Monday 17 July 2017

“Cho nhớ thương về quê xưa,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 16 thường niên năm A 23/7/2017

“Cho nhớ thương về quê xưa,”
Mùa Xuân không còn nữa
Muôn cánh hoa đùa phai úa
Lối cũ rơi hững hờ...”
(Nguyễn Hiền – Hoa Bướm Ngày Xưa)
(Thư Rôma 15: 5)

Nếu bạn và tôi, ta chỉ chăm chú đến đầu-đề của nhạc bản thôi, thì cũng chẳng có chuyện gì đáng để mình bàn hết. Bởi, “Hoa bướm ngày xưa” hoặc cả hôm nay nữa, nào có gì khác lạ? Có khác chăng, chỉ mỗi điều là: cả hoa và bướm xưa và nay cứ ê hề tràn đồng, cả ở thôn quê lẫn thị thành, đuổi không đi.

Nhưng đến thời hôm nay, mà lại nói chuyện hoa với bướm, thì e rằng sẽ chẳng có ma nào chịu nghe và hát đâu chứ! Cũng may là, ca-từ ở giữa bài cũng làm tôi và bạn lại sẽ lai rai bàn hoài, cũng không chán. Chán sao được, khi người nghệ sĩ hôm trước cứ kể lể những là: “Nhớ thương về quê xưa”, “Mùa xuân không còn nữa”, “Lối cũ rơi hững hờ”, vân vân…

Ấy đấy, hôm nay đây, hễ có ai cất lên tiếng hát đậm-đà những “Nhớ (và) thương về quê xưa”, là y như rằng: sẽ có người phụ-hoạ ngay thôi. Và, nếu ta không hát theo, thì cũng chẳng có lời bàn “Mao Tôn Cương” sương sương vài ba giọng, cho đỡ nhớ, đỡ thèm.

Hôm nay và mai ngày, chắc chắn sẽ còn thấy nhiều vị và nhiều bạn, lại cứ bàn tán lai rai, dài dài mấy chuyện “buồn thế-kỷ” về cái-gọi-là chuyện cũ xào xáo lại cho mới cứng, như chuyện “có nên cho phép  linh mục nhà mình lập gia đình hay không” và/hoặc có nên để phụ-nữ tham-gia hàng ngũ linh mục hay không?”

Quả thật, cứ nhắc tới chuyện này là y như rằng: bạn và tôi, ta lại có ý-kiến phản-hồi rất nhiều điều. Trước hết, là: ý-kiến của giới trẻ, khi nhận được bài trích-dịch của Lm Edward Schillebeeckx bàn về vấn đề “Linh mục có vợ”, tức: ý-kiến “phản hồi nhưng không phản đối” của đám người trẻ thuộc nhóm “Alphonse Family” mới đây, như sau:

Ở bài số 22 trong loạt bài “Thần-Học-gia toại-nguyện” của Lm Edward Schillebeeckx, ta thấy nhà thần học này có quan điểm cởi mở (cấp tiến) trong 2 vấn đề lớn gây tranh cãi trong Giáo hội nhiều năm qua: Độc thân linh mục và phong chức linh mục cho phụ nữ. Đáng hoan nghênh, theo quan điểm của tôi.

Ở đoạn phong chức cho phụ nữ (chủ đề 2), ngài này nói:” Không có luận cứ hay ho nào lại chống đối việc phong chức linh mục cho phụ nữ cả.” Câu này có thể áp dụng cho cả ở chủ đề 1, nếu xét cho cặn kẽ và thực sự khách quan ở Kinh Thánh.

Nhưng có 1 nguyên tắc chung: hễ cái gì đã trở thành độc quyền và đi kèm là đặc lợi thì giới được hưởng sẽ không dễ dàng gì từ bỏ mà cố bám víu lấy. Không thiếu gì các biện minh để làm việc này. Và vì vậy, con đường canh tân theo chiều hướng này, nếu được mở, sẽ kéo dài lâu và lắm chông gai.

Ở 1 đoạn khác, ngài này nói: “tôi vẫn có thói quen mở đài nghe các đấng tranh luận tại Thượng Hội Đồng Giám mục Anh hôm 11/11/1992. Tranh-luận này, thuộc cấp cao lại sâu sắc, dám đề cập đến vấn đề mục vụ cho những ai thuộc phe đối lập, làm như thế là để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội.” 

Nhân dịp này ta hãy xem qua quá trình công nhận vai trò của phụ nữ ở giáo hội Anh giáo qua 1 bài khác tiếp theo. Minh Sĩ” (trích điện thư của bạn trẻ Minh Sĩ gửi trên mạng ngày 07/7/2017 qua địa chỉ AlphonseFamily@googlegroups.com)

Tiếp theo đây, là bức thư của người viết là giới bạn bè trong nhóm thân quen, rất chững-chạc của một đấng khoa-bảng trong cộng đồng mình, như sau:

“Tôi vẫn thường xuyên nhận được loạt bài dưới tựa đề “Thần Học Gia Toại Nguyện” của Lm. Edward Schillebecckx do Mai Tá dịch phổ biến trên tamlinvaodoi@gmail.com. Tôi đã lướt qua tất cả các đề tài, và cẩn thận cất vào file dự trữ chờ khi có dịp thì mang ra nghiên cứu. Nhưng đến đề tài hôm nay khi nghe tác giả bàn về “Đời Sống Độc Thân Tự Nguyện, và Nữ Linh Mục”, tôi đã dành cho nó một chút thời gian. Nhưng thú thật, tôi thấy thất vọng với cái lối suy diễn “chữ nghĩa” và lập luận theo quan niệm, cái nhìn hoàn toàn “con người” của nhà thần học này. Tôi hy vọng những tư tưởng ấy chỉ là những gợi ý cho những ai đang quan tâm đến Giáo Hội, và họ sẽ có dịp suy nghĩ nghiêm túc hơn khi theo dõi những tư tưởng này.

Chức linh mục không phải là một thể chế do con người ban tặng và tranh nhau như Thánh Kinh đã viết: “Không ai được tranh chấp chức linh mục ấy. Chính họ phải được tuyển chọn…” … one who has become a priest not by a law of succession, but by the power of an indestructible life.  For it is testified: “You are a priest forever in the order of Melchizedek.” (Hebrews 7: 16-17)

Dĩ nhiên khi được chọn xong thì có nhiều linh mục cũng chẳng còn biết quí, biết giữ cái ơn đặc biệt ấy, vì vậy mà đã xẩy ra rất nhiều chuyện đau lòng cho Giáo Hội. Thí dụ, linh mục phạm tội ấu dâm, linh mục lăng nhăng tình ái, linh mục ham mê tiền tài, linh mục ham mê quyền lực… Tóm lại, họ đã hiện nguyên hình như một con người với thất tình, lục dục; với tham, sân, si. Nhưng biết sao, vì linh mục cũng chỉ là con người. Tôi tin là Chúa biết rõ điều này.

Nhưng đọc lập luận của thần học gia này muốn mở cửa, để tự do cho các linh mục ai muốn sống độc thân hay ai muốn có vợ tùy lựa chọn, tự nhiên tôi thấy “luật chơi” sẽ không công bằng, sẽ bị phá vỡ. Và lúc ấy chỉ nguyên một việc “có vợ” hay không “có vợ”, linh mục có vợ và linh mục không có vợ tự nó đủ gây ra biết bao khủng hoảng, chia rẽ trong đời sống linh mục và trong Giáo Hội, trong đời sống tu đức, đời sống gia đình, đời sống xã hội, và việc phục vụ ơn gọi. Hiện tại, chỉ nguyên một việc linh mục không có vợ mà đã khiến cho Giáo Hội nhức đầu rồi, còn cộng thêm việc linh mục có vợ thì không biết Giáo Hội sẽ điều hành, sẽ hướng dẫn dân Chúa như thế nào? Lúc ấy, có thể Giáo Hội sẽ chia năm, xẻ bẩy, và lại trở thành những cộng đoàn giáo dân nhỏ theo lối sinh hoạt của anh em Tin Lành.

Trên đây mới chỉ là nhìn vấn đề dưới khía cạnh xã hội, khía cạnh điều hành chứ chưa bước vào những tranh luận thần học, giáo hội học, và tu đức học.

Thêm vào đó, việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Không biết những nhà thần học suy nghĩ thế nào khi đặt vấn đề này? Rõ ràng không ăn nhằm gì đến quan niệm và ứng dụng bình quyền hay không bình quyền. Không có việc trọng nam khinh nữ trong việc truyền chức hay không truyền chức linh mục cho nữ giới. Đó chỉ là Giáo Hội tuân thủ những gì mà Đáng Sáng Lập là Chúa Giêsu đã làm. Và đây cũng chính là lý do để Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khóa sổ những suy diễn về vấn đề này. Tôi cảm thấy đồng tình với Ngài về chuyện này. Tôi tin là Đức Maria và một số phụ nữ đương thời của Chúa không đến nỗi tệ hơn các ông tông đồ là những người hèn nhát, chối Chúa, ham hố danh vọng, chức tước. Nhưng Chúa lại chỉ tuyển chọn và truyền chức cho những ông chài lưới, quên mùa, thiếu sót ấy!? Điều này phải hỏi lại Chúa… Và tôi tin là Chúa Giêsu chắc có lý do của Người. Hành động của Người mang rõ ý nghĩa và quyền năng của một Thiên Chúa làm người. Các thần học gia nên đào sâu vào ý nghĩa và tư tưởng Phúc Âm hơn là chạy theo thị hiếu của con người thời đại.

Cứ tưởng tượng (chỉ tưởng tượng thôi), trong một giáo xứ có 3 linh mục, một nữ, hai nam, thì nguyên cái chuyện xây phòng vệ sinh, nơi ăn chốn ở cho “mẹ linh mục” cũng phiền phức rồi. Rồi bà bếp, ông bếp nấu cơm, dọn bữa ra sao bởi vì các mẹ linh mục nhiều người rất sành chuyện bếp núc? Rồi những khi dâng lễ, khi đồng tế mà các “mẹ” son phấn lòe lẹt, môi đỏ choét, nước hoa thơm ngát đứng giữa các “cha” linh mục giáo dân nhìn lên sẽ như thế nào? Các linh mục đồng tế sẽ phản ứng ra sao!!! Những buổi họp mặt các linh mục trong giáo phận nữa… Ôi! Chỉ mới tưởng tượng đến đây là đã muốn “xỉu” rồi. Không chừng lúc đó còn xẩy ra cái chuyện “ông” linh mục dê “bà” linh mục hay ngược lại “bà” linh mục tương tư “ông” linh mục, hoặc chuyện đức giám mục lại quan tâm đến linh mục nữ này hơn những linh mục nữ hoặc nam khác… Không chừng có chuyện đánh ghen giữa các linh mục với nhau. Đó là chưa bàn tới việc tuyển chọn, huấn luyện, và truyền chức… Phiền phức quá!

Tóm lại, việc mấy nhà thần học nghĩ sao, cắt, chẻ chữ nghĩa như thế nào để phù hợp với quan điểm và nhận thức thời đại là chuyện của mấy ông, mấy bà ấy. Nếu không họ cũng chẳng phải là “thần học gia” đâu. Nhưng chọn lựa, và đi tới quyết định chúng ta chắc chắn phải nhờ đến Chúa Thánh Thần. Tôi tin là Chúa Thánh Thần sẽ làm công việc của Ngài, và con thuyền Giáo Hội vẫn là nơi an toàn nhất cho những ai ở trong đó trên đường vượt biển trần gia.

Tôi muốn dành cho phụ nữ sự kính trọng nhất của tôi. Nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ phiếu đồng ý cho phụ nữ làm linh mục, nếu như tôi được hỏi ý kiến. Câu truyên xẩy ra cách đây cũng đã lâu khi tôi còn là một sinh viên đang học thêm tiếng Anh. Nữ tu Lilian là giáo sư và là một nữ tu có cái nhìn, có suy nghĩ cấp tiến. Bà rất muốn làm linh mục, nên cổ võ đặc biệt việc phong chức linh mục cho nữ giới. Một hôm bà đưa ra vấn đề này để bàn thảo trong lớp, và bà hỏi ý kiến của tôi. Không ngần ngại tôi trả lời bà: “Nếu bà là linh mục, chắc tôi sẽ lội bộ dưới trời mưa tuyết qua xứ bên cạnh để xin xưng tội.” Bà cũng không vừa: “Nếu vậy thì anh sẽ chết mất linh hồn trước khi đến được xứ bên cạnh.”

Tôi rất kính trọng thiên chức linh mục, nhưng tôi cũng không bao giờ đồng ý cho linh mục lập gia đình nếu như tôi được hỏi ý kiến. Vấn đề độc thân thì các ứng viên linh mục đã tự chọn. Không ai cưỡng bức hay bắt buộc. Vậy nếu có sự xét lại thì chúng ta phải đặt vấn đề với con người linh mục ấy. Đặt lại đời sống tâm lý, đời sống nội tâm của linh mục ấy. Nó không phải là lý do để đưa đến một tháo gỡ hoàn toàn “luật chơi” của Giáo Hội.  

Có người sẽ cho đây là những quan niệm cố chấp, thủ cựu, hay lạc hậu. Nhưng đó là cái nhìn, và quan niệm cá nhân của tôi với những ưu tư về Giáo Hội mỗi khi đọc, hoặc nghe đến hai phạm trù linh mục có vợ và phụ nữ làm linh mục.” (trích điện thư của Ts Trần Mỹ Duyệt ngày 08/7/2017 gửi các trang mạng như Thanh Linh;  Tâm Linh Vào Đời;  Ả Siêu;  Khổng Đức Nhuận;  Vui Sống Trên Đời;  Nguyệt San Hiệp Nhất với chủ đề SINH HOẠT CỦA GIÁO HỘI)

Và nhận-định từ người chủ trang “TâmLinhVàoĐời.net”, rày lại khác:

Bấy lâu nay việc không phong chức cho phụ nữ đơn-giản chỉ là vấn-đề văn-hoá đơn-thuần, mà thôi. Hoàn toàn đúng như vậy. Trong khung cảnh trọng nam khinh nữ của Do Thái thời đó, nên các đấng bậc đều là nam..

Nhưng hiện nay, đặc biệt là Hoa kỳ, đàn ông đã bị xếp hạng 4 sau cả con chó!! "phụ nữ, trẻ em, con chó rồi đến đàn ông" Thêm vào đó, việc này Không có nền tảng Kinh Thánh. Phaolo đã khẳng định:

“Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp,
nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ;
nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” 
(Gl 3:28)

Nếu trong hoàn cảnh văn hóa đã thay đổi ngày nay.. mà Giáo hội vẫn chưa chịu thay đổi.. vẫn còn kỳ thị phụ nữ…!!!! Thì có khi bị mang tiếng là chưa nên một trong Đức Kitô !!!! Vì thế Giáo hội cần nghiêm chỉnh đề cập đến chuyện này. Trên tòa giảng, khi có dịp thuận tiện, quý linh mục cũng nên chuẩn bị tinh thần giáo dân một cách khéo léo, tế nhị với tất cả lòng tôn-trọng, tử-tế và thanh-thản… (trích điện thư của Khổng Đức Nhuận ngày 07/7/17 gửi người dịch Mai Tá ở Sydney)

Nói đi thì lại nói lại, chung qui cũng là nói loanh quanh về trang sách của tác-giả là Lm Edward Schillebeeckx trong cuốn “I am a Happy Theologian”, SCM Press Ltd 1994, tr. 75-77) do Mai Tá dịch như sau:

“Có lần ông nói sơ qua về đời sống độc-thân tự-nguyện. Nay, ông có muốn nói thêm điều gì không?

“Đây là vấn-đề lớn, theo tôi, đang đặt ra cho các Giám-mục là đấng bậc từng yêu cầu Đức Giáo Hoàng suy-tư nghiêm-túc về chuyện ấy. Lại cũng có một số Hồng-y và Giám mục đã công-khai yêu-cầu xét lại luật lệ về chuyện này. Về nhiều mặt, có một số nhu-cầu đòi hỏi là: chuyện độc-thân phải tuỳ thuộc chọn lựa của mỗi người, mỗi trường-hợp.

Trong tương-lai/mai ngày, nếu như độc-thân là việc ta có thể chọn lựa, thì: sẽ có nhiều vấn-đề đặt ra cho Giáo-hội. Nhiều linh-mục từng chấp-nhận đời sống độc-thân lại sẽ tiếp-tục lập lại chọn lựa của mình; nhưng, cũng có một số vị khác sẽ không còn chấp-nhận những chuyện như thế nữa; và có thể là, các vị ấy cũng sẽ có tương-quan với nữ-giới nhiều hơn trước.

Điều này, thật dễ hiểu đối với một Giáo-hội độc-tài/toàn-trị. Sẽ là điều thẳng-thắn tốt đẹp, nếu ta xử-sự một cách cởi mở hơn. Cả hai bậc, một đằng đã lập gia đình, còn bậc kia là những vị không thể làm ứng-viên cho thừa-tác-vụ linh-mục, được. Chế-độ độc-thân là một đặc-sủng.
Thừa-tác-vụ linh-mục mở cửa rộng rãi cho mọi Kitô-hữu. Tôi hiểu rằng, mọi người nay đang suy-tư như thể bảo là: “Nếu chuyện ấy xảy đến, mọi sự rồi cũng gãy đổ, và sẽ có thảm-hoạ tiếp theo sau.” Nhưng, hỏi rằng: sao lại như thế? Giáo-hội Thệ-phản đâu đã sụp đổ, cả Giáo-hội Chính-thống hoặc Giáo-hội Công-giáo theo nghi-thức Đông-Phương đâu đã như thế.

Phải chăng, các Giáo-hội như thế, các thành-viên ấy ít tốt-lành/hạnh-đạo ư? Tôi thật không rõ. Việc như thế, quả thật chỉ làm mất thêm thời-gian của mọi người. Rất nhiều linh-mục đã rời bỏ Giáo-hội vì mỗi chuyện độc-thân thôi. Hàng ngàn và hàng ngàn vị đã ra như thế. Thế thì, tại sao lại để mọi người không có được Tiệc Thánh Thể vào mỗi tuần? Công Đồng Vatican 2 há chẳng nói: “Tiệc Thánh Chúa Nhật, là trọng tâm, là linh-hồn đời sống của Kitô-hữu, cả đấy sao? Thế, tại sao ta lại để cho toàn-bộ cộng-đồng Kitô-hữu không có được Tiệc thánh vào ngày của Chúa?

Đây, là câu hỏi rất sâu sắc mà đến nay chưa ai đưa ra câu trả lời thoả-đáng chút nào hết! Về “Phong chức cho nữ phụ”, trên thực tế, ta đều thấy: phụ-nữ dấn thân vào cuộc sống Giáo-hội nhiều hơn nam-giới. Thế nhưng, các bà các cô lại không có được quyền-uy, pháp-chế nào hết. Đó quả là chuyện kỳ-thị khiến đảo lộn.

Đức Kitô khi xưa từng chọn các nữ-phụ, tức các tông-đồ thực-thụ dám dấn bước trên đường con đường mà các vị ấy chọn lựa. Ngay đến chứng-nhân đầu tiên nhận-biết được việc Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết lại là một người nữ.

Loại-trừ phụ-nữ ra khỏi công-cuộc thừa-tác-vụ, việc đó đơn-giản chỉ là vấn-đề văn-hoá đơn-thuần, mà thôi. Nay, thì chuyện ấy không còn mang ý-nghĩa gì nữa. Vậy thì, tại sao nữ phụ lại không thể chủ-trì Tiệc Thánh Thể được thế? Phải chăng, vì họ không được tấn-phong ư? Không có luận-cứ hay ho nào lại chống-đối việc phong-chức linh-mục cho phụ-nữ, cả.

Ở xã-hội bên ngoài hôm nay, phụ-nữ có thể đảm-trách bất cứ vai-trò nào cũng có thể được, các bà/các cô đều có thể ở bất cứ vị-trí công-tác nào cũng được hết thậm chí thủ tướng, tổng thống!! Thế thì, tại sao ta lại không cho phép các sự việc ấy được xảy ra trong Giáo-hội Công-giáo của ta?
Dĩ nhiên là, ta cần chuẩn-bị dư-luận mọi người.

Một khi họ đã không được chuẩn-bị kỹ-lưỡng rất có thể lại sẽ xảy ra chia rẽ trầm-trọng, tức: những sự việc ta không thể lẩn tránh được. Bản thân tôi, trong các bài viết khi trước, tôi vẫn quyết tâm cho mọi người biết trọn vẹn về các vấn-đề này. Thế thì, tại sao ta lại không đề-cập chuyện ấy trong các bài chia-sẻ/giảng phòng với tất cả lòng tôn-trọng, tử-tế và thanh-thản, sẵn có chứ?

Dạo trước, tôi vẫn có thói quen mở đài nghe các đấng tranh-luận tại Thượng Hội Đồng Giám mục Anh hôm 11 tháng Mười Một năm 1992. Tranh-luận này, thuộc cấp cao lại sâu sắc, dám đề-cập đến vấn-đề mục-vụ cho những ai thuộc phe đối-lập, làm như thế là để duy-trì sự hiệp-nhất trong Giáo-hội. Theo nghĩa này, tôi rất vui lòng khi thấy có quyết định đề-cập cả chuyện phong-chức linh-mục cho phụ nữ nữa. Và với tôi, đây là bước tiến rất lớn chứ không là trở-ngại cho việc đại kết các Giáo-hội, bởi vì nhiều người Công giáo khác lại cũng đang đi về hướng này.

Xin hãy cho tôi nói thêm đôi điều về đời sống tốt-lành/hạnh-đạo, luôn ảnh-hưởng trên tôi, kể từ khi tôi là sĩ tử Dòng Đa Minh này. Đó, không là cuộc sống tách rời khỏi cuộc đời người tín-hữu Đức Kitô. Trong mọi sự kiện, tất cả đều do ta chọn-lựa đường-lối nào thích-hợp với mình, để rồi mình chính mình lại sẽ tuyên-bố tuân-giữ những việc như thế bằng lời khấn hứa, có thế thôi.

Nói chung thì, lời khấn hứa của các tu-sĩ đều là sự/việc rất khả-thi trong đời người. Ngay đến những người không phải là tu-sĩ hoặc nữ-tu đi nữa, họ cũng có thể sống cuộc đời độc-thân, vì có chọn-lựa khác biệt như ở địa-hạt chính-trị, chẳng hạn.”

Về lại với đề tài của bài hát “Hoa Bướm Ngày Xưa”, thiết tưởng cũng nên nghe thêm đôi lời ca cũng rất “Ngày xưa” ấy để cảm kích hơn tranh-luận chuyện “Sinh Hoạt Giáo-hội”   

“Nơi ấy ngày xanh qua
Hồn thơ mơ mộng quá
Yêu những khung trời hoa bướm...
Với nắng tơ vàng êm
Yêu sao ngày thơ ấu
Đất nước chưa thay màu
Những tấm lòng thương nhau
Cười nghiêng nghiêng tà áo
Năm tháng theo làn mây trôi
Ngày thơ xa dần mãi.
Nơi cũ dâng sầu tê tái
Sắc bướm hoa tàn phai
Hồn bướm hoa xưa còn đâu?
Vườn cũ quê nhà yêu dấu
Màu nắng xưa còn lưu luyến
Hương sắc ngừng trôi trước thềm
Còn nhớ hay chăng người ơi!
Chiều nào thầm nghe lá rơi
Ta nhắc cung đàn u sầu
Thương ngàn cánh hoa phai mầu
Cho nhớ thương về quê... phai
Tìm thấy đâu ngày thơ êm ái. “
(Nguyễn Hiền – bđd)

Cũng theo chủ-trương của tiết mục vẫn-cứ-gọi-là “Chuyện Phiếm Đạo Đời” bàn cả chuyện Đạo lẫn truyện kể ở đời, thì nay lại cũng xin bạn và xin cả tôi, ta lại lắng nghe đôi ba tình-tiết của truyện kể không “Hoa bướm ngày xưa”, cũng chẳng là chuyện “bướm hoa ngày nay”, mà chỉ là truyện để phiếm cà kê cho qua ngày đoạn tháng khi nghe quá nhiều cuộc tranh-luận ở đời về tình-tiết cũng như tâm-tình, xưa và nay.  

Rào đón thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ để lòng mình chìm đắm trong giòng chảy những kể rằng:

“Một người không rõ về vận mệnh, đem thắc mắc của mình đi bái kiến vị thiền sư nọ.
-Thầy nói xem trên đời này có vận mệnh không?
-Có.
-Nhưng, vận mệnh của con ở đâu?
Vị thiền sư kêu anh ta xoè tay trái ra, chỉ anh ta xem và nói:
-Con thấy rõ chưa? Đường này là đường tình cảm, đường này là đường sự nghiệp, còn đường kia là đường sinh-mệnh. 
Sau đó, vị thiền sư kêu anh ta từ từ nắm tay lại, cho thật chặt. Thiền sư hỏi: 
-Con nói xem, những đường đó nằm ở đâu rồi?
Anh ta mơ hồ bảo:
-Trong tay con này.
-Con hiểu vận mệnh của con ở đâu rồi chứ?
Anh ta mỉm cười nhận ra, thì ra vận mệnh nằm trong tay mình.”
Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
-Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người độc ác lại cứ sống tốt như vậy?
Thầy thông-thái hiền hòa nhìn tôi rồi trả lời:
-Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương-ứng. Nếu một người trong nội-tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm-giác thống-khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo-lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội-tâm của con vẫn tồn-tại điều ác, con không phải là người lương-thiện thật sự. Và, những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.

Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm-giác như bị xúc-phạm, tôi không phục, liền nói:-Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương-thiện mà! Thầy trả lời:
-Nội-tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn-tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn-tại trong con.
Tôi nói:
-Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải-mái, cũng hy-vọng mau chóng có thể cải-biến tình-trạng này; trong xã-hội, không ít người căn-bản không có văn-hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí-thức văn-hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu-nhập, thật sự là không công-bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải-mái…

Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống-khổ của mình. Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân-từ, đôn-hậu, người từ-tốn nói với tôi:
-Thu-nhập hiện-tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia-đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn-bản là đã không phải lưu-lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện-tích hơi nhỏ một chút, con hoàn-toàn có thể không phải chịu những khổ-tâm ấy.
-Nhưng, bởi vì nội-tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.

Trong xã-hội có nhiều người thiếu văn-hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố-kị. Tâm đố-kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn-hóa, nên cần phải có thu-nhập cao, đây chính là tâm ngạo-mạn. Tâm ngạo-mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn-hóa thì phải có thu-nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn-hóa không phải là căn-nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên-nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!

Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư-tưởng và quan-điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư-tưởng và quan-điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng-lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp-hòi cũng là ác tâm.

Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
-Lòng tham, tâm đố-kỵ, ngạo-mạn, ngu-si, hẹp-hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội-tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống-khổ mới tồn-tại trong con. Nếu con có thể loại-trừ những ác tâm đó, những thống-khổ kia sẽ tan thành mây khói.”

Con đem niềm vui và thỏa-mãn của mình đặt lên tiền thu-nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn-bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh-phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái-độ sống của con mới là quyết-định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái-độ lạc-quan, hòa-ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.

-Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”

-Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.

-Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.”

-Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
-Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?

Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng. Ngồi im lặng hồi lâu… xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ?

Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!” (Theo VNE)

Dù truyện kể hôm nay chỉ nói và kể toàn những chuyện như: vận mệnh, hoạ/phúc, sướng vui trong cuộc đời. Nhưng, suy cho kỹ, giả như người kể trong truyện lại hỏi về chuyện lứa đôi, giới tính hoặc chọn lựa đời sống độc thân/tu-trì, ắt cũng sẽ nhận được những lời khuyên tương-tự.

Hôm nay đây, có phiếm hoài/phiếm mãi chuyện gái/trai, hoặc “Hoa bướm ngày xưa” cho nhiều cũng chẳng hội ra được điều gì, ngoại trừ một quyết tâm cho riêng mình, mà thôi. Vậy thì, bằng vào quyết tâm riêng của mình, hỡi bạn và tôi, ta hãy cứ “bình chân như vại”, “mọi chuyện để ngoài tai” để rồi lại cứ hát những câu như:

“Nơi ấy ngày xanh qua
Hồn thơ mơ mộng quá
Yêu những khung trời hoa bướm...
Với nắng tơ vàng êm
Yêu sao ngày thơ ấu
Đất nước chưa thay màu
Những tấm lòng thương nhau
Cười nghiêng nghiêng tà áo
Năm tháng theo làn mây trôi
Ngày thơ xa dần mãi.
Nơi cũ dâng sầu tê tái
Sắc bướm hoa tàn phai
Hồn bướm hoa xưa còn đâu?
Vườn cũ quê nhà yêu dấu
Màu nắng xưa còn lưu luyến
Hương sắc ngừng trôi trước thềm
Còn nhớ hay chăng người ơi!
Chiều nào thầm nghe lá rơi
Ta nhắc cung đàn u sầu
Thương ngàn cánh hoa phai mầu
Cho nhớ thương về quê... phai
Tìm thấy đâu ngày thơ êm ái. “
(Nguyễn Hiền – bđd)

Đi vào kết cục, ta hãy để tai nghe lại lời đấng thánh-hiền nói hôm trước mà hiện-thực:

“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi,
để anh em được đồng tâm nhất trí với nhau,
như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi.”
(Thư Rôma 15: 5)
      
Trần Ngọc Mười Hai
Cứ hát hoài hát mãi những câu ca ở trên
khiến đời mình trẻ trung và vui vẻ mãi đến mai ngày.

No comments: