Saturday 24 December 2016

“Đôi mắt anh đã trở thành tinh tú.”



Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Thánh Gia Năm A 30/12/2016

“Đôi mắt anh đã trở thành tinh tú.”
Đứng thật xa canh chừng giấc ngủ ngon.
Anh canh chừng con thuyền lạ đi ngang.
Sẽ chở em về quê hương thần thoại.”
(Nhạc: Anh Bằng/Thơ: Nguyên Sa – Kỳ Diệu)

(1Corintô 2: 6-9)

“Mắt anh đã trở thành tinh-tú”, đó chính là điều kỳ-diệu nơi không-gian và thời-gian một đời người. “Thuyền lạ đi ngang sẽ chở em về quê-hương thần-thoại”, đây lại là điều “diệu kỳ” ở nhà Đạo chốn dân-gian/trần-thế, rất khó quên.

Điều khó quên hơn, lại vẫn là những câu ca ta hát tiếp, như sau:

“Khi áng mây cao dừng trên nếp trán.
Anh chợt nghe tình vỗ cánh bay.
Trái tim anh hờn dỗi trên vai.
Đêm hạnh phúc như hạt sương gầy

Bỗng mùa xuân về trên năm ngón.
Trên bàn tay lộc biếc lá non.
Anh đứng nghe âu yếm gọi tên em.
Khi em đến nằm ngoan trên cỏ biếc

Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ.
Có xôn xao là sỏi đá xôn xao.
Cánh tay anh, anh đã dặn nằm im.
Để người yêu thả trôi suối tóc mềm.”
(Anh Bằng/Nguyên Sa – bđd)

“Mặt trời bỡ ngỡ”, “Sỏi đá xôn-xao”, vẫn là những “ngỡ ngàng” còn thấy được ở đâu đó, chốn thân-thương nhà Đạo, được tác-giả Bart D. Ehrman tỏ-bày ở bên dưới:

“Kinh thánh, là sách được nhều người mua về đọc và sùng-kính cách sâu-sắc hơn bất cứ sách nào khác trong lịch-sử văn-minh phương Tây. Nói theo giọng dễ gây tranh-cãi hơn, thì đây là cuốn sách được ít người hiểu cho thấu-đáo, đặc-biệt là quần-chúng dân-gian, rất giáo dân.

200 năm qua, các học-giả Kinh thánh đã tạo nhiều tiến-bộ đáng kể trong việc tìm hiểu Sách này, nhờ các khai-quật khảo-cổ lâu nay tạo nhiều bước tiến đáng kể trong hiểu biết ngôn-ngữ cổ của Do-thái và Hy-Lạp, là tiếng mà Kinh Sách được viết ngay từ thời đầu. Và từ đó, đi sâu dần vào địa-hạt phân-tách văn-chương/lịch-sử cùng như nội-dung văn-bản của Sách ấy. Đây là thành-tựu cũng không nhỏ.

Thành thật mà nói, dân-gian quần-chúng nói chung, hầu như không biết nhiều về Kinh thánh, hết. Phần lớn, là vì nhiều người trong chúng ta dù bỏ ra cả đời người để chuyên-chăm học-hỏi Kinh-thánh vẫn không thành công tốt đẹp, tức: không thông-chuyển gửi đến quần-chúng nói chung những gì cần chuyển cho chính-xác.

Và, vì phần đông linh-mục hoặc mục-sư tuy đã học-hỏi nhiều về những điều như thế ở chủng-viện, và/hoặc vì nhiều lý-do khác, lại đã không sẻ san những gì mình học hỏi cho giáo-dân hiểu khi các ngài đạt chức chánh-xứ hoặc quản-nhiệm xứ đạo ở địa phương.

Dĩ nhiên, Giáo-xứ là chốn miền chính-thức để Giáo-hội mình dạy dỗ hoặc giảng-giải Kinh thánh; vì thế nên, không chỉ mỗi người Mỹ chúng ta đang dần dà bị ngu-si-hoá về nội-dung của Kinh thánh mà thôi, nhưng tất cả chúng ta gần như đang đi vào chốn tối tăm không biết gì chuyện các học-giả lâu nay nói gì về Kinh thánh trong suốt hai trăm năm trở về trước…            

Phần đông các học giả được huấn-luyện về Kinh-thánh có đẳng-cấp, đều xuất tự các trường cao-đẳng chuyên về thần-học. Phần lớn trong số các học-giả như thế, mỗi năm đều xuất tự các chủng-viện.

Các vị này, dù theo học bộ môn thánh kinh cách nào đi nữa, cũng vẫn học theo niên-khoá, có khi lại gồm các đề-tài mà họ từng học ở các khoá học Chủ nhật và phần đông tiếp-cận với Kinh-thánh theo cách sủng-mộ, tức: cũng đọc và cũng học đấy nhưng chỉ để tin và để sống cuộc sống của mình, mà thôi. Theo qui-định, thì các sinh-viên như thế lại không thích dính-dự vào những điều mà các học-giả từng khám-phá ra cái khó của Kinh thánh khi được học theo cách khoa-bảng, hoặc có tầm nhìn nhiều sử-tính hơn.

Các học viên khác, thường rất nghiêm-túc trong cách học theo lối khoa-bảng ở chủng-viện nhưng lại không hiểu rõ Kinh thánh; hoặc đặc-biệt hơn, cứ coi Kinh thánh như Lời của Chúa có thần-hứng chứ không đơn thuần là lời của con người nghĩ ra. Các học-viên như thế, thường là tín-hữu bẩm sinh được nuôi-nấng để trở thành thừa-tác-viên trong Đạo, và phần đông được gọi đi học để làm thừa-tác-viên giảng-dạy tại các trường, ngoài xã-hội.

Thế nên, các học-viên như thế chẳng bao giờ tin rằng Kinh thánh có thể sai lầm và họ quyết tâm phục vụ thể-chế Giáo-hội hơn là vào Kinh thánh. Nên, thật sự mà nói thì những vị này không hiểu gì nhiều về Kinh thánh và chỉ có ý-niệm khá mơ-hồ về giá-trị đạo-giáo của Sách này…” (Xem Bart D. Ehrman, Jesus, Interrupted Revealing the Hidden Contradictions in the Bible and Why We Don’t Know About Them, HarperOne 2009, tr.1-5)

Như tác-giả Bart D. Ehrman vừa nói ở trên, thì: lâu nay giáo-dân Công-giáo (nhất là người Việt mình) tham-dự thánh-lễ ở bất cứ nơi đâu, nhà thờ nào, cũng ngồi bất-động mà nghe Linh-mục cứ “băm xẻ” Lời Chúa, chứ chẳng ai được “chia sẻ” hoặc tham-gia ý-kiến hoặc hiểu/biết của mình về Kinh thánh, hết.

Gọi là “băm xẻ”, vì các đấng bậc vị vọng đứng trên toà giảng có bao giờ chịu để cho dân con ngồi dưới được phép có ý-kiến gì đâu, mà gọi là “chia” với “sẻ”. Hai nữa, nhiều vị cũng chỉ biết “băm” và “xẻ” Lời Chúa thành nhiều mảnh, khiến Tin Mừng càng khó hiểu thêm, chứ nào đã sẻ san Lời  Chúa đâu mà giành quyền.

Thành thử, càng nghe giảng nhiều, giáo-dân/người nghe nếu không ngủ gật thì cũng rối trí, có bóp đầu bóp trán cho lắm cũng chẳng hiểu bậc “cha và cố” hôm ấy nói những gì. Chi bằng, người nghe cứ đọc câu thưa cách ngắn gọn nhẹ, như: “Tạ ơn Chúa”, hoặc “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” tựa như câu “Amen”, rồi cũng xong.   

Dù gì đi nữa, lời giảng-giải cho giáo-dân biết về Kinh Sách phải giản-đơn và dễ hiểu như giảng và giải về tình thương-yêu giữa hai người, hoặc mọi người. Tình thương-yêu tuyệt-vời ấy đã nằm trong Kinh Sách từ thuở đầu xa xưa ấy, khi con người từ lúc chập-chững đã biết “yêu” là gì rồi chứ đâu cần vòng vo, băm xẻ.

Tình thương-yêu, được kể nhiều ở Kinh Sách, rất có thể chỉ là thứ tình được diễn-tả ở nhiều nơi, trong cuộc đời, tựa như câu truyện về tình chị em hay tình của người em đối với người chị, ghi ở bên dưới, gọi là Câu chuyện hai chị em” vẫn gọn gàng/nhẹ êm như sau:

“Truyện rằng:

Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học.

Một ngày kia tôi lén ăn cắp 15 đồng trong ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp.

Vì sợ hãi, tôi đã không dám đứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:
-Thưa cha, con trót dại…

Em nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì. Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như không thở được nữa.

Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân thể đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:
-Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!
Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.

Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc.

Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:
-Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghèo khó sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.

Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc túi sách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy bên gối tôi với lời nhắn nhủ: 
-Chị ơi, được vào đại học không phải là điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị.
Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời. Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.

Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số tiền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.

Một hôm đang ngồi học trong phòng, một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói: 
-Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.
Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:
-Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?
Em cười đáp lại: 
-Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.
Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào. Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:
-Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!
Tôi không kềm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở.
Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.

Lần đầu, khi tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị miếng kính đâm vào tay chảy máu. Tôi chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em. Em cười rồi nói: 
-Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!
Năm ấy em 23 và tôi 26.

Sau khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không hay về chồng tôi. 30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.

Năm tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mĩ mãn của tôi bị đỏ vỡ vì sự xuất hiện của một người phụ nữ khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã.

Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa.https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEj0lvIQcoXEwpGAkSXOR4xGOjkLgM-DnYC-KV_AyX1mFdiLZc2jdybkfPgLF9FjndSg2zIrUre8EzXz-ze-Rcny_G91fdzwMmLfLAIzVe7RlEgraD8a7NIDPMmQc7hVLY2LMQXQ1sAHOCEjKw7HYXOWS_lhu7ICcg=s0-d-e1-ft Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình.

Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi rồi về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt. Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc. Năm ấy em chỉ vừa lên 5! Tóm lại, mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi! (Sưu tầm)https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEj0lvIQcoXEwpGAkSXOR4xGOjkLgM-DnYC-KV_AyX1mFdiLZc2jdybkfPgLF9FjndSg2zIrUre8EzXz-ze-Rcny_G91fdzwMmLfLAIzVe7RlEgraD8a7NIDPMmQc7hVLY2LMQXQ1sAHOCEjKw7HYXOWS_lhu7ICcg=s0-d-e1-ft

Đọc truyện kể ở trên tiếp theo những điều được biết đến về Kinh Sách, còn để hiểu và biết những lời vàng được đấng thánh-hiền trong Đạo vẫn từng bảo:

“Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành
cũng là một lẽ khôn ngoan,
nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian,
cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này,
là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.
Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa
đã được giữ bí mật,
lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời,
cho chúng ta được vinh hiển.
Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này
đã được biết lẽ khôn ngoan ấy,
vì nếu biết,
họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá.
Nhưng, như đã chép:
Điều mắt chẳng hề thấy,
tai chẳng hề nghe,
lòng người không hề nghĩ tới,
đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn
cho những ai mến yêu Ngài.”
(1Cor 2: 6-9)

Giảng và giải lẽ khôn-ngoan tức tình thương-yêu “mà Thiên-Chúa đã tiền-định từ trước muôn đời”, với đấng thánh-hiền nhà Đạo thì như thế. Với người đời, nói lên nét đẹp của tình thương-yêu trong đời theo cung cách của thi-ca/âm-nhạc, là như người nghệ-sĩ vẫn hát rằng:

“Đôi mắt anh đã trở thành tinh tú.
Đứng thật xa canh chừng giấc ngủ ngon.
Anh canh chừng con thuyền lạ đi ngang.
Sẽ chở em về quê hương thần thoại,
Khi áng mây cao dừng trên nếp trán.

Anh chợt nghe tình vỗ cánh bay.
Trái tim anh hờn dỗi trên vai.
Đêm hạnh phúc như hạt sương gầy

Bỗng mùa xuân về trên năm ngón.
Trên bàn tay lộc biếc lá non.
Anh đứng nghe âu yếm gọi tên em.
Khi em đến nằm ngoan trên cỏ biếc

Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ.
Có xôn xao là sỏi đá xôn xao.
Cánh tay anh, anh đã dặn nằm im.
Để người yêu thả trôi suối tóc mềm.”
(Anh Bằng/Nguyên Sa – bđd)

Đề cao tình thương-yêu ở đời đến như thế rồi, nay mời bạn/mời tôi ta cứ thế mà hướng về phía trước, quyết đi sâu vào cuộc đời người, để rồi sẽ còn đề-cao/tôn-dương tình yêu-thương, hơn thế nữa. Vì đó là Tình-Yêu, ảnh-hình của Thiên-Chúa. Vì đó là đời người, sản-phẩm đến từ tình-yêu, cũng rất người.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn mong được tâm-niệm
và tôn-dương Tình-Yêu   
đến như thế
suốt cuộc đời.


     

 


No comments: