Tuesday 18 November 2014

“Em Pleiku má đỏ môi hồng,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm A 23-10-2014

“Em Pleiku má đỏ môi hồng,”
“ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong.”
(Phạm Duy – Còn Một Chút Gì Để Nhớ)

(2 Cor 2: 5-8)
            Ví thử, bần đạo đây được phép hát nhái hoặc sửa lại ca-từ một đôi chút, như: thay vì hát/gọi “Em Pleiku”, nay ta thay bằng chữ: “Em Sydney” hẳn ý/từ lại sẽ khác? Khác đôi chút, và cũng chẳng có gì ghê gớm cho lắm. Bởi, có lần người viết nhạc họ Từ, lại đã bảo: sử-dụng từ-vựng “Em”, là anh muốn nói về mọi người/mọi vật chứ không phải chỉ mỗi người yêu hoặc kẻ sinh sau/đẻ muộn đâu.
            Giả như, ta áp-dụng sự việc này vào trường-hợp đấng bậc nọ thuộc Dòng mang Danh Tánh Đức Giêsu, từng đến rao và giảng ở Sydney khá nhiều lần, lại đã hùng-hồn tuyên-bố, đại khái như: Giáo-dân Sydney có lòng đạo thật đấy, nhưng cách giữ đạo lại khá ấu-trĩ…”
            Bần-đạo đây, nay không bàn nhiều về chuyện ấy, vì không đích-thân nghe/thấy rõ, nên chỉ nói sơ để dẫn nhập cho một luận/bàn, mà thôi. Bàn và luận thế này: “Má” của em, dù có đỏ; “môi” của anh, dù màu hồng tía, cũng đâu có nghĩa là: anh hoặc em đang lên cơn “sốt” Đạo khi thấy tình-hình giữ Đạo của em hay của anh vẫn còn “ấu trĩ” như vị lơ mơ/lờ mờ kia lại đã phán, thế mới chết.
            Chết nhiều nhất, là khi em và anh mới hôm nào nghe đấng thánh hiền-lành còn dạy:

            “Nếu có ai đã gây ưu phiền,
thì không phải là gây ưu phiền cho tôi,
mà cho tất cả anh chị em,
một phần nào đó
- nói thế, kẻo sợ quá lời.
Con người đó, bị số đông phạt như thế là đủ rồi.
Vì vậy, tốt hơn,
anh chị em phải tha thứ và an ủi,
kẻo người đó,
bị chìm đắm trong nỗi ưu phiền quá mức chăng.
Cho nên, đối với người đó,
tôi khuyên anh chị em
hãy đặt tình bác ái lên trên hết.”
            (2 Cor 2: 5-8) 
           
            Nghe thế rồi, hẳn bạn và tôi, ta cũng bỏ qua “ưu phiền” vừa định-thần, để rồi sẽ luận-bàn điều gì khác thích hơn. Thích nhất, vẫn là đoạn phiếm có hơi chút tiếu-lâm nhè nhẹ, như sau:

“Tại buổi họp kiểm-điểm cuối năm đến mục phê-bình và tự phê-bỉnh, Sếp mình nói với nhân-viên rằng:
-Các anh/chị cứ vô-tư mà ghi-nhận mọi nhược-điểm của tôi. Nhưng trước hết, tôi xin tự phê chính mình, là: tôi có 2 nhược-điểm thật cũng khó bỏ, đó là: “nhớ dai” và “thù vặt”. Cả mấy chục năm nay, tôi cố gắng bỏ nó đi nhưng vẫn không khắc-phục được, trái lại nó càng trầm-trọng hơn! Giờ đây, tôi đã tự-phê rồi, đề nghị các anh/chị hãy mạnh-dạn phê-bình các nhược-điểm nào khác mà tôi thường hay vướng mắc, nhé…!” (Chuyện cười phổ biến trên vi-tính)

            Thư-thái với truyện kể, để rồi lại sẽ mời bạn và mời tôi, ta nghe đoạn trích khác, có ý/lời tương-tự một khó-khăn như sau:

“Nhiều lúc, làm việc tại những nơi có chức-sắc hoặc đội-ngũ nhân-viên như giáo-chức ở trường/lớp, ta vẫn nhận ra tình bằng-hữu thân-thương bộc-phát nơi các vị tưởng chừng như ít có gì gọi là mẫu-số-chung, hết. Và đây là trường-hợp tôi gặp được ở trường đầu-tiên đã can-đảm lắm, mới trao cho tôi công ăn việc làm nhỏ để kiếm sống.

Số là, vị nữ-lưu nọ làm việc ở quầy tiếp-tân ngay mặt tiền Nhà Trường với chức-danh xem ra cũng được lòng một trong các huấn-luyện-viên bóng bầu dục, vốn khó tính. Chưa gì, các ngài đã khác nhau một trời một vực. Có vị tỏ ra nhẹ nhàng, dễ chịu; trong khi đó, có vị khác lại thẳng thừng, ăn nói nhát gừng thiếu phong-cách. Tôi thường hỏi: làm sao các vị ấy lại quen nhau đến thế, Và như thế, tôi nghe được truyện kể, như sau:

Tiếp-tân là vai-trò khá hữu-hiệu và chuyên-môn. Tuy thế, nhưng có một hôm, xem ra công việc ở Trường cũng khá bề bộn, nên cô thư-ký tiếp-tân của Trường nhận được cú điện-thoại nhờ chuyển gấp cho huấn-luyện-viên thể-thao của Trường yêu-cầu cụ liên-lạc ngay với bệnh viện gần đó, do bởi: vợ ông sắp lâm-bồn-ở-cữ, trước ngày dự-đoán.

Chuyện xảy ra, là: vào những ngày tại Úc chưa có điện-thư “email” hoặc điện-thoại di-động để bà con gửi các nơi tin nhắn cho gọn và nhanh hơn đánh “morse”, cộng cả thời-gian gọi và đặt ống nghe, gộp lại

Do sức ép của một ngày bề bộn, tiếp-viên quầy tiếp-tân hôm ấy quên bẵng đi mất không chuyển lời nhắn đến cho đương sự. Thế nên, huấn-luyện-viên nhà ta cứ thế sinh-hoạt bình thường như mọi ngày; hết hò hét đám trẻ mau ra sân, lại để người dự-khán chờ đợi cũng lâu giờ. Cụ không hay biết gì về tin-tức vợ mình sinh con thiếu tháng. Mãi đến chiều tối mới được bảo: đó là chuyện sinh-đẻ ở bệnh-viện. Kết quả là, cụ không được cái may diện-kiến đứa con đầu lòng sinh ra trong tình-trạng khó khăn, nên cháu chỉ sống được có 3 tiếng đồng hồ ngắn ngủi thôi. Quả là, sản-phụ đã phải trải-nghiệm cơn đau cồn chuyển cữ đến cùng cực, một mình.

Tôi cũng chẳng muốn diễn-giải thêm điều gì ở đây, cả đến lộ-trình hoá-giải giữa 3 người đó là: huấn-luyện-viên, thư-ký tiếp-tân và người vợ hiền đau-khổ phải chọn-lựa giải-pháp tha-thứ, một phần vì đó là chuyện riêng tư, phần còn lại thật cũng khó giải-thích. Tha-thứ, là chuyện ngày nay ít người thông-hiểu, vì cả người tha-thứ lẫn người được thứ-tha vẫn phải biểu-lộ ra ngoài, rất nhiều điều. Bên nào/phía nào cũng đầy nước mắt, đòi hỏi nhiều về sự thật thà, chân phương.

Cả nhà trường cũng phải bảo-đảm việc thích-ứng với môi-trường lao-động nhiều áp-lực, khi những vụ việc như thế vẫn xảy đến quá thường tình. Với tôi, sự-kiện này là một trong những câu chuyện xúc-động suốt quãng đời dạy học của tôi. Tình bằng-hữu trải rộng nơi cộng-đồng chung sống và lao-động có chức-năng nói nhiều hơn cả ngàn bài dạy ở trường, nữa. Thư-ký tiếp-tân đã trở-thành người vú/bõ sau này, cho đứa con thứ hai của gia-đình vị huấn-luyện thể-thao cho Trường. Và, huấn-luyện-viên khi ấy, cứ phải đeo mang tin-nhắn bằng miệng nơi ví tiền của ông trong suốt thời gian tôi quen biết.

Tôi lại cũng nghĩ về câu truyện kể vừa xảy ra mới đây thôi, khi tôi tham-gia hội-thoại với đài BBC ở Anh nói về đề tài “Tha-thứ”. Người mời ở phía bên kia đường giây, là chị Mpho Tutu, một nữ linh-mục Anh-giáo ở Nam Phi, con gái của Tổng Giám Mục nổi-tiếng Desmond Tutu. Nữ linh-mục Mpho và thân-phụ của chị là đồng tác-giả của tác-phẩm mang tên “Cuốn Sách của Sự Thứ-tha”, mà theo tôi thì: cuốn sách này dành cho những ai buộc phải đeo-mang gánh nặng không cần-thiết, trong đời mình. Đây là sách viết rất sâu-sắc về truyền-thống văn-hoá ta vẫn có thói quen phải đeo mang/chịu-đựng những mất-mát/sầu-buồn cùng thương-tật đến độ mất cả tự-do mình vẫn có. Tôi đã từng làm chuyện này cho riêng mình; nên cũng thấy: thứ-tha là thành-phần đáng gờm nhất trong câu truyện của người đi Đạo. Bởi, nội mỗi sự việc làm dân con Đức Chúa mà thôi, cũng đòi tôi phải “cho đi” những gì là  sở-hữu quí-giá cũng xấu-xa, mà ta gọi là quyền-hạn mình tạo được cốt lấy đi vật sở-hữu của ai khác. Sự việc này, còn đòi tôi phải tỏ ra chân-phương/lương-thiện mà tôi coi vậy chứ cũng lương-thiện kha khá.

Nữ linh-mục Mpho Tutu trích câu kinh-thánh trong đó nói: Tha-thứ là: chấp-nhận rằng ‘quá-khứ không bao giờ đổi-thay’. Có trời mới biết: làm sao cả hai cha con chị, lại có nhiều thứ để thứ-tha, khiến cho vấn đề của riêng tôi xem ra cũng rất nhỏ. Thật cũng xúc-động khi nghe chuyện Tổng Giám mục Desmond Tutu phải xin lỗi vợ con ông vì buộc lòng phải xa Luân Đôn để đi Nam Phi theo đuổi đòi-hỏi đất nước ông phải sống công-bằng/chính-trực cả vào lúc có người thân đang trải-nghiệm nỗi thương đau để sẽ sống đích-thực như công-dân hạng thứ, mà thôi. Nữ-linh-mục Mpho Tutu cũng viết về câu truyện rất cảm-động có liên-quan đến một nữ đồng-nghiệp làm việc bên cạnh chị bị ám sát đến chết.

Cách nay ít tuần, Trường tôi dạy được hân-hạnh đón tiếp Rajesh Santhanam từ Trung-học Daley ở Indore Ấn-Độ đến thăm. Vị thày này, từng lao-động khá cật-lực tại Trung-tâm Học-tập Cộng-đồng theo phương-pháp các trường trung-học bên đó vẫn thực-hiện. Chúng tôi có dịp thăm/hỏi một số học-sinh lớp 10 về Chương-trình thực-tập vào trưa thứ Tư mỗi tuần, qua đàm-thoại. Tôi chuyện trò với một em học-sinh và đã hỏi em là: làm sao em vốn không đi đạo mà Dịch-vụ Cộng-đồng ở đây lại tập-trung giáo-dục theo cách của Đạo dạy đến độ như thế? Tôi cứ nghĩ câu trả lời của em sẽ giống hệt điều tôi đoán trước, tức là: các em đều phải trả tiền cho cộng-đồng Trường hoặc triển-khai giá-trị nhân-bản hoặc cho những việc tương-tự. Nhưng, câu đáp của em làm tôi sững sờ không ít. Em nói: “Chúng em làm thế là vì đau-khổ đã định sẵn con người của chúng em, thôi.”             

Thật ra, đây là bài học đích-đáng cho điều mà ta gọi là dạy và học.” (x. Michael McGirr, The Pain of Forgiveness, The Majellan Family số tháng 10-12 năm 2014, tr. 8-10)
              
            Thông thường thì, bàn-luận hay tư-duy nhiều về chuyện tha-thứ theo kiểu nào cũng chỉ là bàn và luận, không mang tính trải-nghiệm, nên không bao-hàm đớn-đau nào, dù khó khăn. Bàn và luận theo kiểu “Chuyện Phiếm”, lại vẫn là tản-mạn dài giờ, để người đọc cứ chờ xem ý chính của người kể sẽ ra sao.
Bàn và luận, về sống Đạo có tha-thứ/cảm-thông với khổ đau của nhiều người, vẫn là và sẽ là chuyện dễ nói/dễ kể, chứ không dễ sống, ở đời người. Lại có những truyện kể, khiến người nghe không thấy dễ, nhưng vẫn phấn chấn/cảm thông với người kể, như cuộc phỏng-vấn nhỏ/bỏ túi ở bên dưới:

“Tháng 9 năm 2011, Turia Pitt lại đã tham-gia chạy việt-dã 100 cây số ở Kimberley, miền Tây nước Úc. Như vận-động viên khác, cô biết rất ít về chuyện làm thế nào mà vụ cháy rừng man-dại hôm ấy, đã cắt ngắn cuộc thi chạy việt-dã của cô tệ đến thế. Turia Pitt bị cháy bỏng hết 65% toàn thân cô, nhưng sau 3 năm, cô lại đã tiếp-tục sống cuộc sống do mình chọn, dù lúc đầu các bác sĩ đều nói: cô sẽ không thể nào thực-hiện được bất cứ cuộc thi chạy việt-dã nào trong đời của cô, nữa.

Lòng can-đảm và sức mạnh nội-tâm nơi quyết-tâm của Turia Pitt đã dấy lên cho mọi người Úc trên toàn-quốc niềm hứng-khởi để sống những ngày còn lại của chính mình, dù khó khăn đến thế nào đi nữa. Turia Pitt quyết không “chào thua” bất cứ trở-ngại nào đến với cô; và cô cương-quyết sống để còn tham-dự cuộc thi chạy việt-dã diễn ra hằng năm, ở Tây Úc dù thương-tật từ vụ cháy rừng có gây trở-ngại cho cô, cũng rất nhiều. Và, quyết-định đanh-thép này đã tạo niềm hứng-khởi cho cô, không chỉ mỗi người sống chung quanh thôi, mà cả những người cô chưa từng gặp mặt, nữa.

Dưới đây, nhà báo nọ có cuộc phỏng-vấn Turia Pitt sau lần cô tham-dự cuộc thi chạy việt-dã mới vừa rồi, ở thủ-phủ Adelaide miền Nam nước Úc hôm 05/4/2014, như sau:

Nhà báo: Chuyện của cô từng đánh-động tâm-can rất nhiều người, trên khắp nước Úc và cả thế-giới nữa. Chỉ ba năm sau ngày cô bị nạn, làm sao cô lại có được can đảm để thực-hiện một khó khăn như thế, xin cô cho biết cảm-xúc của cô ra sao khi mọi người cho rằng cô là phụ-nữ can-trường và mạnh-mẽ đến độ như thế?            

Turia Pitt: Quả thật, đó là điều tốt đẹp trong đời người. Nhiều vị cũng đến nói với tôi rằng: tôi từng đánh-động họ, rất nhiều. Chẳng hạn như chị nọ, ở cách đây không xa, khi nghe biết chuyện của tôi, thì chị cũng đã can đảm tìm lại người phối-ngẫu từng hành-hạ chị suốt mười năm, để sống trở lại dù hơi khó. Đối với tôi, đó là sức mạnh tôi đạt được; và tôi thực sự thấy vui vì thấy mình có được khả-năng gây ảnh-hưởng trên nhiều người, theo cách đó. 

Nhà báo: Cô có nghĩ chính mình có tỏ ra can-đảm nên mới được như thế chứ?
Turia Pitt: Không. Hoàn toàn không phải thế. Tôi chỉ biết cố làm sao để sống cuộc sống của chính tôi. Sống sao cho tốt đẹp, mỗi ngày và cũng cố làm mọi việc để hoàn-cảnh của mình không tồi-tệ hơn thế, cũng mãn nguyện.

Nhà báo: Cô có nghĩ mọi người rồi cũng sẽ bắt chước cô để làm thế, khi nghe biết chuyện của cô, không?
Turia Pitt: Tôi thì nghĩ, là: ai cũng có sẵn trong người mình một chút gì đó mà chị gọi là can-đảm mà nhiều người chưa từng thử sức như thế, để rồi tự khắc sẽ khám phá ra rằng mình thực sự cũng dũng cảm, đâu kém ai. Cuộc sống của chúng ta tương-đối an-ninh/an-toàn cách đáng kể để mình có thể đứng vững cả vào những lúc như: thức dậy mỗi sáng, rồi đi làm, gõ máy vi-tính, rồi về nhà lo cho gia-đình hoặc chỉ ngồi gác chân xem truyền-hình và lên giường ngủ, rồi sáng hôm sau sau lại tiếp-tục sống thêm những ngày khác, giống hệt vậy. Tuy nhiên, chỉ có ngang qua những trải-nghiệm đôi lúc đớn đau, thay đổi hoặc thách-thức bằng những kinh-nghiệm mới mẻ nào khác, có thế mới chứng tỏ mình thực sự sống cuộc sống rất đáng sống, thôi.

Nhà báo: Qua những xấu xa/tồi-tệ xảy đến với cô, có có nghĩ là sự tốt đẹp cũng thoát ra từ đó; và nhất là: trường-hợp của cô đã gợi hứng cho rất nhiều người và thêm nữa hỏi rằng: nếu có thể thực-hiện được điều mình quyết-tâm, thì cô có muốn làm thay-đổi những gì xảy đến với chính mình vào ngày này, cách đây 3 năm không?
Turia Pitt: Chị cũng như tôi, mọi người chúng ta chẳng thể nào thay-đổi được thời-gian hết. Vậy thì, tại sao tôi lại không đầu-tư năng-lực vào suy-nghĩ của mình về những gì có thể xảy đến với tôi, khi nó chẳng làm thay-đổi được gì hết? Có điều, khiến tôi vẫn có thể làm được mặc dù ở vào trường-hợp như thế, là: làm việc cật-lực để hồi-phục chính mình, dựng xây chính con người mình để trở thành một vận-động-viên và nghĩ đến tương-lai cùng ông xã của tôi là Michael, thôi.

Nhà báo: Từ nay và những ngày sắp tới, chắc cô cũng sẽ bận rộn không ít trong việc tạo hứng-khởi cho nhiều người và nói nhiều về các sự-kiện cô từng trải. Câu hỏi của tôi là: có phải đây là điều cô muốn thực-hiện từ nay cho đến cuối đời mình không? Ngoài ra, cô còn mục-tiêu nào hoặc giấc mơ nào để hiện-thực và phấn-đấu nữa không?
Turia Pitt: Hiện-tại thì tôi đang vui-hưởng những giây phút đi đây đó để nói với nhiều người rằng cuộc sống của mình vẫn đáng sống lắm đấy. Mục-tiêu tương lai ư? Có chứ. Tôi sẽ cố hoàn-tất cuộc thi trở thành “Người sắt đá” cùng với ông xã là Michael, sau đó cũng tìm dịp leo núi Hy Mã Lạp Sơn, học y-khoa và lên thuyền buồm đi khắp đó đây trên thế giới. Có mỗi điều làm tôi hơi lo, đó là: không biết tôi có đủ thời-gian để thực-hiện các mục-tiêu ấy hay không, mà thôi.           

Nhà báo: Câu hỏi cuối là: Nếu phải nhắn nhủ những người có thể bảo là: cô sẽ không thể làm được một số việc nào đó trong đời vì bị cháy bỏng toàn thân đến độ như thế, thì câu nhắn của cô sẽ thế nào, gọi được là tích-cực?
Turia Pitt: Tôi sẽ nói như thế này: Chính anh hoặc chị mới là thẩm-phán tối cao về những gì mình có thể làm và/hoặc không thể làm được. Khi tôi nghe một số người bảo rằng: vì bỏng nặng, nên tôi sẽ không làm được gì tốt đẹp trong đời với những ngày còn sống, nữa. thì: điều đó càng làm tôi có quyết-tâm thực-hiện điều tôi muốn làm cho bằng được. Bác-sĩ của tôi cũng từng nói với gia-đình tôi rằng: tôi không thể nào chạy được nữa đâu, thế là từ đó tôi quyết sẽ chạy việt-dã trở lại năm 2012, chỉ một năm sau ngày tôi bị nạn, thôi. Thành ra, tất cả đều do quyết-tâm của mình, mà thôi. Còn hỏi rằng: tôi nói gì tích cực một đôi chút đây, thì đó là câu hỏi hơi khó trả lời. Ăn uống cho đúng cách, tập luyện và ngủ nghỉ cho đủ giấc, nhất là mình phải thủ đúng vai-trò bằng cách làm sao giữ được đầu óc mình lành mạnh, mới là điều cần-thiết. Cuối cùng, thì thế này: Hãy chấp-nhận rằng cuộc sống, tự nó, luôn có lúc thăng lúc trầm của nó. Sẽ không mấy thực-tế, nếu anh hoặc chị vẫn cứ kỳ-vọng mội sự tốt đẹp xảy đến với mình, ở mọi nơi, vào mọi lúc.” (xem Emily Maney, Australian Catholics, số mùa Xuân 2014, tr. 32-33)      

Có những truyện kể, thật không dễ như một tản-mạn đường dài, mang nhiều tình tiết tựa hồ như bài hát “Cứ Để Mây Trôi” vẫn hát và vẫn đề-nghị mọi người như hình-thức sống ta vẫn gặp ở đời, trong đời.
 Có những chuyện để “phiếm” và tản mạn, như truyện của người kể mang tên Nguyễn Duy Nhiên, những muốn để lại đôi giòng chảy như sau:

Sư Giới Đức có kể một câu truyện về Thiền Sư Eido Tai Shimano, một nhà thư pháp Nhật Bản.  Eido lấy bút lông quệt cái vòng tròn – mà chẳng tròn – rồi viết hai chữ: Viên tướng!  Bạn ông, lão sư Kogetsu bàn như sau: “Không nhất thiết phải tròn. Tất nhiên là nó không hoàn hảo. Thậm chí, hình tam giác, tứ giác hay bất cứ cái hình gì trong phối cảnh tâm linh thì chúng cũng đều phải tròn cả. Trong con mắt thiền, mọi điều kiên tâm linh, tâm lý, xúc cảm, mọi sự, mọi vật đều hoàn hảo, tự nhiên như nhiên, như chân như thật! Mặt trăng tròn sao? Thế thì cái mặt méo kia cũng tròn chứ?”
           
Những khổ đau trong cuộc sống sẽ có mặt khi ta bị vướng mắc vào một khuôn mẫu cố định nào đó, như khi ta bắt nó phải là một vòng tròn toàn vẹn. Và nếu như cuộc sống này không đặt vừa được vào khuôn thước của mình đặt ra, ta cảm thấy khổ đau.
Bà Sharon Salzberg có chia sẻ một kinh nghiệm như sau. Có lần một người bạn của bà ở California muốn qua viếng thăm New England nơi bà đang ở vào mùa thu. Mùa thu ở vùng New England thì những rừng lá thay màu sắc đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ.

Trong lúc chờ người bạn qua, mỗi ngày bà Sharon cứ nóng ruột ra nhìn rừng cây mùa thu với ngàn chiếc lá màu sắc rực rỡ và lộng lẫy, hy vọng rằng chúng sẽ giữ được như vậy mãi cho đến khi người bạn sang. Đứng nhìn ngàn chiếc lá đủ màu bay tơi tả trong những ngày gió lớn, có lúc bà như muốn ra cắm những chiếc lá rụng lên lại trên cây, để giữ chúng cho người bạn mình xem. Nhưng cuối cùng thì người bạn đã không sang được. Và lúc ấy bà Sharon tự bảo, “Thôi, bây giờ thì mình có thể cho phép thiên nhiên được tiếp tục công việc của nó rồi!”
           
Ngăn chặn không cho rừng lá thu đừng phai màu và rơi rụng là một chuyện vô lý quá phải không bạn? Nhưng nếu nhìn lại đời mình, biết bao lần ta cũng đã vô tình có những hành động tương tự như vậy, cố gắng giữ cho sự vật đừng đổi thay, lúc nào cũng muốn chúng được hoàn hảo theo ý của mình.

Chúng ta vẫn thường cảm thấy rằng hạnh phúc chỉ có mặt khi cuộc đời này được tròn đầy, hoàn hảo. Có thể đó là sự thật! Nhưng sự tròn đầy ấy không phải là ở hoàn cảnh bên ngoài, mà là một thái độ tĩnh lặng và trong sáng trong tâm. Và tôi nghĩ, chúng ta có thể có được sự trong sáng ấy bằng một thái độ bao dung và buông xả.

Bạn biết không, thật ra không phải cuộc sống này luôn có những thay đổi, mà là sự sống của ta đang được làm bằng chính những sự thay đổi ấy. Không có chúng thì cũng không có sự sống.
           
Cuộc đời là một chuỗi của những đổi thay, mà đó cũng là một chuỗi buông xả tiếp nối nhau. Ta từ bỏ lòng mẹ, tuổi thơ của mình, rồi ta rời bỏ ghế nhà trường, ta từ bỏ gia đình với cha mẹ đi lập một gia đình mới, rồi khi con cái lớn lên ta lại từ bỏ cái gia đình đó… Khi tuổi già ta từ bỏ những thú vui, những việc mình vẫn thường làm hằng ngày, và ngay cả những việc mình ưa thích nhất, và cuối cùng rồi ta cũng sẽ từ bỏ luôn cả cuộc đời này…
           
Nhưng những thay đổi của cuộc đời cũng thường không diễn theo một chiều suôi như vậy.  Có biết bao nhiêu biến đổi xảy ra bất ngờ mà bắt buộc ta phải chấp nhận và buông bỏ, ngay cả những gì mình chưa sẵn sàng để từ bỏ...

Thầy Viên Minh có một bài thơ rất đơn sơ và nhẹ nhàng như một bức tranh của Sengai,
Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay

Thầy Viên Minh giải thích ý nghĩa của bài thơ ấy,
“Lúc đó thầy đang ở chùa Huyền Không Lăng Cô. Một hôm có người Phật tử ra thăm chùa khi thầy đang nghỉ trưa. Người Phật tử đó đi dạo quanh cảnh già lam rồi vào trà thất ngồi ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Có lẽ hôm ấy trời chuyển lạnh nên mây mù bắt đầu giăng trên núi. Hiện tượng trông rất huyền ảo này thu hút những khách tham quan từ thành phố lên, lúc thầy mới đến đây cũng vậy.
Người Phật tử thấy cảnh tượng quá tuyệt vời muốn xuống báo cho thầy lên xem, nhưng khi xuống thì thầy vẫn còn ngủ, lúc nhìn lại thì mây đã bay mất...
Khi thầy thức dậy người ấy kể lại giây phút kỳ diệu vừa qua. Thầy hiểu, và chợt đọc bốn câu thơ tặng người Phật tử ấy - một người đang có nhiều tâm sự đau buồn. Ý thầy muốn nhắn nhủ rằng dù đẹp hay xấu, khổ hay vui... cứ để mọi chuyện đến đi trong cuộc đời như mây bay trên đầu núi... rồi con sẽ thấy vạn pháp vẫn thật là mầu nhiệm.”
           
Bạn biết không, thật ra buông xả không có nghĩa là ta phải cố gắng làm một cái gì đó, nhưng là biết quay về trọn vẹn trong sáng với những buồn, vui nào đang có mặt. Và cứ để chúng đến đi tự nhiên như mây bay trên đầu núi.  Rồi có thể một ngày nào đó mình sẽ thấy được rằng, tất cả bao giờ cũng đang là hoàn hảo, phải không bạn…” (Tác giả Nguyễn Duy Nhiên kể).

Không cần biết, là bạn và tôi, ta có tin vào lời các vị ở trên có kể thực hay không. Không cần hỏi: người kể có hay không chuyên về “Phật sự” hay sao đó, chứ? Chỉ cần tôi và bạn, ta cùng nhau trân trọng những gì bạn bè/người dưng chưa quen biết hay giáp mặt, vẫn gửi đến. Và, chỉ cần những người như bạn hoặc ai đó, vẫn trân trọng ba thứ: Chân Thiên Mỹ, rất dễ thương, mà thôi.
Thế đó là những gì bần đạo bầy tôi đây, những muốn tản mạn trong vườn hoa truyện kể đầy những “phiếm”, để ta và người đều vui. Vui, như lời hát hôm trước nghệ sĩ đã từng hát:

Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên”.
(Phạm Duy – bđd)

“Để nhớ, để quên”, là những gì ta nhắn bảo mọi người đừng bao giờ bỏ sót mẩu tin nhắn động-trời như cô thư-ký tiếp-tân dễ thương nọ.
“Xin cảm ơn thành phố có em…” giống như lời cảm tạ Thượng Đế đã ban tặng “Em” cho tôi/cho anh, nên anh vẫn trân trọng dù em có ra thế nào đi nữa: già nua, quên lãng hay khó tính, bất cần đời, cũng vẫn được.   
Thế đó, là đôi giòng “phiếm loạn” mà bần đạo đây xin gửi đến bạn và đến cả tôi nữa, rất hôm nay. Kèm theo đó, là lời cầu chúc: mọi ngày với tôi và với bạn, sẽ là “một ngày như mọi ngày” rất trong đời của một thời. Cái thời mà sách Giảng Viên trong Cựu-Ước, từng diễn tả.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng lắng nghe
Nghe bạn và nghe tôi
cùng người kể
Vẫn sống hùng sống mạnh
Suốt đời mình.



No comments: