Saturday 29 December 2012

“Và mối tình sống êm đềm”



Chuyện phiếm đọc trong tuần lễ Chúa Chịu Phép Rửa Năm C 13-01-2013

Và mối tình sống êm đềm
         “Là tình riêng trong lòng Anh yêu em.”
(Y Vân – Tình Lính)

            Anh yêu Em. Em yêu Anh. Lâu nay vẫn là chuyện thường tình hay tình thường, mà sao tác giả Y Vân lại cứ gọi đó là “Tình Riêng Trong Lòng..” thế vậy? Lại càng không phải, chỉ riêng là “Tình Lính” hay người lính rất tình, bao giờ hết!
            Thú thật với bạn đang đọc các giòng chữ đầy những “phiếm loạn” này, rằng: bần đạo chỉ mỗi vấn nạn và nhận thức như thế, mới đây thôi. Còn thuở trước, mỗi lần nhớ và hát câu cuối của bài hát trên, bần đạo đều nghĩ: bài hát này là nói về người lính “Việt Nam Cộng Hoà” rất đa tình, mà thôi.
            Nay, bần đạo đặt lại nghĩ như thế này: Nếu có ai quyết một lòng hay để nguyên một đời bỏ ra mà rao giảng và phục vụ Chúa thì ta có gọi họ là “ngôn sứ” hay “nhân chứng” Đức Kitô, không? Và, nhà thơ hay người nghệ sĩ viết nhạc, có còn hát những lời như sau, không:

            “Anh là lính đa tình.
Tình non sông rất nặng.
Tình hải hồ ôm mộng.
Tình vũ trụ ngát xanh.
Và mối tình sống êm đềm,
            Là tình riêng trong lòng. Anh yêu em.”
(Y Vân – bđd)

            Của đáng tội, là lính tráng, tiên tri hoặc ngôn sứ/chứng nhân của Chúa, vẫn là những vị dám sống và dám chết cho lý tưởng nào đó. Chí ít, là lý tưởng “Tình yêu”, viết rất Hoa. Tức, Tình Yêu lý tưởng, của Đức Chúa cũng rất thật.
            Nhưng, vấn đề lại đặt ra hôm nay, là: người lính tráng rất “đa tình” hoặc linh mục, rất ngôn sứ của Chúa còn nhiều lắm không mà sao cứ bảo: nay ta thiếu linh mục cùng ngôn sứ? Để trả lời, để nghị bạn đề nghị tôi, ta nghe tác giả Michael Williams trần tình như sau:

“Trên trang blog của Hiệp Hội Linh Mục Công giáo Ái Nhĩ Lan, tác giả Teresa Mee có cho biết: vấn đề căn bản hiện nay của Hội thánh không phải là chuyện thiếu hụt linh mục để sắp xếp tổ chức các giờ lễ cho ngày Chúa Nhật ở các nơi. Thay vào đó, “vấn đề thực sự đặt ra cho Hội thánh chính là sự vắng bóng người đến nhà thờ dự Tiệc Thánh; chí ít là với cả ba thế hệ trẻ, ở mọi thời”.
 Nói chung, thì thế này: vấn đề chính hôm nay, là: chuyện lang thang và lưu lạc. Lang thang, tức người đi Đạo nay lang thang ở đâu đó. Và, lưu lạc là người sống Đạo đang thực sự ở nơi nào khác chứ không ở nhà thờ. Và thực ra, thì khi thấy vấn đề gì xảy đến, động thái đúng đắn và đàng hoàng nhất, là: phải khởi sự tìm cho ra nguyên nhân, mới là thái độ tích cực và nghiêm túc. Vả lại, cho đến nay, vấn đề thiếu vắng người trẻ đi nhà thờ những 3 thế hệ, thế mà chẳng thấy ai lo điều tra, nghiên cứu. Thay vào đó, giới chức có thẩm quyền trong giáo hội lại tìm cách đổ lỗi cho chủ nghĩa này khác, nên mới khó.
Tuy thế, đề cập đến chuyện này tác giả Teresa Mee lại đã phản ánh chuyện lớp người trẻ hôm nay dù không đi nhà thờ thường xuyên như trước, nhưng họ vẫn tham gia công tác tỏ bày tình thương nâng đỡ rất truyền thống có liên quan đến các tổ chức của Giáo hội nhiều hơn nữa; chẳng hạn như: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, phong trào gây quỹ giúp đỡ người nghèo đó, tật bệnh, vv.., hoặc đề ra nhu cầu, thảo luận nghiêm chỉnh các đề tài tín lý, đạo đức cũng như siêu hình có liên can đến cuộc sống, rất thực tế, vv…(x. Michael Williams, Blog Watcher, Priest Shortage Not the Problem, CathNews 28/10/2012)

Nói theo kiểu lý luận và tìm hiểu theo cung cách nhà Đạo, là như thế. Còn, nói theo kiểu nghệ sĩ viết nhạc, hoặc nhà thơ là nói và hát giống như sau:

                        “Có lúc muốn lấy hoa rừng
Anh gửi về em thêu áo
Cả ngàn vì sao trên trời
Kết thành một chuỗi em đeo
Dù rằng đời lính không giàu
mà chắc không nghèo tình yêu.”
(Y Vân – bđd)

            Nói như thế, giống như thể bảo rằng: bạn và tôi, ta có thể hát những bài rất giựt “soul” hoặc nhún nhẩy nhịp “Twist” như ở trên mà không mệt; hay vẫn cứ long rong thả hồn theo gió bay đi, với khúc nhạc tình tự rất “thính phòng”, thì lại khác.
            Nói cách khác, hát nhạc thính phòng hay hát nhạc trẻ rất giựt “Twist” hoặc nhịp “bebop”  “A gogo” là hát và giựt với tất cả tâm tình có lời lẽ như sau:

                        “Anh là lính đa tình.
                        Tình non sông rất nặng.
                        Tình hải hồ êm mộng.
Tình vũ trụ ngát xanh
                        là, mối tình rất êm đềm
                        là, tình riêng trong lòng:
Anh yêu Em.”
                        (Y Vân – bđd)

            Nói hay hát, những “tình riêng trong lòng”, hay “tình vũ trụ ngát xanh”. Cũng đều là thứ tình nóng bỏng, “rất êm đềm”, “riêng trong lòng” để nói lên một điều, rất khó nói nhưng dễ làm, là: Anh yêu Em.
            Một lần nữa, nói tóm tắt, hay nói rộng ra, là vẫn bảo rằng: tình gì thì tình, vẫn luôn là tình “Anh yêu Em” hoặc “Em yêu Anh” ngọt ngào, rền khắp. Ví thử, bạn và tôi, ta tìm cách thay đổi chủ từ và túc từ Anh/Anh Em/Em bằng những danh xưng/tên gọi rất hiếm quý như Đức Chúa, hoặc Mẹ Hiền Maria, hoặc thánh cả Giuse, thánh tổ/quan thày vinh hiển, ta sẽ có được một trời mới/đất mới rất hữu tình đầy Phục Sinh. Như bao giờ.
            Phục Sinh là gì? Nếu không phải là “trỗi dậy” trong cuộc sống. Tức, sống một cuộc sống không còn thói tục “quen quen” như thời cũ, cũng xưa hệt như trái đất có tuổi thọ cả triệu triệu năm, đáng kính, trân trọng. Phục sinh trong cuộc sống là, cứ hiên ngang, đầu cao mắt sáng, tự hào mình là người Đạo Chúa, chẳng đổi thay, tuy vắng bóng quên tham dự Tiệc Thánh; hoặc, lâu ngày chẳng còn biết đến cầu nguyện?   
            Nói cách khác, Phục sinh/trỗi dậy trong cuộc sống là đổi mới rất ý hướng? Đổi, cả những gì thấy quen quen trong đời đi Đạo chăng? Phục sinh/trỗi dậytrong Đạo là thế nào mà chẳng thấy ai buồn đi nhà thờ/nhà thánh để linh mục cứ phải gõ vào www.botay.com đến thế vậy? Có lý do nào khác ngoài hiện trạng thiếu hụt linh mục như thế không?
            Câu hỏi đại loại như thế, nghe cũng quen quen! Nhưng, câu trả lời rày cũng hiếm. Hiếm ở chỗ: mỗi người mỗi ý. Và, có những ý, những lời khác với giòng chảy chính mạch kiểu hệ cấp thần quyền ở đâu đó. Ý/lời đó, có thể trích rải rác như sau:

“Nếu mọi việc bạch-hoá cách công khai đều tốt cả, thì những năm gần đây Hội thánh Công giáo chắc chắn đã thành công vượt bực.
Ví dụ cụ thể, là như chuyện hàng giáo sĩ lạm, dụng tình dục lúc đó ồn ào là thế mà giáo quyền cũng còn chế ngự được. Rồi, chuyện dịch lại bộ lễ La tinh sang tiếng Anh, vụ giám mục Bill Morris ở Queensland Úc, chuyện ghì cương không cho Caritas làm tới, rồi chuyện kiểm chứng với kiểm duyệt nhằm ngăn chặn nhóm nữ tu Hoa Kỳ đã có lập trường thần học hơn hẳn nam nhân, việc khoá miệng các linh mục ở Ái Nhĩ Lan từng nổi dậy và dẹp bỏ tập đoàn nhà Đạo người Ái Nhĩ Lan ở Rôma, mối bận tâm lo lắng cách công nhiên của hàng giáo sĩ người Áo và Ái Nhĩ Lan, cùng việc giáng cấp người đầu sỏ ở ngân hàng Vatican, rồi đến vụ việc về tài liệu mất của giáo triều La Mã, cả đến chuyện tranh chấp giữa vị tổng thống và hàng giáo phẩm Mỹ về y tế và bảo vệ sức khoẻ…
Những chuyện đáng sợ ở trên, đã trở thành vấn đề đặt ra cho quyền bính tập trung ở cấp cao nơi nhà Đạo. Đối với những người luôn chỉ trích, thì câu trả lời đà quá rõ, lại có đủ bằng chứng tự tại, tỉ như sự việc về nhân vật mang tên Ores và giới chức quyền lực khác như Mordor đã phản ánh tính kiêu căng/tồi tệ trong cung cách đối xử trong Hội thánh là những điều mà nhiều người từng đoán trước hoặc kỳ vọng. Một số trường hợp như các vụ của tập đoàn News Limited, của Đảng Xanh hoặc Công đoàn ở Úc hoặc một số tổ chức lại đã hành xử như đế quốc tệ lậu ở đâu đâu.
Trường hợp của Giáo hội Công giáo lại mang tầm mức quan trọng hơn đâu hết. Trong trường hợp này, niềm tin được ban phát từ Đức Kitô nang qua các thánh Tông đồ thời Giáo hội tiên khởi. Và, các thánh sau đó, lại đã truyền qua cho các Giám mục. Tỉ như, vị thế của thánh Phaolô được giao trọng trách củng cố niềm tin của người anh em mình. Và cuối cùng, thì quyền bính được giao phó cách trọn vẹn trong tay của các vị kế nhiệm là Giám mục thành La Mã.
Tầm mức nghiêm trọng của sự việc đang diễn tiến và sức nặng của hơn hai ngàn năm lịch sử vẫn đè nặng đã cắt nghĩa được lý do tại sao các giám mục và giáo hoàng lại có ý hướng lớn lao khi nhận lãnh trách nhiệm riêng tư quyết trao phó niềm tin mình nhận lãnh cho mọi người, cách kiên quyết. Các ngài luôn thận trọng đáp trả lại nỗ lực nào nhằm tìm cách hiểu khác đi niềm tin và nguyên tắc xử thế cho đúng cũng như nhu cầu duy trì niềm tin của Hội thánhtiên khởi phải được chứng tỏ…” (xem Lm Andrew Hamilton, sj Crisis of Trust in the Vatican, Eureka Street.com.au, 04/7/2012)

            Nói và hiểu lý do của sự thể về niềm tin người đi Đạo và tình anh lính chiến ở ngoài đời, đại để là như thế. Nhưng, nếu hiểu rằng: niềm tin thường đi đôi với tình tự đính kèm khi ta tin vào người mình yêu, có lẽ sẽ hát như người nghệ sĩ có giòng chảy cũng rất “lính” như sau:

                        “Anh là lính đa tình.
                        Tình non sông rất nặng.
                        Tình hãi hồ ôm mộng.
                        Tình vũ trụ ngát xanh.
                        Và, mối tình sống êm đềm,
                        là tình riêng trong lòng,
                        Anh yêu Em.”
                        (Y Vân – bđd)

            Nói và hiểu, như người dân đi Đạo rất bình thường về niềm tin vào hội thánh là sẽ nói như bậc thánh hiền nhà Đạo, từng kinh nghiệm như sau:

                        Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người
và của các thiên thần đi nữa,
mà không có tình thương mến,
thì tôi cũng chẳng khác gì
thanh la phèng phèng, chũm choẹ chụp choeng.”
(1 Cor 13: 1)

            Nói được các thứ tiếng của loài người của thiên nhiên, đúng là tiếng nói của tình yêu, rất non sông, vũ trụ. Tình đó, còn là tình “sống êm đềm”, “tình riêng trong lòng”. Là, tiếng giọng của những người nói được chữ: “Anh yêu Em.”
            Nếu nói được những tiếng và chữ của thiên nhiên/vũ trụ như thế, và thay đổi chữ “Anh/Em” bằng tiếng “giáo dân/Hội thánh”, ta sẽ còn nhiều hy vọng vào tương lai. Hy vọng ấy, được diễn tả bằng những tâm tình của đấng bậc linh mục Dòng Tên như sau:

“Tông thư “Spe Salvi” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 là một tư-duy sâu sắc về tầm quan trọng của niềm hy vọng của tín hữu, và phương cách duy trì niềm hy vọng ấy. Niềm hy vọng mà ĐGH Bênêđíchtô 16 nói đến, đã có mặt trong thế giới hiện đại trong lịch sử về tri thức, linh đạo…
Tông thư này còn có được niềm hy vọng trong thế giới mỏng dòn này khi xưa là chuyện của khoa học thực nghiệm và sinh hoạt chính trị; trong khi đó, niềm tin đạo giáo lại sờ chạm vào thế giới vô hình và các thể…
Nói cho cùng, thì loài người không thể có được hy vọng nếu Thiên Chúa không hiện hữu, ở với họ.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, How to Find God in Ordinary Human Hope, EurekaStreet.com.au. 12/12/2007)

            Cuối cùng ra, nói về Tình yêu, dù là tình lính hay tình người, là phải nói đến niềm tin và hy vọng, đang song hành. Cả hai thứ này gộp chung với mọi thứ tình, thì người đời hay người nhà Đạo sẽ cảm thấy yên tâm mà sống. Sống có lý tưởng và chất lượng hơn mọi cuộc sống nào khác.
            Sống có niềm tin, tình yêu và hy vọng là sống không phải như người lính tuyên bố mình đa tình như bài hát trích ở trên. Mà là, sống hạnh phúc bằng việc nghĩ đến người khác, như câu truyện để mình định:

“Có phú ông giàu có nọ, hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại thấy không vui, không hề hạnh phúc.
Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, là: đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc, thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.
Ông đi đến đâu cũng tìm hiểi hỏi han, rồi đến ngôi làng nọ có người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.
Cuối cùng, ông cũng gặp được vị Đại sưđang ngồi thiền. Ông vui mừng khôn xiết nới với Đại sư:
-Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài.”
Lúc ấy, trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo:
-Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi.
Sau đó, vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho hú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất nay quay về, thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói:
-Tốt quá rồi!
Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta rồi hỏi:
-Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?
-Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!
Lúc này, vị Đại sự cười và nói:
-Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nói là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có nó quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực, cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng cho tôi nữa không?”
Câu chuyện thú vị này đã khiến tôi chợt nhận ra bản thân mình trong đó. Bạn liệu có phát hiện ra rằng, khi mất đi hoặc thiếu thứ gì đó, bạn sẽ luôn nhớ về nó, nhưng khi có được rồi thì lại dễ dàng coi nhẹ, thậm chí nhìn mà không thấy nó. Nếu từng yêu, bạn sẽ hiểu được điều đó…

            Cùng với quan niệm của người kể truyện trích ở trên cũng nên thêm một câu kết, rất như sau: Sống cuộc đời người có hạnh phúc hay không chỉ là khi mình không dính bén vào thứ gì hết. Bởi, hạnh phúc hay tình người vẫn là thứ gì đó rất quý trọng như câu hát để kết luận rằng:

                        Và, mối tình sống êm đềm,
                        là tình riêng trong lòng,
                        Anh yêu Em.”
                        (Y Vân – bđd)

Mong rằng, người hát câu trên, sẽ coi tiếng “Anh” là chính mình, thành viên Hội thánh ở mọi thời và tiếng “Em” không chỉ là người em yêu của ai hết mà là chính Chúa. Chúa, ở tâm can của anh, của tôi. Của, mọi người. Chí ít, là những người đang chờ câu hát: “Anh yêu Em!”, rất hy vọng và tin tưởng.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Nhiều lúc bỗng chợt nhớ ra rằng
            nhạc trẻ kích động
            đâu đến nỗi quá tệ.
            Vì vẫn khẳng định:
Anh yêu Em!

No comments: