Monday, 22 March 2010

Nơi em về ngày vui không em

Nơi em về trời xanh không em

Ta nghe từng giọt lệ

Rớt xuống thành hồ nước long lanh.

(Trịnh Công Sơn - Như Cánh Vạc Bay)

(2Th 3: 1)

Nếu có hỏi, nơi đi/chốn về của người em, mà lại hỏi kiểu đó, thì e rằng người em mình sẽ cho cả ông anh lẫn anh ông đi Tây, chín tầng mây. Cho được việc. Đi Tây, là: thướt tha những “đi tướt”/rớt đài về chốn miền đầy lả lướt. Ở trời cao. Cứ nghêu ngao ba câu hát. Trong lành. Lanh chanh. Đỏng đảnh.

“Đi Tây” đây, còn là lao xao vài ba câu hát, nơi khu làng tỉnh lẻ rất Nước Trời. Ở miệt dưới. Rất Sydney. Lao xao, ngày đầu năm chưa vui, đã thấy rầu. Đúng hơn, phải nói: vui buồn lẫn lộn. Vui, vì được tổ chức thánh lễ Tân niên vào Chủ nhật. Rầu, vì đầu năm/đầu tháng “đức thày” vừa xin Chúa xá tội xong, đã phiền lòng vì ban phụng vụ chọn không đúng bài đọc. Nên, “người” cứ giảng và dạy về “chay lòng”, “kiêng thịt”. Có phạt xác, ngày Lễ Tro. Phạt xác, theo đức thày, vì xác phàm mình quá tội lỗi. Và, con dân xứ đạo được nghe đức thày dạy về luật với lệ; mà chẳng nói về Lời Chúa. Phúc Âm.

Thôi thì, bạn và tôi, bà con mình hãy để lại đằng sau, chuyện phạt hay không phạt “Đền thờ của Chúa Thánh Thần”, mùa Chay kiêng. Chỉ xin hầu chuyện bà con/bầu bạn, ba câu chuyện về tâm tịnh, mà đón chào Lời Chúa. Như người nghệ sĩ viết về giòng suối “đón từng bàn chân em”, như sau:

“Suối đón từng bàn chân em qua,

Lá hát từ bàn tay thơm tho,

Lá khô, vì đợi chờ

cũng như đời, người mãi âm u.” (TCS – bđd)

Chẳng cần biết, có phải “đời người mãi âm u” là vì “bàn chân em qua”, hay em đến. Lá có khô vì đợi chờ. Chờ ngày vui. Người trông ngóng hay không. Nhưng, thật ra, lá có khô hay ướt chắc cũng chẳng vì cuộc đời của người cứ âm u. “Đi tướt”. Mà, có lẽ do người người cứ nhìn đời và nhìn trời, từ một góc độ rất khác biệt. Khác, như một nhận định hơi khang khác, từ vua/quan ở truyện kể, bên dưới:

“Có vua nọ, quyết treo giải cho hoạ sĩ nào vẽ tranh đẹp, về bình yên. Tâm tịnh. Nghe chiếu chỉ vua ra, nhiều vị hoạ sĩ quyết ra tay cố vẽ cho được bức tranh đẹp. Vua ngắm kỹ, chỉ thích mỗi hai bức. Tuy có thích, nhưng vua chỉ chọn bức nào tuyệt kỹ nhất, thôi.

Một trong hai bức tranh vua chọn, là bức nói về nước hồ êm ả. Có mặt hồ, tuyệt cảnh. Có núi non chót vót. Có, trời xanh. Mây trắng. Bềnh bồng. Rất lững lờ. Người chiêm ngắm đều thấy tranh “yên bình”, quả thật tuyệt.

Tranh thứ hai, có núi có rừng trùng điệp. Cả đá tảng. Chơ vơ. Ở trên đó, là bầu trời đầy giận dữ. Đã đổ mưa. Rất sấm sét. Ồn ào. Náo động, cả một cõi. Ngay cạnh vách núi, là giòng thác cuồn cuộn, bọt trắng xoá. Chẳng bình an. Cũng không thanh cao. Chút nào.

Vua ngắm tranh yên bình rất lâu. Bỗng, thấy ngay sau giòng thác chảy, có bụi cây nhỏ mọc từ khe nứt, của đất đá. Ở nơi đó, giữa giòng thác giận dữ trút nước, có con chim mẹ thản nhiên đậu trên cành, cạnh bên tổ. Bên cạnh đó, có chim con bầu đàn tíu tít, về với mẹ. Cảnh bình yên. Tâm rất tịnh.

Vua tuyên bố: “Ta chọn bức này. Rất bình và cũng yên. Bình và yên, đâu chỉ mỗi chốn vắng, không ồn. Nhiều giận dữ. Yên và bình, nằm ngay cảnh đầy phong ba/giận dữ ấy. Bình yên/thanh tịnh, chỉ hiện diện nơi trái tim mình. Đó, mới là ý nghĩa đích thực, của bình yên.”

Nếu vua kia, là nhà giảng thuyết rất đức độ, hẳn vua còn sẽ bảo: thế đó, là chay lòng. Tịnh tâm. Của Chay mùa. Có Đức Chúa. Thế đó, là bình yên. Rất thanh và rất tịnh. Trong tranh. Bình yên cuộc đời, còn hơn thế. Và, đây cũng là câu hỏi, mà nhiều người từng hỏi. Và, từng nói. Vào buổi lễ thanh cao. Có chay lòng. Tâm tịnh. Nhiều vị bảo: bình yên/tâm tịnh, là trạng thái về với Thơ. Rất yên. Và cũng rất tịnh. Chính đó là Lời Chúa. Chính đó, như đã có người từng gạn hỏi, ở bên dưới:

“Tôi lớn lên, ở khung trời thanh tịnh/bình yên trong một gia đình Công giáo toàn tòng. Lúc nào trong nhà cũng Kinh. Cũng Sách. Nhưng chẳng thấy ai lần giở trước đèn. Để đọc. Nay, tôi thấy rất nhiều người, Công giáo cùng Chính thống, biết bỏ giờ ra, mà suy và đọc. Đọc và suy, xong còn tìm hiểu. Rất thích thú. Nay, xin ngài giải thích sao có chuyện đó, vừa xảy ra, hôm nay? (Lại thêm một người gạn hỏi, nhưng không ký tên).

Hỏi, mà không ký. Tức, cũng chẳng quyết điều gì. Nhưng, vẫn được “đức thầy” họ Flader tên gọi là John, rất Sydney, như sau:

“Tôi đây kinh nghiệm cũng rất từng trải, từ một gia đình Công giáo, lúc nào cũng có Thánh kinh để trong nhà. Luôn mở ngỏ. Sách rất to. Đặt nơi cung kính, để người trong nhà có thể chiêm ngưỡng. Suy tư. Tôi nhớ không lầm, thì chính tôi cũng chưa một lần để mắt đến. Và, chẳng có ai trong gia đình, theo tôi biết, đã sờ chạm và đọc nững gì viết trong đó. Bởi, sự thể là Sách quá to. Không di chuyển được. nên chẳng khuyến khích ai cầm lên mà đọc hết.

Nhiều Sách thánh. để trong nhà, là cốt để mọi người nhớ đến ngày mình rửa tội, thêm sức, cùng rước lễ lần đầu, có ghi rõ trong đó. Chừng như, đó là mục đích tiên khởi, của người đặt Sách.

Sách thánh ghi Lời Chúa, thường đặt để ở vị trí trang trọng trong nhà, còn mang ý nghĩa xác nhận một kiểm tra căn cước. Nhận rằng: nhà này là Công giáo. Tựa như theo thánh giá gỗ hoặc ảnh Lòng thương Xót Chúa, ảnh Mẹ. chứ đâu phải để cho mình đọc và suy ngắm. Chuyện ấy đâu đã cần. Đặt như thế, là để nhắc mình, nhắc khách viếng, chúng tôi là người Công giáo, chánh gốc. Có Phúc Âm. Đàng hoàng.

Điều vừa kể, xem ra có hơi hài hước. Nói như người đời, là: chuyện tưởng như đùa. Nhưng có thật. Một sự thật, mà nhiều người Công giáo vẫn có kinh nghiệm từng trải, nhiều thế kỷ.

Quả là, thái độ này bắt nguồn từ các nhà Cải cách người Thệ Phản, hồi thế kỷ thứ 16. Từ bỏ Giáo hội –nhiều khi các vị này nghĩ Giáo hội Công giáo La Mã có sai sót, thối nát. Và nhiều trường hợp, nói cũng đúng- nên mới bỏ cả truyền thống vốn có từ ngàn xưa. Các vị bèn về với Thánh Kinh, để biết và hiểu điều Chúa muốn, với con người.

Đây là nguyên tắc mà tiếng Latinh gọi là “sola scriptura”, tức: chỉ có Kinh Thánh mới là nguồn cội của niềm tin và Mặc khải từ Thiên Chúa. Và, người Công giáo vẫn biết là chỉ với Kinh thánh thôi, cũng không đủ. Như tôi từng nói, Truyền thống sống động của Hội thánh mới cho ta Sách Thánh Kinh vào đầu hết. Và, có Chúa Thánh Thần soi sáng, Hội thánh mới có thẩm quyền dẫn dắt ta hiểu thấu đáo Thánh Kinh. nên, khi người người tìm cách dẫn giải Kinh thánh, tự khắc gây ra nhiều tranh cãi, không bao giờ chấm dứt.

Đó, cũng là lý do mà tại sao ngày nay có đến cả chục ngàn nhóm hội đoàn thể vẫn cam quyết rằng niềm tin của mình đặt căn bản trên cùng một Sách thánh.

Để phản bác lại những sai lầm của nhóm Cải cách hổi thế kỷ thứ 16, người Công giáo được khuyến khích hãy nghe theo lời giáo huấn của Hội thánh. Chỉ Hội thánh mới xứng đáng dẫn giải về Kinh thánh cho mình. Giáo dục mình, về những điều mà Chúa muốn mình am tường.

Kết quả là, suốt 4 thế kỷ sau đó, người tín hữu không được khuyến khích đọc thẳng Sách thánh, mặc dù có sự kiện là các nhà in/nhà xuất bản đều vẫn muốn Sách thánh được phổ biến tràn lan, khắp chốn.

Dầu sao đi nữa, người Công giáo vẫn quen thuộc Sách thánh, qua các bài đọc hàng tuần, vào thánh lễ Chúa nhật. Vào khi bẻ bánh Lời Chúa, ta được nghe cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Sau đó, còn được linh mục chủ tế hoặc thầy phó tế dẫn giải bằng các bài chia sẻ hoặc thuyết giáo, như vẫn gọi. Cùng một lúc, trẻ em cũng được học hỏi các phần quan trọng trong truyện tích Sách thánh, tại trường hoặc tư gia, có phụ huynh dẫn dắt.

Công Đồng Chung Vatican II cũng đã đem lại luồng gió mới trong thái độ đón nhận và đọc Sách thánh, mà lâu nay giáo dân vẫn thực hiện. Đặc biệt là chương cuối của Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải từ Chúa có tên gọi là Dei Verbum (Lời Của Chúa) đã khích lệ mọi người nên đọc Sách thánh, một cách tích cực. Trong đó, Hiến chế có lời như sau:

“Đại để, Thượng Hội Đồng rất thánh đã mạnh dạn và đặc biệt khuyến khích các tín hữu Đức Kitô, hãy biết cách mà học hỏi những gì thánh Phaolô từng xác quyết:‘mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi’ (Pl 3: 8). Đó là do năng đọc Sách thánh, như tổ phụ Giêrônimô đã minh chứng: “Không biết Sách thánh, là chẳng biết gì về Chúa hết.” (Thánh Giêrônimô, Comm. in Isaias, Lời bạt)

Thành thử, có ham đọc và học hỏi sách tu đức thánh thiêng, thì “Lời Chúa mới mau chóng được phổ biến và tôn vinh” (2Th 3: 1). Có như thế, kho tàng Chúa mặc khải vốn gắn liền với Hội thánh, mới lấp đầy tâm can con người.” (x. Dei Verbum, 25-26)

Ngày nay, con số nhóm hội/đoàn thể học hỏi Sách thánh trong Giáo Hội Công giáo gia tăng một cách đáng kể. Nhiều giáo dân, đã tham gia các khoá dẫn giải Kinh thánh theo nhóm hoặc theo từng cá nhân riêng lẻ.

Cũng là chuyện nên làm, nếu người Công giáo quyết bỏ ra mỗi ngày vài ba phút để đọc Kinh thánh, ít ra là Tân Ước. Đó là điều tốt. Có như thế, mọi người chúng ta, cũng như toàn thể Hội thánh và xã hội, sẽ được chúc phúc. Rất nhiều.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 14/2/10, tr.10)

Nói theo bài bản, tức: nói có sách mách có chứng, thì như thế. Nhưng nói theo lý lẽ/sự việc và cuộc sống hằng ngày, ở huyện, như chuyện “Nơi em về, ngày vui không em”, còn là nói và hát, những lời người nghệ sĩ đã mừng mừng tủi tủi, hát như sau:

“Gió sẽ mừng vì tóc em bay,

cho mây hồn ngủ trên đôi vai.

Vai em gầy guộc nhỏ,

Như cánh vạc về chốn xa xôi.”

(TCS – bđd)

Và, nói theo lời một linh mục còn-khá-trẻ ở Nữu Ước, nước Hoa Kỳ là nói về tình hình có tâm rất tịnh hay không tịnh, ở một số người Công giáo đó đây, như sau:

“Có nhiều người rất thích linh mục đến giảng tĩnh tâm và đặt tay chữa bệnh. Phần tĩnh tâm thì không cần thiết lắm. Phần nhận ơn và chữa lành mới là phần quan trọng. Chính tôi đã thấy, gần giờ kết thúc các buổi tĩnh tâm, có nhiều người tìm đến chỉ để được chữa bệnh và xin ơn.” (x. Lm Giuse Trần Việt Hùng pp, Đặc Sủng Về Ơn Lạ: Cứu cánh không biện minh cho phương tiện, www.giadinhanphong.blogspot.com , DIA số 69)

Và, nói về tâm tịnh có suy và có niệm, là nói rất nhiều. Dù, làm chẳng bao nhiêu. Bởi, đời người thường nói nhiều, chứ đâu làm nhiều. Chí ít, là khi tâm mình chưa tịnh để cứ làm mà không nói. Làm, là làm theo Lời Chúa. Nói, thì nên để Chúa nói cho mình. Cho người. Dù, người ấy có là người trong Đạo, hay ngoài đời. Suốt cả đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ xin

nghe, học hỏi, hiểu biết

rất nhiều điều.

Hơn là nói.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: