Saturday 10 September 2016

“Em đi rồi đường xưa có nắng không anh?"



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 25 mùa thường niên năm C 18/9/2016

“Em đi rồi đường xưa có nắng không anh?"
Lá hoa còn xanh hay tàn theo tháng ngày.
Giờ một mình anh lẻ bước trong sương mai,
người tình còn đâu chỉ thấy đớn đau con tim.
(Lam Phương – Em Đi Rồi)
(2Timotê 4: 1-5)

Em đã đi rồi, sao anh còn cứ hỏi? Hỏi gì không hỏi, sao anh lại hỏi “có nắng hay không", làm sao “người ấy” biết đâu mà trả lời. Trả lời/trả vốn hay trả gì đi nữa, chi bằng trả lại cho em nỗi cô-đơn như lời buồn trong tiếng hát như sau:

“Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn,
biết chia cùng ai nổi buồn trên xứ người,
một lần biệt ly,
chẳng biết nói năng chi,
lệ tràn bờ mi thì đã qua chia ly.

Dù tình thật xa,
tình vẫn còn đây,
khoé mắt u hoài vì ngấn lệ chưa vơi.

Trời buồn tình ngâu trời đêm bão tố,
mưa tuôn thành dòng,
thuận gió biển đông,
tình buồn tình xa,
tình không mờ xóa,
hai phương trời rộng tình vẫn mênh mông.”
(Lam Phương – bđd)

Vâng. Vấn-đề là như thế! Như thế, giống như là bần đạo đây vẫn bị hỏi những câu khá lơ mơ lờ mờ từ đâu đó chuyển về, lại những bảo: “Động-lực nào khiến anh cứ phiếm nhanh, phiếm mạnh, phiếm chóng vánh như thế chứ?”

Nghe hỏi, bần-đạo đây bèn chột dạ, cứ nghĩ quanh/nghĩ quẩn một hồi rồi mới bảo: “Chả nói giấu gì bạn mình đã cất công viết thư để hỏi, bấy nhiêu thôi. Thật ra thì, đã gọi là viết và lách những “Chuyện Phiếm Đạo Đời” rồi, thì việc gì cũng có thể viết ra được hết. Hết chuyện Đạo đến chuyện đời, toàn những chuyện trời trăng mây nước, có chết ba thằng Tây đen, Tây trắng nào đâu chứ!

Với lại, lúc này bần-đạo dịch nhiều hơn viết thế nên mới loạn phiếm/phiếm-loạn cũng rất lợi. Cái lợi đây, là ở chỗ: những bài/bản mình quyết dịch, dù đôi lúc cũng tiếng là về “lề trái”, ít chính qui/chính mạch như “lề phải”, cũng đâu sao. Bởi, đó có là lập-trường/tư-tưởng của mình đâu mà sợ. Quyết thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta đi thẳng vào vấn-đề lan-man rất nhiều chất phiếm nhưng không loạn, rằng thì là:

Có lần, nhân sự-kiện Giáo-hội sở-tại Sydney đã di-dời linh-mục nọ khỏi xứ đạo nhỏ ông từng phục vụ gần một năm, để rồi giáo-dân đây/đó bèn viết thư thỉnh-nguyện xin “Bề Trên” lưu-giữ đấng-bậc ở lại với thêm ít tháng nữa, lấy lý-do là vị “lờ mờ” này rất ư dân-chủ, lành thánh và hạnh-đạo.

Nhận thư thỉnh-nguyện của giáo-dân dưới trướng, đấng bậc chủ-quản phụ-tá giáo-phận bèn nhắn lại nhóm người từng viết thư trên mà rằng: “Bà con chớ có tưởng lầm rằng: Giáo-hội ta lâu nay vẫn dân-chủ đâu mà đòi thỉnh-nguyện với khiếu-kiện. Thôi, con hãy về đi mà chấp-hành mọi quyết-định ở trên, rồi ra mai ngày Giáo-hội mình có xét lại lúc ấy hẵng hay!...”

Thẩm-định về vụ/việc trên, bần đạo đây lại nhớ: có lần đọc được bài báo nọ đại ý cũng tường-trình về vụ/việc nọ những hỏi rằng: “Trong Giáo-hội của ta, có chăng một tự-do ăn nói?” Nay, tìm được bài viết ấy, lại cũng xin đi vào chỗ tối lấy từ-điển/tự-vựng “triết/thần” ra mà mài mực Tầu đặt trên giấy trắng, để bà con mình thưởng-lãm “dăm ba phút cũng được một hồi trống canh”.  

Còn nhớ, vào độ tháng tư năm 2015 hôm ấy, khi có hội-nghị thượng-đỉnh Rôma bàn về “Gia-đình”, Hồng-y Vincent Nichols của Anh có đưa ra một thỉnh-nguyện khuyến-khích các linh-mục ký vào bức thư nọ yêu-cầu Giáo-hội “nới lỏng” luật Đạo cho phép các vị sống bên lề Hội-thánh, được hưởng lòng từ-bi/thương-xót nhằm lúc Giáo hội lập nên Năm thánh Từ Bi 2016 này.

Cuối cùng, cũng có vị đi đến kết-luận bảo rằng: “Trái núi đẻ ra con chuột” đâu vẫn hoàn đấy. Giáo-hội Công-giáo mình, vẫn mang tên Nguyễn Y Vân, thật mới đúng!”

Hôm nay, bần đạo đây chả dám “lạm bàn” về các ý-kiến/ý cò của ai đó, nhưng chỉ biết âm-thầm tìm kiếm lập-trường của các đấng bậc thuộc dạng “thày dạy”, bày biện như sau:

“Khi xưa, vào cái thời mà vấn-đề xung-đột dậy lên khi có vụ thần-học-gia Karl Rahner bị cấm/cản một đôi việc, người ta lại đã chú ý đến tự-do ngôn-luận nhìn từ góc cạnh của bậc thày dạy niềm tin. Vấn-đề về nội-dung niềm tin là hỏi rằng: điều gì mở ra cho ta, để có thể bàn-cãi hoặc bị đóng lại chỉ dành cho đấng bậc thẩm-quyền mới được phép nói-năng, bàn-bạc về nhiều thứ. Và, nhiều vị lại cũng hỏi: đâu là trách-nhiệm của người được dạy mỗi khi nói năng hoặc bàn-bạc?

Đức Phanxicô có lần còn cho biết: các bậc thày dạy phải tạo cung-cách học hỏi cho học-viên và nhờ đó người Công-giáo chúng ta nhận-lĩnh niềm tin, cũng rất chóng. Hệt như thần-học-gia Karl Rahner hôm trước, Đức Phanxicô nay cương-quyết khích-lệ mọi người hãy đối-thoại sao cho sinh-động cả về những điều hàm-ẩn ở niềm tin và về sự tín-nhiệm. Điều này sẽ tạo lòng tin gia-tăng về những điều được dạy và như thế, sự thật sẽ tự nó chứng-minh được mọi việc. Tâm-tình Đức Phanxicô đưa ra, cũng khác với tâm-tình của các Giám-mục nghị-sự vào độ ấy.               

Thế nhưng, điểm khác-biệt sâu-sắc đã nổi lên khi Đức Phanxicô đưa ra viễn-tượng đặc-thù về niềm tin có giao-tiếp, chuyển-đạt. Ngài không quan-ngại về nội-dung bài dạy cho bằng làm thế nào để những người sống bên lề Hội thánh hiểu thấu-đáo những gì mình học-hỏi.  Ngài đặc-biệt lưu-tâm đến việc giải-thích toàn-bộ sứ-điệp của Đạo bằng ngôn-từ thích-hợp dành cho những người bị gạt bên lề Hội-thánh nhưng không coi đó là thông-tin xấu xa chút nào cả.

Thành thử, Ngài vẫn muốn cho Phúc Âm Lời Vàng được xã-hội mọi người, nhất là những người bị gạt ra sống ngoài lề Hội-thánh coi đó như Tin Vui Mừng thật sự.” (X. Lm Andrew Hamilton sj, Can Speech be free in the Catholic Church? Eureka Street 08/4/2015).

Thật ra thì, vấn-đề niềm tin bao giờ cũng phải là điều được mọi người đón-nhận cách hăng say, dù các vị ấy có thuộc Giám-mục đoàn phó hội Rôma hoặc chỉ là những người bị gạt ra sống ngoài lề Hội-thánh do bởi có cung-cách sống khác với Giáo-luật.

Thật sự thì, Giáo Hội Công-giáo mình vẫn được gọi là Hội thánh, hay hội của các thánh-nhân nam-nữ rất hiền-từ. Sự thật đôi lúc không phải thế. Không thế, là vì Hội của các thánh vẫn chú-trọng quá nhiều vào luật và luật, nên để mất đi một số con em hiền-từ nhưng chưa giữ đúng luật. Thế nên, mới bị gạt bỏ.

Nói cho cùng, cho đến nay, vẫn chưa chắc lắm là Giáo-hội mình đã có tự-do ăn nói và đã dân-chủ thực sự chưa? Câu trả lời xin dành cho tất cả các người anh, người chị trong Hội rất thánh ngày hôm nay.   

Nay, chỉ có mỗi đề-nghị là: ta hãy mời bạn/mời tôi đi vào vùng trời truyện kể minh-hoạ cho những điều đã nói ở trên, như sau:
“Là sinh viên năm thứ ba trong ngành kỹ sư cơ khí, Bryan rất hãnh diện khi vừa đi làm vừa đi học, và tự thuê đuợc căn phòng nhỏ xinh xắn trong khu chung cư gần truờng.

Hai năm truớc, khi mới bắt đầu cuộc sống sinh viên, Bryan ở trong ký túc xá của trường, giống như khung cảnh trại lính. Bốn chàng sinh viên trong một phòng lớn. Bàn học và giuờng ngủ riêng ở mỗi góc nhưng chung nhau phòng tắm giặt, vệ sinh. Mẹ của Bryan hàng tháng phải gửi tiền để Bryan trả tiền ký túc xá và chi tiêu ăn uống. 

Lên năm  thứ ba, đuợc truờng giới thiệu vừa đi làm vừa học việc trong một công ty lớn chuyên đóng tầu chiến cho Bộ Quốc Phòng, Bryan báo tin vui này cho mẹ và xin mẹ từ nay không phải gửi tiền hàng tháng, Bryan tự lo liệu đuợc tiền ăn ở, không xin mẹ nữa. 

Bryan còn khoe với mẹ đã thuê đuợc căn chung cư hai phòng ngủ vì có nguời ở chung chia tiền thuê rẻ hơn là thuê căn chung cư một phòng ngủ để ở một mình. Điều khiến cho mẹ Bryan lưu tâm nhất là nguời chung tiền nhà với Bryan lại là một cô sinh viên học cùng truờng !

Để tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn, Bryan mời mẹ đến căn chung cư của mình ăn bữa cơm tối cũng xem như là mừng tân gia. 

Không chần-chờ hơn đuợc nữa, mẹ Bryan đến ngay, mà còn đến sớm gần hai tiếng đồng hồ, để phụ giúp cho Bryan và cô bạn thuê chung nhà một tay sửa soạn cho bữa ơom tối đuợc thịnh soạn và đầy đủ. 

Dĩ nhiên là mẹ Bryan đến thăm con và bạn của con với rất nhiều quà cáp, cùng thức ăn đã nấu sẵn và nhất là bó hoa lớn thật đẹp cho Jennifer, nguời bạn thuê chung nhà của Bryan. 

Mẹ Bryan không thể tin đuợc ở chính đôi mắt của mình nữa. Jennifer quá đẹp, quá duyên dáng và thật là dễ thương. Lời ăn tiếng nói, cách cư xử nhẹ nhàng và lịch thiệp lắm, hết lòng chiều chuộng Bryan và mẹ Bryan. 

Bữa cơm tối giữa ba người thật là thân mật, ấm cúng với các thức ăn ngon và Jennifer đã đem bộ dao muỗng nĩa gia bảo bằng bạc thật đẹp ra để dùng trong bữa ăn. Đặc biệt là trong bộ đồ ăn này có một chiếc muỗng lớn dùng để múc nước “sốt” trạm trổ rất công phu. Jennifer hài lòng lắm khi mẹ Bryan trầm trồ và hết lời khen ngợi chiếc muỗng bạc hiếm có này.

Nhân lúc Jennifer vào phòng thay quần áo, mẹ Bryan ngỏ lời thắc mắc về sự liên hệ “trong sáng” giữa hai nguời… Bryan trấn an và trả lời ngay là mẹ đừng lo, hai đứa chúng con chỉ là bạn chung tiền thuê nhà thôi, phòng ai người ấy ở, giường ai người ấy ngủ!

Hai ngày sau bữa cơm tối, Jennifer nói với Bryan: -Anh ơi, em không dám nói là mẹ anh không lấy cái muỗng bạc, em cũng không dám nói là mẹ anh lấy…Nhưng thực tế là sau bữa cơm tối ấy, em không thấy chiếc muỗng bạc đâu nữa. Em không biết phải làm sao?…Anh giúp em nhé!

Nghe Jennifer tâm sự “chết người” như thế, Bryan bần thần cả người và suy nghĩ mông lung lắm. Sau cùng, Bryan viết email đến mẹ như sau:

Mẹ yêu quí, 

Cám ơn mẹ đã đến ăn tối với con và Jennifer. Con cũng cám ơn mẹ đã xử sự lịch thiệp và thân tình với Jennifer. Con có một chuyện khó nghĩ nên xin ý kiến của mẹ: có thể là mẹ mượn cái muỗng bạc của Jennifer để làm kiểu mẫu đặt làm một cái giống như vậy , nhưng mẹ quên nói với con. Cũng có thể là mẹ bỏ quên cái muỗng ở đâu đó….Nhưng thực tế là sau bữa cơm tối ấy, Jennifer và con không thấy cái muỗng nữa, dù chúng con đã tìm khắp nhà…”

Gửi thư xong, cả Bryan lẫn Jennifer đều thắc thỏm chờ thư trả lời. Ngay Bryan và cả Jennifer cùng không thể đoán đuợc là mẹ Bryan sẽ trả lời như thế nào? Không ai dám nghi là mẹ Bryan lấy, nhưng cái muỗng đâu có thể tự nhiên biến mất được. 

Ngày qua rồi lại ngày qua, vẫn không có thư của mẹ, Bryan sốt ruột quá, nhưng không muốn và cũng không thể làm gì hơn….

Chờ đúng một tuần không có thư mẹ, Bryan đành viết thư cho mẹ lần nữa và thật vắn tắt: “Mẹ ơi, sao mẹ không trả lời thư con…?.”

Tối đó, Bryan nhận đuợc email trả lời của mẹ, và cùng mở ra xem với
Jennifer.                                                                                                                                                          
Thư mẹ Bryan viết như sau: 

Bryan yêu quí của mẹ, 

Mẹ vẫn muốn tin rằng con và Jennifer ai ngủ giuờng nấy, mẹ vẫn không nghi là con …đôi lúc…ngủ trên giường của Jennifer… Nhưng thực tế là trong suốt tuần qua, nếu con ngủ trên giường của con thì con yêu quí của mẹ ơi, con đã thấy cái muỗng tuyệt đẹp đó rồi. Mẹ để cái muỗng ấy trên giường con, ngay dưới cái chăn…. Con không cần phải viết thư hỏi mẹ….đến hai lần!

Mẹ của con
(trích truyện kể luân-chuyển ở trên mạng vi-tính, rất vi-vu)

Truyện kể ở trên làm bạn và tôi là những người đọc ở huyện nhà lành-thánh lại nhớ đến Lời Vàng bậc thánh-hiền vẫn căn-dặn vào buổi trước, rất như sau:

Trước mặt Thiên-Chúa và Đức Kitô Giêsu,
Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Đấng sẽ xuất-hiện và nắm vương-quyền,
tôi tha thiết khuyên anh:
hãy rao giảng lời Chúa,
hãy lên tiếng, lúc thuận-tiện cũng như lúc không thuận-tiện;
hãy biện-bác, ngăm-đe, khuyên-nhủ,
với tất cả lòng nhẫn-nại
và chủ-tâm dạy dỗ.
Thật vậy,
sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo-lý lành mạnh,
nhưng theo những dục-vọng của mình
mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ,
bởi ngứa tai muốn nghe.
Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân-lý,
nhưng hướng về những chuyện hoang-đường.
Phần anh, hãy thận-trọng trong mọi sự,
hãy chịu đựng đau-khổ,
làm công việc của người loan-báo Tin Mừng
và chu-toàn chức-vụ của anh.”
(2Timôthê 4: 1-5)

Thời đó hay thời này, vẫn còn những chuyện “người ta không còn chịu nghe giáo-lý lành-mạnh, nhưng theo dục-vọng của mình” mà thôi. Dục-vọng hôm nay, có thể là những chuyện “đặt/bày”, những chuyện tưởng-rằng-đó là dân-chủ. Và, dục-vọng hôm nay còn là nói về đủ thứ chuyện, từ chuyện nói hành nói tỏi, nói bâng-quơ không mục-đích dẫn dắt nhau đi tìm chân-lý, tôn-trọng sự thật, của mọi sự.

Chính đó, là chủ-đề khiến bạn và tôi, đôi lúc cũng nên tìm về đó mà suy nghĩ. Suy-tư/nghĩ ngợi để rồi cứ thế mà sống nhanh, sống mạnh, sống hãnh-tiến trong một đời đầy những “dục-vọng” trớ-trêu khác.

Nghĩ thế rồi, nay ta cứ hãnh-tiến mà hướng về phía trước rồi hát những ca-từ dù rất buồn vẫn nghêu-ngao hát. Hát rằng:

“Em đi rồi đường xưa có nắng không anh?"
Lá hoa còn xanh hay tàn theo tháng ngày.
Giờ một mình anh lẻ bước trong sương mai,
người tình còn đâu chỉ thấy đớn đau con tim.

Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn,
biết chia cùng ai nổi buồn trên xứ người,
một lần biệt ly, chẳng biết nói năng chi,
lệ tràn bờ mi thì đã qua chia ly.

Dù tình thật xa ,tình vẫn còn đây,
khoé mắt u hoài vì ngấn lệ chưa vơi.

Trời buồn tình ngâu trời đêm bão tố,
mưa tuôn thành dòng,thuận gió biển đông,
tình buồn tình xa,tình không mờ xóa,
hai phương trời rộng tình vẫn mênh mông.”
(Lam Phương – bđd)



Trần Ngọc Mười Hai
Có những lúc rất buồn
khi thấy những người
“Em đi rồi,   
còn biết nói năng chi…”
Và, dù tình thật xa,
hay tình vẫn còn đây,
khoé mắt u hoài
vì ngấn lệ chưa vơi,
vẫn yêu đời.


        





No comments: