Saturday 2 April 2016

“A! Này bé, con dế nó đậu cành tre,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau Chúa Nhật 3 Phục Sinh năm C 10/4/2016

“A! Này bé, con dế nó đậu cành tre,”
Em bắt đem về, hát xẩm mà nghe.
Đừng bắt đem về, đánh lộn làm chi.
Loài giun dế nó mang tội tình gì???”
(Phạm Duy – Bé Bắt Dế)
(Mt 28:18-19)
            Úi chu choa! Cái gì mà, “loài giun dế nó mang tội tình gì?” Thế còn loài người? Có tội có tình gì không thế?
            Để trả lời câu hỏi, như em bé. Hãy cứ nghe câu hát tiếp, hạ hồi sẽ rõ:

            A! Này bé, con dế nó nằm lỗ sâu,
            Đào lỗ đem vào cho ở hộp cao.
            Đừng bắt dế nghèo đánh bể đầu nhau,
Để nó phải buồn rầu.

A! Này bé, con dế nó tội tình chi?
A! Này bé, con dế nó tội tình gì???

A! Này bé, con dế nó ở đồng quê
Chinh chiến lan về, nó phải tản-cư.
Nó sống trên vỉa hè quanh-quẩn ngoại ô,
Làm thân sống nương ở nhờ!!!

A! Này bé, con dế nó cùng chị ve,
Trong mấy tháng hè nó chỉ hoà ca.
Mưa nắng thuận-hoà cho đẹp ruộng ta.
Con dế hát đẹp ngày mùa…

A! Này bé, con dế nó ở miền quê!
A! Này bé, con dế nó ra kinh-đô…”
(Phạm Duy – bđd)

            Chưa đâu, thân phận con dế bé nhỏ, còn bọt bèo hơn nữa, khi ta biết được rằng:

            “A! Này bé, con dế nó ở nhà em,
Nên nó cũng thèm coi truyền-hình đêm.
Nó thấy phi-thuyền lên tận mặt trăng
Mà không thấy đâu chị Hằng!!!

A! Này bé, con dế cúi đầu phục lăn.
Nó hát khen rằng: Con Người Giỏi Dang!
Nhưng vẫn chê rằng: thiếu hẳn tình thương
Lòng vẫn chứa đầy bạo cường…

A! Này bé, Này bé! Mau thuộc bài đi,
A! Này bé! Cho dế nó coi Tivi!!!
(Phạm Duy – bđd)

Ấy! Ví thử ta thay thế cụm từ “em bé” và “con dế” bằng những chữ rất khác như: “linh mục”, Hội thánh”, hay sao đó, hẳn sẽ có người sẽ thêm vào đó cả triệu câu truyện kể rất dễ nể như sau này:

“Truyện rằng:
Hồi ấy, vào thời nước Nga còn thuộc khối Liên-Xô có đảng Cộng-sản do ông Stalin nắm trọn quyền-hành. Một hôm, ông Stalin quyết định ra đi thăm dân để biết sự tình về cuộc sống của tầng-lớp lao-động rày ra sao. Nên, ông ăn vận thật bình-thường như người dân ở huyện rồi ra khỏi điển Cẩm-Linh. Sau một ngày dài, ông trờ tới rạp chiếu bóng để xem dân chúng vui sống ra sao.

Sau khi bộ phim kết-thúc, trên màn ảnh hiện ra hình-ảnh lãnh-tụ Stalin giơ tay vẫy chào từ biệt bà con lao-động và quốc ca Liên-xô trổi lên. Tất cả mọi người đều đứng dậy và hát theo, riêng chỉ có mỗi ông Stalin là không đứng.

Khi ấy, có người đàn ông đứng ở phía sau hàng ghế của ông ghé vào tai ông Stalin rồi nói: “Đồng chí à, tôi cũng biết rằng: chúng ta đều nghĩ giống như nhau, nhưng để cho an-toàn hơn, tôi đề-nghị đồng chí cứ đứng lên là xong ngay! Và nghe thế, ông Stalin lưỡng-lự trong giây lát, rồi cũng đứng, chắc để… mình tiễn-biệt mình!” (Truyện kể về “Tiếu-Lâm Liên-xô” nhưng chắc gì đã đúng thật)

            Ấy chết, đừng vội nhận-định, bàn-luận hoặc nói năng sớm như thế mà làm gì. Hãy cứ nghe câu hát tiếp cũng rất hay như sau này:

            “A! Này bé, theo dế ra tận bờ đê
Đất sét đem về ta nặn đồ chơi.
Nặn những tay người hay nặn bàn chân
Tặng cho những ai tàn tật.     

A! Này bé, theo dế ra trại định-cư
Coi những ông già phá rừng trồng hoa
Chia sớt ngọt bùi với trẻ mồ côi
Đời mới chúc người phục hồi…

A! Này bé, Con dế xin vài hòn bi!
A! Này bé, Đem biếu những em xa quê!...
            (Phạm Duy – bđd)

            Và những câu cuối của bài hát, còn đáng để bạn và tôi suy-nghĩ, bàn luận hoặc ít là cứ phiếm, rất như sau:

            A! Này bé, thôi nhé dế còn phải đi
            Đi hát câu vè, trên nẻo đường xa…
            Đi tới quê mẹ, nối lại tình cha!
            Và, ca hát câu giải hoà.

A! Này bé, có lẽ dế về miền sông,
Có lẽ lên rừng hát cùng loài công.
Hay xuống cát vàng hát cùng hàng thông,
Ở giữa cõi đời mịt mùng…

A! Này bé, con dế đến mùa phải đi…
A! Này bé, rồi sẽ có ngày trở về…
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng thế. Dế hay bé, rồi cũng có ngày phải đi. Vì khôn lớn, hơn loài thường. Vâng. Chính thế. Bạn đạo hay người đời, có ngày cũng vẫn ra đi. Đi mà tìm về nguồn để học hỏi những lời vàng rằng:

Đức Giê-su đến gần, nói với các tông-đồ rằng:
"Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”
            (Mt 28: 18-19)

Vâng. Lời vàng đầy ý-nghĩa như thế. Nhưng, xem ra thực-tế vẫn như thể: nhiều người còn thắc mắc chuyện này nọ, hoặc chưa am-tường ý-nghĩa của lệnh-truyền ấy có dành cho mình hay không, hoặc chỉ cho mỗi các tông-đồ thời đó, nhấc chân đi theo Đức Giêsu mà thôi.
Ngày nay, ở ngoài đời hay trong Đạo, cũng có những sự-kiện/hiện đáng để bạn và tôi, ta quan-tâm bàn luận, cũng rất nhiều.
Một trong các chuyện đáng bàn và đáng phiếm vẫn là chuyện Đạo ở đời, trong đó có ý-kiến về chuyện: ta có nên cùng với bạn-đạo Chính thống hoặc Cốp-tích Ai Cập định-vị lại ngày tháng cho lễ Phục Sinh hay không, như sau:

“Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury, Anh Giáo hôm 16/1/2016 có loan-báo: Giáo-hội Anh sẽ tham-gia cuộc bàn luận diễn-tiến giữa Đức Phanxicô và lãnh-đạo Giáo hội Cốp-tích để định ngày tháng thống-nhất tổ-chức Lễ Phục Sinh cho hai Đạo…

Ông nói: ông muốn được thấy thời-điểm tổ-chức Ngày Lễ này sao cho đơn-giản, đồng-thuận có lợi cho mọi người kể cả trường-học, bậc cha-mẹ đưa đón con em, các doanh-thương cũng như kỹ-nghệ du-lịch thay vì mỗi năm cứ phải xê-dịch ngày thánh, có năm có khi cách nhau đến 35 ngày. Riêng Giáo-hội Chính-thống Đông-phương lại tính toán ngày tháng cho lễ Phục Sinh cũng khác hẳn khi chức-sắc trong Đạo lại dùng lịch cũ của Julian.       

TGm Welby còn xác-nhận là: các nhà lãnh-đạo Anh-giáo trên thế-giới cũng đã họp bàn và đồng-thuận tham-gia bàn-luận với các Giáo-hội khác, để định ngày thống-nhất. Nhưng ông cũng nói tiếp: thay-đổi thời-gian cho Lễ này cũng phải mất 5 đến 10 năm mới đưa vào hiện-thực được.

Riêng Đức Phanxicô năm ngoái có thông-báo: ngài cũng muốn bàn-thảo với các nhà lãnh-đạo Giáo-hội Cốp-tích mà số đông tín-hữu của giáo-hội này sống ở Châu Phi và Trung Đông, để tìm ra ngày tháng thống-nhất cho sự-kiện này.” (x. tin trên Courier Mail của Queensland, Chúa Nhật 17/1/2016 tr. 11)   

Ít hôm sau đó, Tuần báo Công-giáo ở Sydney là tờ The Catholic Weekly cũng loan tin giống như trên, nhưng lại kết thúc bài viết bằng giòng nhận-định bảo rằng:

“Phát-ngôn-viên Giáo-hội Chính-thống thuộc Nga có nói rằng: Thượng-Phụ Mạc-Tư-Khoa hân hoan nghênh-đón ý-kiến về việc cùng nhau cử-hành chung một ngày Lễ, bao lâu quyết-định này phù-hợp với lịch của Chính-thống-giáo.

Theo linh-mục quản-hạt Nikolai Balashov phó giám-đốc thường-vụ Đại-kết thuộc Toà Thượng-phụ Mạc-Tư-Khoa nói ông đang chờ được nghe chi-tiết đề-nghị từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi nói rằng:

“Giả như Giáo Hội La Mã có ý-định hủy bỏ ngày lễ Phục Sinh tính theo lịch Grêgôriên được đưa ra vào phụng-vụ giờ lễ kể từ thế kỷ thứ 16 về với lịch cũ, sử dụng lúc Giáo-hội Đông và Tây Phương hợp-nhất dùng ngày tháng cố-định do Giáo-hội Chính-thống thiết-lập, thì chúng tôi hoan-nghênh ý của ngài. Thế nhưng, nếu thiết-lập một ngày nhất-định cho Phục Sinh là việc không thể chấp-nhận hoàn-toàn được.” (xem Catholic Weekly News ngày 24/1/2016 tr. 10)

            Xem thế, mới biết: định nhau sự/việc gì cho thống-nhất mà không chịu nhượng-bộ từ phía mình, dù là Giáo-phái hoặc Giáo-Hội đã thánh-hoá cách nào đi nữa, cũng là việc khá khó. Khó, thực-hiện. Khó, tạo niềm tin-tưởng vào nhau, rất thân-thương, nhịn nhường là chuyện rất đời thường.
            Từ ý-tưởng ấy, đã nảy sinh nhiều ý-kiến có liên-quan đến chuyện đời/việc Đạo ở đâu đó, dù là xó-xỉnh, góc chợ hay bục cao chót vót của thánh hội.
            Nói thế rồi, nay ta đi vào sự-kiện khác cũng đáng phiếm, như chuyện khác-biệt chánh-kiến cả về thần-học, lẫn thánh kinh giữa các giáo-phái/giáo-hội cùng thờ một Đức Chúa, ở nhiều nơi. Như, vấn-đề hoặc câu chuyện do đấng bậc nọ đề ra ở trong sách. Thế nhưng, trước khi đi vào thực-tế của chuyện đạo, mời bạn và tôi, ta trở lại câu hát cũng rất “dế” ở trên, mà hát rằng:

            “A! Này bé, thôi nhé dế còn phải đi
            Đi hát câu vè, trên nẻo đường xa…
            Đi tới quê mẹ, nối lại tình cha!
            Và, ca hát câu giải hoà.

A! Này bé, có lẽ dế về miền sông,
Có lẽ lên rừng hát cùng loài công.
Hay xuống cát vang hát cùng hàng thông,
Ở giữa cõi đời mịt mùng..

A! Này bé, con dế đến mùa phải đi…
A! Này bé, rồi sẽ có ngày trở về…
(Phạm Duy – bđd)

Đi tới quê mẹ, nối lại tình cha! Và, ca hát câu giải hoà”, làm sao được như thế, khi mà nhiều đấng bậc và nhiều người không chịu lắng tai nghe đấng bậc khác, người khác có nhận-định khá sâu-sắc như sau:

“Tính-cách bộ-tộc của Thượng-đế ở đạo-đức Do-thái-giáo đang lớn mạnh. Thuyết duy-vũ-trụ đang ló rạng. Thượng-đế đây khi xưa vẫn là còn như thế cho đến khi Đức Giêsu biến-đổi thành Đức Chúa trước tiên đi vào hiện-hữu và rồi thành Đấng Thánh-hoá cho đi sự sống có thẩm-thấu bộc-lộ cho mọi người thấy được thực-chất của mọi hữu-thể.

Đức Giêsu sai-phái tông-đồ Ngài ra đi mà đến với thế-gian (Mt 28: 16-20). Các tông-đồ được lệnh vượt lằn ranh biên-giới của nước mình, bộ-tộc mình và đặc-biệt hơn, vượt khỏi đạo-giáo của mình nữa.

Khi các ngài, cuối cùng, không thể nào thoát khỏi mọi lằn ranh nằm bên trong nhân-loại nay trải rộng và cởi mở, các ngài được lệnh rao-giảng Tin Mừng, tức là: tình thương-yêu vô bờ bến của Thiên-Chúa với mọi người mà Chúa đã thực-hiện, một tình-thương vốn không chấp-nhận một lằn ranh cách biệt nào hết.

Tình-thương không ranh giới sẽ yêu thương cả những người khi xưa tìm cách đóng đinh Tình-Yêu của Chúa vào thập-giá. Nó bao gồm mọi loài, mọi cây cỏ, mọi hành-tinh, mọi bộ-tộc mọi người.

Tất cả đều được Chúa chọn. Không một ai là người ngoại-cuộc, ngoài hành-tinh. Không ai bị chia-cách khỏi Chúa. Ta sống trong Chúa. Chúa sống trong ta. Ta là nhân-chứng ở Giêrusalem, Giuđêa, Samaria và “cho đến mút cùng của trái đất” (Cv 1: 8). Tên của Đức Giêsu nay đã là Emmanuel, có nghĩa: Thiên-Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1: 23).

Và, khi Ngài phán: “Này, ta sẽ ở với các anh mãi.” (Mt 28: 20) tức là Ngài đã nói lên danh-xưng Emmanuel là tính-cách rất thực. Và, khi Thiên-Chúa tự-do như Thần-khí, mọi lằn ranh cách-biệt giữa quốc-gia và thể-chế, biểu-trưng bằng các ngôn-ngữ khác-biệt, thì lằn ranh ấy bị tẩy/bỏ và mọi người được ơn Thánh-thần và bắt đầu nói thứ ngôn-ngữ của tình thương-yêu (Cv 2: 1-4). Và, thần-khí ấy thông-chuyển ngang qua lịch-sử, thì lằn ranh biên-giới lại ngã đổ.

Rồi, khi Phêrô nghe tiếng Chúa trong giấc mộng bảo rằng: “Những gì Thiên-Chúa đã tẩy sạch thì ngươi không được gọi là ô-uế” (Cv 10: 9-16) Phêrô mới trổi dậy từ thị-kiến ấy và đã tẩy/rửa cho Cornêlius, người ngoài Đạo. Sử-thi của Do-thái-giáo đã phá đổ mọi rào-cản rồi đi vào với vũ-trụ trở thành anh-hùng-ca của nhân-loại.” (x. Tgm John Shelby Spong, Jesus beyond religion, the sign of Kingdom of God, The Sins of Scripture nxb HarperCollinsPublishes 2005 tr. 295-298)  

            Thi-sử hay anh-hùng-ca của nhân-loại nay dàn-trải khắp mọi nơi. Trong mọi người. Thiên-sử ấy gọi là tình thương-yêu. Là Đạo-lý của đạo-giáo rất Kitô. Là, gì nữa thì bạn và tôi, ta cũng nên suy-tư mà nhận–định như thế.
            Suy-tư/nhận-định không theo kiểu nghe qua rồi bỏ. Nhưng là nhận-chân ra sự thật ở đời dù nhiều khác-biệt, vẫn cứ là ảnh-hình của một sự thật tình-yêu được người diễn-tả qua văn-chương/nghệ-thuật cùng âm-nhạc, cùng mọi thứ.
            Trong cảm-nhận sự khác-biệt trong yêu-thương đoàn-kết cũng rất Đạo, mời bạn mời tôi, ta vào với lối diễn-tả nhè nhẹ ở truyện kể như sau:

“Sáng nào cũng thấy thằng nhỏ cầm cái lon đứng chầu chực trước quán ăn. Tôi để mắt theo dõi thì hễ thấy thực khách vừa kêu tính tiền thì thằng bé chạy vào nhìn vào những cái tô, nếu còn thức ăn dư mứa thì nó vội vã trút vào cái lon rồi chạy ra ngoài đứng ngóng tiếp.
Khi cái lon gần đầy thì nó biến mất, chập sau thấy nó lại có mặt thập thò trước quán tiếp tục. Bàn tôi ngồi thì đứa bé không bao giờ quan tâm tới, vì mỗi sáng tôi chỉ đủ tiền uống 1 ly xây chừng vì tôi cũng nghèo cải tạo mới về sáng nhịn đói ngồi uống cà phê đen như một cái thú hay một cái tật không bỏ được.
Cứ thế, mà hơn một năm tôi mới quen được và tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh gia đình của đứa bé đáng thương.
Tôi cố tình làm quen với thằng bé nhờ hôm ấy trời mưa, thằng bé đứng nép vào trong quán. Thằng bé đứng nép vào ngày càng sâu hơn trong quán vì mưa ngày càng lớn chỉ cách tôi chừng độ nửa thước. Tôi với tay kéo nó ngồi xuống bàn và hỏi nó có thích uống cà phê không?
Thằng bé lắc đầu lia lịa và nói không uống. Tôi hỏi nó làm gì ngày nào cũng ra đây? Và hiện sống với ai? Thằng bé như đoán được rằng: tôi chỉ là người khách ghiền cà phê nặng nên hàng ngày đóng đô ở đây nên nó cũng trả lời nhanh nhẹn rằng:
- Con sống với ba má con, Ba con đi làm xa còn Má con đi phụ buôn bán ở ngoài chợ...
Tôi hỏi tiếp:
- Còn con có đi học không ?
Thằng bé nói:
- Con không có đi học... con ở nhà phụ với má nuôi heo...
Đó là lý do để nói lên sự hiện diện hằng ngày của nó nơi quán ăn nầy. Nghe thằng bé nói như thế, tôi nói với chị chủ quán ăn giúp cho nó lấy những cơm và thức ăn thừa, và cũng từ đó nó không còn đứng lúp ló ngoài cửa quán nửa. Và nhờ tánh tình hiền hậu thật thà chị chủ quán cho nó vô phụ dọn bàn đề lấy thức ăn dư mang về và cho nó ăn uống để phụ việc. Từ đó tôi và nó gần gũi nhau hơn và thân nhau lắm.
Có lần thằng bé hỏi tôi:
- Chú làm nghề gì vậy hả chú?
Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là "Chú đang làm thinh".
Đúng vậy mới cải tạo về mà, vợ con thì đã theo bên ngoại vượt biển hết rồi, nghe đâu đã định cư bên Úc, nay về ở với mẹ già ngày 1 buổi cà phê hai bữa cơm độn qua ngày.
Thời gian ngột ngạt chậm chạp trôi qua, may mắn vợ chồng tôi đã bắt liên lạc được với nhau. Thế là những bữa cơm không còn ăn độn khoai củ hay bo bo nữa nhưng vẫn quen cữ sáng cà phê quán gần nhà. Không biết chị chủ quán có bỏ bùa mê hay tôi ghiền chỗ ngồi mà không bữa nào vắng tôi.
Một hôm, tôi đề nghị theo thằng bé về nhà nó chơi cho biết vì nó nói ở cũng gần không xa lắm. Thấy nó do dự và tỏ vẻ sợ sệt, tôi biết ngay nó đang giấu giếm điều gì. Thương nó lắm, tôi dúi tiền cho nó hoài.
Mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi theo nó khi nó mang cơm và thức ăn dư về nhà buổi trưa. Khi thấy nó lủi vô một cái chòi nhỏ xíu thì tôi thật sự không ngờ. Đứng dưới gốc cây Gòn cách nhà nó không xa tôi thầm nghĩ, nhà chút xíu như vậy gia đình 3 người ở thì chỗ đâu mà nuôi heo. Tôi đang đứng suy nghĩ đốt cũng hết mấy điếu thuốc thì thằng nhỏ lục tục xách lon xách nồi đi ra quán để thu dọn thức ăn buổi chiều.
Đợi thằng bé đi khuất tôi lò mò đến nơi mà hồi nãy nó vào. Đến đó mới nhìn rõ thì thật ra đâu có phải là nhà, một lõm trống được che dựng lên bằng những phế liệu đủ loại muốn chui vào phải khom mọp xuống. Nghe thấy có tiếng chân dừng lại, có tiếng đàn bà vọng ra hỏi.
Tôi trả lời là đi kiếm thằng Tuất, thì nghe giọng đàn ông cho biết nó vừa đi khỏi rồi, và hỏi tôi là ai, mời tôi vào.... Vừa khom người chui vào tôi mới thật sự không ngờ những gì hiển hiện trước mắt tôi.
Người đàn ông hốc hác cụt hai giò tuổi cũng trạc tôi nhưng trông yếu đuối, lam lũ và khắc khổ lắm, một người đàn bà bệnh hoạn xác xơ - cả hai đang ăn những thức ăn thừa mà thằng bé vừa mới đem về. Vừa bàng hoàng, vừa cảm động vừa xót xa, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi mặc dù tôi cố nén...
Từ đó, tôi hiểu rõ về người phế binh sức tàn lực kiệt sống bên người vợ thủy chung tần tảo nuôi chồng bao năm nay giờ mang bịnh ác tính nặng nề thật đau xót. Tôi móc hết tiền trong túi biếu tặng và cáo lui. Về đến nhà tôi vẫn mãi ám ảnh hoàn cảnh bi thương của gia đình thằng bé mà tôi bỏ cơm nguyên cả ngày luôn.
Sáng hôm sau ra uống cà phê, thằng bé gặp tôi nó lấm lét không dám nhìn tôi vì nó đã biết trưa hôm qua tôi có tới nhà nó. Nó thì tỏ vẻ sợ tôi, nhưng tôi thực sự vừa thương vừa nể phục nó nhiều lắm. Tôi kêu nó lại và nói nhỏ với nó tại sao không cho tôi biết. Tội nghiệp nó cúi đầu im lặng làm lòng tôi thêm nỗi xót xa.
Có khách kêu trả tiền, như có cơ hội né tránh tôi nó chạy đi dọn bàn và tiếp tục công việc thu dọn thức ăn. Hèn gì sau nầy nó để thức ăn dư phân loại đàng hoàng lắm.
Tội nghiệp hoàn cảnh của thằng bé mới mấy tuổi đầu mà vất vả nuôi cha mẹ theo khả năng chỉ tới đó. Cha là một phế binh cũ trước 75 cụt hai chân, mẹ thì bị bệnh gan nặng bụng phình trướng to khủng khiếp và cặp chân sưng vù lên đi đứng thật khó khăn, nước da thì vàng mét như nghệ. Thằng bé là lao động chánh trong gia đình, nó có hiếu lắm. Từ đó tôi thường cho tiền đứa bé mua bánh mì cơm gạo về nuôi cha mẹ.
Vợ tôi làm thủ tục bảo lãnh tôi sang Úc. Ngày tôi đi tôi đau xót phải để lại hai nỗi buồn đó là để mẹ và em gái lại quê nhà và không còn cơ hội giúp đỡ thằng bé nữa.
Sang Úc định cư, tôi sống tại tiểu bang Victoria mấy năm đầu tôi hết sức cơ cực vì phải vật lộn với cuộc sống mới nơi đất mới và đối với tôi tất cả đều mới mẻ và xa lạ quá. Từ ngôn ngữ đến thời tiết đã làm tôi lao đao không ít. Thỉnh thoảng tôi gởi tiền về nuôi mẹ và em gái không quên dặn em gái tôi chuyển cho thằng bé chút ít gọi là chút tình phương xa.
Mấy năm sau tôi về thăm gia đình, tôi có ghé tìm thằng bé thì nó không còn lấy thức ăn trong quán đó nữa. Tôi mới kể rõ hoàn cảnh thằng bé cho chị chủ quán biết. Chị chủ quán đôi mắt đỏ hoe trách tôi sao không cho chị biết sớm để chị tìm cách giúp gia đình nó. Tôi chỉ bào chữa rằng tại thằng bé muốn giấu không cho ai biết!
Tôi ghé vội qua nhà thằng bé thì mới hay mẹ nó đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan. Chỉ còn chèo queo một mình ba nó ở trần nằm một góc trông hết sức thương tâm. Hỏi thăm thì mới biết nó đã xin được việc làm đi phụ hồ kiếm tiền về nuôi cha.
Chúa nhật tôi tới tìm thằng bé, chỉ mới có mấy năm mà nó đã cao lớn thành thanh niên rất đẹp trai duy chỉ đen đúa vì phơi nắng để kiếm đồng tiền. Tôi dẫn nó trở ra quán cà phê cũ, thấy nó hơi ái ngại, tôi trấn an là bà chủ quán tốt lắm tại không biết được hoàn cảnh gia đình nó.
Ra đến quán ăn chị chủ quán năn nỉ nó về làm với chị, dọn dẹp và bưng thức ăn cho khách nhẹ nhàng hơn đi phụ hồ và chị sẽ trả lương như đang lãnh bên phụ hồ, tối về thức ăn thường bán không hết chị cho đem về nhà dùng khỏi phải mua hay đi chợ. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc, chị chủ quán cũng khóc theo làm tôi phải đứng dậy bỏ ra ngoài để khỏi phải rơi nước mắt vì chịu không nổi.
Thằng Tuất vừa khóc vừa nói: "Sao ai cũng tốt với gia đình con hết đó, nhưng vì con đang làm phụ hồ cho anh Năm, anh ấy cũng tốt lắm giúp đỡ gia đình con nhiều lắm, sáng nào cũng mua cho ba con gói xôi hay bánh mì trước khi tụi con đi làm. Con cũng mang ơn ảnh nhiều nên con không thể nghỉ được, con xin lỗi".
Không biết thằng Tuất nó nói thật hay nó ái ngại khi quay về chỗ mà ngày nào cũng cầm cái lon chầu chực trút đồ ăn dư về nuôi cha mẹ. Phải thông cảm nó, phải hiểu cho nó, phải cho nó có cái hiện tại và tương lai tốt hơn, đẹp hơn ngày trước. Chị chủ quán vừa gạt nước mắt vừa nói "Bất cứ lúc nào con cần đến cô thì con đừng ngại, cho cô biết nhé"...
Đời này cũng còn có những hoàn cảnh bi đát ít ai biết đến, và cũng có những đứa con xứng đáng như thằng Tuất. Ngày về lại Úc, tôi đến biếu hai cha con nó hai triệu đồng, thấy nó và ba nó mừng lắm tôi cũng vui lây. Không biết phải giúp gia đình nó như thế nào, tôi chụp hình ba nó, photo giấy tờ ba nó đem về Úc gởi cho Hội cứu trợ thương phế binh bị quên lãng trụ sở ở Sydney.
Mấy tháng sau nhận được thư ba thằng Tuất viết qua, ông quá vui mừng khi được Hội bên Úc giúp đỡ gởi tiền về, ông cho biết suốt bao nhiêu năm qua lần đầu tiên ông thấy được niềm hạnh phúc khi cuộc đời phế binh của ông còn có người nhớ đến.
Không biết ông ấy vui bao nhiêu mà chính tôi cũng hết sức vui mừng khi thực hiện một việc làm đem niềm vui đến cho những người phế binh sống hết sức đói nghèo bên quê mẹ. (Truyện kể do Sưu Tầm siêu tầm)

            Đó chỉ là một trong muôn ngàn câu truyện ở đời để nói điều gì đó, mà thiên hạ đời thường vẫn cứ nói và cứ kể. Kể ở đây, có thể để nói lên lòng bác ái/yêu thương của cá-nhân hoặc tổ-chức giúp người kém may mắn.
            Về các trích-dẫn ở trên về các Đạo để tìm ra một ngày lễ chung cho Phục Sinh, là vấn đề kết-hợp/đại-kết, còn là và vẫn là kết và hợp với tất cả mọi người, không phân-biệt tôn-giáo, già/trẻ, gái/trai, tức: hết mọi người. Tất tần tật.
            Kết và hợp trong đại-kết hoặc nối-kết với người khác, đạo khác, tổ-chức khác vv.. còn là và sẽ là kết và hợp hoặc kết rồi hợp trong tinh-thần nhín nhường, dành ưu-tiên cho người khác, ở trên và ở trước mình. Ưu-tiên cả trong quyền-hành, tiền bạc và/hoặc chổ đứng lẫn vị-thế ở đâu đó.
Kết và hợp còn là và sẽ là sống cuộc đời rất Đạo ở nhà đạo hay ngoài đời. Sống như thế, còn có nghĩa đem Đạo vào đời người trong khiêm-tốn, cởi mở rất hết mình.
Trong tình-thần đó, mời bạn và tôi, ta lại sẽ hát mãi bài hát có con dế mèn và em bé đơn sơ, hiền hoà, chân-chất, rất như sau:

A! Này bé, theo dế ra tận bờ đê
Đất sét đem về ta nặn đồ chơi.
Nặn những tay người hay nặn bàn chân
Tặng cho những ai tàn tật
            A! Này bé, theo dế ra trại định-cư.
Coi những ông già phá rừng trồng hoa
Chia sớt ngọt bùi với trẻ mồ côi
Đời mới chúc người phục hồi…
A! Này bé, Con dế xin vài hòn bi!
A! Này bé, Đem biếu những em xa quê!...
            (Phạm Duy – bđd)

            Hát thế rồi, nay ta cứ thế mà sống tinh-thần thân-thương, chân-chất của các bé em hiền-lành ở đời.
           
            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn muốn sống
Như bé em
Chỉ chơi dế.

           

No comments: