Friday, 6 March 2020

Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt

Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.”
(Nhạc ngoại quốc – Lời Việt: Nam Lộc – Xin đời một nụ cười)

(Lc 4: 18)
Có một hôm, bần đạo bầy tôi đây nhảy xổ’ vào trang YouTube của vi tính, đánh thử vào đó hai chữ “Tự Do” gọn nhỏ đã thấy phóng ra bài hát trên qua giọng ca Nam Lộc, thêm vào đó còn những lời như: 

Tôi bước đi, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối.
Ôi! Sài Gòn chờ đợi thở hơi cuối cùng.
Tôi bước đi Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời,
khu thương xá cửa khép cuộc đời,
những con tầu ngơ ngác ra khơi.
Tôi bước đi, qua đường rừng chông gai, tăm tối.
Như cuộc đời ở lại từ khi mất người.
Tôi bước đi, như con rết lê lết cuộc đời,
như thân bướm đôi cánh rã rời,
lấy u sầu che dấu tả tơi.

Tự do ơi tự do! tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Tôi nép thân trên mảnh thuyền mong manh sương gió.
Như một người tìm đường về nơi đáy mồ.
Tôi bước đi vì không muốn làm kẻ tội đồ,
vì tôi muốn lại kiếp con người,
muốn cuộc đời còn có những nụ cười.
..”
(Nhạc Ngoại quốc Lời Việt – bđd)

Nghe hát xong, bần đạo bèn ‘lòng hỏi lòng’ bằng câu nói: “Nhà Đạo lâu nay có chăng tự do, dân-chủ?” Hỏi thì hỏi thế, chứ tự đáy lòng người nghe ra như có câu trả lời: “Làm gì được như thế...”

Và câu đáp trả đại loại như thế, cứ lặp đi lặp lại những ý tưởng âu sầu sau đây:       
Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong...

Lại vẫn nhớ, nhiều năm trước đây có bạn đạo dám hỏi đấng bậc quản cai giáo phận nọ là Gm Terry Brady một câu nói tương tự: Có chăng trong Giáo hội tinh thần tự do, dân chủ?” thì được phán cho một câu ‘để đời’ rằng: “Đừng luống công tìm câu trả lời làm gì, bởi Giáo hội ta làm gì có được tinh thần dân-chủ!”
Quả là thế. Dân-chủ đây, chỉ có nghĩa như ‘người dân làm chủ’ đất nước hoặc ‘làm chủ túi tiền ít ỏi’ của mình thôi chứ sao có thể làm chủ được cả một giáo hội gồm toàn đấng bậc đủ tư-cách cũng như quyền lực!
            Nói chung thì như thế. Thế nhưng, nói riêng về cá-nhân nào đó trong Giáo hội, vẫn có đủ tự-do dân-chủ ở thể nhỏ, như nhân vật nào đó, ở đâu đây, để ta coi đó như một đáp trả nghe quen quen như câu chuyện vừa xảy đến với nhà Đạo đầy những thế và lực cùng quyền hành như sau:

Các giám mục miền Trung Tây Hoa Kỳ có mặt tại Rôma triều yết Đức Giáo Hoàng trong khuôn khổ cuộc viếng thăm Ad Limina đã có câu hỏi liên quan đến việc điều tra cựu Hồng y Theodore McCarrick. Gm Earl Boyea thuộc Giáo Phận Lansing đã cho Dịch vụ truyền thông EWTN biết: “Tôi có đặt câu hỏi về trường hợp của “ông” McCarrick. Chúng tôi rất muốn biết kết quả cuộc điều tra. Chúng tôi rất vui khi được biết kết quả cuộc điều tra sẽ được công bố rất có thể là vào đầu năm”.

17 giám mục thuộc khu vực 4 ở Hoa Kỳ bao gồm Ohio và Michigan đã yết kiến
Đức Thánh Cha trong 2 tiếng đồng hồ vào ngày 10 tháng 12 tại Rome và đã có dịp hỏi ngài một số vấn đề. Báo cáo về những trường hợp ông McCarrick lạm dụng tình dục thoạt đầu được công khai hoá vào tháng 6 năm 2018 khi tổng giáo phận New York nhìn nhận rằng các tố cáo đó là “đáng tin và có cơ sở”.

Sau đó có thêm những tố cáo khác liên quan đến trẻ em và chủng sinh và Đức Thánh Cha chấp nhận đơn xin từ chức hồng y của đương sự và vào tháng 7 năm 2018, Đức Thánh Cha đã buộc “ông” suốt đời cầu nguyện và đền tội.

Tháng 11 năm 2018, Hội Đồng Giám Mục Mỹ dự tính bỏ phiếu về một số biện pháp đối phó với nạn lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ kể cả việc kêu gọi Toà Thánh công bố mọi tài liệu liên quan đến ông McCarrick chiếu theo luật đời và luật đạo.

Thế nhưng, Toà Thánh yêu cầu các giám mục Mỹ không nên có bất cứ biện pháp nào cho đến khi diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục vào đầu năm 2019. Cuối cùng, các giám mục Mỹ đã không bỏ phiếu vì sợ bị coi là xung khắc với Vatican.

Vào tháng 2 năm 2019, Đức Thánh Cha cho ông McCarrick hồi tục trước khi triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục để bàn về nạn lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ. Việc Toà Thánh thúc đẩy tiến trình điều tra trường hợp của ông McCarrick có tính chất “xử lý hình sự hành chính” chứ không phải là “thủ tục pháp lý đầy đủ” khi có bằng chứng áp đảo.

Tuyên bố với dịch vụ truyền thông EWTN, Đức Giám Mục Boyea tỏ ý hy vọng rằng việc công bố bản báo cáo tương tự như “cắt bỏ một khối ung nhọt” trong Giáo Hội Hoa Kỳ. Ai cũng biết là sẽ đau đớn, thế nhưng lặng thà như thế, để Giáo Hôi Mỹ có thể thoát ra và sẽ khá hơn. Tất cả chỉ vì lợi ích của Giáo Hội. Sự thật không thể làm Giáo Hội bị thương tổn.”
(Nguồn catholicnewsagency - Vũ Nhuận chuyển ngữ)

Cả câu hỏi lẫn câu đáp trả, có lẽ dẫn đưa bạn và tôi về với ý lời vàng ngọc Đấng Thánh Hiền nói ở trình-thuật Luca sau đây:

            Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Ngài đã xức dầu tấn-phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Ngài đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức...” (Lc 4: 18)

Xem thế thì, Tự Do là thứ gì đó rất quí giá. Quí, đến độ người người luôn trân trọng. Quí giá đến độ ai nấy đều kiếm tìm cho mình và người của mình làm của riêng. Nói tóm lại, Tự Do là thứ gì đó luôn sống còn, hiện diện với con người ở trong ta và với ta. Tự Do, là thành-phẩm phần thưởng luôn dành để cho con người. Ở với đời.
            Về cụm-từ Tự Do, lại có ý-tứ và ý-từ khiến mọi người cứ chuyển cho nhau để thưởng lãm, cảm kích và trân trọng, như câu truyện kể từng khiến thiên-ha chuyền tai nhau trên ‘facebook’, trong thư từ và/hoặc các lời trần-tình ở đâu đó, tựa hồ bài viết ở bên dưi còn chứng tỏ:

Người sáng lập "Đạo Binh Chúa Kitô" sa lầy trong nạn lạm dụng tình dục.
Dòng tu “Đạo Binh Chúa Kitô” - từng bị tai tiếng vì người sáng lập sa vào tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em và áp đặt những lề thói tương tự như của một tà đạo - cho biết kết quả một cuộc điều tra nội bộ phát hiện có 33 linh mục và 71 chủng sinh từng lạm dụng tình dục trẻ em trong 8 thập niên qua.

Trong số những người lạm dụng tình dục có 1 phần 3 từng là nạn nhân của người sáng lập Dòng Tu mà nay đã qua đời đó là linh muc Marcial Maciel trong khi những người khác lại là nạn nhân của các nạn nhân của ông ta. Điều này cho thấy cả một hệ thống lạm dụng tình dục qua nhiều tầng đã phản ảnh sự ảnh hưởng độc hại của ông ta trong Dòng Tu.

Theo báo cáo trên thì ông Maciel - gốc Mễ Tây Cơ - sáng lập một Dòng Tu cực hữu - đã xâm phạm tình dục ít nhất 60 thiếu niên. Ông đã bị Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI trừng trị vào năm 2006 với hình phạt phải rút lui vào bóng tối và suốt đời ăn năn đền tội. Ông qua đời 2 năm sau đó lúc 87 tuổi mà không phải ra toà. 
 
Dòng “Đạo Bịnh Chúa Kitô” hôm thứ 7 tuần qua, đã công bố các số liệu thống kê. Đó cũng là ngày Đức Phanxicô chấp nhận đơn xin từ chức của vị hồng y từng bênh vực mạnh mẽ nhất cho Đạo Binh tại Toà Thánh. Đó là Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn. Hồng Y Sodano - từng là quốc vụ khanh dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị - đã ngăn chận việc Toà Thánh điều-tra các vụ lạm dụng tình dục liên quan đến ông Maciel, mặc dầu Vatican có bằng cớ chứng tỏ ông ta ghiền ma tuý và xâm phạm tình dục trẻ em từ thập niên 40. Tuy nhiên dưới thời Đức Gioan Phaolô đệ Nhị, ông lại được sủng-ái vì có quan-điểm “chính thống” và rộng rãi trong việc đóng góp tiền bạc. 

Năm 2010, sau một cuộc điều tra cho thấy ông Maciel đã xâm phạm tình-dục với các chủng sinh và có ít nhất 3 đứa con với 2 phụ nữ, Toà Thánh đã ra lệnh cho Đạo Binh phải cải tổ. Toà Thánh cũng phát giác ra là ông đã tạo cả một hệ thống quyền lực dựa trên sự “im lặng, lừa đối và vâng lời tuyệt đối” cho phép ông có một cuộc sống hai mặt. Theo tài liệu báo cáo trong số các nạn nhân của hàng linh mục thì có khoảng 60 người là nạn nhân của ông Maciel, đa số là thiếu niên từ 11 đến 16 tuổi. Trong cuộc họp khoáng đại vào tháng tới, ban lãnh đạo Đạo Binh sẽ duyệt xét bản báo cáo này. 
  
Trước khi chết, ông Maciel vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc. Điều đáng nói là đa số các cáo buộc đã đến quá trễ để cảnh sát có thể dựa vào đó để truy tố đương sự ra trước vành móng ngựa. 
(X. Dấu Chỉ Thờ Đại – Vũ Nhuận chuyển ngữ bài: "Giáo Hội Tôi Thế Đó!")
                
‘Dấu chỉ thời-đại’ về Tự Do/Dân chủ đôi khi cũng chỉ như thế, thôi. Nghĩa là: đến quá trễ hoặc không còn hiệu-lực gì nữa. Bởi, cá-nhân người trong cuộc không còn thế-lực hoặc không đáng để nêu tên do bởi vấn-đề đặt ra không còn chuyên chở ý-nghĩa của một tình-huống đáng ta quan-tâm nữa rồi.
Thôi thì, vì lý do gì đi nữa, đề-cập đến một vài ‘sự cố’ nho nhỏ ở đây cũng chỉ để cho có lệ thôi chứ nào làm nên cơm cháo gì cho cam.
Hiểu thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào thức tế với những đề tài này khác cùng một đường hướng trong đó đấng bậc nhà Đạo lại cũng suy tư một kiểu tương tự như sau:
                        “Hôm ấy, rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu, Ngài quay lại bảo họ:
"Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
“Giận dữ, ghen tương cùng tỵ hiềm xót xa”, nhất nhất đều là những đau thương đuối ngã trên đường đời. Con đường lâu nay vẫn thắm đượm nhiều kinh nghiệm cần lướt thắng. Lướt bằng yêu thương. Thắng bằng tha thứ. Bằng cách giữ lòng cao thượng như Chúa dạy, suốt hôm nay. Lời Chúa dạy hôm nay, thoạt nghe ta tưởng như đó là nghịch lý, rất khó nghe. Nghịch lý và khó nghe, là bởi nếu không thận trọng ta những tưởng Chúa dạy phải giận hờn ghét ghen. Ghét vợ ghét con, ghét cha mẹ ghét cả người thân ta cứ tưởng là có ghét như thế, mới được gần gũi với Chúa. Với Cha. 
Không. Không phải thế. Trình thuật hôm nay, thánh sử Luca muốn diễn bày quyết tâm của  các đồ đệ theo Chúa. Thánh sử diễn tả bằng những lời lẽ rất triệt để. Điều, thánh nhân muốn nói, là: khi đã dấn bước theo chân Chúa, con dân nhà Đạo cũng nên dứt khoát tư tưởng, cho trọn tình trọn nghĩa. Trọn tâm can. Trọn tình vẹn nghĩa, tức chấp nhận lối cảm nghiệm rất sâu sắc về cuộc đời. Cảm nghiệm để rồi, đem thái độ sống ấy vào chính con đường mòn ta đi, trong cuộc đời.
Đọc Tin Mừng thánh Luca với đầu óc hoàn toàn cởi mở, không theo theo nghĩa đen. Không thành kiến rất tối, người đọc hẳn sẽ nhận ra rằng thánh Luca không có ý bảo: hãy ghét hết mọi người. Hoặc, ghét bỏ chính mình. Ngược lại, thánh sử kêu gọi người người hãy yêu thương giùm giúp lẫn nhau. Yêu thương giùm giúp mà chẳng cần tìm hiểu hoặc cứu xét xem người ấy là ai. Người ấy có đáng yêu không. Cũng chẳng cần xét xem người ấy có là họ hàng người thân, không. 

Những gì Đức Kitô căn dặn nơi trình thuật, đã đưa ta về lại với xác tín ta vẫn có từ trước. Đặc biệt hơn cả, là: dụ ngôn kể về người Sa-ma-ri tốt bụng, mới đề cập hồi tuần trước. Điều này còn ghi rõ nơi lời nguyện cầu “Lạy Cha”, Chúa vẫn khuyên. 
Xem như thế, đã là đồ đệ theo chân Chúa, hết thảy đều phải tâm niệm câu nói nằm lòng “tứ hải giai huynh đệ”. Tức, anh em bốn bể đều người nhà. Con cái muôn phương đều một Cha. Người Cha yêu thương. Cha trên trời. Đó là điều Đức Chúa dạy tất cả các người con dưới thế: hãy yêu thương nhau như con một nhà.
Trình thuật của Chúa luôn nhấn mạnh đến nền tảng của Đạo: tương quan với Chúa. Tương quan – hiệp thông với Chúa, phải được dẫn chứng bằng đường lối ta cư xử với các người anh, người chị cùng một Cha. Đường lối cư xử, tức cách xử sự của những người con cùng Cha trên trời, không tùy vào hệ thống quân giai rắc rối, như ở đời. Cũng chẳng tách bách họ hàng như gia tộc.
Tương quan và hiệp thông với Chúa, không thể cân đong đo đếm bằng những danh xưng/chức tước, tiền bạc của cải, hoặc tôn giáo, nghề nghiệp, hoặc giai cấp xã hội. Tương quan với Chúa, là tâm tình thân thương trìu mến được diễn bày với người dưng khác họ, ở đâu xa.  
Trình thuật của Chúa, còn bàn về tương quan ta đang có giữa những người anh em đồng hội đồng thuyền, sống gần gũi với ta. Trong tương quan đối xử, điều quan trọng không nằm ở chỗ: người này người kia đánh giá thế nào về ta. Nhưng, bằng vào mức độ ta quan tâm chăm sóc mọi người đến thế nào. Quan tâm chăm sóc ấy còn được gọi là lòng yêu thương xót xa thể hiện bằng cử chỉ và tâm tình khi ta tiếp xúc với những người dưng khác họ, mà thôi.
Ai tìm sự bình an hài hoà nơi thái độ quan tâm chăm sóc những người ngoài luồng, ngoài Đạo, thì người ấy sẽ cảm nghiệm được điều mà thánh Phao-lô khẳng định trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Do thái: “Nơi mà anh chị em phải đến, đó chính là núi Sion. Là chốn thành đô của Thiên Chúa cùng với toàn thể Hội thánh ở nơi đó mỗi người là “trưởng tử” và là công dân của Nước Trời.”
Trình thuật của Chúa cũng nhấn mạnh thêm điều này: chúng ta đương nhiên là đã yêu thương người thân thuộc cùng giòng họ. Không cần nói cũng biết. Nhưng, điều hệ trọng Chúa ân cần dặn dò, là: nếu ta chỉ yêu thương đùm bọc người thân yêu ruột thịt mà thôi, như thế hoàn toàn không trọn nghĩa, vẫn chưa đủ. 
Giả như, ta chỉ thỏa mãn ước nguyện của người thân yêu/ruột thịt mà thôi, chẳng đoái hoài đến nhu cầu và thân phận của người dưng khác họ nào khác, tức là ta đã bất công với gia đình rộng lớn gồm những người con cùng Cha trên trời. Nếu không nhận ra người anh người chị trong gia đình lớn như người thân thuộc, ta không thể nào trở thành đồ đệ của Thầy Chí Thánh. Bởi, như thánh sử Luca ghi rõ:“Mỗi lần các ông từ chối không chăm sóc những người anh chị em của Ta, tức là các ông từ chối chính Ta.” 
Nếu chỉ yêu thương đùm bọc mỗi giòng họ người thân của mình, thôi. Đó là thứ “ghét bỏ” mà Đức Giêsu không muốn con cái và đồ đệ Ngài thực hiện. Nói tóm lại, là người theo Chúa đích thật, ta phải nhận ra sao bản của Thầy Chí Thánh nơi tất cả những người anh người chị thân thương hoặc chỉ người dưng khác họ, không hơn không kém. 
Yêu thương đùm bọc Đức Giêsu nói đến, còn được thánh Phaolô bổ túc bằng thư tâm tình xin anh Philêmôn nhận người dưng khác họ là nô lệ Ônêximô làm người anh em thân thuộc: “Tôi xin anh cho đứa con sinh ra trong cảnh xiềng xích, xin gửi về anh để xin anh đón nhận như người ruột thịt.” (Plm 1: 10-14). 
Tình yêu thương mà thánh nhân đề cập là tha thứ cho những gì nô lệ Ônêximô đã làm. Nay người nô lệ ấy đã trở thành anh em cùng nhà. Nhà của tín hữu Đức Kitô Nhân Hiền. Ở nơi đó, mọi người coi nhau như anh em ruột thịt.
Cuối cùng, cởi bỏ mọi hình thức thân cận, ruột thịt là để ta có được tự do mà theo đuổi sự thật. Sự thật về lòng yêu thương đùm bọc luôn thăng hóa. Và, khi đã thăng hóa trong yêu thương như thế, mọi người theo chân Chúa sẽ tự tạo cho mình niềm phấn khởi sẵn sàng lập một hành trình. Hành trình luôn “có lòng cao thương; không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông”. Nhưng, xóa bỏ hận thù bằng mọi dấu yêu thương. (Lm Richard Leonard sj biên-soạn -Mai Tá lược dịch.)

Cuối cùng thì, hành trình đi Đạo luôn kêu mời mọi người tạo điều kiện sống yêu thương giùm giúp lẫn nhau cho trọn tình, ý-ghĩa. Thế mới là người đi Đạo biết giữ Đạo. Để minh họa những điều vừa quyết, nay mời bạn, mời tôi ta đi vào vùng trời truyện kể ở ‘facebook’ trong đó có những chi tiết về ý về tình, như sau:
“Tôi luôn rất thích nụ cười của đàn bà. Đàn bà dù có nhan sắc hay không, xinh hay không xinh, chỉ cần cười là tôi đã thấy đẹp. Tôi đã nghĩ đó là nét đẹp, là sức quyến rũ rất riêng của đàn bà, hơn cả chân dài hay ngực khủng. Nụ cười hạnh phúc và rạng ngời của đàn bà luôn có sức lan tỏa cả không gian xung quanh. Luôn hiền lành và tràn đầy bao dung, như chính trái tim và tấm lòng của họ. Nhưng bạn biết tôi sợ gì nhất ở nụ cười của đàn bà không? Là khi nó nhẹ như không, bình thản đến lạnh người. Là khi cạn cùng của đổ vỡ, đàn bà cười nhẹ tênh. Tôi sợ điều này hơn cả nước mắt hay sự im lặng của đàn bà. Vì thay vì khóc, đàn bà cười, nụ cười như vỡ vụn trong tổn thương mà bất cần.
Tôi còn nhớ, anh từng nói với tôi, anh yêu nụ cười của chị. Quả thật, chị cười rất tươi, một nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy. Những năm tháng khi cả hai chỉ là sinh viên, anh đã không ngại đạp xe đi cả mấy cây số chỉ để mua món đồ chị thích, khiến chị cười khi chị muộn phiền. Từng chứng kiến anh đã cố gắng và hạnh phúc đến nhường nào để có thể nhìn thấy chị cười tươi đẹp và hạnh phúc như thế. Khi ấy tôi đã nghĩ, đàn bà chỉ có thể cười khi hạnh phúc, khi đủ đầy yêu thương và sẻ chia. Tôi đã không biết, ngay cả khi đau khổ tột cùng, đàn bà vẫn có thể cười.
Anh cầu hôn chị sau 5 năm yêu thương. Sau 5 năm kết hôn, anh thăng tiến trong công việc. Chị vẫn một mình ở nhà quán xuyến việc nhà với hai đứa con ngoan. Vài lần lại ngôi nhà khang trang của anh chị, không biết sao tôi lại không còn thấy nụ cười khi xưa của chị. Tôi từng nghĩ có lẽ cuộc sống áp lực và vất vả dễ khiến con người ta muộn phiền. Nhưng rõ ràng những năm tháng bão bùng một thời còn cực khổ hơn gấp bội, vậy sao chị vẫn có thể hạnh phúc như đã từng? Cho đến khi tôi biết, anh có nhân tình. Anh xem điều đó như một lẽ dĩ nhiên. Anh bảo với tôi rằng xã hội thượng lưu anh mới bước vào, đàn ông nào lại không có nhân tình? Anh chỉ là làm quen với “quy luật” của thế giới đó. Anh không nhận ra, chẳng có “quy luật” nào tàn nhẫn như vậy cả. Chỉ là anh không kiềm lòng trước cám dỗ ở đời mà thôi.
Ngày đó, tôi gặp chị, nụ cười bao năm héo úa đã không còn. Tệ hơn hết, chị cười nhẹ tênh, dù tôi biết lòng chị có bao nhiêu đổ vỡ nát tan. Nụ cười đó của chị luôn khiến tôi ám ảnh sau này. Đàn bà đau lòng đến mức nào, khóc không dứt ra sao để ráng nặn một nụ cười xót xa đến như thế? Nụ cười ấy chứa bao nhiêu là khổ đau và bất hạnh. Rồi chị ly hôn, như buông bỏ tất thảy. Hai năm sau đó, chị như hồi phục sau những tháng ngày như không thể đứng dậy. Chị lại cười, nụ cười hạnh phúc của riêng mình. Đúng lúc ấy anh lại muốn quay về. Chỉ là, mọi thứ đã quá muộn. Anh mãi mãi không thể có lại nụ cười hạnh phúc chị từng chỉ dành riêng cho anh.
Đàn ông hơn nhau, chính là ở nụ cười của người đàn bà đi cùng. Đàn ông yêu thương, đàn bà sẽ cười hạnh phúc. Đàn ông tệ bạc, nụ cười của đàn bà héo úa mà đáng thương. Đàn bà hơn nhau là biết chọn người đàn ông có thể làm mình cười cả một đời, hơn là chỉ biết khóc mỏi mệt. Vì vậy, nếu đàn ông chỉ có thể đem đến cho ta nước mắt, hãy ra đi để tìm nụ cười của chính mình. Đàn bà đẹp nhất khi cười. Và nụ cười của đàn bà cũng chỉ nên dành cho một người xứng đáng…(guồn:  Phụ nữ sức khỏe Fb Nguyen Xuan Thu)

Như thế là chuyện đời. Nhự vậy là cuộc sống. Chuyện về cuộc sống rất trữ tình nhưng cũng là chuyện thực-tế ở đời. Khắp muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn rất thích những câu chuyện để đời
Rất như thế.

No comments: