Saturday 11 July 2015

“Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần 16 thường niên Năm B 19/7/2015

“Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở”
Tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở.
Nhưng biết bao giờ,
Tôi mới được nói thẳng,
Những điều tôi ước mơ?”
(Thơ: Thích Nhất Hạnh – Phạm Duy phổ nhạc: Tâm Ca 1)
(Thư Galát 4: 18-20)
            Tâm ca ư? Phải chăng là bài ca tâm-tình hát bằng cả con tim, đấy chứ gì! Vâng. Tim nào mà chẳng bảo: “Tôi vẫn sống”, “vẫn ăn” và “vẫn thở” hệt như lời của Lm Tiến Lộc, DCCT đã đàn hát trong đêm văn-nghệ bỏ túi nhân chuyến viếng thăm Gia-đình An Phong hôm 9.5.2015, chứ? Lời hát nào mà chẳng: “nói những điều tôi ước mơ” cũng rất nhiều!
Thế còn, những lời dưới đây thì sao:

“Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi
Vẫn nở thêm một đoá.
Biết bao giờ ?
Biết bao giờ ?
Tôi mới được
Tôi mới được
Nói những điều
Nói những điều
Tôi ước mơ, tôi ước mơ
Tôi ước mơ, tôi ước mơ.”
(Nhất Hạnh/Phạm Duy – bđd)

Vâng. Tâm ca hay ca hát những tâm-tình của người nghệ sĩ từng hát ca hay viết nhạc vẫn là như thế. Còn, tâm-tình đầy ý-tứ lẫn ý-từ rất thi-phú của người thường ở đời thì sao? Thôi thì, xin mời bạn mời tôi, ta nghe thêm một lời kể về chuyện đời cũng đáng nể, như sau:

“Truyện, là truyện về hai con ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos ở trời Tây, như sau.
Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa bình thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.
Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau..

Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã            thành một câu chuyện tuyệt vời.

Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó, chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc.

Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng đế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ. Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng đế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.

Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau.
Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua. Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được.” (trích truyện kể do bạn bè gửi để kể cho nhau nghe đôi điều về cuộc đời, của con người.)

Truyện kể hoặc lời ca tiếng hát ở đời, lâu nay vẫn như thế. Nhưng, nếu kể về những chuyện nhà Đạo ở đây đó mà người nhà trời lâu nay vẫn gọi là chuyện thần-thông biến-hoá rất triết/thần thì, ôi thôi vẫn dài dòng vô số kể. Kể làm sao cho hết. Nói làm sao cho thông được chuyện thần-thông như thế được!
Thôi thì, hôm nay, bần đạo lại dám mời tôi/mời bạn ta đi vào khung trời mở rộng rất triết-thần để kể cho những những vấn-đề nghe rồi lại suy-tư/nghĩ ngợi đến nhức óc, rối bời một thời ở nhà Đạo cũng rất bạo. Truyện lan man, tản mạn không chỉ mỗi lý-luận hoặc tranh-luận đến đỏ mặt tía tai rất nhiều ngày, như những thứ và những sự được truyền-thông loan tải, như sau:
Truyện kể hôm nay gồm những mảng thông-tin lai rai, dài dài về nhiều thứ, trong đó có cả những những và những sự về cái-gọi-là “Tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở”, ở cuộc đời đi Đạo, sau đây:

“Hôm 22/5/2015, truyền thông/báo đài đủ các loại có loan tải một tin tức từ châu Á, đã bảo rằng: “Trung Quốc lâu nay vẫn cứ bảo rằng: Tôn-giáo phải được tự-do không nên để mình bị ảnh-hưởng bởi các thế-lực bên ngoài. Đó là lời phát-biểu của vị Chủ Tịch Nước này yêu cầu các nhóm-hội/đoàn-thể các tôn-giáo hãy tuyên-thệ trung-thành với nhà nước.

Nói thế có nghĩa: tôn-giáo các loại phải nằm trong vòng ‘ảnh-hưởng’ của các bàn tay thuộc xã-hội chủ-nghĩa ở trong nước.       

Được biết, Trung Quốc lâu nay vẫn nằm dưới sự thống-trị của Đáng Cộng-sản vô-thần và Bắc Kinh vẫn muốn tìm cách không-chế các tôn-giáo khác nhau để họ không thể phát-triển rộng rãi. Chính vì thế mà vị Chủ-tịch nước này, lại cứ tỏ-bày bằng lời lẽ cứng-rắn như sau:

“Chúng ta phải quản-lý tôn-giáo sự-vụ sao cho phù-hợp với luật-lệ của nước nhà ngõ hầu gắn bó với các nguyên-tắc độc-lập mà quản-lý các nhóm hội/đoàn-thể tôn-giáo theo sự đồng thuận của chúng ta... Mọi phần-tử trong nước cần phải cố-gắng không ngừng để tháp-nhập tôn-giáo vào với xã-hội vốn tuân theo chủ-nghĩa xã-hội, và như thế công-tác tôn-giáo vận của Đảng ta phải nắm vững là sẽ chiến-thắng trong chiếm-đoạt đầu óc cũng tâm-can của quần-chúng cho lợi-ích của Đảng...”(xem Sheila Liaugminas, MercatorNet 22/5/2015)

Vâng. Đối với các cụ và các vị còn sống dưới chế-độ Cộng-sản, thì ý-nghĩa của câu hát “Tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở”, vẫn là như thế. Như thế, tức bảo rằng: mọi chuyện Đạo/đời đều phải tập-trung làm sao cho Đảng và nhà nước vẫn cứ ăn, cứ thở và cứ sống mãi trong lòng người, rất dân tộc.
Vâng. Với các vị và các cụ sống ở đời không cần nhờ cũng chẳng ỷ vào Đảng này đảng nọ, lại sẽ khác. Khác thế nào, ư? Đây, lại xin mời bà con mình nghe thêm đôi điều từ một “mảng” không-gian và thời gian, cũng rất khác, ở trời Tây, như sau:

“Các Giám-mục phải sống nhạy bén với Giáo-hội, tức tỏ ra quả-cảm trong việc phản-bác các ý-đồ mang tính-chất vănminh/văn-hoá xúc-phạm đến phẩm-cách con người. Đồng thời tin-tưởng vào các giáo-dân để họ có thể làm tròn trách-vụ được Chúa gọi mời thực-thi cho thế-giới. Trên đây, là lời phát-biểu của Đức Giáo-Tông Phanxicô nói với các Giám-mục nước Ý hôm 18/5/2015 vào lúc khai-mạc buổi họp toàn-thể hàng năm ở Vaticăng.

Nhạy-bén với Giáo-hội còn có nghĩa: tự-tạo cho mình động-thái từ-bi, khiêm-tốn, biết xót thương  cùng sự khôn-ngoan rất cụ-thể của Đức Kitô. Một phần của tính bén nhạy đối với Giáo-hội, còn là củng-cố vai-trò rất thiết-yếu của người giáo-dân những muốn nhận-lãnh trách-nhiệm được giao cho họ. Trên thực-tế, các giáo-dân từng được đào-tạo thành Kitô-hữu thực-thụ không cần sự lèo-lái của Giám-mục hoặc “Đức ông” hoặc hàng giáo-sĩ để thực-thi trọng-trách vốn dĩ trao cho họ ở bất cứ lãnh-vực nào cũng thế, như: chính-trị, kinh-tế, xã-hội đến luật-lệ. Thay vào đó, họ chỉ cần các Giám-quản mang tính-chất Mục-tử mà thôi.

Vào thời-điểm giai-đoạn lịch-sử khi mọi người chúng ta cứ bị thông-tin chuyên gây nản-chí, nản lòng vẫn vây quanh, hoặc hoàn-cảnh quốc-tế cũng như nội-địa khiến ta thấy sầu buồn/khổ-nãovốn dĩ không hỗ-trợ ơn gọi làm giáo-dân nhất là vào lúc cả giáo-dân lẫn các vị chủ-quản giáo-phậ phải đi người lại cơn nước ròng đang chảy xiết...” (xem Cindy Wooden, Call it as you see it, leave laity to do their job, pope tells bishops, The Catholic Weekly, 24/5/2015, tr 9, 29)

Vâng. Tôi đây với tư-cách là giáo-dân ở địa-phận nhà “vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở” như bao giờ. Nhưng hỏi rằng, lối sống ấy có là sống theo qui-cách như Đức Giáo Tông Phanxicô vừa nói hay không. Đó mới là vấn đề.            
Vấn-đề của thành-viên “Nước Trời” ngày hôm nay, có thể là như thế, tức trong tình-trạng ba chìm bẩy nổi dù vẫn thở.
Vấn-đề của nhà Đạo hôm nay, vẫn cứ thế, tức như thể động-thái của ông cụ Vũ Như Cẫn, tức vẫn như cũ, suốt từ ngày Công Đồng Vatican kết thúc đến 50 năm sau.
Vấn-đề như của ông Vũ Như Cẫn nơi giáo-dân ở huyện nhà và huyện nào đó ở các nơi vẫn là chuyện cần đặt lại, không cần phải mở thêm một Công Đồng Vatican thứ 3 hoiặc thứ 4 nữa mà làm gì.
Vấn-đề của giáo-dân hay giáo-sĩ dưới sức đè nén của hàng giáo sĩ lẫn giáo-phẩm vẫn còn đó nỗi buồn ,rất thiên thu. Buồn như câu hát của nhà thơ và người viết nhạc vẫn từng bảo:

Biết bao giờ ?
Biết bao giờ ?
Tôi mới được
Tôi mới được
Nói những điều
Nói những điều
Tôi ước mơ, tôi ước mơ
Tôi ước mơ, tôi ước mơ.”
(Nhất Hạnh/Phạm Duy – bđd)

Vâng. Không phải thế đâu. Không phải “Biết bao giờ” tôi mới được “nói những điều tôi ước mơ, ước mớ” như các nghệ-sĩ/thơ văn vẫn cứ nghĩ và cứ làm...
Vâng. Không phải thế đâu. Không phải “Biết bao giờ, tôi hay bạn mới nói được những điều mình mơ ước như thế đâu! Bằng chứng ư? Thì đây, một ý-nghĩ cùng tư-tưởng của người dân bình thường ở huyện đã từng viết và nói lên ước mơ nhỏ của mình qua câu truyện kể như sau:    

“Truyện rằng:
Vợ của anh  đã qua đời được 4 năm, anh  không có cách nào có thể chăm sóc được cha mẹ nên cả thấy chán nản và mệt mỏi.

Một buổi tối khi anh trở về nhà, vì quá mệt mỏi nên anh chỉ chào hỏi đứa con ngắn gọn và không muốn ăn cơm, cởi xong bộ complet liệng lên giường nằm. Đúng lúc đó, ầm một tiếng, tô mì tôm làm dơ hết mền và ga trải giường, hóa ra trong mền có một tô mì tôm. “Cái thằng ranh con này”, anh ta liền vớ một chiếc móc quần áo chạy ra ngoài đánh cho đứa con trai đang ngồi chơi một trận

Đứa con trai vừa khóc vừa nói:
- Cơm sáng đã ăn hết rồi, đến tối con chưa thấy cha về, thấy đói bụng nên đi tìm đồ ăn, con tìm thấy mì tôm trong tủ bếp, muốn nấu mì tôm ăn nhưng cha dặn không được tùy tiện dùng bếp gas nên con lấy nước nóng từ trong vòi tắm pha mì tôm: con pha một tô ăn, còn một tô để phần cha. Sợ mì tôm bị nguội nên con mang vào giường ủ trong mền đợi cha về ăn cho nóng. Con mải chơi đồ chơi mới mượn được của bạn nên khi cha về đã quên không nói với cha.

Anh không muốn đứa con thấy mình khóc nên vội vã vào nhà vệ sinh, mở vòi nước và khóc. Khi đã ổn định tinh thần, anh mở cửa phòng con trai và nhìn thấy đứa con trai trong bộ quần áo ngủ, nước mắt giàn giụa và tay đang cầm bức hình của mẹ nó.

Từ đó trở đi, anh chăm sóc con trai tận tâm hơn, chu đáo hơn. Khi con trai mới vào học cấp I, anh đánh con một trận nữa. Hôm đó, thầy giáo gọi điện về nhà báo con anh không đi học. Anh lập tức xin nghỉ về nhà, chạy đi tìm con khắp nơi. Sau vài tiếng đồng hồ đi tìm anh đến một cửa hàng bán văn phòng phẩm nhìn thấy đứa con đang đứng trước một tiệm đồ chơi điện tử, thế là anh tức giận đánh con, đứa con không một lời giải thích, chỉ nói: “Con xin lỗi”.

Một năm sau, anh nhận được điện thoại từ bưu điện, nói con trai anh đã bỏ một loạt các bức thư không viết địa chỉ vào hộp thư. Cuối năm là lúc bưu điện bận rộn nhất nên điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho họ. Anh lập tức đến bưu điện, mang những bức thư đó về ném trước mặt con trai nói:

- Sao mày lại làm những trò tai quái thế này hả?
Thằng bé vừa khóc vừa trả lời:
- Đây là những bức thư con gửi cho mẹ.
Mắt người cha cay cay hỏi con:
- Tại sao một lúc gửi nhiều thư như vậy?
Đứa con nói:
- Trước đây con còn thấp nên không bỏ thư vào hộp thư được, bây giờ con lớn có thể bỏ thư vào được rồi nên con mang gửi hết những bức thư con viết từ trước đến giờ.
Người cha nghe xong, tâm trạng rối bời không biết nói gì với con. Một lát sau người cha nói:
- Mẹ con giờ ở trên thiên đàng, sau này con viết thư xong, hãy đốt nó đi thì có thể gửi thư cho mẹ được đấy.
Đợi đứa con ngủ, anh mở những bức thư đó xem đứa con muốn nói gì với mẹ, trong đó có một bức thư khiến anh vô cùng xúc động.
“Mẹ thân yêu của con: Con nhớ mẹ lắm! Mẹ ơi, hôm nay ở trường con có một tiết mục mẹ cùng con biểu diễn, nhưng vì con không có mẹ nên con không tham gia. Con cũng không nói cho cha biết vì sợ cha sẽ nhớ mẹ. Thế là cha đi khắp nơi tìm con, nhưng con muốn cha nhìn thấy con giống như đang đi chơi nên con đã cố ý đứng trước một tiệm đồ chơi điện tử. Tuy cha đã rầy con nhưng con đã kiên quyết không nói cho cha biết vì sao. Mẹ ơi, con ngày nào cũng thấy cha đứng trước ảnh mẹ ngắm rất lâu, con nghĩ cha cũng như con rất nhớ mẹ!

Mẹ ơi, con đã sắp quên giọng nói của mẹ rồi, con xin mẹ trong giấc mơ của con hãy để con được gặp mẹ một lần được không, để con nhìn thấy khuôn mặt của mẹ, nghe thấy giọng nói của mẹ, được không mẹ?
Con nghe mọi người ta nói nếu ôm bức ảnh của người mình nhớ vào lòng rồi đi ngủ thì sẽ mơ thấy người đó, nhưng mà mẹ ơi, vì sao con tối nào cũng làm như thế mà trong giấc mơ của con vẫn không gặp được mẹ?”
Đọc xong bức thư, người cha òa khóc Anh không ngừng tự trách mình: phải làm sao mới có thể lấp được khoảng trống mà người vợ để lại đây?

Chúng ta là những người cha người mẹ khi đã mang cuộc sống của đứa con đến với thế giới này có nghĩa là gánh trên vai trách nhiệm vô cùng to lớn. Khi đã là một người mẹ, không nên tăng ca quá nhiều; khi đã là một người cha, không nên uống quá nhiều rượu, đừng nên hút nhiều thuốc, phải chăm sóc tốt cho bản thân mới có thể yêu thương con hết lòng; tuyệt đối đừng nên vì muốn kiếm nhiều tiền mà hủy hoại sức khỏe của mình. Không có sức khỏe thì những danh lợi kia có nghĩa lý gì. Và cũng đừng nghĩ rằng đợi đến khi cha mẹ có nhiều tiền thì sẽ như thế này như thế kia: Nào ai biết sau này chuyện gì sẽ xảy ra, có thể sau một giây mọi chuyện đã khác?!

Những người cha người mẹ xin đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà dễ dàng ly hôn. Vì đau thương lớn nhất sau sự đổ vỡ đó không ai hết mà chính là thuộc về đứa con. Bạn đã kết hôn hay chưa kết hôn thì hãy nhớ một điều, xin hãy quý trọng “nó”.
(Truyện kể lại cũng được trích từ mạng vi-tính rất vi-sinh)

Xin “những người cha người mẹ đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà dễ-dàng ly-hôn…” Đó, có thể là câu nói của người đời sống ở đời người. Với nhà Đạo, lại cũng có những câu rất tương tự của bậc thánh-hiền, bấy lâu nay cũng kêu gọi một lời tương-tự, rằng:

“Được người ta tỏ lòng nhiệt thành là điều tốt,
miễn là vì mục đích tốt và trong mọi trường hợp,
chứ không phải chỉ khi nào tôi có mặt giữa anh em.19
Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi,
mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa
cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em,20
tôi ước ao được có mặt giữa anh em lúc này,
để lựa lời nói sao cho thích hợp,
vì tôi thấy khó xử với anh em quá!
(Thư Galát 4: 18-20)

“Lựa lời nói sao cho thích-hợp”, lời khuyên răn và cũng là lời kêu gọi gửi đến mọi người rất hôm nay. Bởi, lời nói chính là nguyên-do của mọi thứ chuyện trong đời. Kể cả những lời thơ và ý-nhạc được nhà thơ cũng như người viết nhạc, cùng nhau hợp tác nhau trong bài hát ở trên, cứ hát hoài hát mãi, rất như sau:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi
Vẫn nở thêm một đoá.
Biết bao giờ ?
Biết bao giờ ?
Tôi mới được
Tôi mới được
Nói những điều
Nói những điều
Tôi ước mơ, tôi ước mơ
Tôi ước mơ, tôi ước mơ.”
(Nhất Hạnh/Phạm Duy – bđd)

Hát thế rồi, nay mời bạn, mời tôi , ta lại nghĩ-suy những điều được trích-dẫn vẫn ở trên và ở trong mọi giòng chảy thơ văn, nơi đời người.

Trần Ngiọc Mước Hai
Vẫn muốn hát
Những lời ca tương-tự
ở cuộc sống rất đời thường,
nơi huyện nhà thân-thương
cũng rất Đạo.

 
         






No comments: