Friday, 17 June 2011

“Về đây nghe em, về đây nghe em”

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc…

(Trần Quang Lộc – Về Đây Nghe Em)

(1P 5: 8-9)

Gọi “em” về, mà lại dẫn dụ “em” mang mặc những là áo the. Đi guốc mộc. Rồi hát kể:

“Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu.”

(Trần Quang Lộc – bđd)

Kể, mà lại kể toàn những chuyện như thế, khác nào người anh họ của bần đạo, cũng có kể. Nhưng, anh dùng toàn câu thơ/bài vè từ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của ngày trước, để rồi nhái lại bằng thơ văn, thời hôm nay. Cho hợp nhĩ. Thơ văn, thời buổi trước là như sau:

“Hỡi các câụ bé con,

trong lúc tuổi còn non,

các cậu phải chăm học,

Có học mới nên khôn.”

(trích bài “Khuyến học” trong QVGKT)

Và, câu vè của bậc đàn anh, lại như sau:

“Hỡi ông bô bà via,

trong lúc đợi mộ bia.

Các cụ phải ngoan ngoãn,

chớ ọ ẹ nọ kia.

“Hiếu đễ” với con cái,

Mới khỏi bị ra rià.”

(Trích thơ vui của Nguyễn Trường Khoan, Úc)

Thơ vui ở đời, là như thế. Còn thơ “tình” nhà Đạo thì sao? Dạ. Thơ tình nhà Đạo đại loại cũng rất “tình” như sau:

“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức,

vì ma quỷ, thù địch của anh em,

như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.”

(1P 5: 8)

Thơ “tình” nhà Đạo hay người đời, vẫn rất vui. Chẳng ai cười. Cũng vẫn là thơ, chứ không thẩn. Thế còn, văn xuôi ngoài đời thì khác. Văn xuôi/truyện kể ở ngoài đời, vẫn có những đoạn hoặc những truyện cũng khá vui. Tuy hơi dạy đời. Thời, cũng đúng. Hay và đúng, như truyện kể bên dưới, rất như sau:

“Sau 30 năm xa cách, 4 người bạn học gặp nhau trong 1 nhà hàng. Rượu vào thì lời ra. Người thứ nhất nói trước:
-Tôi rất hãnh diện với thằng con trai tôi, siêng năng thông minh, giỏi ghê hồn. Sau khi lấy bằng Master rồi nó còn học tiếp không chịu nghỉ, giờ thì nó là tổng giám đốc 1 tập đoàn lớn nhất Âu Châu, nó giàu đến nỗi nó vừa tặng thằng bạn thân khác 1 cái Mercedes S600 mới toanh…sương
Ông thứ hai xen vào:
-Ừ giỏi thiệt!! Chúc mừng anh. Còn thằng con tôi cũng đâu thua gì! Mấy anh biết không, sau khi tốt nghiệp đại học, nó lấy ngay bằng láy máy bay và hiện giờ nó có 50% cổ phần của hãng hàng không lớn nhứt nhì Âu Châu! Tiền nhiều quá không biết làm gì, nó bèn tặng luôn cho thằng bạn thân của nó 1 chiếc Boeing 737-700 luôn, mấy anh coi có kinh khiếp không?
Ông thứ ba cũng không chịu thua, cũng góp ý: 
-Vậy là 2 anh ngon quá rồi còn gì, nhưng mà tui cũng phải kể một chút về con trai tui chứ!!! Tui cũng hãnh diện không kém 2 anh, thằng con tui nó cũng là đại gia có tầm cỡ, sau khi lấy bằng kiến trúc sư, nó mở ngay 1 hãng thầu chuyên xây nhà chọc trời, hiện tại nó chuyên xây cho mấy ông vua dầu hỏa bên Dubai đó!

Nó cũng giống như 2 thằng con của 2 anh, tiền hô hậu ủng, nó xây cho thằng bạn thân nó 1 cái Villa 10 phòng ngủ có sân đậu trực thăng trên sân thượng luôn, nghe nó kể mà phát ớn……
Lúc đó ông thứ tư mới từ phòng rửa tay đi ra, chả hiễu ất giáp gì thì được 3 ông bạn chí thân dồn dập hỏi:
-Tụi tui mới vừa kể về mấy thằng con trai yêu quí của tụi tui! Còn quí tử anh thì thế nào?
Ông thứ tư vỡ lẽ câu chuyện mà bạn bè đang khoe, bèn chậm rãi nói: 
-Thằng con tui thuộc loại đồng tính… luyến cái gì đó không biết. Nó làm việc trong 1 quán Bar và vũ sexy kiêm chân Callboy luôn..
-Trời ơi, sao mà anh bất hạnh quá vậy? Ba ông bạn đồng thanh lên tiếng.
-Sao lại bất hạnh? Ông thứ tư tiếp luôn: Nó là cả 1 sự hãnh diện của tui đó! Mấy anh biết hôn, mới đây nè, nó về khoe tui là nó được ba thằng bồ tặng quà xịn cho nó đó. Thằng thứ nhất tặng cho 1 chiếc Mercedes S600, thằng thứ hai thì cho 1 chiếc Boeing 737_700, còn thằng thứ 3 thì xây cho 1 cái Villa bành ki luôn. Mấy anh thấy tui có phước hông? (truyện kể trích từ trang mạng batkhuat.net/index)
               Nghe kể truyện, chắc người nghệ sĩ họ Trần, phải hát tiếp:
 
“Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Để đời đời làm giọt sương mai

Để chào đời bằng lòng mới lớn

Để hận thù người người lắng xuống

Và tìm nhau như tìm xót xa

Trong lúc lệ đã đầy vơi…”
(Trần Quang Lộc – bđd)
 
               Hát hoặc kể, vẫn là chuyện thường ngày chốn dân gian, ở đời thường. Nơi nhà Đạo, cũng có những chuyện không phải để kể hoặc để hát, mà để người đồng Đạo rủ nhau mà học hỏi, những điều tốt. Điều ấy, không hiển nhiên như lời thánh nhân cột trụ Hội thánh vừa khuyên ở trên. Mà là, những điều dân con ở huyện nhà Đạo cũng cần biết, vì có liên quan đến chuyện đời, rất thường ngày. Điều ấy, được diễn tả bằng lời hỏi han như thế này:
 
“Tôi có người bà con trong họ, cô đang độ tuổi đôi mươi, nhưng vẫn thích ra riêng sống một mình. Mà lại san sẻ phòng ốc với người lạ khác phái, để cùng sống. Thấy thiên hạ thắc mắc, cô vẫn thanh minh rằng: giữa cô và “người ấy” chỉ là “bạn”, chứ chẳng có gì gọi là mật thiết, hoặc liên quan. Dù sao thì với tôi, vẫn có cái gì đó rất không ổn. Chí ít, là theo quan niệm và tầm nhìn của riêng tôi, xưa đến giờ. Xin linh mục cho biết tôi có lý hay người kia có lẽ?”
 
               Lại cũng là lời hỏi rất han. Đã hỏi han, thì đương nhiên đấng bậc nhà mình phải “lan man” mà trả lời, chứ không phải trả vốn. Hoặc, “một vốn bốn lời”, như ở đời. Trả lời, là trả một lời sau đây:
 
“Tình cảnh cô vừa kể, lâu nay trở thành chuyện “thời thượng”, rất nghe quen.  Cách đây chừng bốn mươi hoặc năm mươi năm gì đó, thiên hạ cũng từng nhăn nhó bày tỏ mối bất đồng khi nghe biết có người đi Đạo vẫn theo lối sống kiểu như thế. Sự thật, thì ít người đồng ý chịu nghe theo. Nhưng ngày nay, chừng như xã hội đã có phần dễ dãi hơn. Tức,  chỉ “làm thinh, là tình đã thuận”, thì phải?
 
Nên, vấn đề là: ta nghĩ sao về những chuyện đại loại như thế?
 
Ví dụ như: có ai đó mướn căn nhà 2 phòng ngủ, nhưng một mình ở như thế thấy quá phí phạm bèn đem rao vặt cho thuê bớt căn phòng kia cho một người khác phái đến ở. Hoặc trường hợp: họ là hai người bạn, hoặc đồng nghiệp/đồng môn nhưng khác phái, lại quyết định “chia phòng”, sống chung căn hộ, ăn ở với nhau tự nhiên như cây cỏ. Thông thường, thì một người là nam nhân trẻ còn người kia là nữ lưu cùng trang lứa hoặc khác tuổi từng hứa hôn với nhau, nay quyết định về chung sống cùng một căn hộ cho đỡ tiền thuê hai phòng, hầu tiết kiệm. Hoặc một nam và một nữ có quan hệ ăn ở với nhau không đám cưới, ít là chỉ trong giai đoạn, thôi.   
 
Xét về cuộc sống luân lý của những người có liên quan như trên cũng rất khác. Trường hợp thứ nhất, không thấy có tương quan mật thiết, còn trường hợp cuối, chắc chắn là có tương quan, rất rõ ràng.
 
Dĩ nhiên, với Giáo lý Hội thánh Công giáo, thì bất kỳ vị nào sống đời dục tình, ăn ở với nhau mà không có hôn thú, dứt khoát là đang ở vào tình trạng có lỗi phạm nặng (x. GLHTCG #2353). Thế nhưng, hỏi rằng luân lý ta có chấp nhận cho nam nữ sống chung mà không giao hoan tình dục thì sao?
 
Về chuyện này, cũng cần xét đến 2 yếu tố: 
 
Trước nhất, là mối nguy hiểm. Đã đành là, cho đến giờ, cả hai nam thanh nữ tú ở gần cận nhau nhưng không có tình ý lôi cuốn nhau và nhất là không có ý định dấn thân vào chuyện sinh lý xác thịt, dù đôi lúc lửa gần rơm cũng dễ bén, nhiều cám dỗ.”
 
               Xét đến đây, tưởng cũng nên xem thử người nghệ sĩ có nói gì thêm, hay chỉ những hát:
 
                                              “Này hồn ơi lên cao lên cao 
                                              Đem ánh sáng hân hoan trên trời 
                                              Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương 
                                              Này thịt xương ta chưa mang theo 
                                              Khi ngã xuống miên man tủi hờn 
                                              Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm...”
                                              (Trần Quang Lộc – bđd)
 
               Xem như thế, thì: sống với nhau, đâu chỉ cần để ý đến chuyện thân xác. Tiền bạc. Và, người đời mà thôi. Nhưng còn phải biết quan tâm cả chuyện “Này hồn ơi, lên cao lên cao”, cho phải phép. Phép và tắc, của “già nhân ngãi, non vợ chồng”, là chuyện luân lý/đạo đức cũng rất Đạo, như sau: 
 
”Cách đây nhiều năm, tôi nhớ có lần được nghe vị cha già chuyên linh hướng có dẵn dò tân chức mới thụ phong về những hiểm nguy khi sống cùng căn hộ với chị quản gia, lo bếp núc mà không định rõ cách ngăn nơi khu vực ăn ở, nên cha già đã khuyên rằng: gần gũi xác thịt còn nguy hiểm hơn cả tài sắc, rất quyến rũ. Đó là chỉ mới đề cập đến yếu tố gần/cận bên người quản gia, dù chị ta có hơn tuổi đương sự khá nhiều, cũng vẫn nguy. Nguy và hiểm, là nguy cho đức khiết tịnh đời linh mục, mà thực tế cuộc sống buộc có đụng chạm giao tiếp người khác phái.
 
Tôi cũng nhớ đến trường hợp của linh mục dòng Đa Minh khác, lúc ấy ngài đang làm tuyên uý cho sinh viên trường cao đẳng nọ. Theo qui định trường, thì bạn bè nữ giới muốn vào phòng ngủ thăm nam sinh viên, cũng không được phép. Lúc ấy, các sinh viên rất vô tội đến gặp vị tuyên uý này và đơn sơ hỏi: “Bộ cha không tin bọn con sao?”, thì vị tuyên úy trả lời: “Tôi mà ở vào hoàn cảnh các bạn, thì chính tôi đây còn chẳng tin được mình nữa là.” 
 
Xem thế, thì nam nữ chưa thành vợ thành chồng mà lại chia phòng ở chung với nhau, thường hay dễ đặt mình, mà không có lý do chính đáng, vào tình trạng mà ta gọi là “dịp tội”. Cả hai sẽ gia tăng khả năng tình huống rơi vào cạm bẫy cám dỗ, cứ tìm đến với nhau, mà chung đụng.
 
Và, thường thì không có lý do nào thoả đáng khiến họ đi vào tình huống nguy hiểm ấy. Tiết kiệm tiền bạc, không là lý do đủ vững để mình tự đặt chính mình vào dịp tội. Là nam hay nữ, muốn tiết kiệm tiền bạc, tốt hơn nên chia phòng với người cùng phái tính; hoặc chọn ở lại với cha mẹ một thời gian; hoặc sắp xếp sao đó, cho hợp lẽ đạo làm người, vẫn tốt hơn.
 
Hơn nữa, sống ở đời cũng nên biết tự kỷ luật để giữ cho lòng mình được thanh khiết, cũng là điều tốt. Có như thế, mới có thể tự kềm chế chính mình, ngõ hầu giữ mình sẵn sàng trong trắng cho hôn nhân, về sau.
 
Điều khác nữa, cũng nên quan tâm, là chuyện thị phi/tai tiếng. Nói nôm na, thì: nếu người khác biết mình là gái nhà lành lại Công giáo đang chung sống với bạn trai không cưới hỏi, thì làm như thế rất dễ đưa đến chuyện người khác hiểu lầm rằng mình muốn sống theo kiểu “thử lửa” thôi. Và, sống như thế rất dễ khiến mình rơi vào tình trạng phạm tội; trong khi cả hai người, lúc đầu, cũng không muốn làm như thế. Đằng khác, sống theo kiểu ấy, dễ gây gương mù gương xấu cho kẻ khác. Để rồi, cuối cùng, mình cũng sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những lỗi phạm mà người khác có thể mắc phải chỉ vì bắt chước kiểu mình.
 
Chính vì những lý do này, mà các bạn chưa có gia đình, cũng đừng nên làm thế. Dù, hai bên không mảy may có ý định tiến sâu hơn vào chuyện tiếp xúc mật thiết về tình dục.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 29/5/2011 tr. 10)         
 
               Tắt một lời, ngẫm nghĩ chuyện đời, lắm lúc cũng có một số bạn bè vẫn nhớ về lời thơ/ý nhạc của nghệ sĩ vừa trích dẫn ở trên, có câu hát làm đoạn kết, như sau:
 
                                              “Về đây nghe em, về đây nghe em
                                              Về đây đứng khóc trên sông nước này
                                              Chở lòng người trở về quê hương
                                              Chở hồn người vào dòng suối mát
                                              Chở thật thà vào lòng dối trá
                                              Và ngắt hoa, xin tạ chút ơn
                                              Hoang phế, khi đã gặp nhau 
                                              (Trần Quang Lộc – bđd)
 
               “Hoang phế, khi đã gặp nhau”, phải chăng là đã hoang tàn/đáng phế thải, khi gặp lại người hoặc Đấng mình cần gặp? Bởi, khi gặp lại người mình muốn gặp, vẫn nên hát: “Chở hồn người vào dòng suối mát”, Và ngắt hoa xin tạ chút ơn.” Ơn này hay ơn khác, phải chăng là những ơn và huệ, do Thánh Thần Chúa phú ban, đến với mọi người. Cả những người đã một lần từng lầm lỡ. Quá trớn. Hết biết?
               Lầm lỡ chăng, vẫn tự nhắn nhủ: “Chở lòng người trở về quê hương”. Chốn quê nhà, có người người vẫn muốn “Chở thật thà vào lòng dối trá”, để rồi: có về với nơi đây hay chốn đó, hãy cứ nhớ lời người hôm xưa đã cùng nghệ sĩ vẫn hát rằng:  
 
                                              “Về đây nghe em, về đây nghe em
                                              Về đây đừng khóc trên sông nước này…”
                                              (Trần Quang Lộc – bđd)
 
               Có hát thế, mới thấy rằng: lời thánh nhân khi xưa, vẫn từng thưa:
 

“Anh em hãy đứng vững trong đức tin

mà chống cự,

vì biết rằng

toàn thể anh em trên trần gian

                                                đều trải qua 
                                                cùng một loại thống khổ như thế.”
                                                (1P 5: 9)
 
               Quả thế. Sống ở đời, chẳng ai biết trước được: nhiều hiểm nguy đang ở trước mắt, của mỗi người. Vấn đề là, người người có còn nhớ và tin vào lời thánh nhân xưa căn dặn không? Nói cách khác, có tin và nghe theo Lời ngài hay không? Đó chính là vấn đề. Của tôi. Của bạn. Của mọi người.
 
               Trần Ngọc Mười Hai
               vẫn tâm vẫn niệm và vẫn hát câu
               về đây nghe em, nghe anh.
               Về, để đứng vững trong lòng tin,
               một lòng như thế.   
 
 
 


 
 

No comments: