Friday, 9 September 2011

Đừng lừa dối nhau


“Ðừng, lừa dối nhau”
“Ðừng nói "yêu",  khi ta gần nhau”
“Ðừng, lừa dối nhau”
“Vì biết đâu, tin nơi tình yêu…”
(Y Vân – Đừng Lừa Dối Nhau)
(Mc 10: 21-22)
            Có những chữ “Đừng!”, mà khi đã nói ra hay nói vào, thì chính người nói lại vẫn cứ mừng. Mừng, là vì nói thì nói thế, chứ nhiều lúc người nói vẫn bảo và vẫn hát bằng câu ca: “Anh cứ hẹn nhưng xin anh “đừng” đến nhé!”. Bảo và hát như thế, thì có ma nào hiểu nổi? Và, ai mà theo được?
            Thẳng thừng ra, thì bà con anh em mình chỉ hiểu chữ “đừng” là “chớ nên”, mà thôi. Chứ, làm sao hiểu nổi “lời hay ý đẹp” cũng rất “đừng”, như giòng nhạc của nghệ sĩ, có ca từ như sau:

                                    “Hãy, giữ lấy hồn ta
Ðừng cho ước mơ, gọi lòng say sưa
Thấy, khi đôi vai kề
Chắc đâu duyên thề, mà mơ.”
(Y Vân – bđd)

            Ấy đó là chuyện đời người chỉ xảy đến, ở cuộc đời. Còn chuyện trong/ngoài nhà Đạo lại sẽ thấy khác. Khác ở điểm, là: nhà Đạo mình nói “một là một, hai là hai”, như những câu khuyên đầy tính chất giáo dục, như sau:

                        “Đừng để nhìn thấy nụ cười của ai đó rồi mới cười mỉm lại.
                        Đừng đợi đến khi được yêu thương mới thương yêu lại.
                        Đừng đợi đến khi cô đơn mới nhận ra giá trị của tin nhắn.
                        Đừng đợi đến khi có một công việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu làm việc.
                        Đừng để đến khi mình sở hữu thật nhiều, rồi mới san sẻ đôi chút.
                        Đừng đợi đến khi làm người khác sầu buồn, rồi mới đi xin lỗi.
Đừng hạ thấp giá trị của mình bằng những so sánh chính mình với người khác. Bởi mỗi người là một nhân vị khác biệt, có giá trị rất khác nhau.
Đừng mải mê đeo đuổi mục tiêu nào mà người khác cho là quan trọng, vì chỉ chính mình mới hiểu rõ các mục tiêu là tốt cho mình.
Đừng ngần ngại học hỏi. Bởi kiến thức là tài sản vô hình luôn là hành trang vô giá theo mình suốt cuộc đời.
Đừng ngại mạo hiểm để làm điều tốt vì ít nhất bạn cũng học được cách sống dũng cảm, qua mạo hiểm.
Đừng phí phạm thì giờ hoặc lời nói thiếu suy nghĩ, vì cả hai thứ qua đi, đều không thể lấy lại được…” (trích điện thư một bạn vừa gửi đến, như bươm bướm)

            Chẳng biết là, người nghệ sĩ viết giòng nhạc đầy những thơ luôn có câu: “Đừng, lừa dối nhau”, phải chăng ông đã thực sự nghe theo lời dặn của bạn đạo ở trên không? Duy có điều chắc, là: nghệ sĩ nay đã lặp đi lặp lại những tiếng “Đừng”, từng nghe quen:

                                    “Đừng lừa dối nhau,
để xót xa trăng thanh ngày xưa.
                                    Đừng lừa dối nhau,
để tiếc thương, mang trong lòng ta.
                                    Nếu, đã biết tình yêu,
một người bước đi, một người mag theo.
                                    Hối tiếc bao nhiêu lời,
                                    đã trao cho người, mình yêu.”
                                    (Y Vân – bđd)

            Sự thật, mất lòng. Ngôn từ nhà Đạo khi xưa cũng mang nhiều ý nghĩa cũng tiêu cực như: “đừng có”, hoặc: “chớ nên” như chuyện hỏi/đáp giữa cố đạo và con dân ở xứ họ nọ, có lời hỏi/đáp rất như sau:

“Câu hôm nay con muốn hỏi Cha là: người giáo dân mà làm đám cưới “ngoài nhà thờ” với người nào đã ly dị rồi, vậy thì người đó có được rước Mình Thánh Chúa không? Con cũng biết là, phía người ly dị thì không thể; nhưng, còn người kia chưa từng lập gia đình với ai bao giờ, thì sao? Lý do khiến con đưa ra câu hỏi này, là bản thân con cũng biết nhiều vị vẫn lên rước Mình Chúa như thường, đượng nhiên là cha xứ cũng thừa biết chuyện này.

                        Đấng bậc nhà Đạo hôm nay nghe hỏi, sẽ lại trích dẫn giáo luật và/hoặc luân lý như mọi khi. Có trích dẫn gì đi nữa, cũng là để giúp giáo dân sống “tốt Đạo đẹp đời”, như thực tế cuộc đời vẫn có những sự kiện rất “tréo cẳng ngỗng” như đức ngài đề cập, rất sau đây:

“Vấn đề này làm tôi nhớ đến tình hình của Thượng Hội Đồng Giám Mục gặp gỡ ở Rôma vào tháng 10 năm 2005 để bàn về Tiệc Thánh Thể, hôm đó Đức Hồng Y Lopex Trujillo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Gia đình, đã minh định với Thượng Hội Đồng rằng: quan điểm của Hội thánh về vấn đề này, vẫn không đổi. Ai cũng biết, ước vọng của các vị làm mục vụ là vẫn muốn giúp bà con đi Đạo trong vấn đề này, nhưng giải pháp nào cũng phải theo đúng với Giáo huấn của Đức Kitô và Hội thánh của Ngài.

Chính Chúa từng nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."(Mc 10: 11-12). Ngay từ đầu, Hội thánh vẫn vâng lời Đấng Sáng Lập rất thánh của mình là không cho phép dân con trong Đạo được ly dị hoặc làm đám cưới một lần nữa, trong nhà thờ. Xem như thế, thì những ai làm đám cưới “ngoài nhà thờ” đều bị coi là đang sống trong tình trạng rất “rối” không thể ngang nhiên rước Mình Chúa đuợc. Điều này áp dụng cho cả những người trước đây đã ly dị một lần và cả cho phối ngẫu của người ấy nữa.

Không phải Hội thánh muốn làm khó trong việc này. Chính Chúa đã dạy Hội thánh điều này và Hội thánh buộc phải trung tín với lời dạy của Ngài. Lời Chúa dạy quyết chủ trương không được phép có sự rạn nứt trong hôn nhân và trong việc thánh hoá hôn phối. Đó cũng là điều khá hệ trọng trong cuộc sống của Hội thánh và xã hội nữa. Và, Hội thánh chẳng muốn áp đặt điều gì lên người phối ngẫu, hết. Bởi, cuối cùng ra, thì cũng chính họ là những người có tự do chọn lựa. Tự do dấn bước vào cảnh tình trong đó họ thấy mình không thể ngang nhiên lên rước Chúa mà không có phép chuẩn của Hội thánh.

Dù họ không phép rước Mình Chúa, Hội thánh với tư cách là mẹ hiền vẫn mở rộng tay chào đón đàn con mình về với các sinh hoạt khác, như: tham dự Thánh lễ thường xuyên, cầu nguyện, đọc sách thánh, tham gia công tác từ thiện, bác ái hoặc một sinh hoạt nào khác trong giáo xứ. Bởi lẽ, cả hai người lẫn cộng đoàn Nước Trời đều hy vọng đợi đến khi nào hai người được chuẩn thuận để nhận đón Mình Thánh Chúa sau khi Toà án Giáo hội đã tuyên bố huỷ bỏ hôn nhân nào, có vào lúc trước. Nhờ vậy, họ mới quyết định sống với nhau như bạn hoặc chờ cho người phối ngẫu kia qua đời, mới thôi.

Mặt khác, mọi người cũng không nên xét đoán điều gì. Chỉ mỗi linh mục mới có quyền cho phép hai người, trong hoàn cảnh này, được rước Chúa, mà thôi. Có thể là, vị linh mục ấy không am tường tình trạng hôn phối của hai người, trước đó. Hoặc có thể là, ngài cũng biết rõ cảnh tình của hai người nay đã đổi thay theo chiều hướng vừa kể, để rồi cả hai đều có thể rước Chúa vào lòng.

Dĩ nhiên, điều mà các linh mục không được phép làm, là: bịt mắt che tai chẳng ngó ngàng gì đến tình cảnh vốn đưa hai người đến chỗ lầm lẫn với giáo huấn của Hội thánh về tính bất khả phân ly, của hôn nhân, như thư luân lưu của chủ tịch Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin lúc ấy là Hồng Y Joseph Ratzinger gửi đến các giám mục trong Hội thánh, ngày 14 tháng 9 năm 1994, với lời lẽ như sau: “Thành viên nào trong cộng đoàn kẻ tin từng chung sống với nhau theo kiểu vợ chồng với người chưa có đám cưới chính đáng thì không thể rước Mình Thánh Chúa được. Dù họ nghĩ rằng mình được phép làm việc đó, thì khi ấy vị mục tử và đấng giải tội phải cắt nghĩa tính cách nghiêm trọng của vấn đề, để rồi có lời giảng giải tốt lành về đàng thiêng liêng cho cả hai.” (1 Cr 11: 27-29) Cũng thế, vì sự tốt lành của Hội thánh, vị mục tử ấy có trách nhiệm rất nghiêm túc là  phải nhắc nhở cho hai người biết rằng nghĩ tưởng như thế là đi ngược lại giáo huấn của Hội thánh.” (x. Lm John Flader, Question Time, Connorcourt Publishinh 2008, tr. 128-129)

            Nói như đấng bậc nhà Đạo vừa trích dẫn ở trên, cũng là nói chữ “đừng” rất thẳng thừng. Mạnh bạo và bài bản. Bài và bản, ở chỗ: “chớ nên làm” và “đừng làm” những gì mà giáo huấn Hội thánh không cho phép. Nên chăng, những luật lệ gồm nhiều chữ “đừng” và “chớ” vẫn lạc lõng ở xã hội hiện giờ? Những luật và lệ xa lạ với người trẻ, tựa hồ như chia rẽ dân con mọi người, khiến ai nấy đều sợ sệt, chỉ nhắm thực hiện điều tiêu cực, mà thôi? 
            Nói chữ “đừng” như thế, là kể thêm một loại hình như “kinh cầu (đầy những) chữ”, với tiếng “đừng” và “đừng”, rất nên mừng còn thêm:                    

“-Đừng quên hy vọng, bởi niềm hy vọng mang lại cho bạn sức mạnh để tồn tại, khi bạn bị bỏ rơi.
-Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân, chỉ cần tin mình có thể làm được. Và khi đó, mình có lý do để thực hiện những chuyện đó.
-Đừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hoặc thất bại. Bởi, chính tâm hồn mỗi người mới xác định được mức độ “giàu sang” của cuộc sống.
-Đừng để khó khăn đánh gục mình, vì đó là niềm hạnh phúc nhất của riêng mình.
-Đừng chờ đợi những gì mình mong muốn, nhưng hãy tìm kiếm chúng.
-Đừng chối từ nếu mình còn có gì để cho người khác.
-Đừng ngại ngần thừa nhận rằng mình vẫn chưa trọn hảo.
-Đừng ngại đối mặt với thử thách. Chi khi thử sức, mới học được tính can đảm.
-Đừng đóng cửa con tim và cản trở tình yêu thương đến với mình chỉ vì chính mình nghĩ rằng không tìm ra được nó. Cách mau chóng nhất để nhận được tình thương là cho đi. Cách nhanh nhất để mình mất đi tình thương là giữ chặt nó, cho riêng mình. Hãy cho nó đôi cánh để tự bay đi, mỗi khi cần.
-Đừng đi quá nhanh trong sự sống để quên mất là mình đang ở nơi nào; thậm chí, quên rằng mình đang đi trên con đường của hạnh phúc.
-Đừng để quên nhu cầu cảm xúc cao của mỗi người là có được sự tôn trọng.
-Đừng ngại học hỏi. Kiến thức không có giới tuyến. Kiến thức là kho báu ta có thể mang theo, vào mọi lúc.
-Đừng sử dụng thời gian hay ngôn từ bất cẩn, vì hai thứ ấy, không thể lấy lại.    
-Đừng bao giờ cho mình đã thất bại khi mọi kế hoạch cũng như giấc mộng của mình bị sụp đổ. Bởi, biết thêm điều mới mẻ chính đó là lúc mình đã tiến bộ rồi.
-Đừng quên cười mỉm trong cuộc sống.
Đừng ngại tìm người bạn đích thực. Bạn bè là điều cần thiết trong cuộc sống.
Cuối cùng, đừng quên ơn những người đã trao tặng mình cuộc sống hôm nay kèm theo tất cả những gì mình cần có. Bởi, con cháu đời sau sẽ coi mình như gương lành cho chúng…” (trích điện thư bạn bè vừa gửi, mới đây thôi).

            Đừng gì thì đừng. Có “đừng” cho lắm, cũng bấy nhiêu thôi. Bởi, cuối cùng ra, chớ có ngừng lại khi đã cảm thấy thoải mái trong yêu thương. Nâng đỡ. Giùm giúp lẫn nhau. Bởi, Đấng Nhân Hiền Chí Ái vẫn nói nhiều, khuyên nhiều chữ “Hãy” hơn là từ ngữ “Đừng”, ở Tin Mừng. Như sau:

                                    “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh thanh niên 
và đem lòng yêu mến.
Người bảo anh ta:
"Anh chỉ thiếu có một điều,
hãy đi bán những gì anh có
mà cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi hãy đến theo tôi."
(Mc 10: 21-22)

            Ngoài nhà Đạo, nghệ sĩ đời cũng nhấn mạnh đến ca từ chứa chan hy vọng ở câu điệp khúc:

                                    “Nhưng, tình yêu ngờ đâu
                                    là mây theo gió đưa.
                                    Nên, nhiều khi mộng mơ
                                    làm quên bao xót xa.
                                    Ngày đến, bao mặn mà
                                    Ngày bước đi hững hờ
                                    vì trót yêu, nên đành
                                    Người quên vẫn quên
                                    Người thương vẫn thương…”
                                    (Y Vân – bđd)
           
Bởi thế nên, một khi bạn và tôi ta thực hiện được chữ “Hãy” ở trên, thì cuộc sống của tôi và của bạn, sẽ không còn gì để kèm thêm chữ “đừng” vào cuộc sống nữa. Thế đó, là đề nghị của bần đạo cũng như bạn đạo, rất hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai
cũng có những đề nghị
rất nho nhỏ.
Trong cuộc đời.



           

           
 

No comments: