Friday, 6 May 2011

“Nghe tiếng thời gian âm thầm đưa,

ngẩn ngơ thương nhớ đến cung đàn xưa…”

(Hoàng Trọng – Một Thuở Yêu Đàn)

(2 Th 3: 13-14/2Th 2: 13-17)

Ở đời thường, người nghệ sĩ luôn hát thế. Cũng không lạ. Chỉ hơi lạ, là ở nơi Hội thánh, giáo dân mình rày xử khác. Khác, trong nghĩ suy, tư duy. Hành xử. Khác nữa là, cũng tin và yêu, không chỉ mỗi cung đàn, dù “ngẩn ngơ”, “thương nhớ” chiên bầy lớn/nhỏ, của Hội thánh.

Tin, yêu và nhớ cũng rất nhiều. Nhớ, đến người bạn viết mang tên Flannery O’Connor ở đâu đó, vẫn từng nói: “Chúng ta khổ sở không ít vì Hội thánh hôm nay tràn ngập những thắc mắc/ưu tư từ bạn bè/người thân vẫn cứ bảo: sao bạn lại vẫn tin vào Hội thánh, đến như thế?”

Hôm nay, ngồi ở đây bên này, bần đạo hèn là tôi, chứ không phải bạn, những bạn đạo thân quen trong Hội thánh, suy nghĩ rất “lung” về phản ứng với phản hồi cũng không nhỏ khi tưởng nhớ vị cha già giáo chủ nay được phong làm Chân Phước, rất Gioan Phaolô II.

Gọi là phản ứng với phản hồi rất hăng say, khác nào nghệ sĩ khi xưa vẫn cứ hát:

“Ai biết thương nhớ không bao giờ nguôi,

lạnh lùng trong cánh lá khô nhẹ rơi,

tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi

đêm đêm dõi bóng một ngưới

Tôi đi tìm thuở xa xôi.”

(Hoàng Trọng – bđd)

Hát theo đuôi người nghệ sĩ, mà lại bảo “đêm đêm dõi bóng một người, tôi đi tìm thuở xa xôi”, thì các vị thân cận với thánh nhân nhà Đạo mới làm thế, chứ bần đạo bọn tôi nay chẳng dám múa bút cùng viết mực, mà nhi nhô những điều rất “sáo ngữ” hầu ca tụng tình thương của nhà Đạo tỏ bày với Đức Chúa, mới gần đây.

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, rằng: mới gần đây, truyền thông/báo đài lại đã ca tụng đấng bậc rất vị vọng nhà Đạo vừa trở thành Đấng Chân Phước cũng rất thánh ở cõi trên, bần đạo đây dám xin ngả mũ chào, rồi nhào vô a dua, nói leo và nói trèo bằng đôi câu hát, rất lạc giọng. Lạc cả cung đàn, để theo đóm ăn tàn, bằng câu kết được nghệ sĩ viết:

“Tiếng xưa còn đó,

Gió trăng còn đó,

Thấy đâu người xưa.”

(Hoàng Trọng – bđd

Cũng chẳng biết “người xưa” của nghệ sĩ họ Hoàng, tìm đâu thấy. Chứ, người xưa và cũng là người nay rất nổi cộm của thế kỷ, nay đã thành thánh nhân thời đại, được người người đề cao, bằng lời lẽ rất tốt đẹp không để đâu cho hết.

Và hôm nay, trong vui say tản mạn với ý/lời quyết nâng cao niềm đạo hạnh, bần đạo có ý định tìm đến lời “thơ” hôm trước của thánh Phaolô từng nhắc bảo người anh em đồng Đạo rằng:

“Thật vậy,

tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt,

và không có gì phải loại bỏ,

nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ,

vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hoá những thứ đó.”

(1Tm 4: 4-6)

Hôm nay, bần đạo là tay khờ khạo chẳng dám múa hót điều gì cao siêu nhiệm mầu, mà chỉ dám xin trích dẫn đôi lời rất “thơ” của Hội thánh ở Úc, chung quanh vụ án phong chân phước cho đấng bậc vị vọng của Giáo hội. Trước nhất, là lời của Đức đương kim Giáo Tông:

“Anh Chị Em thân mến,

Cách đây sáu năm, chúng ta tập trung tại Quảng trường này để cử hành thánh lễ an táng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Niềm đau của chúng ta vì mất ngài thật sâu sắc, và càng lớn hơn nữa, đó là tâm tình tri ơn vô bờ của chúng ta bao trùm cả thành Rôma và toàn thế giới: niềm tri ơn ấy, cách nào đó, chính là hoa quả từ toàn thể cuộc đời vị tiền nhiệm của tôi, cách riêng từ chứng tá đau khổ của ngài, và bằng nhiều cách Dân Chúa đã bày tỏ niềm tôn kính ngài. Vì vậy, với tất cả sự tôn trọng các chuẩn mực về phong thánh của Giáo Hội, tôi đã mong muốn tiến trình phong Chân Phước cho ngài được xúc tiến nhanh chóng một cách hợp tình, hợp lý. Và hôm nay, ngày mong đợi đã đến; ngày này đến nhanh bởi vì đây là điều đẹp lòng Chúa: Gioan Phaolô II đuợc chúc phúc!” (x. Bài Giảng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong thánh lễ phong chân phước Đức Gioan Phaolô II, Thiên Phong dịch từ trang www.vatican.va, đăng trên www.conggiaovietnam.net ngày 2.5.2011)

Rõ ràng là, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nêu lý do tại sao Hội thánh lại nhanh chóng thực hiện tiến trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, là điều rất phải. Nên, dân con nhà Đạo nói chung cũng chẳng có gì, để thắc mắc. Thắc mắc, mà làm gì khi Đức Thánh Cha đã nói thật và nói rõ: “Ngày này đến nhanh, bởi vì đây là điều đẹp lòng Chúa”. Xem thế thì, đa số dân con và đấng bậc trong Hội thánh Công giáo, đều đồng lòng và cảm thông với “điều làm đẹp lòng Chúa”, như thế.

Cảm thông nhiều hơn, còn thấy rõ nơi một số vị như đấng bậc, rất thân quen với độc giả của tuần báo The Catholic Weekly Sydney đã có ý kiến, rất an bình như sau:

“Hẳn là nhiều người trong chúng ta còn nhớ: trong các biểu ngữ được dương cao ở Quảng trường thánh Phêrô vào ngày Đức Gioan Phaolô II nằm xuống, đã thấy xuất hiện nhiều giòng chữ ghi rõ: “Santo subito”, tức: ”Hãy mau mau phong thánh cho ngài!” Biểu ngữ ấy, cho thấy tâm tình của nhiều người thương mến ngài đến như thế. Nhưng, Hội thánh không phong chân phước hoặc hiển thánh cho vị nào đó chỉ vì quần chúng đòi hỏi mạnh mẽ đến vậy.

Quả rất đúng, án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II được xúc tiến nhanh hơn các trường hợp bình thường, điều đó là do niềm tin của các giới chức, ở khắp nơi. Tin, vào sự thánh thiện của Đấng Chân Phước. Chính vì mình tin, nên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã châm chước cho qui định đòi phải kéo dài tiến trình phong chân phước ít là 5 năm, sau khi đấng ấy qua đời, mới khởi sự. Do đó, có điều đặc biệt là: Đức Gioan Phaolô II đã được phong Chân phước chỉ mới sáu năm trời sau khi ngài mất, thôi…

Cũng nên biết, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không chỉ là vị Giáo hoàng trổi trang, có uy thế, nhưng ngài còn là đấng thánh. Chính vì lý do này, Hội thánh mới phong chân phước cho ngài, sớm sủa hơn. Chứng cứ hiển nhiên của sự thánh thiện nơi ngài, là lòng quảng đại đặc biệt ngài luôn cho đi những gì mình đang có, để giúp đỡ người nghèo. Cáo Thỉnh Viên Slawomir Oder, người chuyên trách vụ án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, có ghi trong sách “Sao ngài lại là vị thánh?” đã từng viết: “Có một lần, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn làm linh mục ở Ba Lan, ngài đến nhà thờ dâng lễ trễ hơn mọi khi. Tìm hiểu nguyên nhân, ông từ nhà thờ ấy bèn tìm đến nơi ngài trú ngụ để xem chuyện gì khiến ngài trễ đến thế, sau đó mới biết là ngài đã cho đi đôi giày độc nhất ngài vẫn đi vào những ngày trước, nên phải đi chân không. Ông từ, mới tặng ngài đôi khác để ngài có giày mà dâng lễ cho chỉnh tề.

Một lần khác, khi thấy linh mục Karol không có áo ấm để mặc vào mùa đông, các chị nữ tu mới đan cho ngài tấm áo len để mặc, thì ít ngày sau đã thấy ngài lại cho người khác, mất tuột. Cáo thỉnh viên Oder còn cho biết: cả đến quần áo cụt mặc ở trong, ngài cũng mặc suốt cho kỳ rách chứ không mua mới.

Một bằng chứng khác về sự thánh thiện của ngài là việc luôn quan hệ mật thiết với Đức Kitô. Và, Cáo Thỉnh Viên Oder còn cho biết thêm, là: khi điều tra về cuộc sống thực tế của ngài, ông thấy: “có điều xuất hiện ngay trước mắt rất chắc chắn: ngài là nhà chiêm niệm luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Điều đó có nghĩa: ngài luôn là người được Chúa hiện diện, ở cạnh bên. Và, ngài được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, suốt ngày chỉ chuyện vãn với Chúa. Bằng chứng là những ai cùng làm việc hoặc gần gũi ngài, đều nhận thấy nơi ngài động thái mê say chuyện trò sâu lắng với Chúa đến độ mọi người phải đứng phía sau chờ ngài sống giờ phút linh thiêng ấy xong mới tiếp xúc…” (x. Lm John Flader, Question time, The Catholic Weekly, 1/5/2011, tr. 18)

Do vụ án phong cho ngài làm chân phước được xúc tiến nhanh hơn các trường hợp đặc biệt nào khác, nên nhiều bạn Đạo ở Úc, thấy chưa được thuyết phục cho lắm, mới tỏ bày:

“Qua trao đổi với một số bạn bè về việc phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II chúng tôi thấy có vài quan ngại nơi một số người Công giáo, sống ở đây. Họ tỏ ý cho biết: Giáo Hội mình có lẽ hơi hấp tấp khi đẩy nhanh tiến trình điều tra phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Giáo hội làm thế phải chăng do áp lực của quần chúng, vốn quá yêu thương Đức Gioan Phaolô II nên mới vậy? Trước sự việc như thế, chúng tôi chẳng biết nên đối đáp sao cho phải.” (x. The Catholic Weekly ngày 1/5/2011, bđd)

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với các phản ứng khác biệt này, còn thấy ở đâu đó, nơi đất miền ởm bán cầu cũng rất Úc, lại cũng có vài ý kiến phản bác như sau:

“Chúng tôi là linh mục thuộc thế hệ “Vui Mừng và Hy Vọng” theo Vatican II. Khi gia nhập chủng viện, chúng tôi đạt sĩ số cao nhất từ trước tới nay. Nội hai thập niên từ 1955 đến 1975 thôi, giáo phận chúng tôi đã có số tân chức gia tăng gấp hai yêu cầu của giáo xứ. Là, thế hệ thầm lặng so với thế hệ nổ bùng cùng sinh đẻ, chủ trương của chúng tôi khi ấy là đưa vào tâm can mọi người, tinh thần cốt tủy của Công đồng Vatican II, còn nóng sốt. Cùng lúc ấy, tinh thần đại kết đã trở thành cung cách suy nghĩ rất thường tình, của chúng tôi. Nói nôm na, thì: đời sống thừa sai linh mục luôn là cội nguồn cho mọi trải nghiệm bất thường, là niềm vui chung của chúng tôi.

Nhưng, mọi sự không phải không có cái giá của nó. Nghĩa là, chúng tôi cũng trải nghiệm đủ mọi hình thức: từ những thức tỉnh vào thập niên 60, tới những thích thú đến kích động vào những năm ’70, rồi đến thập niên 80 gồm đầy những nghi nan, để rồi với thập niên 90 là hiện tượng trầm cảm, nổ bùng vào mười năm đầu thiên niên kỷ thứ 3. Suốt những năm tháng kéo dài hồi thập niên 80, chúng tôi nhận ra được một số sự việc đang trở nên tồi tệ. Số linh mục chịu chức đột nhiên giảm sút, chúng tôi thấy nhiều giáo dân lúc đầu đã rời xa bỏ đi lễ, sau đó bỏ luôn cả hội thánh. Cả hai hiện tượng này đều bắt nguồn từ nguyên nhân từ xã hội mà ra.

Tệ hơn nữa, là các quyết định gây tranh cãi phát xuất từ các vị Giáo hoàng. Bắt đầu bằng Đức Phaolô đệ Lục với chuyện khiết trinh linh mục, dù gặp bất đồng rất cao độ, nhưng Đức Phaolô Đệ Lục vẫn cương quyết áp đặt, không bàn cãi. Kế đến là thông điệp “Đời Sống Con Người” làm mọi con dân trong Đạo nản lòng nản chí đến phẫn nộ. Đa số chúng tôi đều không chấp nhận chuyện ấy. Nhưng, Đức Phaolô đệ Lục còn tiến xa hơn bằng cách bổ nhiệm các giám mục nào vốn dĩ chống đối hay phản lại đặc trưng của Công đồng.

Tiếp đến, là Đức Gioan Phaolô II, một nhân vật có biệt tài thường xuất hiện trước ống kính truyền hình. Ngài lại tỏ ra xuất chúng về ngôn ngữ, nhưng ngài là đấng bậc ít tiếp cận với Thánh kinh, lại rất hạn chế về thần học, ít chịu lắng nghe ai. Đã thế, ngài lại cứ tin tưởng rất vững chắc rằng mình là người được Chúa chọn để giải quyết định mệnh của Giáo hội. Toàn bộ cuộc đời ngài trải dài nhiều năm tháng với Giáo hội ở đất nước Ba Lan chịu nhiều bách hại, nên đã tạo nên não trạng giáo hội của thành trì kiên cố đến độ đông cứng.

Tiếp đến là hiện tượng nhũng lạm quyền bính. Ngay sau ngày nhậm chức Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II để lộ cho thấy ngài có tham vọng quyến bính đến mức lạ thường. Không tin tưởng một ai, nên ngài không chấp nhân quan điểm của bất cứ người nào ngoài mình ra và loại trừ các vị có chánh kiến đối lập, chống giáo huấn và lập trường của ngài. Ngài dùng Thánh bộ Truyền Giáo Đức Tin do Đức Hồng Y Ratzinger cầm đầu, làm hậu thuẫn để áp đặt tư tưởng của mình lên mọi người. Và, đó là lúc giáo triều Rôma nhảy vào nhập cuộc, để tiếp sức…

Đức Gioan Phaolô II cũng đã áp đặt lối sùng kính sốt sắng theo kiểu riêng tư của ngài lên toàn bộ Hội thánh. Bất chấp tinh thần và đường lối của Công đồng Vatican II đã áp dụng rộng khắp, ngài đã ngăn chặn một cách hữu hiệu nghi thức thứ ba về sám hối hoà giải, bẻ quặt ngược nền thần học về Tiệc Thánh rất năng động đang nở rộ bằng vào tập trung nhấn mạnh việc sùng kính Thánh Thể coi như Đức Chúa đang hiện diện thực thụ của Đức Chúa, buộc giáo dân sùng kính một cách méo mó Đức Maria dựa trên thần học theo thuyết triệt để và nhất là đưa thêm nhiều lối sùng kính kiểu dân gian như Tôn Sùng Lòng Chúa Xót Thương của nữ tu Faustina rồi đưa vào thánh lễ cho toàn thể giáo dân, cắt bỏ đi ý nghĩa Phục Sinh vốn là cao điểm của Phụng vụ.

Cung cách lạm dụng quyền bính của Đức Gioan Phaolô II còn tệ hại hơn nữa, là cung cách bổ nhiệm giám mục nào dễ bảo. Các vị được bổ nhiệm phải hoàn toàn rập theo khuôn khổ hoàn toàn đồng ý với lập trường của ngài. Điều này làm giảm suy khả năng lãnh đạo của các vị cầm cân nảy mực trong Hội thánh. Hàng ngũ các giám mục nay có tầm mức rất thấp về tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo, về học vấn và cả trí thông minh nữa. Phần đông các vị này xuất từ tổ chức Opus Dei, tức hàng ngũ phản động, độc đoán và dứt khoát không có sáng kiến nào mới mẻ.

Hàng ngũ giáo dân có đầu óc mới mẻ đã đưa ra các thắc mắc về đường lối/chính sách của Hội thánh, nhưng chẳng nhận được hồi đáp nào hết. Tại sao phụ nữ lại không thể trở thành lãnh đạo trong Hội thánh? Tại sao linh mục lại phải sống đời độc thân? Có gì xấu xa trong chuyện ngừa thai? Tại sao các tiến bộ về khoa học luôn bị nghi ngờ là có ác ý của sự dữ? Sao ta không nhận thức được thực tại của khuynh hướng đồng tính luyến ái và các hệ lụy về xã hội do khuynh hướng ấy đem lại? Ta không học được bài học về trường hợp Galilêo và cung cách xử sự với Lm Teilhard de Chardin, nhà cổ sinh vật học nổi tiếng của Pháp? Liệu ta có thể ra khỏi não trạng Giáo trình đầy Sai sót ấy?

Như Năm Thánh Dành Cho Linh mục ấn định cho năm 2009. Làm sao Rôma có thể kêu gọi các linh mục hãy biết sám hối, trong khi chính mình lại vẫn cố chấp. Vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc chấp nhận rằng mình đã thất bại trong các sự việc có liên quan đến chính mình? Làm sao các ngài lại tỏ ra nghiêm túc đủ để có thể nhấn mạnh được tầm quan trọng của vai trò linh mục với tư cách là các nhà giải tội, trong khi rõ ràng là chuyện xưng tội nay đã biến mất trong cuộc sống của Hội thánh? Làm sao ta cứ ép buộc phải lập Giờ Thánh để sùng kính Thánh Thể trong khi các linh mục đã chuyển nền thần học khô cứng về Mình Thánh Chúa sang nền thần học năng động có ánh sáng Công Đồng Vatican II soi lối dẫn đường? Làm sao Giáo hội lại cứ thúc giục các linh mục cầu nguyện cho liên lỉ trong khi các ngài chẳng mảy may tỏ dấu hiệu đã đổi thay tâm can hoặc thái độ để chứng minh rằng việc cầu nguyện có tác dụng và cần thiết?

Nói tóm lại, dù tình hình của Hội thánh hồi thập niên 60 nay đổi ngược. Nhưng với tinh thần Công đồng Vatican II, chúng ta đã có khí cụ trong tay khả dĩ đương đầu với tình hình mới. Phần lớn các linh mục hôm nay vẫn sẵn sàng giáp mặt với thách thức ấy. Nhưng, các ngài không có cơ hội để làm thế. Vì lệnh trên đã ban hành là phải rút khỏi tháp ngà phòng ngự và hát lại bài hát cũ xưa. Thay vì mặc vào mình khí thế mới, các ngài lại để mất đi nhiều cơ hội ngàn vàng đến độ ra khô cứng, rất nản lòng.

Ở trời Tây, các linh mục vẫn đạt chỉ số cao qua các cuộc khảo sát về sự hài lòng với công việc mình làm. Nói chung, các linh mục vẫn vui thích với công việc của mình và thực thi công tác rất tốt đẹp. Điều đó là do các ngài hài lòng với thân phận đặt để cho mình. Nhưng hầu hết đã cảm thấy là Giáo hoàng và các giám mục đã phản bội họ. Nếu có ai hỏi linh mục các ngài nghĩ sao về quyền bính ở trên cao và mọi sự đi về đâu, thì hẳn là mọi người sẽ nhận được câu trả lời rất khác biệt.” (x.Eric Hodgens, Melbourne Reflections on an Ordination Golden Anniversay, nguồn: www.theswag.org.au 2.5.2011)

Nói gì thì nói, vẫn là như “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Bàn gì thì bàn, bần đạo lúc này ít chịu nói cho bằng cứ thích nghe. Và, một khi đã lắng nghe, thì thế nào cũng “bị” đưa vào tai những âm thanh có tần só “khá nhức nhối”. Từ đó, bắt buộc bần đạo phải quay về với trạng thái “thằng bé ầm thầm đi vào ngõ nhỏ”, có Kinh thánh làm nguồn trợ lực. May thay, bần đạo bắt gặp được lời lẽ của thánh nhân tông đồ từng kinh qua nhiều đợt tranh và cãi rất nóng bỏng về thần học, đã từng có những lời đanh thép, như sau:

“Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến,

chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em,

vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu,

để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hoá và nhờ lòng tin vào chân lý.

Chính vì thế mà Người đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo

mà kêu gọi anh em,

để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta

là Đức Giêsu Kitô.

Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống

chúng tôi đã dạy cho anh em,

bằng lời nói hay bằng thư từ.

Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô,

và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,

Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng

mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,

xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh,

để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”

(2Th 2: 13-17)

Nói và làm những điều tốt lành ư, thưa thánh nhân? Phải chăng đó còn là lời dạy mà Thầy Chí Ái từng ban bố: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy thương yêu anh em…” Để cho tâm hồn bạn và tôi được thả lòng đôi chút, nay bần đạo xin đề nghị bạn và tôi, ta đi vào truyện kể nhỏ mà vui, rằng:

“Có cụ bà đạo đức nọ, thấy bạn bè/người thân, dân mình thiếu thông tin xác đáng về lời răn và cung cách xử sự với cộng đoàn nhà Đạo lại quá tệ, bèn nảy ý định ra bưu điện gửi ít Sách thánh về quê miền dân dã, gặp ngay quan chức nhà nước thấy lạ và hỏi:

-Thưa cụ, ở trong này có đồ gì là quốc cấm, dễ bể hoặc làm phiền chúng nhân không?

Phần vì lãng tai, lại hay nói chữ, cụ bà liền phán:

-Ông yên tâm. Ngàn năm nay, bọn tôi vẫn cứ thế mà sống, chẳng chết thằng Tây nào cả. Phiền hay không, chỉ những người cứ là hay kiếm chuyện này nọ mới làm phiền thôi…”

Thật ra thì, trong sống đời đi Đạo hoặc sống Đạo ở đời, vẫn có ngày tháng dài dân con bạn hiền mình cứ phải đối đầu với tình trạng không mấy nhẹ nhàng, gọn gàng và thông suốt. Thông, chuyện Đạo. Thông, cả việc đời. Chẳng thế mà, bà con văn nghệ sĩ cứ lặng lẽ hát “lời buồn thánh” rất ê a, thế này:

Tôi vẫn tha thiết yêu ngày xưa

Ngày nao say đắm với cung đàn mơ

Ngày nao hai đứa dưới trăng mùa thu

Hôm nao hát khúc tạ từ

Hôm nay sầu lắng tâm tư.”

(Hoàng Trọng – bđd)

“Ngày xưa” đây, với tôi và với bạn, phải chăng là tình người thời xưa? Thời, của thế hệ “nổ bùng cùng sinh đẻ”, hay thế hệ người trẻ chỉ biết những chữ “thương yêu”, “tha thứ”, và “quên đi”! Thương nhớ và quên đi, tất cả những gì làm mình bận tâm, giận dữ. Thương nhớ và quên đi, như người nghệ sĩ hôm nào từng hát::

Hãy để trôi qua đi bao nhiêu tháng năm,

đừng bận tâm dẫu đắng cay ngọt bùi.

Cuộc đời như cơn mê ru ta ngất ngây,

hãy cùng nhau sống hết bao hôm nay.

Cuộc đời không chen đua không mua tước danh,

để còn say với gió thơm ruộng đồng.

Một ngày sao cho xong cho qua hết đi,

buồn làm chi ước với mơ làm gì?

(Lê Hựu Hà – Phiên Khúc Mùa Đông)

Mùa Đông, có những phiên khúc, rất thúc giục. Thúc và giục, rồi bảo: hãy cứ quên! Quên đi, những gì làm mình bận tâm. Oán ghét. Và nhớ thật nhiều những gì cần nhớ. Rất thương. Mà thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn xin được nhớ và thương

những con đường

của đời người luôn cần nhớ

và cũng thương.

No comments: