Chuyện Phiếm đọc vào Chúa Nhật thứ ba thường niên năm B 22.01.2012
“Khi em viết, tôi biến thành giấy bút”
“Bút tương tư, mực nhớ đến ai kìa?
Giấy từ cây, bút từ gỗ xa xưa
Mực từ nhựa, tôi từ em sống lại.”
(Nguyên Bích/Du Tử Lê – Hiến Chương Yêu)
(1Ga 4: 1)
Mấy ai biết, lời thơ anh viết những là viết bằng bút/bằng mực trên giấy/gỗ, lâu rồi biến thành “Hiến chương yêu”? Có người bảo: tình tự nơi thi ca/âm nhạc đầy “nhựa/mực” khiến cho tôi “từ em sống lại”, rất êm ái. Tôi, từ “Em sống lại” hay “biến thành giấy” lời thơ vui giúp tôi viết. Viết, để em ngâm. Ngâm, đôi ca từ ý nhị ở bài hát:
“Khi em lạnh, tôi biến thành ngọn lửa,
Đốt thương yêu, than nóng hực ân tình.
Khi em đọc, tôi biến thành chữ viết,
Cả nghìn chương, chỉ chép chuyện đôi ta.”
(Nguyên Bích/Du Tử Lê – bđd)
“Chỉ chép chuyện đôi ta”, là những chuyện mà bần đạo vốn những xục xạo đôi giòng chảy nhạc tình vẫn cứ trôi vào lời thơ đến phờ phạc. Để rồi, bạn bè thấy vậy, bèn bảo ban: “Sao bạn lại hành hạ mình đến như thế?”
Thật chẳng rõ, bần đạo đây lâu nay có tự hành hạ mình bằng giòng chảy uốn éo nhiều câu kéo, có vậy không? Nhưng, bần đạo xin thưa với bầu bạn là đấng bậc đang đọc những giòng này, rằng: nếu không có âm nhạc và lời thơ gửi từ bạn bè, thì bầy tôi nay cũng “bù trớt” chẳng làm sao có được nguồn hứng mà dông dài những phiếm cùng luận, vẫn rất bận.
Bận đến độ, có dịp là biến thành giấy/bút để hát tiếp lời ca da diết với ý nhạc:
“Khi em chết - cõi đời này phải hết
Không chỉ tôi, hoa cỏ cũng lên trời
Muông thú xa rừng,
Chim lạnh từng đôi,
Bao thế hệ vì em mà tàn phai.”
(Nguyên Bích/Du Tử Lê – bđd)
Thật ra, đã mấy người hiểu rằng: một khi nhà thơ đặt bút viết những lời như “khi em chết, là tất cả cõi đời này cũng phải hết”. Thì, bằng giòng chảy tâm tư, ta đem vào đó những tình tự đê mê đến là mệt mỏi! Như bần đạo, khi đã đặt bút phiếm loạn và phiếm bậy đôi lời, cũng chỉ hí hoáy đôi ba giòng cho hết chuyện, chứ nào dám bảo: “khi em chết”, đời anh cũng như cuộc đời của nhiều người sẽ hết chuyện để mà phiếm và kể lể! Bởi, ngoài tình yêu đôi lứa của những anh và em, còn nhiều thứ tình khác cũng khó tàn phai. Thế nên, bần đạo xin được ghi chép ở đây một truyện kể để mua vui và minh hoạ, trước khi ta đi vào đề tài phiếm. Truyện rằng:
“Bông hồng dù đỏ hay trắng cho Ngày của Mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng lại hay nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết nay nhớ về mẹ, thôi thì với bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà….
Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sàigòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở ngoại ô Hà Nội và mất ở đó.
Tôi đến thăm khi ông trở lại Sàigòn được vài tháng. Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng, nên tôi an ủi:
- Mất mẹ, tớ cảm thấy như thiêu thiếu thế nào ấy…
- Thiếu cái gì?
- Tớ muốn trồng dàn bầu hay dàn mướp ở sau nhà cho mát, trồng cây nào hay hơn vì tớ sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai… Hồi đó tôi mới xấp xỉ U 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Mấy chuyện vặt đó hỏi đâu chẳng được. Bây giờ thì tôi cảm được cái thiêu thiếu của ông thế nào rồi.
Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá thầy cô dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ. Mẹ nó chảy nước mắt:
-Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…
Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua. Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết mình tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở nói:
-May quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì…hì…”.
Nó tiếp tục quậy phá, nhưng kín đáo hơn, quậy phá cho đến khi vào lính vẫn còn, nên lãnh “củ” đều đều. Lần này thì chẳng ai nhẫn nhục thay cho nó. Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca đêm, ngồi uống rượu một mình, lướt “net”, đọc được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng, tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu…hu… qua điện thoại:
-Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần hẹn lữa, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…
Mẹ nó mất cũng gần 10 năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi! Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khỏa. Chén thù chén tạc, say túy lúy, cả bọn chuệnh choạng kéo nhau đi hát… karaoke. Thằng bạn cầm micro nói:
-Xin giới thiệu với anh em miệt Châu Đốc, thằng bạn tôi đây ở Sàigòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… “Bông hồng cài áo”… Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run… Nó khóc nấc lên.
Cách đây 2 năm, tôi ghé Châu Đốc dự đám tang mẹ nó… Lại một chuyện khác, lần này không phải thằng, mà là …bà già. Tôi có cô bạn người Ý cũng trạc tuổi như tôi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi chocolate, ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ chocolate, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Chocolate Tây thay cho nhang đèn Ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng 10 năm rồi.
Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm, mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có đồ gì ngon cũng để dành cho mình…
Mà có thằng con nào, dù có làm tới cái ông gì vĩ đại đến đâu, mà trưởng thành dưới con mắt của mẹ mình đâu nhỉ? Có thằng 6 bó rồi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi lại “Lại quên mang nón (bảo hiểm)”. Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói thêm thằng con «Mang theo áo mưa».
Tôi có thằng bạn trẻ người Đức chừng… 50, ra ngoài đường cũng bị bà già vói theo “Alex, quên mang dù!” Thằng này lúc nào cũng vênh váo tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: “Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả khác xưa nhiều lắm. Bả vui!”. Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.
Bông hồng đỏ hay trắng cho Ngày của Mẹ, với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xưa. Tuổi đời, tình đời trải miết, nay nhớ về mẹ, thôi thì với bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà…. Nụ cười của người già, dù là nghễnh ngãng, dù là mù lòa… nhớ lại, sao mà dễ thương chi lạ, nhớ xoáy tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Ước gì thời gian lùi lại, sẽ tìm cách ghẹo bà, để có nhiều hơn nụ cười móm mém như thế. Nụ cười của mẹ già là nụ cười mãn nguyện, con cháu chưa quên bà, vẫn ở bên bà. Tôi viết bài này, tặng cho các bạn trẻ U 30, 40.. gì đó. Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ.
Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và cứ hẹn lần. Thời gian chắc gì đã làm nguôi ngoai nỗi nhớ? Nhà thơ Nguyễn Khuyến có câu thơ khóc bạn: «Tuổi già giọt lệ như sương, hơi đâu ứa lấy hai hàng chứa chan».
Ừ, nếu giọt lệ già này mà nhớ mẹ, thì ray rứt biết chừng nào !” (trích bài viết có tựa đề “Những thằng già nhớ mẹ” qua điện thư cũng như trên mạng)
Thật ra thì, nơi cõi đời rất muốn “phiếm” này, người người vẫn cứ kể. Kể về chuyện còn hay mất mẹ, cũng đều kể về chuyện của mình. Của chúng mình. Hôm nay, bần đạo lục lọi ký ức để sẽ phiếm. Phiếm loạn về chuyện chúng mình, về anh về em, về những chuyện thoạt nghe thấy giống ca từ ở giòng nhạc bên dưới:
“Chuyện của hai người, chuyện của lứa đôi
Mặc kệ ai cười, mặc người bĩu môi
Có gì đâu, ta sẽ chết
Nhưng tình ta không chết
Vì mở đầu nhân loại: cuộc chơi riêng.”
(Nguyên Bích/Du Tử Lê – bđd)
Phiếm, câu chuyện của hai người hay nhiều người, bần đạo đây chẳng bao giờ chuyên trách những chuyện mách giúp này nọ, chỉ dám xin bạn/xin tôi, ta miễn cho nhau phần đáp trả. Chỉ xin phiếm nhẹ về đời mình/đời người và cuộc sống chung đụng của lứa đôi, tác hại hơn ly thân, lẫn ly dị.
Bởi muốn phiếm, nên vừa rồi, có khảo sát về đám trẻ vẫn sống bên mẹ mình, nhưng mẹ lại cứ sống chung với người khác, khiến tình huống nơi trẻ lại sẽ tồi tệ, rất nhiều bề. Khảo sát mang tựa đề: “Hôn nhân, sao trở thành vấn đề?” do Trung tâm Nghiên cứu về Gia đình Người Mỹ đặt địa bàn tại Đại Học đường Virginia, Hoa Kỳ có đôi ba nhận xét rất như sau:
“Xảy ra sự kiện là: hôn nhân ngày nay bớt liên kết vào với chuyện sinh con đẻ cái hơn thời trước, nên đám trẻ hôm nay chừng như rơi vào tình thế quay vòng vòng hết ở với người này lại bay qua ở với bậc trưởng thượng khác, các vị cứ đi ra rồi lại đi vào cuộc đời của chúng, đến chóng cả mặt.
Khảo sát phát hiện rằng: có đến 24% số trẻ sinh từ cặp phối ngẫu sống cùng giường, tức là trẻ nào sinh tự các cặp nam nữ chung với nhau vẫn nhiều hơn là tự người mẹ đơn chiếc, sống ở vậy.
Chuyên gia khảo sát là Bradford Wilcox thuộc Đại học Virginia, Hoa Kỳ đã tường trình là hiện tượng này còn cho thấy: bà mẹ nào chung sống với bạn khác, thì con của bà ít thấy mình được tin tưởng và ít thấy an toàn về cảm xúc trong quan hệ với nhiều người. Các em thiếu hoặc mất đi tính chung thuỷ về tình dục. Theo tác giả khảo sát thì kết quả cho thấy nhiều điều tồi tệ đem đến với cuộc sống của trẻ. Tác giả còn nói: giả như bậc cha mẹ trên lại sống như thể không cần hôn thú hoặc thủ tục này khác, thì cuộc sống của trẻ dễ bị sói mòn và không an toàn.
Đồng thời, qua phỏng vấn với phóng viên tờ Catholic News Service ở Denver cho thấy tình trạng sống của cha mẹ đã ly dị nay ở chung với người khác trong gia đình đang gia tăng đáng kể. Nhiều người lại cũng trải nghiệm chuyện ly dị của một thành viên trong gia đình và/hoặc thấy bạn bè từng ly thân ly dị cũng khá nhiều, đã khiến họ ngần ngại chuyện hôn nhân, hơn trước rất nhiều. Tuy thế, cũng có người thấy bậc cha mẹ tuy đã ly dị , nay lại quyết tâm xử sự khác đi bằng cách dấn thân hơn vào chuyện lập gia đình. Những người như thế nay gia tăng phấn đấu chuẩn bị cho hôn nhân của mình kỹ hơn bậc cha mẹ từng làm vào thời trước.” (x. Mark Pattison, National Catholic Reporter 25/8/2011)
Đọc những cảm nghiệm do nhà khảo sát kiêm tác giả Bradford Wilcox là phải nghe thêm lời ca ta vẫn nghe hát để không bị phân tâm bởi các hiện tượng xảy ra ở Mỹ. Chỉ khi nào mấy chuyện như thế xảy đến trên quê nhà người mình, thì khi ấy mới thấy bận tâm cần xem xét sự việc. Nói thế, là để chào mời bạn bè/người thân nghe tiếp đôi ba ca từ của nghệ sĩ vừa trích dẫn, rằng:
“Khi em khóc tôi biến thành nước mắt
Chảy giùm em - cho cạn nỗi ưu tư
Để mắt em xanh - để môi em mềm
Tôi thành lá giữa khi chiều sắp tối.”
(Nguyên Bích/Du Tử Lê – bđd)
Nghe nghệ sĩ hát lời đau buốt, có “nước mắt chảy giùm em” tưởng cũng nên nghe tiếp lời phát biều của học giả khác có tên là Garcia, Thư ký Trưởng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trả lời phỏng vấn trên tờ Catholic News Service đôi nhận xét sau:
“Ít năm gần đây, bà con thấy rõ sự kiện hôn nhân ở Mỹ có khoảng cách đáng kể. Nói khoảng cách, ý tôi muốn nói đến hiện tượng người có học hoặc khá giả đã có chiều hướng nay kết hôn nhiều hơn là những người không có lợi thế như họ. Nói cho ngay, thì người thuộc tầng lớp lao động ít có khuynh hướng lo chuyện cưới hỏi như lớp người nói ở trên. Về kinh tế, việc cưới hỏi vợ chồng cũng đem lại nhiều điều lợi. Thành thử, giả như giới lao động không đánh giá cao chuyện hôn nhân như trước, thì đấy mới thành vấn đề. Bởi, hôn nhân là cơ sở từ thiện giúp ta xây đắp giàu sang, lành mạnh cho chính mình.” (x. Mark Pattison, bđd)
Nói thế, là nói theo bản tường trình của Hội đồng Giám mục ở Mỹ. Còn, nói như bài viết có tựa đề nổi cộm như: “Sao chuyện vợ chồng lại trở thành vấn đề, đến như thế?” thì nói như thế này:
“Hôn nhân là quan hệ cần thiết rất tốt lành cho chúng dân. Nhưng nếu liên kết với các điều lợi về kinh tế, sức khoẻ, giáo dục và an toàn phúc lợi giúp chính quyền cấp lớn nhỏ từ địa phương cho chí tiểu bang và liên bang có thể phục vụ lợi ích chung cho những người đi đến hôn nhân nay trải dài đến người lao động, nghèo túng hoặc thiểu số trong 4 thập niên qua, thì ta sẽ thấy con số các vị có gia đình đã trở nên ngày càng suy yếu nhiều trong cộng đồng mọi giới.” (x. bđd)
Hội thánh vẫn giáo dục con dân mình rằng: mọi quan hệ dục tình ngoài hôn nhân đều mang tính phạm pháp, rất có tội. Giả như nam nhân nữ phụ nào sống chung với nhau tìm cách đi đến hôn nhân theo khuôn khổ luật buộc, theo cung cách chuẩn bị đi đến hôn nhân như giáo phận đề bạt, thì các thừa tác viên/mục tử cũng nên khích lệ các cặp nam thanh nữ tú nên sống riêng rẽ cho đến ngày cưới, mới là phải phép.
Thống kê của Uỷ ban Hôn nhân và Đời sống Gia đình cùng Giới trẻ thuộc Hội đồng Giám mục Mỹ cũng cho biết: “Hầu hết các cặp nam thanh nữ tú đến với Hội thánh Công giáo chuẩn bị hôn nhân đều đã có quan hệ gần gũi rất chung sống.” Thông kê chính thức của Giáo hội ở Mỹ cũng cho biết: vào năm 1974, có 406,908 cặp nam thanh nữ tú lập gia đình theo luật Hội thánh Công giáo. Năm 2011, số các cặp nam nữ lập gia đình theo luật buộc xuống thấp chỉ còn 170,172 cặp, mà thôi. Ngoài ra, khảo sát còn cho biết:
“Các cặp nam thanh nữ tú nay không theo qui tắc hôn nhân an toàn nữa, điều này không có nghĩa là vì sự việc như thế gây hại cho con trẻ sống với mình. Dù việc chung sống được nhìn theo khía cạnh gây nguy cơ tạo ảnh hưởng lên con cái về tâm lý và xã hội đi nữa, điều này không có nghĩa là các trẻ ở vào trường hợp như thế đều có kinh nhgiệm tồi tệ, hết.
Thống kê năm nay cho thấy: với lứa tuổi từ 6 đến 11, thì chỉ có chừng 16% số trẻ sống với cha mẹ không hôn phối đã có vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc. Dù sao, thì tỷ lệ này vẫn cao hơn số các trẻ sống với gia đình có cha hoặc mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi đi đến hôn nhân đàng hoàng, chỉ hơn có 4% thôi.” (x. bđd)
Tóm lại, lập trường của Hội đồng Giám mục Mỹ cho thấy: gia đình cưới hỏi đàng hoàng theo luật buộc sống an mạnh về sinh lý vẫn là tiêu chuẩn bằng vàng đối với các gia đình sống ở Mỹ. Lớp trẻ ở đây chừng như đang phấn đấu để sống đúng chức năng về kinh tế, xã hội lẫn tâm lý với gia đình theo cung cách chính đáng.
Nói cho cùng, thì phán đoán bài bản và chính mạch như đấng bậc nhà Đạo bao giờ chả phán và bảo như thế. Như thế cũng như thể chẳng quan tâm nhiều đến ý kiến phản hồi của bạn đọc trong tuần, như sau:
“Quả là phát giác kinh khủng. Tuy nhiên, có thể đây là trường hợp thống kê nói quá đáng về những tác hại do ly thân/ly dị hoặc do cha mẹ đơn chiếc gây ra, thôi. Thống kê thông thường do viện IIRC cho biết, thì 10% số trẻ sống với gia đình không bị gãy đổ cũng đang gặp rắc rối. Trong khi đó, có đến 15% số trẻ sống trong gia đình có bố hoặc mẹ đơn chiếc sống một mình cũng đang gặp khốn khó, thấy rất rõ. Khoảng cách biệt 50% cũng đáng để ta quan tâm. Dù gì đi nữa, thống kê khác cho thấy cũng có nhu liệu đích đáng để bảo rằng phần đông 90% lớp trẻ sống vui vẻ là thuộc gia đình không bị hề hấn vì chuyện ly thân ly dị.
Tiếp tục ý kiến phản hồi rất chầm chậm trên báo, lại có lập trường của người khác, như sau:
“Thế, chuyện xách nhiễu tình dục trẻ em thì sao? Nhiều trẻ vẫn bị các nam nhân đang chung sống cứ là gạ gẫm mó sờ nhiều hơn người dưng nước lã sống ở ngoài, thì sao đây?”
Người đọc có hỏi nhiều như thế, cũng chỉ là hỏi để mà hỏi, chứ đã nào nhận được câu đáp trả từ đâu đó. Hỏi, cũng chỉ để tự nhắc nhở mình về những khuyên hoặc bàn luận từ đấng thánh nhân hiền, vẫn cứ bảo:
“Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin,
nhưng hãy nghiệm xét các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa không,
vì có lắm ngôn sứ giả xuất hiện trên thế gian này.”
(1Ga 4: 1)
Nói như thánh nhân không phải là nghi kỵ hết mọi ý kiến của khảo sát thống kê hay báo cáo với tường trình, mà là cẩn trọng với mọi đường lối hoặc cung cách thăng tiến lẫn nhau. Thăng tiến, trong tình thương yêu nên có Chúa hướng dẫn và ngự trị. Cẩn trọng và xem xét cho kỹ, rồi nghe thêm lời trần tình của nghệ sĩ, mà ngâm nga, những là ca hát:
“Chuyện của hai người, chuyện của lứa đôi,
mặc kệ ai cười, mặc người bĩu môi.
Có gì đâu, ta sẽ chết,
nhưng tình ta không chết
vì mở đầu nhân loại: cuộc chơi riêng.”
(Nguyên Bích/Du Tử Lê – bđd)
Chao ôi! Sao lại tình tứ thế nhỉ? Dù người tình có chết đi, nhưng tình người đâu chết được, mà chỉ là mở đầu bằng cuộc chơi riêng, mà thôi. Cuộc chơi riêng, có là cuộc đời của riêng ai, một mình hoặc qua chung sống, vẫn là cuộc chơi của người đời. Của tôi. Của bạn. Rất để đời.
Trần Ngọc Mười Hai
lâu nay từng ngẫm nghĩ:
chẳng cuộc chơi nào là riêng rẽ.
nhưng cứ là ân huệ Bề Trên gửi đến vẫn cho tôi.
Cho mọi người.
Ở đời.
No comments:
Post a Comment