Saturday, 24 December 2011

“Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn”

Chuyện Phiếm đọc vào Lễ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa 01/01/2012

“Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn”
“Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm”
“Trên mùa lá xanh,
“ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm ”
 (Trịnh Công Sơn – Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)
(Mt 6: 5)
            Một lần nọ, có một bạn gọi điện về hỏi bần đạo: sao truyện phiếm của anh lúc nào cũng thấy trích cả thơ lẫn nhạc ngoài đời, như lời ru? Ru cho lắm, người đọc đi vào chốn ngủ vùi, rồi “thăng” cho mà xem. Nghe bảo thế, bần đạo đây chả dám thốt lên lời mà “thanh minh thanh nga” về đường lối vẫn rất phiếm. Khi về nhà, lục lọi bộ nhớ khá cũ kỹ để trả lời/trả vốn, bần đạo lại gặp được câu hát ru của nghệ sĩ họ Trịnh cứ văng vẳng bên tai:

                                    “Thôi ngủ đi em,
                                    mưa ru em ngủ,
                                    tay em kết nụ nuôi trọn một đời, nuôi một đời người.
                                    Mùa Xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi.”
                                    (Trịnh Công Sơn – bđd)

            Có ru hay không, thì người em mình đâu nào đi vào chốn dễ ngủ. Ngủ vùi, ngủ gục hoặc vẫn cứ “trắng con mắt đen”, nên người em mình đâu nào muốn nói chỉ một lời ru, như nghệ sĩ cứ hát:

                                    “Còn lời ru mãi,
                                    Vang vọng một trời.
                                    Mùa xanh lá vội, ru em miệt mài.
                                    Còn lời ru mãi, còn lời ru hoài,
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

            Hồi thập niên ’60, bần đạo nghe đài thấy có vị cứ hát đi hát lại mãi một lời ca rất dễ ru hồn người vào chốn ngủ vùi với ngủ gục ở nhà thờ mà nhiều đấng thánh rất ít thấy. Gật gù đồng ý ở nhà thờ, đâu có là động thái những ngủ vùi hay ngủ gục. Có gật gù đồng ý tí chút, cũng chỉ là động thái ngủ gà ngủ gật ít phút giây đến khi đức thày chấm dứt bài chia sẻ, sẽ tỉnh ngay thôi. Nói thế nghĩa là: dân con nhà Đạo ngồi nghe dức thày giảng giải dù rất hứng, vẫn thấy cái gì đó rất không ổn, nên mới như vậy.
            Sống Đạo chốn chợ đời, cũng có điệu ru cho dễ ngủ ở bài chia sẻ tuy không khô, nhưng sao đầu óc người nghe vẫn cứ “đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt”. Vì mỏi mệt, nên kịp khi tỉnh giấc điệp có lời ru nhẹ, đã thấy khác. Khác nhiều nên biết sợ, bèn thư về đức thày ở Sydney nhờ giải đáp nỗi thắc mắc xem như thế có là lỗi/tội gì không?
            Hỏi, là hỏi thế chứ đức thày nhà mình quyết nhận lời mà giảng giải những điều từng nói rất nhiều nhưng chưa thông. Vì người hỏi vẫn chưa thông, nên hôm nay đức thày lập lại những điều mình vẫn nói và nói chứ không ru, cho dù đó có là ru ngủ hay “ru em từng ngón xuân nồng” bằng những lời như sau:

“Câu hỏi của anh/chị, là một trong những thắc mắc mà nhiều người còn để trong đầu, dù từng có rất nhiều đấng bậc trả lời khá xuyên suốt. Theo tôi nghĩ, thì vấn đề anh/chị đặt ra rất dễ trở thành cố tật mà nhiều vị nay vuớng mắc. Gọi là cố tật, hay thói quen cứ bối rối về những lo ra, chia trí rất khó nghĩ. Lo ra, là thành phần có sẵn nơi bản chất con người. Gọi là lo ra hay chia trí, chỉ là những xao lãng/đãng trí như động thái dẫn vào tưởng tượng mang cho ta ý tưởng hoặc hình ảnh khác những gì ta đang tập trung, tìm kiếm.

            Là dân thường ngoài đời, chắc bạn và tôi, ta sẽ cứ là hay chạy đến với thi ca/âm nhạc mà hát và hò, để có bạn đạo nào đó lại sẽ cho rằng mình vẫn cứ lo ra, sa đà nhiều chia trí. Thật ra thì, có đãng trí lo ra hay không, cũng chỉ để thư giãn đôi phút mỗi khi nghe bài chia sẻ nào cao siêu, nhiệm màu nên mới chán. Thế nên, có bạn đạo lại phút chốc quay về với lời ca như bài ru ở dưới, hát rằng:   

                        Ru mãi ngàn năm, từng phiến môi mềm,
                        Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm.
                        Cho vừa nhớ nhung, có em dỗi hờn
nên mãi ru thêm ngàn năm.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

            Sợ có dỗi hờn ở đâu đó, nay bần đạo đây xin quay về với lời đáp của đức thày ở nhà Đạo rất Sydney lại phán tiếp:

“Càng lo ra/chia trí nhiều, ta càng bận rộn rất không ít. Bận đến độ, ta ít đi vào chuyện vãn với Chúa trong nguyện cầu hơn là khấu láo chuyện vãn huyên thuyên không dứt với bạn cùng sở hoặc với những giải khuây, ngay khi ngủ.

Việc trước tiên ta có thể làm được để ngăn chặn, là tự ra biện pháp kỷ luật cho những chuyện tưởng tượng đi ra ngoài mục tiêu cầu nguyện. Nếu cứ để nó chạy rông như ở chỗ không người mỗi khi ta làm việc hay nghỉ ngơi hoặc chuyện vãn với người nào, thì chuyện dễ thấy nhất là ta sẽ khó mà kiểm soát được nó trong lúc cầu nguyện. Chuyện này có nghĩa là, ta phải nỗ lực mà tập trung tư tuởng vào những gì mình đang làm mà quên đi những điều làm ta đãng trí. Một khi ta quên nó đi, thì chắc chắn nó sẽ bỏ đi, không quấy rầy nữa.

Ngược lại, nếu ta cứ để đầu óc đi đây đi đó mà lo ra chia trí mỗi khi nó xuất hiện, thì chẳng chóng thì chày ta sẽ mất đi hiệu năng/ý chí, lãng phí nghị lực và đầu óc sẽ bị sói mòn hoặc tản mác đi nơi khác. Chính vì thế, ta nên học cách tập trung đầu óc vào những điều mình đang làm và quên đi mọi đãng trí, với lo ra.

Kỷ luật tâm thần ta đạt được theo cách này sẽ giúp ta nhiều thứ, cả việc tập trung mà nguyện cầu nữa. Nói đến lo ra đãng trí khi cầu nguyện, là bao gồm nhiều hình thức cầu nguyện, trong đó có cả chuyện suy tư tụng niệm, lần chuỗi hạt Mân Côi, dự Tiệc Thánh Thể, hoặc đọc các bài sách thánh, lẫn tu đức…

Điều cần nhớ, là: lo ra và đãng trí tự nó không là tội. Mà là, thành phần của tình trạng sống nơi con người, tức hoa trái của óc tưởng tuợng. Chúng có thể làm cho ta bị phân hoá như dịch tễ như thể đàn nhặng cứ bay loanh quanh bên mình, vào mọi lúc. Thế nhưng, một khi ta không tình nguyện định cư nơi đó, thì cũng chẳng sao, cũng chẳng là tội. Cả khi đầu óc ta bị lôi kéo ra khỏi công việc mình đang làm, dù trong phút chốc có định cư nơi chia trí, nếu không ý thức hoặc tình nguyện, cũng chẳng là tội.

Nhưng nếu ta cứ để cho những chuyện lo ra/đãng trí nán lại dù trong chốc lát rồi chủ tâm mở cửa tâm hồn cho nó ngự trị, như đang lúc lần chuỗi Mân Côi mà lại tạt ngang chia trí, thì việc này thường dẫn đến tình trạng bất hoàn chỉnh, để vụt mất lòng mình yêu Chúa nhất thời, chứ chưa thành tội.

Những chuyện như thế, không cần thiết phải tỏ bày cho cha giải tội mà xưng thú. Bởi đó vẫn là tình trạng bình thường trong cuộc sống. Chỉ khi nào ta thích chí quyết ở lại với vụ việc lo ra rất thiện nguyện suốt thời gian dài, nghiêm chỉnh trong đời mình, như thời khắc sau khi rước Chúa vào lòng, thì đó có thể là tội. Cho nên, cách hay nhất để chống chọi lại lo ra chia trí là quên nó đi mà nhất mực tập trung vào chuyện nguyện cầu đang đang thực hiện mới được. Nếu nó cứ dai dẳng không dứt như thường thấy ở nhiều trường hợp, thì Chúa lòng lành biết là ta có cố gắng tập trung hướng về Ngài, thì Ngài vẫn vui lòng.

Thêm nữa, nếu đãng trí lo ra cứ kéo dài không dứt lại khiến ta nói điều buồn phiền đến Chúa, hậu quả của việc đầu óc mình lang thang đây đó một cách không có chủ đích khi cầu nguyện hoặc vào giờ lễ, thì hành xử này vẫn làm Chúa vui lòng. Thế có nghĩa là, lo ra chia trí vẫn có thể là cách thức để nên thánh. Bởi, nó đốc thúc ta dốc toàn lực ra mà chiến đấu trong cuộc sống thiêng liêng. Và, nội cái cố gắng của ta thôi, cũng sẽ làm Chúa vui lòng rồi.

Nếu chuyện chia trí xâm nhập lúc ta suy niệm nguyện cầu bắt ta cứ phải quan tâm đến những vụ việc quan trọng như đang có khó khăn trong việc giảng hoà với người nhà, thì cũng nên chuyển đề tài của kinh nguyện và cầu Chúa soi sáng để ta có thể giải quyết vấn đề đó, trong thành tựu. Thay vào đó, cũng có thể trao sự việc để Chúa lo và xin Ngài ban thêm cho mình nhiều ân huệ để giải quyết vấn đề, vào khi khác.

Những khi cầu nguyện theo hình thức khác như lần chuỗi hạt Mân Côi hoặc dự thánh lễ, cũng đừng nên lái đầu óc hoặc tư tưởng vào chuyện lo ra chia trí hoặc cứ tự hỏi sao mình hay lo ra đến như thế, rồi tự chuốc lấy phiền toái hoặc càm ràm, chẳng tới đâu. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo có đoạn viết:  Ngõ hầu đánh gục mọi chia trí/lo ra để mình không bị rơi vào bẫy cạm của nó. Cần nhất là hãy quay trở về với tâm can của mình, bởi lo ra chia trí chứng tỏ cho ta thấy rõ mình thường dính bén vào chuyện gì. Và, nếu biết khiêm nhu tự hạ trước mặt Chúa để ta tỉnh thức mà đặt tình thương yêu trọn vẹn vào nơi Ngài sẽ giúp ta dân trọn tâm can mình cho Chúa để Ngài thánh hoá biến nó trở nên tinh sạch. Nơi nào có sự phấn đấu mãnh liệt, nơi đó sẽ buộc ta phải có chọn lựa chỉ làm tôi vị chủ nào đáng để ta phục vụ, thôi.” (x. GLHTCG đoạn #2729)

            Với đức thày nhà Đạo rất chuyên nghiệp về chuyện đạo hạnh, ra như thế. Ra như thế, tức rất như là cung cách chính mạch của đấng bậc, ở trên cao. Còn, với dân thường ở huyện dưới, thì ra như thế cũng chưa hẳn là rất dễ để thi hành. Nói cách khác, với dân thường ở huyện nhà Đạo, thì chuyện đãng trí với lo ra nhiều lúc cũng không đơn giản như những chuyện ta bàn luận. 
            Đơn giản chuyện ở đời, là những chuyện người đời ở huyện dưới thường hay nói theo cung cách thơ văn, nhiều thực tế. Thực tế, như phương châm để đời, mà nhiều người còn nhớ đến. Nhớ, như vẫn tuởng và vẫn nhớ câu vè/câu thơ rất hạp vận mà người xưa thường nghe thấy, như:”Hãy nói cho tôi biết anh đọc sách nào, tôi sẽ cho anh/chị biết anh/chị là người thế nào”, tức là ai. Và rồi, từ lập trường đó, có người lại đổi thành câu tương tự:“Hãy cho tôi biết anh/chị thường hay lân la với loại thơ văn/âm nhạc nào, tôi sẽ bảo: anh/chị là ai, là người nào.”
            Là ai hay lai rai người nào, đâu nào liên can đến những lo ra và chia trí? Rất đúng thế, nhưng nếu bạn và tôi, ta áp dụng phuơng châm trên vào lối giữ đạo hoặc sinh hoạt ở nhà Đạo theo cung cách rất đời mà không Đạo, ta cũng sẽ chia trí với lo ra, thật không ít.
            Về lo ra và chia trí khi sinh hoạt trong lễ lạy ở nhà Đạo, bần đạo lại nhớ đến cung cách mà người thường ở huyện nhà Đạo nay thấy có nhiều nghi thức phụng vụ dù ở nhà thờ, vẫn mang tính rất đời, chứ không Đạo. Rất đời, là ở điểm: sinh hoạt tuy mang tính tế tự, tiệc thánh nhưng lại rất nặng phần trình diễn hơn là nguyện cầu trong lặng thinh, êm ả. Dù có lẽ và có thể, việc trình diễn ấy rõ ràng chỉ vụ hình thức chứ nào nâng lòng ta lên với Chúa. 
            Nói rõ hơn, thì nói như thế này: dù sinh hoạt tế lễ hay tiệc thánh mà sao nhiều người/nhiều vị cứ chủ trương “vụ hình thức” nhiều hơn nguyện cầu trong im ắng. Lặng thinh. Nói rõ hơn, là bảo rằng: nguyện cầu tập thể trong tiệc thánh không chỉ mỗi việc: kiệu rước linh đình, hay hoạt náo thánh kinh, ca và hát có trống có kèn lớn hơn lời ca và ý tứ, vv. Nguyện và cầu qua nghi thức phụng vụ, thật ra là cùng nguyện và cầu cho nhau không mang tính phô trương, đánh bóng, mà chỉ cốt nâng lòng mình về chốn suy tư, tụng niệm có Chúa, có anh em. Nói rõ hơn, là nói và bảo rằng phụng vụ thánh là phụng sự trong phục vụ có đấng thánh tập trung chung vui, nhưng không để trình diễn. Và, nói rõ hơn là hỏi rằng, khi cử hành phụng vụ, ta có phụng sự và phục vụ thánh hội trong nguyện cầu giùm giúp nâng lòng nhau lên với Chúa. Hay chỉ để phô trương chất giọng hoặc tài năng hiếm có, để người người trầm trồ, thích thú.
            Nói rõ hơn, là nói nhỏ, và nói ít, nhưng người nghe nói lại hiểu nhiều để ta kiểm định lại cung cách thực hiện phụng vụ Đạo Chúa, sau Công Đồng Vatican 2, hay không? Nói nhỏ và nói ít, để rồi ta tự suy đi và nghĩ lại xem đó có là vấn đề để vấn nạn cộng đoàn nhỏ của ta, ở đây. Bây giờ? Nói nhỏ và nói ít, nhưng hiểu nhiều để mỗi người ra soát lại xem cung cách ta phụng sự và phục vụ có gì là hình thức. Bề ngoài, chỉ để khoa trương, trình diễn rất kỳ khú?
            Nói ít nhưng hiểu nhiều, là nói theo cung cách của truyện kể, rất như sau:

                                    “Truyện rằng:
Thời buổi này, người trẻ và giới trẻ nói với nhau không bằng ngôn ngữ của người thường, theo cách thức thông thường của thường dân ở huyện làng như khi trước. Nhưng truyền thông/đối thoại giữa người trẻ hôm nay, lại đã ra như thế vầy. Như chàng và nàng, thay vì nói to nói nhỏ, lại chỉ gửi cho nhau những thông điệp/lời nhắn rất vắn tắt rằng:
-Anh yêu của em ơi. Anh đang làm gì đó? Nếu đang ngủ, thì xin anh gửi cho em toàn bộ giấc mộng đẹp của anh đi.Anh yêu ơi. Nếu anh đang cười, thì anh hãy gửi đến cho em nụ cười nhẹ, rất mỉm chi được hay không?Anh yêu ơi, nếu anh đang khóc thì anh cứ gửi cho em những giọt nước mắt ngà, để em cũng cùng khóc với anh, cho vui…
-Ấy ấy. Anh chẳng khóc, chẳng cười, cũng chẳng ngủ gà ngủ gật gì đâu. Chả là, anh đang ở nhà thờ cầu kinh. Thế, em có muốn anh gửi qua di động cho em cả chuỗi hạt Mân Côi những 5 sự thương, hay sự mừng. Thôi đừng gửi lời nhắn cho anh nữa làm gì, để anh còn tập trung suy nghĩ về năm sự vui, nhé em!”

            Năm sự Vui, sự Thương hay sự Mừng, cũng đều là ngắm đều đọc rất nhiều kinh. Người trẻ ở trên dù đang đọc những kinh rất “Kính Mừng” nhưng nào đã chắc gì là mình đang nguyện cầu, cùng Chúa. Và, với Chúa. Bởi, nguyện và cầu, đâu phải chỉ có nhắn hoặc có ngắm rất nhiều sự, như: Vui, Thương, Mừng, Sáng. Nguyện cầu khá đích thực là nguyện và cầu như thánh nhân hiền lành ở nhà Đạo từng nhắn nhủ. Như sau:

“Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả lại cho anh.”
(Mt 6: 5) 

            Như thế thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ nghe đấng thánh hiền nhà Đạo chỉ dẫn lẫn khuyên nhủ. Để, có được cung cách tập trung suy tư, nguyện cầu không sao lãng. Đãng trí. Như vẫn nhất mực làm đẹp lòng Chúa. Đẹp lòng, hết mọi người.              

            Trần Ngọc Mười Hai
            xin đuợc nhủ mình và nhủ người
những lời khuyên của thánh nhân
rất hôm trước.

No comments: