Sunday 10 July 2016

“Em ơi! quên đi bao nhiêu xót xa”,



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 16 mùa thường niên C 17/7/2016

“Em ơi! quên đi bao nhiêu xót xa”, 
Những chiều thiết tha bên nhau 
Em ơi! xin em, xin em nói yêu đương đậm đà 
Để rồi ngày mai cách xa.”
(Lê Uyên Phương – Lời Gọi Chân Mây)
(Mt 6: 22-23)
 
Quên đi ư? Quên để làm gì? Phải chăng để cứ thế mà yêu-đương như đương yêu chứ? Và rồi, để “ngày mai cách xa” ư? Điều đó, có là chuyện mê say, mê mệt và mê-tín không thế?

Bạn đọc chuyện phiếm của bần-đạo, một hôm sau nhiều ngày theo dõi các câu chuyện phiếm rất Đạo/đời, lại có lời phản-hồi rất như sau: “Anh viết Chuyện Phiếm Đạo Đời hay Đạo vào đời gì đó, mà sao toàn viết về chuyện Đạo nhiều hơn chuyện đời, vậy?”

Nghe hỏi, bần đạo bầy tôi đây, chả biết nói năng sao cho phải đạo làm người đi Đạo. Bởi, đối với bần-đạo, chuyện đi Đạo hoặc giữ Đạo vẫn cứ là “tin” vào Đạo. Thứ Đạo của tình thương-yêu vào đời, nhiều lúc cũng rất mê và rất tín.

Hôm nay, bần đạo xin được mạn phép nói về chuyện đời nhiều hơn  Đạo. Hoặc, cũng sẽ bảo: đi Đạo còn là và sẽ là: đi vào thứ Đạo rất mê và rất tín. Nói khác đi, như thế có nghĩa: “mê” say chuyện “tín” thác cho Đạo và vì Đạo. Bởi, Đạo của tôi và của bạn, lại là Đạo rất đáng mê/mệt chuyện tín-thác, rất tin-tưởng vào Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu rất mực và cũng rất mê-ly chuyện tin-tưởng, nên như thế.

Nói về chuyện “mê” và “tín”, hoặc những mê rồi sẽ tín-thác/tin-yêu trong đời người, bần đạo nhớ nhiều đến các sự hoặc các công việc mà người đời đi Đạo gọi là “mê-tín”. Mê-tín, có thể là chuyện tin và tưởng cách mê say, mê như điều-đổ. Mê, đến chết đi được. Hoặc, sống cho đến chết vẫn còn mê. Rất mê và cũng rất mệt vì Đạo.

Còn nhớ, khi xưa học chữ-nghĩa Tây/ta và tướng-mạo-học, các cụ thời ấy vẫn bảo: “Les yeux, mirroir de l’âme.” Tạm dịch là: “Con mắt, là cửa sổ của linh-hồn”. Và từ đó, các cụ còn đi xa hơn, đã nhập cuộc sự việc đầy những chuyện trời-trăng-mây-nước về dung-nhan, diện-mạo hoặc “tướng-mạo”, gì gì nữa.

Để tìm hiểu, học-hỏi hoặc nghiên-cứu dung-mạo của người đời, để rồi ta lại sẽ học và hỏi những chuyện về thần hồn, tưởng cũng nên tạt qua một số châm-ngôn/lời bàn của người xưa, để xem sao. Trước nhất, ta cũng nên đi vào với lời vàng ở Kinh/Sách có những câu, như:

“Đèn của thân thể là con mắt.
Vậy nếu mắt anh sáng,
thì toàn thân anh sẽ sáng.
Còn nếu mắt anh xấu,
thì toàn thân anh sẽ tối.
Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối,
thì tối biết chừng nào!”
(Mt 6: 22-23)

Xem thế thì, “mắt” là bộ-phận thanh-tao, lịch-lãm nói lên nhiều đặc-trưng/đặc-thù nơi tâm-thân/linh-hồn của con người. Về mắt, ta có: mắt láo-liên, mắt đỏ, mắt vàng, mắt bồ câu/lá liễu, mắt tinh-khôn lờ-đờ, hoặc “lờ-tờ-mờ” đủ mọi bộ. Thôi thì, có đến triệu triệu con mắt. Có, cả 7 tỷ cặp mắt trên thế-gian này, mà chẳng cặp nào giống cặp nào, hết!

Nhưng, vấn-đề là bảo rằng: con mắt hay cặp mắt, giúp ta được gì trong quá-trình đi Đạo và sống Đạo, đây? Ta có nên giữ con mắt như giữ cửa sổ của thần-hồn cho kỹ, không? Và, mắt là cái gì mà ghê-gớm thế vậy?

Câu hỏi về mắt, đặt ra thì nhiều. Nhưng lời đáp, chắc cũng không thiếu. Vâng. Mời bạn/mời tôi, ta đi vào chốn mê-hồn-trận có con mắt trần-gian vẫn đưa ta và mọi người vào chốn mê-say, mê-sảng, hoặc rất mê và rất tín, như tác-giả ở dưới đây, từng viết lên:

“Hẳn mọi người đều biết, khi xưa đã có sự hòa-trộn giữa ngoại-giáo và Đạo Chúa để rồi trở-thành Đạo Công-giáo La Mã. Người ngoài Đạo nguyện-cầu/thờ-phượng với mẫu-thần, nên giáo-hội của ta vừa thiết-lập lại đã du-nhập việc phụng-thờ mẫu-thần dưới tên gọi là: Đức Mẹ. Người ngoài Đạo đều đã có thần-linh, nữ-thần thuở trước nối-kết với tháng/ngày, nghề-nghiệp và nhiều sự-kiện trong cuộc sống thường-nhật.

Hệ-thống tín-ngưỡng này đã tháp-nhập và các “thần-linh” thánh-ái được gọi là “thánh-nhân”. Người ngoại-giáo sử-dụng các tượng đúc hoặc ngẫu-thần của họ đưa vào nghi-lễ phụng-thờ, và cũng thế Đạo mới lập cũng làm hệt như thế bằng cách gọi các đấng-bậc ấy bằng tên gọi khác nhau.

Vào thời cổ, thập-giá được dựng theo nhiều hình-thức khác-biệt cũng đã du-nhập vào đạo mới theo nhiều đường-lối cũng mê-tín/dị-đoan. Một số ý-tưởng được du-nhập lại đã phối-kết với thập-giá gỗ tượng-niệm cái chết của Đức Kitô, ở trên đó. Và kể từ đó, thập-giá trở-thành hình-ảnh được tôn-sùng cả ở bên ngoài, nhưng sự hy-sinh thực-sự của thập-giá đã “hoàn-tất” lại bị mờ-khuất do nghi-thức của lễ Misa có sự hóa-bánh và rượu, bi-kịch nhiệm-mầu và có nguyện cầu cho người đã chết, nữa.” (X. Ralph Woodrow, Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow Evangelistic Association, Inc. 1981, tr. 156)

Nói theo nhà Đạo hoặc những người có niềm tin vào đạo-giáo, thì như thế. Nói theo nghệ-sĩ ở đời, lại vẫn nói và hát theo thi-ca, âm-nhạc như sau:

“Anh ơi! bao nhiêu tang thương 
mỗi khi đã rời giấc mơ yêu đương. 
Anh ơi! xin anh,
xin anh cúi trên cơn mộng dài, 
Để chờ ngày mai lên nắng.
(Lê Uyên Phương – bđd)

 Như có hẹn ở đầu bài, hôm nay bần đạo đề-nghị: ta nói nhiều về chuyện đời hơn chuyện đạo. Chuyện đời về cái-gọi-là mê-tín hoặc tin vào tướng số, dung-mạo của thể xác, được người đời xác-định như sau:

“Một câu hỏi gắn liền với đời sống nhân-loại ngay từ khi loài người nhận thấy sự thọ/yểu của mỗi sinh-mệnh. Nói lại càng gây thắc-mắc hơn khi con người sống tụ thành xã-hội và nhận thấy lẽ cùng thông trong đời sống.

Phải chăng cùng thông thọ/yểu, là do sự an-bài của Đấng Tối-linh Trời, Phật, Thượng-Đế như các tín-ngưỡng/tôn-giáo từng lập-luận. Hoặc, ngược hẳn lại, theo triết-lý nhân-văn, khoa-học, phương-pháp học, ý-chí quyền-lực, tất cả là do con người định. Vũ-trụ quanh ta, không chống lại ta mà cũng không ban ân-huệ gì cho ta. Nó quay cuồng, đảo lộn, không hề có mưu-định gì cả. Trong quay cuồng đảo lộn, chính con người tự điều-khiển, tự cai-quản, vượt mọi trở-ngại để chiến thắng…(X.Vũ Tài Lục, Tướng Mệnh Học Khảo-luận, ấn-bản in lại ở nước ngoài tr. 7)

Hát và nói sơ qua về tướng-học diện-mạo như thế xong, tưởng cũng nên hát thêm đôi ca-từ rất để đời rằng:

“Nhớ đến ngày còn gần nhau. 
Nước mắt rơi khóc phút không ngờ. 
Nhớ thương ngậm ngùi cách xa, 
Biết đến bao giờ.

Em ơi! chim bay mang theo 
chút hơi nắng tàn giấu trong tim son. 
Em ơi! xin em,
xin em dấu trong cơn nghẹn ngào. 
Những chiều buồn mưa lẻ loi. 

Anh ơi! như chim say mê 
có khi rã rời cánh nhung thôi bay 
Anh ơi! xin anh,
xin anh lúc chân mây mệt nhoài, 
Trở về lồng êm thân ái…
 
Em ơi! quên đi bao nhiêu xót xa 
Những chiều thiết tha bên nhau 
Em ơi! xin em,
xin em nói yêu đương đậm đà 
Để rồi ngày mai cách xa 
Để rồi ngày mai .. cách xa"
(Lê Uyên Phương – bđd)
               
Về những gì, mà người nhà Đạo nhận-định rằng: người đời chỉ những dị-đoan/mê-tín cả trong môn tướng-mệnh-học, tác-giả họ Vũ ở trên, đã chẳng kể gì đến những lời phê-bình/bàn-luận về mê và tín, lại có thêm lời bình rải-rác bằng khẳng-định như đinh đóng cột, về “mắt”, như sau:

-Mắt đong đưa, đàn bà con gái dễ bị khêu gợi.
-Hai mắt trắng đen phân-minh, không tà-thị, nõn-nà nhưng vẫn có uy…
-Mắt đỏ, mắt vàng, mắt cực lớn, mắt tròn, mắt lồi, mắt bốn phía tròng trắng, mắt hình tam-giác, dưới mắt da thịt khô, dưới mắt có vết như tấm lưới… đều là tướng khắc-phu.
-Mắt có hung-quang, mắt nhỏ tí hí, lá dăm…, là tướng hung-hãn…
-Mắt dài, mi thanh mục tú, là tướng trợ-phu.
-Mi đầu giao nhau. Mắt như khiếp sợ,… là tướng không biết quản-cai gia-đình…
-Mắt lộ bốn phía tròng trắng, hung-hãn, vụng dại… đều là ác-tướng với đàn bà…” (X.Vũ Tài Lục, Tướng Mệnh Học Khảo-luận, ấn-bản in lại ở nước ngoài tr. 7)   

Khẳng-định về kinh-nghiệm sống rất thực ở đời, ai cũng muốn làm được như thế. Lại có vị, tuy không khẳng-định về bất cứ trải-nghiệm nào hết, nhưng vẫn thích đi vào vùng trời truyện kể để nói lên điều gì đó, rất đời thường, như sau:

“Nếu như nói học vị, chức vụ đại biểu cho thân phận một người… thì tu dưỡng và thói quen, chính là thân phận thứ hai của người đó. Và điều này cần được ươm mầm từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Anh Nam du học từ Anh quốc trở về, mấy người bạn chúng tôi đã tổ chức một buổi tiệc ‘tẩy trần’ chào đón anh. Trong bữa tiệc, lời lẽ khiếm nhã của một người bạn khiến anh ấy cảm thấy không vui, mấy lần thể hiện rõ ra sự chán ghét. Tiệc tan, trên đường tiễn Nam về nhà, tôi thay người bạn kia giải thích, thay người bạn kia giải thích, nói rằng những lời lẽ đó bất quá chỉ là nói quen miệng thôi, không ám chỉ đến ai, nghe quen rồi cũng không cảm thấy gì.

Nam im lặng một lúc rồi nói: “Mình sẽ kể cho cậu một chút về kinh nghiệm mà mình học hỏi được từ lúc mới đến Anh”.

Cũng như đại đa số du học sinh khác ở Bristol, mình cũng ở nhờ một hộ dân cư nơi đó, vừa tiết kiệm, điều kiện đời sống cũng tốt.Chủ nhà tên là Campbell, là một đôi vợ chồng già. Vợ chồng họ đối xử với mọi người nhiệt tình, hào phóng, họ chỉ thu của mình mấy Bảng Anh coi như tiền cho thuê nhà, họ còn kiên quyết “đoạt” mình khỏi tay nhà hàng xóm về nhà của họ. Có một du học sinh ngoại quốc ở trong nhà, đối với họ mà nói là một sự việc rất đáng tự hào. Họ không chỉ nói cho cả cộng đồng ở đó biết, mà còn gọi điện báo cho con gái xa ở Manchester và London.

Để mình thực hiện được giấc mơ xuất ngoại du học, cha mẹ đã mắc khoản nợ mấy trăm triệu. Mình đương nhiên vô cùng quý trọng cơ hội học tập không dễ gì mà có được này. Ngày nào cũng vậy, buổi tối ở thư viện một mạch cho đến khi thư viện đóng cửa mới chịu quay về.

Cũng may là gặp được chủ nhà tốt bụng, mình có thể tập trung tinh thần học tập, không phải lo lắng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mỗi ngày mình về “nhà”, những món ăn ngon lành đang chờ đợi mình; cách bốn năm ngày, bà Campbell bắt mình thay quần áo, sau đó đem quần áo bẩn đi giặt ủi sạch sẽ. Có thể nói, họ đối đãi với mình giống như con cái trong nhà vậy.

Thế nhưng, không lâu sau, mình cảm thấy ông Campbell đối với mình có chút lạnh nhạt, ánh mắt nhìn mình có chút khác thường. Nhiều lần ăn cơm, ông Campbell dường như muốn có lời gì muốn nói với mình, nhưng khi nhìn vợ, ông lại nuốt những lời ấy vào trong. Lúc đầu mình đoán rằng, họ có phải là chê tiền thuê nhà của mình quá ít, muốn tăng thêm nhưng ngại không biết nói sao.

11 giờ một đêm nọ, mình từ trường học trở về, rửa mặt xong vừa định thay đồ đi ngủ, ông Campbell rón rén bước vào phòng mình. Sau khi hỏi chuyện đôi ba câu, ông Campbell ngồi vào ghế, trong tư thế nói chuyện có vẻ nghiêm túc. Xem ra rốt cục ông ấy cũng muốn nói những lời cất giấu trong lòng. Trong đầu mình đã sớm có sự chuẩn bị, chỉ cần mình có thể chấp nhận được, ông ấy tăng tiền thuê nhà lên mình cũng đồng ý, dù sao người chủ nhà như vậy cũng không phải dễ mà tìm được.

Con trai“, ông Campbell bắt đầu nói, “Ở nhà con bên kia, lúc con nửa đêm về nhà, mặc kệ cha mẹ con có ngủ hay không, con đều dùng sức mà đóng cửa ầm ầm và cất tiếng ho lớn tiếng sao?”
Mình ngẩn cả người, chẳng lẽ đây là những gì nghẹn trong lòng ông ấy muốn nói sao?Mình nói: “Con không rõ, có lẽ…”
Thật sự, lớn nhường này chưa từng có người nào hỏi mình vấn đề như vậy, chính mình cũng không chú ý những “chi tiết” này.

Ta tin là con không cố ý”, ông Campbell mỉm cười nói, “Vợ ta có chứng mất ngủ, mỗi buổi tối con đi về nhà đều đánh thức bà ấy, mà bà ấy một khi tỉnh lại sẽ rất khó ngủ tiếp; vì vậy, về sau nếu con có về trễ như thế, nếu như có thể chú ý nhẹ nhàng một chút, ta sẽ rất vui”.

Ông Campbell dừng lại một chút rồi nói: “Kỳ thực, ta đã muốn sớm nhắc nhở con chú ý, chỉ là vợ ta sợ sẽ làm con tự ái, một mực không cho ta nói; con là một người hiểu chuyện, con sẽ không vì thiện ý nhắc nhở của ta mà thấy tổn thương chứ?”

Mình miễn cưỡng gật đầu. Không phải là mình thấy ông ấy nói không đúng, cũng không phải là mình tự ái, mà chỉ là cảm thấy ông ấy có chút tính toán chi li nhỏ nhặt. Mình sống cùng cha mẹ hơn 20 năm nay, họ chưa bao giờ so đo với mình chuyện này. Nếu như vì vậy mà mình quấy rầy họ, họ cũng sẽ nhất định dễ dàng bỏ qua, nhiều nhất cũng đóng chặt cửa phòng ngủ của mình mà thôi. Trong lòng mình nghĩ: Rốt cục cũng không phải nhà của mình!
BcKCN8
Đương nhiên, cho dù trong lòng mình có chút bực tức, nhưng mình vẫn tiếp nhận lời nhắc nhở của ông Campbell, mỗi buổi tối trở về đều rất chú ý nhẹ nhàng mọi thứ.

Thế nhưng, một buổi chiều không lâu sau, khi mình từ trường học trở về, vừa vào đến chỗ của mình, ông Campbell lại bước vào. Mình chú ý thấy mặt ông ấy có chút sa sầm.
Con trai, có lẽ con không vui, nhưng mà ta vẫn phải hỏi; lúc con đi tiểu, có phải là không nhấc cái đệm lót bồn cầu lên không?”

Trong lòng mình “lộp bộp” một tiếng. Mình thừa nhận, có lúc mình đi tiểu gấp, hoặc là lười biếng, khi tiểu cũng có không xốc miếng đệm lót bồn cầu lên”.
Dạ… thỉnh thoảng…” mình lúng túng.

Như vậy sao được?” ông Campbell lớn tiếng nói, “Chẳng lẽ con không biết như vậy sẽ làm nước tiểu văng tung tóe lên đệm sao? Cái này không chỉ là vệ sinh, mà còn là không tôn trọng người khác, nhất là đối với người phụ nữ”.

Mình giải thích: “Con hoàn toàn không có ý không tôn trọng người khác, chỉ là không…”
“Ta đương nhiên là tin tưởng con không có ý đó, nhưng điều này không nên trở thành một lý do như vậy”.

Nhìn ông Campbell đỏ mặt lên, mình lầm bầm: “Chuyện nhỏ như vậy, không đến nỗi làm cho ông tức giận như vậy”.

Ông Campbell càng thêm kích động: “Nghĩ cho người khác, để trong tâm và tôn trọng người khác, đây là điều tu dưỡng tối thiểu nhất, mà chân chính của việc tu dưỡng là thể hiện từ việc nhỏ nhất.
Con trai, thi đậu học vị hay có một chức vị gì đó tuy trọng yếu, nhưng những thói quen tu dưỡng khi ở cùng người khác cũng vô cùng quan trọng. Nếu như nói học vị, chức vụ đại biểu cho thân phận một người… thì tu dưỡng và thói quen, chính là thân phận thứ hai của người đó, cũng như thế, mọi người sẽ từ đó mà phán đoán một con người”.

Mình không thể nào kiên nhẫn lắng nghe, tiện tay cầm một quyển sách lật lung tung cả lên. Mình cảm thấy ông Campbell vô cùng hà khắc, việc này nếu như là ở trong nước, cũng có thể bị để tâm đến như vậy sao?

Buổi tối, nằm trên giường, mình cân nhắc rất lâu và quyết định rời khỏi nhà của ông Campbell. Họ đã không vừa mắt với mình, thì mình tìm một nhà khác có thể “khoan dung” hơn mà ở.
Ngày hôm sau, mình liền nói lời từ biệt với vợ chồng ông Campbell, hoàn toàn không để ý rằng họ cực lực muốn giữ mình lại. Thế nhưng, chuyện xảy ra tiếp sau đó làm cho mình chuẩn bị không kịp.

Mình liên tiếp đi đến 5, 6 gia đình, họ đều tiếp đãi mình với một câu hỏi giống nhau: “Nghe nói cậu lúc đi tiểu không xốc cái đệm bồn cầu lên phải không?”

Cái khẩu khí ấy, thần sắc ấy…Mình đâu thể nào tưởng tượng nổi sự việc này lại nghiêm trọng đến như vậy đối với bọn họ. Cuối cùng, mình chỉ biết xấu hổ đầy mình mà bỏ đi.
Đến tận giờ, mình mới hiểu được lời của ông Campbell nói: “Thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ hai của một con người”.

Trong mắt mọi người, mình chính là đang tiếp thụ trình độ giáo dục cao đẳng, vậy mà lại nông cạn, thiếu khuyết tu dưỡng hàng ngày.

Mình tuyệt nhiên không trách vợ chồng ông Campbell đã đem “thói xấu” của mình truyền khắp nơi, trái lại, lâm vào tình cảnh như vậy, đối với mình, oán giận lại biến mất, thậm chí còn vô cùng cảm kích. Nếu như không có họ, không có đoạn kinh nghiệm xấu hổ kia, mình cũng không thể biết được làm như vậy sẽ khiến người ta khó chịu đến thế. “Không câu nệ tiểu tiết”, câu này ngoài miệng có vẻ là tốt nhưng cũng cần chú ý biết chừng nào.

Kể xong câu chuyện, Nam trầm mặc một lúc… Bồi dưỡng những sinh hoạt tập quán hàng ngày… những điều này vốn nên nằm trong chương trình học tập của thiếu niên thời đại này, nhưng tại sao lại để đến lúc trưởng thành về sau, khi đến một quốc gia khác tha hương mới học được chứ? Thậm chí, nếu như Nam không nghe được những lời của ông Campbell thì cả đời cũng không học được những thứ “nhỏ nhặt” ấy. Giáo dục bên trong chúng ta, quả là thiếu thốn biết bao nhiêu thứ!” (Mai Mai, dịch từ kannewyork)

Bàn về “con mắt, là cửa sổ của linh-hồn” mà lại cứ tản-mạn về những điều xảy ra ở ngoài đời và do người đời nói lên, như thế cũng đã đủ. Nay hỏi rằng, người nhà Đạo hiểu thế nào về: con mắt người đời?

Về con mắt trần-gian, lời vàng kinh thánh có nói rõ về mắt như sau:

“Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã,
thì hãy móc mà ném đi;
thà chột mắt mà được vào cõi sống,
còn hơn là có đủ hai mắt
mà bị ném vào lửa hoả ngục.”
(Mt 18: 9)

“Mắt là cửa sổ của linh-hồn”, mà lại ném vào lửa hỏa-ngục, tức vào những chỗ chỉ gây hận-thù đằng đằng, mất yêu-thương, thì cũng đáng. Bởi, “cửa sổ của linh-hồn” nay chỉ làm cớ cho mình sa-ngã, thì còn gì là đời sống, rất sáng chói làm đèn soi cho mọi người.

Nhà Đạo hôm nay, xảy ra rất nhiều tình-trạng có đấng bậc vị-vọng sử-dụng không được “sáng-suốt” cho lắm nên đã dẫn đưa các vị ấy vào với “lửa hỏa-ngục” của ghét ghen, hận thù, khổ đau.

Xem thế thì, cũng nên quay về với thi-ca âm-nhạc có những lời ca tiếng hát bàn về “con mắt trần-gian” để bạn và tôi ta suy-nghĩ thêm về chuyện “con mắt là cửa sổ của linh-hồn” rồi từ đó, tự định-đoạt cho đường-lối của chính mình. Lời ca ấy như thế này:

“Những con mắt tình nhân, 
Nuôi ta biết nồng nàn. 
Những con mắt thù hận, 
Cho ta đời lạnh câm. 

Những mắt biếc cỏ non, 
Xanh cây trái địa đàn. 
Những con mắt bạc tình, 
Cháy tan ngày thần tiên. 

Ngày ra đi với gió, 
Ta nghe tình đổi mùa. 
Rừng Đông rơi chiếc lá, 
Ta cười với âm u. 
Trên quê hương còn lại. 
Ta đi qua nửa đời, 
Chưa thấy được ngày vui. 
Đường trần rồi khăn gói, 
Mai kia chào cuộc đời, 
Nghìn trùng con gió bay. 

Những con mắt trần gian, 
Xin nuôi vết nhục nhằn. 
Những con mắt muộn phiền, 
Xin cấy lại niềm tin…”
(Trịnh Công Sơn – Những Con Mắt Trần Gian)

Cuối cùng còn một câu hỏi, vẫn bảo rằng: “những con mắt trần-gian” như thế có phải và có còn là “cửa sổ của linh-hồn” của mỗi người? Cả người đi Đạo lẫn ngoài đời? Câu trả lời xin dành để cho bạn, và cho tôi, trong đời người, rất hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai.
Cũng có lần
đặt ra cho mình và cho người
những câu hỏi
rất như thế.   




No comments: