Monday 6 October 2008

“Anh sẽ vì em làm thơ tình ái”

Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài.

(Trần Thiện Thanh – Lâu đài tình ái)

(Mt 2: 13/ 2:19)

Từ ngày qua Úc, bần đạo có nhiều dịp ghé nhà hàng dự tiệc mời, khá nhiều. Đa phần là tiệc cưới. Mỗi lần dự, bần đạo nghe các “hát sĩ” thuộc loại cây-nhà-lá-vườn cứ ỉ ê bài “tình ca”, rất du dương. Khá ái tình. Đại để, muốn gom kết mây xanh, thành lâu đài. Lâu đài nhiều tầng mây, trông rất đẹp. Đẹp như một bài thơ, rất tình. Có trăng. Có sao. Có giới cao sang, quyền quý. Có, quân vương/hoàng hậu, trôi theo cùng giòng chảy. Giòng ấy, chảy như sau:

“Em ơi, lâu đài tình ái đó,

chắc không có trên trần gian,

anh đưa em vào, bằng tiếng hát

chắp đôi cánh nhung, thiên thần.” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Lâu đài tình ái, nghệ sĩ hát khá nhiều. Nhưng, sao bảo là không có? Lại còn nhắc đến “cánh nhung thiên thần”. Bần đạo nghe rồi tự hỏi: thiên thần sao có cánh nhung? Nếu có chăng, chỉ là cánh nhung bọc vải trời, đã là may rồi. Và, thiên thần cánh nhung hôm nay, có vui vầy ngày Vua Tình Ái xuống giáng trần? Vua Tình Ái, có thiên thần giang cánh, hát tung tăng. Câu hát, nay văng vẳng từ đâu đó:

“Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần,

chung vui hoà vang, tiếng hát nỉ non…”

Hoặc, một hoà vang. Chúc mừng:

“Giữa muôn ngàn hào quang,

với muôn ngàn hương ngát, lừng

bao thiên thần hoà vang

cất bao lời cung chúc, mừng.” (Vinh Phúc/Nguyễn Đức – Kìa Trông Huy Hoàng)

Vâng. Đêm thanh, tiếng hát của thiên thần, lời cung chúc, vẫn từ các vị không mang cánh, rất khác người. Dù, có cánh hay không, ta vẫn gọi các đấng bậc thiên thần, ở trần gian. Những, tổng lãnh thần thiêng, là thần sứ. Lớn nhỏ. Ở đâu đó. Như thắc mắc ưu tư nhiều người, vẫn còn tin. Tin vào bậc lành thánh rất “có cánh”. Bởi thế nên, vừa rồi, có vị đã thư về gặn hỏi đấng bậc linh mục chủ trì mục hỏi đáp, rất thân quen, như sau:

“Tôi là độc giả của tờ The Catholic Weekly ở Sydney, vẫn thường xuyên theo dõi mục hỏi-đáp, về Đạo. Nay, hỏi cho biết: có khác biệt chăng giữa danh xưng “thiên thần” và “tổng lãnh thiên thần”? Và, Kinh Thánh có chỗ nào đề cập, nói về các Tổng Lãnh Thiên thần, không?”

Gặn hỏi là vừa hỏi và vừa gặn, nhưng không đính kèm một chữ ký nào ở bên dưới. Dù vậy, đấng bậc linh mục phụ trách hỏi-đáp, vẫn rất vui, mà trả lời:

“Trước hết, xin được bắt đầu bằng danh xưng “thiên thần”. Cụm từ này, bắt nguồn từ chữ “aggelos” bên tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “sứ giả”. Vì thế, danh xưng này được dùng để chỉ vai trò của các thiên sứ. Đúng hơn, là chỉ về bản chất của các đấng ấy.

Thiên thần, với tư cách là sứ giả của Đức Chúa, đã thấy xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Có thiên thần từng hiện ra với ông Gia-cóp, để khuyên ông hãy quay về nơi cha sinh mẹ đẻ của mình, cho an toàn dân con (x.Kn 31: 11-13). Ở nơi khác, là đoạn nói về vị thiên sứ hiện đến với bà Ma-nô-a, để báo tin cho biết, là: bà sẽ sinh hạ một người con. Và, người con của bà phải được đặt tên là Samson (x.Tp 13: 3).

Về sau, cũng có đoạn Tin Mừng kể về chuyện sứ thần của Thiên Chúa hiện đến với ông Giu-se báo mộng cho ông biết là: Hài Nhi Rất Thánh mà Đức Maria đang mang thai, chính là do Thánh Thần Chúa, tác tạo (Mt 1: 20). Tương tự như thế, ta còn đếm được thêm hai lần khác ở Tin Mừng thánh Mát-thêu. Một, ở đoạn 2 câu 13; và, một, ở đoạn 2 câu 19. Nơi đây, cũng thấy nói đến thần sứ Ga-bi-ri-e hiện đến với ông Za-ka-ri-a báo cho ông biết về việc bà nhà Ê-li-za-bét sẽ sinh hạ người con, và ông sẽ đặt tên cho con ông là: Gio-an (Lc 1: 11). Sau đó, là đoạn sứ thần hiện đến với Đức Maria, loan báo với Mẹ chuyện Đức Giê-su sẽ hạ sinh từ cung lòng Mẹ (Lc 1: 26-31).

Trong khi, chỉ một ít thiên sứ hành động theo tư cách của các sứ giả, là: thông chuyển ý định của Đức Chúa với trần gian; hoặc, xuất hiện để tháp tùng các thánh qua tư cách của đấng bảo hộ, như trường hợp Tổng lãnh Thiên thần Ga-bi-ri-e hiện đến với người trẻ tên Tô-bi-a, ở Cựu Ước (Tb 3. 17). Trên thực tế, thần linh thiên sứ đều xuất hiện với chốn gian trần, luôn ở tư thế đang chiêm ngưỡng Chúa, nơi cao ấy (Mt 18: 10). Từ nơi cao, các thần sứ vẫn kính thờ Chúa trong phong cách oai phong, diễm lệ.

Về bản chất, thần sứ trên thiên toà là đấng thần linh tinh khiết, rất thông minh. Rất dĩnh ngộ. Và, tự do. Là vì, các ngài do Thiên Chúa tạo nên, từ buổi đầu. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo mô tả các ngài, là: “tạo vật thiêng liêng, bất tử. Rất trọn hảo. Các đấng vượt lên trên mọi tạo vật mà ta có thể nhìn thấy, là vì nét vinh quang lộng lẫy Chúa ban cho các đấng, để làm chứng cho Quyền uy của Ngài.” (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo #330).“ Sự hiện hữu của thần linh thiên sứ, không mang hình hài xác thể nào hết, nhưng Kinh Thánh vẫn gọi các ngài là ‘các thánh thiên thần’, vì đó là sự thật của lòng tin. Lời chứng của Kinh Thánh đã thấy nơi sự hài hoà của Truyền Thống.” (x. GLHTCG #328).

Từ buổi đầu tạo dựng, mọi thần linh/thiên sứ dù được ban ơn thánh hoá, nhưng vẫn phải trải qua một thời kỳ thử thách, để xem các ngài có xứng đáng được gia nhập đạo binh Thiên quốc, không. Có vị, bị Chúa khước từ quyền năng, nên đã trở thành “thiên thần gẫy cánh” hoặc tà thần/ác quỷ. Về việc này, thánh Phê-rô cũng có thư dài giải thích: “Vì nếu Thiên Chúa đã không dung thứ cho thần sứ mắc tội, nên mới tống họ vào chốn hố sâu địa ngục tăm tối, giam họ ở đó chờ đến kỳ phán xét, mới thôi…” (2P 2: 4).

Cũng nên mở ngoặc ở đây để gọi là có chút lời bàn, có thể nói: chắc cũng vì lý do này, mà người nghệ sĩ chốn gian trần, đã có lời thơ/ý nhạc rất trùng hạp:

“Em ơi, lâu đài tình ái đó,

sáng trong ánh tinh cầu xa

cho nên, cho dù nghìn năm qua

còn vấn vương đôi hồn hoa. “ (Trần Thiên Thanh – bđd)

Thật sự thì, lâu đài tình ái ấy, có hay không có trên trần gian; hoặc thần linh thiên sứ ở trần gian sao không giống như được tả nơi Kinh sách? hay gì đi nữa, cũng chớ lo. Và, cũng đừng sợ. Bởi, Cựu Ước đã từng căn dặn:

“Đừng lo lắng,

đừng sợ gì cho chúng, em ạ!

Vì sẽ có thiên thần bản mệnh cùng đi với con,

thì cuộc hành trình của nó sẽ thành công,

và nó sẽ trở về mạnh khoẻ!”

(Tb 5: 22)

Đã có thiên thần ở gần, tức không còn gì để sợ, nữa. Vì, thiên thần ấy, dù có người còn gọi là “bậc tiên, bậc thánh”, cũng được thánh Phao-lô khi xưa dặn dò:

“Vì khi hiệu lệnh ban ra,

khi tiếng tổng lãnh thiên thần

và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên,

thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống,

và những người đã chết trong Đức Ki-tô

sẽ sống lại trước tiên.”

(1Th 4: 16)

Ở đây nữa, thánh Phao-lô cũng nói đến vai trò của Tổng lãnh Thiên thần. Vậy, Tổng lãnh Thiên thần, ngài là ai? Quyền phép thế nào? Và, lời giải thích xin dành cho đấng linh mục vị vọng, ở Sydney:

“Một số các thiên thần được gọi là Tổng lãnh Thiên thần. Danh xưng này, mang ý nghĩa: đây là thiên thần “ở nơi cao nhất” hoặc, nói theo ngôn từ ngày nay, là “thủ trưởng” các đấng thần linh thiên sứ. Các vị ấy, được nhắc đến, hai lần trong Kinh Thánh. Một, là ở sách Giu-đi-ta đoạn 1 câu 9. Và một, là ở thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Thét-xa-lô-ni-kê. Riêng tác giả Cựu Ước cũng nhắc đến Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e, dũng mãnh. Và, thánh Phao-lô lại đề cập đến việc Đức Kitô đến lần thứ hai, với sự có mặt của vị “sứ giả” này.

Kinh Thánh, thỉnh thoảng cũng nhắc đến các danh xưng/tên gọi, vốn áp đặt cho các thiên thần. Và, cũng mô tả phẩm trật trên dưới có lớp lang trong hàng ngũ các vị ấy. Tỉ như, thánh Phao-lô nói đến “thiên toà hay thiên chủ, thiên phủ hay uy linh” (Cl 1: 16); hoặc: “trên mọi cấp bậc chốn hoằng thiên: thiên phủ, uy linh và quyền năng, thiên chủ” (Êp 1: 21). Và, nhất là đoạn nói đến: “các đấng uy linh, chốn hoằng thiên” (Êp 3: 10).

Các tác giả thời về sau, cũng triển khai ý tưởng nói đến triều thần thánh thiên thần, chín phẩm; hoặc bầu đoàn thần thiêng, trên thiên quốc. Trong số đó, cũng nên kể đến các vị có tên tuổi: thánh Am-brô-si-ô, thánh Xi-rin ở Giê-ru-sa-lem, thánh Gio-an Kri-zốt-tô-ni-mô ở thế kỷ thứ IV, và một vị tên là Đi-ô-ni-sô Giả ở thế kỷ thứ V; và, thánh Tô-ma A-ki-nô ở vào thế kỷ thứ XIII.

Danh tánh các thiên thần mà các tác giả kinh sách xếp loại vào trong danh sách các phẩm trật được kê thành ba nhóm, mỗi nhóm gồm ba đoàn. Trong đó, có thể kể ra ở đây, như: bầu đoàn thiên thần sốt mến Sê-ra-phim, Thiên thần Kê-ru-bim (còn gọi là Minh thần); rồi đến các Thiên phủ, Thiên chủ, Uy linh, Đấng quyền năng, chốn Thiên hoằng, vv… Nói chung, cũng không nên hiểu đây là giáo huấn chính thống của Hội thánh. (John Flader, The Catholic Weekly xuất bản ngày 28/9/2008, tr.10)

Dầu gì đi nữa, là thiên thần hay đấng bậc thần thiêng, vẫn là các vị thiêng liêng sáng láng, mà người trần mắt thịt chúng ta chẳng hề trông thấy. Nhưng, ta vẫn tin các vị này rất ư là hiền từ, tử tế. Chỉ chuyên làm việc thiện. Chỉ hộ phù, giúp đỡ đám dân đen phàm hèn, trên dương thế.

Còn nhớ, bầu bạn nhiều nơi vẫn có thói quen tôn sùng vị Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e hoặc Ra-pha-e, đến độ coi các vị này như cánh tay mặt quyền uy của Đức Chúa. Các Vị, luôn đóng vai đấng bậc bảo vệ, và phụ giúp mỗi khi ta gặp nạn, hoặc khi ta cần đến các ngài. Khỏi cần tranh luận, là chuyện ấy có thật hay không, về các đấng bậc thần linh thiên sứ, tốt hơn hết, hãy cứ muờng tượng và tin tưởng, là: người công chính và kẻ hiền lành, trước sau gì cũng sẽ được các đấng/các vị này bảo trợ, hộ phù. Quyết chẳng sai.

Để minh hoạ cho lập trường ở trên, cũng nên kể lại nơi đây câu truyện kể, để thư giãn, như bên dưới. Truyện rằng:

“Đêm hôm đó, tôi mơ thấy thần linh thiên sứ hiện đến với tôi. Vừa gặp ngài, đã nói:

-Vào đây đi, nào. Chắc anh bạn muốn phỏng vấn ta, chứ gì?

-Dạ. Nếu ngài có đôi ba giây phút rảnh rỗi.

-Thì giờ của ta kéo dài đến vĩnh cửu. Chắc vừa đủ để làm mọi chuyện trên đời. Thế anh bạn có điều gì để hỏi, đây?

-Vâng. Con muốn hỏi: trên đời này, có gì làm ngài ngạc nhiên về con người, không?

Thiên sứ trả lời:

-Có chứ. Đó chính:

*là, khi thấy mọi người hay chán ngán, chẳng còn muốn làm con trẻ. Vẫn cứ mong lớn cho mau cho lẹ. Làm người lớn rồi, lại mong trẻ trung, như tuổi nhỏ.

*là, thấy người người cứ vung tiền tiêu phí, làm mất đi sức khoẻ; để rồi, lại mất tiền toi, hòng tạo lại sức khoẻ, đã để mất.

*là, khi lo lắng quá sức về tương lai mai ngày, khiến quên mất đi hiện tại mình đang sống, để rồi không còn sống cho hiện tại, lẫn tương lai.

*là, thấy người người cứ sống như thể không bao giờ sẽ phải chết đi, và chết đi như thể chưa bao giờ từng sinh sống.

Tiếp đến, thần linh thánh ái nắm tay tôi hồi lâu. Hai tôi cùng thinh lặng. Chợt phút chốc, tôi lại hỏi:

-làm bậc cha mẹ, ngài thử nghĩ xem: đâu là bài học sống động, trẻ cần học?

Thần sứ trả lời:

-Điều chúng cần học,

*là: mình không thể khiến bắt mọi người yêu mình, nhưng cứ tự để mọi người tìm đến mình mà yêu thương.

*người giàu không là người có nhiều thứ nhất, nhưng là người có ít nhu cầu nhất.

*là, chỉ cần mất vài giây để mở rộng vết thương lòng của người mà ta yêu, nhưng phải mất rất nhiều năm mới chữa lành được vết thương ấy.

*là, có nhiều người yêu mình thật sự, nhưng họ không biết cách tỏ bày tình thương hoặc diễn tả cảm giác của họ với mình, thôi.

*là, hai người có thể cùng trông nhìn vào một vật, nhưng lại thấy khác nhau

*là, tha thứ hoặc được người khác thứ tha, vẫn chưa đủ, mà còn phải tự tha thứ chính mình nữa.

Nghe rồi, tôi cứ ngồi đó vui hưởng khoảnh khắc êm ả ấy. Tôi cũng nói lên lời cảm tạ thần linh thánh ái về thơi gian ngài bỏ ra, để ở với tôi. Cảm tạ về tất cả những gì ngài đã làm cho tôi và gia đình. Nghe thế, ngài bèn nói:

-Không sao đâu, anh bạn ạ. Ta đây luôn sẵn sàng, 24 trên 24. Anh chỉ cần để lại lời nhắn, Ta sẽ tới ngay.

Thần linh thiên sứ, tuy nhắn và nhủ, chỉ như thế. Nhưng, khổ nỗi con người và người con của ngài, lại cứ quên. Quên cả những gì bạn vừa làm cho họ. Nhưng có một điều, mà không một ai có thể quên được, đó là cảm giác mà bạn tạo được cho ai đó. Khó khăn, hay dễ làm. Cũng vẫn gọi là “lâu đài tình ái”, không phải để hát ở tiệc cưới. Nhưng là để:

“Anh kết lầu hoa bằng thơ tình ái,

cho mắt em xanh đến tận muôn đời.

chuyện tình mình chưa nghe lừa dối,

lời hẹn đầu chưa đi vào tối,

thì lâu đài mang tên Tình Ái

đón hai đứa chúng ta mà thôi.(Trần Thiện Thanh – bđd)

Hôm nay đây, ngồi nhớ nhạc bản này, bần đạo chỉ muốn nói lên rằng: lâu đài rất tình và rất ái ấy, không chỉ để cho hai đứa xây. Hoặc, xây cho hai đứa, thôi. Mà, ta cùng xây. Xây, cho tất cả. Xây, cho mọi người. Bởi, lâu đài Tình Ái mà bạn và tôi, ta dựng xây, là chính triều thần thiên sứ. Là, chốn Chúa ngự, ở nơi đây. Nước Trời này.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ hy vọng

lâu đài rất tình và rất ái hôm nay

là Nước Trời. Của mọi người.

No comments: