Saturday 4 January 2014

“Trăng lên cao muôn hoa sóng giăng đầy,”



 Chuyện Phiếm đọc trong tuần Lễ Chúa chịu Phép Rửa Năm A 12-01-2013

“Trăng lên cao muôn hoa sóng giăng đầy,”
Tầu lắc lư làm sao viết thư tình.”
 (Anh Thy – Lính Mà Em)
(Mt 18: 6/Ys 9: 2)
             Nếu cứ hát: “Lính mà em!” là cố ý bảo rằng: người anh của em tha hồ làm nhiều điều lạ lùng/nghịch ngạo chỉ vì anh là “lính”!? Nếu vẫn ca: “Tầu lắc lư làm sao viết thư tình”, là coi đó như lý do để phân bua cùng những người em ở nhà trách anh sao chậm thư từ, đến là thế?
            “Lính mà em!” phải chăng cũng là lý lẽ và lý sự khiến anh và em bỏ qua những gì mà đám trẻ nít nhiều lúc đã biết nói khôn nói khéo như truyện nhà Đạo, nay xin kể:

            “Truyện rằng:
Hôm ấy, vừa ở nhà thờ ra, bé em nọ đã sà vào lòng mẹ thỏ thẻ đôi điều ra chiều ưu tư lắm:
-Mẹ à! Có thể nào mẹ cho con một đô thôi để con qua bên kia đường đưa cho bà cụ bên ấy được không mẹ?
Rất cảm kích trước nghĩa cử thương người của cô gái cưng tuy bé nhỏ, mẹ hiền bèn móc túi đưa cho con mình chỉ một đô. Đưa xong, mẹ hiền sực nhớ ra như có điều gì không ổn bèn hỏi:
-Thế, con có tìm hiểu xem bà ấy còn sức lao động hay không thế?
-Chắc chắn là còn, mẹ à. Bà cụ lao động nhanh nhẹn cả khi bán bánh kẹo cho con nít, đấy mẹ!”
-Thế hả? Con Gái của mẹ nít nôi mà giỏi thế, chứ!?!”

“Nít nôi mà giỏi thế!” là câu nói để mọi người có thể bỏ qua những gì trẻ nhỏ tìm cách vòi tiền mẹ để mua quà. Thế còn người lớn thì sao? Nếu người lớn mà cũng nói và làm những việc “kỳ lạ” phản luân thường đạo lý hoặc gây tai tiếng, nhất là người nhà đạo, thì mọi người gọi những hành xử này cách chung là gây “xì-căng-đan”, hệt như thế. Trong Đạo mình cũng thế, đôi lúc cũng thấy một vài khúc mắc như ai đó đã đặt ra và ghi thư hỏi đấng bậc ở Sydney, như sau:

“Thưa Cha.
Con cũng không biết lâu nay Hội thánh định-nghĩa ra sao tai tiếng, khiến thành tội, phải đi xưng. Con thấy, như ông hàng xóm của con là ông A tuy có đạo nhưng vẫn làm những chuyện tày trời gây tai tiếng khiến chòm xóm ngán ngẫm. Hoặc, như bà B ở giáo xứ của con vẫn đi lễ thường xuyên nhưng lại có những hành-xử thiếu tư-cách làm mất uy-tín con nhà có đạo, tạo “xì-căng-đan” cho nhiều người. Bằng thư này, xin Cha giải thích cho biết chuyện gây tai tiếng khi nào thì thành tội, khi nào không, để con biết tội mà đi xưng. Cảm ơn Cha nhiều. (Câu hỏi của một người đi Đạo thấy điều chướng mắt thì hỏi cha/cố, chứ không có ý gì khác).

“Chuyện tai tiếng dễ thành tội” mà người hỏi ở đây đặt ra, có lẽ là một trong những chuyện khiến bạn và tôi, ta cần minh định sao cho ra nhẽ kẻo rồi người người cứ bảo dân đi Đạo chẳng để tâm gì những chuyện như thế. Nhưng, trước khi có được một giải đáp thoả đáng, tưởng cũng nên về với bài hát ở trên để minh-hoạ lập trường của nhiều người.

“Tầu về bến anh hẹn mình dạo phố.
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Thường dỗi anh “kìa đi gì mau vậy?”
Anh mỉm cười khẽ nói “Lính mà em!”
(Anh Thy – bđd)     

Mỉm cười rồi khẽ nói, nhưng không phải là nói “Lính mà em!” hoặc: “Nít nôi mà anh!” cho bằng cứ nói thẳng/nói thật bằng lời giải của đấng bậc rất nghe quen là Đức Thày John Flader ở Sydney, như sau:

“Đúng như anh/chị nói, người thường ở đời vẫn hay dùng cụm từ “xì-căng-đan” phiên âm từ tiếng Anh, tiếng Pháp có ý bảo rằng đây là điều “miệng tiếng”, mất phẩm-cách, tức: kể về uy-tín bị lung lạc do tự tiếng Hy Lạp “skandalon” có nghĩa như một lầm lỡ, sơ hở hoặc cạm bẫy đặt ra cho con người. Khi có ai nói người nào đó thấy mình bị mất tiếng tăm hoặc uy-tín là có ý bảo rằng: họ bị cú “sốc” đến hãi sợ do thái-độ hoặc hành-xử mất luân-thường đạo-lý. Thế nhưng, dù bị như thế, đương sự vẫn không nghiêng theo chiều hướng bắt chước lối sống như vậy. Ngược lại là đàng khác. Giống hệt thế, khi nói hành động của ai đó bị coi là gây tai tiếng/mất uy-tín ta thường ám chỉ rằng: chẳng khi nào ta đồng ý với sự việc như thế. Một lần nữa, ta không ngả theo khuynh-hướng bắt chước lối hành xử tồi tệ như vậy.

Tuy nhiên, khi ta nói người nào đó tạo xì-căng-đan hoặc gậy tai tiếng, là có ý bảo rằng: người như thế đã hành-động theo cách tạo gương mù gương xấu khiến người khác dễ mắc tội. Đây, là ý-nghĩa rất đúng được ghi rõ ở thần học luân-lý của Giáo Hội. Sách Giáo lý Hội thánh Công-giáo từng viết: “Tai tiếng, là động-thái kéo người khác vào tình trạng gian tà độc ác, gây tai tiếng tương tự như người chủ mưu xúi giục kẻ khác làm bậy. Làm thế, rõ ràng người gây tai tiếng còn phá hoại gia cang và phẩm cách của người khác. Hành động này còn lôi kéo anh chị em trong cộng đoàn mình đi vào nỗi chết về linh hồn. Gây tai tiếng là tội nặng nếu người chủ động hành-xử theo cách coi thường người khác một cách cố ý còn  dẫn đến tội trọng nữa.” (xem sách GLHTCG đoạn #2284)

Điều xấu xa/tồi tệ hơn là: bằng việc này, người chủ động lại gây hại cho người khác bằng cách đưa họ vào vòng cương toả của tội khiên. Giả như ta đánh đập, chửi rủa hoặc nói hành người khác, làm thế tức là: ta khiến cho tương-quan giữa họ với Chúa bị liên-lụy và không biết rằng tương-quan ấy là sở-hữu chính đáng, rất vô giá. Thế nhưng, giả như ta lôi kéo người khác vào đàng tội lỗi, có khi còn gây hại cho quan-hệ sống với Chúa và tạo ảnh hưởng tai-hại cho ơn cứu độ của họ nữa. Sách Giáo lý cũng nói: người gây tai tiếng còn biến mình tệ hơn Satăng vì đã lôi kéo người khác vào cõi chết về mặt linh-hồn hoặc lâm vào đường tội. Quả như sách Giáo lý Hội thánh từng khẳng-định, giả như hành-động của ta lôi cuốn người nào vào vòng tội lỗi, thì người chủ động cũng mắc phải tội trọng tương tự.

Nghiêm trọng hơn, là tai tiếng do những người nắm quyền sinh sát trên kẻ yếu, đưa họ vào vòng tội khiên. Trong số những người dễ thành chủ-động để làm những việc tồi tệ như thế phải kể đến: bậc cha mẹ, thày cô, linh-mục và cả những người dễ lôi kéo trẻ nhỏ vào tròng nữa. Trong Tin Mừng, Chúa lên án nặng sự việc này, khi Ngài dạy: Những ai làm cớ vấp phạm khiến một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ họ mà xô chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì đã làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên, cũng có những cớ khiến nhiều người vấp ngã, nhưng khốn cho kẻ tạo cớ cho người ta vấp ngã.(Mt 18: 6)

Sách Giáo lý Hội thánh còn dạy: “Việc gây tai tiếng/lỗi phạm sẽ thành tội khi sự việc do người chủ động có vị thế tự nhiên hoặc mang trọng-trách giáo dục dạy dỗ kẻ dưới mình. Chính Chúa đã nặng lời quở trách các kinh sư/Biệt Phái về chuyện này và Ngài ví họ như sói dữ đội lốt chiên lành.” (GLHTCG đoạn #2285; Lc 17: 1)

Có nhiều cách khiến con người phạm lỗi gây tai tiếng. Nói rõ hơn, là: trực tiếp lôi cuốn kẻ khác vào vòng tội lỗi. Chẳng hạn như: thanh thiếu niên còn non trẻ lại đã ăn nằm xác thịt với đàn bà/con gái; hoặc người đã có gia đình rồi lại dụ dỗ người nào khác không phải là phối ngẫu của mình làm chuyện dục tình ngoài hôn-nhân; hoặc người nào đó dụ kẻ khác cùng đi xem phim hoặc văn nghệ tồi tệ trình diễn các màn mất nết, không đàng hoàng/tử tế; hoặc những người khích-động kẻ khác đồng lõa phạm tội ác; hoặc doanh thương quyền thế nào dùng quyền ra lệnh cho nhân viên thuộc cấp nói dối với khách hàng, vv... những người như thế đều mắc tội gây tiếng xấu và phải chịu trách nhiệm không chỉ mỗi tội của mình thôi, mà cả các lỗi phạm của người bị lôi vào vòng tội lỗi nữa.

Cách gây cớ vấp phạm thấy rõ hơn cả, là: làm gương mù gương xấu mà không cần kéo người khác vào cảnh trầm luân, cũng mắc cùng một tội như vậy. Hành-động gây gương mù gương xấu cho người khác, còn bao gồm cả chuyện dùng lời thô lỗ/tục tằn, hoặc ăn mặc hở hang/khiếm nhã, ca tụng phim ảnh trình diễn các màn đồi trụy, bê tha rượu chè quá mức, vv... Đây là những điều ta gọi được là tạo cớ vấp phạm, gây gương mù gương xấu làm hại uy tín, phẩm-cách con người. Thanh niên thiếu nữ nào hành động vì mục-đích tương tự, như: ăn mặc lố lăng hoặc có hành-động mất nết khiến người khác nhìn vào đã thấy bị cám dỗ làm chuyện đồi phong bại tục hoặc có tư tưởng vẩn đục, mơ ước chuyện tục tằn, dục vọng có hệ quả như việc người khác đã làm. Bậc cha mẹ có trách-nhiệm nuôi dạy con cái phải chăm nom cho con mình ăn vận tử tế và hành-xử nết na, hiền dịu, đúng cách mới xứng đáng làm cha làm mẹ.

Chính-trị gia nào bỏ phiếu chấp thuận việc ban hành đạo luật cho phép người dân trong xứ làm chuyện phản luân thường đạo lý theo cách này khác, như: phá thai, dàn dựng phim kịch đồi trụy hoặc nghiên-cứu tạo mầm “gien” nhân-tạo đều mắc tội tạo gương mù gương xấu, gây tai tiếng và phải chịu trách-nhiệm về những tội người khác phạm vì hậu quả do mình gây ra. Hệt như thế, các nhà làm phim đồi trụy, hoặc những người buôn bán áo quần khiêu dâm, các chủ điếm vv.. đều có tội vì đích thân mang tai mang tiếng theo mức độ lớn. Gây hại hoặc tai tiếng có thể chỉ gồm việc kích động, cố vấn hoặc chỉ dạy người khác làm điều xằng bậy và/hoặc không ra tay cản ngăn những người khác làm điều đồi bại nếu biết họ đang tính chuyện xằng bậy, cũng đều như thế hết.

Nói tóm lại, sách Giáo lý Hội thánh còn dạy: “Bất cứ ai sử dụng quyền-hành mình có bằng cách này hay cách khác khiến người khác làm chuyện xằng bậy, cũng mắc tội gây tai tiếng tạo gương mù gương xấu khiến người khác vấp ngã, phải chịu trách-nhiệm về những chuyện xấu do mình trực tiếp hoặc gián tiếp khích-động kẻ khác làm chuyện xằng bậy. Cám dỗ người khác phạm tội là điều dễ làm, tạo điều kiện cho người khác làm việc xằng bậy cũng dễ như thế, mà thôi.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 01/12/2013 tr. 10)


Theo ý của đấng bậc nhà Đạo ở trên, thì chuyện gây “xì-căng-đan” tạo nên tội kèm nhiều phần như thế. Giấy trắng mực đen thì như vậy; nhưng trong sống đạo thực tế, thì ai là người ra phán quyết? Và, có phải là mọi trường hợp đều như thế hay không, hoặc vì thiếu hiểu biết,  thiếu cơ hội nên mới gây ngộ nhận?
Nói theo đức thày ở trên, thì: theo cách mọi người hiểu, là: ta phải sống đàng hoàng, tử tế, nết na. Nghe thì cũng tốt. Vì, đó là chuẩn mực cho con dân đi Đạo biết mà thực hiện nhưng ‘phải thế này, phải thế nọ’. Tuy nhiên, cũng nên để ý chú trọng mặt tích cực của sự việc để ‘một đời đi đạo’ là một đời vui chứ không chỉ chăm chăm chú chú vào những gì sẽ là tội trọng/tội nhẹ. Một khi dân con nhà đạo sống đời đi Đạo thật vui, thì bản ngã của mình sẽ triển nở trong yêu thương, đương nhiên các ‘xì căng đan’/gương mù gương xấu gây trọng tội sẽ không còn đất đứng trong cuộc đời đi đạo nữa. Muốn vậy, tưởng cũng nên  nghe ngóng từ nhiều đấng bậc nói về niềm “vui” chung, có Chúa phù trợ, như lời diễn giải Tin Mừng ngày Chúa Giáng hạ, như sau:

“Truyền thống Giáo hội có cả một giòng sử dài về “niềm vui” như sự thể con tim chân chính đã mở rộng cửa. Thế đó, là loại hình mở lòng mình đến dư tràn. Là, gia tăng bản-thể người, là phình rộng toàn-bộ cái “ngã” của bản thân. Vui như thế, không chỉ là niềm tin linh thiêng, khắc kỷ. Mà là, niềm vui thông thoáng ở tình huống rất thế gian. Vui đi, rồi sẽ thấy con tim mình rộng mở để còn yêu...

Khi đã vui là thấy mình ở khắp mọi nơi, sâu sắc nhiều và sẽ tiếp cận nhiều người hơn. Và khi đó, ta lại cứ hỏi mình khởi đầu từ đâu và kết thúc ở điểm nào? Có gì đổi thay, rộng mở hơn không, khi mình vui?

Người có đời sống vui, sẽ có thời gian để sống như ý muốn. Đường dài cuộc sống, là chất bào mòn những mép cạnh gai góc của “bản ngã” cần xoá bỏ, giống như cục tuyết cứng như đá nhưng lại sẽ mềm nhũn khi tan vữa. Tất cả mọi thứ, rồi sẽ vữa chảy trong ký ức về sự tốt đẹp kéo dài từ ngàn xưa. Và, tất cả sẽ dấy lên thành niềm thương yêu/âu yếm thật rất mới, rất mạnh và trải dài qua nhiều tương phản. Sống vui, là sống yêu thương khác thường, rất cuồng nhiệt, thật chính đáng...” (xem Lm Kevin O’Shea, Lời Chúa Sẻ San Chúa Nhật Thứ 4 mùa Vọng năm A)

Nói cho cùng, có được niềm vui đi Đạo và sống Đạo sẽ làm lòng người tự-khắc giảm thiểu hoặc chấm dứt các “xì-căng-đan” dữ dội nhất. Niềm vui sống Đạo như thế, còn được thánh Augustinô có lần từng nói: “Hãy cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm” (“Ama, fac quod vis”).
Nói cho cùng, “xì-căng-đan” đôi lúc cũng chỉ là những “đan-căng-xì” cứ lình bình, như câu hát ở đâu đó còn vang vọng:

“Hỡi em yêu! Nhớ đến với anh,
Ngày nào anh về bến, bên nhau.
Chúng ta thương thật nhiều
Tàu về bến anh hẹn mình dạo phố...
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Thường dỗi “kìa đi gì mau vậy?”                                        
Anh mỉm cười khẽ nói: ‘Lính mà em!’
(Anh Thy – bđd)

Thế nghĩa là: có nói gì thì nói. Nói Đông nói Tây, nói hươu nói vượn, cũng đừng quên nói tiếng “Hỡi Em yêu...” Bởi, đã quyết yêu rồi sẽ tha hồ mà nói. Có nói gì, thì em thì anh cũng chẳng chấp nê ngôn ngữ với ngôn từ. Bởi, cuối cùng thì anh cũng bảo “Lính mà Em!”. Hoặc, cuối cùng thì mẹ cũng bảo với bố già khó tính hôm nào hay trách và móc: “Nít nôi mà anh!”
Hôm nay đây, có bạn đạo cũng muốn nói đôi điều; nhưng, lại không nói bằng câu thơ hoặc ý nhạc, mà chỉ nói bằng truyện kể nhè nhẹ để rồi, cuối cùng, cũng sẽ nói bằng Lời Vàng khi xưa Thày Chí Ái vẫn nói hoài mà ai nhớ để tai nghe.
Vậy thì, nay mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm lần nữa những lời nói có kể truyện nhé:

“Truyện rằng:
Một buổi trưa mùa hạ nắng như thiêu đốt, một phụ nữ mù lòa bước đi chậm chạp trên con đường mòn ở vùng ngoại ô thưa thớt dân cư. Tay không cầm gậy, lối đi này rất quen thuộc với bà. Bên vệ đường có một cây to, bà rẽ... vào đó dường như để trốn cơn nắng hạ dưới bóng mát tàn cây phủ trùm trên một khoảng đất rộng. Có thể bà sẽ nghỉ trưa ở đây như bà đã từng làm như thế sau những buổi đi xin.

Bà đến gần gốc cây. Bà sẽ dựa vào gốc cây để tìm một giấc ngủ yên lành. Bà sẽ cảm thấy hạnh phúc không thua gì một mệnh phụ ngã lưng trên chiếc giường nệm êm ái. Bà đang mơ màng với thứ hạnh phúc lớn lao nhất mà bà sắp có, thì bất ngờ vấp phải vật gì, bà chao đảo, chưa kịp lấy lại thăng bằng, thì bà nghe một tràng âm thanh chua chát:
- Ai đó? Bộ đui mù rồi hay sao mà không thấy tui ngồi đây vậy? Thứ đồ gì mà sớn sác thế?
- Xin lỗi, xin lỗi! Tôi mù cô ạ! tôi mù thật! Cho tôi xin lỗi! Xin lỗi cô! Bà hốt hoảng trả lời khi gượng đứng lên được.

Giọng nói thanh thót quá, chắc là cô ấy còn nhỏ lắm, tuổi cỡ con mình là cùng. Bà nghĩ thế và bà hối hận vì thái độ bất cẩn của mình. Im lặng! Không có tiếng trả lời! Đúng như người phụ nữ suy đoán, tiếng nói phàn nàn gây gắt vừa rồi là của một cô bé trạc tuổi mười bốn mười lăm, có điều bà không biết được rằng, cô bé ấy cũng mù như bà. Cô bé cũng đi xin và dừng chân nghỉ nơi này trước bà.

Cô bé hối hận vì lời nói vừa rồi, cô bé im lặng! Nghe ngóng một lúc, người phụ nữ mù lòa vẫn không nghe lời nào đáp lại. Bà nói lớn lên một lần nữa: Cho tôi xin lỗi nhé! Tôi mù! Tôi mù thật đó! Rồi bà quay lưng bước đi. Chợt cô bé gọi lại:
-Nè bà ơi, tôi cho bà một ngàn nè!
Số tiền duy nhất mà cô đang có. Nghe thế, bà rất mừng. Bà mừng vì nghĩ cô bé tha thứ cho mình, hơn là mừng vì nhận được một ngàn đồng. Bà dừng lại, quay ngược chiếc nón lá cũ kỹ đưa về phía tiếng nói. Chợt một chiếc lá vàng rơi vào chiếc nón của bà. Bà tưởng cô bé bỏ tiền vào nón, bà nói:
-Cám ơn cô, cám ơn cô!
Nhưng khi bà thọc tay vào nón lấy tiền, bà mới nhận ra đó chỉ là một chiếc lá khô. Bà lẩm bẩm: Cô bé gạt mình. Chắc cô bé còn giận mình. Bà buồn bã quay đi!

Trong khi đó, cô bé cầm tờ giấy một ngàn đồng đưa về phía bà chờ đợi bà lấy. Nhưng cô bé lại nghe tiếng bước chân xa dần.
-Bà ấy không lấy tiền, chắc bà ấy còn giận mình.
Cô bé nghĩ như vậy và lòng vô cùng buồn bã.  (Sưu tầm từ Internet)

Nghe truyện kể, người đọc hay đưa ra ý kiến phản-hồi, lại cứ bảo: truyện hai người đàn bà một già một trẻ ở trên chẳng liên quan gì đến đề tài “xì-căng-đan”, sao cứ kể? Ngay, đến tư-tưởng “ngộ nhận” về việc làm cũng như ý-nghĩ của cả hai người phụ nữ mù đâu nào cho thấy gì là “tai tiếng” hết!
Nhưng hôm nay, người kể lại níu mọi người dừng lại để thanh-minh một điều, là: cả bà cụ lẫn cô gái mù lòa đều có lòng rộng mở, tha thứ nhưng vì mù nên cả hai đều suy diễn hành xử tích cực của người khác thành tiêu cực để rồi cả hai đều ‘lòng vô cùng buồn bã’. Và, ở đời thường, có những điều mình cứ tưởng là chuyện thường, nhưng nó lại là chuyện gây “xì-căng-đan”, rất tai tiếng.
Và, cũng có những chuyện tai tiếng rất “xì-căng-đan”, thế mà người đời lại cứ coi như sự thường. Vẫn sống như không có mặt trời, mặt trăng soi dọi, gì hết trọi. Bằng chứng ư? Người kể lại xin bạn bè/người thân để ít phút ra mà tìm kiếm, sẽ thấy ngay.
Hôm nay đây, bần đạo chỉ đề nghị bạn và tôi, ta về với vườn “ngự uyển” có thơ văn đầy dẫy ý lời sâu sắc, trong đó có ngôn sứ nói thay cho Giavê Thiến-Chúa để khích-lệ mọi người rằng:

Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.
Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,
như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.”
(Ys 9: 2)

Quả là: người người vẫn nhớ thế nào là ‘xì căng đan’ nhưng lại cứ tâm niệm rằng: hãy cứ yêu đi rồi sẽ thấy vui. Và, hãy cứ vui đi, mọi chuyện rồi cũng sẽ được giải quyết cách êm ái, cả những chuyện tưởng rằng dễ sợ, rất điều tiếng. Vui, để yêu nhiều yêu mãi, yêu dài dài rất nhiều người.

Trần Ngọc Mươi Hai
Đồng ý sẽ cố vui
Suốt một đời.   

    


                                  

No comments: