“Noẽl năm nào, chúng mình có nhau. Long lanh sao trời, thêm đẹp môi mắt Áo trắng em bay, như cánh thiên thần Giọt môi hôn, dưới tháp chuông ngân.”
(Nguyễn Vũ – Bài Thánh Ca Buồn”)
(1Ph 2: 16-17)
Sau gần 3 năm với chuỗi ngày dài những phiếm và phiếm, bần đạo phát giác ra được một điều để hỏi: suy và niệm, có phải để niệm suy? Chuyện Phiếm Đạo-Đời, có phải để suy niệm? Câu hỏi nay, một lần nữa, “trật đường rầy”? Và, Phiếm Đạo hôm rày, tưởng vẫn là truyện kể, để rồi phiếm. Phiếm và suy với niệm, có thơ văn, có nhạc nền rền một góc. Suy cho cùng, thì viết và lách, suy và niệm cũng chỉ để “phiếm”. Phiếm rất Đạo. Lạo xạo mấy chuyện đời có lời thơ để đời, như:
“Cùng nhau quỳ dưới, tượng Chúa cao sang,
Xin cho đôi mình suốt đời, có nhau.
Vang trong đêm lạnh, bài ca Thiên Chúa,
Khẽ hát theo câu, “Đêm Thánh Vô Cùng”,
Ôi! giọng hát em mênh mông, buồn.”
(Nguyễn Vũ – bđd)
Quả là, đời em dù đã sầu buồn cũng chẳng sầu đến độ lộ ra ngoài. Ở giọng hát. Đêm có thanh. Rất lạnh. Cũng đâu là “bài ca Thiên Chúa”, xưa em vẫn hát! Sầu buồn một nỗi, há có phải vì tình người lạnh tanh, trong hành xử, cả vào đêm Chúa giáng hạ. Thế mới chết! Chết ở chỗ: Tạo Hoá ban cho con người, những hai tai để nghe biết. Nhưng, chỉ một miệng, đế nói năng. Thế mà người người đâu biết áp dụng, cùng tỷ lệ! Để ăn và để nói!
Đời người, nay nhiều vị vẫn cứ nói và cứ giảng. Giảng cho người. Giảng cho mình, cả những điều đâu nào ai yêu cầu? Có yêu và cầu chăng, cũng chỉ cầu mỗi chữ “Yêu”! Cầu, là để có những “bài ca Thiên Chúa”, “trong đêm lạnh”. Yêu và cầu, chỉ mỗi thế, là để:
“Lời nguyện mình, Chúa có nghe không?
Sao bây giờ, mình hoài xa vắng,
Bao nhiêu đêm, Chúa xuống dương gian.
Bấy nhiêu lần, anh nhớ người yêu.”
(Nguyễn Vũ – bđd)
Thế mới biết, bà con/anh em lâu nay hát câu “mênh mông buồn”, là bởi: mình những yêu và vẫn cầu người người hãy cứ “suốt đời có nhau”. Yêu và cầu, để rồi “bao nhiêu đêm, Chúa xuống dương gian”, cũng chỉ để “bấy nhiêu lần” anh “nhớ người yêu”.
Nhớ người yêu, em lại cứ thêm tĩnh từ “buồn”? Thành thử, “mỗi đêm Chúa xuống dương gian”, người vẫn buồn! Buồn rồi, mới hỏi. Buồn rồi, mới có lời đáp trả từ đâu đó, có thể từ Nguyễn Vũ “buồn” như sau:
“Dạo ấy, tôi chỉ là thiếu niên 14 tuổi hằng ngày đi lễ nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Sở dĩ tôi “siêng” đi nhà thờ đến vậy là vì tôi phát giác có một cô gái rất đẹp và...rất ngoan đạo. Hằng ngày cô vẫn đi lễ ngang qua ngõ nhà tôi.
Trái tim non nớt của đứa con trai mới lớn như tôi, thổn thức đến tội nghiệp! Đi theo cô suốt ba tháng, với 3 kilômét đi-về mỗi ngày, “mòn nhẫn” con đường nối liền nhà tôi và nhà cô ấy, gập ghềnh lũng đồi, như lòng tôi thấp thỏm ôm mối tình câm. Trầy trật mãi, tôi mới biết tên cô ấy là Th., hơn tôi 2 tuổi...
Cho đến một buổi chiều gần lễ Giáng Sinh, vừa tan lễ thì trời đổ mưa, cô nép vào một mái hiên trú mưa, tôi trú ké bên cạnh. Văng vẳng từ đâu đó, vọng ra bản thánh ca quen thuộc “Đêm Thánh Vô Cùng”, “Giây Phút Tưng Bừng”, “Đất Với Trời”, “Se Chữ Đồng...”
Th. đứng trú mưa và hát theo nho nhỏ. Thu hết can đảm, tôi đưa tay vuốt hờ lên những hạt bụi bám trên chiếc áo ấm của Th. Cô ấy nhoẻn miệng cười, nói: “Cảm ơn nghen!” và ánh mắt của cô cứ ám ảnh tôi mãi...
Tình yêu đơn phương, đến bây giờ người nhạc sĩ vẫn còn ôm ấp bằng hoài niệm. Bằng, ký ức đẹp để thành bài ca (x.www.nhacso.net/Music/Artist/2005/11/05F5F602).
“Thánh Ca Buồn”, à thì ra là thế. Thánh Ca Buồn, có là “tình buồn” mà bạn và tôi, ta cứ tưởng có mỗi thế? Thánh Ca Buồn, tình đời của người thanh niên muốn làm thánh lúc ban đầu. Nhưng lại ngần ngại, để rồi thành tác giả lạnh tanh, nhưng nổi tiếng!!
“Thánh Ca Buồn”, có là tình buồn để bầu bạn bần đạo nhớ về một truyện kể ngày Chúa giáng trần, của hôm nay. Truyện, là truyện để kể. Cũng dông dài. Lễ mễ như sau:
“Từ lâu, ở Đan Mạch, cứ vào độ tháng Chạp, người xem đài bất kể là có Đạo hay không, vẫn muốn biết về chuyện Đạo. Nên có thói quen theo dõi phim truyện nhiều tập ở truyền hình. Phim truyện dạo ấy, lại kể về Chúa-Giáng-Hạ-Làm-Người, kéo dài tận Giáng Sinh, linh đình lễ hội những 24 xuất chiếu.
Linh đình, là tình đã tỏ ở truyền hình Đan Mạch vào mọi năm. Những năm, có phim dài nhiều tập, cứ hoà trộn với văn hoá có tình tiết rất mới, nhưng cốt truyện lại y nguyên. Tình Giáng Sinh năm nay, như có chuyện gì đó xảy đến rất bất chợt, khiến người xem chẳng tài nào đoán trước sự việc sắp xảy đến. Phải chờ đến năm nay 2010, người dự khán mới thấy xuất hiện kịch bản khá ý nghĩa về một nhân vật thủ vai Giêsu Trẻ, thấy cũng lạ. Lạ hơn cả, là tựa đề “Giêsu và Diệu Sa, hai bé em”.
Giêsu và Diệu Sa, là trẻ đồng trang lứa. Cùng một ngày sinh, linh đình lễ tháng Chạp. Rất đẹp. Diệu Sa, là tên của bé em vốn ghét cay ghét đắng lễ hội Chúa-Giáng-trần. Đơn giản, chỉ vì Giêsu-Trẻ đã lấy đi mất sinh nhật vui nhộn của bé. Nên, dù còn nhỏ, bé cũng đã biết ưa và biết ghét. Ghét cả Giêsu bạn mình, chẳng muốn chơi chung. Đến khi gặp bạn lớn hơn, tên gọi là Diên Tử, cũng thù ghét Giáng Sinh, đến thê thảm. Diên Tử, tuy là bạn mới quen nhưng đã lang bạt kỳ hồ từ nhỏ, biết sáng chế máy du hành không gian, khá đặc biệt.
Diệu Sa gặp máy du–hành hình Máng Cỏ, được thiết dựng theo hình thái có ma lực ảo thuật, rất ít thấy. Ma lực của thiết bị có khả năng đưa người sờ chạm lãng du về chốn không gian vượt thời gian, không hạn chế. Hễ ai sờ vào thiết bị, đều có khả năng đi - về, từ Đan Mạch đến Galilê, đất miền đầu thế kỷ. Diệu-Sa rất thích thiết bị, vì nó có khả năng đưa bé đi đây đó mãi xứ miền của Giêsu-Trẻ Bé, hằng ngày. Bé Diệu Sa có thể ra vào đất miền văn minh tiến bộ, hoặc quê mùa thời tiên khởi, chẳng khó khăn gì.
Một hôm, Giêsu Trẻ bất chợt sờ vào thiết bị hình Máng Cỏ, bỗng được máy du hành ghé thăm nhà thờ lớn/nhỏ ở Đan Mạch, mà Giêsu chưa một lần mục kích. Sau đó, lại còn đặt chân đến Galilê, đích thân gặp mặt một Giêsu Khác to lớn, chững chạc đang nằm chết trên thập tự. Giêsu-Trẻ muốn tìm hiểu Giêsu kia là ai, nên Trẻ Bé bèn hỏi han những người hiện diện quanh đó, đến độ thiên hạ cứ tưởng Giêsu Trẻ là bé bất thường. Bèn, đưa vào bệnh viện tâm thần, để chữa trị. May thay, Diệu Sa kịp thời đến cứu và Giêsu Trẻ vội dùng máy du hành về lại quê nhà.
Diệu Sa tự hỏi: giả như Giêsu Bạn Mình cứ sống đời bình thường như mọi người, đâu cần Đạo giáo với thập giá làm gì cho thêm mệt! Để, mọi người phải sống đời khkổ hạnh. Đạo đức, rất nhiêu khê?
Diệu Sa nghe Diên Tử thuyết phục bằng lý lẽ trần tục, đã bắt đầu nghi ngờ nhà thờ, cùng Chúa Mẹ. Nghi ngờ cả sự hiện hữu thánh thiêng, của mọi Đấng. Bắt chước Diên Tử bạn hiền, bé bắt đầu chẳng tin gì chuyện tốt/xấu, với thần thánh. Vẫn sống kiểu vật chất như mọi người ở Đan Mạch. Bé, còn tưởng tượng thời vô tính, con người chẳng cần tên tuổi mà chỉ dùng con số, để phân biệt thôi. Và, mọi người vẫn cứ làm việc và làm việc như cỗ máy theo lệnh của chủ-nhân-ông luôn giấu mặt. Từ đó, lại cho rằng Đan Mạch là đất miền trần gian/trang trại của các thần rất điên và dễ chết như tên của bạn hiền, Diên tử. Và Diệu Sa, nay nghĩ: mẹ mình thật có lý khi bà cứ coi Đan Mạch là chốn ngục thất trần gian, rất bất hạnh. Chính vì thế, năm nay thiên hạ sẽ không tổ chức hội Giáng Sinh, linh đình. Hấp dẫn. Như năm trước.
Diệu Sa trở về kể cho Giêsu-Trẻ nghe biết về con người đích thật. Về, cách thức người xứ Đan Mạch cư xử với nhau không khác nào địa ngục, ở dưới thế. Giêsu-Trẻ nghe kể mà chẳng hiểu Diệu Sa muốn nói gì. Về nhà, lại nhớ về người đàn ông nằm chết trên thập giá, cũng cùng tên. Giêsu-Trẻ chìm vào giấc điệp lạ, qua đó bé thấy mình cũng trùng tên trùng tuổi. Cũng sinh ra ở Bét-Lem, như Đấng Bậc trùng tên kia. Trong giấc điệp, Giêsu –Trẻ thấy mình cũng lớn lên trong âm thầm. Cũng chết trên thập tự, mà mọi người đều nghe biết. Trong phút chốc, Giêsu-Trẻ quyết chối bỏ, không chấp nhận những điều lạ lùng như thế. Bé chỉ muốn trở thành tay “giác đấu” to lớn, khoẻ mạnh ở hý trường Côlôxêum, thời La Mã. Giêsu-Trẻ chối bỏ căn cước người Tử tội cùng tên vốn đã chết trên thập tự, thời buổi trước.
Lại một giấc điệp khác trờ đến với Giêsu-Trẻ. Với giấc điệp này, Giêsu-Trẻ lại gặp chính mình, qua hình hài Người Đàn Ông lực lưỡng, rất chững chạc. Người Đàn Ông ấy nói với Giêsu-Trẻ: Ta chính là ngươi đó. Nhưng, Ta sẽ không có mặt ở cõi trần, vì ngươi chẳng muốn trở thành như Ta, mà chỉ muốn làm tay giác đấu người La Mã, mà thôi. Nghe vậy, Giêsu-Trẻ bèn thổ lộ: Tôi đây nào muốn chết đứng trên thập tự, từ bao giờ? Người Đàn-Ông to lớn là Giêsu trong mộng nghe vậy bèn nói: Đúng! Nhưng, nếu ngươi không là Ta, thì kìa những người không mặt, không tên lại nghèo hèn, họ đang bị các chủ-nhân-ông, ở Đan Mạch, chèn ép chẳng thể nào có được hy vọng cho tương lai, mai ngày hết. Hãy đứng dậy mà sống và làm điều gì đó, cho họ. Rất có thế, đám ăn trên ngồi chốc ở trên kia đang tìm cách bắt ngươi, đem đi giết. Họ cũng treo ngươi trên khổ giá, là thập tự. Chính đó là việc ngươi cần làm. Hãy hy sinh, để họ được hạnh phúc.
Giêsu-Trẻ suy nghĩ rất nhiều về điều ấy. Đến một hôm, Giêsu-Trẻ bèn chạy đến với máy du hành vượt thời gian trở lại Đan Mạch. Lần này Giêsu-Trẻ yêu cầu Diệu Sa cho mình gặp những người nghèo, vô vọng. Cả những người lê la đầu đường xó chợ đang lê lết ở các nẻo đuờng của xứ Đan. Và Giêsu-Trẻ đã gặp họ. Nên đã hiểu. Và đã thương yêu. Giêsu-Trẻ đặt tay lên máy du hành vượt thời gian do Diên Tử sáng chế, khởi đầu hành trình đi Galilê. Ở nơi đó, Giêsu-Trẻ trưởng thành dần. Vội vụt đứng, mà đi đến với người nghèo hèn, cặn bã của xã hội Đan Mạch. Và cũng từ đó, Giêsu-Trẻ bị người đời bắt đem đi giết chết trên khổ giá vì dám chống lại cung cách họ đòi sống. Giêsu-Trẻ kể cho Diệu Sa nghe hết hành trình tuyệt vời ấy. Diệu Sa hỏi: thế bạn có chấp nhận được như thế không? Giêsu Trẻ nói: Dĩ nhiên là có. Bởi, nay Tôi đã hiểu nên đã thương yêu hết mọi người. Nên Tôi mới làm như thế, để họ sống. Kể từ đó, Giêsu-Trẻ trở về với Người Cha yêu quí. Rất mãn nguyện” (tóm tắt kịch bản của phim tập, ở Đan Mạch)
Truyện kể về một Giáng Hạ, kể cũng lạ. Lạ hơn nữa, vẫn là vấn nạn của người nghe kể thường vẫn hỏi: truyện ngày lễ như thế, xem ra không khá hơn gì mấy những tín điều trong Đạo. Phải chăng những truyện trong Đạo cũng mang dáng dấp nặng nề. Lê thê. Của bản kịch tập phim dài, chuyên che đậy trạng thái “Thánh Ca Buồn”? Nói rõ hơn, thì: “chuyện ngàn năm mây bay” ở chốn này, có là kịch phẩm người xưa viết, không còn hấp dẫn nữa không? Hoặc, cuộc đời đi Đạo của người thời đại, nay có thấy gì vui đâu?
Kể cũng lạ. Giáng sinh là lễ vui mà sao cứ gọi “Thánh Ca Buồn”, khiến người người cứ là hát:
“Rồi những đêm thánh đường đón Noel,
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu.
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối,
nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn,
“Đêm Thánh Vô Cùng” lạnh giá hồn tôi…”
(Nguyễn Vũ – bđd)
À thì ra, “lạnh giá hồn tôi”, là như thế. Ừ đúng rồi, tín điều buồn/chán rất có thể. Có thể, là có thể rằng: sở dĩ nhà Đạo mình cứ nghĩ rằng: tín điều/lời khuyên từ Hội thánh gồm nhiều chữ “Phải!” Có thể, là có thể rằng: tín hữu Chúa, vẫn cứ quên những lời khuyên từ bậc thánh hiền, hiểu rất rõ:
“Anh em hãy hành động như những người tự do,
không phải như những người lấy sự tự do
làm màn che sự gian ác,
nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa.
Hãy tôn trọng mọi người,
hãy yêu thương anh em,
hãy kính sợ Thiên Chúa,
hãy tôn trọng Vua.”
(1Ph 2: 16-17)
Hãy “yêu thương anh em”, và đừng coi đó như chữ “Phải”. Bởi, đó mới là thiên đường. Là, chốn phúc hạnh của lễ hội cũng rất vui. Là, niềm khát khao của người trần. Bởi, thiên đường đích thị là trạng huống cao cả nhất, của hạnh phúc. Hạnh phúc có đó, là cho con người. Hạnh phúc, chỉ có nghĩa khi con người biết “yêu thương anh em”. Yêu trong tự do. Thứ tự do không bị che khuất bởi những tối tăm của “gian ác”. Dù, người đời gọi đó là niềm vui chất ngất, ngày đại lễ. Và, niềm vui tự do chỉ xuất hiện khi con người biết “kính sợ” Thiên Chúa. Biết “tôn trọng” Vua.
Niềm vui thiên đường, luôn vượt quá khả năng của ngôn ngữ. Của những bài ca, ngày hội lễ mà người viết nhạc gọi là “Thánh Ca Buồn”. Thế nên, thiên đường ngày đại lễ đâu thể nào để ta coi đó như nỗi niềm chán ngán, rất tín điều. Thiên đường ngày đại lễ, chẳng bao giờ là ngày tháng dài, một nối tiếp cả. Thiên đường là bể tình yêu thương. Là, hạnh phúc miên trường, như Đức Giáo Chủ Bênêđíchtô 16 từng định nghĩa:
“Cuốc sống vĩnh cửu -chốn thiên đường- là trạng huống ta đắm chìm trong biển tình yêu thương vô bờ. Là, khoảnh khắc lúc đó –cả lúc trước lẫn về sau- không còn thấy xảy ra nữa. ta chỉ có thể bắt chụp một ý tưởng để thấy rằng khoảnh khắc như thế trong cuộc sống tràn đầy ý nghĩa của những ngụp lặn cứ lặp lại mãi đến thiên thu trong tính chất mênh mông, của hiện hữu. Khoảnh khắc, trong đó ta chỉ bị thoáng ngợp vì vui sướng.” (x. Hiến chế Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi, # 12)
Với một định nghĩa rất như thế, quả là: không còn chỗ cho các sự kiện được định danh bằng tĩnh từ “chán/ngán”. Chán sao được, khi người người thấy mình lúc nào cũng vui cũng tươi, đầy hy vọng. Chán sao được, khi hy vọng nay chan hoà khắp chốn. Khi vui tươi, càn quét rất kiên quyết. Nếu còn chán, ta lại vội hát lời ca hôm trước của nhạc sĩ buồn họ Nguyễn, rất như sau:
“Rồi mùa giá buốt cũng qua mau,
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu.
Rồi một chiều áo trắng phai mầu,
Em qua cầu xác pháo bay sau…”
(Nguyễn Vũ – bđd)
“Xác pháo bay sau”, ở đây, có thể là pháo nổ vào ngày cưới. Nhưng ai bảo, không thể là xác pháo vui mừng ngày Chúa Giáng Trần chứ? Thôi thì, ngày nào thì cũng được, miễn cứ là ngày kéo dài nhiều vui tươi, chan hoà hạnh phúc. Hạnh và phúc, của đất trời trong/ngoài nhà Đạo, những là lạo xạo một truyện kể để thư giãn. Buông lỏng. Ngồi rung đùi mà thưởng thức, cũng gọn nhẹ:
“Truyện rằng:
Giáng sinh năm ấy, một ngày rất chán trong đời người bạn trẻ không biết làm gì cho qua đêm, bèn lang thang chốn phố phường mìền tịch liêu, bèn chứng kiến một sự kiện.
Sự kiện là: hôm ấy, bạn trẻ thấy cô gái nọ lẳng lặng đứng trên cầu, vào giờ “G” buổi tối đêm 25, chừng như đang chuẩn bị để nhảy xuống sông Tiền, định tuẫn tiết (?)
Người bạn trẻ đi qua thấy thế, liền hỏi:
-Bộ, cô dự tính trầm mình dưới giòng sông, mà tự vẫn hay sao thế?
-Đúng vậy, em đang có ý định đó! Có gái trả lời rồi quay lại nhìn người vừa gạn hỏi.
Thấy cô gái khá xinh đẹp mà lại có ý định trầm mình tự vẫn thế, chàng trai liền yêu cầu cô trao tặng một nụ hôn để đời, trước khi cô tự vẫn. Không ngần ngại, cô gái liền đồng ý. Thế là, đôi bên liền có nụ hôn ngọt ngào, hiếm quý. Lợi dụng tình thế, chàng trai cố kéo dài thời gian hy vọng sẽ thuyết phục để cô gái đổi ý. Và, câu hỏi vỏn vẹn, chỉ một câu:
-Cô xinh đẹp và đáng yêu như thế kia, sao lại muốn tự vẫn?
-Dạ bố em cứ mắng rầy: tại sao em chỉ thích ăn mặc …như con gái?!? “
Cũng rất may, truyện kể có thể: chỉ là chuyện hư cấu. Tức, kể để mà kể cho qua đi cơn buồn chán, dù rơi vào ngày lễ hội. Ở đây, hôm nay, phải chăng ta lại đã “phát giác kinh khủng” thêm một sự rất thật, rằng: sở dĩ có buồn chán, đâu vì ta cứ suy và nghĩ những chuyện mang tính giáo điều, hoặc tín lý. Chán và buồn, có lẽ chỉ vì ta cứ quên đi những câu chuyện cười “huề vốn”, chẳng chết ai, như đời thường vẫn cứ gặp.
Vậy thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ thế mà thề nguyền: nhất quyết không buồn và không chán nữa. Vì, đã nhận ra được chân lý ở lời khuyên, rất như trên. Từ đấng thánh, rất Phêrô, rằng: “Hãy hành động như những tôi tớ của Thiên Chúa…” Biết “tôn trọng mọi người”. Và “Yêu thương anh em.” Vì tình thương chắc chắn sẽ giải thoát con người, khỏi nỗi chán. Của cuộc đời. Con người.
Trần Ngọc Mười Hai
Nay đã nhận ra
lời khuyên rất mặn mà,
của đấng thánh, sẽ không chán.
Dù, chán đó có là chán đời.
Chán Chúa. Hay, chán Hội thánh.
Con người.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.giadinhanphong.com )
No comments:
Post a Comment