Tuesday 13 November 2018

“Còn tiếng hát ta ru trời, ta ru đời, ru người”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần 33 Thường niên năm B 18-11-2018

“Còn tiếng hát ta ru trời, ta ru đời, ru người”
Rồi nghe ra một tiếng khóc lẻ loi.”
(Trần Quang Lộc/Nguyễn Đình Toàn - Còn Tiếng Hát Gửi Người)

(Mt 26: 38-39)  

Vâng. “Tiếng khóc lẻ loi” gửi cho người, nào có khác “tiếng hát ru trời, ru đời và ru người!” Khóc và ru như thế, lại là nỗi buồn của người đời, suốt nhiều thời. Và, “tiếng gửi người” lại vẫn sầu buồn hơn cả tiếng hát ru đời và ru người là thế. Và, dưới đây cũng là “Tiếng gửi người” khá buồn cười, như một chuyện tiếu lâm nhàn nhạt, thôi:  

“Tiếu lâm kể rằng:
Trong một quán rượu, có anh thanh niên nọ đến gặp người bạn đang ngồi uống một mình, bèn bảo:
-Trông anh buồn quá! Có chuyện gì thế?
-Tôi buồn là vì mẹ tôi mới vừa mất vào tháng 6, để lại cho tôi chỉ có ba nghìn đôla, thôi.
-Xin thành thật chia buồn cùng anh.
-Ấy chưa hết! Vào tháng 7 sau đó, bố tôi lại cũng chết và để lại có 7 nghìn đô.
-Trời đất! Chỉ trong vòng 2 tháng trời mà anh đã mất đi những người thân yêu nhất. Tôi cũng hiểu
 vì sao anh lại buồn đến mức độ này. 
-Chưa hết đâu anh ạ. Tháng 8 vừa rồi, dì tôi lại chết để lại cho tôi 10 nghìn đô…
-Anh quả là người bất hạnh nhất trên đời…
-Nhưng có điều đáng buồn hơn cả, là: tháng này chả ma nào chết tốt!”
(Trích “truyện buồn thế kỷ” thả trên mạng rộng khắp chốn)

Vâng. Chuyện thế kỷ, thường vẫn buồn là thế. Vẫn cứ âu sầu hơn mọi chuyện. Nhưng, có sầu và có buồn đến độ thế, cũng chẳng sao. Bởi, đã là chuyện ‘buồn thế kỷ’ rồi, thì còn gì buồn hơn? Khác nào chuyện buồn của người Đạo Chúa, được kể bằng lời ca hiền từ vào tối hôm trình-diễn Hát Cho Nhau Nghe 13/10/2018, như sau:

“Hồn có lúc khói hương bay,
tình có lúc như đèn soi.
Chập chờn về đâu đây,
còn vang vọng tiếng chân người.
Thầm bước tới kêu rêu hoài,
đêm trăng động dấu hài,
Từng cơn mưa về đưa lá vàng rơi.
Còn tiếng hát chất ngất trên môi,
Và nước mắt thay ngày vui,
Một lần tình xa là vĩnh viễn xa người.

Người đi đã quá xa,
chỉ còn ta với bóng ta,
Và mùi hương đã hoá ra hương mê đời.
hương nay lạnh giá,
Tình Em như gió qua,
còn thoảng nơi chăn gối xưa.
Một vì sao vừa nghe đã vỡ,
Trong tâm hồn anh mềm như tơ.
Tình dẫu cố nuôi cho dài thương cho hồn rã rời.
Đành xem như là một giấc mộng thôi.
Chợt thức giấc ngó quanh đời,
Chỉ thấy bóng em tạnh hơi.
Một lần xa nhau là ta mất nhau rồi. 
(Trần Quang Lộc –Nguyễn Đình Toàn: bđd)

Vâng. “Chỉ thấy bóng em tạnh hơi” cũng đã buồn. Thế nên, có nỗi niềm nào buồn hơn câu kế tiếp, những hát rằng: “Một lần xa nhau là ta mất nhau rồi…” Quả thật, đây là nỗi buồn tê tái, hơn “Tiếng Gửi Người” của nhà thơ được phụ soạn thêm bằng thứ âm-nhạc da-diết, điên-dại với những ca từ như: “đành xem (đó) như …giấc mộng thôi”.

Hỡi người nghệ sĩ từng hát “Tiếng gửi người” đến liên hồi, hôm nay đây, nhà Đạo chúng tôi cũng thấy mối tình buồn như người viết nhạc qua lời hỏi/đáp không kém phần da-diết, điên-dại như sau:

“Thưa Cha,

Hiện con đang làm công việc dọn dẹp phòng ốc mà công ty con đã trúng thầu chăm sóc bệnh xá vẫn dung-nạp các bà mẹ muốn phá bỏ thai-nhi của bà. Hôm nay đây, nhân cơ hội này, con xin được phép hỏi cha một câu: ‘Giả như con buộc phải giải-quyết các thai-nhi bị trừ khử cho gọn/sạch, thì thử hỏi: con có được phép làm các việc như thế không? Con đây, hoàn toàn chống lại chuyện phá thai, nhưng cũng không muốn để luột mất cơ-hội có công ăn việc làm vững chãi, thế nên thật khó cho con khi suy tính…” (Một độc giả viết thư hỏi đấng bậc nhà Đạo nhưng lại không cho biết tên của mình).

Người đọc ở đây, hôm nay, đâu cần biết tên tuổi của các vị đưa ra thắc mắc, với hỏi han. Bởi, cha đạo người Tây, lâu nay chỉ cần bà con đưa thắc mắc chưa giải quyết để rồi tìm cách trả lời cho xong việc. Và, đáp-từ của ngài cũng quanh quẩn mỗi thế này:

“Nhiều người thấy mình cũng rơi vào tình-huống giống hệt như trường-hợp anh/chị vừa nêu ra để học biết những gì khiến họ chống-đối trên căn bản đạo đức. Sự việc anh/chị thắc mắc như trên, không chỉ xảy ra ở sở làm nào đó thôi, nhưng còn xuất-hiện ở nhiều nơi khác trong đời. Thành thử, tôi nghĩ: mình cũng nên coi đây là chuyện quan-trọng, khiến ta cần tìm hiểu cho rõ, hầu giải quyết các vấn-đề khó xử về luân-lý.

Trường hợp anh/chị nêu ra đây, là điều mà các thần-học-gia luân-lý gọi là ‘cộng-tác vào sự tội’, theo đó người trong cuộc được yêu-cầu có hành vi đạo-đức, chức-năng. Nhưng, theo cách nào đó, việc ấy lại hợp-tác vào hành-vi đầy lỗi phạm. Thành thử, vấn-đề là hỏi rằng: mọi người, dù nam hay nữ, có thể cộng-tác vào sự việc như thế không?

Để trả lời, trước nhất cần phân-biệt rõ sự việc hầu giúp ta giải-quyết vấn đề đặt ra. Trước nhất, hỏi rằng: người trong cuộc có đồng ý với hành-động của những người được kể ở đây không? Và, ta có bằng lòng hợp-tác hoặc chống-đối chuyện như thế chứ? Giả như ai đó đồng thuận với hành-động đầy lỗi tội mà ta gọi là hợp-tác vào sự tội thì sao? Và, như ta biết, điều này bao giờ cũng là chuyện sai trái hết.

Lấy ví dụ, người nào đó tuy không chống-đối chuyện phá thai, nhưng lại chấp-nhận làm thư ký ngồi quầy tiếp khách hoặc nhận chân kế-toán công-tác ở bệnh xá phá thai, như thế tức là: đã hợp-tác với hành-động phá thai theo cách nào đó rồi.

Tuy nhiên, giả như những người chuyên chống đối hành-vi đầy lỗi tội, nhưng theo cách nào đó, hẳn cũng thấy mình bắt buộc phải hợp-tác nhận làm công việc mà ta gọi là ‘hợp-lực theo thể chất mất rồi. Thật ra, một số trường-hợp trong đó cho thấy việc hợp-lực theo thể-chất có lẽ cũng được phép làm.

Nhằm định-vị việc này, trước nhất ta phải tự hỏi xem việc hợp-lực nói ở đây có nối-kết chặt-chẽ với hành-động đầy lỗi tội không, hay chỉ là ‘hợp-tác từ xa’ kết-nối với việc ấy? Ở trường hợp trước, ta gọi đó là hợp-lực theo cách rất gần và ở trường-hợp sau, ta gọi đó là hợp-lực từ xa. Đương nhiên, trong cuộc sống đời thường, ta có hàng loạt các cấp-độ hợp-tác rất gần hoặc hợp-lực từ xa thật không thiếu.

Nhưng, cứ như nguyên tắc luân-lý lâu nay được được áp-dụng vẫn bảo rằng: hành-động nào lại gần cận hành-vi đầy lỗi tội, thì lý-do gây ra càng mạnh-mẽ hơn, cốt để con người tham-gia làm công việc đó. Và, việc hợp-lực càng từ xa, thì ta càng dễ biện minh cho nó, nhiều hơn nữa.

Lấy ví dụ một trường hợp phá thai có y tá hoặc nhân-viên trợ-lực nọ làm việc tại bệnh xá phá thai, tự bản-chất, đã hợp-tác một cách rất gần cận, khi tiếp-viên ngồi quầy hoặc thư-ký làm việc tại một nơi xa-xôi tương-tự như nhân-viên lo dọn dẹp vệ-sinh hoặc chăm sóc vườn tược, vẫn làm việc theo cách từ nơi xa xôi. Thiết nghĩ, người đi Đạo chẳng nên chấp-nhận làm công việc của nhân-viên toàn thời tại bệnh xá phá thai, vì làm thế cũng không khác gì mình đang hợp-tác thực-thi công việc hàng ngày, dù từ xa, trong việc giết chết trẻ thơ vô-tội. Tuy nhiên, có thể có hoàn cảnh nào đó người công-nhân thỉnh thoảng mới làm việc theo tư-cách người dọn dẹp vệ-sinh hoặc thợ làm vườn.

Điều này còn tùy sự khác biệt xảy ra sau đó. Vấn-đề là, giả như ai đó cộng-tác vào hành-động đầy lỗi phạm có được tiếp-tục tiến về phía trước không? Lấy ví dụ, người đặc-biệt nào đó khước-từ việc chùi dọn bệnh-xá phá-thai thì như có phần chắc chắn là nhiều người khác cũng sẽ làm thay công việc dọn dẹp ấy và như thế, thì chuyện phá thai lại cứ tiếp diễn, thôi.

Trường hợp này, lý-do ít chính đáng hơn hầu biện-minh cho việc chấp-nhận làm công việc này. Một ví dụ khác, giả như bạn của cô gái đăng ký phá thai và những người sống ở vùng quê đã từ-chối không chịu chuyên chở cô gái về thành-phố để thực-hiện việc phá thai, thì sự thể rất dễ xảy ra là: cô ta sẽ không có khả-năng xúc-tiến việc phá thai. Thế nên, cô gái được yêu-cầu lái xe chở bạn mình đi phá, phải từ-chối làm thế là vì cô không thể ngăn-cản việc phá thai vào ngày đặc biệt và có thể cô sẽ bảo là bạn không cùng mình đi phá.

Cuối cùng thì, việc ta có quan-tâm đến chuyện hợp-tác phá thai hay không lại là sức mạnh tạo lý do tự hỏi: tại sao con người phải suy-tính kỹ có nên hợp-tác phá thai hay không? Giả như đây là vấn-đề để luột mất công ăn việc làm và khó có thể kiếm được việc nào khác, thì điều này có thể chứng minh chuyện hợp-tác từ xa như trường hợp anh/chị vừa nêu ra.

Thế nhưng, giả như đó chỉ là vấn-đề kiếm kế sinh nhai hầu có nhiều tiền hơn, thì điều ấy không chứng minh được là việc hợp-lực vào hành-động nào đó cũng quái-ác như việc phá thai vậy. Nói chung, ta phải tìm cách tránh-né, quyết không hợp-tác vào việc gây nên tội, như từng thấy, vẫn có trường-hợp ta có thể chứng minh được như việc hợp-tác từ xa, theo thể-chất. Cuộc sống cho thấy nhiều tình-huống trong đó mọi người phải giáp-mặt, thế nên ta cần có quyết-định là có nên hợp-tác vào sự tội của người khác không.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo có viết rằng: “Ta chịu trách-nhiệm về các lỗi/tội do người khác phạm khi ta hợp-lực vào đó: “Bằng hành-động cố ý tham-gia cách trực-tiếp vào việc ấy; bằng cách ra lệnh, khuyên nhủ, tán đồng hoặc chấp-thuận chúng; hoặc bằng cách không biểu-lộ hoặc không giấu diếm chúng khi ta có bổn phận phải làm thế; qua hành-động bao che/bênh-vực những người có hành-động xấu.” (X. Sách GLHTCG đoạn 1868).

Việc này tạo nhiều yếu-tố để ta suy-tư thêm nữa. Trường-hợp hỏi rằng mọi người có được phép dự đám cưới của người Công giáo nào đó ngoài công-viên hoặc bãi biển, thì xin bà con đọc cuốn do tôi soạn-thảo có tên là “Question Time 2, nxb Connor Court 2012, câu hỏi số 248.” (X. Lm John Flader, Co-Operation in sin, The Catholic Weekly 08/12/2013 tr. 10)               

Đời thường ở huyện, nhiều sự việc không suông sẻ như truyện cổ tích, rất dân gian. Thế nhưng, truyện dân gian/cổ tích nhiều lúc lại cũng giống như chuyện thật ở đời.

Có câu chuyện thật từng diễn ra ở đời, hơi giống truyện cổ tích mà người kể gọi là: “Câu chuyện có thật giống như truyện cổ tích”. Truyện này, được người kể mang tên nghe giống người nhà Phật, như sau:

“Trong thế chiến thứ hai, có một người đàn ông họ Wall tên là Martin. Martin Wall là một tù nhân chiến tranh, bị giam tại trại tù binh ở Siberia, từ đó phải rời xa quê hương Ucraina, bỏ lại người vợ là Anna và cậu con trai Jacob.

“Vài năm sau đó, anh ta và gia đình mỗi người một phương, bặt vô âm tín, thậm chí sau khi anh ta bị bắt một thời gian, đến cả việc người vợ Anna sinh thêm một đứa con gái tên là Sonia mà anh ta cũng không hề hay biết.

Thêm một vài năm nữa, Martin được trả tự do, lúc này anh ta kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, nhìn bề ngoài như một ông già lọm khọm. Không chỉ có vậy, trên tay và chân của anh còn lưu lại nhiều vết sẹo, điều khiến anh đau lòng hơn nữa, là anh không còn khả năng sinh con.

Sau khi được ra tù, chuyện đầu tiên mà Martin làm là tìm kiếm cô vợ Anna, và cậu con trai Jacob. Cuối cùng, anh cũng nghe ngóng được tin tức của họ từ hội Chữ Thập Đỏ, người ta nói rằng vợ con của anh đã chết trên đường đi tới Siberia. Martin đau khổ tột độ. Đương nhiên, anh vẫn không hề biết rằng mình còn có một cô con gái trên thế gian này.

Thật ra thì, không lâu sau khi Martin bị bắt, Anna đã may mắn đưa được con trai Jacob chạy trốn đến nước Đức. Cô gặp được một đôi vợ chồng nông dân tốt bụng tại đó, đôi vợ chồng này đã giữ mẹ con họ ở lại. Vì vậy, Anna sống yên ổn tại đó, đồng thời cô cũng giúp họ làm việc đồng áng và dọn dẹp nhà cửa.

Cũng vào thời gian này, cô sinh đứa con gái Sonia. Anna tin rằng, chỉ cần Martin còn sống, họ nhất định sẽ trùng phùng, nhất định có thể tạo lập một cuộc sống mới. Nhưng, đời không là mơ. Vài năm sau đó, cuộc chiến tranh tàn khốc đã đưa nước Đức đến bờ vực của sự thất bại. Anna và hai đứa con vô cùng vui mừng, họ cho rằng sẽ có cơ hội để đoàn tụ với Martin.

Tuy nhiên, điều họ không ngờ là, Hồng quân Liên Xô đã tập trung những người dân di cư như họ lại, đưa họ lên một con tàu đông đúc như tàu chở súc vật, nói rằng đưa họ về nhà, nhưng thực chất là đưa họ đến trại tập trung đầy chết chóc ở Siberia.

Hi vọng của Anna vụt tắt, cô cảm thấy tuyệt vọng, rồi sinh bệnh nặng. Cô cảm thấy mình sống không được bao lâu nữa, chỉ ngày qua ngày cầu nguyện: “Cầu xin ông trời, hãy phù hộ cho hai đứa trẻ bất hạnh của con!”

Một ngày nọ, Anna gọi Jacob đến bên cạnh và nói: “Con trai của mẹ, mẹ bệnh nặng lắm rồi, có lẽ không sống được bao lâu. Mẹ sẽ ở trên trời phù hộ các con. Jacob, con phải hứa với mẹ, không bao giờ được bỏ rơi em gái Sonia”.

Sáng sớm hôm sau, Anna qua đời. Người ta đem thi thể của cô chất lên xe hàng và chở đến một khu nghĩa địa đầy rẫy những ngôi mộ vô danh. Còn hai đứa trẻ thì bị đem lên tàu hỏa, đưa đến một cô nhi viện gần đó.
Còn Martin – người đang chìm đắm trong tuyệt vọng, lúc này đang làm việc như cỗ máy trong một nông trang. Một buổi sáng, Martin gặp Greta – một cô gái làm cùng nông trang với anh. Greta luôn mỉm cười để ý đến anh.

Martin không ngờ rằng, cô gái luôn lạc quan yêu đời, thông minh lanh lợi này lại là bạn học hồi xưa của mình. Bôn ba nhiều nơi, trải qua thời gian thăng trầm, xảy ra vô số sự việc, mà họ lại có thể gặp nhau ở đây, thật là thần kỳ!

Chẳng bao lâu sau, họ tổ chức hôn lễ. Martin cảm thấy cuộc sống của mình tìm lại được ánh mặt trời, cuộc sống lại trở nên có ý nghĩa. Greta cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng cô luôn mong mỏi bản thân có một đứa con để yêu thương, chăm sóc.

Đến một ngày, Greta khẩn cầu với chồng: “Martin, có nhiều đứa trẻ trong cô nhi viện, chúng ta hãy nhận một đứa về nuôi có được không?”. Martin phản bác: “Greta, sao em lại có ý nghĩ như vậy, anh không thể chịu thêm bất cứ sự đả kích nào nữa, em có hiểu không?”. Greta vô cùng buồn bã.
Nhưng cuối cùng tình yêu mãnh liệt của cô dành cho trẻ em đã thuyết phục được Martin. Vào một buổi sáng, Martin nói với Greta: “Đi nào, chúng ta đi đến cô nhi viện nhận nuôi một đứa trẻ”. Greta vui mừng khôn xiết, lập tức lên tàu đi đến cô nhi viện.

Greta bước trên hành lang tối tăm của cô nhi viện, nhìn về phía lũ trẻ đang xếp thành hàng, chăm chú quan sát, cân nhắc. Nhìn thấy những khuôn mặt trầm mặc, những ánh mắt cầu xin của lũ trẻ, Greta chỉ muốn mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả chúng vào lòng và đưa về nhà. Nhưng cô biết rằng, điều đó là không thể.

Đúng vào lúc này, có một đứa trẻ cười thẹn thùng bước về phía cô. Greta quỳ xuống, xoa đầu đứa trẻ: “Cháu à, cháu có đồng ý đi theo cô không? Đến một nơi có cả cha lẫn mẹ?”

“Đương nhiên cháu đồng ý, nhưng cô đợi chút, cháu đi gọi anh trai. Chúng cháu phải đi cùng nhau, cháu không thể bỏ lại anh trai mình được”.

Greta cảm thấy vô cùng băn khoăn, bất lực lắc đầu: “Nhưng cháu à, cô chỉ có thể đưa một mình cháu đi thôi”. “Không, cháu muốn đi cùng anh trai mình. Trước đây chúng cháu cũng có mẹ, khi mẹ qua đời đã dặn dò anh trai không được bỏ rơi cháu”.

Lúc này, Greta cảm thấy bản thân không muốn chọn bất kì đứa trẻ nào khác, bởi vì đứa trẻ trước mặt cô vô cùng đáng yêu, đã thu hút toàn bộ sự chú ý của cô. Tuy nhiên, cô nghĩ rằng mình phải về thương lượng lại với Martin.

Khi về đến nhà, Greta lại khẩn cầu Martin: “Martin, có một chuyện em muốn thương lượng với anh. Em phải nhận nuôi hai đứa trẻ, bởi vì đứa trẻ mà em chọn có một người anh trai, nó không thể rời bỏ anh trai của mình. Em mong anh đồng ý nhận nuôi đứa trẻ này được không?”

“Greta, vậy sao em không chọn đứa trẻ khác, mà lại nhất quyết là bé gái này? Theo anh thấy thì tốt nhất đừng chọn đứa nào cả”.

Lời nói của Martin Wall, khiến Greta vô cùng đau lòng, cô thậm chí còn không muốn đi cô nhi viện nữa. Nhìn thấy bộ dạng buồn bã của Greta, trong lòng Wall chợt trào dâng niềm thương cảm. Tình yêu rốt cuộc lại giành chiến thắng.

Lần này, Martin và Greta cùng đi đến cô nhi viện, Martin cũng muốn gặp đứa bé gái đó. Đứa bé gái ra ngoài hành lang tiếp đón họ, lần này, cô bé nắm chặt tay cậu bé đi cùng. Đó là một cậu bé gầy gò, trông rất yếu ớt, nhưng cặp mắt của cậu bé lại ngập tràn sự dịu dàng và lương thiện. Lúc này, cô bé mở to đôi mắt sáng lóng lánh, nhẹ nhàng hỏi Greta: “Cô đến đón chúng cháu phải không?”

Greta chưa kịp trả lời, thì cậu bé đứng bên cạnh đã mở lời: “Cháu đã đồng ý với mẹ là sẽ không bao giờ bỏ rơi em gái. Khi mẹ cháu mất, cháu đã hứa như vậy. Vậy nên, đáng tiếc là em gái cháu không thể đi cùng với hai người”.
Martin âm thầm quan sát hai đứa trẻ vừa đáng yêu lại đáng thương này. Một lát sau, anh tuyên bố đầy quả quyết: “Chúng tôi nhận cả hai đứa trẻ này”. Martin đã bị cậu bé gầy gò ốm yếu trước mắt thu hút đến nỗi không thể kháng cự nổi nữa rồi.

Vậy là Greta đưa hai anh em đi thu dọn quần áo, Martin đến văn phòng làm thủ tục nhận nuôi. Sau khi Greta thu dọn đồ đạc, đưa hai đứa trẻ đến văn phòng, liền thấy Martin bần thần lúng túng đứng ở đó. Gương mặt trắng bệch, đôi tay run rẩy, dường như không dám kí vào thủ tục nhận nuôi.
Greta sợ hãi hỏi: “Martin! Anh làm sao vậy? Martin?”

“Greta, em nhìn những cái tên này xem!”. Greta nhận lấy tờ thủ tục nhận nuôi có ghi tên hai đứa trẻ:“Jacob Wall; Sonia Wall, Mẹ: Anna (Bartel) Wall; Cha: Martin Wall”.

“Em có biết không Greta, hai đứa trẻ này là con ruột của anh! Một là đứa con trai mà anh tưởng rằng đã chết từ lâu, một là đứa con gái mà anh chưa từng gặp mặt!”

Martin xúc động đến nỗi nước mắt nhạt nhoà, anh vừa nói vừa quỳ xuống, ôm chặt hai đứa trẻ vào trong lòng, thán phục nói: “Kỳ tích, thật là kỳ tích! Ôi! Cảm ơn trời đất đã phù hộ chúng tôi, ôi! Greta, nếu như không phải em đã thỉnh cầu anh nhận nuôi chúng, nếu như không có trái tim nhân ái của em, có lẽ anh đã không thể gặp được kỳ tích này mất rồi”.

Đúng vậy, dưới sự vẫy gọi của tình yêu, mọi kỳ tích đều có thể xảy ra!” (Tuệ Tâm)

Kỳ tích của tình yêu lúc nào cũng có thể xảy ra, như tác-giả truyện kể từng diễn-tả. Tuy nhiên, có một thứ kỳ-tích cũng sẽ xảy ra trong đời người, dù mọi người chẳng ai muốn thấy nó hiện hữu. Kỳ-tích ấy, lại được người đời gọi đó là “nỗi buồng không tên” vẫn nhanh chân lẻn vào mọi ngõ ngách cuộc đời. Chẳng thế mà, ngay đến tác-giả Tin Mừng Nhất Lãm, cũng không quên ghi chép các sự kiện xảy đến với Đức Giêsu, rõ ràng như sau:

Bấy giờ Ngài nói với các ông:
"Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.
Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy."
Ngài đi xa hơn một chút,
sấp mặt xuống,
cầu nguyện rằng:
"Lạy Cha, nếu có thể được,
xin cho con khỏi phải uống chén này.
Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."
(Mt 26: 38-39)  

Đức Giêsu mà còn thấy “buồn đến chết được”, thì hỏi rằng người đời bình thường làm sao không. Buồn hay vui, đều là tâm trạng của mỗi người và mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc trong đời mình. Vấn đề còn lại, là: làm sao thoát khỏi những tình-huống như thế để rồi có thể xướng lên câu hát vốn dĩ nâng nhẹ lòng người, để mà sống, rất như sau

“Một vì sao vừa nghe đã vỡ
Trong tâm hồn anh mềm như tơ
Tình dẫu cố nuôi cho dài thương cho hồn rã rời
Đành xem như là một giấc mộng thôi
Chợt thức giấc ngó quanh đời
Chỉ thấy bóng em tạnh hơi
Một lần xa nhau là ta mất nhau rồi 
(Trần Quang Lộc –Nguyễn Đình Toàn: bđd)

Hạt sao có vỡ nát hoặc “tâm hồn anh có mềm như tơ”, vẫn là tình-trạng của tôi, của bạn hay của ai đó trong đời rất giống sự việc vẫn thường diễn-tiến ở đời. Như mọi thời. Thế đó, là tình-huống có thể sẽ gặp thấy nơi tôi, nơi bạn hoặc ai đó vẫn ưu-tư, kỳ vọng bấy lâu nay.

Trần Ngọc Mười Hai
Và tình huống
rất giống đời thường
ở đời,
vào mọi lúc.  

                        

No comments: