Saturday 15 August 2015

“Hồn cầm phong sương, hình dáng xuân tàn.”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 21 thường niên Năm B 25/8/2015

“Hồn cầm phong sương, hình dáng xuân tàn.”
Ngày dần buông trôi, sầu vắng cung đàn.
Từ người ra đi, chờ vắng tin người
Từ người ra đi, là hết mơ rồi.”
(Văn Cao – Cung Đàn Xưa)
(Êphêsô 4: 17-19)
            “Cung đàn xưa”, phải chăng là những cung và những đàn khi xưa, rất lạc điệu? Hoặc có thể là, nhạc điệu cùng lời ca, rất hôm nay?
            Là gì thì là, nay mời bạn và mời tôi, ta nghe tiếp câu ca sau đó, để còn đoán già đoán non, vẫn lon ton đoán cả những điều mình chưa biết hoặc có biết cũng không nhiều, mà rằng:

            “Cung thương là tiếng đàn
Cung nam là tiếng người.
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi.
(Văn Cao – bđd)

Ấy kià, bạn tôi! Bạn và tôi, ta nghe rõ mồn một tiếng ca vang “Cung thương là tiếng đàn”, “Cung nam là tiếng người”, cũng ai oán, châu rơi, lệ nhỏ. Nhạc Việt mình, vẫn trải dài nhiều ý-tứ không phai nhoà, những là “tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần”… Đó là nhạc điệu và giai-điệu của âm-nhạc rất ngoài đời.
Còn, điệu nhạc nhà Đạo thì sao đây? Câu bạn hỏi, nghe sao cũng khó trả lời. Bởi, bạn và tôi làm sao quả-quyết được điều gì cho phải lẽ. Bởi, nhà Đạo xưa giờ vẫn nói nhiều và quả quyết rất không thiếu về chuyện Đạo/đời ít qua âm-nhạc cho bằng thuyết-lý, bài bản vẫn chính-mạch, rất phán bảo.
Những chuyện các đức ngài nhà Đạo vẫn phán và bảo, nhiều lúc cũng kéo dài nhiều thời có quyền-thế nên tưởng rằng điều đó rất đúng, để rồi về sau lại ngỏ lời xin lỗi, cũng lúng túng.
Chuyện xin lỗi qua thơ văn/âm-nhạc, đôi lúc cũng là “Ai oán khúc ca”; hoặc “buồn tê tái tiếng ngân buồn, như Xuân sắp tàn”, cũng giống thế
Tuy nhiên, có điều là: ở nhà Đạo, Xuân chưa tàn mà nhiều vị ở trong đó lại cứ phải nói đi rồi lại nói lại bằng những lời xin lỗi cũng giống như câu chuyện được nhà báo ghi lại ở bên dưới:

“Vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin lỗi các bạn-đạo người Thệ-phản được gọi là phái Waldo là những vị từng bị Giáo-hội Công-giáo khi trước “dứt phép thông công” và lại đã  bách-hại các vị này nữa.

Thế nhưng, bài báo lại đăng mỗi lý-do cho việc này là lời của mục-sư người Waldesian, từng nói: “đó là phong-trào rao-giảng từ giáo-dân vốn cùng chia-sẻ thánh-kinh bằng ngôn-ngữ địa-phương rất sắc-tộc của mình, hơn là tiếng Latin, tức thứ ngôn-ngữ bó buộc vào thời đó.”

Nói thế cũng không công-bằng cho lắm. Thế nhưng, Từ-điển Bách-Khoa của Công-giáo lại cứ viết ra cho ta hiểu rằng: giáo-phái Waldo có nguồn gốc từ thế-kỷ thứ 12, là một trong các giáo-phái bác-bỏ cái-gọi-là chốn luyện-tội, việc ân-xá hoá-giải và lời cầu-nguyện cho kẻ chết.

Cũng thế, một người đã có gia-đình nay lại muốn hợp cùng với “phối-ngẫu toàn-hảo” của mình được cho phép huỷ-bỏ hôn-nhân trước mà lúc đó không có sự đồng-thuận của người phía bên kia, lại thêm khó.

Lý do chính-đáng để người đi Đạo lúc ấy “dứt phép thông công” với người sống khác mình, xem ra, có thể nói: đó như thể còn ác-nghiệt hơn bảo họ hãy cứ tiến tới, vào những giai-đoạn ra như thế. (x. Thư phản-hồi do độc-giả Matthew Murphy viết với đầu đề:  Apology to the Waldensians, The Catholic Weekly 12/7/2015 tr. 20)

Chẳng cần xem ai phải/ai trái, ai theo “lề phải” ai lại cứ đi theo “lề trái” như bàn dân thiên hạ các xứ cựu thuộc-địa của Vương quốc Nước Anh, bạn và tôi hãy nghe thêm câu hát, đầy thổn-thức như sau:

Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn.
Ơi đàn xưa còn vang nhắc chi tới người
Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duyên đưa..”

Chiều năm xưa gót hài khai hoa,
Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương.
Chiều năm nay bóng người khơi thương
tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn.
Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời.
Khi hôn hoàng xuống dần
Trăng lên vàng mái lầu,
Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa,
Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la.”
(Văn Cao – bđd)

Thế mới biết, các cụ Đạo xưa/nay thường hay nói những câu đại-để bảo rằng: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Hôm nay, thấy nhiều cụ tuy khá già, nhưng vẫn thích đề-cập những chuyện còn mới cứng ở đời, như một số đấng bậc nhà Đạo ở Úc nay diễn-tả.
Diễn-tả hoặc dẫn-giải, vẫn là lời dẫn của các đấng bậc trong Đạo tuy chưa một lần lập hôn-phối với bất cứ ai, nhưng vẫn muốn bàn chuyện gồm những phối và hôn ở đời. Thôi thì, là bàn dân ở đời, tưởng cũng nên đề-nghị bạn và tôi, ta tìm thêm đôi ba chỗ xem có ý/lời nào hay ho/khác-biệt để trích-dẫn làm bằng-chứng về cố-gắng của Giáo-hội mình.
Hãy cứ cố-gắng, rồi ra ta cũng bắt gặp thêm được các ý-kiến có hơi khác, như sau:

“Đức Giêsu sống cách nay đã hơn hai ngàn năm, không thiếu; tức: chỉ là một khoảnh khắc rất ngắn ngủi nếu so với cả tỷ năm tạo-dựng trời đất. Và Thiên-Chúa vẫn có thể đợi chờ dù có lâu theo nhu-cầu của những người bước theo chân Đức Giêsu để triển-khai/áp-dụng ý-kiến của Ngài theo cung-cách mà toàn-thể thế-giới sẽ phát-triển cách thận-trọng hơn hầu đi đến mục-tiêu cuối cùng của nó…” (xem Gm Geoffrey James Robinson, The 2015 Synod, The Crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ATF Press 2015 tr. 4-5tt)

Trích gì thì trích, cũng nên trích và dẫn thêm đôi ý hoặc lời bàn của giáo-dân ở huyện nhà rất Úc Châu, lại cũng có những quan-ngại như sau:

“Gieo vãi sự rẽ-chia trong Giáo hội và các gia-đình làm nột trong nhưng công-tác hàng đầu của ác-thần/sự dữ; và nó trực-tiếp đánh thẳng vào ý-định của Đức Giêsu khi Ngài đến với những người dõi bước theo chân Ngài, đó là nhận định mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần gửi đến mọi người.

Vào thánh-lễ sáng ngày 21/5/2015, Đức Phanxicô còn chia sẻ những tâm tình hằng sâu lắng nơi ngài rằng: “Đức Giêsu vẫn nguyện-cầu “cho sự hiệp-nhất của mọi người”, nhưng Ngài vẫn biết rằng “trọng-tâm của thế-gian là tinh-thần của rẽ-chia, chinh-chiến, ganh tương, thèm thuồng đưa vào mọi gia đình, cũng như cộng-đoàn giáo xứ, giáo-phận và toàn thể Hội thánh Chúa, đó cũng là cơn cám dỗ cực-kỳ hiểm nguy.”

Cũng trong buổi san sẻ Lời của Chúa hôm ấy, Đức Giáo Hoàng cũng tỏ bày rằng: vũ-khí chính của sự dữ trong việc giắc vãi sự chia rẽ ngang qua sự việc nói hành/nói tỏi và chụp mũ người khác… Chúng ta cũng nên để chỗ trống cho Thánh Thần Chúa đến mà biến-đổi mỗi người chúng ta để mọi người trở nên một như Thiên-Chúa-là-Cha và Con luôn là Một.” Thử-thách lớn đối với toàn-thể tín-hữu Đức Kitô là không nên cho phép tinh-thần chia rẽ, tức cha đẻ của dối trá len lỏi vào bên trong mỗi người chúng ta, nhưng ngược lại, anh chị em hãy luôn tìm cách tạo sự hiệp-thông đoàn-kết với mọi người.

Đức Giáo Hoàng còn thúc-giục mọi người dự-lễ hôm ấy hãy thường-xuyên đọc đoạn sách trích từ Tin Mừng thánh Gioan khi ngài viết: Ngước mắt lên trời, Đức Giêsu nguyện cầu cùng Cha Ngài rằng: Con không chỉ nguyện-cầu cho những người này mà thôi, nhưng cho cả những người sẽ tin vào Con ngang qua lời này…” Có lẽ chúng ta ít quan-tâm để ý cho đủ vào lời lẽ nguyện cầu của Ngài như thế. Phải biết rằng: Đức Giêsu không chỉ nguyện cầu cho đồ-đệ Ngài hoặc những ai biết Ngài mà thôi, nhưng cho cả tôi, cả anh chị em cùng tất cả mọi người khác nữa. Có thế mọi người mới có đủ tự tin và hy vọng, bằng những hy-sinh, đau đớn nơi thân-xác như cái giá Ngài trả cho chúng ta…” (X. Cindy Wooden, Dividing Families “a work of the devil”, The Catholic Weekly 31/5/2015 tr.9)

Nói gì thì nói, kể gì thì kể, có kể nhiều sự việc hoặc trích-dẫn ý-nghĩa của việc sẻ san Lời của Chúa, cũng để nhắc nhở bạn và tôi, ta hãy luôn nghĩ đến việc kết-hợp hiệp-thông với nhau cộng đoàn, chòm xóm và/hoặc bạn hữu thân-thương cũng như gia đình mình, gia-đình người, thế mới đúng.
Nói gì thì nói, kể gì thì kể, ta cứ nói và cứ kể những truyện kể lai rai, những câu chuyện phiếm dài dài, khá dí dỏm để minh-hoạ cho câu chuyện thần-học khô cứng, khó nuốt.
Nói và kể, là kể những câu chuyện thường ngày rất khó kể, nhưng vẫn nghe hoài như sau:

“Mẹ chồng và nàng dâu nọ chẳng may trở thành goá bụa. Trong một thoáng rất nhanh, mẹ chồng dặn con dâu những câu mặn nồng, rằng:
-Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu!
Chẳng bao lâu sau đó, mẹ chồng có tư tình với một nam-nhân khác, cô con dâu bèn tìm lúc nhắc nhớ lại lời dặn dò hôm trước, thì mẹ chồng hiên ngang trả lời:
-Mẹ dặn là dặn con chứ mẹ thì còn răng cộ nữa đâu mà cắn cơ chứ!!!”

Nói gì thì nói, kể gì thì kể, cũng nên kể đi kể lại những cậu truyện kể để suy thêm. Truyện kể, là những truyện để kể mang nhiều ý-nghĩa để ta so-sánh, áp-dụng với chuyện nhà Đạo, rằng:

Một buổi sáng đẹp trời, một chàng thanh niên lái xe đến sở làm, không may, anh đụng phải một đứa bé tuổi mới vừa lên 7. Đứa bé được chở đến bệnh viện cấp cứu. Tình trạng đứa bé không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó bị gảy chân, và có thể sẽ không thể trở lại bình thường được.

Điều đáng nói, đứa bé này lại là con trai duy nhất của một goá phụ tuổi chưa đầy ba mươi. Người goá phụ trẻ căm tức chàng trai, nàng nguyền rủa chàng thanh niên bằng những lời lẽ cay độc nhất.

Điều đó có thể dễ hiểu : vì nàng quá thương con, niềm an ủi duy nhất của nàng khi chồng nàng mất không đầy một năm sau khi nàng sinh đứa con đầu lòng.  Đứa bé xinh đẹp, thông minh và dễ thương, bỗng dưng đứa bé thành kẻ tật nguyền. Càng nghĩ càng căm hận ! Sau một thời gian điều trị, đứa bé xuất viện. Chân được phẫu thuật thành công, không phải cắt, tuy vậy đứa bé đi đứng còn rất khó khăn, cần phải luyện tập nhiều mới có thể trở lại bình thường.

Mẹ đứa bé không thể nguôi ngoai được mối sầu hận trong lòng. Phần chàng trai, khoảng thời gian đứa bé ở bệnh viện, gần như lúc nào chàng cũng ở bên đứa bé. Khi đứa bé được xuất viện, mỗi sáng trên đường đi làm việc chàng tranh thủ ghé thăm. Buổi chiều chàng đến vui chơi với nó. Chàng động viên nó tập đi từng bước, như người mẹ tập cho con những bước đi chập chững đầu tiên. Chàng mua quà cho đứa bé, khích lệ đứa bé, cổ võ đứa bé mỗi khi nó đi được nhiều bước đi liên tiếp một cách tự nhiên như người không bị thương tích! 

Và một truyện kể khác, nghe qua thấy cũng không đến nỗi tệ, như sau:

“Chưa bao giờ mẹ đứa bé ban tặng cho chàng một nụ cười! Điều đó có nghĩa là chàng chưa được tha thứ! Nhiều lúc chàng cũng muốn buông tiền bồi thường trọn gói rồi quay lưng đi bỏ mặc sau lưng một goá phụ trẻ kiêu kỳ và sắt đá, nhưng chàng thật sự thương đứa bé. Chàng muốn trả lại ho đứa bé một cuộc sống bình thường, hay ít ra là không đến đổi tồi tệ.

Rồi ngày tháng dần qua, những nỗ lực của chàng đã đem lại kết quả rất khả quan. Những bước chân của đứa bé tuy dù còn đôi chút vụng về, cũng như trên gương mặt mẹ nó còn vương nét lạnh lùng, nhưng tiếng cười đã tìm lại được trong căn nhà vốn thường ngày vắng vẻ ấy.

Rồi một chiều nọ, chàng nói lời từ giã hai mẹ con. Đứa bé ôm lấy chàng và hồn nhiên nói: Sao chú không ở lại với cháu luôn vậy, chú?.
Được rồi, được rồi ! Chàng nhanh nhẩu trả lời:
-Cháu ngoan nhé! Chú sẽ thường xuyên đến thăm cháu mà ! Nhớ phải tập đi, tập chạy nhiều nữa nhé! Hôm nào ra bãi biển chạy đua với chú nha! Chạy thắng chú là có quà to cho cháu đấy!

Mẹ nó im lặng. Một buổi sáng Chúa Nhật trên bãi biển, Đứa bé chạy đùa giỡn với chàng. Nó nắm tay kéo Mẹ nó lại bên nó để cùng hốt cát đắp ngôi nhà thật to. Chú với mẹ nhặt những viên sỏi đẹp lót xung quanh nhà nhen. Nó chạy tung tăng, hí ha hí hửng. Đôi chân nó đã mạnh thật rồi! Nó vui quá. Nó không còn nhớ gì đến vết thương nữa. Bóng đứa bé sáng rực và lấp lánh trên bãi biển như cánh hải âu đang lấp lánh trong ánh nắng bình minh. Chàng nhìn theo đứa bé. Lòng vui khôn tả. Người goá phụ trẻ nhìn theo con mình, nụ cười rạng ngời không tắt trên môi.

Bất chợt hai người nhìn nhau. Niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi. Cả hai cùng cười. Họ đã quên khoảng cách tự bao giờ? Mới hôm nay hay đã từ lâu? Điều đó chỉ có hai người biết!

Dường như có chút gì e thẹn sau cái nhìn bất chợt ấy. Nàng cúi xuống như để che dấu một điều gì từ cõi thâm sâu của lòng nàng. Bất ngờ nàng nhìn thấy một viên sỏi lớn đang lấp lánh trong nắng. Chàng cũng thấy. Nàng cúi xuống nhặt. Chàng cũng nhặt. Bàn tay của nàng đặt lên viên sỏi. 

Bàn tay của chàng đặt lên tay nàng. Nàng không rút bàn tay lại. Chàng cũng không. Tiếng sóng biển vẫn muôn thuở rì rào như tiếng tơ lòng muôn thuở vẫn ngân nga. Chú! Mẹ! con nhặt được một bụm sỏi rồi nè ! Mẹ và chú được nhiều không?

Đứa bé chạy lại hỏi. Không có câu trả lời. Chỉ có một viên sỏi duy nhất hai người không nhường nhau! Cả hai đều đang cố giữ lấy viên sỏi ấy!

Vì viên sỏi ấy đã hóa kiếp thành viên kim-cương-hạnh-phúc! Mà hạnh phúc thì phải hai người giữ mới được vẹn toàn!

Và như thế, người đọc ở đây hôm nay, hẳn cũng biết phần kết của câu chuyện này rồi.

Khoảng-cách nào là do định mệnh, khoảng cách nào là tại chúng ta?
-Không có làn ranh nào rõ ràng cả!
Tận nhân lực, tri Thiên mệnh. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình, bằng tất cả nghị lực, để xoá tan khoảng cách của hận thù, để trái tim lên tiếng tình thương!

Thế đó là truyện kể, cũng rất “phiếm”. Phiếm hay luận, cũng đều là luận và phiếm những chuyện đời thường trong Đạo hoặc những chuyện Đạo trong đời thường.
Kể thế rồi, nay bần đạo bớt đi phần luận bàn để rồi mời bà con nay ta về lại vườn hoa Lời Vàng ở Kinh Sách để có nền tảng dựa vào đó, mà vui sống. Lời rằng:

Vậy đây là điều tôi nói với anh em,
và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em:
đừng ăn ở như dân ngoại nữa,
vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.
Tâm trí họ đã ra tối tăm,
họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban,
vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.
Họ đã mất ý thức nên đã buông thả,
sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ.
Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu;
ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu
và được dạy dỗ theo tinh thần của Người,
đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu.
(Êphêsô 4: 17-19)

Nghe những lời nhủ khuyên như thế rồi, nay mời bạn/mời ta ta cứ hiên ngang đứng thẳng lên mà ca và hát cả những lời buồn hoặc ướt sũng, ủy-mị có những lời như sau:

“Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn.
Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời.
Khi hôn hoàng xuống dần
Trăng lên vàng mái lầu,
Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa,
Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la.”
(Văn Cao – bđd)

Vâng. Đúng thế. “Lời đàn năm xưa, se kết đôi lòng”. Lời đàn năm nay, ở nơi này không chỉ là tấm lòng của hai người mà thôi. Nhưng còn là lòng người/lòng Đạo ở mọi nơi, trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn còn những tình tự
Rất giống như
Cung Đàn Xưa
Của mọi người
Và mọi thời.
   
   


 



No comments: