Saturday, 17 December 2011
“Và có tiếng ca âm vang"
“Và có tiếng ca âm vang,
“Muôn thiên thần hò reo, hân hoan câu bình an.”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – Quê Huơng Thượng Đế)
(Rm 12: 18)
Có “tiếng ca vang.” Hát “câu bình an”. Phải chăng đó là tinh thần của ngày Giáng Hạ “có mấy anh dân nghèo tới nghiêng nhìn trẻ thơ”? Hỏi đây, gồm cả câu trả lời gói gọn ở trong đó chứ?
Vừa rồi, bần đạo được hân hạnh dự buổi “Hát cho nhau” rất bỏ túi có chủ đề “Thương Hoài Ngàn Năm” ở Sydney hôm tháng 11/2011. Ở buổi này, nhiều hát sĩ đua nhau đăng ký hát bài “Quê Hương Thượng Đế” của các linh mục Thành Tâm, Sĩ Tín, Khởi Phụng, cùng sáng tác. Nhạc bản này, là nhạc Giáng Sinh, nhưng sao nhiều vị lại thích nghe và thích hát đến thế? Tìm về nguyên do, bần đạo nhặt nhạnh được đôi ba ý/lời tâm đắc, rất như sau:
-Có bạn quả quyết với bần đạo: “Thú thật với bác: Cháu chỉ thích nhạc của Thành Tâm thôi. Vì nhạc của ông Cha này: lời thì rất Đạo, tiết tấu và nhịp điệu lại na ná giống nhạc đời, rất hay…”:
-Một bạn khác, những bảo: “Đấy bác coi! Có loại nhạc đạo nào một lúc qui tụ 3 ông cha sáng tác mà lại là cha Dòng Chúa Cứu …Chuộc nổi tiếng mới là điều tuyệt diệu!”
-Một thính giả khá trọng tuổi đến thưởng thức buổi nhạc hôm ấy, có nói: “Tôi thì tôi thấy nhạc của Thành Tâm có cái gì đó nó bắt mình cứ nghe đi rồi nghe lại mà không biết chán. Nghe chán, xong rồi còn ngâm nga hát tiếp đoạn nào ăn ý nhất. Nhạc có hay, mới được thế chứ…!”
Nghe phản hồi, bần đạo bèn vào “Google” thử đánh chữ “Quê Hương Thượng Đế” để xem sao, thì bắt gặp giòng chữ mô tả loại nhạc ấy như sau: Thể loại: Nhạc trữ tình, chất lượng! Đây là loại nhạc trẻ “hip hop”, Rock. Ca đoàn nhà thờ, thì gọi đó là thánh ca và coi giòng nhạc của tác giả này như giòng chảy mượt mà, nhè nhẹ tuy nhiều lúc cũng hơi “giựt”. Nghe vậy, bần đạo bèn vào “youtube” nghe thử nhạc bản ấy, đã thấy ca từ như sau:
“Nửa đêm chốn hoang vu, Chúa ra đời
Đồi khô đá chơ vơ trời băng giá
Nhân gian, có tin vui phận bèo chốn quê nghèo:
Hãy đi tìm xem trẻ thơ…”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)
Nghe, là nghe như thế chứ nhìn thì nhìn ra sao? Thấy những gì?
Bần đạo, quả là chả bao giờ có được kinh nghiệm của bậc trưởng thượng thuộc trung tâm nghe nhìn thành thị, nhưng cũng lượm lặt được đôi ba chuyện về Giáng Sinh, nay gom lại để “phiếm”. Nay có yêu cầu, nên mời bạn và mời tôi, ta nghe qua vào ngày lễ lớn.
Thật ra thì, gọi là lượm lặt đôi ba ý tưởng ở đây đó, cũng chỉ là những “chuyện nhỏ” rất vụn vặt, để rồi bạn và tôi bỏ chút thì giờ mà thưởng lãm. Thưởng lãm, là thưởng thức một cách lịch lãm ý/lời chuyện Giáng sinh ở đời nhiều tình tiết. Nhiều tình tiết, cũng chan chứa tâm tình như vẫn được các bậc vị vọng ghi vào bộ nhớ để rồi vào một ngày đẹp trời nào đó có bổn đạo hỏi đến là “phán” ngay thôi.
Đấng bậc ở Sydney từng “phán” rất nhiều nhưng chả biết được bao nhiêu người, đặc biệt là người nhà Đạo giống giòng A-na-mít, biết đến. Thành thử, bần đạo nay xin làm chân thư ký, quảng diễn với quảng bá, vài ba ý. Trước hết, là ý của một người sống ở Sydney, đã từng hỏi:
“Dạo trước con có xem một cuốn phim nói về cuộc đời Chúa Cứu Thế, trong đó nữ tài tử thủ vai Đức Mẹ khi sinh ra Chúa, bà lại diễn tả cơn đau cồn chuyển cữ, thấy cũng lạ. Lâu nay, con vẫn được dạy: Đức Mẹ là thánh nữ đồng trinh, đâu nào biết đến đau đẻ bao giờ! Về chuyện này, Hội thánh mình có khuyên dạy điều gì chăng? Xin cho biết.”
Hễ có người kêu vời “xin cho biết”, là cha cố nhà mình bèn phán ngay lập tức. Không chậm trễ. Bởi thế nên, độc giả ở Úc và các vị nào còn thắc mắc chuyện Đức Mẹ “Đồng Trinh” sạch sẽ, hẳn cũng nên nghe những khẳng định của đấng bậc học giả xuất thân từ phân khoa Thần học của Havard, như sau:
“Theo Truyền thống Giáo hội, thì: Đức Maria là Thánh Nữ Đồng Trinh rất vẹn tuyền. Vẹn tuyền, là: trước khi Mẹ sanh Chúa Hài Đồng, đang lúc sanh hạ và cả sau khi sanh nữa, Mẹ vẫn Đồng Trinh tinh tuyền. Vì thế nên, Mẹ chẳng thể nào biết đau đẻ bao giờ hết, cả khi Mẹ sanh ra Chúa, cũng thế.
Và hơn nữa, Đức Mẹ Đồng Trinh Sạch Sẽ, là tín điều mà mọi người chúng ta đều phải tin. Ngay như Công Đồng Đại Kết Công-Stăng-Ti-Nô-Pô-Li nhóm vào năm 553 đã tặng Mẹ tước hiệu rất đúng là “Trọn Đời Đồng Trinh”. Tước hiệu ấy đã được Công Đồng Latêranô lặp lại lần nữa vào năm 649 và sau này chính Đức Giáo Hoàng Phaolô IV cũng nói đến hồi năm 1555. Trong quá khứ, điều này cũng được nhiều thánh Tổ phụ Hội thánh xác nhận và giáo huấn, trong đó có: thánh Ambrôsiô, thánh Giêrônimô, thánh Âu Tinh, thánh Êpiphanô, thánh Basil và nhiều thánh cả khác…
Lời tuyên xưng Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh khi sanh đẻ, có nghĩa là: sự toàn vẹn cơ thể của Mẹ không bị sụp đổ cả khi Mẹ sanh ra Chúa Cứu Thế. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từng nói rõ điểm này. Khi trích thuật lời ghi trong Hiến Chế rất Giáo điều mang tựa đề “Ánh Sáng Muôn Dân” rút từ bản văn chính thức của Công Đồng Vatican II, trong đó nói: “Niềm tin sâu sắc về tính đồng trinh của Mẹ đã đưa dẫn Hội thánh tuyên tín về sự đồng trinh đích thực và muôn đời của Mẹ, cả khi Mẹ sanh ra Con Chúa làm người. Quả thế, việc Chúa Giáng sinh ‘ vẫn không làm giảm đi tính đồng trinh trọn vẹn của Mẹ nhưng đã thánh hoá bản chất ấy.” (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 57, sách GLHTCG đoạn 499)
Mẹ vốn đồng trinh vẹn tuyền khi sanh Chúa, điều đó chứng tỏ Mẹ không biết đến đớn đau/sầu buồn gì hết. Việc này, sách Khởi Nguyên cũng đề cập đến sự khác biệt nơi bản chất của “Eva Mới”, chân Mẹ đạp đầu con rắn mà Eva khi xưa từng được Giavê Thiên Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." (STK 3: 16)
Sự trái nghịch giữa hai người nữ lớn lao đến độ không thể quan niệm rằng Eva mới là Mẹ Maria lại phải đớn đau khi sanh Chúa. Sách Phần La Mã, còn gọi là Giáo Lý Công Đồng Tri-đen-ti-nô cũng minh định lời Giavê nói với Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.” (STK 3: 16). Và Đức Maria được miễn chuẩn khỏi luật này vì, có như thế Mẹ mới bảo tồn tính đồng trinh trọn vẹn không tì vết nên mới sanh ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, như ta đã biết, Mẹ không hề từng trải kinh nghiệm đớn đau nào hết.” (Sách Phần La Mã đoạn #50)
Vào thế kỷ thứ IX, tác giả thần học là Haymo Halberstadt (năm 853) nói rất rõ, rằng: “Chính vì khi Mẹ cưu mang Con của Mẹ không vương vấn khoái lạc nào, nên khi sanh ra Chúa, Mẹ cũng chẳng thấy đớn đau chút nào.” (x. Chú Giải Sách Khải Huyền 3, #12; câu 117)
Dĩ nhiên ta bàn về sự hạ sinh rất lạ kỳ, vào lúc thánh sử đầy dẫy những chuyện lạ, cả ở Cựu Ước cũng như Tân Ước, mãi đến nay. Hệt như ta không có can đảm bảo rằng Sách thánh nói rõ việc này; nhưng tối thiểu cũng nên hiểu là Mẹ sanh ra Chúa mà chẳng hề biết đớn đau. Đặc biệt, Truyền thống Giáo hội luôn dạy ta biết rằng: Mẹ luôn là Đức Nữ Đồng Trinh rất vẹn tuyền, cả khi Mẹ sanh ra Chúa. Và, Hội thánh đã xác quyết chuyện này qua giáo huấn của thánh hội.
Các thánh Giáo phụ trong Hội thánh từng cắt nghĩa cho ta hiểu mầu nhiệm thánh thiêng này bằng cách dùng các ví dụ cụ thể như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp kính pha-lê trong suốt mà chẳng gây nên mảnh vỡ nào hết. Như, việc Chúa trỗi dậy khỏi mộ vắng bịt rất kín khó mà thoát khỏi nơi đó; về sau, Chúa lại đã hiện đến với môn đồ khi mọi cửa ngõ đều đóng kín, vv. Và, cuối thế kỷ thứ II, tác giả Tertulianô đã tóm tắt mọi chuyện như sau: “Đối với Mẹ là Đấng sanh ra Chúa Hài Đồng theo kiểu khác thường và mới mẻ thì Chúa phải được sanh ra cùng một kiểu mới mẻ như thế.” (x. Đức Kitô mặc lấy xác thịt loài người đoạn #17). Nói tóm lại, ta có thể gặp rất nhiều bản văn giống như thế trong Truyền Thống Hội thánh, thời tiên khởi.
Các thánh Giáo Phụ còn thấy nơi hình ảnh Chúa Giêsu sanh ra từ cung lòng Mẹ Đồng Trinh qua lời tiên tri Edêkiel khi nói về cửa Đền thờ (Êz 44: 2) và nơi bài ca Salômôn: “Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong.” (Dc 4: 12)
Nói tóm lại, Truyền thống Giáo hội vẫn nhất mực công nhận Mẹ không hề đau đớn khi sanh Chúa.” (x.Lm John Flader, Question Time, Connorcourt, 2008 tr. 13-14)
Nói theo đấng bậc ở Sydney, là nói theo cung cách rất bài bản, chính mạch. Kiểu, của Hội thánh. Nói, là nói rất công nhiên. Chắc nịch. Không sai chạy. Nhưng, vấn đề là: nói như thế vẫn như thể người của Giáo hội thời tiên tổ, chẳng mấy hấp dẫn người thời đại. Chỉ thuyết phục người đi Đạo có lòng Đạo, mà thôi.
Nói về Chúa Giáng sinh cho người thời đại. Hoặc, nói với giới trẻ ngày nay, chắc cũng nên nói sao cho mượt mà, êm ả như giòng nhạc trích ở trên. Nói ở trên đây, không là nói bằng lời cho bằng ý nhạc. Nói như thế, thì người nghe mãi thấy thấm vào người rất nhiều điều, như sau:
“Một đêm Chúa sinh ra, bên rìa làng,
Cỏ rơm giấu cơn gầy ngăn cơn gió.
Đêm khuya, giữa canh thâu, rạng ngời giữa đêm dài.
Ánh sao bình an đã lâu …”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)
Nói về Chúa sinh ra, đâu chỉ tà tà nói những điều mà các thánh Giáo phụ từng nói rất chuẩn về tính đồng trinh vẹn tuyền của Đức Mẹ. Nói về Giáng sinh cho người trẻ hôm nay, có lẽ nên nói về niềm vui xum vầy, ngày lễ hội. Về, tinh thần thương yêu giùm giúp “mấy anh dân nghèo nghiêng nhìn trẻ Thơ…” rất nên thơ. Nhiều nhạc tính.
Và, nói về Giáng sinh hôm nay, còn là nói về truyện kể cũng rất vui, êm, nhè nhẹ như câu truyện ở bên dưới:
“Một hôm, người sinh viên trẻ nọ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "Người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học trò.
Trên đường đi, hai người bắt gặp đôi giày cũ nằm ở giữa đường.Thầy trò đoán chừng đôi giày này là của nông dân nghèo nào đó đang làm việc ở cánh đồng gần đó, có lẽ ông đang chuẩn bị kết thúc một ngày quần quật của mình.
Người sinh viên quay sang nói với giáo sư: "Thầy à, hay ta thử trêu ghẹo người nông dân một chút, chắc sẽ vui. Nghĩa là: em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em ta cùng trốn đằng sau bụi cây kia xem thái độ ông ta ra sao khi không thấy đôi giày của mình."
Vị giáo sư nghe vậy bèn cản ngăn: "Khoan đã, anh bạn ạ, ta đừng bao giờ đem người nghèo ra mà trêu chọc mua vui cho bản thân mình. Bởi, em vốn là sinh viên con nhà khá giả, có thể tìm cho mình niềm vui nào khác lớn hơn nhiều qua nông dân này. Em hãy thử đặt đồng tiền cắc vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem ông phản ứng ra sao."
Người sinh viên làm theo lời thầy chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc, người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi để giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì thấy có vật gì cưng cứng bên trong, ông cúi xem đó là vật gì và thấy một đồng tiền. Nét kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông chăm chú nhìn đồng tiền cắc ở trong giày, lật qua lật lại hai mặt của đồng tiền rồi ngắm thật kỹ. Sau đó, ông đảo mắt nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy một ai. Bấy giờ ông bỏ đồng tiền cắc vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Nỗi ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông thấy đồng tiền cắc thứ hai bên trong chiếc giày khác. Cảm xúc tràn ngập lòng mình, người nông dân quì xuống, ngước mắt lên trời và đọc lớn tiếng lời cảm tạ chân thành của mình lên Thượng Đế. Ông bày tỏ sự cảm tạ bàn tay vô hình hào phóng đã đúng lúc đem mòn quà giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn do người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người vì xúc động, nước mắt giàn giụa chảy. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em thấy vui hơn lúc em có ý định em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên đáp: "Thưa thầy, đã dạy cho em một bài học đích đáng em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa đích thật của câu nói mà trước đây em không tài nào hiểu nổi: "Cho đi tốt hơn nhận vào!"
Truyện kể trên vẫn lao xao, gọn nhẹ, nhưng đầy ý nghĩa, nhân ngày lễ hội. Lễ hội, của những ân tình dành cho dân nghèo. Cho người thiếu thốn về nhiều cách hơn là chỉ vật chất. Truyện kể vào ngày lễ hội, phải là truyện vui rất nhộn, đầy ý nghĩa. Ý nghĩa ấy, đâu cần lý luận, biện giải. Chỉ cần vui. Vui, không vì ngoài cảnh những ồn ào, náo động. Nhưng, vui vì thấy được vào ngày của Chúa, rất Giáng sinh, bao giờ người người cũng nhận nhiều đặc sủng, từ Đức Chúa.
Đặc sủng Chúa ban, ngày lễ hội, vẫn được thánh nhân hiền lành, từng khẳng định ở nhiều thư, như sau:
“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau,
tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.
Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.
Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ.
Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo.
Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn.
Ai phân phát, thì phải chân thành.
Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm.
Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.”
(Rm 12: 6-8)
Đặc sủng hôm nay, phải chăng gọi được là “Quê Hương Thượng Đế”. Quê hương hôm nay, không chỉ là “chùm khế ngọt”, hoặc con đê hiền từ, anh từng bước vội. Quê hương Thượng đế hôm nay, vẫn là và phải là niềm vui bất tận có Chúa Giáng Hạ làm người, để ta vui. Vui vì được cứu. Vui, vì được vào chốn Nước Trời, rất nhân ái, êm đềm. Giùm giúp.
Vui, như như ý lời nhạc bản của nhóm bộ ba linh mục Dòng, lâu nay vẫn hát. Hát rất mạnh. Hát rất vui. Hát, những câu ca chừng như là:
“Và có mấy anh dân nghèo,
tới nghiêng nhìn trẻ thơ trong khăn đặt trên máng.
Và, có tiếng ca âm vang,
muôn thiên thần hò reo,
hân hoan câu bình an.”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)
Tiếng vang. Muôn thiên thần, hoà vang. Ngay ở đây. Bây giờ.
Trần Ngọc Mười Hai
Nay đã nhận ra rằng
Quê Hượng Thượng Đế
không chỉ là bài ca an hoà
ngày lễ hội rất Giáng sinh.
Những phải là lời ca ta vẫn hát
hết mọi ngày. Trong đời.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment