọn đồi bất hủ này từ các viên chức làm trong cơ quan cứu trợ Caritas, ở đây. Nhưng cha chẳng bao giờ lại có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó cha đặt chân đến đây, không để chứng kiến cảnh nghèo và khó mà thôi; nhưng còn để sống cùng và sống với người nghèo, cạnh núi rác bẩn thỉu, dăm ba bữa.

Tuy chưa đến tận nơi chứng kiến sự cùng cực của lớp nghèo thị thành, nhưng cha Chris cũng đã hình dung ra những đau thương chua xót, những nồng nặc cám cảnh của chốn chợ đời ấy. Nhất thứ, là khi thấy cảnh những người là người đang nhung nhúc chui vào đống rác rưởi để moi móc kiếm kế sinh nhai, thì cha Chris đã không còn tin vào mắt thịt của mình nữa. Kìa, cạnh nơi cao vút đầy rác rưởi cuồn cuộn xú uế khí lợm giọng,là giòng nước đen ngòm uốn khúc vòng quanh. Nước uống thì chỉ từ mấy “phông tên” công cộng, mà thôi.

Dọc theo con lạch đen ngòm lấm bẩn kia, khách ngoại cuộc thấy có nhiều căn gác lộ thiên bằng phên thùng bằng tôn/giấy lẫn lộn. Nơi đây, người người lớn nhỏ vẫn cứ tìm đến để tắm gội hay tiêu tiện, rất lộ thiên. Trong lúc đó, chiếc xe ủi cứ thản nhiên làm công tác xúc hốt vật bỏ phế hàng ngày. Và, dân cư đua nhau chạy ùa theo xe bốc hốt, chụp giựt, quyết tìm ra những gì có thể mang về đổi chác thành tiền thành bạc, nuôi thân. Tổ ấm cơ ngơi của đám dân nghèo hèn được vội vã dựng lên bằng những chất liệu vụn vặt không thể chống chọi lại thời tiết cay nghiệt, mưa nắng hai mùa.

Cha Chris đã gặp mặt một số linh mục Dòng Tên phụ trách xóm đạo ở chốn mù sương khó thở này. Các linh mục ở đây vẫn cố vận động với giới có thẩm quyền để họ ra quyết định bãi bỏ cảnh tượng thiếu tôn trọng phẩm cách con người này. Cụ chánh xứ đưa cha Chris đến thăm gia đình một giáo dân để cha nghỉ tạm qua ngày.

Nhớ lại, hôm leo đồi trèo núi để ghé anh Bing Lu vào một buổi chiều còn nóng bức. Nơi nào cũng thấy lúc nhúc tòan bọn trẻ nhỏ. Cha Chris trộm nghĩ: sao bọn nhỏ ở đây lại có thể đen đuốc bần thỉu, đến như thế. Sao chúng vẫn có thể nô đùa chạy nhảy suốt ngày, mà chẳng được học hành gì cả? Nghĩ tới đó, tâm can cha như quặn thắt . Bụng dạ lại cồn cào, muốn ói mửa.

Đến nhà anh Bing Lu, cha thấy khác hẳn. Dù nghèo, nhưng nhà của anh gọn gàng. Ngăn nắp. Anh tiếp cha bằng cả tấm lòng như của người từng quen biết từ lâu. Thấy cha Chris có vẻ như ngứa ngáy vì bọn trẻ cứ xán lại bu quanh, rờ mó vào người cha. Anh Bing bèn kéo cha vào chỗ khuất người, đưa cho cha ly nước để uống cho đỡ cơn khát, xé cổ xé họng vào buổi trưa hè nóng bức. Cha Chris cảm thấy khó xử. Chưa biết có nên nhận lời uống ly nuớc chưa quen mùi vị, hay không. Làm sao để tỏ ra cha cũng biết san sẻ cảnh tình của người bần hàn? San và sẻ đến mức độ nào, đây?

Dù khát đến khô họng, cha Chris định bụng từ chối. Tính là, để khi về nhà xứ sẽ dùng nước có đóng khằn trong chai. Cũng may lúc ấy, người con của anh trở ra đem cho cha một chai nước có nắp khoén. Thấy chai nước có thể uống được, cha nhận lời cầm lấy. Anh Bing lại đi tìm ly nhựa định rót ra cho cha. Nhưng cha định thần một lúc rồi cứ thế tu chai như hồi còn nhỏ. Trong một khỏanh khắc không lâu, cha Chris thấy mình lúng túng, chợt liên tưởng đến tình huống được kể nơi Phúc Âm, khi Đức Chúa ghé khu làng người dân ngoại xứ Samari. Ngài cũng lúng túng như người phàm, khi xin nước.

Truyện kể về cha Chris thấy lúng túng khi ở vào hoàn cảnh sống gần sống với người nghèo, vẫn là chuyện của mỗi người, trong chúng ta. Lúng túng với người nghèo cùng phái, cùng Đạo là chuyện còn dễ. Lúng túng khi tiếp xúc hoặc chấp nhận ở gần người nghèo, người khác phái khác phận, hoặc người khách lạ, địch thù, dân ngoại vẫn là chuyện khó xử nhiều hơn chỉ là lúng túng.

Nơi đời thường, vẫn có những tình huống khó xử, khi giao tiếp và sống với người hôi thối/nghèo hèn. Đây có thể là những tình huống khiến ta có những nhận định hấp tấp, sai sót. Sai sót, mỗi khi ta đến với người nghèo, dù chỉ lân la chuyện trò cho qua, vẫn không biết cách xử sự thế nào cho phải phép. Nói gì đến chuyện tìm cách giúp đỡ. Và hấp tấp trong đối xử, vẫn là dễ sai phạm. Nhất thứ là khi ta lại có những xem xét và phán đóan . Thậm chí, có khi còn bị mang tiếng là có thái độ kỳ thị, đầy thành kiến...

Giao tiếp với người nghèo, đã là chuyện khó. Nếu lại bảo: sống giống như, sống cùng và sống với người nghèo hèn, càng là chuyện khó hơn. Khó gấp bội. Khó trăm bề. Khó không thể tả được. Và, một khi thấy khó, người người thường có thói quen dễ bỏ chạy. Bỏ và chạy, để không còn vướng bận nỗi gì. Vướng và bận, dù chỉ trong tâm tưởng, mà thôi.

Tuy nhiên sẽ còn khó hơn, khi người người nhận được lời khẳng định từ Đức Chúa ở đọan khác, cũng trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa có nói:

“Thật vậy,

người nghèo thì bên cạnh anh em, lúc nào cũng có…”

(Yn 12: 8)

Và, theo thánh Phao-lô, người nghèo nói chung chính là Ngài:

“Quả thật,

anh chị em biết Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta,

đã có lòng quảng đại như thế nào:

Người vốn giàu sang phú quý,

Nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh chị em

Để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh chị em trở nên giàu có.”

(2Cr 8: 9)

Qua chuyện của linh mục Chris nghèo hèn công tác ở ở Ma-ni-la, hẳn người đọc cũng sẽ cảm thấy vững dạ:

“Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối,

khi bị sỉ nhục hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo

vì Đức Kitô:

vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.”

(2Cr 12: 10)

Xem như thế, có thể nói được là khi bạn và tôi đã thấy mình nghèo và hèn đi, thì đó là lúc mình mạnh hơn, giàu hơn bao giờ hết. Bởi, chính vào khi mình trở nên nghèo và hèn hơn cả, là lúc Đức Giê-su Kitô đang ở với mình. Mà, đã có Chúa ở với mình, thì còn ai mạnh và giàu hơn nữa chứ? Kinh nghiệm này, thánh Phao-lô tông đồ đã từng trải. Và, cũng như thánh Phao-lô, bạn và tôi cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm rất “người” và rất “nghèo” nhưng không hèn, diễn ra đều đặn trong hành trình sống.

Tới đây, có lẽ ta sẽ tự hỏi: những người sống nghèo sống khổ như vậy, có dễ dàng thay đổi để sống vui sống mạnh hơn không? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn và tôi, ta hãy đọc truyện kể bên dưới về lập trường của các em nhỏ, về cuộc đời. Về người đời:

Vào buổi vấn đáp bọn trò nhỏ hôm ấy, cô giáo đưa ra một đề tài khá hóc búa với trẻ em, mà bảo: các em hãy liệt kê cho cô một danh sách gồm những thứ mà các nghĩ chúng là kỳ quan trên thế giới. Tức là: 7 thứ đẹp nhất trên thế gian này.

Mặc dù trong đám học trò nhỏ, có nhiều điểm bất đồng trong chọn lựa, dưới đây là đôi ba danh sách do các trò nhỏ đưa ra, ngày hôm ấy. Danh sách “Bẩy kỳ quan thế giới”:

1. Kim Tự Tháp ở Ai Cập

2. Đền Taj Mahal ở Ấn Độ

3. Cảnh hùng vĩ Grand Canyon ở Mỹ

4. Kênh đào Panama

5. Tòa nhà Empire State ở Hoa Kỳ

6. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Rô-ma

7. Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc

Trong lúc thu thập đề nghị của các em học sinh, cô giáo thấy có một em nắn nót chữ viết mãi chưa xong, cô bèn hỏi em có vấn đề gì không, mà sao lâu thế.

Em liền đáp:

-Cô chờ em thêm một phút nữa thôi, em đang liệt kê đây. Thật sự, có quá nhiều thứ mà em không đủ giấy để kể ra hết ở đây. Em tóm tắt như thế này để cô xem nhé!

Cô giáo nói tiếp:

-Cứ nói cho cô biết em đếm được bao nhiêu rồi. Có thể cô và các bạn sẽ giúp em, ngay thôi.

Người học trò nhỏ ngập ngừng trong khỏanh khắc, rồi nói:

-Em nghĩ, Bẩy kỳ quan trên thế giới gồm có tất cả là:

1. Biết nhìn

2. Biết nghe

3. Biết sờ

4. Biết nếm

5. Biết ngã

6. Biết cười

7. Và biết yêu thương.

Lúc ấy, bầu khí trong lớp học trở nên im ắng cách lạ lùng. Im đến độ, tiếng kim cúc rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy được.

Và, truyện kể còn thêm rằng:

Những gì mà chúng ta thường nhìn lướt qua, không để ý vì nó đơn giản và bình thường và nhận lấy như quà tặng trời cho, thì thật sự là kỳ quan, đáng ta chiêm ngưỡng. Bởi, thật ra những gì cao và quý nhất trong đời người và đời mình, chẳng thể nào xây dựng bằng tay hoặc mua được bằng tiền của, thì chính đó là kỳ quan.

Rất đúng! Và, kỳ quan chuyện phiếm hôm nay, chính ở chuyện: biết được là mình đang sống, đang được hưởng 7 kỳ quan trên, những ân sủng một cách nhưng-không, do Chúa ban. Vì, giàu hay nghèo sẽ chẳng thành vấn đề, nhưng ta vẫn cứ được sống. Vẫn cứ trân trọng cuộc sống với các người anh, người chị đang cùng sống với mình. Dù trên “núi đồi mù mịt” đầy những xú uế, rác rưởi ấy hay ở chốn đền đài danh vọng chất chồng, những hôm nay.

Ta cứ sống. Sống hùng. Sống mạnh. Sống vững chãi với người anh em đời thường, ở huyện. Huyện dân gian. Chốn thế trần. Vì “tất cả, đều là ân sủng”, như văn hào Blaise Pascal từng nói.

Trần Ngọc Mười Hai

và những kỳ quan rất sống

trong cuộc đời

có những bụi đường

vương trên mái tóc.

No comments: