Sunday 28 December 2008

“Tình là tình nhiều khi không mà có”

Chuyện Phiếm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia: 28/12/2008

“Tình là tình nhiều khi không mà có”

Tình là tình nhiều lúc có như không Tình xôn-xao như giọt nắng lên cao,

cho lòng mình mang-mang như làn khói Tình trôi qua như là giấc chiêm bao.

Ôi, tình đầu bỡ ngỡ cơn mộng du.

(Trần Thiện Thanh – Tình Có Như Không)

(Mt 22: 18-21)

Có những mốc điểm lịch sử, khi từng sống qua, bần đạo vẫn muốn hát lên những lời tương tự. Như, của người nghệ sĩ. Ngâm nga lời nghệ sĩ, là để muốn nói lên rằng: trong niềm riêng rất nhẹ, lúc tình đời dâng cao, vẫn làm cho người người ở đời, không dễ nhận ra, những ‘tình có như không’.

Nhìn vào cuộc sống rất ứng dụng, bần đạo nhớ rõ năm ấy là cuối thập niên ’60, người anh và cũng thầy của bần đạo đã từ Pháp quốc vội bay về quê Dòng, để cùng sống và cảm nghiệm những tháng ngày thực tế có cộng đoàn Hội thánh. Nguời anh năm ấy, đã dám bỏ cả chức giáo sư thực thụ trường Đại Học Sorbonne, Paris mà vị viện trưởng việc Đại học này, đề cử. Lúc ấy, anh chỉ muốn duy nhất một điều, là về lại quê hương sống đời thực tế trong và với tình Dòng còn son trẻ, có những “luồng gió mới”, có từ thời hậu Công Đồng Chung Vatican I, mới thổi về.

Mốc điểm lịch sử 1966, còn được đánh dấu bằng một vận động cho đám tu sinh Dòng của anh (trong đó có bần đạo, và anh em đồng môn), được tham gia cuộc sống học hành ở đời thường. Có triết lý đời sống và sống đời triết lý, với người thường ở đời. Và, với đời.

Triết lý sống và sống triết lý, là những gì mà nhà hiền triết nọ khi xưa từng nhủ khuyên: “Sống trước đã, triết lý hãy để sau”. Sống đời thường có triết lý, là những gì mà người đời thời nay thường vẫn ưu tư, thắc mắc về cái-gọi-là “chính trị và cuộc sống Đạo”. Tức: sống đạo làm người. Ở đời thường có Đạo. Nói nôm na, đó là những nhận thức sống có hành động xử thế đính kèm rất cụ thể. Trong Đạo. Ở đời.

Sống Đạo ở đời có triết lý, có chính-trị hoặc tà-trị đủ cả, vẫn là sống đời thường, ở huyện. Một huyện, có đủ thứ chuyện. Từ truyện kể về đời người. Đến chuyện về thái độ của người đời như sau:

“Thanh niên nọ, từ sở lái xe về nhà. Trời còn sớm, nên anh tạt vào cây xăng đổ ít xăng dầu giá rẻ ngày thứ ba, kẻo mai nó lên giá. Đổ xong, còn ít tiền anh mua lon bia uống sương sương để tự thưởng, sau một ngày mệt nhọc, đầy những việc. Đang nhâm nhi, anh bỗng thấy có mấy anh em đang làm lao động công ích, “trồng cây gây rừng”. Quan sát kỹ, anh thấy hai người trẻ cứ tàn tàn làm cái công việc “khá nặng” (?) mà chính phủ giao phó, không có gì vội vã. Vất vả. Cực nhọc. Người này đào đất sâu chừng ba tấc, xong xuôi bèn bước ra chổ khác; nghỉ một chút, lại đào tiếp. Đến lượt người kia, lấy chỗ đất vừa đào lên, đổ vào lỗ. Như cũ. Cứ thế, họ tiếp tục công việc, cho hết giờ. Ngay lúc ấy, thấy kỳ kỳ, người thanh niên lạ bèn trờ tới, nói với hai người anh em trẻ đang lao động công ích, rằng:

-Này các bạn. Xin lỗi vì cái tội cứ là hay dính vào chuyện của người khác. Nhưng, nhìn các bạn lao động, tôi không thể nào chịu được, đành phải nói lên ý kiến bản thân! Sao hai bạn cứ một người đào đất lên, người kia lại lấp xuống, làm hoài như cái máy mà chẳng suy nghĩ gì cả vậy? Bộ, hai bạn không có việc gì khác, để làm sao?.

-Việc chính phủ mà! Làm xong lãnh tiền. Bảo gì làm nấy, việc gì mà thắc mắc?

-Ấy! làm thế rách việc lắm, bao giờ mới hết. Với lại, chỉ tốn tiền bọn tôi đóng thuế, thôi!

-Dạ, ông chẳng hiểu gì chuyện “chính trị chính em” hết đó…

Đang nói nửa chừng, người bạn lao động trẻ kia, nghe thế cướp lời:

-Bình thường, thì bọn tôi 3 đứa, vẫn hợp tác lao động rất đều. Một, là anh Hai Lúa đây. Người thứ hai, là anh Tư Mập và tôi, là Ba Bệu. Anh Hai đây, chuyên trị việc đào đất, để trồng cây. Tư Mập, chỉ làm mỗi việc là: bỏ cây xanh mới trồng, cho xuống lỗ. Còn tôi, tôi phụ trách việc lấp đất, sau khi anh Tư Mập bỏ cây vào lỗ. Bữa nay, gặp lúc trời lạnh, nên anh Tư bị bịnh, nghỉ nguyên ngày. Anh Tư bị bệnh thì anh ấy nghỉ, đâu có nghĩa là bọn tôi cũng được nghỉ, khỏi phải làm công chuyện của mình, đâu. Làm việc theo giây chuyền mà, thưa anh bạn rất không thân!”

Sống đời thường có chính trị, đối với bần đạo, là sống những mốc điểm lịch sử được đánh dấu bằng các sự kiện: linh mục Dòng xuống đường, linh mục Dòng tham gia biểu (đồng) tình vụ “Pin Con Ó”, hoặc linh mục Dòng bậc đàn anh hòa mình vào với cuộc sống có hành động phản kháng chính trị ở cấp cao. Những nào: “Bản cáo trạng số 2…” “cải thiện chế độ lao tù”, phản chống cách đối xử với người dân thường/tù nhân bất đồng chính kiến, nhốt họ vào cái-gọi-là “chuồng cọp”, vv…

Một lần nữa, sống Đạo ở đời thường, là: chẳng dại gì mà dấn bước vào chốn có những cãi vã/tranh đua, ai đúng ai sai. Nay, chỉ muốn nhắc đến thái độ sống Đạo trong đời rất quả cảm của những người anh - người em, cùng thế hệ, đã dám đối đầu phản chống giới cầm quyền, chuyên nắm quyền sinh sát, những dân đen. Thấp hèn. Sống Đạo ở đời có chính trị, là thái độ của các vị dám dưa lưng, đưa đầu ra cho người ta (những người nắm quyền bính chính trị) phỉ nhổ. Chửi bới. Đánh đòn “hội chợ”. Rất đáng sợ. Sống Đạo ở đời, còn là dám thể hiện tình người, giùm giúp những người bị ruồng bỏ khinh khi, mà những “Pharisêu thời đại” luôn chỉ trích để chứng tỏ mình là người biết giữ luật. Rất khiếp kinh.

Nhắc lại ở đây, chỉ để nhớ. Nhớ rằng, vào thời của Chúa cũng xảy ra những tình huống, nhiều bẫy cạm. Bẫy và cạm, do bàn-tay-năm-ngón-đã-nhúng-chàm, tạo bức chế. Phạm quyền. Và để nhớ, là thời của Chúa, cũng có những đàn em làm “ăng ten”/“điếu đóm”, dám vặn hỏi:

“Xin Thày cho biết ý kiến:

có được phép nộp thuế

cho Xêda?”

(Mt 22: 18)

Nộp thuế cho Xêda, còn là hỏi thử: có được phép sinh hoạt chính trị, hoặc sống triết lý với giới “tà trị”? Trả lời của Chúa: “hãy trả về cho Xêda, những gì của Xêda”, là câu nói đượm nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa, của những tham gia chính trị với tà-trị. Ý nghĩa, dùng hình thức bạo động, khủng bố để hà hiếp đám dân đen, thấp hèn. Thì, câu đáp trả, sẽ là: “hãy trả về cho giới tà-trị chuyên bạo động, những giải pháp bạo tàn”, không cần có nơi Đạo.

Bởi, chính-trị của Đức Chúa, là chính trị của Tình yêu luôn ngự trị. Là, đường hướng cai-trị của Cha. Là, ngự-trị một cách chính đáng bằng tình yêu. Bằng, tha thứ. Thuần phục. Là, thứ chính trị khả dĩ biến đổi sâu sắc tâm can, của con người. Chính trị ấy, tuyệt nhiên không dùng phương pháp hay phương tiện của ác thần/sự dữ nơi cơ cấu/thể chế “thu về một mối”. Cũng, không áp dụng phương cách gây khiếp đảm. Trả đũa. Trả thù.

Chính trị của Chúa, không là trả lại, đáp trả hoặc ăn-miếng-trả-miếng với Xêda hoặc giới tà-trị đang cầm cân nảy mực. Mà là, “đem về” với Đức Chúa, những gì thuộc về Đức Chúa. Thực tế mà nói, chỉ thuộc về Đức Chúa, những gì là yêu thương. Tha thứ. Đỡ đần. Bao lâu, ta thực hiện được việc “đem về” với Chúa, tất cả những gì là Tình yêu từ phía địch thù, tà-trị hay toàn-trị…thì việc ấy mới đích thực là “chính trị” của Chúa.

Chính sách và chính trị đặt nặng lên yêu thương, Chúa đã từng chủ trương, luôn nhắc nhở dân con ở Vương Quốc Nước Trời. Các cụm từ hoặc nhóm chữ, như: thứ tha, yêu thương, “làm điều tốt lành cho trẻ nhỏ…” vẫn là chính trị, việc chính yếu trải dài từ đầu Kinh Sách.

Đọc kỹ Kinh Sách, hẳn bạn và tôi sẽ thấy rằng: chủ đích chính của nền chính trị nơi Đạo Chúa chính là Tình yêu trong ngự trị. Cai trị. Toàn trị. Tình của chính trị, là thứ “Tình là tình nhiều khi không mà có”. Và cũng có lúc, “Tình là tình nhiều lúc có cũng như không”. Như không, là bởi:

“Tình cho đi, cho từ lúc quen sơ.

Cho thật nhiều, bỡ ngỡ chưa hề cho.

Tình cho đi, nhưng chẳng nói năng chi.

Nên ngập ngừng, mãi mãi mối tình câm.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Tình phải là thứ cho đi, từ lúc quen sơ, hay ban sơ. Có thế, mới là tình của chính trị, chứ không phải của tà-trị. Sở dĩ có tà-trị, hay toàn-trị rất căng, là bởi những người làm công việc ngự trị một cõi -dù là cõi miền toàn những đất ở phía Nam- chỉ biết “nhận vào” chứ không “cho đi”, những tình là tình.

Sở dĩ có tà-trị và toàn-trị, thay vì chính (đáng) trị, hay “tình” yêu ngự-trị, là bởi ở đất miền ấy:

“những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau,

để làm cho Ngài lỡ lời, mắc bẫy.

Họ sai đến với Ngài các môn đệ của họ

cùng với phe cánh Hê-rô-đê.”

(Mt 22: 15)

Tức là, ở những nơi lẽ-đáng-ra tình yêu phải ngự-trị, thì lại thấy toàn những bè và cánh. Như thế, tại nơi được gọi là chốn bè bạn, sao toàn thấy những bè chứ chẳng thấy bạn, ở đâu hết. Dù đó có là bè Sá đốc. Dù đó, có là cánh Pharisêu, hoặc Biệt Phái, rất Kinh Sư.

Thành thử, suốt nhiều thế kỷ trải dài trong lịch sử Đạo và đời, cả đến hôm nay, người người vẫn thấy những chuyện trái khuấy xảy đến, cả với những người công chính, chuyên việc lễ lạy với tiến dâng Cha. Những bè phái, vẫn không kết-hợp hài-hoà được thói quen giữ Đạo trong chuỗi ngày của Chúa, có trách nhiệm. Trách nhiệm ở ngoài đời. Vào những ngày trong tuần. Trách nhiệm ngoài đời, là thứ chính-trị rất chính-đáng, có tình và có lý. Có cả “tình yêu ngự trị” như Chúa vẫn khuyên: “hãy đem về với Chúa, những gì thuộc về Chúa”.

Lời khuyên và cũng là hiệu lệnh ở trên, mà các bậc trưởng thượng đang “ngự-trị” Hội thánh, lâu nay có trọng trách rao truyền và công bố cho mọi người ở trần thế biết về đường lối rất chính và trị trên, có bổn phận sử dụng cơ cấu chính trị, hoặc diễn đàn thế giới, để thực hiện công tác mà Chúa giao phó. Công tác ấy, là việc hoà-phối sao cho “Tình yêu lẽ-đáng-phải-ngự-trị” được thể hiện với toàn thể tạo vật. Với người đời. Ở trong Đạo, cũng như nơi ngoài đời. Cả bên trong, lẫn bên ngoài nhóm dân-được-chọn.

Nhiều lúc, có bạn không đồng ý với các bậc “ở trên” đang chuyên trị chốn Tình yêu lẽ-đáng-phải-ngự-trị, mà lại không nắm được thông tin chính xác. Nên, đã dẫm chân nhau. Đã, vượt phạm vi quyền bính cho phép. Có lúc, xa rời truyền thống chân chính của Đạo. Xa rời, chốn cơ ngơi cần có của tình yêu ngự trị, là “chính” trị. Nên, thay vào đó, đã đưa ra những định hướng tưởng-là-chính đáng, rất chính trị. Nhưng thật sự, rất phóng túng, lôi kéo nhiều người bằng các bánh vẽ. Đa dạng. hấp dẫn.

Về tính cách và thái độ chính trị của Kitô hữu, sống ở đời, tác giả của “Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím”, từng có nhận định, như sau:

“Sứ điệp “được sai đến trong thế gian” của Đức Giê-su đã không khỏi mang một kích thước chính trị (vì “vẫn ở trong thế gian”) và đã dẫn tới cái chết vì một bản án rất chính trị. Nhưng tự bản chất, sứ điệp của Đức Giê-su hoàn toàn không phải là một sứ điệp chính trị. Tính cách đặc biệt của sứ điệp Đức Giê-su cũng là tính chất “không giống ai” của Hội Thánh (không kể những hiện tượng biến chất, lệch lạc) trong tuơng quan với trần thế và với lịch sử. “(Nguyễn Ngọc Lan – sđd tr. 145)

Để chuyện “Tình-yêu ngự trị” nơi chính trị, được thấm nhẹ một cách thư giãn, cũng nên nghe một truyện kể, rất nhẹ như sau. Truyện rằng:

“Mỗi khi bạn gặp thấy những chuyện bất công trong đối xử; hoặc, chuyện “tréo cẳng ngỗng”/tranh giành quyền lực ở chính trường, mà có người gọi là môi trường chính trị, hãy cứ nhớ truyện kể của Vũ Sinh Viên, viết như sau:

Tên tôi là Vũ Sinh Viên. Tôi vẫn từng dâng lên Chúa lợi ngợi khen tung hô về những việc Ngài dùng tôi làm chứng tá để đánh động hằng trăm, hàng ngàn người trên thế giới! Chuyện của của tôi đơn giản chỉ thế này: Tôi sinh ra không có cả chân lẫn tay. Các bác sĩ tìm hiểu mãi, vẫn chẳng biết phải nói thế nào để giải thích về các thiếu xót bẩm sinh của tôi . Như các bạn biết, tôi từng đối đầu với rất nhiều gian nan thử thách, mà người Công giáo có thói quen gọi là “thánh giá Chúa gửi đến”.

Nhưng với tôi, thưa các bạn, tôi đề nghị ta vẫn coi đó như niềm vui trinh trong mỗi khi bạn hoặc tôi gặp phải khó khăn nhiều thứ, mắc trong đời. Và, như bạn biết đấy, trong mọi việc, mọi môi trường hoàn cảnh, Chúa vẫn hoạt động tốt nhất cho những ai biết Yêu thương Ngài.

Câu nói này đi thẳng vào phần thâm sâu của trái tim và đánh động đến nỗi tôi đã, nên đã thuyết phục tôi, rằng: những chuyện như thế không thể coi đó là cơn may, hoặc cơ duyên hoặc một trùng hợp ngẫu nhiên khiến các việc tệ hại ấy, lại xảy đến với đời mình.

Nay, tôi thấy Vinh Quang Chúa vẫn tỏ lộ rằng Ngài sử dụng tôi theo phương cách tôi đang sống và bằng những phương tiện mà người khác không có, để sử dụng. Tôi, nay đã hai mươi ba tuổi đời, và vừa hoàn tất văn bằng cử nhân Kinh Doanh, chuyên khoa Hạch Toán Kinh Tế. Tôi còn là một người chuyên thuyết giảng cổ động, thích ra ngoài đời để chia sẻ chuyện đời tư của mình và làm chứng tá cho Chúa, mỗi khi còn có thể làm được. Tôi triển khai khoa ăn nói về những gì có liên quan đến vấn đề trên, và khuyến khích các sinh viên còn trẻ tuổi ngang qua các đề tài đang thách thức giới trẻ dưới hai mươi. Và, tôi còn là tiếp thị-viên cho công ty tôi đang làm nữa.

Tôi có cái đam mê không bỏ được là mong đến với lớp người trẻ để cho họ chứng kiến thấy những gì Thiên Chúa muốn tôi làm. Và, có thể nói, bất cứ nơi nào mà Ngài dẫn chân tôi đi, là tôi đến.

Tôi cũng có nhiều ước vọng và mục tiêu mà tôi vẫn hoạch địch cho đời mình, mà tôi vẫn muốn mình phải hoàn thành, cho kỳ được. Thật tình mà nói, với thân thể như thế này, tôi muốn thành nhân chứng hữu hiệu hầu biểu tỏ Tình Yêu và Niềm Hy Vọng, của Chúa. Tôi còn muốn trở nên một diễn giả quốc tế, được sử dụng như một con tàu qua lại các địa điểm để nối kết người Công giáo với người ngoài luồng.

Từ nay cho đến năm tôi 25 tuổi, tôi cũng muốn độc lập về tài chánh, hoạt động ngang qua lĩnh vực đầu tư ngành Địa ốc, điều chỉnh phương tiện đi lại của tôi để có thể tự lái, để được phỏng vấn trên chương trình của cô Oprah Winfrey, nữa. Tôi còn có mộng viết sách bán chạy nhất chưa từng thấy. Và, tôi hy vọng rằng tôi có thể kết thúc cuốn đầu tay, nội nhật từ nay đến cuối năm. Tựa đề của sách sẽ là: “Không chân, không tay, không cả những âu lo.”

Điều lớn lao nhất mà tôi muốn viết về Quyền Năng của Thiên Chúa, đại loại là như thế này: nếu bạn muốn làm một việc gì cho Chúa, thay vì mìnhquá đặt nặng lên những chuyện như khả năng của mỗi người, hãy chú tâm vào chuyện mình sẵn sàng mở ngỏ, cho Chúa. Bởi, mọi người chúng ta, ai cũng biết rằng Chính Chúa hoạt động ngang qua ta và, ta không thể nào làm được điều gì, mà lại không nhờ có Ngài.

Một khi ta sẵn sàng mở cửa lòng để Chúa hoạt động, thì đoán thử xem ta dựa vào khả năng nào để tin tưởng, ngoại trừ Chúa?

Cho nên, dù có rơi vào trường hợp nào đi nữa. Dù có tồi tệ như chuyện chính trị, có cãi vã và tranh giành gì đi nữa, xin cứ cảm tạ Chúa hết lòng. Cho đến cùng. Và, Chúa sẽ chúc lành cho mọi người. Giống như tôi.

Xem như thế, tình đời nơi chính trường, hay tình nhà Đạo ở chốn lao xao, rất ngộp thở, cũng là tình, ta nghe hát:

“Tình là tình, tìm nơi đâu cũng có.

Tình gặp rồi, nhiều lúc có như không.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Bởi lẽ:

“Rồi, tình chợt bừng lên như lửa nóng

rồi tình là một tiếng sét thinh không.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Tiếng sét đánh, không là tiếng sét ái tình. Thứ tình, từ đầu buổi mới biết yêu. Mà là, tiếng sấm sét của Đấng Tình Yêu, vẫn nhắc nhở ta đừng quên tình người. Dù có ở nơi tình trường, toàn chính trị. Chốn hư danh.

Trần Ngọc Mười Hai

cứ ái ngại mãi

về tình người ở đời

và tình đời ở người trong Đạo

có quá nhiều chính trị

hay tranh chấp.

No comments: