Thursday 29 October 2015

“Hôm qua tiễn em đi,”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 32 thường niên Năm B 08/11/2015

“Hôm qua tiễn em đi,”
Buồn biết nói năng gì.
Đường chiều mưa tiễn bước,
Hồn khóc theo người đi.”
(Đăng Khánh/thơ Du Tử Lê – Tiễn Em Chiều Mưa)

( 1Cor 14: 26-29)
            Vâng. “Tiễn Em chiều mưa”, hôm qua hay hôm nay đi nữa, cũng đều buồn để rồi lại những thưa và thốt “biết nói năng gì?”, “hồn khóc người đi”.
            Hồn còn khóc, nhiều hơn nữa, khi người đưa tiễn lại có ý-nghĩ cùng hành-xử khá lạ-kỳ như truyện kể sau đây:

            “Vợ hỏi chồng:
            -Anh cắt bài gì trong báo Buổi Chiều, vậy? Báo này có gì hay ho đâu mà cắt?
-Cũng chỉ là bài báo kể về chuyện: có anh chàng nọ được toà án gia đình cho phép ly-dị vợ vì cô ta cứ liên tục lúc túi áo của anh cả khi treo lên mắc cũng như trước khi đem giặt, ấy mà!
-Đành là thế. Nhưng, anh định dùng mẩu báo ấy làm gì mà cứ lúi húi giấu mẩu giấy ấy thế?
-Ấy, anh địng bụng bỏ vào túi áo mình, ngộ nhỡ sau này…”

            Nói chữ “ngộ nhỡ sau này”, thật sự cũng khó biết. Chí ít là khi anh bạn cứ áp-dụng vào các trường-hợp sẽ xảy ra trong đời, với nhà Đạo. Trong đời người, có rất nhiều truyện để kể, làm sao nói hết, cho bớt buồn? Về chuyện nhà Đạo hay nhà Chúa, cũng hệt thế.
Duy mỗi chuyện cứ đến rồi đi ở chốn chóp bu nhà Chúa ở Vaticăng, vốn Đạo-hạnh không kém. Như, chuyện được ngành truyền-thông báo chí, cứ kể đi kể lại mãi một chuyện. Chuyện Đức Giáo Tông nhà mình vừa kết-đọan buổi Họp Thượng Đỉnh của Đạo mình hôm 29/10/2015 ở Rôma 2015, bằng một tựa đề, rất “đánh đấm”, như sau:

“Thượng Hội đồng kết thúc với chiến thắng lớn của Đức Phanxicô
Sau ba tuần thảo luận, Đức Giáo hoàng có được khả năng cho người ly dị tái hôn rước lễ xét theo từng trường hợp một.

Từ ba tuần nay, các giám mục họp Thượng Hội đồng ở Rôma về các vấn đề hôn nhân và gia đình, họ đã bỏ hai phần ba số phiếu quy định cho tất cả các điều khoản của hồ sơ cuối cùng và, nếu Đức Giáo hoàng chấp nhận thì sẽ có thể cho những người ly dị tái hôn rước lễ, xét theo từng trường hợp một.

Cuộc bỏ hiếu này đánh dấu một bước chiến thắng quan trọng của vị giáo hoàng cải cách, sau lần họp đầu tiên năm ngoái bị một phần các giám mục từ chối.

Điều khoản số 85 của tài liệu nói về việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ theo một vài điều kiện. Trên 94 điều khoản thì điều khoản này nhận được ít số phiếu bầu nhất, với 178 phiếu thuận và 80 phiếu chống – nhưng vẫn đạt được đa số hai phần ba ấn định là 177 phiếu thuận trên tổng số 265 phiếu bầu…” (Nguyễn Tùng Lâm dịch tin-tức do Jean-Marie Guénois viết trên lefigaro.fr).

Chuyện “đánh đấm” hoặc đấu tranh/xung-khắc giữa các đấng bậc ở chốn chóp bu của Giáo-triều nhà Chúa sẽ thiếu-sót nếu ta quên không trích-dẫn một số sự-việc được ghi trên sách hoặc tự-điển Bách-Khoa Công-giáo như tác-giả Ralph Wroodrow từng ghi như sau: 

“Sự việc ‘phân-rã/cách-biệt’ lớn-lao trong Giáo-hội xảy đến vào năm 1378 và kéo dài đến 50 năm. Chức-sắc người Ý, khi ấy, đã bầu chọn Đức Urbanô 6 làm Giáo-Hoàng; trong khi đó, các vị hồng-y người Pháp lại chọn Đức Clêmentê 7.

Khi ấy, các Giáo-hoàng lại cãi-vã/rủa sả lẫn nhau năm này qua năm khác, cho đến khi Công đồng quyết-định hạ bệ cả hai vị trên, để bầu lên một Giáo-chủ mới!

Đức Sixtô 5 khi ấy có trong tay ấn-bản kinh thánh đã được soạn mà ngài tuyên-bố là ấn-bản xác-thực. Hai năm sau, Đức Clêmentê 8 tuyên-bố bản ấy đầy dẫy những sai-sót và truyền lệnh thiết-lập ấn-bản khác để sử-dụng…

Khi cứu xét cả trăm sự-kiện và cung-cách các Đức Giáo-chủ đối-nghịch nhau hàng thế-kỷ, ta cũng hiểu rằng ý-niệm về quyền-uy cùng tính-chất rất “vô ngộ” của Đức Giáo Tông cũng rất khó cho nhiều người cảm-thông, chấp-nhận…

Khi xem xét những sự việc như thế, nhiều người trong chúng ta vẫn tin rằng việc gọi các Đức Giáo Hoàng là “ Hiện-thân của Đức Kitô” không có cơ-sở vững-chãi. Càng không vững hơn, nếu ta lại cứ gọi các ngài là “Đức Thánh Cha” của Giáo-hội Công giáo, nữa… (X. Ralphn Woodrow, Are Popes Infallible? Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow 1981 tr. 100-104)

            Trích-dẫn như trên, người trích và dẫn chỉ muốn nói rằng: ở giai-tầng/địa-hạt nào cũng thế, vẫn có nhiều thứ nhiều chuyện để bạn và tôi, ta coi đó như một đấu tranh hoặc chiến tranh giành phần thắng lợi hoặc chiến thắng đem về cho bản thân mình hoặc cho phe/nhóm của mình.
            Về thành-quả do cuộc họp thượng-đỉnh của Hội thánh được gọi là Thượng Hộ-đồng Giám mục đem lại, cũng có những điều để tôi và bạn ta học-hỏi, cho riêng mình. Học và hỏi, hôm nay, có đôi điều đưa ra không chỉ để tôi và bạn, ta nghiên-cứu/khảo-sát mà thôi. Nhưng, còn để giúp ta ghi nhớ mà giữ lại cho đời mình, làm kinh-nghiệm.
Nghĩ thế rồi, bần đạo bầy tôi đây lại tiếp tục luận phiếm thêm cho vui đời, bằng những chuyện đời trong/ngoài Đạo. Nhưng trước khi đi vào truyện kể hoặc tìm về lời vàng ngọc ở Kinh Sách, tưởng cũng nên ca lại lời ca ở trên, hơi buồn, rằng:    

Tim như vỡ trong mưa,
Còn vẳng tiếng ai thề.
Một mình trên ngõ vắng,
Buồn nhìn theo lối xưa.

Dù mãi mãi xa nhau,
Cố quên mối duyên đầu.
Tình này ai sẽ quên được sao,
Tình đã chết trong nhau.

Vẫn mơ phút ban đầu,
Một lần yêu dấu mãi cho nhau.
Sao em nỡ quay đi,
Tình đang lúc xuân thì.

Một đời sao bỗng vắng
Cuộc tình không lối đi
(Đăng Khánh/Du Tử Lê – bđd)
Hát thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào truyện kể, rất bên dưới:

            “Truyện rằng:
Có một lần, Đức Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại và hỏi
– Ngài có điếc không?
–Ta không điếc.
–Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ, họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
–Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Người kêu tên Phật ra chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu, nơi nào cũng đều lắng tai nghe, để buồn/để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của con người. Ngài không chấp không buồn, còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau cứ triền miên, tiếp-diễn.

Trong kinh sách nhà Phật, Đức Phật đã dùng ví dụ người ác lại cứ mắng chửi người thiện, mà người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có tiếp-nhận mới dính mắc đau khổ, không tiếp-nhận thì an vui hạnh-phúc. Từ đây về sau mọi người có nghe ai nói gì về mình, dù tốt xấu, chớ nên tiếp-nhận thì sẽ được an vui.

Và, lời bàn của người kể, rất như sau:

Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây chuyện thị phi vì vô ý thức, cũng đừng vì một ai mà gây ra lầm lỗi trong quá khứ hoặc dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde đã từng nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.

Hậu quả của khẩu nghiệp thật vô cùng kinh khiếp. Không dương thì âm, sớm muộn gì cũng đều có báo ứng. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành-lặn, nhưng vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.

Chửi bới và nói xấu hay đi rêu rao về người khác mà người đó không có phản-ứng, hay không biết thì cũng giống như kẻ tự ngửa cổ lên trời phun nước bọt rồi chỉ rơi trúng mặt mình. Vậy, tốt nhất không nên nói xấu ai ở đâu/nơi nào, dù họ có làm điều không tốt nhưng có thể không gây hại đến bản thân và cộng đồng mình. Bởi ngậm máu phun người thì chỉ tanh mồm mình trước. (Sưu tầm)
           
Kể truyện rồi, nay ta tìm về vườn hoa Lời Vàng của bậc thánh-hiền có những lời dịu dàng, nhưng thấm-thía để suy-tư/nghĩ-tưởng về những lời dặn-dò như sau:

            “Vậy, thưa anh em, ta phải kết luận thế nào đây?
Khi anh em hội họp,
người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy,
người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ,
người thì giải nghĩa:
tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh.
Nếu có nói tiếng lạ,
thì chỉ hai hoặc tối đa ba người nói thôi,
mỗi người cứ theo phiên mà nói,
và phải có một người giải thích.
Nếu không có người giải thích,
thì phải giữ thinh lặng trong cộng đoàn,
mỗi người chỉ nói với mình và với Thiên Chúa thôi.
Về các ngôn sứ,
chỉ nên có hai hoặc ba người lên tiếng thôi,
còn những người khác thì phân định”.
(1 Cor 14: 26-19)

            Nói như bậc thánh-nhân hiền-lành, thì có nói trong buổi họp hay ở đâu nữa, cũng vẫn nên cẩn-trọng về lời mình nói. Chí ít, là lời nói đó hoặc phán bảo nọ xuất tự đấng bậc vị vọng trong Đạo. Cũng thế, có lần bần đạo được bảo rằng: các lời phát-biểu trên bục nhà thờ cũng nên cẩn-trọng vì lời ấy một cách nào đó vẫn là khuôn-mẫu cho người nghe ngồi bên dưới, tựa hồ lời thày giáo nói với học trò, vậy. 
            Không chỉ mỗi thế. Phán-quyết của đấng-bậc ở nhà Đạo vẫn là lời phán/bảo dù có mang tính-chất quyết-định hay không, cũng vẫn được coi như hành-xử quan-trọng cho cả người phán lẫn người nghe.
Trường-hợp đấng bậc trưởng-thượng Hội-thánh Công-giáo, tình-hình Giáo-hội nay rối rắm đã hiển-hiện cả vào lúc trước khi bắt đầu cuộc họp bàn cấp cao kéo dài nhiều tuần-lễ. Khi Thượng Hội-Đồng Giám mục 2015 đi vào giai-đoạn cuối, báo-giới truyền-thông Hoa Kỳ đã có những nhận-xét như sau:

“Toà thánh Vatican xem ra đang có những bí-mật, lộn xộn của toà án thời Trung Cổ, gồm những sự việc xảy ra theo cách nào đó, vẫn như xưa. Hành-xử khiêm-tốn đầy phô-trương của Đức Phanxicô, sự việc ngài quở trách các Giám-mục cao cấp không thay-đổi trạng-huống “như xưa” này, chút nào hết. Nếu có, thì cũng chỉ là tham-vọng của một giáo-chủ từng khuyến-khích các vị hay bày mưu-kế hãy cộng-tác mà làm việc chung với các vị khác từng chống cưỡng những chủ-trương như thế, mà thôi.


Nhưng hiện nay, vị chủ mưu bày kế lại chính là đức Giáo-chủ, nhà mình. Quả là, mục-tiêu/mục-đích do Đức Phanxicô đưa ra, cũng đơn-giản là: ngài hỗ-trợ cho các đề-nghị nên đốc-thúc các vị có tinh-thần thông-thoáng khả dĩ cho phép bổn-đạo nào từng ly-thân/ly-dị nay tái-giá được phép hiệp-thông rước lễ mà không cần phải tiêu-hủy hôn-nhân đầu.

Nhờ Đức Giáo-chủ âm-thầm hỗ-trợ, đề-nghị này trở-thành mối giây gây tranh-cãi trong lần họp thượng-đỉnh năm 2014 về gia-đình và lần thứ hai năm 2015 này…

Giả như đề-nghị ở trên thật rõ ràng, thì con đường ngài đang đi cũng thật tăm-tối. Theo thủ-tục, thì quyền-bính của Đức Giáo-tông gần như tuyệt-đối: tức có nghĩa, nếu Đức Phanxicô quyết-định rằng ngày mai đây sẽ tán-thành cho phép những người tái-giá được lên rước Mình Chúa đi nữa, thì cũng chẳng có Toà án Tối cao nào của Công-giáo lại có thể phản kích quyết-định của ngài, được.

Dù có thế, cùng một lúc, Đức Giáo Tông lại vẫn được coi là người không có quyền thay-đổi tín-lý/giáo-điều của Đạo, chút nào hết. Điều luật này, không có tính-cách công-khai trợ-lực cho ngài, nhưng cứ theo tục-lệ, có sự khiêm-tốn và tính kính-sợ Thiên-Chúa, thì nỗi lo-sợ sẽ có phân-rã trong hàng-ngũ lãnh-đạo đã kềm-chế các Đức Giáo-chủ có ý-đồ viết lại các tín-lý trong Đạo. Và, việc viết lại tín-lý/giáo-điều là những gì mà người Công-giáo bảo-thủ tin tưởng một cách hữu-lý rằng đề-nghị cho những vị từng tái-giá được phép rước Mình Thánh Chúa đã được sự hỗ-trợ của Đức Phanxicô….

Với các nhà báo Công giáo, cũng như bất kỳ ký-giả nào khác, đây là câu truyện đầy tính hấp-dẫn; thế nên, nói theo kiểu nhà báo rất nghiêm-ngặt, tôi đây không có ý-kiến là Thượng Hội-Đồng kỳ này sẽ kết thúc ra sao. Nhưng, nói theo tư-cách của người Công-giáo, tôi trông đợi rằng cuối cùng thì mưu-đồ viết lại tín-lý/giáo-điều cũng sẽ thất-bại thôi. Mỗi khi có sự căng-thẳng giữa niềm tin lịch-sử và vị Giáo-chủ trong đạo, thì tôi luôn chọn phía niềm tin để đánh cá-cược. Thế nhưng, đối với một cơ-chế vốn đo-lường tuổi thọ của mình hằng thiên-niên kỷ, thì “cuối cùng” cũng phải mất một thời-gian khá dài ngày mới có thể đạt đích-điểm.” (Xem Ross Douthat, The Plot to change Catholicism, The New York Times SundayReview 17/10/2015

Nhà báo nhận-định ra sao, thì cứ nhận và cứ định. Sự việc xảy ra ở nhà Đạo vẫn là chuyện dậm chân tại chỗ, bàn mãi cũng không hết. Việc cuối, có lẽ sẽ không là ngồi đó mà bàn và luận nhưng là đi vào hiện-thực. Thực-hiện ra sao để mọi thành-viên trong Đạo, sẽ lại trở về với thực-tại diễn-tiến mãi, hệt như trước.
Nhận-định sao thì cứ định và cứ nhận. Định rồi nhận hoặc nhận rồi mới định, thật cũng tuỳ. Tuỳ người, tuỳ mình. Tuy nhiên, có tuỳ ai đi nữa, thì hỡi bạn và tôi, ta cứ hiên-ngang vững chí hướng về trước mà ngâm nga ba câu hát ở trên mà lập lại những lời buồn, rằng:

Tim như vỡ trong mưa,
Còn vẳng tiếng ai thề.
Một mình trên ngõ vắng,
Buồn nhìn theo lối xưa.

Dù mãi mãi xa nhau,
Cố quên mối duyên đầu.
Tình này ai sẽ quên được sao,
Tình đã chết trong nhau.

Vẫn mơ phút ban đầu,
Một lần yêu dấu mãi cho nhau.
Sao em nỡ quay đi,
Tình đang lúc xuân thì.

Một đời sao bỗng vắng
Cuộc tình không lối đi”.
(Đăng Khánh/Du Tử Lê – bđd)

Đúng thế đấy, bạn ạ. Những mong “Tình như vỡ trong mưa” sau bao lần bàn cãi lưa-thưa hay mạnh bạo, ta cũng đừng “buồn nhìn theo lối xưa”, mà hành-xử. Bởi, có hành và có xử theo lối cũ/xưa đi nữa, thì bánh xe lịch-sử cũng sẽ nghiền-nát tâm-can con người để rồi sẽ “vỡ trong mưa”, cũng rất buồn. Buồn về tình đời. Buồn, một đời người.

Trần Ngọc Mười Hai
Đôi lúc cũng có buồn
Nhưng không buồn
về đời hoặc về người.
Bởi, mọi người vẫn cứ vui
ở trong đời.    




No comments: