Monday 15 March 2010

“Chiều qua, bao nhiêu lần môi cười,”

Cho mình còn nhớ nhau. Chiều qua bao nhiêu lần tay mời, Nghe buồn ghé môi sầu.

Ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu.

Ngày nào đời thôi có nhau, xin người biết đau.”

(Trịnh Công Sơn – Chiều Một Mình Qua Phố)

(Ph 3 : 8-14)

Chiều hay sáng, cũng là những buổi sớm/muộn vẫn chợt đến/chợt đi. Cứ đi qua. Và đi mãi. Nhưng, nào đã thấy làn môi cười. Môi có cười, cũng chỉ cười khi ta nhớ. Nhớ nhau. Nhớ, những “lần tay mời”. Mời ăn. Mời nhậu. Mời xem phim. Và nhảy nhót. Mời và xin, còn có nhau. Cho dài lâu. Mời đây, là mời bạn/mời tôi, ta đến với nhau. Đến một lần, để cho biết.

Biết gì đây? Chắc chắn không để biết đau, như nghệ sĩ họ Trịnh từng diễn tả. Biết ở đây. Hôm nay, là biết rằng mình cũng từng được mời. Từng đưa tay, hân hoan chào đón. Từng mời mọc, rất thân thương. Rất vui mừng, mọi người đến. Mời và mọc, hôm nay còn là tạo dịp để ta tạo lại quan hệ gần gũi. Thân quen. Như từng thể hiện, nhiều như trước.

Mời một lần, để biết và để nhớ. Nhớ và biết, như lời người nghệ sĩ còn viết thêm:

“Chiều một mình qua phố,

âm thầm nhớ nhớ tên em.

Bước chân nghe quen cũng buồn,

lạy trời xin còn tuổi xanh.” (Trịnh Công Sơn – bđd)

Đúng thế. Mời hay gọi, vẫn luôn là gọi mời mọi người hãy nhớ tên em. Tên người. Tên của bước chân. Âm thầm. Của, những “áo xưa chưa quen phong trần, đợi mùa thu vàng áo thêm.” Thì ra. Đời người, vẫn cứ là mời và gọi. Để mọi người, còn có những “lần môi cười.” mà nhớ. Nhớ, rằng mình vẫn có nhau. Bên đời. Dù, “một mình qua phố”, chợt nghe câu truyện kể. Về mùa Chay, như sau:

“Truyện rằng:

Bạn đạo nọ, thuộc giống giòng hào kiệt, xứ Ái Nhĩ lan. Qua đây, thấy buồn bèn ngày ngày ghé bến uống bia, lia chia ngày 3 cữ. Nơi thôn làng hẻo lánh, bé nhỏ. Ở Sydney. Bạn có cái tài này –thật ra phải gọi là cái cố tật mới đúng- mỗi khi ghé câu lạc bộ thôn làng, chàng chỉ uống mỗi 3 chai. Vẫn một mình. Lần nào cũng thế, người bán rượu thấy bạn đến, cứ lẳng lặng lấy 3 chai, để bạn lai rai. Chẳng cần hỏi.

Uống đến quen, cả làng đều biết tiếng, gọi “Bạn” là “Người Bạn 3 chai bia”. Bạn, nghe đồn thế, chẳng lấy làm điều. Cứ đều đều gọi 3 chai, sau khi đi làm về. Tuần lễ sau, Bạn cũng lại theo thói quen, ghé câu lạc bộ gọi 3 chai, rồi chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng uống hết. Và ra về. Thấy thế, người làng nhờ người bán rượu chặn “Bạn” lại hỏi: “Dân làng ở đây cứ thắc mắc: sao Bạn lại chỉ uống mỗi lần có 3 chai? Sao không phải là 3 lần 3? Hoặc, chỉ một chai một, cho riêng mình?”

Nghe hỏi, Bạn bèn trả lời: “Chả là, em có hai anh trai. Một người nay đi Mỹ. Người kia sống ở Anh. Cả hai anh, chẳng có dịp để hàn huyên bia bọt, chiều chậm đến.” Dân làng nghe vậy, đều hiểu được vì sao Bạn có cái tên gọi quái gở như thế. Rồi, câu chuyện cũng qua đi. Chẳng ai buồn để ý đến chàng trai 3 chai, để làm gì.

Một hôm, theo lệ thường, “Chàng 3 chai” lại đến quầy uống rượu, gọi bia uống. Nhưng lần này, thay vì 3 chai, Bạn chỉ gọi mỗi hai, thôi. Dân làng thấy thế, từng người lại từng người, cứ đến mà bắt tay chia buồn, chẳng dám hỏi. Sợ phật lòng. Duy, có tay bán rượu dám bạo miệng hỏi “Bạn”, sao thế? Thì, “Bạn” thành thật trả lời: “Chẳng có chuyện quá vãng hay chết chóc gì đâu. Chả là, mùa này là Mùa Chay, nên “Qua” đây quyết tâm hãm mình nhịn miệng, cho riêng mình. Thù tiếp mỗi hai ọng anh. Chỉ có thế!...”

Ừ nhỉ. Mùa Chay là mùa gọi mời bà con mình sống đời thực tế. Có chay kiêng. Thực tế cuộc đời, cũng lại có những lời gọi mời rất thực và cũng tế nhị, như lời mời gọi rất như sau:

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI thôi thúc các Giám mục Anh (trong chuyến viếng Rôma theo cung cách “ad limina”) cứ tiếp tục biện hộ cho Hội thánh, quyền giáo huấn trong đời thường. Ngài thêm rằng: các Giám mục ở Anh có quyền ‘tham gia vào cuộc tranh luận trên toàn quốc qua đối thoại có tôn kính. Đối thoại với các thành phần khác của xã hội đời thường. Một khi là thành viên tham dự các bàn thảo công khai trước công chúng, các giám mục ở Anh vẫn duy trì được truyền thống tự do tư tưởng và phát biểu. Cả thứ tự do lên tiếng về quyền của người thường dám tin vào những điều chính đáng, nhưng không có khả năng hoặc phương tiện để phát biểu.

Đức Giáo cũng nói: ‘Khi số người rất đông, dám tuyên xưng niềm tin của mình nơi Đức Kitô, thì tại sao ta không để cho mọi người có cơ hội được bày tỏ cái quyền được cho mọi người biết Tin Mừng của Ngài? Trung thành với Tin Mừng không có nghĩa là hạn chế quyền tự do của người khác. Trái lại, việc ấy còn có nghĩa phục vụ quyền tự do của mọi người. Tự do được tiếp cận sự thật ”.(Carol Glatz, Church has right to bring Gospel values to debate, The Catholic Weekly 07/02/2010, tr.7)

Gọi và mời như trên, khác chăng lời thở than của nghệ sĩ họ Trịnh, khi hát tiếp:

“Còn một mình trên phố,

âm thầm nhớ nhớ tên em.

Ngoài kia không còn nắng mềm,

ngoài kia ai còn nhớ tên.”(Trịnh Công Sơn – bđd)

Nắng mềm không còn nữa. Tên em, chẳng buồn nhớ đêm. Vẫn cứ là, tâm trạng của những người hôm nay đang bị cuốn hút vào giòng chảy cuộc đời, rất thực tế. Dễ đê mê, chuyện tầm phào. Lạo xạo, đời vật chất.

Nắng mềm vẫn còn đó. Nếu em, biết tìm đến đúng chỗ. Đúng nơi. Những nơi, có sự thật “phơi bày trên mái nhà”. Mái, của thế giới nhân trần. Thế giới Đạo hạnh. Của Đức Chúa. Ta có thói quen gọi đó là LỜI. Là, Tin Mừng. Của Chúa. Cho con người.

Nắng mềm ngoài kia, nay được gọi là Kinh Thư, Kinh rất Thánh. Thế mà, nhiều người vẫn chưa nghe biết. Hoặc biết rồi, nhưng vẫn chưa hiểu. Hoặc, chưa giữ được LỜI. Chưa rao truyền/san sẻ cho mọi người.

Nắng mềm nơi ấy, nay mai sẽ có những bạn, những bè từng hỏi đến. Hỏi, như độc giả nọ ở Sydney, đã từng hỏi. Hỏi để rồi sẽ được nghe “đức thầy” nhà Đạo, có lời đáp, rất như sau:

“Các câu bạn hỏi về: “Nguồn gốc của Thánh Kinh? Đạo mình có thể tồn tại được không, nếu không sống Lời Chúa? Kinh thánh được chọn lựa cách nào để trở thành Sách cần thiết và quý báu như thế?vv. ” là những vấn đề nền tảng. Rất quan trọng. Thường thì người Công Giáo vẫn coi Kinh Thánh như một quà tăng cho không/biếu không. Có người chẳng tha thiết gì chuyện đọc và suy niệm Sách Thánh như kim chỉ nam cho đời mình. Nhiều người đọc Kinh Thánh bằng tất cả niềm tin, nhưng chẳng bao giờ tìm hiểu xem Sách này phát xuất từ đâu. Bao giờ? Xin tóm tắt đôi hàng để trả lời bạn.

Trước nhất, ta phải nhớ là Sách Thánh gồm 46 cuốn thuộc Cựu Ước, ta nhận được từ người Do Thái trước và vào thời đại Chúa sống. Còn Tân Ước gồm 27 cuốn. Tức, bao gồm các đoạn văn, thư nói về Đức Kitô, cũng như về Hội thánh thời tiên khởi.

Về Cựu Ước, cả Đức Giêsu lẫn các thánh Tông đồ đều sử dụng các sách thánh thiêng của dân Do Thái, coi như sách được Chúa Thánh thần hướng dẫn cho các thánh viết. Chẳng hạn như, các đoạn trong đó Chúa và các thánh tông đồ đều quả quyết: “Người đã ra đi, như đã chép về Ngài” (Mt 21: 42, 26: 24) và các Ngài đã tỏ ra tôn trọng những gì được viết trong Sách Thánh.

Thánh Phêrô còn mạnh dạn chứng tỏ đầy lòng tin tưởng rằng Sách Thánh của người Do Thái đã được Chúa Thánh Thần tạo nguồn hứng, khi thánh nhân nói với cộng đoàn tín hữu như sau: “Thưa anh em, Kinh Thánh phải được ứng nghiệm, lời Thánh Thần đã dùng miệng Đa-vít để tiên báo về Giu-đa, kẻ dẫn đường cho những người đến bắt Đức Giê-su.” (Cv 1: 16)

Kinh Thánh là Sách mà người Do Thái vẫn đọc vào các buổi lễ ở hội đường, ngày Thứ Bẩy. Và mọi người đều trân quý Sách Lời Chúa. Hội thánh tiên khởi đã chấp nhận mọi Sách Thánh của người Do Thái theo Bản Bẩy Mươi. Tức là, Bản dịch từ tiếng Do Thái qua Hy Lạp từ thế kỷ thứ 3 và thứ 2 trước Công Nguyên. Bản này được tất cả mọi người Do thái thời của Chúa, sử dụng rất phổ cập.

Bản Bẩy Mươi gồm 46 cuốn. Nay ta gọi là Cựu Ước. Dù, vào thời Cựu Ước cũng có các bản văn khác được lưu truyền giữa người Do Thái, nhưng theo cách thế còn nhiều điều khó hiểu, thì chính Chúa Thánh thần hướng dẫn mọi người chấp một số cuốn trong đó như được thần hứng. Có cuốn không.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có nói về Cựu Ước, như sau: ”Tín hữu Đạo Chúa rất tôn kính Sách Cựu Ước cói Sách này là chính Lời Chúa. Hội thánh luôn thẳng thắn chống đối ý kiến phản đối Sách Cựu Ước, nại cớ rằng Tân Ước mới làm cho Kinh thánh lìa bỏ chủ thuyết Marcion”. (GLHTCG #123)

Các sách Tân Ước được viết từng thời kỳ một, vào thập niên 50 và 60 sau Công Nguyên. Riêng các sách do thánh Gioan viết, trong đó kể cả sách Khải Huyền, được trước tác vào cuối thế kỷ thứ nhất. Tuy thế, cũng giống như Cựu Ước, vào thời ấy cũng có nhiều bản văn của Đạo được lưu truyền trong các Giáo hội vào thế kỷ thứ nhất. Trong đó, có sách Điđakê, tức “Giáo huấn của các thánh Tông Đổ”, và thư của Barnaba, qua đó Chúa Thánh thần cũng hướng dẫn Hội thánh để các ngài biết mà chấp nhận hoặc bác bỏ xem Văn bản nào được thần hứng, sách nào không.

Các bản văn được gọi là có thần hứng được ghi chép cẩn thận và phân phát cho các cộng đoàn, để họ dùng đó làm bài đọc, trong thánh lễ. Như, Lời của Chúa. Giống như ta hiện đang làm.

Mặc dù thế, từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, đã có nhiều bất đồng về việc có một số bản văn được đưa vào danh sách các văn bản có thần hứng. Vào năm 382, nghị quyết De explanatio fidei (Về Diễn giải niềm tin) có đưa ra danh sách gồm 27 cuốn sách, đến nay gọi là Tân Ước.

Về câu hỏi: “Có cần đến Kinh thánh không?” rõ ràng là 20 năm đầu thời Hội thánh tiên khởi, không có dấu hiệu gì cho thấy đã có bản văn Kinh Thánh nào được viết ra. Mặc dù thế, Hội thánh Chúa vẫn có khả năng lớn mạnh và sinh hoạt bình thường dựa trên Truyền Thống Giáo hội, bằng phương cách truyền khẩu.

Dù Chúa không có ra lệnh cho môn đệ Ngài viết lại sử sách –nhưng ít ra là những gì được ghi chép và coi như Lời của Chúa trong Kinh Thánh- vẫn là chuyện tự nhiên để ta hiểu là: các thánh Tông đồ và các vị khác vẫn muốn viết lại những gì mình nhớ lại là đã xảy ra; cũng như giòng chảy suy tư của các ngài về các sự kiện ấy, ngõ hầu gìn giữ cho các thế hệ về sau. Và, có điều chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã khích lệ các thánh để làm việc này.

Với những bản văn thánh như thế, Hội thánh Chúa càng có được nhiều nguồn phong phú/sung mãn hơn. Chính vì thế, ta nên thường xuyên đọc Kinh Thánh bằng sự tôn kính, thân thương, biết rằng chính Chúa nói với con người, ngang qua Kinh Thánh. (x. John Flader, The Catholic Weekly, 07/02/2010, tr.10)

Nói theo ngôn từ của người nghệ sĩ “ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu”, thì chuyện lâu dài, của Hội thánh vẫn là chuyện dài, cần Kinh Thánh. Cần, không chỉ là cần có văn bản rất thánh, đặt để ở đâu đó, mà trưng bày. Như triển lãm. Cần, là cần dân con nhà Đạo, cứ hãy trân trọng Lời Chúa. Cứ, thường xuyên đọc. Thường xuyên suy tư, niệm tụng. Mà gìn giữ. Và thực hành.

Xin cho dài lâu, còn là yêu cầu rất bức bách của thời đại, như lời Đức Cha rất thánh Biển Đức thứ XVI từng căn dặn hôm gặp gỡ các Giám mục nước Anh, vào chuyến “Ad Limina” 2010, rằng:

“Xin các bào huynh hãy cẩn thận mà chuẩn bị cho hàng ngũ giáo dân của quý vị biết chuyển tải giáo huấn của Hội thánh một cách chính xác và dễ hiểu. Đồng thời cũng xin tỏ ra rộng lượng trong việc thiết lập lương thực dự trữ, cho họ.”(x.Carol Glatz, bđd, tr.7)

Thành thử, nếu bạn và tôi đã trót hát bài “Chiều một mình qua phố”, cho người mình nghe, thì cũng nên hát cho trọn lời cuối của người viết họ Trịnh, có câu kết, như sau:

“Chiều một mình qua phố,

âm thầm nhớ nhớ tên em.

Áo xưa chưa quen phong trần,

đợi mùa thu vàng áo thêm.” (Trịnh Công Sơn – bđd)

Thu vàng áo. Chưa quen phong trần. Vẫn cứ âm thầm nhớ nhớ tên em. Dù, tên ấy có là tên của ai đó. Một người. Một cuốn sách. Chí ít, là Sách Thánh. Chớ nên quên.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn không quên tên

của Kinh Sách từng là giải đáp

cho mọi người.

Trong mọi sự.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: