Saturday 27 October 2012

“Bài tình ca mùa Đông,anh hát giữa đêm trời giá,”

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 31 thương niên năm B 04/11/2012

“Bài tình ca mùa Đông,anh hát giữa đêm trời giá,”
“Tình còn mãi chờ mong
thấp thoáng bóng em vợi xa.”
(Trầm Tử Thiêng – Bài Tình Ca Mùa Đông)
(1Ga 3: 7-8)
Buổi Hát Cho Nhau” tháng 8 mùa Đông năm 2012 ở Sydney, hát sĩ hôm đó cứ đong đưa thân hình mềm mại vừa hát vừa đọc những lời ý nhị của bài “Tình ca mùa Đông” khiến bần đạo tự hỏi: sao cứ hát giữa đêm trời giá lạnh, câu như thế? Hát thế, phải chăng để hẹn nhau “qua phong ba” như câu tiếp, ở bên dưới:

“Hẹn hò sẽ vì nhau qua phong ba
anh cố bước, đôi chân chậm quá!”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

Có người bảo rằng: đấng bậc nọ, cũng cố bước đôi chân đi, nhưng bước chân của đức ngài vẫn cứ là “đôi chân (sao) chậm quá”. Chậm, gần nửa thế kỷ mà vẫn thấy đức ngài lặng lẽ bước. Lại có đức ngài khác, lê mãi đôi chân mòn để khi không bước được nữa, đã thấy đúng như lời đồn ở báo đài rất BBC như sau:

“Hồng y giáo chủ người Ý Carlo Maria Martini đã mô tả Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã là đã bị thời gian bỏ lại phía sau đến 200 năm.
Nhật báo Corriere della Sela đã đăng bài phỏng vấn cuối cùng với ông được thực hiện hồi tháng Tám 2012. Khi đó ông có nói: “Giáo hội đã mỏi mệt... các phòng cầu nguyện của chúng ta đều vắng vẻ.” Hồng y Martini từng được xem là người có thể trở thành Giáo hoàng. Ông kêu gọi Giáo hội thừa nhận ‘lỗi lầm’ và hãy bắt đầu một lộ trình cải cách triệt để bắt đầu từ Giáo hoàng. Hồng y Martini rút lui khỏi vị trí này hồi năm 2002 do mắc chứng bệnh Parkinson.
Ông có quan điểm cởi mở về nhiều vấn đề và được cả hai Đức Giáo hoàng là Gioan Phaoplô Đệ nhị và Bênêđíchtô 16 rất kính trọng. Ông là tăng lữ thuộc dòng Tên. Theo phóng viên BBC David Willey ở Rome thì ông thường có tiếng nói phê phán giáo điều của Giáo hội trong các bài viết của mình. Ông cũng có tiếng là mạnh miệng và can đảm trong suốt những năm quản cai giáo phận lớn nhất Châu Âu.
Phóng viên BBC trích lời Hồng y còn cho biết: "Nền văn hóa của ta đã trở nên già cỗi. Các nhà thờ của ta thì trở nên trống vắng và tệ nạn quan liêu trong hàng giáo sĩ ngày càng gia tăng. Các nghi lễ của ta và sắc phục ta mặc thì đầy những phô trương."
Ông cho phép linh mục Georg Sporschill, cũng thuộc dòng Tên, thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng hồi đầu tháng Tám khi biết mình không sống được bao lâu nữa. Trước đó, ông trở về Ý từ Giêrusalem, nơi ông lui về nghỉ hồi năm 2002 để tiếp tục nghiên cứu Kinh Thánh. Ông có nói trong cuộc phỏng vấn rằng: “Nền văn hóa của ta đã trở nên già cội. Các nhà thờ của ta trở nên trống vắng và tệ nạn trong hàng giáo sĩ ngày càng gia tăng. Các nghi lễ của ta, sắc phục ta mặc thì dẫy đầy những phô trương.” Ông còn nhận xét: “Giả như Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã không có một thái độ cởi mở hơn đối với những người ly dị thì các thế hệ tương lai sẽ không còn nghe theo Giáo hội nữa.”
“Vấn đề đặt ra ở đây, không là có cho phép các cặp vợ chồng ly dị được nhận ban thánh thể hay không mà là: làm sao Giáo hội mình có thể giúp đỡ các tình huống phức tạp của cuộc sống gia đình. Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em (của một số linh mục) buộc chúng ta phải thực hiện một lộ trình chuyển đổi." Lời khuyên, ông để lại để vượt qua sự mỏi mệt của Giáo hội là ‘thay đổi triệt để – bắt đầu từ Giáo hoàng và các giám mục.
Phóng viên của chúng tôi cũng cho biết: ông không hề e ngại tỏ bày quan điểm về các vấn đề mà Tòa thánh cứ cho là cấm kỵ. Chẳng hạn như: việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để ngăn ngừa bệnh Aids và vai trò của nữ phụ trong Giáo hội. Chẳng hạn như, hồi năm 2008 ông đã phê phán Giáo hội cấm đoán các biện pháp tránh có con và cho rằng thái độ này đã làm nhiều tín đồ rời bỏ Giáo hội. Vào năm 2006, ông từng công khai phát biểu rằng bao cao su, ‘trong một số trường hợp, chỉ là một tội không lớn’. Nhật báo Corriere della Sela dự định công bố sách cuối của ông có nhan đề ‘Tiếng nói từ trái tim’ đến với tất cả độc giả, ngày rất gần.” (xem “Giáo hội Công giáo lạc hậu đến 200 năm” Tin/bài của BBC tiếng Việt cập nhật hôm 2/9/2012)

Bài kể tiếp: Điều mà Đức Hồng Y Carlô Maria Martini nói đôi điều với phóng viên Georg Sportchill trước khi ông qua đời, là những lời nhiều người từng biết rõ, qua báo đài. Ở nhiều nơi. Thật ra thì, ngài từng bảo: Giáo hội Công giáo cũng thường “chậm lụt” hơn nhiều giáo hội khác đã đăng tải/phổ biến nhiều lần, ở truyền thông. Có điều là: Đức Hồng y lại đã ra đi trước ngày Hội thánh Chúa mừng 50 năm kỷ niệm Công Đồng Vatican 2 nhìn lại. Bằng không, chắc hẳn ngài cũng có nhiều điều để sẻ san, và trăn trối.
Tuy là thế, đồng thời và đồng tuổi với ngài hồng y Martinbi, còn có các vị đã tỏ bày nhiều điều “nổ bạo” hơn thế, về Công Đồng. Chăng hạn như đấng bậc thày dạy của bần đạo, dạo nào từng có ý kiến:

“Công Đồng Vatican II, với gần bốn năm chuẩn bị và ba năm thảo luận, là biến cố lịch sử không những của Giáo hội Công giáo mà là cả nhân loại, đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống của Giáo hội, mở ra hy vọng mới cho thế giới. Với người Công giáo hôm nay, nhìn lại Công đồng Vatican 2, sẽ giúp ta thẩm định những gì mình đã từng làm hay chưa làm được nhiều thể theo tinh thần của Công Đồng. Với bạn đọc không Công giáo, nhìn lại về Công Đồng còn là dịp để ta tìm hiểu biến cố trọng đại của Giáo hội ở thế 20 đã tạo ảnh hưởng lên lịch sử nhân loại như thế nào.” (xem Lm Stêphanô Chân Tín Luồng Gió Mới, nxb Tin Paris 2000 tr. 8)

Nghe “Luồng Gió Mới” đã đến và đã thổi, người người đều phấn khởi để rồi sẽ cùng hát với người nghệ sĩ, những câu sau:

“Để rồi sắp gặp nhau, mới biết em không đợi nữa
Trời lại thêm mùa đông, cho tuyết than trên đầu non
`Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa
anh hứng nốt những giọt cuối mùa.”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

Quả thật, thập niên 60 năm đó, nghe thấy nói có Công đồng rất Chung ở Vatican, người người đều rất trông và cũng ngóng. Trông và ngóng, xem có gì mới mẻ cho Giáo hội mình không. Ngóng và trông, một cải tân như nhà Đạo từng hứa hẹn “Luồng Gió Mới” Thánh Linh thổi, ở mọi thời.
Thế nhưng, đấng bậc thày dạy khác còn bảo cho bần đạo biết, rằng: ngay từ đầu, Công đồng Vatican II đã có cái gì đó khá “lấn cấn”/lận đận, như sau:

“Ngày khai mạc Công đồng, đã có 2251 giám mục đến từ 136 nước, để tham dự. Trong khi đó, ở Công đồng Vatican I chỉ có mỗi 737 vị dự. Và Công Đồng Nicea, có khoảng chừng 225 vị thôi. Các vị trước đó tuy chưa từng quen nhau, nhưng khi đến dự, các ngài đã trở thành người anh em trong Chúa Kitô. Ngay từ khoá đầu, đã có 17 vị từ Đạo Chúa nhưng không phải là Công giáo, đến tham dự. Ở khoá hai, lại có 29 vị giống như thế. Có một số vị đến từ các nước nằm phía bên kia bức màn sắt, trong đó có Đức Giám Mục Wojtyla, đấng chủ quản giáo phận Krakow là một trong số rất ít vị đến từ nước Cộng sản Ba Lan nhưng lại dùng hộ chiếu Vatican. Rất ít nghị phụ nói và hiểu tiếng La tinh theo văn nói, tức ngôn ngữ chính của Công Đồng. Các nghị phụ có tất cả 300 buổi hội đàm được gọi là “Công nghị”. Đa số công việc được thực hiện ngoài nhóm hội cộng đoàn nghị phụ.
Điều thú vị là vào năm 1829 lúc đó có chừng 646 giám mục chủ quản trên thế giới và chỉ mỗi 24 vị là do Đức Giáo Hoàng chỉ định, còn đa phần được nhà nước khi đó bình bầu. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, các giám mục được Giáo hoàng chỉ định ngồi ghế chủ quản, theo giáo luật, bắt đầu vào năm 1917 mà thôi. Xem thế mới biết, khi đó mọi việc tập trung vào ngôi Giáo hoàng là cốt để bảo vệ giáo quyền khỏi uy lực áp đảo, của trần thế.
Ngược giòng lịch sử, ta thấy vào năm 1542, Công đồng Triđentinô có ba công nghị nhưng kéo dài đến 18 năm, trải dài suốt 5 triều đại giáo hoàng. Công nghị đầu, có 40 vị tham dự và công nghị cuối gồm 217 vị.
Công đồng Vatican I kéo dài chỉ 1 năm đã phải gián đoạn vì cuộc chiến xảy đến vào năm 1870. Khi loan báo mở ra Công Đồng Vatican II, Đức Gioan 23 đã không cho biết Công Đồng này có được coi như nối tiếp Công Đồng I từng bị đứt đoạn hay không; nhưng ngài vẫn coi đây như một Công Đồng mới.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Retrospect: The Past Fifty Years, Australian Catholic University, Strathfield 25/8/2012 tr. 11)

Con dân nhà Đạo ngoài “công nghị” khi ấy như người mù xem voi, chỉ biết loáng thoáng/lờ mờ những gì được công bố, hệt như khi nghệ sĩ hát bài “Tình Ca Mùa Đông”, loáng thoáng những câu:

“Êm êm, ngoài kia nhạc đêm đông!
Anh nhớ khi mặn nồng,
Xin cám ơn em một thời xuân
Giờ còn đâu mà mong,
cho chút duyên nghe còn ấm.”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

Thế nhưng, với sử gia nhà Đạo thì không thế. Các vị này vẫn chịu khó tìm hiểu nên thấy rằng:

“Muốn hiểu rõ Công đồng Vatican II diễn biến ra sao, ta cần biết thêm chuyện này, là: sở dĩ có Công Đồng này bởi vì đó là ý của Đức Gioan 23 lúc ấy muốn triệu tập một Công Đồng giống khi trước. Ngài từng là Sứ thần Toà thánh lâu năm ở Istanbul. Ngài suy nghĩ đơn giản, rằng: nếu ta vẽ một vòng cầu lấy Vienna làm tâm điểm và vẽ chu vi rộng lớn, sẽ thấy vòng cầu ấy bao gộp cả Đế quốc La Mã cổ xưa và Hội thánh của ta thời ấy nữa; và rồi, sẽ nhận sự kiện là Hội thánh chẳng có uy quyền gì để có thể ngăn chặn được 2 kỳ thế chiến, trong đó có “Shoah” và “Gulag”.
Vào độ ấy, Đức Gioan 23 sống bên ngoài thủ đô Vatican, nên không ai lại nghĩ rằng: có thể ngài sẽ làm giáo hoàng, ngay sau ngày Đức Piô 12 băng hà năm 1958. Và lúc ấy, có người nghĩ rằng: các Hồng y trong mật hội, sẽ chỉ chọn ngài làm Giáo hoàng chuyển tiếp nhất thời mà thôi. Vì nghĩ là ngài cũng chẳng thọ được bao lăm. Nhưng khi trở thành Giáo hoàng, Đức Gioan 23 lại muốn thực hiện công cuộc đại kết các giáo hội cùng thờ một Chúa.
Làm việc này, Đức Gioan 23 nghĩ: trước tiên ngài phải thực hiện cho bằng được việc Liên kết bên trong Hội thánh Công giáo trước đã. Bởi thế nên, ngài mới đề nghị lập một Thượng Hội Đồng Giám mục cho giáo hội La Mã. Ngài những muốn nâng cấp và cập-nhật giáo luật, nên mới triệu tập Công đồng đại kết Vatican II, như thế. Làm giáo hoàng chưa được bao lăm, nhưng ngài cũng đã triệu tập được một Công đồng. Thế nên, chỉ mỗi việc loan báo triệu tập một công đồng như thế, ngài cũng đã tạo ra được bầu khí lạc quan trong Hội thánh, là điều dĩ nhiên rồi.
Quả là, khi ấy Đức Gioan 23 đã mở rộng cửa cho các giám mục muốn đổi mới. Nhưng, lúc ấy cũng có vị tỏ ra khá bi quan để có được cơ hội thuận tiện như lòng mong ước. Riêng Đức Piô XII trước đó, đã chống lại các vị nào có ý định muốn mở ra một công đồng và Giáo triều Rôma khi ấy cũng đã làm thế. Đàng khác, phần đông các giám mục thế giới không biết nhiều về các vấn đề đang xảy ra trong Hội thánh thời đó. Khi Đức Piô XII băng hà, Giáo triều Rôma vẫn có đủ quyền bính để tự tung tự tác và đại đa số các giám mục sở tại, lại không biết gì về sự cần thiết phải có Công đồng như thế. Nên, khi Đức Gioan 23 đọc diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II, các giám mục đã ủng hộ việc cải tân Giáo hội, nên mới tỏ ra tích cực, và lạc quan. Kết cục thì, Công đồng Vatican II lại đưa ra một hình ảnh về Hội thánh rất khác biệt. Khác ở chỗ, là: hình thức công đồng chỉ thích hợp cho con người ngày hôm nay hơn là dạo đó. Các đấng chủ quản giáo hội địa phương lại cứ nghĩ: mình có thể cải tân Hội thánh Công giáo, cũng không chừng. Thế nên, Đức Gioan 23 mới bảo: thực chất thánh truyền là một chuyện và cung cách thánh truyền có được phổ biến không là chuyện khác.
Bởi thế nên, Đức Gioan 23 coi Công đồng Vatican II như sự kiện thích hợp mở ra với thời hiện tại. Khác biệt này hiện rõ hơn ban đầu vào lúc mà mọi người lại sử dụng cụm từ “về nguồn” và “cải tân”, cũng rất nhiều.
Bằng vào cụm từ này, nhiều người lại nghĩ: hai động lực được nhiều người kỳ vọng là có thể tạo cho Công Đồng, đó là: “Về nguồn” và “cải tân”, tức cập-nhật-hoá. Hai đường lối mang tính cách rất chống chọi. Về nguồn, biểu lộ một thị kiến về sự sống qua đó Hội thánh quyết làm sao để mình trở nên phong phú hơn lúc đương thời. Cải tân, mang ý nghĩa của tương quan mới với thế giới đương đại theo nghĩa thị kiến đã có từ cuộc “trở về nguồn” của mình.
Đức Gioan 23 gọi Công Đồng là “sáng kiến khích lệ” mang tính chất rất lành thánh. Với ngài, đó là “kairos” tức Công Nghị toàn thể mang tính chất mục vụ. Theo nghĩa này, Hội thánh sẽ thực thi quyền uy của tín điều từng gây ảnh hưởng lên đời sống thường nhật của con người.
Thật không dễ, để ta có thể bắt chụp được phản ứng của mọi giới trong Đạo, vào lúc đó. Theo dõi lịch sử theo đầu óc của con người ngày nay, ta mới hiểu được những gì xảy ra bên trong Công Đồng. Phải chăng đây là cơ hội để Hội thánh mở ra với lịch sử thế giới? Phải chăng Công Đồng Vatican II bao hàm một hình thức khác biệt có thể xảy đến với Đạo Chúa và với các giáo phái khác của thánh hội, cả lúc trước lẫn bây giờ? Phải chăng điều đó có nghĩa: Đạo Chúa bao gồm chỉ mỗi hình thức như thế, mà thôi? Có chăng một tự do chọn lựa tôn giáo trong số các chọn lựa? Phải chăng Hội thánh tương lai sẽ là Hội thánh được chọn theo cách ấy, tức cách thức một số rất ít giữa các thánh hội của Đức Kitô và các giáo phái khác trên thế giới? Phải chăng việc giảng rao Tin Mừng sẽ không bị lẫn lộn với sự việc Đạo Chúa ở phương Tây vẫn cứ áp đặt lên bối cảnh khác của Đạo?
Điều này nói lên sự khác biệt nơi ý niệm của Đức Gioan 23 về Công Đồng, tức theo ý ngài Công Đồng phải mang tính chất mục vụ, chứ không chỉ gồm những tín điều và tín điều, mà thôi. Cụm từ “thần-học mục-vụ” thực sự là cụm từ làm vấp ngã khá nhiều người. Ngay từ đầu, cụm từ này mang ý nghĩa của một nền thần học về thừa-tác, chủ ý giúp các thừa-tác-viên thực hiện công cuộc phục vụ Hội thánh. Sau đến, sẽ từ từ trở thành nền thần học theo đường lối khác mới mẻ hơn, để ta có thể sống đời Kitô-hữu trong điều kiện văn hoá khác với lối sống hiện thời, khi hình thức sống của người tin vào Đức Kitô được thiết lập.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, bđd tr. 12-13)

Thời buổi này, với mọi phương tiện truyền thông/vi tính lẫn báo đài/truyền hình rất tối tân mà người người ở dương gian còn không hiểu và không biết gì nhiều về Công Đồng Vatican II, huống hồ bà con mình thời đó. Nói không hiểu, tức không rõ chi tiết ở bên trong thánh Hội, khiến đấng bậc ở trên cao phải triệu tập Công đồng, cho thích hợp.
Nói theo người đời thời hiện đại, lại có thể nói như nghệ sĩ vẫn cứ hát;

“Bài tình ca mùa Đông,
Hát mãi đôi môi lạnh câm.
Lòng thì vẫn hẹn, cơn đau nguôi ngoai,
Sao nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy…”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

Thật ra thì, nhớ Công Đồng như nỗi nhớ mùa Đông mỗi ngày mỗi đầy. Bởi mùa Đông Công Đồng, là mùa của 50 năm kéo dài hai thế hệ. Nhớ, thánh hội ở trần gian vẫn “bước những bước (sao) chậm quá”, cũng rất buồn. Thế đó, có là Hội của các thánh cứ bước những bước chầm chậm, nhưng sẽ chắc?
Bàn về “nỗi nhớ Mùa Đông trong Giáo hội”, cũng chỉ nên bàn những chuyện loanh quanh, luẩn quẩn, nhè nhẹ để thư giãn, thôi. Chứ, cứ bàn chuyện thần học và học về thần lại rất khô khan, đóng cứng, sợ lắm ai ơi! Bàn sương sương, để rồi lại sẽ mời bạn/mời tôi, ta đi vào vườn truyện kể có những mẩu chuyện nhè nhẹ, mang dáng dấp của nỗi-nhớ-không-tên, về một thời quá khư, như sau:
“Truyện rằng,
Vào buổi chiều xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi cạnh cần mẫn dìu người cha. Người con trai trạc mười tám/mười chín, áo quần giản đơn, lộ vẻ nghèo túng, nhưng từ nơi cậu lại toát lên nét vẻ trầm tĩnh của một người có học, chừng như cậu là học sinh..
Người con trai tiến đến trước mặt tôi, rồi bảo: "Xin cho hai bát mì bò!", cậu nói thật to như để mọi người nghe rõ. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua tay bảo đừng. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu, thì thấy cậu nhoẻn miệng cười rất biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo trên tường, phía sau lưng tôi, rồi bảo với tôi: chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, còn bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó mới chợt hiểu. Hoá ra, cậu gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết mình có khả năng làm thế. Tôi cười với cậu và tỏ vẻ hiểu ý.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì còn nóng hổi. Cậu trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần nói: "Cha à, có mì rồi, cha ăn đi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy Cha nhé!" Nói rồi cậu bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát mì. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn thêm một chút cho no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi. Mai rày, thi đỗ đại học, sẽ làm người giúp ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn ấy, lại sáng lên một nụ cười ấm áp, rất hồn nhiên. Một điều khiến cho tôi ngạc nhiên không ít, đó là, cậu con trai kia không hề cản trở việc cha gắp thịt sang bát của mình, mà cứ im thin thít đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về chỗ cũ.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế, có một bát mì thôi mà bỏ vào đó biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay cái, lại mỏng manh chẳng khác gì xác con ve con. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu cho hết đây này. " "Ừ, ừ! con ăn nhanh lên, ăn mì thịt bò thực ra cũng nhiều chất đạm lắm đấy."
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ quán lại cũng ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con người khách. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa mới thái, bà chủ ra dẩu hiệu bảo cậu ta đặt lên bàn hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn con mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ, nói: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là món quà biếu khách hàng, nhân ngày vui. " Cậu trai cười cười, không hỏi gì thêm.
Cậu gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn chân hai cha con ra khỏi quán. Mãi đến khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ rất riêng.” (trích truyện kể lại cứ ê hề trên mạng vi tính, rất ý nghĩa)

Thật ra thì, truyện kể hôm nay chẳng ăn nhập gì với đề tài để bạn và tôi, ta bàn luận. Nhưng điểm đặc biệt đây, là: khi kể truyện, người kể vẫn muốn người nghe và người đọc là bạn hoặc tôi, ta suy tư về một sự việc. Sự việc ấy thế này: mọi chuyện trong đời đều có ý nghĩa riêng của nó. Riêng, để kể. Riêng, để nghĩ suy về đề tài ta bàn cãi. Chí ít, là những điều mang dáng dấp rất khô khan, đọng cứng của thần học.
Đi vào đề tài thần học hôm nay về những bước chân mòn “chầm chậm” của thánh hội suốt 50 trời, kể từ ngày có Công Đồng Vatican II, thì mỗi người và mỗi vị đều có ý kiến rất tư riêng, trổi bật khi thực hiện chuyện gì trong đời. Như đấng bậc sắp thành thánh là Đức Gioan 23 hoặc các đấng bậc vị vọng nào khác có tiếp nối con đường được Công Đồng Vatican II chủ trương hay không, mỗi vị đều có lý do riêng. Giống hệt các nhân vật trong truyện kể, ở trên.
Tóm lại, làm gì thì làm, vẫn xin thành viên của thánh hội ở cấp cao hay cấp thấp, hãy cứ đoan chắc rằng mình đã làm và đang làm mọi sự, cho mọi người. Để rồi, người người sẽ phổ biến tình thương yêu Chúa căn dặn, rất vô tư, thoải mái, phúc hạnh. Thế đó, là lý do của cuộc sống. Thế vậy, là lý lẽ của nhiều sự kiện trong thánh hội, ở trần gian lan man nhiều tình tiết.
Nghĩ thế rồi, xin hãy cùng tôi/cùng bạn, ta nhớ mãi lời dặn còn đó vang vọng sau đây:

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường.
Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính,
như Đức Giê-su là Đấng Công Chính.”
(1 Ga 3: 7-8)

Nghiệm thế rồi, ta cứ hiên ngang “đầu cao mắt sáng”, nghêu ngao mà hát. Hát, những lời ở trên vẫn lắng đọng trong đầu mọi người:

“Bài tình ca mùa Đông
hát mãi đôi môi lạnh câm
Lòng thì vẫn hẹn cơn đau nguôi ngoai,
Sao nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy ...”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)

Vậy thì, bài ca ấy có là “Bài Tình Ca Mùa Đông” hay không, xin bạn và xin tôi, ta cứ hát và hát mãi cho yêu đời. Hát rồi, tự khắc Mùa Xuân của mọi người vào mọi thời sẽ xuất hiện ở đâu đó, dù rất xa nhưng vẫn gần. Gần, người cầu mong trông đợi mùa Xuân. Gần, với tình yêu thương rất vĩnh cửu. Vẫn rất cần.
Trần Ngọc Mười Hai
Đã thấy Mùa Xuân Hội thánh
ở đâu đó đã đến gần.
Với người thân. Trong nhà Đạo.

No comments: