“Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói”
“Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi,”
“Thời gian nơi đây…”
(Trịnh Công Sơn – Cuối Cùng Cho Một Tình yêu)
(1P 5: 7-9)
Bàn tay “Em” có đói, hay có mỏi. Chiều mưa, giông có tới hay chỉ là cơn mưa cuộc tình của người mình, thì linh hồn rỗi cũng rất vui. Vui, với “thời gian nơi đây”,“Tình yêu xứ này”. Thế đấy, là tình tự mà dân con nhà Đạo rày vẫn có vào ngày mừng kính Mình Máu Chúa, rất Thánh Thể.
Thật ra thì, bạn cũng như tôi, ta nào dám nghĩ: nhạc bản trên lại có thể “ăn khớp” với ý nghĩa của ngày Lễ rất thánh được. Thế nhưng, bản thân bần đạo, sao vẫn thấy như có điểm nào đó cũng rất gần. Cũng, liên quan đến đời mình, ở huyện nhà. Thành thử, có “Ừ thôi” hay “Ừ nhỉ”, cũng chỉ để nói lên rằng “Cuối Cùng (rồi) Cũng Cho Một Tình Yêu” thôi.
Vâng. Quả có thế. Cuối cùng ra, mọi sự, ta cũng chỉ dành để: “Cho Một Tình Yêu!” thôi. Tình đó là tình yêu dấu, có Đức Chúa. Chứ, đâu chỉ mỗi tình người, tuy là tình lai láng rất số lượng. Và, phẩm chất. Như, tính chất cũng rất “tình” của mẹ hiền cứ gọi con đến gần mình rồi bảo: “Mẹ yêu con lắm!” Phải chăng, đó còn là ý nghĩa của “Cuối cùng, cho một Tình Yêu”, rất nhà Đạo?
Về Tình Yêu, hay “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”, là về tình tiết, rất “kể lể”, như truyện kể ở bên dưới, cũng để cười. Cho vui:
“Truyện rằng:
Ba đồng nghiệp nọ cùng làm chung một sở. Hôm ấy, thấy hứng vì vừa trúng một vụ cũng kha khá. Cả ba rủ nhau ra Nhà Bè lai rai một bữa cho thoả thuê tấm lòng những căng cùng thẳng do công việc, mãi kéo dài. Họ gồm một nhân viên tiếp tân, một thư ký đánh máy và vị trưởng sở. Vừa đến nơi, một trong ba người tình cờ vớ được cây đèn dầu rất cổ lỗ, tựa hồ cây đèn của Alibaba, nhiều bùa phép. Thế là, cả ba vị lập tức tập trung xoa xoa vào đèn, xem có phép thần thông biến hoá nào hiện ra chăng? Quả y như rằng, vừa xoa xong, đã thấy thần đèn hiện lên bảo:
-Ta cho các ngươi mỗi người một điều ước, cứ thành thật mà “khai báo”, nói lên ước nguyện của mình. Sau đó, ta sẽ hoá phép. Và ước nguyện ấy sẽ thành hiện thực, ngay lập tức.
Cả ba vị giành nhau bước tới mà ước trước. Nhưng, người thư ký trẻ được ưu tiên, nói nhanh nhẩt:
-Tôi muốn thành đại gia. Sống đến già, ở Bahamas. Ăn chơi hết ga. Quên chuyện nhà.
Tức thì, thần đèn thổi hơi ngắn vào người của thư ký. Và, thư ký trẻ biến mất.
Đến lượt người thanh niên chuyên tiếp tân, cũng vội ước:
-Tôi muốn đi Hawai. Nằm dài nơi bãi biển. Có dinh thự đẹp ở khu sang. Sáng chiều, lúc nào cũng có người đến xoa bóp. Cơm bưng. Nước rót. Cũng khoẻ re.
Lập tức, thần đèn thổi vào người nhân viên tiếp tân. Và, anh cũng biến mất. Đến lượt trưởng sở thấy sự việc coi mòi không êm ắng. Nếu để nhân viên biến mất dạng như thế thì rồi ra lấy ai làm việc cho mình. Ông bèn đề xuất một ước nguyện, theo kiểu Đạo:
-Tôi muốn nhân viên của tôi có mặt ngay ở văn phòng, để còn tiếp tục phát huy tình hiệp thông đoàn kết, trong mọi việc.
Thế là xong. Thần đèn chỉ thổi làn hơi nhẹ vào người, tức thì cả ba đồng nghiệp “ham vui” ấy lại đã quay về chốn cũ, tiếp tục công việc rất “Vũ Như Cẫn”. Tức, “vẫn như cũ”.
Nghe kể xong, người người cứ nghĩ đó chỉ là “chuyện tưởng như đùa”, rất cổ tích. Sự thật, thì nhiều truyện tích được trích từ các báo điện, cũng rất tiện. Báo nào cũng nói toàn chuyện đời. Ít khí bàn chuyện Đạo. Đúng hơn phải nói: báo/đài cùng lắm chỉ nói mỗi chuyện vui thôi. Nào để ý chuyện Đạo ở đời?
Chuyện Đạo ở đời, chuyện nào mà chẳng vui tươi, tinh tế. Ý nhị. Chí ít, là những chuyện có kết hậu. Có lời bàn của người kể. Chính vì thế, nên người kể hôm nay lại cũng đưa ra lời bàn luận rất ngắn gọn, rằng: bà con ta ước gì thì ước, chớ có mơ ước trở thành cán bộ cao cấp, hoặc linh mục nhà Đạo, dù bình dị. Bởi, đó là hai giới cấp rất sáng chói. Người người đều ước muốn.
Về những ước và muốn làm cán bộ cao cấp, bần đạo đây chẳng dám phiếm hoặc luận bàn. Vì không đủ tư cách. Chỉ dám phiếm qua đôi giòng cho bớt lòng thòng. Rồi thôi. Nhưng, đề cập nhiều đến chuyện phối kiểm tin tức về đạo đức/chức năng của linh mục hiện diễn xảy ra ở đâu đó, rất xứ mình. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, thì: mới đây, bần đạo nhận được một điện thư có nội dung khá ly kỳ như sau:
“Gửi anh một bài mới nhận được. Những loại “vạ tuyệt thông” như thế này vẫn cứ xảy ra dài dài, ở Việt Nam. Mình có đề cập đến chuyện này trong một bài viết ngắn trước đây, về tình trạng của một cụ ông thôn trưởng từng bị “vạ tuyệt thông” chỉ vì con gái ở làng cụ quá xinh đẹp đến độ lôi cuốn quá nhiều Việt kiều về cưới hỏi… đâm rắc rối. Cụ bị cha cố trong xứ ra vạ tuyệt thông cho đến khi “cha” này được đổi đi xứ khác mà vạ kia vẫn chưa thông, lại triệt tuyệt. Chuyện lạ đời là: cứ vạ này chồng lên vạ khác, mới chết con dân nhà Đức Chúa Lời, thế cơ chứ…” (trích điện thư từ một linh mục xa quê, đề ngày 6/6/2011)
Đọc thư người anh em linh mục viết rất ngắn, nhưng bần đạo lại cứ liên tưởng đến ca từ nghệ sĩ hát:
“Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi,
Tình yêu xứ này.
Một lần yêu thương, một đời bão nổi.
Giã từ giã từ.
Chiều mưa giông tới.
Em ơi! Em ơi!..”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Thoạt nhìn, hẳn bạn bè/người thân chẳng thấy có gì ăn khớp giữa lời thư với lời thơ, trích ở trên? Nhưng chuyện có “ăn khớp” hay không, cũng chẳng làm bần đạo bận tâm thêm, bằng nội dung bức thư của vị đại diện báo điện tử mang tên “BBT CGVN” mới đáng ngại. Ngại, là vì bức thư mang tính cách rất chung đuợc gửi đến Đức ngài “Chủ tịch HĐGMVN”, như sau:
“Trọng kính Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN,
Quí Đức Cha Giáo Phận,
Nhân dịp có bài viết dưới đây của cha PX. Ngô Tôn Huấn đề cập đến việc lạm quyền ở một vài nơi, chúng con khẩn khoản kính mong Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN, Quí Đức Cha Giáo Phận vui lòng giải thích soi sáng và điều chỉnh một số qui định đã lỗi thời, nhưng vẫn còn được áp dụng ở một vài nơi, đồng thời đã và đang còn tiếp tục gây phản tác dụng cho việc Rao giảng Tin Mừng trên Quê hương Việt Nam.
Chúng con đã có dịp nhìn tận mắt “Đơn xin giải vạ”: có bút phê, chữ ký, mộc của Cha Xứ và cha Quản Hạt, được giao lại cho hối nhân chỉ vì đã tham gia vào một đám cưới (của người thân) chưa hoàn thành thủ tục hôn phối đầy đủ theo phép đạo.
Có nơi đã “kỷ luật cả xác chết” bằng cách không cho lễ an táng, buộc phải chôn bên ngoài đất thánh chỉ vì được “báo cáo”là đương sự đã tự tử. Tiếc rằng ít lâu sau lại có tin người này bị hãm hại chứ không phải tự tử, thế là trong đêm lại âm thầm “đào mồ” lên đem xác vào chôn trong đất thánh. Có thai nhi còn nằm trong bụng mẹ cũng bị kỷ luật chung với mẹ (không có lễ an táng, không được chôn trong đất thánh), chỉ vì “quyền bính xã hội” kết luận là bà mẹ (quá đau khổ) này đã tự tử. Nhưng ở nơi kia, cha phó treo cổ tự tử thì chẳng thấy bị kỷ luật?
Thật ra để kết luận một trường hợp tự tử lại không phải là chuyện đơn giản của những “người trần mắt thịt”!
Chúng con xin chân thành cám ơn.
BBT CGVN
Như thường lệ, mỗi khi được thông tri về “sự lạ” có liên quan đến cuộc sống tốt đạo/đẹp đời xảy ra ở khắp nơi, bần đạo thường có thói tật không hay cho lắm, là: bụng bảo dạ chớ có dại mà dính vô. Và thật ra, cũng chẳng có tư cách để tham gia ý kiến hay biện luận. Chỉ dám trộm nghĩ và suy tìm lời Chúa, cho bản thân thôi. Với bần đạo, Lời Chúa mới giúp ích mình, chứ không chỉ mỗi giáo luật, mà thôi. Và, cũng tình cờ, bần đạo tìm được một đoạn thư của thánh nhân trong Đạo từng có những lời khuyên như sau:
“Anh em hãy đứng vững trong đức tin
mà chống cự,
vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian
đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.
Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng,
cũng là Đấng đã kêu gọi anh em
vào vinh quang đời đời của Người
trong Đức Kitô.
Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu,
chính Thiên Chúa sẽ cho anh em
được nên hoàn thiện,
vững vàng,
mạnh mẽ và kiên cường.”
(1P 5: 9-10)
Vững vàng. Hoàn thiện. Mạnh mẽ và kiên cường. Phải chăng, đó là những đức tính cần có để sống giữa đời. Với nhà Đạo? “Đứng vững trong đức tin mà chống cự”. Chống cự, là chống ai? Cự gì? Theo bối cảnh nhà Đạo lúc thánh nhân viết thư, là: chống lại “mưu chước của quỉ ma, tà thần chuyên dùng thân xác để lượn rình mà cắn xé” (1P 5: 8).
Nhưng ở đây, trong bối cảnh của những chuyện viết trong thư gửi “Quí Đức Cha” có đầu đề rất nổi cộm: “Xin đừng kỷ luật xác chết”. Và, một đầu đề khác, nơi bài viết của Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, cũng có nói: “Dự tiệc cưới của đôi vợ chồng lấy nhau không hợp lẽ đạo thì bị vạ tuyệt thông?”. Và, cả kết luận của người đặt câu hỏi trên, cũng viết như thế này:
“Tóm lại, mọi linh mục đều được mong đợi học hành đến nơi đến chốn để khi thi hành sứ vụ (prietly ministries) không tự ý mình làm những việc sai trái về phụng vụ và bí tích, khiến gây hoang mang và thiệt hại cho giáo dân chẳng may rơi vào trách nhiệm mục vụ của mình.” (x. Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, www.conggiaovietnam.net, 8/6/2011)
Về với lời thơ (chứ không phải lời thư, hay lời trong thư), người nghệ sĩ lại đã hát:
“Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay
Lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy.
Sầu thôi thôi đầy,
Sầu thôi xuống…đầy”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Với nhà Đạo, lại cũng có lời nhủ khuyên từ đấng thánh hiền, từng vướng mắc một vài sai phạm/lầm lỡ cũng tương tự, nhưng sau đó lại đã quyết tâm, trong hành xử. Quyết, là quyết thế này:
“Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ
dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa,
để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.
Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người,
vì Người chăm sóc anh em.”
(1P 5: 6-7)
Về với lời khuyên “như ở trên”, là về với quyết tâm “khiêm hạ”, đặt mình “dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa”, để rồi ”mọi âu lo, trút cả cho Người”. Về với lời nhủ, dù rất cũ, là về với Cộng đoàn Hội thánh có niềm tin vững chãi quyết rằng bản thân mình là Đền thờ của Thánh Thần. Và cả mình nữa, hãy về với lời nhủ khuyên, là về với Mình Thánh Chúa. Với Hội thánh, để rồi sẽ thẩm nhập vào Tiệc Lòng Mến, ngày của Chúa. Nhất là ngày đặc biệt mừng kính Mình Máu rất thánh, của Đức Chúa.
Về với Hội thánh, còn là về mà tìm hiểu “tại sao Hội thánh lại có buổi mừng kính những hai lần trong một năm, sau khi đã mừng kính vào Lễ Tạ Từ ngày Thứ Năm Thánh?” Về với lời kinh/khuyên răn, còn là về mà nghe lời giải thích của đấng bậc nhà Đạo ở Sydney, như sau:
“Một trong các lý do khiến ta thêm một Lễ nữa để mừng kính Mình Thánh Chúa, là vì lần này ta tập trung vào sự hiện diện của Thánh Thể, tức Mình Thánh Chúa bằng một lễ Trọng gọi là Lễ Mình Máu Chúa.
Lễ này có nguồn gốc xuất từ việc tôn sùng thờ kính Thánh Thể vào thế kỷ thứ 13, lần đầu được thiết lập tại Liege, nước Bỉ vào năm 1246, do Đức Giám Mục Robertô thành Turôtê đề nghị. Vào lúc ấy, chị Julianna thành Cornillon đã khẩn nài Hội thánh hãy mừng Lễ này sau khi chị được thị kiến gặp gỡ Chúa năm 1208. Và, chị được thần hứng cho biết: Chúa muốn Giáo hội tổ chức trong niên lịch phụng vụ, một thánh lễ đặc biệt chú trọng đến sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể ở nhà thờ.
Đấng bậc từng cổ võ việc này mong được phổ biến rộng rãi trong Hội thánh, là Tổng Phó tế Jacques Pantaleon lúc ấy còn trụ trì ở giáo Phận Liege, nước Bỉ. Đến năm 1261, ngài trở thành Giáo Hoàng Urban IV và ba năm sau, ngài quyết định thành lập Lễ này, cho toàn Hội thánh. Có kiệu rước rất long trọng, để tỏ lòng sùng kính. Và từ đó, Lễ này trở thành tập tục truyền thống, tổ chức hằng năm, từ thế kỷ thứ 14 cho đến nay.
Thật ra thì, Lễ này này tồn tại là do Phép lạ xảy ra ở Bolsena, nước Ý vào năm 1263. Năm đó, có linh mục người Đức là linh mục Phêrô thành Praha trên đường hành hương, đã dừng chân tại thủ phủ Bolsena, ngài được ơn lành nhận ra rằng Chúa Kitô thực sự vẫn hiện diện nơi bánh thánh khi ngài cử hành thánh lễ tại giáo đường có mộ phần của thánh nữ tử đạo Christina. Và, khi ngài truyền phép vào bánh thánh thì lúc đó bánh thánh rỉ máu, chảy vào tay ngài xuống khăn thánh thấm vào bàn thờ. Ngay khi ấy, toàn thân ngài bủn rủn đến khiếp sợ. Lúc đầu, ngài định bụng giữ kín trong lòng sự việc này, nhưng sau đó, quyết định ngưng thánh lễ và yêu cầu người dự lễ chở ngài đến thành Orvieto, nơi Đức Giáo Hoàng Urban IV trụ trì.
Đức Giáo Hoàng lắng nghe cha Phêrô kể đâu đuôi sự việc. Sau đó, ban phép lành cho cha; rồi chỉ thị cho các vị trong giáo triều có trọng trách điều tra “sự lạ” ấy. Khi mọi sự được cân nhắc, thẩm định kỹ, Đức Giáo Hoàng chỉ thị cho Giám Mục sở tại đem Bánh Thánh và Khăn Thánh có vệt máu ấy đến ngai toà ở Orvieto. Đức Giáo Hoàng đích thân đón tiếp phái đoàn kiệu rước thánh tích và cho phép đặt thánh tích ấy tại nhà thờ chánh toà, rất trang nghiêm. Trọng thể. Kể từ đó, Thánh tích này được lưu giữ tại nhà thờ ở Orvieto, như thánh tích rất quý hiếm.
Được biết Đức Giáo Hoàng Urban IV, rất quan tâm đến sự việc lạ lùng này, nên đã truyền cho thánh Tôma Akinô soạn Phần Riêng cho Thánh lễ và viết một kinh đặc biệt sùng kính Thánh Thể và công nhận đó chính là Mình Chúa Kitô. Tháng 8 năm 1264, tức một năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Urban IV đã chỉ thị cho Uỷ Ban Phụng Vụ thành lập Lễ kính Mình Máu Chúa. Đến hôm nay, Phụng vụ Hội thánh vẫn sử dụng bản kinh do thánh Tôma đặt cho Lể Trọng này kể cả Kinh Phần Vụ được nhiều người biết đến và đọc đến hôm nay.
Tháng 8 năm 1964, nhân kỷ niệm 700 năm ngày thành lập Lễ Mình Máu Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cũng đã cử hành thánh lễ ngay tại bàn thờ, nơi xảy ra sự lạ khăn thánh có máu rỉ, đuợc lưu trữ tại Mồ thánh bằng vàng bên trong Thánh đường Orvieto.” (x. Lm John Flader, Question Time Connorcourt Publishing 2008 tr. 312-313)
Về thắc mắc: có xứng hợp chăng giữa hành xử của vị linh mục “nhà” đầy quyền sinh/quyền sát rất “tuyệt thông”, với động thái của vị linh mục rất lành và cũng, thánh nói ở trên? Nói cách khác, người đọc và nghe truyện nghĩ sao về sự kiện đấng bậc khi xưa dù lành thánh đến mấy vẫn không dám tự quyết đoán về “phép lạ” liên quan đến sự hiệp thông trong Hội thánh, và đấng bậc nay cứ tự tung tự tác quyết đoán cả lệnh “tuyệt thông” những ai liên quan đến “sự lạ”, trong hành xử. Ở giáo xứ
Nói cho cùng, thì sứ mệnh của thành viên Hội thánh, ở mọi bậc, sẽ là và phải là gầy dựng một thánh hội hiệp thông, hơn là và đúng là: một hội thánh chủ trương tuyệt thông, vô tội vạ. Hoặc, đầy những “vạ này chồng chất vạ kia”, đến khó giải.
Lời phiếm cuối hôm nay, là: đề nghị tôi/đề nghị bạn, ta cứ trở về với lời kinh rất thánh, vẫn nhủ khuyên, rằng:
“Chính vì Đức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác,
nên anh em cũng phải lấy tư tưởng này làm khí giới:
ai chịu đau khổ trong thân xác
thì đoạn tuyệt với tội lỗi,
để bao lâu còn sống trong thân xác,
người ấy không theo những đam mê của con người nữa,
mà theo ý muốn của Thiên Chúa.”
(1P 4: 1-2)
Có lẽ, Thân Xác rất thánh của Đức Kitô, vẫn và sẽ là lý tưởng để tôi và bạn lấy đó làm mục tiêu sống, rất ở đây. Hôm nay và mai ngày.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn nhủ mình
và nhủ bạn
những điều rất như thế.
No comments:
Post a Comment