Saturday 9 July 2011

“Đừng trách người ơi, tội thân em!”

“làm sao bắt con tim vâng lời,

làm khổ đời nhau, gì vui đâu,

một khi thế gian này điên đảo.”

(Lê Hựu Hà – Đừng Trách Người Ơi)

( 1P 4: 12-14)

Đi vào đời, đôi lúc bần đạo cũng nghĩ như thế. Tức, không dông dài kể lể những chuyện trách móc, “tội thân em”. Cả chuyện “làm khổ đời nhau, (có) gì vui đâu”? Bởi, “một khi thế gian này (đã) điên đảo”, thì chuyện trách và móc chỉ lao xao. Ồn ào. Nhiều lý sự. Thứ lý sự, dẫn đến cãi tranh/biện luận để rồi tối tối ngồi nghĩ lại, thấy mình cũng hơi quá. Quá trớn. Quá lời. Và, quá đáng chăng?

Hôm nay, nhớ lại bài hát của nghệ sĩ nhà họ Lê đã bao gồm nhiều ca từ làm ta suy nghĩ:

“Có những điều mà con tim,

Vì say đắm hóa ra yếu mềm

Để bây giờ dù thương đau

Đành im tiếng ...”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Những điều khiến con tim hoá “ra yếu mềm”? Phải chăng vì: say đắm? Để rồi đành im hơi, lặng tiếng? Phải chăng, nghệ sĩ mình cũng có nỗi sầu riêng bóng, nên mới nhủ:

“Nỗi đau này, nào riêng ai

Tình kia đã khát khao tháng ngày

Để bây giờ nhìn ngoảnh lại

Chẳng ai còn đây…”

(Lệ Hựu Hà – bđd)

À thì ra, những sự và việc khiến người/khiến mình “nhìn ngoảnh lại” thấy “chẳng ai còn đây”! Chẳng còn ai” và “chẳng ai còn…”, phải chăng là đoạn đường dài đời đi Đạo, người cũng thấy ít hăng say tỏ bày nỗi bất đồng với Hội (rất) thánh trên cao tít, ở Giáo triều? Hoặc, các “Đấng” nay bị chiếu cố. Tố khổ, thế cũng tội!?

Quả là, ở với đời tưởng chừng chiêm bao, vẫn nhiều “cay đắng lẫn ngọt ngào”, “con tim dại khờ (cứ) nung nấu!” Những tim con hôm nay không chắc đã dại khờ, nhưng vẫn nung nấu một tình thơ, người đều ghi tạc:

“Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách:

đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em.

Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu,

anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.”

(1P 4: 12-13)

Nghe thánh nhân chịu nhiều chê trách/tố khổ, phải chăng đó cũng là thân phận của đấng bậc ở trên cao, vẫn được gọi là Đầy-Tớ-của-các-đầy-tớ-Chúa? Phải chăng đó còn là ý nghĩa của câu hát:

“Đừng hỏi vì sao mình yêu nhau

Nào ai biết đâu mây xanh mầu

Đừng hỏi tại sao mình xa nhau

Làm sao giữ được làn hư ảo.”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Nói gần nói xa chẳng qua nói… liền. Nói lập tức. Tức, nói về sự kiện gây khúc mắc xảy đến với giáo phận Toowoomba, ở Úc. Trước nhất, hãy nói về một tin tức như sau:

“ĐGM Bill Morris, chủ quản giáo phận Toowoomba có ra một thông báo bảo rằng: ngài phải đệ đơn từ chức là vì sức ép của La Mã từng tạo nghiệt ngã cho giáo phận ở đây...

Bày tỏ về tai tiếng trong các vụ ấu dâm và cung cách giải quyết vấn đề không nghiêm túc, khiến Hội thánh Úc bị tê bại, ĐGM Morris cũng đã làm động tác giống nơi khác, tức: làm gương sáng cho nhiều người. Khi xảy ra các vụ phàn nàn về hành xử của một số linh mục ở Úc đã sai trái, GM Morris rất cương nghị. Ngài là một trong các giám mục đầu tiên ở Úc chấp nhận trách nhiệm pháp lý về các “xách nhiễu tình dục” trong giáo hội sở tại.

Rõ ràng là, việc cách chức ĐGM Morris tạo nên những mất mát không nhỏ, không chỉ cho cộng đoàn TooWoomba thôi, mà còn gây “mất đoàn kết” trong Hội thánh nữa…” (x. Lm Andrew Hamilton sj, www.eurekastreet.com.au 02/05/2011)

Hai ngày sau, cũng vị giáo sư thần học nổi tiếng Dòng Tên ở Úc, lại có thêm một giòng chảy:

“Việc ĐGM Morris bị áp lực phải hồi hưu tạo nhiều vấn đề, khá khúc mắc. Rất khó giải. Bởi, chứng cứ đưa ra để chống lại ngài và các ước định xuất phát từ đó, không được phổ biến công khai để mọi người biết.

Thư luân lưu ĐGM Morris gửi cộng đoàn giáo phận Toowoomba trước khi ngài về hưu, đề cập đến vấn đề khá bức bách. Trong tư có đoạn viết: “Tôi chưa được đọc bản cáo trạng cũng như thủ tục tố tụng lẽ đáng ra phải được vị Kinh Lược là TGM Charles Chaput trao cho tôi, nên sự việc này không những không giải quyết được gì mà còn chối bỏ quyền pháp định thông thường khả dĩ cho phép tôi có được người bào chữa chính đáng để biện hộ. Đức Giáo Hoàng cũng xác nhận điều ấy khi ngài nói với tôi: “Giáo luật không trù liệu thủ tục pháp lý nào dành cho giám mục được Đấng Kế vị thánh Phêrô đề cử hoặc cách chức, cả.”

Người ngoài cuộc, thường qui chiếu hệ thống pháp lý của Anh để thấy rằng vụ việc kể trên chừng như vẫn thiếu xót thủ tục pháp lý và công lý rất cần; do đó, có thể coi đây như một vụ tai tiếng khác. Dĩ nhiên, hệ thống pháp lý của Hội thánh không dựa trên luật của Anh, trái lại còn đi xa và đi ngược lại. Cũng có thể, hệ thống này đưa ra một bảo đảm về luật pháp mà người ngoại cuộc không nắm bắt, chăng?

Sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp lý trên vẫn khiến cho các quan sát viên Công giáo có thắc mắc: sao Đức Giáo Hoàng lại chối từ một thủ tục pháp lý như thế, cho đúng với cương vị của ngài? Có vị còn nghĩ: có thể mọi người cho là: ở cương vị tối cao của ngài, Đức Giáo Hoàng được miễn không cần theo thủ tục pháp lý thường có, đối với hệ thống pháp luật khác.

Muốn hiểu được quan điểm của Đức Giáo Hoàng, có lẽ cũng nên ngược giòng về với Tin Mừng, để thấy được là vị trí của Đức Giáo Hoàng là dựa trên chức năng của thánh Phêrô đối với 12 Tông đồ, được Chúa chọn. Theo đó, mọi người hiểu là: Đức Giám Mục thành La Mã có quan hệ với các giám mục địa phương cũng tương tự như quan hệ giữa thánh Phêrô và các thánh Tông đồ. Thánh Phêrô là một trong nhóm 12 Tông đồ Chúa, nhưng ngài lại được Chúa chọn làm thủ lãnh các vị ấy. Thánh nhân có trách vụ củng cố anh em đồng môn để chung sống và rao giảng Tin Mừng.

Điểm tương đồng giữa vai trò của Đức Giáo Hoàng và thánh Phêrô đề ra một điều là quyền hạn Đức Giáo Hoàng là quyền riêng của ngài, không cần có sự đồng thuận của các giám mục, khi ngài quyết định việc gì. Qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn tìm cách hạn chế quyền của Đức Giáo Hoàng bằng cách đặt quyền hạn ngài dưới quyền của Hoàng Đế và các Hội đồng/Ủy Ban trong Hội thánh, có được sự đồng thuận từ các giám mục. Các hạn chế như thế đã không thành công trong việc đặt nền tảng giảm thiểu tầm mức quan trọng của Đức Kitô trao ban quyền cho thánh Phêrô; và qua đó, cho Đức Giáo Hoàng, để ngài củng cố sự hiệp nhất niềm tin của Hội thánh, trên hoàn vũ.

Việc ĐGH Bênêđíchtô XVI tuyên bố ngài có quyền bổ nhiệm cũng như cách chức bất cứ giám mục nào dưới trướng, mà không qua thủ tục pháp lý, phản ánh sự việc lâu nay Giáo hội Phương Tây cố bảo vệ quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng. Đặc trưng về quyền mà thánh Phêrô có, tức: Đức Giáo Hoàng không lệ thuộc vào luật Hội thánh khi ngài sử dụng quyền tài phán. Quan điểm này, quả cũng cứng như kim cương.

Tuy nhiên, dù Đức Giáo Hoàng có quyền cách chức các giám mục trong các trường hợp có thể, cũng vì ích lợi cho ngài và cho Hội thánh do ngài phục vụ. Làm như thế, là để khuyến khích sự hiệp nhất trong lòng tin. Việc khuyến khích, có gia tăng hoặc giảm bớt quyền bính là tuỳ tâm trạng người Công giáo có tin là ngài sử dụng quyền bính một cách khôn ngoan và có trách nhiệm không.” (x. Lm Andrew Hamilton sj 04/05/2011)

Nên chăng, ta hát thêm lời ca làm nhẹ bớt tình trạng gay go/khốn khó, với nghệ sĩ:

“Xin trả lại từng trăng sao Từng câu nói yêu thương ban đầu Mơ đã tàn, mộng đã tan Chẳng ... nợ ... gì ... nhau.”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Hát, là hát câu “trả lại trăng sao”, “chẳng nợ gì nhau” như thế. Nhưng thực tế, sự việc đâu nào giản đơn. Chí ít, về “hiệp nhất trong niềm tin”, khi sự tin tưởng bị sứt mẻ, như đấng bậc trên còn viết:

“Phản ứng trước việc toà thánh La Mã thúc ép ĐGM Morris về hưu non, các giám mục ở Úc đã hành xử khá đẹp như mọi người trông chờ. Các vị khẳng định: Đức Giáo Hoàng có quyền cách chức giám mục và nói lên cung cách tư riêng và phẩm chất mục vụ của vị ĐGM Morris. Các ngài đã báo cáo tình trạng xảy đến sau việc cách chức và hứa sẽ nêu vấn đề thủ tục pháp lý với Đức Giáo Hoàng.

Chất giọng trong báo cáo cũng đem lại hy vọng là các Giám mục Úc hứa duy trì quan hệ cá nhân với ĐGM Morris vẫn cần thiết hơn ngôn từ qua lại. Tuy nhiên, trên hết mọi sự, điều quan trọng là nên coi xem giáo phận Toowoomba đặt tin tưởng thế nào vào việc quản cai giáo phận. Một điều ai cũng thấy, là: những đổi thay về văn hoá nói chung, đã ảnh hưởng lên thể chế, cả giới cầm quyền trần thế lẫn giáo hội.

Thực tế cho thấy nhà cầm quyền nào cũng dựa vào sự âm thầm tin tưởng của dân chúng nếu việc quản cai vẫn trôi chảy. Thông suốt. Không có được sự tin tưởng, hẳn là sẽ chẳng ai tuân thủ luật pháp. Một khi không còn ai tin tưởng nữa, thì xã hội sẽ bị đình trệ. Mất ý thức về lợi ích chung. Người người sống lệch hướng và giới cầm quyền sẽ cai trị bằng ức chế. Đàn áp. Thống trị. Và quan chức có trọng trách quản cai lớp người ở dưới sẽ biến chất và mất hứng quản trị.

Vì mất sự tin tưởng, mà các thể chế ở Đông Âu khi trước, và bây giờ là các nước ở Trung Đông, đang bị lật đổ. Lãnh tụ chế độ phải nại vào phương tiện truyền thông tối tân để khai phóng hình ảnh mình và các giá trị mình tiêu biểu. Nhân cách đã trở thành diện mạo của chế độ; và từ đó, đảm bảo có được sự cai trị tốt đẹp.

Trường hợp ĐGM Morris bị ép buộc về hưu non sẽ nhận rõ hơn, nếu ta nhìn vào bối cảnh rộng lớn. Giáo hội Công giáo chịu ảnh hưởng từ các đổi thay về truyền thông. Cách riêng, vào triều đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, khi giới chức cầm cân nảy mực đã nhịp nhàng cân nhắc tổ chức các chuyến đi ra nước ngoài cho Đức Giáo Hoàng cốt để thăng hoa hình ảnh của vị Giáo Hoàng đương đại, cũng như đẩy mạnh giá trị lãnh đạo Giáo hội, bằng vào tập trung nhấn mạnh lên nhân cách của ngài.

Tập trung như thế, đương nhiên kéo theo những suy luận và đồn đoán sẽ có sự ăn khớp giữa hình ảnh về Đức Giáo Hoàng và các giám mục. Và làm thế, có thể sẽ nói lên quyết tâm của các ngài về việc trở với giá trị Tin Mừng mình rao truyền? Và từ đó, hình ảnh giáo hoàng của ngài đã trở nên không thể kềm chế được nữa. Chất xúc tác từng tạo ra cái nhìn trải rộng khắp nơi, cho thấy: hình ảnh về Giáo hội và thực tại cuộc sống đúng Tin Mừng, không còn ăn khớp với nhau nữa. Điều này lại được truyền thông/báo chí khai thác tối đa, qua các vụ tai tiếng liên quan đến “xách nhiễu tình dục” trong Giáo hội, mà một số Giám mục đã xử lý không đúng cách, trong đó phải kể cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nữa. Chừng như, hôm nay, Giáo hội đặt trọng tâm khá nhiều không còn vào con người nữa, mà vào lợi ích của thể chế, thì đúng hơn.

Việc Toà thánh La Mã đối xử với ĐGM Morris như vừa kể, đã dẫn đến nguy cơ làm mờ nhạt hình ảnh tốt đẹp mà Giáo hội muốn có. Bởi lẽ, câu chuyện về đấng bậc nhân hiền ở giáo phận quyết tâm khuyến khích Giáo hội hành xử cho đúng đắn và kiên định khi phải đối đầu với tai tiếng, lại bị cấp trên của mình cách chức bằng một thủ tục hành chánh, thiếu trong sáng. Những thứ đó cộng lại, càng làm cho nhiều người mất tin tưởng vào Giáo hội. Và, càng làm cho những người này đi đến kết luận là: Giáo hội nay chọn lựa cung cách đối xử theo kiểu của nhà độc tài, toàn trị.

Rõ ràng là, với phần đông người Công giáo hôm nay, Đức Giáo Hoàng và các giám mục vẫn là trọng tâm để họ đặt tin tưởng. Mọi người vẫn gắn bó với Giáo hội, vì họ đã gặp Chúa khi nối kết thiết thân với Kitô-hữu khác. Những vị như thế, dám có ý nghĩ là toà thánh La Mã và các giám mục địa phương vẫn có cái nhìn tốt về Hội thánh, nhưng họ ít quan tâm đến quan hệ của các đấng bậc ở trên.

Tuy thế, với nhiều người, chí ít là các vị sống tại giáo phận Toowoomba, nhất là những vị có tâm thức cao, thì việc cách chức ĐGM Morris đã và đang xói mòn dần sự tin tưởng vào Đức Giáo Hoàng và các giám mục.

Thật ra, thì các ngài vẫn là hình ảnh của Hội thánh và vẫn quyết tâm gắn bó với Tin Mừng. Nhưng, vấn đề là giá trị của Tin Mừng và của xã hội ta đang sống có phản ánh qua cung cách của những người ở trong đó, đối xử tốt với nhau không? Và, vấn đề còn lại, là: làm sao ta có thể tuyên dương Tin Mừng cũng như đề cao giá trị tốt đẹp của Lời Chúa, khi xã hội ta đang sống vẫn đầy những nghi kỵ. Đã mất tin tưởng về nhiều thứ? (x. Lm Andrew Hamilton www.eurekastreet.com.au 15/5/2011)

Thế đó, là nhận định của đấng bậc giảng dạy thần học tại Đại Học Liên Dòng ở Melbourne, Úc. Ở đây, có lẽ cũng nên thêm đôi điều từ một thông tin về thư mục vụ của ĐGM Morris gửi cộng đoàn trong giáo phận Toowoomba, Úc:

“Thư mục vụ Mùa Vọng 2006 được coi như bước khởi đầu cho cuộc tranh cãi về việc cách chức ĐGM William Morris, trước nhất đề cập đến kế hoạch cung cấp lãnh đạo cho tương lai giáo phận trong tình hình các thánh lễ và số linh mục hiện đang giảm sút.

Qua thư gửi cộng đoàn kẻ tin trong giáo phận, ĐGM Morris thông báo rằng đến năm 2014, giáo phận Toowoomba sẽ chỉ còn 6 linh mục ở độ tuổi 65 hoặc trẻ hơn có địa bàn làm việc ở giáo xứ, và hiện nay chỉ có 3 linh mục tuổi từ 61-65 và tám vị ở độ tuổi 66-70. ĐGM Morris dự kiến đến năm 2014, sẽ chỉ có hai linh mục ở tuổi 65 và trẻ hơn, hai linh mục ở tuổi 66-70 và một giám mục ở độ tuổi 70-75 thôi.

Khi thông báo tình hình khá bi đát như thế, ĐGM Morris đã viết một đoạn thư ngắn, và có lẽ đoạn này đã làm ngài mất chức. Đoạn ấy như sau: “Tuy chúng ta vẫn tin vào tính ưu việt của Tiệc Thánh Thể cũng như sự liên tục và sống còn của cộng đoàn giáo xứ, có lẽ ta cũng nên cởi mở hơn, với các giải pháp chọn lựa khác, để đảm bảo rằng Tiệc Thánh vẫn được tiếp tục cử hành như xưa. Ý kiến mà cộng đoàn thế giới cũng như trong nước và tại khu vực đã đề cập, có thể ta cũng nên nghĩ đến việc: phong chức cho các nam nhân nào đã có gia đình, còn độc thân hay goá vợ, đã được cộng đoàn giáo xứ tuyển chọn và xác chứng. Cũng nên tiếp nhận các cựu linh mục hồi tục, đã có vợ hoặc còn độc thân, để họ quay về làm mục vụ. Nên phong chức cho phụ nữ đã lập gia đình hoặc còn độc thân; và cũng nên công nhận các dòng tu của Giáo hội Anh giáo, Thệ phản Luther và Giáo hội Hiệp nhất. Ta nên đẩy mạnh một cách chủ động việc đề cao bậc độc thân của chức linh mục; và mở rộng tay mời đón các linh mục từ nước ngoài đến công tác mục vụ, ở giáo phận.”

Trong buổi phỏng vấn khác có thu hình, ĐGM Morris công nhận là thư Mục vụ 2006 của ngài nói hơi mạnh như thể ngài “ôm đồm nhiều quá”, khi đề nghị Toà thánh nên phong chức cho phụ nữ và nam nhân nào đã có vợ, mới có lợi. Nhưng, ngài vẫn cương quyết nói: “dù sao, ta vẫn phải sống trung thực với chính mình.”

Ngoài ra, khi được hỏi có thể nào Toà thánh sẽ dành cho ngài một thủ tục pháp lý để khiếu kiện chuyện thúc ép về hưu non chăng? thì ĐGM Morris trả lời: “Đến lúc này, đa số các giám mục chúng tôi mới được bảo cho biết là không có thủ tục nào như thế cho các giám mục. Trước đây, chúng tôi không hề tưởng tượng có những chuyện như thế hết.” Và, ĐGM Morris cũng cho biết là ngài cũng đã có buổi gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI trong vòng riêng tư, nhưng không kết quả. Đại để, câu nói của ngài là thế này: “Mình cũng chẳng tranh luận được gì. ĐGH có lập trường của ngài, mình lại có lập trường của mình. Cũng như thể, lập trường của ai người nấy giữ.” Trong một lần khác, ngày 3/5/2011, ĐGM Morris có nói với phóng viên báo chí rằng: Toà thánh có điều tra việc ngài “quá cởi mở” “ôm đồm nhiều thứ” khi viết thư luân lưu cho giáo phận mình. Và ngài có nói là: ngài cũng không quá gắn bó với các đề nghị ghi trong thư luân lưu, mà chỉ muốn bà con lưu ý về các tranh luận diễn ra trong Hội thánh, thôi.” (x. Tom Roberts & Joshua J. McElwee, GM Morris: Sống Trung Thực Với Chính Mình www.ncronline 05/05/2011)

Quả là, thế giới bao giờ cũng có lời ra tiếng vào về những quyết định hoặc hành xử của Toà thánh. Trong số các điều tiếng ấy, phải kể đến ý kiến của đấng bậc khác cũng trên báo điện NCR ngày 06/06/2011, như sau:

“Trên thế giới, nhiều nguời Công giáo vẫn cứ tin là Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI, với tư cách là Giám Mục thành La Mã, đã được Chúa trao cho quyền được phép không chỉ đề cử thôi mà còn có quyền cách chức các giám mục trong Giáo hội La Mã nữa. Đây là nhận định sai. Việc cách chức GM Morris cho ta cơ hội để tìm hiểu thêm về cơ chế của Hội thánh. Ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo hội, các giám mục là đấng chủ quản do hàng giáo sĩ và giáo dân bầu ra, cho giáo phận. Trong đó, phải kể cả Giám mục thành La Mã, tức Đức Giáo Hoàng. Thế kỷ thứ 3, thánh Cyprianô lúc ấy là Giám mục thành Carthage miền Bắc Phi Châu, đã làm chứng cho việc bầu cử như thế.

Năm 325, Công Đồng đại kết đầu tiên họp tại Nicê, đã thấy có khác biệt giữa Giáo hội Đông Phương và phuơng Tây. Ở phương Tây, tiếng nói và ước muốn của hàng giáo sĩ và giáo dân mang tính qui tắc, đúng luật. Nhưng càng về sau, các giám mục ở địa phận kế cận, lại đưa thêm vào đó, nhiều dự liệu. Ở phương Đông, từ ngày Hoàng đế Constantine đưa giáo đô La Mã về lại Constantinople, thì quyền lực của giáo sĩ và giáo dân được chuyển qua cho giám mục. Nhất là các vị tổng giám mục chính toà.

Giữa thế kỷ thứ 5, ĐGH Lêô Cả, có đề ra nguyên tắc sau đây: “Đấng bậc nào quản cai mọi người đều phải do mọi người bầu lên.” Nhưng, vì lý do chính trị, vai trò của hàng giáo sĩ và giáo dân trong việc bầu giám mục sở tại, đã chấm dứt, cuối ngàn năm thứ I.

Đến thế kỷ 11, là thời có cuộc Cải cách do ĐGH Grêgôriô Cả thiết lập, đó là lúc mọi quyền lực đều tập trung vào Giáo hoàng. Lúc ấy, cũng có nhiều vận động nhằm tái tạo thực quyền của giáo dân như khi trước, nhưng không thành. Đằng khác, thời bấy giờ các giám mục chung quanh đóng vai trò khá trọng yếu trong việc bầu giám mục. Và thực tế, quyền hành đã chuyển về Giáo Hoàng và vua quan hoặc các ông hoàng, rồi.

Kịp đến đầu thế kỷ 19, theo giao ước được ký kết giữa Hoàng đế Napôlêon của Pháp và ĐGH Piô VII, thì chỉ Đức Giáo hoàng mới có trọn quyền đề cử hoặc cách chức giám mục thuộc Hội thánh Công giáo, mà thôi. Hệ thống này vẫn tồn tại đến hôm nay, nhất là từ niên biểu 1917, năm Hội thánh ban hành Bộ Giáo Luật (x. Gl 329, điều 2).

Ngoại trừ một số ngoại lệ, còn thì các giám mục đều được chỉ định, do các giám mục địa phương đề nghị đưa tên tuổi cho Sứ thần Toà thánh để rồi vị này chuyển về Giám-mục-đoàn kèm theo đề nghị cuối của vị ấy, mà trình lên Đức Giáo Hoàng để ngài có quyết định chung cuộc. Nói cho cùng, nhiều vị nghĩ rằng: thể thức chỉ định và cách chức giám mục trong Giáo hội là do ý Chúa. Nhưng thực sự không phải thế. Sự việc cách chức ĐGM Morris ở Úc, phần lớn là sản phẩm của giao ước đạo ký vào năm 1801 giữa Hoàng đế Napolêon và ĐGH Piô VII. Chúa không nhúng tay vào các chuyện này.

Có lần ĐHY Leo-Jozef Suenens, là vị Giám mục tên tuổi rất sáng chói thời Công đồng Vatican II có viết: “Xin mọi người nhớ cho rằng Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện không sai sót trong Hội thánh, qua sự lần mò, yếu kém của con người. Và Ngài vẫn tạo sinh khí cho con người ngay trong Giáo hội, để Giáo hội nhận được luồng gió mát Ngài thổi, nhân lễ Ngũ Tuần, ngay từ đầu.” Và đó cũng là lời nguyện ước của mọi người: “Lạy Thần Khí Chúa xin hãy đến!” (x. Lm Richard McBrien www.ncronline.org 06/06/2011)

Nói chung, thì đúng là Thần Khí vẫn làm việc. Và, việc Ngài làm, nhiều lúc con người khó cảm thông, hoặc đồng ý. Vấn đề còn lại, là: tôi và bạn có tin thế không mà thôi. Cuối cùng, có lẽ cũng nên qui về lời của vị thánh cả của Hội thánh, vẫn dặn dò:

“Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc,

bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền,

là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.”

(1P 4: 14)

Xem thế thì, cả ĐGM Bill Morris lẫn Hội thánh ta đều “có phúc có phần, chẳng cần gì lo”. Chí ít, là “lo con bò trắng răng”! Vẫn muôn năm.

Trần Ngọc Mười Hai

Hằng tâm niệm

một điều

ra như thế.

No comments: