Tuesday 11 December 2012

“Túp lều lý tưởng của Anh và của Em”



Túp lều lý tưởng của Anh và của Em”
“đâu, đâu nào anh ơi?
Túp lều lý tưởng đó ta xây bằng duyên bằng tình,
Không ai mà yêu bằng mình,
Khi ta đứng nhìn một đàn con xinh.”
(Hoàng Thi Thơ – Túp Lều Lý Tưởng)
(Cv 15: 11)
Cứ tưởng tượng, như đó là lời trần tình của Thánh Hội nói với đàn con yêu dấu về tình yêu, về lý tưởng nhà Đạo và về niềm tin, chắc cũng lạ. Bởi có nói nhiều và hát nhiều, thì niềm tin của Hội thánh vào với nhà Đạo, y như thể người viết nhạc ở trên diễn tả bằng câu ca, như sau:

            “Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều,
            Từ ngày hai đứa yêu nhau lòng ước bao nhiêu.
            Mộng vang hai đức có chi là quá xa xôi,
Ta mơ một mái nhà tranh,
Ta mơ một túp lều tình
Đời mình đẹp mãi với Em và Anh.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Ước thật nhiều! Ước bao nhiêu! Phải chăng đều là những ước ao/ao ước về tình yêu lý tưởng, cũng vẫn là niềm tin cao siêu vời vợi rất đương yêu. Nói cách khác, đương yêu là đương tin vào một Tình yêu rất lý tưởng, như mối tình của Hội thánh lúc nào cũng “yêu đương và đương yêu” Đức Kitô hiện diện nơi con người.
Về Tin Yêu, là như những câu chuyện ngoài đời mà người đời hay nói cả về niềm tin trong đạo như sau:

“Người vợ nọ, đang nấu ăn trong bếp bận muốn chết, lại cứ thấy ông chồng đứng gần sát ngay cạnh nói năng những điều, nhiều lúc phát ghét như sau:
-Này em. Coi chừng nồi cá kho em nấu cạn hết nước khói um lên như mấy lần trước cho mà xem... Kìa! Sao em cho ít muối thế, sao gọi được là cá kho, cơ chứ! Kho chứ không phải nấu lỡ đâu đấy... Ấy ấy! Nồi nước em đun, nó đang sôi sung sục lên kia kìa, em cho thịt vào đi kẻo nó bốc hơi cạn hết...
Người vợ nghe vậy, thấy phát chán, bèn la oáng lên rằng:
-Anh đi chỗ khác chơi được không? Nấu ăn là nghề của em, đâu cần ai dậy.
-Lái xe là nghề của anh, thế sao mỗi lần ngồi xe em cứ chỉ dạy tài xế vậy?
-Thì, đó cũng là cái bệnh học đòi bắt chước anh thôi. Có đúng không?
-Đúng chỗ nào, đâu?
-Đúng ở chỗ giống như anh như đúc. Anh có học giáo lý, thần học gì đâu mà sao mỗi lần đi nhà thờ nghe cha giảng xong trên đường về anh cứ phán là: ông cha này giảng bết quá chẳng có tí gì là thần học hết, toàn kể chuyện tiếu lâm không à...
-Cái đó là chuyện khác. Chuyện mấy ông cha giảng giải hay chia sẻ đâu có phải nghề riêng của mấy ỗng đâu mà bắt mọi người phải tin... Đấy! Tin mấy ông ấy cho lắm rồi có người cũng bỏ nhà thờ nhà thánh cho mà xem...
Người vợ thấy đụng “đài” của chồng, bèn lên tiếng:
-Thôi anh đi ra chỗ khác đi.. Em không muốn nghe chuyện tin với tưởng gì của anh đâu... Anh cũng đâu có học thần học đâu mà nói chuyện ấy chứ..” (trích truyện kể lền khên trên mạng, hết biết luôn)

Lập trường hiểu về niềm tin đi Đạo đâu phải là độc quyền của mấy ông cha/cố trong Đạo như lời người vợ hiền trích ở trên. Và, chừng như những nhận định ấy thấy rất quen trong câu chuyện hằng ngày, ở huyện nhà. Tin vào Lời Chúa trong Đạo hay tin vào lời của cha Đạo giảng Lời Chúa, cũng đâu khác.
Bởi, “nghề” của mấy cha và cố, nào có khác nghề của những vị chuyên giảng giải về “Đức Tin”. Có lẽ, đây cũng là một trong các lý do để nhà Đạo ta, chí ít là đạo Công giáo đã phải đề ra nguyên một năm mười hai tháng để bà con ta học hỏi thêm về đức tin, chăng?
Và có lẽ, đó cũng là một trong những ưu tư của Giáo hội Công giáo mình, đề ra cái-gọi-là Năm Thánh Đức Tin, để chuyên gia giảng giải ở Sydney là đức thầy John Flader của tờ The Catholic Weekly lại có dịp tự hỏi/đáp với lời lẽ, rất như sau:

“Được biết, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 vừa chính thức ra lệnh lập Năm Thánh Đức Tin bắt đầu từ tháng 10/2012 vừa qua, là rất đúng. Nhưng sao ông cậu của con lại cứ bảo rằng: Đức đương kim Giáo hoàng đâu là vị Giáo hoàng đầu tiên làm như thế đâu. Hình như Đức Phaolô cũng đã lập một năm thánh như thế vào thập niên 1960 rồi thì phải. Câu hỏi của con là: tình hình lúc đó thế nào mà phải quyết định như thế? Và Năm thánh là năm gì vậy?

            Cứ sự thường, hễ giáo dân có hỏi bậc Đức thày linh mục, thì bậc linh mục sẽ giảng giải cho ra nhẽ, như sau:

“Ông cậu của chị nói rất đúng. Đức Phaolô Đệ Lục có ra chỉ thị lập Năm Thánh Đức Tin vào đúng ngày lễ thánh Phêrô và Phaolô hôm 29/6/1967 và kéo dài suốt 12 tháng cho đến ngày lễ hai đấng thánh này vào năm sau.

Trong Tông thư Cửa Ngõ Đức Tin do ngài viết, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 loan báo thiết lập năm thánh Đức Tin cũng qui về năm thánh do Đức Phaolô lập ra trước đó. Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Phaolô Đệ Lục lập ra năm thánh Đức Tin là để mừng 19 thế kỷ ngày cả hai thánh Phêrô và Phaolô tử vì đạo và làm như thế thì toàn thể Hội thánh mới tái thích nghi tầm hiểu biết về Đức tin nên mới củng cố , xác tín thanh lọc và xưng thú về đức tin mình đang có. (x.Cửa Ngõ Đức Tin đoạn 4) 

Cũng nên nhớ, Công đồng Vatican II kết thúc vào tháng 12 năm 1965, và không đầy một năm sau, Đức Phaolô đệ Lục tuyên bố lập Năm thánh Đức Tin, bởi lẽ vào thời ấy, đã thấy có thắc mắc cũng như lo ngại đáng kể về giáo huấn nền tảng của hội thánh về các vấn đề trong Kinh thánh, tín lý, luân lý và các bí tích.

Cả vào lúc trước khi Công Đồng kết thúc, Đức Phaolô Đệ Lục có viết hiến chế mang tên Nhiệm tích Đức Tin (ngày 3 tháng 9 năm 1965) nhằm tái khẳng định giáo huấn nền tảng của Hội thánh về sự Hiện diện của Đức Kitô nơi Mình Thánh Chúa đối đầu với lối giải thích mới mẻ và lầm lẫn về giáo huấn ấy. Thật ra thì không có vấn đề  gì ngoài việc Đức Phaolô Đệ Lục muốn lập ra Năm Thánh Đức Tin là để giúp toàn thể Giáo hội tái khẳng định sự tin cẩn vào niềm tin có vào mọi lúc.

Trong tông thư “Cửa Ngõ Đức Tin”, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 có nói: “Theo lòng kính trọng ta vẫn có, thì đấng tiền nhiệm đáng kính của ta đã thấy năm này là “kết quả và sự cần thiết của thời đại hậu Công đồng hoàn toàn ý thức đựoc các khó khăn của thời đại, đặc biệt là về việc tuyên xưng niềm tin đích thực và sự giải thích đúng đắn của niềm tin.” (x. Cửa Ngõ Đức Tin đoạn 5)

Tiếp đó, Đức Phaolô đệ Lục kêu gọi Giáo hội thành thực tuyên xưng đức tin vào mọi lúc, tức niềm tin của Đức Giêsu Kitô và của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Cuối năm thánh đó, Đức Phaolô đệ Lục lại đã ban cho Giáo hội kinh Tin Kính của dân Chúa, một cam kết khá dài và chi tiết về niềm tin của Giáo hội.

Và năm thánh Đức tin lần này còn mừng 50 kỷ niệm ngày khai mạc Công đồng Vatican II và kỷ niệm 20 năm ra mắt cuốn Giáo Lý Hội thánh Công giáo. Dựa vào đó, ta có thể phấn đấu để dấn sâu vào việc hiểu biết giáo huấn của Hội thánh và tái khẳng định niềm tin của ta ở trong đó.” (xem Lm John Flader The Catholic Weekly 7/10/2012, tr. 10)

Nói như đức thày nhà Đạo là nói theo phong cách mô phạm, chính qui, bảo thủ. Nói như nghệ sĩ ngoài đời về “túp lều lý tưởng” bảo vệ niềm tin-yêu là nói và hát như thế này:

            “Tình mình không chắc dễ mua hạnh phúc bằng tiền
            Vì tiền chưa chắc đã cho cuộc sống như tiên.
            Tình nghèo hai đứa ước mơ chỉ bấy nhiều thôi:
            Ta mơ một mái nhà tranh Ta mơ một túp lều tình
            Đời mình đẹp quá với Em và Anh.”
            (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Đời mình ở bên ngoài chỉ một “mơ ước bấy nhiêu thôi”, mơ một túp lều tình, rất đẹp vì có Anh và có Em. Anh và Em đây đều được tác giả viết hoa, chắc cũng ngụ ý một thứ lều rất lý tưởng: lều êm ấm trong đó có Anh và Em thương yêu nhau, cũng rất mực. Lều lý tưởng ở nhà Đạo, lại là thứ gì đó bảo vệ được Tình yêu cao quý, đó là niềm tin.   
Niềm tin, đối với đức thày nhà Đạo không chỉ là thế. Tức, không là “khiên”, “thuẫn” hoặc “túp lều lý tưởng” để bảo bọc tình yêu. Để giải thích thế nào là niềm tin ta cần bảo bọc, đức thày nhà Đạo lại đã dựa vào lời lẽ của Đức đương kim Giáo Hoàng khi ngài nói về Năm Thánh Đức Tin 2012 như sau:

“Tại sao Năm Thánh Đức Tin là năm mà Hội thánh của ta không nhằm vào các chủ đề nào khác? Đức Giáo Hoàng Biển Đức cắt nghĩa ở đầu tông thư “Cửa Ngõ Niềm Tin” như sau: “Kể từ ngày cha bắt đầu kế vị thánh Phêrô, cha đã nói nhiều đến sự cần thiết tái-khám-phá ra hành-trình đức tin có như thế chúng ta mới toả ánh vui tươi và niềm phấn khởi đã đổi mới khi giáp mặt Đức Kitô.” (x. Cửa Ngõ Đức Tin đoạn 2).

Qua tông thư này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức nhấn mạnh rằng: đối tượng niềm tin của chúng ta không chỉ là những sự thật để ta tin, mà đặc biệt là con người, chính con người của Đức Giêsu Kitô. Ngài tiếp tục bày tỏ: trong quá khứ, tại nhiều quốc gia, người ta vẫn coi niềm tin như thứ gì tự dưng kiếm được như căn bản của cuộc sống trong xã hội, ngày hôm nay việc chấp nhận niềm tin và giá trị do niềm tin tạo hứng nay không còn là thực tế nữa “bởi đang có khủng hoảng trầm trọng về niềm tin vẫn ảnh hưởng đến nhiều người.” (x. Cửa Ngõ Đức Tin đoạn 2)

Về sau, ngài còn viết: “Hơn thời đã qua rất nhiều, Đức Tin ngày nay đặt ra nhiều vấn đề được dấy lên từ một não trạng đã đổi thay đặc biệt hôm nay còn hạn chế nền tảng của sự chắc chắn về lý lẽ đến độ đã có những khám phá về khoa học và kỹ thuật.” (x. Cửa Ngõ Đức Tin đoạn 12)

Nhờ ánh sáng thử thách, Đức Giáo Hoàng Biển Đức vẫn muốn lập ra Năm thánh Đức Tin để tất cả mọi thành viên Hội thánh có thể phản ánh sự thật  của niềm tin để sống trọn vẹn niềm tin cách đích thực và san sẻ đức tin đó với người khác.” (x. Cửa Ngõ Đức Tin đoạn 4: 8-9)

Nói chung, Đức Giáo Hoàng còn đi xa hơn, vẫn nói đến sự cần thiết khám phá ra nội dung của niềm tin được tuyên xưng,mừng kính, sống thực và nguyện cầu và phản ánh lên động thái của niềm tin, là công việc mà mỗi người tín hữu phải thực hiện cho riêng mình, đặc biệt trong Năm thánh Đức Tin này.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 14/10/2012, tr. 12)

            Giảng giải về đức tin hay năm thánh cử hành và gìn giữ đức tin thì không ai bằng các đức thày nhà Đạo. Nhưng, xem ra vẫn chỉ là những phạm trù rất trừu tượng, khó nắm vững với người dân đi Đạo rất bình thường. Nhưng, vẫn còn một số nguời đi Đạo lại cứ hỏi thế nào là đức tin hay niềm tin, để ta sống.  
            Bần đạo đây, thấy cũng khó mà quảng diễn những điều đó, bèn tìm đến bậc thày khác, có những lời giải thích rất như sau:
           
“Tin, giống như những người đương yêu và yêu đương rất mực. Và, tin còn có nghĩa: nguyện cầu khẩn thiết và “nói với” chứ không “nói về” hoặc “nói đến”. Tin, là đáp ứng với việc mình từng nghe biết có chất giọng, chứ không cam kết hoặc nói năng gì hết. Tin, là thứ gì đó thực sự đang ở mức thăng/trầm về điều mà mọi người vẫn đang tin. Tin, là nghệ thuật rất mới giúp ta nghe ngóng; “nói với” theo ý nghĩa đích thực. Tin, là di dời về nơi nào đó có người chuyển dời biết rõ chốn miền mình đạt được.
Tin, là ngôn ngữ của những mất mát có tính sở-hữu chứ không là sở-hữu chủ của mọi thứ. Với những trải nghiệm về niềm tin ta có mà ở đó lại đã nhận thức rằng: người có niềm tin vững chãi cũng sẽ hiểu được rằng: hành động “tin tưởng” của mình được người khác (tức những người cùng tin với mình) đã công nhận những chuyện như thế. Và như thế, toàn thể mọi người lại sẽ tham gia cộng-đoàn gồm những người đồng lòng, cùng tin tưởng.
Niềm tin, bao gồm một quyết tâm mang tính linh-đạo ngõ hầu đi vào chốn bi-thảm trong cuộc sống con người. Tin, là biết rõ: cuối cùng rồi ra, cũng chẳng có gì là bi đát. Hãy cứ để quyền-uy sức mạnh của Đức Chúa Phục sinh sờ chạm vào những gì bi thảm mà mình đã gặp. Hãy để Đức Chúa Phục Sinh đến tận bên trong con nguời mình, rồi sẽ tin.
Niềm tin đây, có thể vẫn còn đó nhiều yếu điểm. Yếu điểm hoặc điểm rất yếu, vẫn nằm ở đặc trưng/đặc thù của nó. Nhưng, tin không là sự yếu kém trong biến-hoá đi từ ký-thác rồi sẽ đi đến nhận thức. Tin, không là lập trường/quan điểm của riêng ai, nhưng dù có yếu kém ở bên trong con người mình mà không bị bất cứ thứ gì lướt thắng nó. Niềm tin, ra như đón nhận điều gì khác biệt hơn là hiệu-quả tích-cực của chính mình. Yếu kém, là dấu ấn cùng con niêm của sự việc dám chấp nhận chịu để người khác đóng đinh mình vào thập giá còn lưu lại nơi người trỗi dậy, khỏi nỗi chết...” (xem Lm Kevin O’Shea, Phaolô vị thánh của mọi thời, www.thanhlinh.net  bài 10: Phaolô và một lần thất bại tại Athens 08/12/2012)

Nói đi thì lại nói lại, viết phiếm về đề tài đức tin và năm thánh đức tin thật không phải là chuyện dễ. Dễ đây, không là dễ đọc và dễ viết cho bằng dễ cho người đọc thuộc giới bình dân hiểu tận tường mọi lý lẽ trong đạo để tin. Chi bằng, ta cứ theo truyền thống phiếm, là: tìm đến những truyện kể tuy mang cung cách khá phiếm nhưng không phải chỉ là chuyện phiếm, rất lạ thường. Chỉ là những truyện kể để minh hoạ cho chủ đề ta đang phiếm, rất như sau:

            “Truyện rằng:
Hôm đó, người đi xe đò về tỉnh, đến trạm kiểm soát, xe dừng lại. Tức thời, từ các nơi đổ về rất nhiều em bé tay bưng dĩa trái cây rao bán, và lập tức diễn ra cuộc đối thoại bỏ túi, như sau:
-Mận ngọt đây!... Mía ghim đây!... Khóm Bến Lức đây!...
Bao nhiêu tiền bịch mận đấy?
-Dạ 2000.
Đây hỗng có tiền lẻ thì tính sao?
-Để con đổi cho dì!
Bóng dáng em bé bán hàng bỗng lao đi, rồi biết mất. năm phút, rồi mười phút trôi qua, mà chẳng thấy em bé quay lại…
-Trời! Cái đồ ranh mãnh! Nó cầm 5000 của tui rồi đi luôn… chết hông.
Xe đò sắp lăn bánh, bỗng bóng dáng người bán còn nhỏ tuổi quay về lại, dáng hớt hải:
-Dì ơi! Con gửi lại 3000 thối lại cho Dì đây. Con đợi hoài người ta mới đổi cho con đó!...”

            Truyện kể chỉ có thế, cũng về chuyện tin hay không tin nguời bán hàng rong người nhỏ bé, nhưng lòng dạ vẫn không nhỏ, một chữ tín. Còn, người mua lớn xác có tin hay không không vẫn là chuyện thường ngày, ở huyện.    
Chuyện thường ngày trong đời đi Đạo, cũng giống hệt như thế. Cha thày dù có nói: mọi người chúng ta đều được ân huệ rất cao cả để được tin. Tin, vào tình thương của Chúa. Tin, vào Nước Trời ở trần gian vẫn có tình tự thân thương giữa thành viên trong đó. Tin hay không, vẫn cứ là ân huệ, như bậc thánh hiền từng quả quyết, rất như sau:

            “Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu
mà chúng ta tin mình được cứu độ,
cùng một cách như họ."
            (Cv 15: 11)

Cũng thế, có bạn trẻ từ đâu đó mới trở về lại xứ miền mình đang sống, bèn dõng dạc tuyên bố: “Việt Nam mình bây giờ không có văn hoá, gì hết.”
Đã là tuyên bố hay tuyên xưng xuất từ cửa miệng của riêng ai, hay của cộng đoàn thân thương hiền từ, đều có thể đúng có thể sai. Tin hay không là chuyện khác. Bởi thế nên, bàn về niềm tin/với đức tin còn là bàn về những vấn đề khúc mắc, rất khó bề. Tin hay không, cũng còn tuỳ. Tuỳ anh, tuỳ em, tuỳ mọi người như câu hát ở trên ta dùng làm câu kết, rất ở dưới:

“Túp lều lý tưởng đó ta xây bằng duyên bằng tình,
Không ai mà yêu bằng mình,
Khi ta đứng nhìn một đàn con xinh.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Ở đây, bạn và tôi, ta vẫn cứ lai rai luận phiếm dài dài, có thơ và nhạc để bà con mình đọc cho vui qua ngày, đoạn tháng chứ đâu bắt mọi người tin.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn còn làm thế
rất nhiều ngày
trong đời.
             

No comments: