Tuesday 2 January 2018

“Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới.”



Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Hiển Linh năm B 07-01-2018

 

“Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới.”
Màu lưu luyến nhớ quá, Thu ơi.
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi,
Xác tươi màu pháo vui, tiễn em chiều năm ấy.”
(Nguyễn Văn Đông – Sắc Hoa Màu Nhớ)


À thì ra, “sắc hoa màu nhớ” ở đây, lại là sắc màu phượng vĩ rất “đỏ lì” gợi nhớ nỗi niềm xa xưa, của ai đó phải chăng chỉ mỗi tác giả? Nỗi niềm ấy, còn được thu gọn bằng những ca-từ như sau:

“Xưa từ Khu chiến về thăm xóm.
Ngàn xác pháo lấp ánh sao hôm.
Chiều hành quân nay qua lối xưa,
Giữa một chiều gió mưa,
xác hoa hồng mênh mông.
Đời tôi quân nhân,
chút tình riêng gởi núi sông,
yêu màu gợi niềm thủy chung.
Nhưng rồi vẫn nhớ một trời, vẫn nhớ đời đời,
phượng rơi như rơi trong lòng tôi.
Thu vừa sang sắc hồng tô lối.
Tình Thu thắm thiết quá Thu ơi!
Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi,
nhớ muôn vàn nhớ ơi,
hát trong màu hoa nhớ.
Tôi lại đi giữa trời sương gió.
Màu hoa thắm vẫn sống trong tôi.
Chiều Thu sau không qua lối xưa,
để đừng nhìn gió mưa,
xác hoa hồng mênh mông.”
(Nguyễn Văn Đông – bđd)

À thì ra, nỗi nhớ/niềm riêng của người viết nhạc rất quân-nhân, lại là nỗi niềm nhung nhớ của người nghe, lẫn ca sĩ ở quê nhà rất mượt mà, mỗi thế thôi.

Thơ văn, âm nhạc, nay thì như thế, rất rối bời. Còn rối tơi bời hơn, lại là chuyện Đạo trong đời hoặc chuyện đời trong Đạo như có lời hỏi han cùng thắc mắc, rất như sau:

“Thưa Cha,
Con có người bạn nọ hiểu biết khá nhiều nên cô ta vẫn trích dẫn tên tuổi các vị Giáo-hoàng cùng bậc hiển-thánh dễ như cơm bữa. Nhưng điều trớ trêu ở đây, là cô cứ khẳng-định rằng: ở chốn trời cao thiên-quốc, chẳng bao giờ thấy mặt người đạo Hồi, Do-thái-giáo hoặc cả đến Thệ Phản, cũng không, bởi vì có lần Giáo hội dạy rằng ngoài Đạo Công giáo mình ra, không ai được cứu rỗi hết. Có đúng như thế không, xin cha cho biết để con chuẩn bị tranh-luận với người này. Cảm ơn cha rất nhiều.” (Câu hỏi không ghi xuất xứ)

Câu khẳng-định đại loại như trên, thiết tưởng chẳng cần ghi xuất-xứ do ai nói. Điều đó cũng không cần. Chỉ cần nghe xem đấng bậc ở Sydney trả lời thế nào cho tiện việc, kẻo lại mất lòng tôn-giáo bạn, cũng không nên. Vậy thì, mời bạn và tôi, hãy để tai nghe đấng bậc nhà Đạo ở Sydney trả lời/trả vốn như thế nào. Và đây là lời đức ngài từng bảo:

“Câu phán-quyết trên đây, lại cứ bảo rằng: “bên ngoài Hội-thánh, chẳng thể nào có được ơn cứu-độ, câu nói này khiến ta quay về với thời tiên-khởi khi ấy mọi người được dạy dỗ suốt nhiều năm tháng, cũng hệt thế. Tuy nhiên, tưởng cũng nên hiểu cho thấu đáo ý-nghĩa của câu nói ấy, bằng không e rằng sẽ lại đi đến kết-luận triệt-để như người bạn anh/chị lại cứ bảo: chỉ mỗi người Công-giáo mới đạt chốn thiên-đàng, mà thôi.

Trong số các Tổ phụ từng xác quyết như thế, ta thấy có thánh Fulgentius của thành Ruspe từng quả quyết vào năm 500 với những câu như: “Không chỉ tất cả người ngoại đạo mà thôi, cả người theo Do-thái-giáo và các bè rối cùng đám người ly-giáo kết thúc sự sống ngoài Hội thánh Công giáo cũng đều rơi vào chốn lửa đỏ, đầy hoả hào.” (Về Niềm tin, nay gửi đến Phêro đoạn 38 câu 81)   

    

(X. Lm John Flader, Can non-Catholics be saved, or will they ‘go into the eternal fire’? The Catholic Weekley 12/4/2015, tr. 22)

Như trên, là câu đáp trả của “đấng bậc nhà Đạo” của Công giáo. Và dưới đây, lại là ý-nghĩ rất vô thường và cũng bình thường của người nhà Đạo, cũng tâm-linh/tâm tình như Đạo mình. Tâm và tình, vẫn cứ bình bình như câu truyện kể gọi là “Cây lá chuyển mùa” sau đây:

Bà Darlene Cohen, một vị giáo thọ của thiền viện San Francisco Zen Center, có chia sẻ như sau về những biến đổi của cuộc sống.

“Ba tôi, qua đời với chứng bệnh ung thư ruột già. Có lần trong lúc bị hành hạ với căn bệnh, ông quay sang bảo tôi, ‘Nhớ đừng bao giờ già nghe con!’ Câu nói ấy của ông mỉa mai ở điều là: làm như người ta có thể tránh được tuổi già vậy. Ba tôi thì lúc nào cũng thường hay tự châm biếm cái tuổi già của mình, ông nói ‘Ba già lắm rồi, Ba quen biết với cả cha mẹ của Thượng Đế!’

Khi tôi được 28 tuổi, tôi tìm đến thiền viện San Francisco Zen Center với một ý định duy nhất: để bước vào cảnh giới an lạc tuyệt vời của Niết bàn, và rồi sẽ không bao giờ bước ra nữa. Và tôi dự định là sau khi đạt được niềm an vui vĩnh cửu ấy rồi, tôi sẽ rời bỏ tu viện chán ngắt ấy, để làm một cái gì đó với cuộc đời mình, ví dụ như mở trường thiền, dạy giáo lý, giúp tham vấn… tôi sẽ tự tại đến đi mà chẳng có chút gì là bận tâm với cuộc đời.

Nhưng tôi lại không ngờ sự buồn chán trong đời sống ở tu viện đã giúp tôi khám phá lại được chính mình sâu sắc hơn, khiến tôi không còn muốn làm một điều gì khác hơn nữa. Và cuối cùng, tôi đã ở lại và sống trong thiền viện Zen Center trong suốt một thời gian dài. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy rằng, nhờ bỏ đi cái ý định hấp tấp ‘đánh rồi chạy’ ban đầu ấy, mà tôi cũng đã ngẫu nhiên dùng một phần lớn cuộc đời mình để chuẩn bị cho: bệnh, lão và tử.

Khoảng vài năm trước đây, tôi bắt đầu nhận thấy rằng, mỗi khi nhìn mùa xuân đến, tự nhiên tôi cũng có một cảm giác sầu muộn, tiếc nuối nhẹ nhàng nơi lồng ngực, như mỗi khi tôi nhìn ánh nắng chiều vàng óng trên những chiếc lá bắt đầu đổi màu, báo hiệu sự chấm dứt của một mùa hè. Tôi ghi nhận điều này với một chút mâu thuẫn trong lòng: một mặt tôi cảm thấy hạnh phúc vì vẽ đẹp thiên nhiên đã giúp tôi dừng lại, bước ra khỏi những bận rộn của cuộc sống hằng ngày, nhưng một mặt tôi lại cảm thấy có chút gì buồn lo trong sự đột nhiên chú ý đến những thay đổi của ngày tháng.

Tại sao bây giờ tôi lại có những cảm xúc như thế này? Tôi đoán có lẽ tôi bắt đầu ý thức được rằng, cũng sẽ chẳng còn bao nhiêu những mùa xuân xanh lá và mùa thu rực rở nữa, để làm cho tôi dừng lại trên con đường nhỏ mình đi? Rồi còn có bao nhiêu lần mà tôi sẽ bước ra khỏi những buồn lo của mình, khi dừng lại và ngữi mùi hương phảng phất trong không gian lành lạnh khi trời bắt đầu vào đông? Tôi có chia sẻ những cảm nghĩ riêng tư này với một vị giáo thọ trong khóa tu vừa qua, bà ta nói, ‘Phải rồi, thân này của ta hiểu được giáo lý vô thường sâu sắc hơn ai hết.’ ”

Bây giờ đang bắt đầu vào mùa hè, nhưng tôi cũng đã thấy bóng dáng của mùa thu đang về. Tôi không biết một chiếc lá bắt đầu “thu” từ lúc nào, chỉ biết một buổi sáng thức dậy nhìn sang khu rừng cạnh nhà, thấy toàn màu sắc. Và trong cuộc đời cũng vậy, chúng ta bắt đầu biết là mình “già” khi nào bạn hả? Khi nhìn đứa con của mình ra trường, đi làm, lập gia đình; hoặc khi thấy người chủ mới trong công ty, vị bác sĩ khám cho ta, người thầy trong lớp… chỉ đáng tuổi con cháu mình thôi.

Ở vùng tôi ở không gian rất đẹp khi những chiếc lá bắt đầu đổi màu. Tôi thích được đi dưới những cơn mưa của màu sắc, có tiếng gió lùa những chiếc lá khô chạy đuổi nhau lào xào trên mặt đường cuốn theo mỗi bước chân. Vòm cây bóng mát che ngang trên con đường nhỏ mình đi có muôn màu lá. Mỗi tờ lá cũng có một mùi thơm riêng của nó! Bạn có tưởng được trên vũ trụ này có biết bao nhiêu là màu vàng khác nhau không? Biết bao nhiêu là những màu cam, màu tím, màu đỏ khác nhau không? Một ngày ngồi yên trong rừng, ta có thể thấy và nghe được tiếng trời đất giao mùa.

Khi đến một tuổi mà ta chợt ý thức rằng “cũng sẽ chẳng còn bao nhiêu những mùa xuân xanh lá và mùa thu rực rở nữa, để làm cho tôi dừng lại trên con đường nhỏ mình đi”thì ta cũng bắt đầu hiểu được những gì mình thật sự có chỉ là giây phút này mà thôi, ngoài ra không còn gì khác hơn nữa. Ta cũng biết được rằng, mình không bao giờ nắm bắt được một điều gì hết, chúng sẽ xảy ra và rồi sẽ qua đi, dù ta có mong cầu hay ghét bỏ.

Có lẽ cái Tôi của mình cũng không còn cứng nhắc như xưa, ta dễ tiếp nhận và sống thật với những gì xảy ra hơn. Và tôi cũng trải nghiệm rằng, trong cuộc đời, những lời nói dầu hay đẹp đến đâu cũng không có giá trị bằng cách ta đối xử với nhau: rằng sự cố chấp là gốc rễ của mọi thứ khổ đau, và biết xả buông là cánh cửa của hạnh phúc.” (Truyện kể trích từ điện thư trên mạng, mới vừa qua)

Thật ra, vấn đề ở đây không phải để tội và bạn, ta bàn về tuổi già hoặc tuổi trẻ thiếu mất sắc màu tươi tắn của thời còn nhỏ, mà là nhận-định làm sao để còn sống cả những ngày dài không còn như xưa, nữa.

Và, vấn-đề còn là và sẽ là: cuộc đời người, không đẹp ở thời quá-khứ hoặc tương lai mai ngày, mà là những ngày đời ngắn ngủi, rất hôm nay.

Đúng thế, hôm nay chính là sắc hoa màu mè rất đáng nhớ trong cuộc đời của mọi người, rất thức thời và hợp thời. Rất đoạn trường và miên trường. Cũng vĩnh hằng một tình thân thương, rất mến thương.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn suy tư
nghĩ ngợi nhiều
về những sắc hoa rất nhớ màu.      

No comments: