Wednesday 11 June 2014

“Em gắng chờ khi nào anh về,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Chúa Ba Ngôi Năm A 15-6-2014

“Em gắng chờ khi nào anh về,”
Dù cho bao năm bao tháng có lê thê.
Xuân đến Hè sang rồi Thu lạnh lùng,
Vẫn bên lòng một nỗi nhớ nhung.”
(Văn Phụng – Chung Thuỷ)

(RTm 12: 12-13)
            Kể ra thì cũng lạ. Lạ ở chỗ, là: tác giả viết lên nhạc bản ở trên lại cứ nhắn với người “em” của mình: hãy “gắng chờ khi nào anh về”, dù đời người có lê thê, hay gì gì đi nữa, người vẫn “bên lòng một nỗi nhớ nhung”. Nhớ nhung đây, chỉ một nỗi mà thôi, chứ không đếm tới hai, ba bao giờ. Chao ôi là âm nhạc! Ối dào, là thi ca! Những là, tình tứ, mong chờ nhiều nỗi nhớ.
            Hát thế vẫn chưa xong, người anh của đàn “em” trong làng nhạc lại cứ hát thêm:

            Em vẫn chờ khi nào anh về,
Về thôn xưa nghe tiếng sáo đê mê. 
Bên mái nhà tranh hàng cau thơm vàng,
Vui êm đềm đời sống mơ màng.”
(Văn Phụng – bđd)

Thế đó, là thuỷ chung/chung thủy, ở thời trước. Còn hôm nay, nếu có ai hỏi rằng: còn chăng những người anh và “em” như thế nữa không? Thì đây, câu trả lời xin dành cho bạn và cho tôi, là bầu bạn đang nghe ý-kiến rất phản hồi này như câu tiếp “phê” hơn, vẫn bảo rằng:

Nhớ chăng bên giàn hoa?
Vẫn còn chim yến vẫn còn sơn-ca.
Nhớ chăng bên bờ ao?
Vẫn hòn đá cũ vẫn hàng cây cao.”
(Văn Phụng – bđd)

Hôm nay đây, bần đạo sẽ thôi không còn hỏi câu tương-tự, với ai hết. Nhưng, chỉ dám thưa với bạn đọc và bạn nghe đọc ở đây rằng: ta nên đi dần vào chốn lan-man tình-tứ, cũng rất “phiếm”. Phiếm nhiều điều, cả về đạo lẫn đời, để cho qua đi những tháng ngày vất vả vật-lộn với giòng tư-tưởng những là thần-học và học rất thần (sầu) mãi về sau.
Hôm nay nữa, sau những ngày rong chơi tản-mạn rất nhiều chốn miền xa xôi có nền văn-minh gần gũi với người mình, bần đạo thấy mình thật nhỏ bé cả về hình tượng lẫn tâm-thân, đành im hơi lặng tiếng, không còn dám hứa hẹn viết lách gì nhiều về các cuộc rong chơi với bất cứ ai.
Cảm tạ Ơn Trên, bần đạo được đi đây đó cũng khá nhiều, không những chỉ biết được nhiều thứ của xứ người, lại còn thưởng-thức cái hay cái đẹp cũng như những cái còn chưa đẹp của người ở xứ khác. Tuy nhiên bần đạo lại chẳng có được năng-khiếu ghi chép thành ký-sự, nên chỉ dám mời bạn/mời tôi, ta vào xem các bài tường-thuật do cây viết có tên là Anthony Trần ở “Duc in Altum” trên trang mạng Gia Đình An Phong, sẽ biết về các chuyến đi xa của bần đạo, rất nhộn-nhạo. Ở đó, bầu bạn sẽ gặp thấy các thiên phóng-sự “nóng hổi” của cây viết rất trẻ này.
Nói thế rồi, nay bần đạo bầy tôi lại xin “đổi đề tài”, để mời bà con ta đi xa hơn chút nữa mà vào vườn cây khô khan những học thần/thần học quả thật sơ-cứng. Vườn này, bạn và tôi ta sẽ thấy toàn những cây khô đét-đèn-đẹt được gọi là “triết-thần”, hoặc học về thần cho lắm rồi chỉ nói toàn chuyện triết-lý viển vông, lông ngông không bông đùa.
Quả thật rất đúng. Trong lúc bần đạo thấy “lúng túng” đặt mãi vấn đề cốt lõi là: làm sao ta đi Đạo cho vui tươi, sung sướng, nhẹ nhàng, lại đã bắt gặp ngay câu dặn dò của chàng trai nào đó có kinh-nghiệm yêu-thương vợ hiền mình đến độ ly-dị vợ rồi mới thấy cần thiết thương-yêu “bà xã” mình nhiều hơn nữa. Biết rồi, chàng mới có câu nói mà bần đạo đây thấy có thể áp-dụng chuyện đạo rất triết/thần như sau:

Đừng có mà khùng điên/dại khờ mà tự hành-hạ mình một cách quá ư là nghiêm-khắc. Hãy cười cho thật nhiều và hãy làm mọi cách để người-mình-yêu-dấu cũng cười thành tiếng, giống như mình. Bông đùa/cười vui, sẽ khiến mọi việc trở nên nhẹ nhõm, dễ chịu.”

Dĩ nhiên, những người hoặc những điều mình thương-yêu hôm nay không hẳn là chuyện đạo những triết/thần rất “thần-học”, mà học mãi vẫn chỉ thấy vẩn vơ lưng chừng, mà thôi. Nói cách khác, nếu đi vào địa hạt thần-học rất Thánh-kinh mà không mang tính vui tươi/bông đùa chút nào, hẳn người học thần và triết sẽ không bị khùng điên/dại khờ là may lắm rồi.
Nay, bần đạo mời bạn và tôi, ta đi vào địa-hạt thần-học và triết-lý hoặc thánh kinh với một đề-nghị đừng dở khùng dở điên nữa, nhưng hãy vui tươi, nhẹ nhàng một khẳng-định đầy quyết tâm, như khẳng-định mới đây của vị cựu Giám-tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Úc từng viết như sau:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa tạo một tầm nhìn mới cho Giáo hội mình. Ngài muốn tặng cho Giáo-hội một thứ “đổi-thay dáng vẻ bề ngoài” cho dễ nhận. Dễ nhận diện, ở chỗ: nay ta phải ra khỏi tính nghiêm-khắc khó lay-chuyển để về với Đạo Chúa từng biết tự kỷ, ngõ hầu chuyển lay/thay đổi cho đúng nghĩa. Đức Giáo-hoàng Phanxicô muốn Giáo hội mình trở-thành “hiền-thê” mang dáng vẻ trong sáng, nổi bật, nhiều sắc mầu tươi vui hơn trước. Dáng vẻ này, không chỉ là vẻ là dáng có thoáng chốc hiện-diện trước ống-kính máy hình, có đèn nháy chỉ một chốc lát để bắt mắt thiên-hạ thôi. Nhưng, một Giáo-hội được thêu-đan cẩn-thận bằng đường nét tinh-tế mà Đức Kitô muốn Giáo hội phải như thế, với thế-giới thời hậu-cận-đại.

Bằng vào tông-thư “Niềm vui Tin Mừng”, Đức Phanxicô đã phác-hoạ nên chiến-lược cho Giáo hội tương-lai mai ngày. Chiến-lược đây, không để chinh-chiến hoặc đấu-tranh giành lợi-lộc mà đưa ra lời chỉ-dẫn để Giáo-hội sống Phúc Âm giữa thế kỷ 21 đầy thách-thức. Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn căn-dặn Giáo-Hội ta phải mãi mãi đi vào trạng-thái thừa-sai/mục-vụ rất phục-vụ. Là Kitô-hữu, mỗi người và mọi người sẽ quyết-tâm ra ngoài để đến với những người từng xa rời Giáo-hội và cả những người bị xã-hội bỏ bê, chê-bai, vùi dập. Không ai được phép loại-trừ bất cứ người nào khỏi Giáo-hội, tức: cộng-đoàn tình-thương của muôn người. Mỗi người và mọi người có bổn-phận tỏ-bày với tất cả chúng-dân gần xa niềm thương-yêu xót xa, đầy trìu mến. Và, cho phép mình tự-do trở thành người cận thân và cận lân với tất cả mọi chúng-dân. Ta làm thế, vì Chúa đã và đang hướng-dẫn ta mang Tin Mừng vui-tươi hạnh-đạo đến với mọi loài. Ta làm thế với xác-tín rằng: Tin Mừng lành thánh, vẫn cống-hiến cho nhân-loại cung-cách lành-đẹp để cùng sống. Và, Tin Mừng đối với ta là những kẻ rất tin-tưởng chuyện ấy, đã và sẽ là nguồn hoàn-thành chức-năng lớn của con người” (Xem Lm Michael Gilbert, A Joyful Church, The Majellan Family, April-June 2014, tr. 1-5).

            Chính đó là vấn đề của thế hệ ngày hôm nay. Thế đấy, là bận tâm của con người hiện tại, cả ở trong Đạo lẫn ngoài đời. Bận-tâm chính, là: làm sao “đem vui tươi vào chốn sầu buồn”, cả đời người. Nghĩ thế rồi, nay mời bạn/mời tôi ta đi thêm vài bước nữa mà phiếm cho sâu cho sát, để rồi ở cuối con đường tăm tăm-tối, sẽ thấy loáng thoáng ngọn đèn suy-tư,hầu tìm ra chút ánh sáng của niềm vui.
            Suy tư, là suy-nghĩ rất tư-lự bằng vào ý-kiến của nhiều người như tôi, như bạn trong cõi đời đầy những “phiếm”. Nhưng, trước khi “phiếm loạn” điều gì, lại cũng xin đề-nghị bạn và tôi, ta nghe câu tiếp ở nhạc-bản về những đợi chờ, thuỷ chung, lung linh tình tứ như sau:

Khi nắng chiều hôm ngả chân đồi
Lòng bâng khuâng em trông ngóng xa xôi
Mơ thấy nhạc vang lừng khúc khải hoàn
Tim rộn ràng tưởng bóng anh về (anh đã về).”
(Văn Phụng – bđd)

            Hát thế rồi, nay ta dõi-theo ý-kiến của một đấng-bậc khác từng có vai vế, nay chỉ muốn những vế và vai kéo dài đến mọi người bằng cảm-kích viết thành lời, rằng:

            “Bạn Homer Simpson thân mến,
Tôi vẫn nghĩ là bạn sẽ chẳng nề-hà gì khi tôi viết cho bạn những giòng chữ sau đây với tư-cách một người cha gửi đến một người cha khác, để trao-đổi.

Trước tiên, phải nói ngay ở đây rằng: tôi cần ý-kiến bạn để tư-vấn. Bởi, con cháu tôi chúng bỏ quá nhiều giờ ra nghe bạn nói chuyện hơn ngồi nghe cha mẹ chúng dạy dỗ. Cả tôi nữa, tôi từng chào thua và nhận ra được là: bạn có nhiều cái mà tôi không thể nào tạo ra cho mình được. Tôi cũng có máy truyền-hình và ghế bành để ngả dài ra mà thưởng ngoạn chương-trình cười vui của bạn. Nhưng, chỉ có bạn mới là người khiến nhiều kẻ giống như tôi đã xài tối-đa hai thứ đó, mà không tiếc tiền. Bạn từng bảo với người nghe, rằng: “Thật khó đánh lừa được các bà bầu hoặc các đứa trẻ đang gặp rắc rối với nhiều nhiều chuyện; nhưng, tôi có thể lấp kín 8 tiếng đồng hồ một ngày dài bằng chuyện tiếu-lâm trên truyền-hình!” Thêm vào đó, nếu bạn không ngại để cho tôi nói thêm đôi lời, thì: tôi sẽ bảo với bạn rằng: bạn không là người để lại ấn-tượng của kẻ lanh-lợi nhất hành-tinh này từng sống hoặc không sống giống tôi hoặc làm bất cứ thứ gì thích-hợp để vẽ lên cá-tính của nhân-vật trong hoạt-hình. Tôi nhớ cái lần gặp tình-trạng khẩn-cấp hôm ấy, bạn cứ ới gọi người quay phim mà hét lên rằng: “Ấy ông thu hình ơi, gọi gấp cho tôi số điện-thoại khẩn-cấp 911 ngay được không?”...

Đa số các bậc cha mẹ sống thực trên đời, đang phải sống khổ sở vì chứng căng-thẳng thần-kinh mình gặp phải và cứ mong đợi mãi mà chẳng thấy được cái ngày giờ họ ở vào địa-vị thực để mà sống. Trong khi đó, thì bạn lại quay về hướng đối nghịch với họ, để rồi cứ khơi khơi nói rằng: chẳng cần phải làm như thế mới sống vui, sống khoẻ.  Bạn thuộc loại bậc thày chuyên đi đường tắt, vẫn không ngừng khai-thác chỗ nước cạn của đời sống để biết được đâu là chiều sâu của đời sống. Biếng nhác như bạn là thế, mà bạn cũng sản-sinh được đến hơn 500 phim tập. Mỗi tập phim Simpsons đưa ra là để bạn có thể giảng và dạy dỗ rất sâu rất sát, cả chuyện đạo đức của tôn-giáo nữa, cũng không gờm.

Homer bạn hiền quí mến,
Tôi đây rất thích cung-cách làm cha làm mẹ của bạn khi bạn ứng-xử với bọn trẻ con trong xóm. Bạn chẳng bao giờ thiếu lời khuyên-nhủ dành cho chúng, thế mà một số nhỏ trong bọn chúng lại toả ánh vượt xa cả gia đình chúng nữa, là khác. Có lần bạn có nói với Lara, con gái yêu của bạn, rằng: “Nếu con không thích các công-việc mình làm, thì đừng phấn-đấu nữa mà làm gì. Hãy cứ bước vào đó mỗi ngày, rồi chỉ cần làm phân nửa công việc thôi, là được rồi. Và, đó là cung-cách mà người ở Mỹ vẫn làm thế đấy”.

Tôi dám cá rằng: người từng dàn dựng nên chương-trình này thường vẫn sử-dụng lời tư-vấn của bạn để châm-chích cung-cách làm cha làm mẹ cách tuyệt-hảo mà lâu nay vẫn được cổ-suý. Điều này khiến một số cha mẹ đâm nghi-ngờ và lo-ngại cho khả-năng của họ nữa, ít ra, thì bạn cũng từng làm mẫu cho một ông bố tồi-tệ đến là thế. Bọn tôi đây vẫn thấy mình ở “trên cơ” của bạn rất nhiều. Còn nhớ, có lần bạn còn nói với vợ mình rằng: “Em à, em đừng làm thằng bé nhà mình nó nản-chí nam-nhi đấy nhé! Như như con chồn chui ống với những việc quan trọng hơn cả chuyện học hành, nữa là khác. Đó là điều tách bọn mình ra khỏi giống vật, ngoại trừ con chồn chui ống, thôi.”

Dưới đây, còn nhen-nhúm cả một chỉ-dẫn rất “bá-đạo” hơn thế nhiều, như câu nói mà bạn từng bảo với con mình: “Con à, nếu con thật sự muốn có thứ gì trên đời này, thì phải làm việc cho cật-lực để đạt được điều con muốn. Nay, thì hãy câm mồm lại! Kìa, họ đang công bố số lô-tô trúng giải độc-đắc kia kìa!...”

“Này bọn con trẻ, phải chăng bọn con vẫn muốn làm tốt hết mọi sự, chứ? Nhưng, tất cả sẽ thất-bại một cách thảm não, cho mà coi! Hãy học nơi đây bài học này, là: đừng bao giờ thử thời-vận như thế hết.”
“Nay ta muốn truyền cho các con ba điều ngắn ngủi, con cần phải giữ suốt đời mình. Thứ nhất, là: Hãy bảo vệ lấy chính mình! Thứ hai, là: Ý-kiến hay đấy, ông chủ à! Và, thứ ba, là: Cái đó giống như khi ta tới đó, rồi cũng biết thôi.”

“Này Bart, với 10 ngàn đô-la, ta sẽ trở-thành triệu-phú chỉ mấy hồi! Nghĩa là, ta có thể mua tất cả mọi thứ rất hữu sự, như: tình yêu! Đấy à nghen”

“Sách vở là những thứ vô-tích-sự, chẳng lợi lộc. Ta đây, lâu rày, chỉ đọc mỗi cuốn: “Hãy giết con chim nhại tiếng người! mà thôi; nhưng rồi sách-vở cũng chẳng mang đến cho ta ý-tưởng gì để giết những con chim nhại tiếng người kia ấy. Đúng rồi. Nó dạy ta, không chỉ có mỗi cách-thức phê-bình người khác qua màu da của họ..., nhưng bằng những gì tốt đẹp mà người ấy đem đến cho ta, thôi.”

Homer à,
Đôi khi tôi đây lại cũng nghĩ, rằng: lý do khiến con cháu của tôi chúng thích nghe lời bạn hơn cả tôi nữa, chỉ vì bạn chuyên môn tìm phương-cách nào dễ chịu để mọi người thực hiện, cho thoải mái. Trong khi đó, bọn tôi cứ buộc phải nói,đó cũng là thách-thức không nhỏ, đối với bọn trẻ. Thế đó, là công việc tôi phải làm. Và tôi đây, sẽ khiến bọn trẻ chúng nó chán ngấy cả tôi nữa, khi tôi chỉ thích dán mũi vào màn ảnh truyền hình hơn là lo chuyện giáo-dục bọn trẻ con. Nhưng tôi chẳng nề-hà gì khi phải cho chúng biết là: đi học về đến nhà, là phải bỏ bao bị xuống, sắn tay áo ra mà rửa bát dĩa, rồi tự tổ-chức sắp xếp hầu chuẩn-bị cho ngày mai lại lên trường, và làm bài tập ở nhà cho xong rồi cả nhà mới được xem chương-trình “The Simpsons” nửa tiếng, cũng không sao...” (xem Michael McGirr, A Letter to Homer Simpson, Australian Catholics số Summer 2014, tr. 8).

            Điều mà nhà mô-phạm Michael McGirr muốn nói với tay hài thời đại là Homer ở phim hoạt hoạ nhiều tập The Simpsons mỗi điều này: không biết tại sao nhà-giáo chúng tôi học bao nhiêu thứ trên đời, để rồi cố truyền lại cho đám trẻ nhà mình, mà sao bọn chúng chẳng thích thứ nào do bọn tôi đưa ra hết. Phải chăng: bọn tôi vẫn còn thiếu chất “hài” là cái hấp-dẫn nhất trên đời? Phải chăng đó là món thời-thượng cho mọi người được dễ sống chuỗi ngày đáng nản?
            Hỏi thế, khác nào trở về với câu của con trẻ từng đưa ra với cha cố bé ở nhà thờ hôm đó, rằng: Thưa cha/thưa cố, giữ đạo Chúa và đi nhà thờ hôm nay cũng là một thứ, phải không ạ? Và hôm nay đi nhà thờ có gì vui không mà sao người lớn cứ bắt con đi như thế tối ngày, vậy?        
Thật ra thì, câu hỏi của trẻ bé nghe qua cứ tưởng chỉ là chuyện của con trẻ, chẳng cần suy-nghĩ làm gì cho bận trí óc với tâm-can. Nhưng, thời đại hôm nay, nếu diễn rộng, có thể đó cũng là câu để đời, khiến ta suy-tư mà tự cật vấn. Cật và vấn, để rồi tự mình tìm ra câu trả lời cho thoả-đáng, rất hữu-dụng.
            Hỏi thế, có là hỏi nhau những câu hỏi rất thường-thức, trong Đạo/ngoài đời rất như sau: 

            -Danh hài nào là người mà bạn thích nhất, trên sân khấu cuộc đời?
            -Những gì trong đời làm ta cười vui, nhiều nhất? Bạn có giống thế không?
            -Tại sao cứ bảo: vui tươi/cười đùa là quà tặng mình tạo cho đời?
-Cười vào chính mình có là chuyện dễ làm hơn cười vào người khác?
-Hãy thử lấy ví-dụ thế nào là vui tươi/cười đùa dù xấu/tốt?
-Có bao giờ ta nghĩ: Chúa cũng hóm hỉnh, cười vui như con người?

Trả lời cho các câu hỏi này, nhiều vị cũng không ngại đưa ra thêm câu trả lời, rất để đời. Như, Đức Bênêđíchtô thứ 16 có lần nói: “Tôi tin một cách chắc-chắn rằng Thiên-Chúa của ta cũng đầy tính hóm-hỉnh, cười vui như mọi người. Ngài vẫn muốn mọi người coi mọi sự nhẹ nhàng, dễ chịu để còn sống” (x. Anne Rennie, The Life of the party,  Australian Catholics số Summer 2014, tr. 15).
Nhìn vào Kinh Sách, hẳn người người đều thấy rõ: Đức Giêsu cũng từng lân-la ăn uống với tất cả mọi hạng người, từ giới bê tha, thấp hèn, phường đĩ điếm, cũng đâu sao! Ngài chắc cũng là nghệ-sĩ rất đáng kể mới lôi cuốn cả ngàn người đến nghe Ngài giảng dạy đến độ bụng đói cồn cào mà vẫn cứ đi theo. Ngài còn có tài kể chuyện ngụ ngôn, nhẹ nhàng, dễ nghe khiến giới “mày râu nhẵn nhụi” như Kinh Sư Biệt Phái, phải khó chịu?
Đức Giêsu phải là người vui vẻ hết mình mới dám “khuyến mại” về Vương Quốc Nước Trời của Ngài đã gần kề? Mới khuyên bảo được mọi người hãy hối cải, đổi đời và trỗi dậy làm cuộc sống mới. Ngài phải là Đấng có tài ăn nói cuốn hút mọi người quyết tâm đi vào cuộc sống triệt-để có hồi tâm, canh cải để “chui qua lỗ kim nhỏ” của Nước Chúa, đầy vui tươi?
Trả lời được các câu vấn-nạn cho đời mình như thế, ắt hẳn người người sẽ hồi-tâm biến đời mình thành những chuỗi ngày vui có bạn bè vây quanh, mỗi ngày đều là ngày của Chúa, chứ?
Và, khi người người đi Đạo đã có thể biến cuộc sống mỗi ngày của mình thành những ngày vui có Chúa, có anh có em ở với mình rồi, thì khi ấy tha hồ mà kể cho nhau nghe những câu truyện tưởng rằng đứng-đắn, khó khăn, nhưng dễ cười như truyện đời được kể, như sau:

“Tôi và bạn gái tôi đã hẹn hò được hơn một năm. Và, chúng tôi đã quyết-định đi đến hôn-nhân trong thời-gian tới. Mọi thứ đều tươi đẹp đối với tôi trong thời-gian này, chỉ duy có một điều làm tôi phân tâm, đó là... cô em gái dịu dàng, xinh đẹp của vị hôn-thê của tôi.

Cô em vợ tương lai của tôi năm nay 22 tuổi, có “gu” ăn mặc gọn gàng, lại rất “chuẩn” về tính đài-các, nết na, lẫn sắc đẹp. Ngoài những điều ấy ra, cô còn tỏ ra rất dễ chịu với mọi người kể cả những vị rắp ranh làm anh rể của cô nữa.
  
Một ngày đẹp trời nọ, cô em vợ tương-lai bé bỏng đẹp xinh của tôi đã gọi điện-thoại cho riêng tôi và mời tôi đến nhà để kiểm-tra giấy mời và thiệp báo hỷ cho đám cưới của tôi và chị cô. Khi tôi đến, thấy chỉ có mình cô ở nhà. Cô đến gần bên tôi rồi thì thầm đôi điều rằng: chính ra cô cũng rất yêu tôi và không thể cưỡng lại được tình-cảm riêng-tư của mình... Cô còn nói: cô muốn gần-gũi tôi dù chỉ một vài phút phù-du trong đời, trước khi tôi làm đám cưới với người chị của cô.

Lúc ấy, tôi không thốt ra được lời nào và càng lung-túng hơn nữa, khi cô nói: “Bây giờ em lên phòng riêng của em trên gác, nếu anh không ngại thì hãy lên đó với em một chốc lát, nhé.

Tôi đứng im như pho tượng gỗ và nhìn cô thoăn thoắt bước lên gác, trước một mình. Tôi cứ đứng đó một lúc, không biết phải làm gì cho xứng hợp với thân-phận mình. Cuối cùng, tôi quyết-định thẳng bước tiến ra cửa trước. Tôi mở cửa và đi thẳng đến chiếc xe của mình, dự tính lấy cái gì đó làm bằng, cho xong.

Vừa quay lại, thì lạ chưa, trước mắt tôi là cả gia đình nhà vợ chưa cưới của tôi đang đứng đó vỗ tay cười. Với đôi mắt hơi rơm rớm nước mắt và bằng một giọng nói xúc động, bố vợ tương-lai của tôi bảo với tôi, rằng: “Gia đình ta cảm-thấy rất vui khi con đã vượt qua được bài kiểm-tra nhỏ của ta. Ta sẽ không thể tìm đâu ra được một người rể tốt lành và xứng-đáng hơn cho con gái ta. Chào mừng con đến với gia-đình!” Tôi đã vượt qua được bài “kiểm” trước đám cưới. Thật hú vía và ... tôi quả là người may mắn nhất trong đời. Đời của con người cố sống tốt lành với... nhà vợ!” (trích bài chia-sẻ tâm-tình của một người trong buổi “Thăng Tiến Hôn-Nhân”, rất tận tình).

Truyện kể ở trên cũng “tếu”, cũng “buồn cười” và cũng “bé cái lầm” nhưng không “buồn” và “cứng” như bao câu truyện kể của đấng bậc giảng dạy vào các Tiệc Thánh Thể ở nhà Đạo.
Nói cho cùng, suốt đời đi Đạo nghe giảng dạy mà không vui tươi, cười đùa thì cũng chưa hẳn là đã tuân theo lời dặn dò của bậc thánh-hiền cho đúng cách, khi thánh-nhân từng bảo ban:

Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng,
cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân,
và chuyên cần cầu nguyện.
Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh
đang lâm cảnh thiếu thốn,
và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.”
(Rm 12: 12-13)     

Nói cho cùng, thì: để ra một đời đi đạo, mà chẳng có được giây phút vui tươi, bông đùa, cười giỡn thì cũng uổng. Uổng, cho những tháng ngày có cầu mà không nguyện, cũng không biết. Vậy thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy vùng đứng, trỗi dậy mà hát lên những câu ca nhè nhẹ, ngăn ngắn có chút vui, như sau:

Khi nắng chiều hôm ngả chân đồi
Lòng bâng khuâng em trông ngóng xa xôi
Mơ thấy nhạc vang lừng khúc khải hoàn
Tim rộn ràng tưởng bóng anh về (anh đã về).”
(Văn Phụng – bđd)

Hát thế rồi, bạn và tôi, ta cứ ra đi mà truyền-bá những điều vui đi Đạo, để người người mãi rồi sẽ phấn-chấn với tháng ngày nguyện cầu rất chuyên-chăm. Hạnh đạo.

Trần Ngọc Mười Hai
Và một quyết-tâm
Cũng nhẹ nhàng như thế.
Để sống đạo.     


No comments: