Saturday 5 March 2016

"Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình."



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ năm mùa Chay năm C 13/03/2016

"Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình."
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên.”
(Trịnh Công Sơn – Ru Ta Ngậm Ngùi)
(Rôma 1: 7-8, 15: 25-26)

“Môi nào hãy còn thơm” ư? Nếu đây là câu hỏi gửi đến mọi người, thì cũng khó trả lời gẫy gọn, đúng trọn ý. Nhưng, nếu đây lại là nhận-định bảo rằng: Hát như thế, là  để “cho ta phơi cuộc tình”, hoặc cũng chỉ để “ta rêu rao đời mình”, rồi “xin người hãy gọi tên”… thật ra cũng rất khó.
Khó, là ở chỗ: mãi gọi tên nhau, để làm gì? Để “Ru ta ngậm ngùi” ư? Tại sao thế? Đã ru êm hoặc êm ru rồi, sao còn ngậm ngùi? Ngoại trừ, bạn và tôi, ta cứ ru nhau bằng những tên gọi rất thánh-hoá hay thánh “quá” theo kiểu rất Nam kỳ!
Vâng. Gọi tên nhau, mà gọi bằng mỗi tên tục của ông thánh này/bà thánh nọ như phần đông người Tây vẫn làm, thì cũng bất tiện. Bất tiện hơn, lại là: chuyện mà bần đạo đây gặp được khi biên-dịch sách của một số tác-giả nổi cộm như các giáo-sư thần-học nổi tiếng xưa nay không gọi tác giả này/nọ là thánh như Gioan hoặc Phaolô mà chỉ kêu tên ông Phaolô hoặc Gioan Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả mà thôi, là theo ý đó.
Trả lời câu hỏi ở trên, lại cũng mất nhiều giấy mực ghê gớm lắm. Nói cho gọn, thì: khi các tác-giả này viết Tin Mừng hoặc thánh-thư, lúc ấy các vị này đâu được gọi là thánh bao giờ hết. Mãi sau này, các đấng bậc trong hệ-cấp giáo quyền của Đạo từng cảm-kích công việc các vị này làm mới tặng cho danh xưng “ông thánh”, “bà thánh” chứ không gọi là anh thánh, chị thánh hoặc em thánh bao giờ hết.
Thế nên, trước khi đi vào chi-tiết hỏi rằng: thánh là thế nào? Ai được gọi là thánh? Bắt đầu từ bao giờ ông ấy/bà nọ mới được gọi hoặc cứ gọi nhau là thánh?... Thôi, nay ta lại hát tiếp đôi câu từ nhạc-bản “Ru ta Ngậm ngùi”, như sau:

“Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng.
Thôi chờ những rạng đông..

Xin chờ những rạng đông
Ðời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình.
Giữa tường trắng lặng câm.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Vâng. Cứ theo một số tài-liệu được ghi trong sách thì người nhà Đạo vẫn gọi nhau là  “thánh”, là cốt đề-cao/tuyên-dương cuộc sống hoặc tâm-tính yêu thương/giùm giúp người đồng-loại trong một số sự việc.
Vâng. Tự-vựng “thánh-hoá” hoặc “thánh-thiêng” thường qui về ai đó đã đạt tình-trạng đặc-biệt nhân-hiền, hạnh-đạo mà thôi. Nhưng theo Kinh-thánh, thì: tất cả mọi tín-hữu đều được coi như đã thành thánh, cả đến các vị vẫn chưa đạt tình-trạng trưởng-thành về linh-đạo, hoặc kiến-thức thần-học, tu-đức, luân-lý, vv.. cũng được thế.
Vì thế nên, khi thánh Phaolô viết thư cho giáo-đoàn, ông vẫn gọi tín-hữu Êphêsô, Côrintô, Phillípphê, Rôma… là “thánh” hết. Xem thế thì, được gọi là “thánh-nhân” hoặc “làm thánh”,“nên thánh” đều gồm các vị vẫn còn sống, chứ đâu phải chết rồi mới được tấn-phong, đâu. Ngay đến Đức Giáo Tông kia, khi còn sống, các ngài cũng gọi là “Đức Thánh Cha”, nữa là gì?
Thôi thì, để bà con các nơi không coi đây là chuyện “ầm ỹ” đáng bàn cãi, mà chỉ phiếm-luận đôi chút cho vui cuộc đời, mà thôi. Vậy thì, xin mời bạn/mời tôi, ta đi vào việc bàn luận cho sớm sủa.
Nhưng trước khi làm thế, xin nghe thêm đôi ca-từ trích ở nhạc-bản trên, để có hứng:

“Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ ai.

Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây ... “
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Vâng. Em về, hãy về đi! Hãy về đây, mà nghe bọn tôi bàn về chuyện “ông thánh” này “bà thánh” nọ, chứ không phải chuyện “em thánh” về, hãy về đi hoặc về nơi đâu mà sợ hãi.
Nào, xin mời bạn/mời tôi ta tra tay vào chuyện bàn và luận..
Luận và bàn rằng: giả như ta có cầu xin “ông thánh” này/“bà thánh” nọ cầu bàu cho ta điều này/khác, thì các vị ấy phải là đấng bậc còn sống mới làm được việc ấy chứ? Bởi, có trao-đổi/giao-dịch với người đã chết hoặc với thần-linh này/khác, thì hẳn ta sẽ bị Kinh-thánh lên án, như sách Ysaya đoạn 8 câu 19, 20 từng cấm-đoán như sau:   

“Và nếu người ta nói với anh em:
"Hãy thỉnh ý các đồng bóng và thầy bói
là những kẻ thì thào và lẩm nhẩm;
dân lại chẳng phải thỉnh ý thần của mình,
thỉnh ý kẻ chết cho người sống sao? ",

thì anh em cứ trở về với lời giáo huấn, với lời chứng!
Nếu họ không nói theo như lời này,
thì sẽ chẳng thấy rạng đông.”
(Ysaya 8: 19-20)

Nếu vậy, thì chắc hẳn ta cũng nên biết về các đấng thánh-hiền vẫn được nhắc đến trong Tin Mừng như sau:

“Đọc Tin Mừng ta vẫn hiểu là các thánh tông đồ ít hiểu rõ những gì Đức Giê-su mặc khải. Vì không hiểu, nên các ngài thường đổi đề tài sang chuyện khác. Giống như thủ lãnh - anh hùng, cũng từng hứa hẹn rất nhiều điều, nhưng chẳng giữ được bao nhiêu. Khi gặp tình huống trớ trêu, gay go, đa số đều bỏ Thầy, chạy lấy người.

Tuy nhiên, có một điểm son mà hầu như các lãnh tụ vẫn đạt được trong thời gian đào luyện, là: có sự hỗ trợ của vị cố vấn giàu kinh nghiệm. Vị này biết rõ đệ tử mình không là người trọn hảo. Nên, đã cho người mình chọn biết rõ sự thật. Và, còn đem họ trở lại sống theo đường lối tốt lành xưa cũ. Và còn, tạo nguồn hứng khởi cho đàn em đệ tử bằng lời khuyên và gương sống tốt đẹp nữa.

Nhiều lúc ta nghĩ, Tin Mừng bao giờ cũng đòi hỏi ta phải có lối sống khác lề lối tệ bạc mình vẫn sống. Và, chuyện này thường vẫn là sự thật hiển nhiên. Đọc Phúc âm hôm nay, ta hãy nên suy nghĩ theo cung cách nghiêm túc, không theo nghĩa đen, thì ta sẽ cảm nghiệm được điều đó.

Để giúp ta cảm nghiệm, thánh Luca ghi lại một yếu tố rất rõ: “họ bỏ hết mọi sự mà theo Người.” Với Đức Giê-su, điều này không có nghĩa bảo rằng: thánh Phêrô từ bỏ gia đình thân thiết của thánh nhân để theo Chúa. Bằng chứng là: các tông đồ cũng vẫn trở về với công việc đánh cá, rất nhiều lần, trong suốt đường đời theo chân Chúa.
Thánh Luca còn dạy thêm: bỏ mọi sự để theo Đức Kitô là một chọn lựa rất triệt để. Dấn thân theo Chúa, là gột bỏ khỏi nơi mình những gì ngăn chặn không cho ta phục vụ Vương Quốc Nước Trời. Đổi lại, người theo chân Chúa phải là người luôn trau dồi, tu chỉnh mọi thứ ngõ hầu đưa ta vào cuộc sống hài hòa, nơi Đạo Chúa. Và, dấn bước theo chân Đức Kitô phải là hành động xuất phát từ con tim, mỗi người.

Đọc kỹ Tin Mừng, ta thấy thánh Luca cho biết nhiều vị trong Hội thánh đã quay về sống đời phải Đạo làm con Đức Chúa. Trong số ấy, có rất nhiều người vẫn còn là tội phạm. Chẳng ai mang dáng dấp vị anh hùng, hoặc thủ lãnh nơi trần gian. Chính vì thế, Hội thánh thời tiên khởi đã gặp khó khăn khi tiếp nhận các vị mới gia nhập.

Khi tường thuật chuyện thánh Phêrô đầy tội lỗi là thế, nhưng vẫn được Đức Giê-su mời gọi theo chân Ngài, thánh Luca muốn xác định một điều: Bất cứ ai chấp nhận bỏ lại đằng sau, quá khứ hư đốn tồi tệ của cuộc sống bê tha khi trước, vẫn được dẫn dắt trở thành môn đệ Đức Kitô.

Điều này, thánh sử cũng muốn hàm ngụ rằng: ta không được phép lên án bất cứ ai được lưới cứu độ của Thiên Chúa phủ trùm. Và, một khi đã ở trong lưới cứu độ của Đức Chúa, ta chỉ cần tin tưởng vào tình yêu thương và lòng độ lượng của Ngài. Để rồi ta sẽ lan rộng tình thương ấy bằng hành động thăm viếng giúp đỡ kẻ đau yếu lẫn người lành mạnh.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong cho Hội thánh Chúa chọn có được tinh thần khiêm hạ nhận rằng Chúa vẫn xoay chuyển lật ngược mọi phê phán của ta. Ngài sẽ thay đổi hẳn mọi lề luật, qui cách, nghị định hoặc tập tục thói quen, cùng phương sách quản trị nào của thế giới không dựa trên tình thương yêu giúp đỡ người khác.

Và từ đó, Ngài sẽ đưa ra các anh hùng lãnh tụ nào khả dĩ trưng dẫn được cho mọi người thấy chiều kích tình thương của Chúa nơi những sơ xuất, yếu mềm của con người.” (X. Lm Richard Leonard sj, Suy tư Tin Mừng CN 5 mùa thường niên năm C, www.giadinhanphong.com 07/02/2016)

Nhân-lành/hạnh-đạo sống ở đời, đã là thánh. Ăn ở tử-tế với bất cứ mọi người, trong mọi hoàn-cảnh, đều là thánh-nhân hiền-lành, dù chính ta không biết. Hệt như truyện kể ở Ấn-Độ là đất nước đông-đúc, như khá nghèo. Tuy còn nghèo, nhưng ở đây vẫn thấy hiện-hữu một số thánh-nhân hiền-từ, rất tử tế. Hệt như truyện kể ở dưới đã chứng minh:

“Truyện rằng:

Ở Ấn-Độ, lại vẫn thấy có những người tử tế dám mua thức ăn cho  2 đứa trẻ đường phố tại nhà hàng, bất ngờ khi nhận hóa đơn thanh toán…

Câu chuyện dưới đây được một người kỹ sư Ấn Độ chứng kiến trong chuyến đi của mình và kể lại trên mạng xã hội. Đó là vào một buổi tối tại khách sạn Sabrina, thành phố Malappuram, bang Kerala, Ấn Độ…

Hôm ấy, sau cả một ngày dài dự buổi seminar, anh Kumar bước vào khách sạn Sabrina để ăn tối. Ngay khi phần ăn của anh được đưa tới, anh cảm nhận được hai đứa trẻ “đói ăn” ở bên ngoài cửa đang đưa những ánh mắt “thèm
 thuồng” nhìn về phía mình. Đó là hai đứa trẻ gầy ốm yếu đi lang thang nhặt rác để kiếm sống. Chúng nhìn thấy những món ăn trên bàn mà “thèm đến chảy nước miếng”… 

Kumar quay về phía hai đứa trẻ rồi đưa tay vẫy gọi chúng lại gần mình. Thấy vậy, cậu bé liền nắm tay em gái mình đi tới. Kumar hỏi hai anh em: “Các cháu muốn ăn gì nào?”
Hai đứa trẻ không nói gì, cậu bé chỉ vào đồ ăn của Kumar đang để trên bàn ăn còn cô bé thì chỉ mở to đôi mắt nhìn anh như thể không tin vào tai mình. Kumar chọn cho hai anh em cậu bé hai phần cơm giống như của mình. 


Ngay khi thức ăn vừa được đặt trước mặt hai đứa trẻ, cậu bé dường như không thể chịu đựng thêm được sự đói khát mà lập tức ăn ngay. Nhưng cô em gái thì ngược lại, cô bé nắm lấy tay anh trai mình và nói rằng chúng cần phải đi rửa tay trước.


Sau khi rửa tay xong, hai anh em cậu bé nhanh chóng ăn hết phần thức ăn của mình. Kumar ngồi nhìn hai đứa trẻ ăn mà không động đũa nhưng trong lòng cảm thấy rất ấm áp. Đợi cho hai anh em cậu bé ăn xong, cúi chào bước đi rồi Kumar mới bắt đầu ăn phần cơm của mình. 

Sau khi ăn xong, Kumar yêu cầu được tính và thanh toán tiền. Sau đó anh đi rửa tay và quay lại bàn của mình để nhận hóa đơn. Nhưng ngay khi anh nhìn vào tờ hóa đơn, anh đã cảm thấy ngạc nhiên bởi trên đó không có bất kỳ số tiền nào mà chỉ là một dòng chữ khiến anh rất cảm động! Anh Kumar cũng đã hỏi về nhân viên tính tiền này nhưng không nhận được thông tin gì. 

“Chúng tôi không có máy để tính toán được giá trị của con người. Mong tất cả mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với anh!”

Anh Kumar không quen biết ai ở khách sạn, cũng không biết nhân viên tính tiền nào đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp đó, nhưng anh biết rằng cuộc sống sẽ không thể thiếu được những câu chuyện đậm tình người như vậy. 

Câu chuyện của anh Kumar đã chứng minh rằng thế giới này của chúng ta còn rất nhiều người tử tế. Hơn nữa, sau khi bạn làm việc thiện, việc tốt, bạn cũng sẽ vô tình hướng người khác đến với việc hành thiện!”
(Theo India Today, Letu) 

Các đấng bậc nhân-hiền/lành-thánh mà người đời ở Ấn-Độ gọi là người “tử-tế”, thì thánh Phaolô lại đã công-khai gọi các vị này là các “bậc thánh” được Chúa yêu thương, như lời lẽ ngài xác-định ở thư Rôma, sau đây:

Kính gửi tất cả anh em ở Rôma,
những người được Thiên Chúa yêu thương,
được kêu gọi làm dân con thánh-thiện.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,
và Đức Giêsu Kitô
ban cho anh em
ân-sủng và bình-an.”
(Rôma 1: 7-8)

Và, thánh Phaolô hiền-từ lại cũng nói lời tử-tế với bà con rất thánh ở Rôma rằng:

“Nhưng bây giờ tôi còn phải đi Giêrusalem
để phục vụ các thánh ở đó,
vì miền Makêđônia và Akhaia
đã có nhã ý đóng góp
để giúp những người nghèo trong số dân thánh ở Giêrusalem.
Họ đã có nhã ý làm như vậy,
nhưng thực ra
họ cũng có bổn phận đối với dân thánh ở đó.
Bởi vì các dân ngoại đã được chia sẻ các phúc lộc thiêng liêng
của dân thánh ở Giêrusalem,
thì họ cũng có bổn phận dùng của cải vật chất mà giúp đỡ lại.”
(Rôma 15: 25-26)

            Xem thế thì, có là thánh-nhân rất thánh-hoá hay người tử-tế rất nhân-hiền đi nữa, vẫn là những người được dân thánh của Chúa trân-trọng và tôn-kính. Tất cả đều được nâng nhấc, khuyến-khích và nhớ đến trong mọi việc. Đó mới là mục-tiêu của cuộc sống trong Đạo. Đó chính là điểm son của cuộc đời con người, suốt mọi thời.
            Xem thế thì, ta hãy cùng nghệ-sĩ ngoài đời hát lên những ca-từ đầy ý-nhị, rất khích-lệ:

“Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây ... “
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hát thế rồi, ta hãy cứ hiên-ngang mà tiến vào cuộc đời người, dù ở đây hay ở đó, vẫn còn có nhiều người tử-tế, rất thánh-nhân, hiền lành mà mình không nhận ra đó thôi.
Nếu thế thì, hỡi các bậc thánh-nhân hiền-lành, hãy cùng tôi và bạn, ta sống mãi cõi đời hiền-từ, tử-tế, mãi khôn nguôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn bạn và tôi
Ta sống mãi cuộc đời tử tế
Rất như thế. 

             





           
  

 


  



  


No comments: