Friday 5 June 2015

“Làm sao, giết được người trong mộng”,



Chuyện Phiếm đọc sau Chúa Nhật thứ 11 Thường Niên năm B 14/6/2015
 
“Làm sao, giết được người trong mộng”,
Để trả thù duyên kiếp, phũ phàng.”
(Phạm Duy – Giết Người Trong Mộng)
(Lc 12: 51-53)
            Ối giào! Giời ạ! Giết gì mà giết lắm thế? Giết được cả người trong mộng nữa sao? Mà sao lại chỉ giết người bội thề, u mê, quên tình nghĩa phu thê, như thế? Giết nhiều, rủi lỡ tay giết cả người “trong mộng đã đi về”, hoặc “đã hiện về” như “loài bướm đong đưa”, dễ sợ chưa? 
            Thật ra thì, có chém giết như thế, kể cũng tệ. Bởi, nếu suốt ngày hát hò rồi kêu lên “Giết người đi!”, “Giết người đi!” tức là: cứ giết và giết, để “trả thù duyên kiếp phũ phàng” thì, ôi thôi lại thi-ca với âm nhạc!  
            Hết nhiều nhất, là khi có bé em vừa hát câu trên xong, lại thêm ca-từ lê thê như để bảo: “Đêm qua em mơ gặp… chú/bác” gì đó, say mơ đến độ thấy cả  râu/tóc bạc phơ của chú/của bác, nên không còn muốn “giết người trong mộng” nữa, thế có chết không!
            Thôi thì, bạn và tôi, ta có hát đi hát lại đến chán chê mê mỏi cũng chỉ có mỗi câu những giết là giết, mà thôi. Có mơ đi mơ lại toàn người này người nọ rồi gọi là chú/bác cuối cùng cũng lại than vãn, hát thêm rằng:

“Nhưng người ơi! Nhưng người ơi!
Sao người trong mộng vẫn hiện về?
Nhưng người ơi! Nhưng người ơi!
Sao người trong mộng vẫn say mê?
Ơi người ơi! Ơi người ơi!
Sao tình trong mộng vẫn ê chề?
Ơi người ơi! Ơi người ơi !
Sao mình trong mộng vẫn ngu si?
Ơi người ơi! Ơi người ơi!
Thôi đành thôi, thôi đành thôi
Giết người trong mộng mơ…”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng! Vấn đề lâu nay đặt ra với người đời, chỉ có thế. Giết người trong mộng hay giữ người trong mộng, vẫn cứ là thơ/văn cho hợp vận, chứ làm gì có ai đòi giết nhiều quá sức vậy chứ? Vâng. Phiếm luận chuyện Đạo/đời, đôi lúc cũng để giết, nhưng không phải “người trong mộng”, mà là thời gian, ấy chết là ngôn-từ với ngôn-ngữ, rất vô-tích-sự.
Nhưng “thời gian”, sao gọi được là vô-tích-sự? Dù, bàn dân thiên hạ cứ mừng đi mừng lại các kỷ-niệm những giết và giết đầy chết chóc cả vào hôm nay, như báo/đài vẫn tường-thuật.
Báo đài nhà Đạo hôm nay, chỉ muốn tường-thuật chuyện chết chóc tuy không giết người trong mộng, bên trong hay bên ngoài nhà Đạo. Nhưng, những chuyện thần học, tu-đức lẫn tin tức, cũng không thoát. Ví-dụ ư? Thì, đây: vừa qua có báo/đài nọ đã cả gan loan tin tức…mình bảo rằng Đức Giáo Tông Công-giáo nói ta cũng có thể chấp-nhận giải-pháp “dĩ độc trị độc”, để tránh chiến-tranh, bạo-lực (?) vv…   
Người loan tin trích-dẫn chuyện này ở đâu không biết, chỉ biết là: ở Úc người ta đã trích câu nói về chiến tranh, giết chóc hoặc bạo loạn, từ đấng bậc vị-vọng chốn chóp bu Giáo hội Công giáo như sau:

“Tôi kêu gọi mọi bên, mọi phía đang dính dự hãy chấm-dứt vòng quay xoắn ốc đầy ghét ghen/bạo-lực để có can-đảm mà đưa ra quyết-định hoà-giải hầu đi đến hoà-bình. Xây-dựng hoà-bình thật rất khó, nhưng sống mà không có hoà-bình lại chỉ là sống trong dằn-vặt, khổ đau mà thôi.” (Đức Giáo Hoàng đã có kêu gọi khi một số đồng bào bị tấn-kích tại hội-đường Do-thái ở Giêrusalem tháng 11/2014, The Australian Catholics Hè 2015 tr. 4)

Nói về chiến tranh, lại phải nói cả về hoà bình nữa mới được. Nói về hoà bình, lại cũng nên nói đến những chuyện kể mang tính vui tươi, bổ ích, tích cực dễ nghe và dễ sống với đời hơn, thế mới phải. Bần đạo đây, có anh bạn đang sống ở đảo quốc phương xa vẫn nhất quyết không nghe và không đọc báo/đài truyền-thanh/truyền-hình suốt ngày nói toàn chuyện giết người hoặc chết chóc, mà thôi. Đổi lại, anh kể cho bần đạo câu chuyện bên dưới tạo niềm vui hưng-phấn mà sống:

“Truyện rằng:
Hôm ấy, có người mù nọ thèm món Vịt quay bèn quyết định đến tiệm mì, kêu:
-Cho ngộ một con dzịt quay Pắc Kinh à!
Anh bồi bưng vịt ra, và người mù sờ con vịt hít một hơi rồi nói:
-Ồ! Cái lầy là con dzịt quay Thượng Hải, đó nị.
Anh bồi bèn mang vào bếp yêu cầu làm con vịt khác. Nhưng mang con nào ra, cũng bị cho là không phải, lúc thì khách bảo: cái lày là dzịt Quảng Đông, cái kia Hải Nàm. Đến con thứ tư, ông mới bảo đây đúng chánh-hiệu là nó đó. Nhà bếp nghe vậy rất ư khâm phục. Chợt có người từ trong bếp ra, bèn hỏi khách:
-Thưa khách xộp! Sao ông lại có thế biết đích xác vịt nào là vịt Bắc Kinh vậy?
-Đơn giản thôi. Ngộ chỉ cần rờ cái phao-câu của nó rồi ngộ hít một hơi là biết ngay hà!
Anh phụ bếp quá xúc động bèn mếu máo nói:
-Thưa ông! Tôi đây mồ côi cha mẹ từ hồi chiến tranh/loạn lạc, không biết mình sinh ra từ phương nào, Bắc Kinh hay Thượng Hải, có thể nào ông đoán giùm tôi được không?
-Ồ, cái lày thì ngộ không có làm lược à!. Sờ phao-câu con dzịt thì lược, chứ lụng chạm cái con người nị thì ngộ không có dám, à. Lỡ pậy, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, thì sao?”

Truyện kể đây, cốt chỉ để minh-hoạ một chuyện, rằng: ở đời, nhiều người chẳng sợ gì chuyện “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cũng chẳng ngần ngại mọi thứ, nên cứ hay lẫn lộn người với vật, hoặc người này với người khác, rồi làm chuyện xằng bậy, gây chiến.
Chiến hay hoà, có thể không do người đời làm chuyện xằng bậy, nhưng cứ hay lầm lẫn những điều mà người mình gọi nôm na, là “cầm nhầm”. Đạo Chúa, cũng có trường hợp không nghiêm-trọng, nhưng cũng là ngộ-nhận được đấng bậc ở Melbourne, Úc Châu trình bày như sau:

“Mặc dầu, lâu nay “Kinh Hoà Bình” được gán ép cho thánh Phanxicô thành Assisi là tác-giả, nhưng thật ra kinh này được viết cách đây không lâu lắm chỉ vào đầu thế kỷ thứ 20 mà thôi.

Cụ thể hơn, thì “Kinh Hoà Bình”, lần đầu được phổ biến trên tập-san tu-đức gọn nhỏ viết bằng tiếng Pháp vào năm 1912, như lời cầu dùng trong thánh-lễ, suốt thời gian đó. Kịp đến năm 1915, có nhóm người Công-giáo Pháp thấy kinh này quá hay bèn kính gửi lên Đức Giáo Hoàng lúc ấy là Đức Bênêđíchtô XV những muốn chấm-dứt cuộc đại-chiến thế-giới từng tàn-phát cả châu Âu. Và, Đức Giáo Hoàng truyền cho in bản kinh này trên các báo của toà thánh ở Rôma. Và rồi, sau đó nhật-báo Pháp La Croix cũng xin được phép phổ-biến rộng hơn như kinh nguyện-cầu bình-an hầu chiến-tranh mau chấm-dứt.

Ở Hoa Kỳ cũng vào thời đó, có nhiều người thấy kinh này hay và thích hợp nên đã gán cho thánh Phanxicô thành Assisi làm tác-giả, và rồi phân-phát rộng-rãi trên bìa cứng suốt Đệ Nhị Thế Chiến và những năm sau, nguyện cầu cho hoà-bình ở khắp nơi.

Bản kinh được dịch tiếng Anh thành nhiều văn-bản khác nhau cũng vì một mục-đích. Bản-văn được biết nhiều và ưa-chuộng nhất ở xứ này lại được tác-giả là Johann Sebastian von Tempelhoff, một tu-sĩ Dòng Phanxicô ở Nam Phi đã phổ nhạc thành ca-vịnh phổ-biến khắp chốn. Chính Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng có công đưa bản kinh này vào các lời nguyện-cầu buổi sáng cho các chị em Dòng Truyền Giáo Bác Ái, do Mẹ thành-lập. Mẹ còn khiến cho cộng-đoàn đọc kinh này ở Oslo vào buổi Mẹ nhận giải Nobel Hoà Bình, năm 1979.

Thật sự, cũng chẳng ai biết rõ tại sao Kinh này lại được gán cho thánh Phanxicô hết. Thế nhưng, tính giản-dị của lời kinh cùng với lòng nhiệt thành nóng-bỏng và sự độ lượng nơi ý-tưởng cũng như điều được nhấn mạnh vào các yếu-tố cuộc sống đã làm dội vang tinh-thần khó-nghèo bình-dị của thánh Phanxicô, rất trọn vẹn.

Lời kinh đây, mời gọi mọi người chúng ta hãy xa lánh động-thái tiêu-cực trong cuộc sống, vốn dĩ gây ảnh-hưởng lân mối quan-hệ giữa con người và Thiên-Chúa và với nhau, như các đặc-thù gây hại, tương-tự như: tính nóng giận, hờn ghen, nghi-kỵ và sự tăm-tối. Kinh này còn khuyến-khích ta ra đi mà thực-hiện hoà-bình cùng thứ tha, tin tưởng và hy vọng, mãi muôn đời.” (X. Lm Andrew Hamilton sj, Channelling God’s peace, The Australian Catholics Hè 2015, tr. 9)  

Nói như người đấng bậc nhà Đạo, là nói thế. Tức, chỉ nói đến yêu thương, an bình và giùm giúp. Còn, như nghệ sĩ lại cứ hát mãi ca-từ những giết và giết, nay hồi tâm thay vào đó bằng những câu ca rằng:

“Làm sao giữ được người trong mộng?
Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng.
Giết người trong mộng?
Hay giữ người trong mộng?
Giết người trong mộng?
Hay giữ người mộng mơ?”
(Phạm Duy – bđd)

Có nói nhiều và hát không thiếu những lời dữ tợn/hiền dịu cũng chỉ để diễn-tả tình-trạng thực-tế của cuộc đời đầy nhiễu nhương. Đời nhiễu nhương, nhưng không có nghĩa tệ-bạc như một số người thường hiểu lầm khi nghe Đấng Thánh Nhân Hiền những bảo rằng:

“Anh em tưởng là Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.
Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau,
ba chống lại hai, hai chống lại ba.
Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái,
con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
(Lc 12: 51-53)

Xem như thế, thì đời người là một chuỗi ngày gồm toàn những hiểu lầm, ngộ nhận làm sai. Thế nên, lại có đấng bậc thày dạy khác, nay muốn minh-xác để bạn và tôi, ta hiểu rõ ý-nghĩa thần-học của Kinh thánh rất như sau:

“Mỗi khi các nhà chú-giải trích-dẫn đoạn này, thường bảo rằng: gia-đình rồi sẽ chia rẽ nhau tựa hồ tình-trạng của một số người tin vào Đức Giêsu, còn những người khác lại khước-từ không tin vào Ngài, chút nào. 

Theo tôi, vấn-đề ở đây không liên-quan đến niềm tin của ai hết, mà là quyền uy/sức mạnh của gia-đình thôi. Cũng nên để ý đến điều được nói ở dụ-ngôn về sự phân-cách giữa các thế-hệ. Đức Giêsu vẽ lên hình ảnh tiêu-biểu, về gia-đình Địa Trung Hải có 5 thành-viên, là: cha mẹ, con gái còn son sẻ, con trai đã có gia đình và vợ anh, tất cả đều chung sống dưới một mái nhà. Đức Giêsu nói: Ngài sẽ chia-cách những người như thế khiến họ sống riêng rẽ. Việc Ngài chỉ-trích, là sự sắp xếp sức mạnh/quyền-uy của gia-đình có bậc mẹ cha đầy uy-lực trên con trai, con gái và dâu con họ.

Thật ra thì, truyện này cũng giúp ta hiểu được những câu truyện kể và lời nói Đức Giêsu từng dạy-dỗ về cuộc sống gia-đình. Gia-đình, là xã-hội thu nhỏ. Là khung-cảnh trong đó ta học được khuôn-mẫu tình thương, ghen ghét, việc giùm-giúp và cả cách xách-nhiễu nhau nữa. Không phải gia-đình nào cũng đều có cảnh sống ấm-cúng và dung-dưỡng nhau theo kiểu Norman Rockwell. Bởi, đời sống gia-đình dính-dự vào quyền-bính, nên cũng dính đến chuyện lạm-dụng quyền-lực nữa. Và, đó là quan-điểm/lập-trường mà Đức Giêsu muốn đả-phá.

Nhóm/hội lý-tưởng của Ngài, trái hẳn sắp xếp xã-hội thông-thường của nhân loại. Nhóm/hội Ngài thiết-lập rất cởi-mở và ai cũng có thể tiếp-cận nhau dưới trướng của Ngài. Ở Vương Quốc Nước Trời, không có chuyện lạm-dụng quyền-lực. Tất cả, được đón chào vui vẻ. Mọi người đều ngang bằng nhau và giống nhau theo ý-định và mục-đích do Chúa muốn.             

Xã-hội dân-chủ vào thế-kỷ đương-đại, ta cũng không bị rút khỏi khuôn-mẫu thế-giới quyền-uy của Đức Giêsu. Ta từng biết thế nào là lạm-dụng quyền-uy thế-lực trong đời sống gia-đình. Thành-ngữ “bạo-lực trong gia-đình” ta từng nghe đi nghe lại nhiều lần hơn các thế-hệ trước. Nay, ta biết rằng lạm-dụng lớn thường ẩn nấp bên dưới mặt ngoài thấy êm ả.

Thành thử, dù có ở vào thế-kỷ thứ nhất hoặc 20, 21 này, việc Đức Giêsu chỉ-trích vẫn có đôi điều để nói, là: không có cơ-cấu gia-đình nào trở thành tuyệt-đối hết. Mọi cấu-trúc hiện-tỏ cho con người là để dung-dưỡng nhau, mà sống thôi. Đời sống gia-đình, giống như cuộc sống nhân-loại, đều nằm trong phạm-vi dưới Vương Quốc Nước Trời, do Chúa phản-biện. Đời sống gia-đình, giống các hình-thức khác nơi sự liên-đới với con người. Nó hiện-hữu vì mục-đích công-bằng và tình-thương, thôi.” (x. Cựu linh-mục John Dominic Crossan & mục-sư Richard Watts, Who is Jesus,Westminster John Knox Press 1996 tr.47)

Nói cho cùng và hiểu cho thấu các sự việc của con người trong đời, cũng nên nói và hiểu qua thơ-văn nhè nhẹ có truyện kể ở đời, để cho vui. Truyện kể hôm nay có giòng chảy những bảo rằng:

“Có hai con chim gáy rất thân với nhau. Hết tha thẩn xuống đồng lượm từng hạt lúa, chúng lại bay lên ngọn tre râm ran tiếng gù. Cứ tha hồ mà dồn dập, mà khoan thai có khi nhẹ nhàng như lời tình tự. Bỗng chẳng may một anh bị con người bẫy được đem về nuôi. Anh kia liền đi tìm bạn mới.

Mặc dù được chăm sóc chu đáo, nhưng bị giam hãm trong lồng phần thì nhớ da diết cánh đồng quê, phần thì nhớ bạn, chim cất lên những tiếng ai oán não nùng. Nghe tiếng than của bạn, anh chim gáy ở ngoài cũng tìm đến thăm. Thấy bạn mình được ở trong chiếc lồng son, có thức ăn nước uống đầy đủ, anh ta ganh tị bảo:
- Tưởng khổ cực lắm, hoá ra phúc đức ông cha bảy đời để lại mới có được kẻ nâng niu chiều chuộng còn than vãn nỗi gì.

Anh chim trong lồng nghẹn ngào không thốt nên lời.
Thấy thế anh chim ở ngoài nảy ra ý định: Mình muốn vào đó, nhưng có cả hai thì thức ăn sẽ ít đi, chi bằng tìm kế cho nó bay ra để ta vào tha hồ mà chén. Nghĩ vậy anh ta liền dùng lời ngon ngọt dụ dỗ:
- Muốn thoát thân thì nhịn ăn, giả vờ chết. Chủ sẽ bắt ra xem thử, lúc ấy nhanh chân mà tẩu thoát.

Quả thật bằng cách đó anh chim nọ được vùng vẫy nơi trời cao và say sưa cất giọng trầm bổng. Còn anh chim ở ngoài lại cứ quanh quẩn bên chiếc lồng, tất nhiên được vào trong dễ dàng.

Được no nê nhưng anh ta mới nhận ra sự cô độc, tù túng. Từ đó, chim càng lười biếng không cất nổi tiếng gáy. Người chủ thấy thế cũng chẳng còn săm soi, chăm sóc như ngày xưa nữa. Nhiều hôm phải nhịn đói, nước mắt lưng tròng, thân hình tiều tụy trông mà tội nghiệp, anh ta liền dở chiêu cũ nhưng có ai mà dại nữa. Lúc này, anh chim gáy nọ mới nhận ra rằng sống mà chỉ vì miếng ăn thì đó chỉ là kiếp sống thừa”.(truyện do St gửi)  

            À thì ra, mọi chuyện xảy ra trên đời không vừa ý, cũng chỉ do hiểu sai , hiểu lầm hoặc hiểu không tới nơi tới chốn căn-nguyên/cội rễ của nó.
Ở nhà Đạo cũng thế, có những chuyện và những việc cần điều-nghiên/học hỏi cho kỹ, mới tránh khỏi những sai sót, ngộ nhận cũng tương tự. Và, Đức Giáo Tông Phanxicô có lần cũng minh-định những chuyện như thế, trong sống Đạo rất thực-thụ:

“Ngày nay, sứ điệp của Giáo Hội cũng là sứ điệp của hành trình thẳng thắn, con đường can đảm theo tinh thần Kitô. Như Kinh Thánh đã nói: hai môn đệ đơn sơ, ít học, đã có can đảm. Lời để dịch từ can đảm, chính là thẳng thắn, nói tự do, không sợ nói sự thật.”

Đức Thánh Cha cũng giải thích:
Chính sự can đảm loan báo như thế, là điều phân biệt chúng ta với những kẻ chiêu dụ tín đồ. Chúng ta không quảng cáo để thu thập thêm những người gia nhập hội tinh thần của chúng ta. Điều mà Kitô hữu làm, chính là loan báo một cách can đảm, loan báo Chúa Giêsu Kitô nhờ Thánh Linh. Chính Thánh Linh ban sức mạnh cho những người đơn sơ, ít học, như Phêrô và Gioan, sức mạnh can đảm loan báo Chúa Kitô cho đến chứng tá cuối cùng, là cuộc tử đạo.” (Tin Vatican 13.4.2015, G. Trần Đức Anh OP dịch)

Tóm lại, có nói và hát về chiến-tranh, giết chóc hoặc mơ mộng nhiều như truyền-thông báo đài gì đi nữa, cũng chỉ nên hát và nói những câu cuối để còn quyết tâm thực-hiện chuyện để đời, là đem hy-vọng và bình an đến với mọi người.
Quyết thế rồi, ta không còn ngại-ngần gì mà không hát những câu ca thời-thượng một dạo như sau:

“Làm sao giữ được người trong mộng?
Để được tình yêu, dẫu bẽ bàng.”
(Phạm Duy – bđd)

Giữ được người trong mộng” hay trong cuộc đời rất thực tế, cũng chỉ để “được tình yêu, dẫu bẽ bàng”. Chính đó là thông-điệp của nghệ-sĩ già từng gửi đến người đời, bấy lâu nay.

Trần Ngọc Mười Hai
Không có gì để đời, nhưng vẫn muốn hợp
với người nghệ-sĩ nói lên được điều đó
với mọi người.    


 




No comments: