Saturday, 17 September 2011

“Anh ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời “



“20 năm đầu, sung sướng không bao lâu”
(Y Vân – 60 năm cuộc đời)
            (Lc 23: 34)
            Có những điều, mà người người sống ở đời vẫn thường hỏi. Và, cũng nhắn. Những nhắn hỏi, như lời ca nghệ sĩ lâu nay vẫn hát, rất ở trên. Có những câu nhắn, mà người người sống mọi nơi, mọi thời, vẫn chẳng thấy trả lời, mà chỉ trả lỗ. Rất khôn nguôi. Nhắn hỏi đây, vẫn tràn đầy ở truyền thông đại chúng có thơ văn kể về tình huống ở đời người, gay go lấn cấn đến khó tả.  
            Truyền thông đại chúng, nay có lời nhủ/nhắn khá gay cấn như ca từ nghệ sĩ vẫn thường hát:
                                    “20 năm sau, sầu vương cao vời vợi,
20 năm cuối là bao.
Ơ là thế! đời sống không được bao
Ơ là bao! đời không lâu là thế…”
 (Y Vân – bđd)
            Vâng. Hỏi hoặc nhắn với người đời, thường như thế. Tức, những nhắn và hỏi khiến người người thốt lên lời than thật: “hết biết”! Hết biết đây, là: không còn biết trả lời/trả vốn sao cho phải đạo như báo đài/truyền thông đặt ra, sau vụ nội loạn ở Luân Đôn, tháng tám năm hai nghìn lẻ mười một.
“Hết biết”!, còn có nghĩa: chẳng biết đám trẻ ấy có như nghệ sĩ trên, dám hát lời ca vang rằng: “20 năm đầu, sung sướng không bao lâu! 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi! 20 năm cuối là bao!” Xem thế thì, có bảo là “hết biết” hay chẳng dám biết, đều có nghĩa là: 60 năm cuộc đời, dù sướng/khổ, vẫn cứ “rung đùi” mà hát: “Ớ là bao! không lâu là thế!”. : Ớ là thế! đời sống không được bao”, tức chẳng dám tự hào nói được mình sẽ sống dai/sống thọ để còn biết. Và, biết rất rõ cuộc đời người.
            Hôm nay, khi nói “hết biết!”, là còn nhận rằng: mình chẳng biết phản ứng ra sao khi thấy đám trẻ cứ chán đời, rồi quậy phá đến …hết biết. Thật ra, thì bần đạo cũng chẳng biết đích xác lẽ tại sao tuổi trẻ nay hung hăng/bốc đồng khiến các đấng bậc vị vọng ở nhiều nơi, đã phải phản ứng như bên dưới:
Phản ứng trước nhất, là ý kiến của tác giả Joanna Bogle trong một bài viết có tựa đề: “Tuổi trẻ không cha, nay đập phá”, trong đó người viết đưa ra câu hỏi, rằng: “Vụ hỗn loạn/xục xạo ở Luân Đôn tuần rồi, liệu có thuyết phục được những ai lâu nay nghi ngờ là: cấu trúc gia đình nay đã trở thành vấn đề khúc mắc thời đại đối với đám đông quần chúng, không?” Hỏi rồi, tác giả đã đưa ra ý kiến của mình để  mọi người bàn luận. Ý của cô, như sau:

“Sự thể là, chuyện gia đình đổ vỡ hôm nay đã lan tràn ở đây đó đến mức độ đáng báo động, khiến người người thấy ngán ngẫm khi nhận ra rằng: mới thập niên ‘60 đến nay thôi, mà các trẻ xuất thân từ gia đình có bố mẹ chung sống với nhau chẳng cần cưới hỏi, đã từ 5% lên đến hơn 40%. Trong khi đó, con cái của bậc cha mẹ tuy sống cùng nhà nhưng tương quan gãy đổ, có tỷ lệ cao hơn gia đình có cưới hỏi đàng hoàng.

Các khảo sát chính thức do Bristol Community Family Trust và Trung Tâm Công Bằng Xã Hội thực hiện vào năm 2010, đã cho thấy rõ: có đến 50% số trẻ em ra đời ở Anh lâu nay chịu cảnh gia đình đổ vỡ, thường xảy đến trước khi các em bước vào tuổi 16. Một số quận bên Anh, nay thấy có hơn 50% bậc cha mẹ đơn lẻ lại đã và đang làm chủ gia đình. Thế nên, vụ náo bạo tuần rồi khiến nhiều người đau lòng xót ruột khi được biết có người gọi về cơ quan chức năng với mục đích đổ vấy mọi lỗi lầm là do bậc cha mẹ giáo dục con cái không nghiêm túc, chẳng đúng mức. Qua vụ việc tuần rồi, ta nhận ra rằng: ít có trường hợp nào cho thấy đám trẻ ấy lại xuất thân từ gia đình có cha có mẹ đầy đủ.

Những tháng ngày gần đây, ta thấy một số trẻ phạm pháp có mẹ cô đơn sống chung cùng phòng với bạn trai của bà. Chẳng cần bàn chi cho nhiều, ai cũng hiểu rằng: nhiều trường hợp cho thấy sở dĩ đám trẻ nay làm bậy là do ảnh hưởng từ truyền thông/báo chí, truyền hình, phim tập, hoặc văn hoá nhạc giựt, và nhiều thứ. Rõ ràng, giá trị cổ xưa như: gia đình đạo hạnh có cưới hỏi đàng hoàng, sự thủy chung, siêng chăm, tận tuỵ và tính sẻ san tốt lành của gia đình, nay bị đẩy lùi khỏi cuộc sống hiện tại.

Muốn cho xã hội được lành mạnh trở lại, có lẽ ta cũng nên khởi đầu bằng việc chấp nhận thay đổi chính sách xã hội, ở mọi giới. Tựa hồ như, khi ta nghe ai đó chủ trương phá bỏ những gì tốt lành do hôn nhân/gia đình đem đến. Thêm vào đó, là những người cứ chê bai chuyện cần đặt nặng tình phụ tử, cũng như sự hiện diện của người cha, trong gia đình. Tất cả, là chuyện cần thiết không thể lơ là, hoặc bỏ qua. Có vị lâu nay chủ trương điều tiêu cực, sau khi đã phá bỏ mọi sự tốt lành rồi, thì có nói lời “xin lỗi” cách mấy đi nữa, mà không chấp nhận tu chỉnh thực chất của mọi việc, thì chẳng ai dám nhận lời “xin lỗi” ấy cả.

Thay vào đó, hãy thăng tiến hôn nhân sao cho đôi nam nữ sống với nhau càng lâu càng tốt. Hãy yểm trợ vị nào chủ trương đường hướng giáo dục đúng đắn cho xã hội. Hãy cho phép nhà trường thi hành kỷ luật đối với học sinh cá biệt. Có như thế, thì quần thể xã hội mới đạt kết quả khả quan. Hãy kiến tạo cuộc sống mẫu gương của người đàn ông/thanh niên tiêu biểu và thường xuyên có mặt với nhóm trẻ để sinh hoạt một cách tích cực. Hãy khuyến khích người trẻ thực thi công trình nào khả dĩ tạo nền tảng vững chãi cho xã hội. Hãy hỗ trợ người phục vụ chòm xóm cho tốt đẹp. Hãy lập lại kỷ luật trong xã hội, để tình bằng hữu thân thương về lại với đoàn thể sắc tộc nào chủ trương đề cao giá trị đạo đức, ý thức lịch sử. Hỗ trợ đoàn thể nào đặt nặng tính cộng đồng truyền thống lên trên mọi sự. Có như thế, thì nền văn hoá sắc tộc mới có cơ hội phát triển.

Đó là chính sách nhắm vào quần chúng. Là, chính sách nền tảng đặt ra cho cộng đồng dùng nó để có được sinh hoạt thật tích cực. Có làm thế, thì xã hội cộng đồng mới sống thuận thảo với chòm xóm. Và từ đó, cộng đồng mới triển khai được điều tốt lành cho xã hội mình đang sống. Cũng nên coi vụ hỗn loạn ở Luân Đôn hôm rồi, là tiếng chuông cảnh tỉnh để mọi người có quyết tâm mà đổi thay tận gốc chính sách cũ xưa/tồi tệ đang bám rễ trong cộng đồng mình. Hãy thay đổi cho thật rộng, để nhờ đó hy vọng rằng mình có đủ tài năng/nhân vật lực để đặt nền tảng vững chãi cho cuộc sống xã hội. Có thay đổi như thế, mới hy vọng vào tương lai tươi sáng cho xã hội mình đang sống. Hãy dũng cảm thiết lập chính sách thay đổi ấy một cách cương quyết, nhờ đó sẽ nắm chắc thành công.

Thủ tướng Anh, ông David Cameron và thủ lãnh đảng Lao Động Anh, là ông Ed Miliband đều nói đến trách nhiệm của bậc cha mẹ. Đó là vấn đề mọi người cần bận tâm, bàn luận. Vấn đề này, biên tập viên đài BBC Luân Đôn, ông Nick Robinson, cũng đồng ý nói: “Cái giá phải trả sẽ lớn lao biết là chừng nào. Giả như các nhà chính trị thuyết phục được cử tri mình rằng: sự việc xảy ra hôm tuần rồi đã cho thấy rằng: họ không là người bất lực, hoặc thụ động.” (x. Joanna Bogle, Fatherless youths run riot, www.mercatorNet 16/8/2011)            

            Nói theo kiểu truyền thông, là để truyền cho thông. Nhưng nói thì nói thế, chắc gì thuyết phục được người đọc ở các nơi. Chí ít, là những người sống ở thị thành bên Anh từng kinh khiếp khi thấy xã hội nay thay đổi đến rợn người.
Nói thì vẫn nói, nhưng hãy lắng nghe phản ứng/phản hồi của người dõi theo truyền thông/báo chí và từng có những bài báo, giống như trên. Cũng nên lắng nghe dư luận cùng phản ứng của người dân đen trước biến cố náo loạn xảy đến như sau:

“Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến chuyện náo loạn/hôi của tuần vừa rồi, là do thái độ của thanh/thiếu niên sống thiếu kỷ luật ở nhà mình cũng như ở trường học. Điều các em cần làm, là: học biết thế nào là kỷ luật sắt vẫn có trong quân đội. Ở đó, người trẻ có cơ hội được thử lửa bằng thứ đồ chơi của giới trẻ. Ở nơi đó, họ học được cách sử dụng và biết cẩn thận với súng đạn và lúc nào cũng có người kiểm soát và hướng dẫn cho đúng cách. Ở nơi đó, họ cũng sẽ được học lái xe vận tải hoặc xe tăng/thiết giáp để tự biến mình thành người của băng đảng lớn nhất nước. Đó là những gì mà đám nam thanh nữ tú sẽ thấy thích thú và nên làm.

Nếu áp dụng nghĩa vụ quân sự cho đám trẻ chuyên quậy phá ấy, mọi người sẽ nhận ra sự khác biệt xảy đến với lũ trẻ chỉ sau 6 tuần khổ luyện, thôi. Và từ đó, thay vì trở thành đám trẻ hoang tàng quậy phá, bọn họ sẽ tự hào với mọi đổi thay nơi chính mình. Bọn họ sẽ không còn để lãng phí thì giờ nữa, nhưng sẽ tìm ra căn cước mới của mình. Và khi ấy, họ biết lo cho bản thân họ, vì học được những điều mình cần học, ngõ hầu giúp ích cho đời sống của mình trước khi nghĩ đến chuyện vị kỷ. Khinh suất.” (x. Stirling8, bđd)

            Và, thêm một phản hồi khác từ nữ độc giả ở Úc, cô Susan Reibel Moore, như sau:
           
“Bản thân tôi, nay muốn nói lời cảm tạ Joanna Bogle, vì thấy mình cũng đã mệt mỏi. Nhớ lại, khi con cái tôi đến tuổi niên thiếu, chúng tôi đã chuyển về khu căn cứ quân sự gần Sydney, khu có các cựu chiến binh thế chiến 2 sinh sống. Lúc ấy, tôi thấy đám trẻ quậy phá nhất là lũ cô nhi hoặc những trẻ có người cha bị bệnh tâm thần sau chiến tranh, nên đã khiếm khuyết trách nhiệm trông nom con cái, cho đàng hoàng.

Ở trường, tôi mục kích thấy 2 đứa trong đám trẻ, từng nổi khùng đốt công viên cây xanh trong vùng nữa. Bản thân tôi, hồi còn là thiếu nữ tuổi mới lớn, sống trong hoàn cảnh khá khiêm tốn ở Elizabeth, bang New Jersey Hoa Kỳ, tôi chẳng có bạn nào thiếu vắng tình phụ tử cả. Vì được nuôi dưỡng/giáo dục từ một gia đình đông con gốc Do thái sống với các ông bố rất biết điều, công minh chính trực và các bà mẹ chuyên chăm làm lụng, bà nào cũng được con tôn trọng. Con cái, đứa nào cũng có hiếu và biết nghe lời người lớn.

Tình trạng hỗn loạn hiện thời ở Anh và ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều người thấy xấu hổ vì cuộc sống gia đình nay vỡ đổ trầm trọng. Ở nhiều nơi, những người lại hiểu về hôn nhân không đúng cách. Nên, mỗi khi nhìn cảnh tượng đau buồn xảy ra như thế, tôi đều ngán ngẫm lắc đầu và thấy bi quan, không biết xã hội này rồi sẽ ra sao..” (x. bđd)

            Và, tiếp theo đây là một phản cảm khác từ người đọc báo có tên là Juan R. Velez, ở Úc:

“Tác giả Joanna Bogle có nhắc đến trường hợp truyền thông ở Anh cũng như bên Mỹ, nay nói nhiều đến tình trạng gia đình và hành xử của con cái. Tôi lại nghĩ: chỉ khi nào nền đạo đức đích thực cũng như gia đình nào chấp nhận nền luân lý thuận theo thiên nhiên, thì mọi người mới duy trì đời sống thân thương êm đẹp được. Còn thì, cảnh hỗn quân hỗn quan đáng buồn vẫn xảy ra ở nhiều nơi, như tại Pháp vào tháng ngày gần đây. Thật ra, nghèo đói/bất công chẳng là cội rễ gây nên cảnh đốt nhà và hôi của bừa bãi như vừa rồi.

Nền luân lý xã hội ở Anh từng căn cứ vào niềm tin tôn giáo, nay dần dà biến mất. Tôi nhớ hồi Hồng Y Newman còn sinh thì, ông thấy trước là chủ thuyết vô thần và đạo rối cũng đã gia tăng tại đất nước này. Ông cũng nhìn thấy hậu quả của nó đang tiến dần đến xã hội ngày nay. Hồng Y Newman từng cảnh báo con dân trong đạo, là: hãy kiếm tìm sự thật mà thi hành. Lời Hồng Y Newman kêu gọi, vẫn vang vọng bên tai ta, mãi đến hôm nay, theo cung cách rất thúc bách.” (x. bđd)

            Và, sau đây là ý kiến của một người gốc Á Châu sống ở Anh, một độc giả mang tên Mal:
                       
“Hiện có cả trăm triệu người trẻ sống khắp lục địa Châu Á chẳng khá giả gì hoặc thừa hưởng chút phúc lợi nào dành cho mình. Thế nhưng, họ đâu có hành xử tệ bạc đến thế. Tuổi trẻ lục địa này, biết chăm lo học hành,chuyên cần làm việc hoặc cũng vui chơi như ai, nhưng điều quan trọng là họ vẫn có gia đình sống rất quân bình, về nhiều mặt.

Thông thường, mọi người đều biết là gia đình mình có êm đẹp thì xã hội mới yên hàn. Gia đình mà gãy đổ, sẽ kéo theo cả một xã hội đi đến cảnh đổ vỡ. Chẳng thế mà, có người cứ vô duyên/vô cớ bảo rằng nước Anh rơi vào tình trạng nát bấy rồi. Giả như xã hội nào cũng thật tình lo cho đám trẻ, thì chắc chắn xã hội ấy đảm bảo được quyền căn bản của dân mình. Chỉ khi đó, quyền lợi của người dân mới được bảo vệ. Xã hội nào nhấn mạnh đến quyền lợi cá nhân/riêng tư, đặc biệt là quyền tự tung/tự tác chỉ hưởng lạc, chắc chắn sẽ lơ là trách nhiệm của mình. Rõ ràng, cổ nhân ở đâu cũng nói câu: Gieo gió gặt bão. Đó là chuyện hiển nhiên, hai năm rõ mười.” (x. bđd)

            Cuối cùng, là ý kiến phản hồi của một người ở Calêđônia từng dõi theo báo/đài, tỏ bày như sau:

“Tôi thấy vấn đề đặt ra ở đây là thiếu kỷ luật cần có trong gia đình và trưòng học. Gia đình, nay thiếu vắng sự hiện diện của người cha, đó là nguyên nhân thấy rõ. Có chuyện buồn cười nữa là: lâu nay, vấn đề “nhân quyền/bình đẳng” vẫn được nói nhiều, nhưng vẫn trở nên tồi tệ, chẳng khá là bao. Với bậc thày cô/giáo chức ở trường, lâu nay chẳng mấy ai quan tâm hỗ trợ khi thày cô đã bị đuổi sở rất dễ dàng, chỉ vì dám ra kỷ luật cho học sinh dù chúng thuộc loại cá biệt, hết thuốc chữa. Thêm vào đó, chẳng ai buồn hỗ trợ các vị ấy, dù thấy trái. Chẳng ai lấy làm lạ khi xã hội nay đi dần vào chỗ bế tắc với đám trẻ chẳng chịu học hành. Làm việc, thì chẳng bao giờ làm cho ra hồn, thì sao mà khá được.

Nền luân lý truyền thống nay bị chê bai/nhạo báng. Thêm vào đó, sự kiện ai cũng thấy rõ đó là: ta đang rẽ vào con lộ nhỏ không đúng hướng. Thế nên, cần trở về và tìm cho đúng hướng mà đi, chứ đừng tiếp tục theo con lộ có vỉa hè đổ nát, sạt lở như bây giờ.” (x. bđd)

            Mỗi khi “sự cố” xảy đến, người người thường tìm cách viện dẫn đủ mọi lý lẽ để biện minh, hoặc chạy tội. Có vị đã không chạy và cũng chẳng chữa. Nhưng, quay về với Lời Vàng Sách Thánh có đoạn thánh sử ghi lại tình tiết bi quan trong Hội thánh. Trong đó, Đấng Thánh Hiền từng nói:

                                    ““Lạy Cha, xin tha cho chúng,
vì chúng không biết việc chúng làm."
                                    (Lc 23: 34) 

            hoặc:

“Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau,
nếu ai có điều gì trách móc kẻ khác.
Như, Chúa đã tha thứ cho anh chị em thế nào,
thì anh chị em cũng vậy. Anh chị em hãy mặc lấy đức mến,
là giềng mối của sự trọn lành.”
(Co 3: 13-14)

             Về tha thứ, đấng bậc nhà đạo từng chung đụng với người trẻ ở trong cuộc –tức cùng sống ở trong vùng nhạy cảm này- đã có phản cảm hơi khác. Phản cảm ấy, phản ánh tình cảm vẫn có với dân con trong đời, dù con ấy dân nọ còn trẻ nữa hay không, cũng như sau:

“Sáng hôm ấy, tôi cùng với người bàng quan đứng rất đông xem và đọc các hàng chữ có thông điệp ghi phản ứng về cuộc loạn náo hồi tuần rồi, có viết: “Nhân quyền nay đi quá xa!”; “Dĩ nhiên phải công bình, nhưng có chăng tình thứ tha?”; “Họ là con cháu của mình, nên cần hỏi xem mình đã làm gì sai quấy?”…Bên kia đường, là cửa hiệu bán đồ tiệc tùng liên hoan mà người chủ tiệm từng có thói quen trích ra một số lợi nhuận để giúp chăm lo cho giới trẻ.

Cách đây ba năm, Quỹ Nhi Đồng Liên HIệp Quốc đã cảnh báo xếp nước Anh vào hạng áp chót trong số các quốc gia chăm lo cuộc sống an lành của trẻ em. Lúc đó, cũng có báo động chuyện giá trị của đám người trẻ là do người cùng trong nhóm tạo ra chứ không do các bậc trưởng thượng định đoạt. Có lẽ ta cũng nên đặt vấn đề với nhà cầm quyền rằng: “Các vị lâu nay đã làm được gì hầu cải tiến chuyện ấy?”     

Nay vẫn thấy, cách biệt giữa người giàu/kẻ nghèo ngày càng rộng lớn. Người nghèo cứ nghèo đi, trong khi giá trị của con người lại được đo đạc bằng của cải của mỗi người. Đó là việc làm rất nguy hiểm. Các bộ trưởng trong chính giới cầm quyền lại chỉ đổ lỗi cho chủ nghĩa cơ hội về những xáo trộn xảy ra trong xã hội mà không có phương cách hỗ trợ, đổi thay thì có thể nói thế theo cung cách nào đó. Tuy nhiên, nếu để như vậy thì tội ác ở mức độ này vẫn còn đất để dụng võ.

Cũng thế, những điều xảy ra hồi tuần qua, là triệu chứng của tình trạng phiền muộn/khó chịu đang len lỏi bên trong đám người trẻ, đến độ đưa họ vào tình trạng tuyệt vọng, không lối thoát. Thêm vào đó, là sự việc chính phủ huỷ trợ cấp giáo dục xưa kia đã giúp họ nán lại để học hành sau tuổi 16. Rồi, đến lệ phí đại học mà họ phải đóng vào năm tới cộng thêm với chuyện viễn ảnh của người trẻ có khả năng để làm chủ căn nhà của mình. Nhất nhất đều khiến họ thấy hệ thống phúc lợi nay có vẻ như chống lại họ. Và, đó là điều không tốt, đối với họ.

Thêm vào đó, còn có sự nghi ngờ đồn đoán, dù đúng hay sai, rằng: người nghèo là kẻ phải hứng chịu ngân sách cắt giảm nhiều nhất. Bởi, chính quyền sẽ không kham nổi những rắc rối và sợ rằng doanh thương/doanh nghiệp sẽ có hướng chạy ra nước ngoài để kiếm lợi nhuận. Thành thử, các lỗ hổng thiếu hụt ngân sách của xã hội lại càng cấp bách và phức tạp như chuyện cắt giảm nợ nần mà nước mình đang gánh chịu. Điều này, đòi ta phải coi lại đường lối mình chủ trương để đầu tư vào một nền văn hoá trong đó người trẻ và gia đình có cơ phát triển nhiều hơn.

Mặt khác, chất lượng giảng dạy cho trẻ cũng là việc cần tranh luận. Có thế, mới đảm bảo được tương lai mai ngày. Và nhà trường cũng nên nhận trách nhiệm về những chuyện vừa xảy đến, là: sự thiếu vắng tình thương nơi giới trẻ. Có lẽ mọi người cũng nên lắng nghe các đấng bậc có kinh nghiệm trong giảng dạy rất chuyên nghiệp.

Thiếu vắng tình thương ở trường, nay song hành với chuyện xảy ra hồi tuần rồi, ở Anh. Nó bao gồm cả chuyện tha hoá mục tiêu và ý định của thể chế chính trị. Cả việc nó đang rút chân khỏi cuộc sống của chính mình. Sự thể là, nền giáo dục ở trường lớp nay đã biến thể qua sự việc đám trẻ nay tỏ bày sự bất ưng, như: trốn học; hoặc đáng báo động hơn, như: cướp bóc, hôi của, phá phách, những hình thức rất bạo động. Thiếu vắng tình thương, nay được diễn tả bằng sự kỳ thị sắc tộc, đẳng cấp xã hội. Chính vì thế, nên nhà trường nay được coi là nơi chốn không còn thích hợp với họ nữa. Trường học, nay là nơi tạo phiền muộn cho kẻ thiếu vắng tình thương, vì các cơ quan công quyền cứ hay tỏ bày chống đối lại người trẻ như họ. Cuối cùng, thách thức cho ta hôm nay là: thay đổi lối cảm nhận ấy.

Một mặt, nguyên do của thiếu vắng tình thương thấy xảy ra rất nhiều và vẫn mang hình dáng của nhiều tầng lớp khác nhau, khiến nhiều người chọn đứng ở ngoài. Điều đó còn dẫn đến tình trạng, là: đám trẻ chưa từng nhận tình thương yêu đậm đà như thế, nên hậu quả sẽ đương nhiên cứ thế mà tiếp tục, và khó lường.

Điều dễ thấy, trước mắt là: người trẻ bất ưng nay tỏ ra tức giận, nên đã tập trung sự giận tức của mình vào những người mà họ nghĩ là họ có trách nhiệm để hả cơn nóng. Thứ đến, nhiều người trẻ lớn lên trong tình trạng không đủ tự tin, và vẫn muốn có được đức tính ấy bằng cách tạo cho mình có được nhiều thứ, dù thứ đó không phải của mình, hoặc dành cho mình. Hoặc, cũng có khi họ cũng tham gia băng đảng để có cuộc sống dễ chịu; hoặc có được thứ quyền khả dĩ mang lại cho họ những thứ họ muốn. Nói tóm lại, họ thiếu môi trường dưỡng dục làm nền cho việc đào tạo giá trị, đạo hạnh làm nguyên tắc và hành trang để thách thức tính vị kỷ của mình.

Ở môi trường như thế, những gì mà các cơ sở giáo dục đang ra sức cung cấp cũng nên dành cho trẻ nhỏ và các thiếu niên đã rời ghế nhà trường và cho cả chúng ta hết thảy, có cơ hội được một nền giáo dục thoả đáng. Không thể một sớm một chiều ta cải tổ được nền văn hoá cuộc sống gia đình nghèo, nhưng ta vẫn có thể làm cái gì đó cho họ, những người đang thiếu thốn đủ thứ, lại không đủ bản lãnh hầu giúp họ đầu tư cho tương lai của họ.

Trường lớp, là nơi dưỡng dục các giá trị đạo hạnh cần có, nên đám người trẻ cần nhận biết điều ấy. Thành thử, bằng vào cố gắng riêng tư có sự hỗ trợ của nền giáo dục, cũng nên ra chương trình giảng dạy  rộng đủ khả dĩ giúp người trẻ phát triển, dù rằng vì còn trẻ, nên họ cũng cần có dịp vui chơi/nô đùa khả dĩ giúp họ tạo niềm tự tin, thăng tiến sinh hoạt xã hội, nhận lãnh trách nhiệm cho chính mình, đạt kỹ năng làm việc theo đồng đội, và trở thành lãnh đạo, về sau này. Đó là lý do tại sao âm nhạc, thể thao, và kịch nghệ đều rất cần. Người trẻ cần đóng vai lý tưởng để tạo cho mình các giá trị đạo đức do nhà trường dạy dỗ. Và, chính nhà trường cũng phải nói lên rằng: “vấn đề là ở nơi anh, nơi chị”. Có làm thế, thì nhà trường mới mong tạo hy vọng và sáng kiến đem đến cho tuổi trẻ được.

Tuổi trẻ và gia đình, phải nhận trách nhiệm về những gì mình làm. Đồng thời, chính quyền cũng phải làm thứ gì đó mang tính văn hoá, xã hội và kinh tế để giải quyết những xáo trộn có thể xảy ra. Vấn đề là, chính quyền cần khích lệ nhiều người tham gia tự nguyện tạo lợi ích chung cho mọi người, kẻ cả tuổi trẻ. Bộ trưởng sở quan hoặc các vị có trách nhiệm cần cân nhắc việc cắt giảm ngân sách làm sao để đừng tạo nên những hậu quả xấu xa cho xã hội. Đồng thời, cũng nên học hỏi nơi các nhà chuyên môn từng đối đầu tuổi trẻ thiếu tình thương và đã tạo môi trường thăng tiến sự tự tin cũng như giá trị đạo hạnh cho họ.

Ta cần nền giáo dục nào chú trọng nhiều vào việc đào tạo người trẻ của ta, vì chính họ là tương lai của doanh thương kỹ nghệ. Chuyện cấp bách nhất, là tạo đối thoại về sự đồng thuận lập nền tảng giá trị và đạo hạnh, khả dĩ đem đến cho người trẻ và gia đình họ một địa bàn đạo đức, tức công việc khá phức tạp trong bối cảnh của xã hội đa văn hoá và phóng túng của ta hiện giờ. Phức tạp thật đấy, nhưng ai sẽ là người trả giá nếu không đổi thay đây?

Hồi thập niên ’40, linh mục Dòng Tên người Chi lê là lm Alberto Hurtado từng viết: “Giáo huấn xã hội của Hội thánh phải thăng tiến thái độ của những ai không tuân thủ sự sai trái của xã hội. Thế nên, thách thức hiện thời gửi đến thủ tướng Cameron và cho cả xã hội lớn của ông là: làm sao thuyết phục được mọi người vì lợi ích chung, ta cần trả thêm chút thuế má để đầu tư cho tương lai đám “trẻ người non dạ”, trong xã hội của ta.” (x. Lm Michael Holman sj, Balm for disaffected youth, The Tablet 20/8/2011, tr. 6-7)

            Nói kiểu “điều hay lẽ phải” cho người trẻ, là nói như thế. Tức, không chối bỏ sự thật đang diễn ra mỗi ngày, ở đây. Nói kiểu “vui chơi/bông đùa” để người trẻ vui mà sống, là nói như truyện kể sau đây:   

                        “Truyện rằng,
 Hai bạn trẻ lâu ngày gặp nhau, không dài dòng thắc mắc, đi ngay vào câu chuyện:
-Này, tớ thấy mặt mũi cậu lúc nào cũng thểu não, thế công chuyện làm ăn rày ra sao? 
-Làm với ăn gì đâu, chỉ có ăn mà không có làm, thế đấy cậu ạ.
-Sao lại thế? Vừa rồi tớ có nghe nói là cậu kiếm được một chỗ làm béo bở, lắm mà?
-Béo với bở gì đâu, tớ kiếm được công việc rồi, nhưng lại bị đuổi sở ngay hôm mới tới.
-Thế bộ, cậu mới đi làm đã dám quậy phá cơ sở rồi sao?
-Không dám đâu. Tớ chỉ là nghe theo lời dặn dò của người phụ trách cấp việc thôi.  Chả là, người phỏng vấn có dặn tớ là: ngày đầu nhận việc, tớ chỉ nên mang cà vạt đỏ mà thôi. Tớ làm đúng như thế, vậy mà bà xếp lại đuổi tớ ra khỏi sở ngay vì tội “cung xúc tu sỉ”. Chả biết tại tu sỉ  hay tu sĩ gì rào trọi. Bị đuổi việc cách vô cớ như thế chứ. Cậu có ý kiến gì không?...”

            Sao lại thế, vẫn là câu hỏi của nhiều người. Hệt như câu nhắn của nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Anh ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời?
Khi xa anh rồi, em biết yêu thương ai!
Nên khi yêu nhau, thì yêu cho trọn đời
Anh ơi, ta sống được bao.”
                        (Y Vân – bđd)

            Đúng thế. Nghĩa là: sống ở đời, người trẻ muốn có đời sống cho đáng sống, chắc hẳn phải có nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội, giáo dục và tôn giáo. Thực hiện chuyện ấy có là điều khó khăn chăng? Phải chăng đã đến lúc người người cần thay đổi lối sống? Và, có nên học hỏi rất nhiều điều từ các xã hội cổ xưa nhưng rất ổn. Bởi lẽ, có vui chơi quậy phá hoặc đòi hỏi nhiều thừ nơi người khác, thì cũng nên quay về với lời ta vừa hát: “Anh ơi, ta sống được bao.” Sống được bao, là sống thế nào? Sống giống ai? Theo ai? Mà làm gì?

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn cứ hỏi và chỉ nhắn
            những điều mình đã hiểu và đã biết,
có thế thôi.

No comments: