Monday 8 December 2008

“Đừng xa nhau nhé!”

Đừng quên nhau nhé ! Đừng chia nhau núi cao vực sâu. (Phạm Duy – Đừng xa nhau)

(Mt 19: 21)

Có 3 người, tất cả là bạn của bạn, hay còn gọi là: của “nhà tôi!”, để rồi nay thành “bạn ta”, tức bần đạo. Bạn của bạn, đến từ đất miền xa xôi cực Bắc, rất Mỹ Châu. Một vị, từ thủ đô hào nhoáng, xứ Hoa Kỳ. Hai vị kia, từ vùng sâu vùng xa, đất miền Calgary. Lần này bạn đến, không để vui chơi ăn nhậu, sau nhiều năm vắng bóng. Nhưng, đến để tìm lại tâm tình thuở nhỏ, hát cho nhau. Bạn đến, bọn tôi chỉ biết mời bạn ngồi nghe những tình tự day dứt, dứt quyết ở trên.

Bạn, dù mới thân, tuy chưa quen không khí rất Đạo hiền, rất ưa hát. Nhưng, đã thấy thấm thía tâm tình, khó xa nhau. Tâm tình, được thấy và gặp ở lời ca/nơi tiếng hát, tiếp tục kể bên dưới:

“Đời phai mau, người ghen nhau

lòng vẫn cứ ngọt ngào,

miệng ru nhau những ân tình sâu.

Đừng xôn xao, đừng khóc giấu,

Đừng oán trách phận bèo,

Vì sông xa, vẫn trung thành theo.” (Phạm Duy – bđd)

Với bầu bạn mới thân cũng vừa quen, thì lời khuyên chỉ như thế. Còn, các bạn từng suy tư dông dài những “Đạo vào đời”, thì bần đạo lại sẽ mời nghe Lời vàng, đầy khuyên bảo, sau đây:

“Nếu anh muốn được trọn lành,

hãy đi bán những gì anh có,

mà cho kẻ khó,

và anh sẽ có (cả) kho tàng trên trời,

đoạn hãy đến mà theo Tôi.”

(Mt 19: 21)

“Hãy đến mà theo tôi”, xưa nay vẫn là lời gọi mời, rất thân thương. Khẩn trương. Trìu mến. Duy có điều, là: người xưa vẫn hiểu câu nói đó như một gọi mời, đi vào cuộc sống có trầm lặng. Êm ắng. Rất đời tu. Có lẽ, vì quá câu nệ/gò bó với cõi “đời tu”, nên sự thể là: dạo gần đây có nhiều hiện tượng lạ kỳ ít phấn khởi, khiến bạn và tôi, ta không thể không quan tâm để ý, mà luận phiếm.

Cách đây không lâu, tác giả Richard G. Malloy đã thực hiện một khảo sát nhỏ nhưng cũng sâu và rất sắc về tình thế cuộc đời có những “oán trách phận bèo”, rất đời tu. Nên, đức ngài đã có nhận định đầy con số, gây nhiều bức xúc, ưu tư như sau:

“Vẫn còn đó nỗi buồn, một sự kiện. Sự kiện, tựa hồ hồi 1965 ở Hoa Kỳ, thống kê đếm được con số người giữ Đạo ở nước này, thấy đã lên đến 45,6 triệu. Trong số đó, 48,992 vị là chủng sinh. Họ đeo đuổi công cuộc đào tạo vào thời đại học, đến khi trở thành linh mục, mới thôi. Năm 2006, số người đi Đạo ở đây vọt lên mức khá cao: 69,1 triệu. Nhưng, số chủng sinh tiếp tục đời dâng hiến Chúa, nay tụt xuống còn 5,642 vị. Cũng một tình huống tương tự, số các vị đeo đuổi cuộc sống tu trì, tức tu sĩ nam nữ, nay giảm sút còn tệ hơn nữa.” (x.Richard G Malloy, Đời tu trì thời Facebook, Người trẻ nay đi đâu? America 14/7/2008, tr.14)

Tựa đề trên, nếu hỏi rằng: người trẻ nay đi về đâu? có lẽ tác giả nay bức xúc hơn về cuộc sống “không tu trì” của đám người được gọi là: trẻ. Nay, ta hướng về các vị luống tuổi, đã hết tu, để rồi phiếm. Cứ phiếm và luận, về tình hình các vị già/trẻ vẫn còn hoặc đã hết tu.

Làm sao tu, khi mà phần đông người trẻ hôm nay (hầu hết ở nước ngoài), ít còn biết đến Đức Giê-su. Ít lưu tâm đến chuyện nhà thờ. Đến niềm tin và cuộc sống rất tu. Tuổi trẻ hôm nay, đâu biết nhiều về những chuyện thuộc kiến thức chung, rất Công giáo. Thật ra, thì người trẻ ở trời Tây, cũng đã biết và muốn rõ đôi nét về các tín ngưỡng khác, hơn là bận tâm về truyền thống của Đạo mình.

Có người trẻ, đã chạy đến với một linh mục không đến nỗi già, để khoe: tôi thật tình muốn nghiên cứu thêm đôi chút, về Phật giáo. Tôn giáo này, xem ra, khá tuyệt hảo! Nghe vậy, vị linh mục không-còn-trẻ ấy kể lại câu trả lời của riêng ông: “Chà, ra thế! Thế, cô có khi nào nói đi thì nghĩ lại, rằng: mình sẽ tìm hiểu về Đạo giáo vốn dạy cho mình biết về Chúa; về Đạo của cô, để cô và tôi tìm cách mà sống cho tốt như Ngài, hơn không?” Cô bắt ngay vào chuyện và hỏi: “Đạo gì mà hay thế?” Vị linh mục bèn trả lời: “thì, Đạo Công giáo của cô, chứ đạo nào nữa, bây giờ!” Và ông nói thêm: “đó là sự tin tưởng, mà nhờ đó cô chịu thanh tẩy, có thêm được sức mạnh, đẻ trẻ trung.”

Nghe lời bàn của linh mục, lâu nay ta cứ tưởng: những người trẻ, hễ đã rửa tội hoặc chịu phép thêm sức, bao đồng, là tự khắc thấm nhuần rất nhiều “sự”, trong Đạo. Hệt như thế, ta vẫn tưởng nam thanh nữ tú ngày nay, đều biết đến thánh Tôma, nhà thần học nổi danh, hoặc thánh Phanxicô, người đã đặt ra “kinh Hoà Bình”, thánh Âu Tinh, Don Bosco, là những ai. Thật tình, người trẻ hôm nay chỉ biết đến, những là: Elvis Presley, Michael jackson, Madonna hoặc ai đó, ở ngoài đời. Có bạn, khi được hỏi: “xin hỏi bạn Vatican II là tên của ai? cái gì?”, đã nhanh nhẩu trả lời: “chừng như đó là tên của vị Giáo Hoàng nào đó, thời buổi trước!”

Cũng thế, có bạn mình lại cứ tưởng: người Công giáo ta thích hát “Kinh Hoà Bình” (của Kim Long), hoặc “Tình Ca 3” (của Thành Tâm), hơn các bài “Em ơi, Hà Nội Phố!” (của Phú Quang) hoặc “người con gái nói không là có, nói có là không…” Nhưng thật ra, ta lầm. Lầm khá nhiều, khi nghĩ rằng người trẻ đất Việt biết nhiều về các vụ “Thái Hà – Toà Khâm Sứ” xử loạn xạ 8 giáo dân…hơn những chuyện linh tinh, này khác. Sự thực, không phải thế. Người trẻ các nơi –không riêng gì ở Việt Nam- chỉ thích sống kiểu “đại gia”, ăn chơi thả cửa. Tới đâu thì tới. Sống chết mặc bay. Dù “bay” đó, có là ông cha hay vẫn là các cụ cán bộ không-còn-là-đầy-tớ-dân.

Bởi thế khi xưa, nghệ sĩ già vẫn nghêu ngao hát:

“Đừng đi mau, để mãi mãi,

là chiếc bóng đậm mầu

còn theo nhau

đến muôn đời sau.” (Phạm Duy – bđd)

Bóng đậm mầu, (chứ không phải “nhiệm mầu”) có thể là ảnh hình của đời, hoặc thày tu? Cũng có thể, là: cuộc sống hằng ngày của con dân nhà Đạo. Vẫn được dạy, như sau:

“Vì kẻ được gọi thì nhiều,

nhưng người được chọn thì ít”

(Mt 20: 16/22: 14)

Cái kẹt ở đây, vẫn là: người nhà Đạo, từ xưa tới nay cứ nghĩ: Chúa gọi, là Ngài gọi mời người đời sống cuộc sống tu trì. Sống đời tu trì, các cụ lại cứ nghĩ: đó là nhà của Chúa, tức nhà Dòng. Nhà xứ. Chứ đâu phải là…nhà ta. Tại gia! Chính vì thế, đó mới là vấn đề. Và vấn đề, là: nếu quan niệm “tứ hải gia huynh đệ” là nhà; hoặc: “”cái nhà là nhà của ta, công khó ông cha/Cha Ông lập ra”, thì vấn đề sẽ khác. Và, điều khác ấy, nay thành chuyện. Chuyện của con người. Ở huyện.

Gọi thì nhiều, phải chăng như lời nghệ sĩ xưa rất già, nhưng vẫn trẻ ở lời thơ:

“Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu,

mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu.

Đừng xa nhau nhé,

Đừng quên nhau nhé… (Phạm Duy – bđd)

Xa nhau/quên nhau, cũng tựa như quên lời gọi mời của người Tình âu yếm, rất thân thương: “Hãy (cứ) đến mà theo Tôi!” Thật ra, nghe gọi mời đã từ lâu, nhưng người người lại cứ cắt nghĩa những mời và gọi ấy theo nhiều cách, đến nản lòng. Và, người nản trước tiên, là đám trẻ. Đám trẻ hôm nay, vẫn muốn biết Hội thánh nói chuyện cởi mở hơn về truyền chức thánh cho nữ giới. Về, cơ hội đồng đều cho cả hai giới tính. Người trẻ, vẫn muốn giáo hội trung thực và thẳng thắn trong chia sẻ những bức xúc. Chứ đừng, khư khư với “giới tính chủ nghĩa”, luôn áp đặt vào với “Nước Trời”.

Người trẻ hôm nay, rất ưu tư về các món nợ nần, vẫn còn thiếu ở thời đại học. Vốn ưu tư, nên người trẻ mãi phân vân không biết có nên dấn bước vào chốn đời tu, hay sống đời gia đình, có lứa có đôi. Có một số trung tâm tài chánh/kế toán khi được hỏi, cũng đã đặt vấn đề khó khăn của lớp trẻ cứ lo toan việc trang trả nợ nần tiền học, suốt mười năm. Càng thấy khó hơn, khi họ phải đắn đo suy tính một đời tu. Dĩ nhiên, chuyện này chỉ thấy ở khung trời rộng mở, cõi trời Tây. Nhiều lo toan. Ít vô tư.

Có “cõi tu”, nay vẫn ngại ngần về chủng tộc, và giai cấp. Bởi, cho đến nay hầu hết “cõi tu” ở nước ngoài đều thuộc lớp người da trắng. Họ những muốn, dòng thánh mình mang dáng dấp uy nghi cao sang của tầng lớp trung lưu hoặc hơn một chút. Nhiều thành viên sắc tộc khác ở Hoa Kỳ, còn thấy khó vì ít khi gặp cộng đoàn nhà tu nào thoải mái, có thói quen chuyên cung cấp thực phẩm của bản sắc dân tộc mình (dân Nam Mỹ, Châu Phi…) Có vị, chỉ thích cộng đoàn nào rất “tu” nhưng vẫn thấy phải thoải mái hơn, khi có âm nhạc và thức ăn, đúng sở thích. Có nơi, còn đặt vấn đề lối sống vừa phải, trung lưu.

Một trở ngại khác, là học phí. Nhiều vị, những muốn tu trường Dòng, nhưng mỗi lần nghĩ đến học phí phải trả, cũng đành cáo lui vì lý do khiêm hạ: “có thực mới vực được Đạo”.

Các lý do thoái thác cuộc sống đời tu -nhất thứ, ở nước ngoài- nay vẫn không thiếu. Không thiếu, và có khi còn có nhiều hơn, khi người người thấy rằng giới trẻ hôm nay suy nghĩ nhiều về các khác biệt, trong văn hoá. Văn hoá Đông-Tây. Văn hoá và lối sống có va chạm mạnh giữa thế hệ: già - trẻ. Cả quan niệm: trọng nam khinh nữ, của Đông Phương.

Nói gì thì nói, ngày hôm nay người người vẫn cứ quên đi mất một chuyện. Chuyện ấy là, sức bật làm việc của Chúa Thánh Linh. Chúa làm việc, Ngài đâu có ầm ĩ, những khua chiêng. Nhưng, vẫn “thằng bé âm thầm, đi vào ngõ nhỏ”. Có lặng thinh. Im ắng. Có hy vọng. Hy vọng nhiều, như thời kỳ Hội thánh tưởng-chừng-như-là “hết thuốc chữa”, ở cuối thế kỷ thứ 15. Thế kỷ của những chuyện bê bối, đến lạc Đạo. Thế nhưng, Chúa Thánh Linh vẫn làm việc. Ngài làm việc theo kiểu rất lạ, không ai đoán trước. Và lúc ấy, đã xuất hiện một Y-Nhã, một Gio-an Thiên Chúa. Và, cả thánh nữ Têrêxa thành Avila, nữa.

Hội thánh, nay dù ù lì hoặc đã chầm chậm, nhưng vẫn hy vọng. Hy vọng, ở cuối đường hầm, ta không đoán trước. Cũng chẳng thể nào đoán già/đoán non, tìm lý chứng. Hãy cứ hy vọng, và hy vọng. Rồi ra, ta sẽ có giải pháp mới, cho đời tu. Miễn là, Hội của các thánh vẫn biết nghe và biết nhận. Nghe và nhận, như truyện kể để minh hoạ, rất không lạ. như sau:

“Hôm ấy, người bàng quan/qua đường đã thấy bóng dáng anh thanh niên mù loà ngồi trước cửa một cao ốc. Lẳng lặng. Bất động. Anh chỉ lật ngửa chiếc nón, bên cạnh ghi rõ một câu: “Tôi mang thân phận mù loà, xin tiếp cứu”. Ngồi lâu, nhưng sao chẳng thấy ai cứu vớt. Vẫn chỉ có vài đồng bạc cắc cỏn con, khiêm tốn.

Chợt có bộ hành đang vội bước, thấy thế đứng lại. Ông bỏ vào mũ người mù vài xu, rất nhẹ. Nhẹ đến độ chẳng ai hay biết. Nhìn quanh không thấy ai để tâm đến sự việc ông làm, ông cầm tấm biển, lật mặt kia lên biên thêm vào đó, đôi giòng chữ.

Chẳng bao lâu, mũ của hành khất mù, đầy ắp những tiền, không chỉ có bạc cắc hoặc đồng xu. Đọc hàng chữ, người qua lại đã cúi xuống bỏ tiền, không do dự. Chiều đến, người khách lạ đã từng thay đổi tấm biển, giờ trở lại xem sự thể diễn biến ra sao. Người trẻ mù nghe tiếng gió biết ngay đó là vị khách đã làm nên sự việc, vào sáng nay, nên mới hỏi: “Có phải ngài là vị khách đã thay đổi chữ viết trên biển giấy của tôi, không? Xin cho biết: ngài viết vào đó, những gì?

Vị khách trả lời”

-Chẳng giấu gì anh bạn, tôi chỉ muốn nói lên một sự thật. Tôi viết đúng những điều anh nói, nhưng viết cách khác, thế thôi.

-­Dám hỏi khách lạ: phương cách và lời ấy như thế nào?

-Điều tôi viết, vỏn vẹn chỉ mấy câu: Hôm nay, trời quá đẹp, nhưng tôi không thể nhìn thấy.” Anh thấy câu nói của anh và câu tôi sửa, có gì khác nhau không?

-Phải nhận là quý khách thật sáng ý. Cả hai câu cho thấy, tôi đây mang thân phận kẻ mù, nên rất ngu. Điều ngài viết, nhấn mạnh một điều, là: mọi người vẫn may mắn hơn tôi. Được nhìn thấy bầu trời trăng sao, đời vẫn đẹp. Đó là vấn đề, thầy ạ. Xin cho tôi được phép gọi ngài là: thầy. Vì ngài đáng bậc thầy của kẻ vừa hèn vừa ngu này.

Một lần nữa, truyện kể để minh hoạ hôm nay, đơn giản chỉ có thế. Nhưng, người kể hôm nay đã thêm một lời bàn rất ý nhị. Lại sâu sắc. Chí ít, là chuyện mà bần đạo vừa phiếm, ở trên. Lời bàn, là lời giản dị như sau: hãy cảm kích những gì mình đang có. Có thể, đó là việc sáng mắt. Có thể, là đời mình đang sống, vẫn đẹp. Vẫn thoải mái. Vì quá thoải mái, nên mình chẳng nhớ và nghĩ đến người khác. Nghĩ đến cuộc sống người khác, tuy có khác, nhưng vẫn sáng tạo. Đổi mới. Khác nữa là, cuộc sống ấy bạn mình muốn gọi là gì cũng được. Đời tu. Sống khổ. Gò bó, chắt bóp, hạn hẹp. Nhưng, lại là cuộc sống rất đẹp. Sống ý nghĩa. Sống thích hợp với lời mời khi xưa: “Hãy đến theo Tôi”.

Đến theo tôi, là theo đường lối khác. Vẫn đẹp. Dù, đường lối ấy, ít người theo. Dù, cuộc sống ấy, tưởng chừng như thất bại. Lại rất tốt. Đẹp và tốt, một đời tu. Một cõi sống, những tưởng của người mù. Nhưng không phải. Bởi thế nên, hãy nhớ câu hát của nghệ sĩ già hôm trước, rằng:

“Đừng buông mau! Đừng dứt áo!

Đừng thoát giấc mộng đầu,

Dù cho đêm có không bền lâu.” (Phạm Duy – bđd)

Và, “giấc mộng đầu” đời tu hôm trước, nay có là vấn đề “bền lâu”, của Hội thánh, hay không?

Hỏi, là để dõi theo một trả lời. Ở đây. Mai ngày.

Trần Ngọc Muời Hai

Vẫn nhớ và cứ hỏi:

về đời tu.

Bây giờ.

Và, mai sau.

No comments: