Saturday 7 March 2015

“Chút ánh sáng cho cuộc đời”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 mùa Chay năm B 15/3/2015

“Chút ánh sáng cho cuộc đời”,
Cất tiếng hát cho một Người.
Có mắt biếc soi nụ cười.
Tươi như cánh hoa tình ái.
(Nhạc: Les amoureux qui passent – Lời: Nam Lộc - Một thời để yêu)

            (Gv 7: 13-15)
            “Chút ánh sáng cho cuộc đời”, là thời để yêu sao? Có chắc thế không, hỡi bạn già tên Nam Lộc? Sao tôi đây, hát cũng nhiều lời lẽ của bạn vẫn từng viết, hoặc trích-dịch, mà vẫn cứ thấy cuộc lại ra khác, như câu hát tiếp theo do bạn diễn-tả:

“Đã biết nói yêu một lần
Sẽ thấy đớn đau thật gần
Sẽ thấy nắng phai nhạt dần
Khi vương vấn trong tình yêu.”
(Lời Việt của Nam Lộc: Một Thời để Yêu – bđd)

Thôi thì, cứ coi là thế đi. Thôi thì, cứ coi như hành-xử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa mới đây, đối với Giáo-triều La Mã, cũng hệt thế.  Thôi thì, cũng cứ hát như thế để rồi ta lại thêm vào đó lý-do khiến mình hát nó vào lúc này, để làm nền. Như câu tiếp, còn đáng kinh khiếp hơn:

“Đời là một thời để yêu
Yêu trong bóng đêm lẻ loi
Yêu cho bao nỗi đắng cay
Yêu cho quên từng ngày tháng

Tình là một lần được mơ
Mơ trong bóng đêm lẻ loi
Có những chiếc lá úa rơi
Rồi chơi vơi vào trời tối ..”
(Lời Việt của Nam Lộc: Một Thời để Yêu – bđd)

Phải thế không? “Tình là một lần được mơ? Mơ trong bóng đêm lẻ loi”?  Mơ sao được, khi tình còn đó rất thực, chứ chẳng phải là giấc mơ hay giấc mộng gì ráo trọi.
Phải thế không? Khi chính đấng chủ quản Giáo Hội ở Rôma, lại đã dám dùng dao nhọn mổ xẻ để dứt bỏ khối u của căn bệnh? Mơ thế nào đây, khi chính miệng Đức Giáo chủ lại nói ra lời lẽ rất đáng khiếp sợ, tương tự như:

“Giáo-triều được kêu gọi cải-tiến, luôn cải-tiến và tăng-trưởng trong hiệp-thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng Giáo triều cũng như mỗi thân thể con người cũng có thể bị bệnh, hoạt-động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây, tôi muốn liệt-kê vài căn-bệnh có thể xảy ra, là những bệnh của Giáo triều. Đó là những bệnh thường xảy ra trong đời sống của Giáo-triều chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng”danh sách” các bệnh này sẽ giúp chúng ta, như các Đấng Tu Hành trong sa-mạc vẫn thường làm danh sách mà chúng ta nói đến hôm nay: danh sách này giúp chúng ta chuẩn-bị lãnh-nhận bí-tích Hoà-giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh…” (x. Mười Lăm Căn Bệnh của Giáo triều Rôma cần chữa trị www.chuacuathe.com 22/12/2014 ở “các mục chính”  

            15 căn bệnh của Giáo triều đã được kể. Con dao mổ xẻ đã và sẽ được dùng đến để làm công việc của vị chữa lành, trong Hội thánh. Vấn-đề ở đây hôm nay, không là: kể đi kể lại những bệnh-tật của Giáo-triều hay cá nhân nào ở trong đó, để rồi sẽ bị dứt bỏ, như từng thấy hôm trước qua sự việc “Đức Phanxicô cách chức tư lệnh vệ-binh Thụy Sỹ” (x. www.bbc.co.uk.anzeigen 22/12/2014)
            15 căn-bệnh nói ở đây, không chỉ là bệnh của Giáo-triều La Mã, như mọi người từng biết đến. Nhưng, (lại chữ “nhưng” rất đáng sợ) vấn-đề cần cứu xét ở đây, là câu kết thúc của Đức Phanxicô, về căn-bệnh ấy, như sau:

“Căn bệnh và cơn cám dỗ ấy cũng là nguy-cơ của mỗi Kitô-hữu, mỗi giáo-xứ, cộng-đoàn, dòng tu, các phong-trào Giáo-hội trên bình diện cá-nhân và cộng-đoàn. Đức Giáo Hoàng mời gọi tất cả mọi người hãy sống theo chân-lý trong sự thật, nhất là trong mùa Giáng Sinh này…” (xem thêm Trần Đức Anh OP, tin Vatican 22/12/2014 đọc vào những ngày rong chơi ở Tibet & Nepal cuối năm 2014)     

            Điều cần bàn ở đây, là ta cứ “phiếm” thêm cho rộng đường dư-luận để rồi đi đến một kết-cuộc khá tốt đẹp, trong đời người.
            Điều, mà bạn và tôi, ta cứ muốn bàn và cứ thế mà làm vào lúc này, là nhìn vào những chuyện vui tươi, tích cực có giòng chảy thi-ca, âm-nhạc để gợi hứng cho một cuộc sống đầy lạc quan hơn.
            Nghĩ thế rồi, xin mời bạn và mời tôi, ta hát tiếp những câu ca đầy ý-nghĩa, rất như sau:

“Có biết đắng cay một lần
Mới tiếc nuối ân tình này
Mới biết nhớ mong từng ngày
Như khi thấy nhau lần cuối

Hết đắm đuối trong cuộc tình
Hết đứng ngóng trông Người tình
Sẽ thấy đớn đau một mình
Như khi tiễn nhau lần cuối ..

Những phút cuối trong cuộc đời
Vẫn thấy nhớ thương một Người
Lúc nhắm mắt xin nụ cười
Thay cho chiếc hôn lần cuối.” 
(Lời Việt của Nam Lộc: Một Thời để Yêu – bđd)

            Nói thế rồi, bần đạo nay xin “phiếm” tiếp về những chuyện xảy ra trong đời mình/đời người, như sau:
Bần đạo có người anh rể cũng họ Phạm tên đệm có chữ Duy nhưng tên gọi lại Cử, Phạm Duy Cử hẳn hòi, chứ không không phải Duy Cường, Duy Quang hoặc Duy Nhượng rất nổi cộm xưa nay... Giáng Sinh 2014 vừa rồi, anh viết cho bần đạo những giòng chữ “để đời” về tình hình và tâm tính của người cao niên, như thế này:

Tôi và chị của chú vẫn bình thường, rất rảnh việc nên hay tranh cãi (không phải là cãi nhau đâu) về đủ mọi thứ việc thời sự, quốc nội, quốc ngoại, chuyện ngày nay/ngày xưa. Ai cũng muốn thắng. Phán bảo như cha cố, là bệnh của người già. Tôi có đi hỏi các bạn già của tôi về chuyện này, thì mọi người cho biết đây là bệnh rất hay lây, nhà nào cũng bị không biết bên đó có bị vậy hay không?” - và hình như các bà đều thắng cả mà mấy ông bạn tôi cũng y hệt như thế.” (Trích thư viết tay của người anh rể họ Phạm trong gia đình họ Trần, hôm 24/12/2014 đang ở Mỹ)

Rất đúng là như thế, phải không hỡi bạn và tôi? Nay, hãy đi vào đời, sẽ  được nghe những truyện kể rất dễ nể, nhưng ít được nghe. Vậy thì, xin mời bạn mời tôi, ta cứ thử nghe xem rồi suy nghĩ về câu chuyện cũng thoáng chốc như sau:

“Tôi ngồi cùng người bạn trong một quán cà phê nổi tiếng tại một thị trấn lân cận của Venice, Ý, thành phố của ánh sáng và nước.

Khi chúng tôi thưởng thức cà phê, một người đàn ông bước vào và ngồi xuống chiếc bàn trống bên cạnh chúng tôi. Anh gọi người phục vụ và nói:
- Hai ly cà phê, một ly trên bức tường kia.

Chúng tôi khá quan tâm khi nghe gọi thức uống như thế và quan sát thấy người đàn ông được phục vụ một ly cà phê nhưng trả tiền cho 2 ly. Khi anh đi khỏi, người phục vụ dán một mảnh giấy lên tường, trên mảnh giấy ấy có ghi hàng chữ “Một Ly Cà Phê”.

Trong lúc chúng tôi còn ngồi đó, hai người đàn ông khác vào quán và gọi 3 ly cà phê, 2 ly trên bàn và 1 ly trên tường. Họ uống 2 ly cà phê nhưng trả tiền cho 3 ly và rời đi. Lần này cũng vậy, người phục vụ làm tương tự, anh dán một mảnh giấy lên tường, trên mảnh giấy ấy có ghi hàng chữ “Một Ly Cà Phê”.

Có điều gì đó làm chúng tôi thấy lạ và khó hiểu. Chúng tôi uống hết cà phê, trả tiền rồi rời đi. Vài ngày sau, chúng tôi có dịp quay lại quán cà phê này. Trong lúc chúng tôi đang thưởng thức cà phê, một người đàn ông ăn mặc tồi tàn bước vào. Khi anh ngồi xuống ghế, anh nhìn lên tường và nói:
- Một ly cà phê trên tường.

Người phục vụ mang cà phê đến cho anh với sự tôn trọng như thường lệ. Người đàn ông uống cà phê và đi khỏi mà không trả tiền. Chúng tôi ngạc nhiên chứng kiến tất cả sự việc, lúc người phục vụ tháo một mảnh giấy trên tường và bỏ nó vào thùng rác.

Giờ thì chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa – sự việc đã rất rõ ràng. Sự tôn trọng tuyệt vời dành cho người nghèo được thể hiện bởi các cư dân ở thị trấn này đã làm đôi mắt chúng tôi đẫm lệ. Hãy suy ngẫm những điều người đàn ông này mong muốn. Anh bước vào quán cà phê mà không phải hạ thấp lòng tự trọng… Anh không cần xin một ly cà phê miễn phí… không cần hỏi hay biết về người đang cho anh ly cà phê này… anh chỉ nhìn vào bức tường, gọi thức uống, thưởng thức ly cà phê của mình và rời khỏi quán. Một ý nghĩ thật sự đẹp. Có lẽ đây là bức tường đẹp nhất mà bạn từng nhìn thấy. (truyện kể rút từ điên thư trên mạng năm 2015)

Kể như thế, là kể về những sự-kiện xảy ra trong đời, với mọi người. Tiếp đến là những đoạn ngắn cũng được kể trên mạng do bạn bè chuyền cho nhau trong lúc “trà dư tửu hậu” rất một “thời để yêu và để…cãi” như truyện kể ở bên dưới:

Một ông nhà binh nhanh chân phát biểu truớc:
- Các ông có biết không?  mỗi cuối tuần tôi chở vợ đi chợ, tôi đẩy xe theo sau bà.  Mua đầy xe, tôi hỏi bả “Về chưa?”  Bả nói ông chở cho tôi lại chợ khác mua một chai nước mắm.  Tôi hỏi  “Sao bà không mua ở đây luôn.”  Bả nói:  “Ở đây nước mắm tới $2.99, còn chợ kia chỉ có $2.88”. Từ chợ nầy đến chợ kia lái xe 45 phút, bả quên tính tiền xăng. Tôi với bả bắt đầu… cãi.
 Ông nhà binh chen vô:
- Còn tôi, khi lái xe, tôi quẹo tay phải, bả nói sao ông không quẹo tay trái. Tôi chạy nhanh, bả kêu tôi chạy chậm lại. Tôi chạy chậm, bả nói ông chạy như rùa bò. Tôi nói: “để tôi order hãng xe Toyota chế cho bà xe có 2 tay lái, để bà khỏi lái xe bằng miệng”.  Và, thế là cãi nhau.
Ông nhà bếp lắc đầu và kể chuyện ông nghe đuợc như sau:
- Có ông kia lái xe chở bà vợ ngoài xa lộ,chạy nhanh, bị cảnh sát quay đèn chận lại.  Cảnh sát hỏi “Ông có biết lỗi gì không?”  ông chồng chưa kịp trả lời, bà vợ tươm tướp la lên!  “Tôi đã nói ông rồi, ông chạy bạt mạng 7, 8 chục miles có ngày bị phạt mà ông không chịu nghe.”
Ông chồng  giận dữ la bà vợ:
- Để tôi lo, bà im cái mồm bà lại đi.
Không ngờ ông Cảnh Sát này là người Việt, nghe được tiếng Việt, hỏi bà vợ:
- Bộ ông chồng bà ở nhà cũng nạt nộ bà như vậy phải không?
Bà vợ liền trả lời:
- Đâu có.  Bữa nào ổng uống rượu say, ổng mới la như vậy.
Ông chồng nhận 1 ticket vượt tốc độ và 1 ticket uống rượu lái xe. Thế là vợ chồng lại cãi nhau.
Ông nhà binh nghe nói nãy giờ nhảy vô:
- Bà ngoại con Tép của tôi cũng không thua ai.
Bả nói với tui: “Sao tôi thấy ông ở Mỹ mấy chục năm rồi mà không hội nhập đuợc gì hết.”
Tôi tức quá:
- Bà không thấy tôi hội nhập sao? Ai cao máu, tôi cũng cao máu, ai cao mỡ, tôi cũng cao mỡ, ai tiểu đường, tôi cũng tiểu đường, tôi còn hơn nguời ta cái thấp khớp nữa.  Bà còn muốn tôi hội nhập gì nữa?
- Bà ngoại còn  nói: “Ý tôi muốn nói là ông không biết galant như nguời Mỹ, mở cửa xe cho vợ, mua bó hoa tặng vợ ngày Birthday, ngày Valentine.” …
- Trời ơi! Tôi cũng  muốn mở cửa xe cho bà lắm chứ, nhưng sợ người ta nhìn vào, người ta nói: “Thân bà một đống, cọp ăn 3 ngày không hết, bộ bà đó bị bịnh bại liệt gì mà không mở cửa xe được". Còn birthday của bà, tôi mua cho bà 1 bó rau muống, 1 bó hành, 1 bó ngò, bà còn muốn gì nữa. 

Thế là ông bà ngoại của con Tép bắt đầu cãi.
Ông nhà văn nãy giờ ngồi trầm ngâm,cuời mím chi, chậm rãi kể:
- Có một ông chồng đi sau xe chở quan tài của vợ đưa ra nghĩa trang. Ông bạn đi gần bên thấy ông này sao cái miệng nhép nhép như đọc kinh. Ông bạn tò mò đến gần hơn, thì nghe ông này không phải đọc kinh, mà ông ấy đang hát. Ông bạn hỏi: “Đám tang vợ vui vẻ gì mà ông hát?”
Ông chồng trả lời:
- Từ ngày cuới bả đến giờ, chỉ có hôm nay tôi đi chung với bả mà không cãi nhau”
Ông nhà bếp chen vô một chuyện khác.Ông kể năm rồi, ông phải mổ van tim. Bà vợ ngồi kế bên than:  “Ông ơi, ông chết tôi chết theo”
Ông hoảng hồn: “Thôi bà ơi, để tôi đi một mình cho thanh thản, khỏi phải đi chung, khỏi phải cãi với bà.” (lại vẫn trích những câu truyện vụn vặt trên mạng)

            Kể gì thì kể. Truyện gì cũng kể và cũng cứ kệ. Bạn và tôi ta cứ bàn và cứ kể cho nhau những chuyện vui buồn trong ngoài nhà Đạo, để còn sống. Sống vui tươi, mạnh-mẽ đời hôn-nhân vợ-chồng, cũng nên thêm đôi điều từ nhà mô-phạm nọ ở Úc rất như sau:

“Ngày nay, khi lấy nhau, người ta lại cứ chịu áp-lực từ nhiều phía. Với nền văn-hoá chú-trọng nhiều vào sự chất đầy cho bản thân mình được nhiều thứ, những thứ đòi có sự đồng-đều cho mọi người và mọi nhà, thì khó có thể duy-trì tình thương-yêu được sống sót. Thành thử ra, mọi kỳ-vọng trước đây ở hôn-nhân cũng đổi thay đã rất nhiều. Và từ đó, mỗi bên mỗi phía trong các cặp phối-ngẫu ở nhiều nơi, nay khác biệt nhiều về những trông mong và kỳ vọng cho chính mình. Kỳ vọng, có được sự quân-bình tinh-tế giữa sự phụ-thuộc và độc-lập. Giữa cả việc chăm lo săn sóc cho người phối ngẫu phiá bên kia, lẫn việc người kia phải lo phải chăm cho chính mình, phía bên này. Những kỳ vọng về nhu-cầu riêng rẽ lẫn rất chung của cả hai. Thành thử, trong hôn-nhân luôn có sự dè chừng và căn dặn: đừng phá bỏ con tàu chuyên chở hai chúng mình là hai người đồng hội đồng thuyền, suốt cả đời. Bởi, nếu bạn làm vậy thì một trong hai chúng ta sẽ bị chìm. Thật cũng không đáng để làm thế”. (xem thêm Margie Ulbrick, Keeping Love Alive, The Majellan Family October-December 2014, tr. 13-15)

Mỗi lần nhắc đến “một thời để yêu và để ghét, có…cãi vã”, bần đạo đây lại nhớ Sách Giảng Viên ở Cựu Ước, có những đoạn và những câu nói rất rõ về lập trường tư-tưởng còn sớm sủa, chưa ai nghĩ. Những lời tương-tự còn hằn in trong tâm trí của mỗi người.
Nhưng, giở sách này ra đọc, bần đọc lại cứ dán mắt vào những câu, như sau:

Hãy ngắm xem việc Thiên Chúa làm :
Người đã bẻ cong, nào ai uốn thẳng được ?
Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng.
Ngày bị rủi ro, hãy gẫm mà xem :
Ngày nào cũng do Thiên Chúa làm nên,
vì thế con người không thể khám phá
những gì sẽ xảy ra sau khi mình nhắm mắt xuôi tay.
Xét lại quan điểm truyền thống về sự thưởng phạt
Trong đời phù du, tôi đã thấy hết cả:
có người công chính bị tiêu vong dù sống công chính,
có kẻ gian ác lại sống lâu dù làm điều ác.
(Gv 7: 13-15)

Thế mới biết, như câu đầu tiên dẫn vào Sách này, lại thấy nói:

“Đây lời ông Côhelét, vị vua ngự ở Giêrusalem, đã từng nói:
"Phù vân, quả là phù vân.
Tất cả chỉ là phù vân.
Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả
dưới ánh nắng mặt trời?
Thế hệ này đi, thế hệ kia đến,
nhưng trái đất mãi mãi trường tồn.5
Mặt trời mọc rồi lặn;
mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên.”
(Gv 1- 1-4)

            Thế mới biết, cả đến trời trăng, tinh tú hung-hổ là thế, cũng đều phú-vân, chóng qua.
Thế mới hay, có là gì đi nữa, rồi cũng hết. Hết phù, chóng qua, giả dối. Thế mới tỏ, có là gì đi nữa, rồi thì cũng qua đi, như con người và cuộc đời. Vậy thì, tội gì mà không nghĩ và hát những lời hay ho, ý-nhị như tác giả trên từng mời hát những lời như thế:

Hết đắm đuối trong cuộc tình
Hết đứng ngóng trông Người tình
Sẽ thấy đớn đau một mình
Như khi tiễn nhau lần cuối ..
(Lời Việt của Nam Lộc: Một Thời để Yêu – bđd)

            Hát thế rồi, hỡi bạn và tôi, ta cứ thế mà hãnh-tiến, hiên ngang mà sống mãi. Sống như những người từng hãnh-diện về cuộc sống của chính mình, trong giản đơn, hài hoà, đầy sức sống. Sống thế rồi, ta và người lại sẽ hiên ngang cùng đứng lên cùng người khác sống vui, sống mạnh, sống rất vững trong Đạo/ngoài đời cũng vui tươi, đáng sống cả một đời.
            Bần đạo đây chắc chắn một điều là: dù có “một thời để yêu và để…cái”, thì giờ phút cuối vẫn cứ như câu kết trong bài hát:

“Những phút cuối trong cuộc đời
Vẫn thấy nhớ thương một Người
Lúc nhắm mắt xin nụ cười
Thay cho chiếc hôn lần cuối.” 
(Lời Việt của Nam Lộc: Một Thời để Yêu – bđd)

           
Trần Ngọc Mười Hai
                        Vẫn quan-niệm là như thế.
                        Mãi trong đời.  

No comments: