Wednesday 26 June 2019

“Ô hay mùa đông mà xuân đã lâng lâng”


Chuyện Phiếm đọc sau Chúa Nhật 13 thường niên năm C 30/6/2019

“Ô hay mùa đông mà xuân đã lâng lâng”
“ô hay mùa đông mà mai đã lên bông,
vì gót chân in dấu ân tình hoa lá ngỡ như mùa xuân,
mùa xuân ái ân.”
(Lê Uyên và Phương – Một Ngày Vui Mùa Đông)

(2Timôthê 4: 6-12)

Hát lên câu này, cả người hát lẫn người nghe đều thấy “lâng lâng”, dù chưa Xuân! Quả là thế. Vâng. Rất như thế. Nếu không, làm sao người hát lại cứ tiếp tục với những câu sau đây: 

“Em lên ngày mai, đường gió trăng cài
mong em từng giây, rộn ràng như ngây.
Em ơi vì đâu, hẹn rồi thờ ơ.
Xuân sang rồi sao, mà hoa nở không tươi?
Xuân qua rồi sao, mà tim đã đơn côi?
Vì đã cho nhau những mong chờ,
hãy nở để quên tình yêu tình yêu, nhớ mong.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)

Quên sao được, thứ tình yêu nhớ mong, mong nhiều như thế ấy. Bởi, ngay sau đó người nghệ sĩ lại vẫn hát những lời như thể bảo:

“Qua hôm sau, nghe gió thoảng như đi mau.
Mây trắng đã trao cho nhau, những ái ân không màu.
Khi không yêu, đâu biết nắng hay phai nhanh!
Đâu biết mắt hay long lanh, khi ái ân tan tành,
rồi đến ngày kia, ga buồn chờ mãi người yêu,
thềm ga vắng tanh.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)

Rất nhiều lần, bần đạo đây mỗi khi cất lên những ca-từ đầy cảm xúc này, đều thấy cõi lòng mình tràn ngập niềm yêu đương, hệt như người đương yêu, dù bần đạo đây nay đã trải qua những ngày “thất thập” mà vẫn chưa “cổ lai hy”!… “Cổ lai hy” sao được, khi ta cứ ê a ta bà bài ca yêu đương, trữ tình của người đương yêu, như thế được.

“Ai như người yêu, màu áo mây chiều.
Ai như người yêu, lạnh lùng cô lieu.
Ô hay vì sao, mà em đến nơi này.
Ô hay vì sao, mà em nhớ hôm nay.
Vì trót yêu anh, áo vai gầy không nỡ để anh mùa xuân,
mùa xuân nhớ mong.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)

Trong đời người, nhiều lúc cũng thấy là bạn và tôi không nỡ để mọi người nhũng nhớ và mong đâu đấy chứ? Vâng. Đời là thế đấy, bạn ạ. Nhiều vị cứ nhớ và mong rất nhiều thứ. Những thứ và những sự mà bần đạo bầy tôi đây, đặc biệt là phút này, chỉ mong và nhớ mỗi chuyện “ấm ớ”, như sau:

Số là, hôm ấy có bạn đạo ở Sydney chẳng hiểu vì sao lại cứ gửi lên đấng bậc vị vọng mỗi thắc mắc vụn vặt qua câu hỏi cũng rất ư là vặt vãnh, bảo rằng:

“Thưa Cha,
Con thường nghe nhiều đấng bậc kể dài câu chuyện về cái-gọi-là “Cảo Bản Biển Chết”, thế mới lạ. Đã gọi là Biển Chết rồi thì những gì ở trong đó kể như đã hết, sao còn hỏi? Thôi thì, để cho rộng đường dư luận, cũng xin Cha chỉ giáo đôi câu để bầy trẻ sau này không còn thắc mắc mấy chuyện lỉnh kỉnh như thế nữa.”

Và, Cha đạo nhận được thắc mắc/hỏi han khá ư là đạo mạo, bèn có đôi lời đáp trả như sau:

“Vâng, thưa anh/thưa chị. Cảo Bản Biển Chết, là bản-văn in trên giấy cuộn bằng cỏ lau/sậy rất cổ/xưa tìm thấy được ở Israel trong hang/động Qumran nằm về phía Tây sát cận Biển Chết xuất-hiện từ năm 1946 đến 1956 do bởi mục đồng và các nhà khảo cổ ở thôn làng Bedouin tìm thấy, bèn đưa vào cục lưu trữ.       

Cảo Bản nói ở đây, được cất kỹ trong các chum/vại nằm rải rác ở 11 động-đình-hồ chứa đựng các văn-kiện và tài-liệu viết tay này khác. Nhiều bậc thức-giả định-vị ngày giờ của cảo-bản vào thế-kỷ thứ ba trước Công-nguyên kéo dài đến kỷ-nguyên đầu đời, sau ngày Chúa về trời.    

Nhiều tiền đồng hoặc tiền kẽm cũng tìm thấy ở cùng chỗ xuất-hiện từ thời thượng-tế Gioan Hyrcanus là đấng bậc tư-tế sống vào năm 135 đến 104 trước Công nguyên, xuyên qua cuộc chiến giữa Do-thái và La Mã từ năm 66 đến 73, sau Công nguyên.

Cảo-Bản đây, có tầm quan-trọng cũng rất lớn về cổ sử lại chứa đựng rất nhiều văn-bản gặp ở Cựu Ước hầu chứng-thực những gì được thấy ở bản-văn viết tay này khác.

Cảo-Bản đây, có niên-hiệu được coi là cổ-sử bậc hai của Thánh Kinh Do-thái-giáo. Cảo-bản xưa/cổ nhất tìm thấy ở Giêrusalem qua hình-dạng chiếc bùa hộ mạng bằng bạc có niên-hiệu cổ-sử khoảng 600 năm trước Công nguyên chứa nhiều phân-đoạn rút từ sách Dân Số mà ra.

Trước ngày khám phá Cảo Bản này, người ta lại thấy nhiều văn-bản viết tay khác, từ các bản văn “Masoretic” có ghi niên-hiệu vào thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên.

Cảo Bản đây, xuất tự ngàn năm về trước cho thấy tính chính xác khác thường do người đương thời chuyển dịch từ các bản gốc sang bản “Masoretic”.

Hơn nữa, Cảo Bản đây còn chứa đựng nhiều văn-kiện xuất-hiện ở các sách trọn bộ gói gọn trong Thánh kinh Do-thái-giáo ngoại trừ sách Esther không thấy các đoạn văn vụn rút từ Tân Ước hết. Cảo Bản đây, lại cũng chứa đựng các bản viết tay không thuộc thánh kinh nhưng lại cho thấy nguồn tư-tưởng đạo rất khác-biệt, vào thời đó.

Ngoài ra, còn có hàng ngàn văn đoạn vụn tìm thấy chung quanh Biển Chết, tức: những bản viết bị thiên-tai hoặc nhân-tai hủy-hoại.

Đa phần các văn-đoạn đây, thường là các đoạn văn vụn, nhẹ lấy từ tài-liệu không mấy quan trọng, dù một số ít chừng mươi bản vụn còn nguyên vẹn. Hầu hết các bản văn này, đều viết bằng tiếng Hip-ri cũng như một số khác viết bằng tiếng Aram và tiếng Hy-Lạp. Hầu hết các bản này, được viết trên da thú; một số khác,gặp thấy trên giấy bồi, giấy cói và duy có một bản được viết trên lớp đồng dát mỏng.

Có đến 70% văn-bản được định-hình là rút từ Cựu Ước, trong khi phần còn lại thường liên-quan đến vấn đề thế-tục, cả đến nội-qui Cộng-đoàn và niềm tin tư riêng của giáo-phái nào đó thuộc Do-thái-giao. Nói chung, các nhà khảo-cổ đã nối kết Cảo Bản này với văn-liệu của nhóm Ét-sê-nê, tức nhóm/phái cổ/xưa xuất-hiện cùng thời với người Pharisêu và Sađuxê, tức: các nhóm sùng đạo phát-triển mạnh vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên cho tới thế kỷ đầu đời vẫn hoạt-động mạnh.

Những người trong nhóm Ét-sê-nê quyết thực-thi lối sống khổ-hạnh trong đó có cả chuyện tắm gội đầm mình trong nước, bằng cầu nguyện và tuân-thủ gắt-gao ngày Sabát cùng việc thực-thi bác-ái. Các tư-tế thuộc nhóm/phái này chuyên giữ luật cách nghiêm nhặt và sống đời độc-thân, kiêng cữ chuyện nam/nữ.

Theo nhiều người, nhóm Ét-sê-nê là những người viết ra Cảo Bản này và giấu kín trong các động-đình-hồ ở vùng chung quanh trong thời-điểm từ năm 66 đến 68 sau Công nguyên. Điểm Qumran bị hủy-hoại trong thời nổi dậy và các động-đình-hồ thời ấy cũng chứa đựng một số cảo-bản chỉ mới phát hiện vào năm 1946 mà thôi.

Việc nối kết cảo bản của người Ét-sê-nê được định-vị làm bằng chứng cho thấy có nét tương-đồng giữa việc cử hành lễ tế gặp ở Nội qui Công-đoạn trong các cảo-bản mô tả các nghi-thức tế-tự do người Ét-sê-nê thực-thi mà sử-gia Flavius Joseph từng đề-cập.

Ngoài ra, lại cũng thấy có việc san-sẻ tài-sản được ghi chú trong Nội qui Cộng đoàn                        cũng như tài-liệu do sử gia Flavius Josephus viết, tức: việc khám-phá ra buổi tắm gội chính-thức tại Qumran, được coi như nghi-thức biểu-tỏ việc thực-thi tắm gội hằng ngày ghi ở Nội qui Cộng đoàn, cũng như sự việc khám phá ra giếng mực ở Qumran và phiến đá có ghi nhiều chữ viết, ở trên đó.

Hơn thế nữa, sử-gia La Mã là Pliny Già là người viết sử xuất hiện sau ngày đền thờ Giêrusalem bị triệt-hạ vào năm 70 sau Công nguyên, trong đó có mô tả nhóm người Ét-sê-nê sống thành cộng-đoàn trong sa mạc nằm mạn phía Tây Bắc Biển Chết, là nơi mà tài-liệu Qumran được tìm thấy.

Cảo Bản Biển Chết, thực sự lôi cuốn các nhà khảo-cổ cách đặc-biệt vì chứa đựng nhiều bản-văn rút từ Cựu Ước vào thời-điểm sớm nhất.“ (X. Lm John Flader, Scrolls give us confidence, The Catholic Weekly 24/02/2019 tr. 21)                 

Phát-hiện ra tài-liệu hiếm/quí sớm như thế, cho thấy những gì ta từng nghe biết và học được từ đấng bậc trong Đạo, cũng là điều đáng kể. Đáng để kể cho con/cháu về sau, là đám trẻ hôm nay và mai rày chẳng biết gì và cũng chẳng cần biết về đạo-giáo đầy sử-liệu rất dễ nể.

Dễ nể hơn nữa, lại là lập-trường sống theo kiểu của người xưa là những người từng rập theo chi-tiết của niềm tin rất lịch sử của Đạo mình. Có thể nói mà không sợ sai lầm, rằng: lối sống của người Phương Tây phần lớn chịu ảnh-hưởng từ các chi-tiết hiếm/quí nói ở trên.

Vấn-đề còn lại là hỏi rằng: con người ngày nay, đạo cũng như đời, có gì để lại cho con/cháu hoặc ai đó để ta cứ theo đó mà sống nhanh, sống mạnh, sống vững chãi một đời đi Đạo, nữa hay không? Hỏi, tức: đã trả lời một cách nào đó rồi. Trả lời ra sao, bầy tôi đây vẫn xin trân trọng đến muôn ngàn đời.

Trong tinh thần đề cao/tôn trọng những gì cao sang, đầy sử-tính trong đời đi Đạo, tưởng cũng nên đi vào vùng trời Lời Chúa có những điểm son được bậc thánh hiền trong Đạo từng bàn bạc:

“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế,
đã đến giờ tôi phải ra đi.
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
đã chạy hết chặng đường,
đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính;
Chúa là vị Thẩm Phán chí công
sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy,
và không phải chỉ cho tôi,
nhưng còn cho tất cả những ai
hết tình mong đợi Ngài xuất hiện.
Anh hãy mau mau đến với tôi,
vì anh Đêma đã bỏ tôi,
bởi yêu mến thế gian này;
anh ta đã đi Thssalônica.
Anh Crétxen đã đi sang miền Galát,
anh Titô đi sang miền Đanmatia.
Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi.
Anh hãy đem anh Máccô đi với anh,
vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi.”
(2Timôthê 4: 6-12)

Thế đó, là cuộc sống ở cộng đoàn. Thế đó, là đời sống của đấng bậc quyết làm chứng nhân cho Tình Yêu Thiên Chúa.

Thêm nữa, để minh-họa cho những gì mình đã và đang nói đến, xin mời bạn, mời tôi, ta nghe thêm một truyện kể cũng khá đáng kể mà vui.

“Truyện rằng:
“Có lẽ vì luôn cảm thấy số phận mình không được may mắn nên khi làm bất cứ việc nào tôi đều cố gắng hết sức. Người ta bảo Trời có mắt, mình cứ chịu khó thì nhất định sẽ có ngày được đền đáp – tôi tin thế.

Năm 2003. Tôi sang Mỹ đã sắp nửa năm rồi mà vẫn chưa xin được vào Học viện Âm nhạc nào để học tiếp, đành phải ở nhờ nhà bạn trai của mình tại bang California. Anh ấy là kỹ sư máy tính ở đây. Tôi đành phải làm những việc linh tinh như gia sư chẳng hạn. Thu nhập cũng đủ sống, có điều tôi sang Mỹ đâu phải để làm những việc như thế, sao tôi có thể cam chịu số phận ấy được nhỉ ?
Cuối cùng thì cơ may cũng đến. Tháng 5, trong dịp tham gia cuộc thi biểu diễn đàn dương cầm toàn nước Mỹ, tôi được xếp thứ tư. Đây là thứ hạng cao nhất mà người Hoa ở Mỹ đạt được. Cố gắng bao năm của tôi thế là đã được đền đáp: sau kỳ thi này người ta cho tôi cơ hội được vào học ở Học viện Âm nhạc thành phố Philadenphia.
Giáo sư Enixon phụ trách chiêu sinh của Học viện này gửi cho tôi một bức e-mail báo tin ấy. Trong thư ông viết: “Chúng tôi mong muốn các học sinh của mình đều là những người có nhân cách cao thượng” – mấy từ “nhân cách cao thượng” này sao mà khó hiểu thế cơ!
Thi viết được ấn định vào ngày 30 tháng 7, thi vấn đáp vào ngày 18 tháng 8. Kết quả thi viết của tôi rất tốt. Thi xong, tôi liền xin thôi mọi công việc đang làm. Chiều hôm 14 tháng 8, sau khi luyện đàn ba tiếng đồng hồ liền, thấy người hơi mệt, tôi quyết định đi nằm một lúc. Mọi khi tôi ngủ rất ngon, thế nhưng hôm ấy tôi bị thức giấc giữa chừng, vì trời nóng quá. Tôi nhớ rõ ràng là mình đã bật điều hoà rồi cơ mà ! Tôi bèn thử bật đèn, đèn không sáng. Thử bật ti vi, màn hình cũng không sáng. Mất điện chăng ? Tôi kéo rèm cửa, chải đầu, chuẩn bị ra ngoài phố xem sao.
Trên đường phố, người qua lại tất bật, cuống quýt, ai nấy đều căng thẳng, lo lắng. Lẽ nào lại xảy ra một vụ “11 tháng 9”? Hay là bọn khủng bố tấn công ? Trời ơi ! Tôi vừa làm dấu chữ thập vừa cầu nguyện: cầu Trời, xin đừng xảy ra bất kỳ tai hoạ bất trắc nào... Khi vừa tới Trung tâm Điều dưỡng của khu phố, tôi định đẩy cửa vào hỏi xem tình hình ra sao thì bỗng thấy một ông người Hoa đi từ trong ra, chẳng chào hỏi gì sất, kéo tay tôi lôi tuột vào trong, vừa đi vừa nói:
-Bà Hà này, bà đến đúng lúc quá, tôi cũng nghĩ là nhất định bà sẽ đến giúp đỡ chúng tôi, đúng không ạ ? Cả thành phố bị mất điện, tối như hũ nút, khắp nơi rối tung rối bời, bao nhiêu người vấp ngã, bị thương, chúng tôi đang thiếu người chăm sóc nạn nhân... 
Tôi định thần nhìn, thì ra là ông Huy hàng xóm của chúng tôi, nói tiếng phổ thông đặc sệt giọng Hồng công.
Tôi định rút tay ra thì đã bị kéo vào một gian phòng trông như kiểu phòng bệnh viện, chỗ nào cũng thấy người bị thương. “Bà Hà phụ trách 10 giường chỗ này nhé, toàn những người bị thương nhẹ thôi, bà chỉ cần rót nước cho họ uống và thăm hỏi an ủi họ là được.”
Làm thế nào bây giờ đây? Bỏ đi thì không được lịch sự, thôi, đành cứ chiếu lệ làm một lúc rồi lẳng lặng chuồn về nhà thì hơn. Tôi nghĩ vậy và an tâm chịu khó làm việc, vừa làm vừa thỉnh thoảng liếc đồng hồ. Nhiều nhất mình chỉ nán lại đây một tiếng đồng hồ thôi nhé, tôi tự nhủ.
“Bà Hà này, đây là ông Mike, bà làm ơn chăm sóc ông ấy nhé. Ông Mike bị thương trong đường tầu điện ngầm, đã cấp cứu sơ bộ, nhưng chưa thể về nhà được vì nhà ông ấy ở tầng 23, thang máy mất điện, đành phải ở đây vậy.”
“Bà Hà này, đây là bà Robinson, chắc hai bà quen nhau đấy, nghe nói bà dạy con gái bà Robinson phải không? Bây giờ bà hãy trò chuyện tâm sự với nạn nhân nhé. Bà ấy có vẻ căng thẳng quá. Lần trước, một người thân của bà ấy bị chết trong “vụ 11 tháng 9”, cho nên lần này chúng tôi nói thế nào bà ấy cũng không tin đây chỉ là một vụ mất điện bình thường. Vả lại, ông chồng bà ấy lúc này không có mặt ở đây...”
Công việc dần dà không tài nào kiểm soát nổi, mỗi lúc lại có thêm nạn nhân vào mà chẳng thấy ai ra cả. Điện vẫn chưa phục hồi, Trung tâm Điều dưỡng khu phố nhỏ bé lúc này đã chật ních nạn nhân. Tôi muốn chuồn về lắm nhưng việc này làm chưa xong thì đã bị giao việc khác. Bất cứ ai cũng có thể cắt đặt công việc cho tôi, cũng như tôi có thể ra lệnh cho bất cứ ai, chỉ cần đấy là việc cấp cứu nạn nhân.
Sau cùng tôi thấy trời đất bỗng dưng tối sầm, tôi ngã lăn ra, bất tỉnh nhân sự.
Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường bệnh viện, bên cạnh mấy bó hoa. Nụ cười hồn hậu nở trên khuôn mặt bạn trai của tôi : “Cherry, tỉnh rồi à? Em thật dũng cảm, anh không ngờ em lại dũng cảm như vậy. Lần này anh đã tận mắt nhìn thấy đức tính tốt đẹp nhất của em.”
Thật là một lời khen tuyệt vời! Nhưng tôi đâu cần khen. Tôi chỉ muốn được về nhà thôi. Về để luyện đàn, tôi chỉ nghĩ đến việc mình sắp thi đến nơi rồi. Ngày 18 tháng 8, tức ngày thứ 3 sau khi xuất viện về nhà, tôi đi thi. Trước mặt các thầy cô giáo của Học viện Âm nhạc Philadenphia, tôi đàn sai một nốt nhạc. Khỉ gió, tất cả là tại cái vụ mất điện khốn kiếp! và cái Trung tâm Điều dưỡng đáng ghét kia! Thật ra tôi đã biết trước là luyện đàn với cường độ như vậy thì sức khoẻ của mình khó mà chịu nổi, lại thêm hôm 14 bị công việc chăm sóc nạn nhân hành hạ suốt đêm. Tại tôi cả thôi, tự tôi đã làm tiêu tan mất tiền đồ sán lạn của mình...
Trong số các giáo sư có mặt hôm ấy, tôi thấy một gương mặt quen quen. Đó là ông Enixon, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi dương cầm toàn quốc hôm nọ. Hôm nay không rõ tại sao ông ấy lại cho tôi điểm số cực cao. Phải chẳng vì tôi đã làm ông thất vọng? Nhưng tôi không tìm được lý do – ai cũng có thể tìm được cớ để bào chữa cho sai sót của mình, tôi không muốn bị người khác hiểu lầm trên cả hai mặt tài năng và đạo đức. Có lẽ điều hồi nhỏ tôi thường nghĩ tới nay lại ứng vào mình chăng : số phận may mắn chẳng bao giờ rơi vào tôi cả ?
Thế là, sau khi về California, tôi lại dự định tiếp tục cuộc đời gia sư tẻ nhạt như cũ.
Hôm sau, tôi nhận được 2 bức thư gửi từ Học viện Âm nhạc Philadenphia. Bức thư thứ nhất có nội dung thế này :
“Bà Cherry thân mến, chúng tôi hân hạnh báo để bà biết, bà đã được Học viện âm nhạc Philadenphia nhận vào học. Xin mời bà có mặt tại trường chúng tôi trước ngày 15 tháng 9 năm 2003.
Phòng Chiêu sinh”
Bức thư thứ hai như sau:
“Bà Cherry thân mến. Chắc bà đã nhận được thông báo nhận vào học, nhưng tôi đoán nhất định bà đang nghi hoặc, vì trong lần thi vấn đáp hôm nọ bà đã có biểu hiện không bình thường. Tôi muốn nói là, thật ra ngay từ đầu bà đã mất cơ hội vào học, vì chúng tôi đột xuất cắt tiêu chuẩn tuyển sinh người Hoa trong năm học này.
Thế nhưng khi đọc báo đưa tin về vụ mất điện hôm 14 tháng 8 ở California, tấm ảnh chụp bà nằm trên giường bệnh đã làm chúng tôi xúc động sâu sắc. Â m nhạc là nghệ thuật của tâm hồn, chỉ những người tâm hồn thực sự cao thượng thì mới có thể diễn đạt được nội dung chân thực của âm nhạc đến mức tuyệt mỹ. Bà chính là người học trò chúng tôi đang tìm kiếm, vừa có kỹ sảo chơi đàn tuyệt vời lại vừa có nhân cách cao thượng.
Enixon của Bà ”
Lần đầu tiên trong đời, tôi ôm mặt khóc rưng rức vì một điều không phải là sự thành đạt. Lâu nay tôi cứ tin rằng, chỉ cần mình cần cù phấn đấu thì cuộc đời sẽ trở nên hoàn mỹ, không có gì đáng ân hận, vì thế tôi kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, chưa bao giờ chịu bỏ công sức vào những việc không nhìn thấy sự đền đáp. Thế mà lần này, nhờ làm công việc cứu trợ bất đắc dĩ mà tôi trở thành một người có nhân cách cao thượng.” (Bức điện thư của Gs Enixon Nguyên Hải chuyển ngữ)

 Và, thêm một chuyện cười cho vui đời, để kết thức, rất như sau:

            “Khi đứng xe buýt, bà mẹ dặn con trai:
-Nếu bác tài xế hỏi, con hãy nói là con mới lên 4 mà thôi. Nói thế, để được lên xe buýt miễn phí.
Quả nhiên, bác tài hỏi cậu bé;
-Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
-Dạ, cháu 4 tuổi ạ?
-Vậy. Bao giờ thì cháu lên 5? Bác tài vui tính hỏi.
-Đó là khi cháu xuống khỏi xe buýt của bác, đấy bác ạ!”

Chuyện tiếu lâm chay ở đây, không cố ý dạy con nít nói dối cho bằng, chỉ muốn mua vui cũng được một vài phút giây, mà thôi. Và, đấy cũng là mục địc của câu chuyện “loạn phiếm”, rất hôm nay.          

Trần Ngọc Mười
Luôn trân trọng các chi-tiết
Văn minh, lịch-sử của mỗi người
Và mọi người.   

No comments: