Friday 2 October 2015

“Lời nào muốn nói nhưng chuốc sầu thêm thôi,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần 28 thường niên Năm B 11/10/2015

“Lời nào muốn nói nhưng chuốc sầu thêm thôi,”
Tình nào buông trôi, như nắng chiều lưng đồi!
Một ngày nắng ấm, xin chấp cánh bay cao
Ðể rồi mai sau, còn ai nói yêu nhau,
Nhạc tình phôi pha, còn ai thấy xót xa
Người về nơi đâu, thung lũng sầu thêm sâu.
(Nguyễn Trung Cang – Lời Nào Muốn Nói)
(Thư Phillíphê 2: 1-5)          

Ấy đấy! Có những sự và những việc ở đời với con người, đều như thế.
Đúng vậy! Có nhiều điều, người đời lại những nói cho lung, cho lắm cũng chỉ “chuốc sầu thêm thôi”. Lại cũng có nhiều điều và nhiều sự trên đời, người đời đều nói hôm nay, có thể không chỉ là “nhạc tình phôi-pha”, cuộc đời “thấy xót xa”, mà vẫn cứ là “thung-lũng sầu, thêm sâu”.
Thế đó, là tâm-tình của nhiều người, trong đời. Còn đây, có lẽ cũng là tình-tự của nhiều người ở Nước Trời Hội-thánh, rất hôm nay?
            Câu hỏi ở đây, đã và đang là vấn-nạn “khủng-khiếp” được đưa ra nhân có sự-kiện xảy đến ở khung trời biền-biệt bên ấy, rất trời Tây. Ở đây, là khung trời hăng say, nhộn-nhịp một tình-huống có đấng bậc chủ-quản có rất nhiều quyền-uy, quyết ra tay thực-hiện động-tác này nọ để đổi-mới Nước Trời trần-gian, chưa chấp cánh.
Vậy thì, chuyện phiếm hôm nay lại đã thấy ca-từ người nghệ-sĩ trẻ khi xưa, cứ hát rằng:

            “Tình nào chấp cánh trên ngõ buồn mong manh?
Tình nào bay cao cho tủi hờn tuôn trào,
Ngại ngùng muốn nói thương nhau quá ai ơi.
Dù đời chia phôi yêu nhau mãi không thôi!
Ngàn trùng xa xôi thương nhau mãi không nguôi,
Trọn đời chưa vơi trong kiếp sầu buông lơi.
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Thế mới biết, hôm nay, ở trong Đạo hay ngoài đời, lại có những tình-huống khiến việc sống Đạo thêm khúc-mắc với hỏi-han, quyết tìm cho ra một đích-điểm khả dĩ khiến lòng người đi Đạo, sống hăng say, êm ả suốt một đời.
Thế mới hay, tâm-tư nhà Đạo nay vẫn “ngổn-ngang trăm mối” như đấng bậc chủ-quản Sydney hôm nào từng nhận ra nhiều điều, như trích-đoạn bên dưới đã bàn về Thượng Hội-Đồng Giám-mục Rôma 2015 đề cập đến “Hôn nhân”, “Gia đình”, cùng chuyện “Đồng tính luyến ái” như sau

“Có lẽ, sẽ không có gì thay đổi nơi giáo-huấn của Hội-thánh Công-giáo về chuyện đồng-tính-luyến-ái, chút nào hết; phi trừ và cho đến khi, ta có thay-đổi trước mắt nơi giáo-huấn về luật-lệ và luyến-ái giữa người khác phái.

Lâu nay, nhiều cuộc bàn-cãi/tranh-luận vẫn lập đi lập lại rất nhiều lần trong phạm-vi Hội-thánh Công-giáo cứ bảo rằng: Thiên-Chúa tạo-dựng giới-tính con người vì hai lý-do: thứ nhất, mọi người coi đó như phương-tiện để Ngài đem sự sống mới-mẻ của con người đi vào hiện-thực (tức: việc sinh-sản/cùng Ngài tạo-dựng). Và, lý-do thứ hai, là: phương-cách để ta diễn-tả và bảo-đảm việc dung-dưỡng tình thương-yêu giữa các cặp phối-ngẫu (tức: việc thông-đồng/hiệp-nhất trong tạo-dựng).

Từ đó các cuộc bàn-cãi/tranh-luận lại vẫn bảo, rằng: việc sử-dụng tình-dục là ‘thuận theo thiên-nhiên’ chỉ khi nào việc ấy là để phục-vụ cả hai mục-đích do Chúa ban. Và, cả hai mục-đích ấy thực sự chỉ có thật trong hôn-nhân mà thôi; và chỉ vào lúc ấy mà thôi, khi việc trao thân cho nhau là để mở ra sự sống mới mẻ. Thế nên, tất cả người nào khác nếu lại dễ-dãi trong ăn nằm xác thịt thì đó là điều sai trái về mặt luân-lý đạo-đức.

Ngay từ đầu, ai cũng đều thấy: bất cứ hành động tình-dục xác thịt đơn-thuần thôi cũng phải mang nghĩa hoà hợp và sinh con đẻ cái, thì khó có thể là Hội-thánh Công-giáo sẽ chấp-thuận hành-động tình-dục xác thịt của người đồng phái-tính. Sách Giáo Hội-thánh Công giáo đề-cập đến vấn-đề này một cách vắn gọn lạ thường, khi bảo rằng: “Hành-động tình-dục giữa người cùng phái-tính đi ngược lại luật tự-nhiên. Nó đóng chặt hành-động tình-dục không còn nhận được quà tặng sự sống nữa. Hành-động ấy, không diễn-tiến từ sự tán-thành/đồng-thuận chân-phương về cảm-tính và dục-tình.

Giả như đây là điểm khởi-đầu, thì sẽ có rất ít điều để nói. Thành ra, không gì có thể hiểu là sẽ có chuyện đổi-thay liên-quan đến các hành-động ăn nằm dục-tình giữa người cùng phái tính trong giáo-huấn này hết. Và, sẽ là chuyện phù-phiếm/vô bổ để mọi người tìm biết chuyện ấy. Bởi lẽ, chuyện ăn-nằm xác thịt giữa người đồng tính không có yếu-tố sinh-sản ở trong đó như Hội-thánh muốn. Và, nếu giáo-huấn về chuyện ăn nằm xác thịt giữa người đồng tính không bao giờ thay đổi, thì nền-tảng của giáo-huấn về tất cả các sự việc ăn nằm xác thịt phải thay-đổi trước nhất.” (Xem Gm Geoffrey Robinson, The 2015 Sydnod – The Crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ATF Press 2015, tr. 11-12)                     
    
Nghe đấng bậc chủ-quản kể về câu chuyện đã và đang xảy ra nơi Hội-thánh Công-giáo rất nhiều lần, thế mà đấng bậc lại bảo, sẽ chẳng có sự gì xảy ra, sau các buổi bàn cãi với tranh luận. Nghe thế rồi, bọn tôi lại liên-tưởng đến câu truyện tiếu lâm chay/mặn về chữ “hỷ” được treo trong ngày cưới, tưởng chừng dễ hiểu, nhưng không phải. Truyện về chữ “Hỷ” hay yếu-tố đầu ở câu nói về mối thất tình những “Hỷ, nộ, ái, ố, ai, hoan, lạc”, rất như sau:

“Chú rể ngắm nghía phòng cưới xong xuôi, bèn có một nhận-định cũng khá là vội vã với anh bạn thân đang đứng gần rằng:
-Chữ “Hỷ” sao rắc rối thế nhỉ, trông cứ như trận đồ bát quái vậy!
-Rắc rối thế nào cơ chứ? người bạn ngạc-nhiên đáp.
-Thì…có nhiều đường ngang, ngõ dọc nhưng lại toàn là đường cụt không à!
-Cậu đây, đúng là người nhạy cảm. Thôi thì, để sau tuần trăng mật rồi, cậu sẽ thấy nhận xét đó rất đúng thật!”

Nếu là người đời, để diễn-tả tình-huống sống trong đời hoặc tình đời xảy đến sau ngày vui, người người sẽ bảo: mọi chuyện trong đời đều mang tên của hai anh bạn: một là Vũ Như Cẫn, và người kia là: Nguyễn Y Vân, mà thôi.
Ở nhà Đạo cũng thế, nghĩa là: cũng có tình-huống rất tương-tự bánh xe lịch-sử. Thế nghĩa là, bánh xe cứ quay nhanh cho đến lúc quay về điểm cũ, rất giống hệt vòng đòi quay nhanh quay đều và quay mãi, mỗi thế thôi.  
Giòng đời quay nhanh hay chậm, vui hay buồn, lại cũng có những tâm-tình như câu truyện kể rất đáng nể để rồi lại sẽ giúp bạn và tôi, ta suy nghĩ cho lung rồi sẽ thấy đúng. Truyện kể, đơn giản chỉ như sau:

Gurdjieff rất nhớ ông bố của ông. Bố ông chết khi Gurdjieff mới chín tuổi, và là người thân duy nhất của ông. Ông kể bố ông gọi ông lại gần và nói:
-Bố sắp chết, và bố không có gì để lại cho con. Bố bỏ lại con trong nghèo nàn và côi cút.  Chỉ có một lời khuyên bố muốn cho con - đó là lời khuyên mà bố của bố đã trao cho bố. Bố đã thấy rằng lời khuyên đó là tài sản giầu có nhất mà bất kì người bố nào cũng có thể cho con trai của mình. Con còn trẻ, có thể chưa có khả năng hiểu được lời khuyên này nhưng hãy cứ nhớ nó đi; rồi con sẽ hiểu nó. Và dù con có hiểu nó hay không, hãy bắt đầu cư xử như thế. Con hãy chăm chú nghe và nhắc lại điều bố nói.

Đó là lời khuyên rất đơn giản. Lời khuyên là: "Nếu ai đó xúc phạm con, làm bẽ mặt con, làm tổn thương con, con không nên phản ứng lại ngay lập tức. Con phải nói với người đó rằng: "Ông hãy đợi hai mươi bốn giờ, và tôi sẽ tới trả lời ông. Đây là chuyện thiêng liêng với tôi mà tôi đã hứa với người bố sắp chết của tôi." Con hãy đợi  hai mươi bốn giờ rồi mới đi tới người đó. Trong hai mươi bốn giờ đó con có thể thấy rằng người đó là phải, hay người đó không phải, nhưng điều ngu xuẩn nhất là lâm vào vòng cãi cọ. Hai mươi bốn giờ đó sẽ cho con cơ hội để mà tỉnh táo hơn. Mọi người phản ứng ngay lập tức sẽ không có đủ thời gian để nhận biết. Họ phản ứng chỉ như máy. Nếu con thấy rằng người đó là đúng, thì hãy đi và cám ơn người đó. Nếu con thấy người đó là sai, thì chẳng cần đi, hoặc nếu muốn đi, con có thể đi và nói : 'Ông dường như hiểu lầm.'

Và Gurdjieff thường nói: "Lời khuyên đơn giản đó của người bố sắp chết của tôi đã làm biến đổi toàn thể cuộc đời tôi vì nó đã cho tôi  sự nhận biết nào đó, một thức tỉnh nào đó. Thế nên tôi đã không thể phản ứng bất kì gì ngay lập tức. Tôi phải đợi hai mươi bốn giờ. Và kết quả là bạn không thể nào vẫn còn giận-dữ trong hai mươi bốn giờ được." (trích truyện kể chuyển ở trên mạng, cho mọi người).

            Thế đó, là truyện kể ở ngoài đời, có vui có buồn lẫn lộn. Truyện kể ở nhà Đạo, nhiều lúc và nhiều người không kể cho nhau bằng dụ-ngôn, tâm-tình viết thành thư tín, như bức thư của bậc thày ở trường nọ gửi cho đấng bậc vị vọng rày quá cố, như sau:

            “Ngài Thomas Merton thân mến,

Tôi không rõ, mọi người trên ấy có tổ-chức cắt bánh sinh-nhật thiên-quốc hay không. Nhưng, hôm nay, tôi chúc ngài có được thật nhiều hạnh phúc đến với ngài nhất là vào ngày sinh thứ 100, trong năm nay. Tôi không nghĩ là năm tháng ngày giờ lại có nghĩa cũng khá nhiều ở nơi ngài đang hiện-diện như mọi người vẫn làm cho chúng tôi ở nơi đây, tức là nơi ngài cũng như tôi, ta bỏ ra chỉ mỗi 54 năm trời để sống trước khi quá vãng trong một tại nạn lạ kỳ, năm 1968.

Trên thiệp cảm cảm ơn tôi gửi ngài không có chỗ cho tất những thứ ngài đem vào đời tôi. Tôi biết là mình đang nói thay cho cả ngàn người ở đây.

Là thánh-nhân theo cách nào đó, cuộc sống của ngài rơi vào hai phân nửa đời người rất tuyệt-vời. Mãi đến tuổi 27, ngài lại đã tham-vọng và chộn-rộn. Sinh tại Pháp, tuy mồ-côi nhưng rồi học-hành tại Anh và sau đó ngài dạy văn-chương tại đại-học-đường Columbia ở New York. Chính ở nơi đó, ngài được mọi người coi là cây viết đầy hứa-hẹn.

Nhiều lúc, ngài cũng tỏ ra không có trách-nhiệm, để rồi trở thành một người cha của đứa bé còn nhỏ mà lại không được ngài chăm sóc cho tử-tế để rồi lại đã bị giết chết trong lần máy bay oanh-kích hồi Thế chiến thứ hai. Ngài từng quen với sống phá-tán qua hành-xử. Kết-cuộc là, ngài lại rơi vào vòng tay yêu-thương Đức Chúa.

Ở tuổi 27, ngài đã dấn thân vào đời sống khắc-khổ theo huôn thước của hội dòng Xitô ở đan-viện gọi là Gethsêmani ở bang Kentucky và trở thày dòng Lu-y. Ngài không chạy trốn đi nơi khác như nhiều người xem ra vẫn nghĩ thế. Thực tế, hành-trình đời tu của ngài lại khác hẳn. Linh-đạo của dòng Xitô thật rất đẹp dù khắc-khổ. Nó như thể ăn rau sống mà không trộn nước xốt: toàn cộng-đoàn dòng đều sống trong thinh-lặng triệt-để và tuân-thủ Luật Dòng do thánh Biển-Đức lập ra, là bộ luật tạo thế quân-bình nồng-nhiệt giữa việc nguyện cầu và lao-động. Và sau đó, ngài cảm thấy có tiếng mời gọi tiến xa hơn thế để đi vào đời sống chuyên-tu ở rừng-sâu như một ẩn-sĩ.

Từ nơi ẩn-náu trong rừng sâu, ngài đã viết với giòng chảy sâu-sắc can-dự vào một số cuộc đấu-tranh cho công-bình hồi thập niên 1960 kể cả phong-trào đòi-hỏi dân-quyền, cùng trào-lưu chống chiến-tranh và đường-lối bất-bạo-động. Có lần ngài viết: “Thay vì ghét bỏ chúng-dân, quí vị lại nghĩ mình là người gây chiến, ghét bỏ những người đói ăn có xáo-trộn trong tâm-thân của quí vị, chính đó mới là nguyên-do tạo nên chinh-chiến. Giả như quí vị yêu hoà-bình, hẳn là quí vị sẽ ghét bất-công, hận chuyên-chế và chán-oán tham-lam, nhưng lại cứ oán-ghét những thứ và những sự tồn-tại trong chính mình, chứ không phải ai khác.

Tôi đây gặp-gỡ rất nhiều người từng coi việc đấu-tranh cho công-bằng trở-thành công việc thay thế cho niềm tin, tức thứ gì đó họ rất tin-tưởng trong cùng một lúc vẫn rụt-rè xa lánh mọi quan-hệ với Thiên-Chúa. Ngài đã nhắc nhở chúng tôi rằng: đói công-bằng còn thực-tế hơn mọi thứ so-sánh nào khác; và, là việc bày-tỏ lòng tin chứ không phải là sự thay thế.

Vào thời-điểm tôi đây vẫn kiếm tìm cuộc sống đơn-độc, có vị linh-mục trọng tuổi từng hối thúc tôi đọc cuốn sách thứ hai do ngài viết, tức cuốn “Dấu Chỉ của Giôna”, là sách dựa trên cuốn nhật-ký mà ngài gìn giữ trong cuộc sống ở Gétsêmani từ năm 1946 đến 1952. Theo tôi nghĩ, cuốn này trở-thành cuốn sách tôi vẫn đọc mỗi năm trong đời trong suốt 30 năm vừa qua. Với riêng tôi, đây là chốt-điểm của đời mình. Tôi ưa-thích cung-cách qua đó ngài phấn-đấu tìm cho ra đặc-trưng xác-thực của chính ngài.

“Dấu Chỉ của Giôna” kết-thúc bằng một lời bạt có tên gọi là “Canh Lửa, hôm 4 tháng 9 năm 1952”. Vào một tối nóng-nực ngày hè năm ấy, ngài phải đi bộ vòng quanh khuôn viên căn nhà ván lá của tu-viện từ trên xuống dưới, xem có dấu-hiệu nào báo trước có cháy rừng thiêu-huỷ khu vục không.                           

Và, khi ngào đi rà-soát một vòng như thế, mọi ngõ ngách của vườn dòng Gétsêmani lại là cơ-hội để ngài tưởng nhớ, nguyện cầu. Mỗi khi có thày dòng nào đi ngủ, đó là dịp thuận đầy ân-huệ, là việc diệu-kỳ cùng mê say, diệu cảm nữa. Có lần ngài từng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, đêm về là thời-khắc đểcon được tu-do tiếp xúc với Chúa. Theo tôi thì, ở đây, ngài muốn nói đến thời-khắc có được viễn-tượng được thấy các sự việc mà người bình-thường không thể thấy mắt thịt của mình.

Và lần ấy, ngài lại tiếp-tục thưa cùng Chúa: “Chúa là Đấng ngủ say trong tâm can con, nên con không thể gặp Chúa qua lời nguyện-cầu, nhưng chỉ bằng sức sống trỗi dậy trong cuộc đời và cũng là sự khôn-ngoan bên trong mọi khéo léo, ngoan hiền. Con gặp Chúa trong hiệp-thông: Chúa ở trong con và con ở trong Chúa. Và Chúa ở trong họ cũng như họ đang ở trong con.”

Ngài Thomas Merton thân thương,
Ngài từng dạy cho tôi biết: nhiều cơ-hội trong đó cần động-thái kiên-trì/bền đỗ hầu tạo được sự đổi-thay rất đích-thực. Và, ngài cũng đã khuyên tôi, rằng: công-bằng không thể do hoạt-động đơn-thuần mà ra dù vẫn xúc tiến không ngừng nghỉ. Những gì ta làm ra, lại ít quan-trọng bằng những gì Chúa cho phép ta làm. Chính đó, là điều tôi đây hằng tâm-nguyện.

Cảm ơn ngài, hỡi đấng thánh Thomas Merton rất thân thương của tôi.
Michael McGirr” 
(X. Michael McGirr, A Letter to Thomas Merton, The Australian Catholics Winter 2015 tr. 8)

Lời của dân con bình thường gửi đấng thánh ở trên lại vẫn nhắn nhủ bạn bè, như bạn và tôi, cũng để đưa dẫn chính tôi và bạn đi vào vườn hoa Lời Vàng có những dặn dò từ bậc thánh-hiền khi xưa vẫn nhắc-nhở và nhủ-khuyên như sau:

Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô
đem lại cho chúng ta một niềm an ủi,
nếu tình bác ái khích lệ chúng ta,
nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí,
nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,
thì xin anh chị em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn,
là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn,
cùng một ý hướng như nhau.
Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh,
nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình,
nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
Giữa anh em với nhau,
anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.”
(Phillíphê 2: 1-5)        

            Khi xưa, đấng thánh-hiền trong Đạo lại vẫn bảo ban mọi người trong/ngoài đời lời lẽ ân-tình, thật như thế. Và, người nghệ-sĩ ở đời lại cũng dùng lời ca/ý-nhạc khá đánh động, như sau: 
  
“Lời nào muốn nói nhưng chuốc sầu thêm thôi,”
Tình nào buông trôi, như nắng chiều lưng đồi!
Một ngày nắng ấm, xin chấp cánh bay cao
Ðể rồi mai sau, còn ai nói yêu nhau,
Nhạc tình phôi pha, còn ai thấy xót xa
Người về nơi đâu, thung lũng sầu thêm sâu.

Người xưa có quên chăng hay dỗi hờn ?
Người xưa vẫn tung tăng hay đã chợt sang ngang ??
Tình xưa đã chôn sâu trên lối sầu
Thời gian có bao lâu xin hãy đợi mưa ngâu

Còn ai trong gió chiều?
còn ai thương nhớ nhiều?
Tình yêu cao ngất trời.
cho suốt đời đếm bước chơi vơi.
Còn đâu giây phút đầu?
còn ai nâng chén sầu?
Ðể ai quay bước về
cho ước thề buốt giá cơn mơ.
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Cũng hệt thế, trong gió chiều, “tình yêu cao ngất trời cho suốt đời đếm bước chơi vơi”.  Cũng như vậy, lời thơ hay ý nhạc của nghệ-sĩ sẽ cùng với lời khuyên của bậc thánh-hiền đưa người đọc và người nghe đi mãi vào chốn êm đềm của tình “ngất trời”, vời vợi. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những ý-tưởng
Tuy còn hời hợt, như cơn mơ
Những vẫn là những lời phiếm
Cũng rất chân tình
và thành thật
đến suốt đời.    

No comments: