Monday 23 June 2008

“Vì tôi là linh mục”

“Vì tôi là linh mục”

Không mặc chiếc áo dòng

Nên suốt đời hiu quạnh

Nên suốt đời lang thang...”

(Ga 3: 30)

Bài nhạc của Nguyễn Đức Quang trích lại ở trên, bần đạo có dịp nghe từ hồi còn đi học. Thập niên ’60, thì phải! Chừng như lúc ấy, nghệ sĩ du ca Nguyễn Đức Quang thoạt vừa quen biết người anh cựu linh mục, sinh hoạt đều trong phong trào Thanh Niên Thiện Chí/Sinh Viên Nguồn Sống ở Đà lạt, cố Gs Nguyễn Ngọc Lan.

Bần đạo chẳng còn nhớ, có phải vì thấy vị “cựu linh mục” tuy không mặc áo dòng, nhưng rất cởi mở lại dễ dàng làm thân, nên đã có cảm hứng đặt nhạc? Thật hư, cũng không biết. Chỉ biết một điều là, lời lẽ thanh âm bản nhạc đã đi vào lòng người trẻ tuổi ở miền cao khi đó, khiến nhiều bạn cứ ngâm nga đàn hát, không dứt.

Và, cũng thập niên năm ấy, thấy xuất hiện một tác phẩm khác, tập truyện ngắn có tựa đề “Tóc Mây” của Lệ Hằng, đã một thời thu hút người đọc, lại cũng liên quan đến linh mục, thật không ít. Thế mới biết, linh mục bỗng nhiên trở thành đề tài bàn luận của khá nhiều người/nhiều vị, trong dân gian.

Trước khi đi xa hơn nữa, xin hầu bạn bè bằng một câu chuyện cười nhà Đạo như sau:

“Có cô bé theo mẹ đi nhà thờ, thấy ông cha giảng đạo dài giòng chán ngấy, thấy mệt. Cuối cùng, thì chán quá, cô chịu hết nổi bén níu áo mẹ, hỏi: Mẹ à, nếu chúng ta đưa tiền cho ông cha ngay bây giờ, thì cha có để cho mẹ mình về.”

Hôm nay, hơn 40 năm nhìn lại, bần đạo thấy có điều gì đó liên quan đến chức vị linh mục, trong Đạo/ngoài đời. Nói liên quan, không theo nghĩa thần học hay giáo luật - đạo đức, nhưng là phản ánh vai trò khá ư cần thiết, với xã hội. Với nhà Đạo.

Bởi, do có sự nổi tiếng/thu hút từ chức vị “linh mục” như thế ấy, mà nhiều đấng bậc kẻ tin trong nhà Đạo đôi lúc cũng thắc mắc. Thắc mắc thường nghe quen, có lẽ là những câu hỏi về vai trò của vị linh mục trong đời sống. Chí ít, là trong phụng vụ, hoặc thánh lễ.

Thắc mắc người nhà Đạo nhiều khi không khác mấy, nhận định của nghệ sĩ thân quen, ở ngoài:

“Vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian

nên không còn tiếng khóc

nên không còn tiếng trách

nên không biết kêu than

nên tôi rất bơ vơ

nên tôi rất dại khờ…” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Khôn ngoan hay dại khờ, đâu phải là bản chất của các mục tử chuyên về thần về linh. Có chăng cũng chỉ là đặc ân đặc sủng Đức Chúa phú ban cho người cống hiến cả cuộc đời, cho công việc mục vụ, rất ứng và cũng rất linh.

Bần đạo còn nhớ, nhiều năm về trước cũng có vị trong Đạo/ở ngoài đã từng thắc mắc về vai trò rất linh và rất ứng của vị mục tử nhà Đạo, nên đã có lời hỏi trên tạp chí. Đã hỏi, thì chắc cũng có lời thưa đáp, rất lịch sự từ các vị mục tử nổi danh. Lần đó, là vị linh mục nổi cộm trong địa hạt truyền thông ở Sydney một thời, linh mục Brian Lucas.

Hỏi là hỏi thế này:

“Tôi chỉ có câu hỏi rất ngắn về vai trò của các linh mục trong Thánh lễ phụng vụ, của Hội thánh. Và nếu tôi không lầm, thì khi xưa có vị chức sắc rất cao trong phẩm trật Hội thánh, dường như lúc ấy là Hồng Y Ratzinger, đã bình luận rằng: linh mục nay trở thành trọng tâm của sự chú ý từ nhiều giới. Xin vui lòng giải thích trong cột giải đáp này, để rộng đường dư luận; và giúp mọi người am hiểu về Thánh lễ là tác động của Thiên Chúa chứ không phải chỉ con người.” (Người hỏi ký tên: W. K.)

Và, câu trả lời chỉ đơn giản như bên dưới:

“Tôi không rõ nội dung lời phát biểu ở trên phát xuất từ Đức Hồng Y Ratzinger có đúng từng chữ như thế không. Nhưng tôi nhớ cách đây ít năm, trong ngày lễ vàng mừng chúc Giáo lý viên ở Rô-ma vào đầu thiên niên kỷ, Đức Hồng Y có đề cập chuyện này, đại ý như sau:

‘…Xin cho tôi được phép có nhận xét chung về Phụng vụ. Cách thức ta cử hành nghi tiết phụng vụ thường hơi quá duy lý. Phụng vụ trở thành bài dạy, mà tiêu chuẩn là để cho ta làm cho nhiệm tích này trở thành việc thông thường. Cho, lời lẽ của ta trở nên phổ biến, và việc lặp đi lặp lại các câu nói phụng thờ là để cho mọi người nhớ để dạ và vui thích hơn.

Nhưng đây không chỉ là sai sót có tính thần học, mà là một lầm lẫn mang tính tâm lý và mục vụ. Làn sóng chủ thuyết huyền bí, quảng bá phương pháp thư giãn, tự trống rỗng của người Á Đông chứng tỏ rằng có điều gì đó còn thiếu xót trong phụng vụ của chúng ta. Có điều là, thế giới của ta hôm nay cho thấy ta cần sự lặng thinh – im ắng. Cần nhiệm tích mang tính siêu-cá thể. Cần chân-thiện-mỹ.

Phụng vụ không là sáng kiến của vị linh mục đang cử hành nghi lễ hoặc sáng chế của một nhóm chuyên gia; mà phụng vụ (“nghi tiết”) đến với mọi người đang ngang qua một tiến trình cơ bản xảy ra từ nhiều thế hệ.

Dù trong trường hợp người tham dự có thể không hiểu đến một lời, nhưng họ vẫn nhận chân ý nghĩa đậm sâu ở trong đó. Nhận chân, và hiểu rằng sự có mặt của nhiệm tích này, nhiệm tích nhằm thăng hoa mọi ngôn từ. Vị cử hành nghi tiết phụng tự không đứng trước mọi người mà mang danh nghĩa của riêng vị ấy -bởi, vị ấy không tự mình nói lên; hoặc, nói cho mình, nhưng ở “trong cương vị của chính Đức Kitô”. Thành thử, ta không tính khả năng của chính vị chủ trì buổi lễ, mà chỉ tính niềm tin của ngài, mà qua ngài, Đức Kitô trở nên trong sáng. Như thánh Gio-an từng diễn tả: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3: 30)

Điều mà Đức Hồng Y của chúng ta lúc ấy muốn nói, là: chất lượng của Phụng vụ, tự thân, không tuỳ thuộc tài cán của vị linh mục. Điều này quả là rất đúng. Tuy nhiên, trên bình diện con người, việc tham gia nghi tiết phụng vụ được đặt nặng đề cao nếu như vị linh mục mang đến cho buổi cử hành phụng vụ ấy, phẩm chất rất “người” về sự thông đạt và hiện diện vốn không đi sai trệch tầm quan trọng của những gì đang diễn tiến.

(Lm Brian Lucas, trích tuần bào the Catholic Weekly 2001)

Sở dĩ bần đạo cứ phải trích dẫn văn bản cũng như giải đáp của bậc trưởng thượng, vào những năm về trước, là để cho thấy ý nghĩa trước-sau-như-một, trong phụng vụ. Ý nghĩa được nhấn mạnh, cốt là để ta tham dự mọi nghi tiết phụng vụ, chí ít là thánh lễ, với phong thái đầy thuyết phục.

Thuyết phục trong vui thích, chứ đâu như nghệ sĩ nhà họ Nguyễn, cứ than và cứ vãn mãi một lời:

“Vì tôi là linh mục

chưa rửa tội bao giờ

nên âm thầm qua đời

tội ác còn trong tôi…” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Và nếu, cứ than và cứ vãn, mà chẳng tham dự trong vui thích, hẳn là tội ác không chỉ “còn trong (mỗi mình) tôi”. Mà, còn ở khắp nơi. Cả nhà Đạo, lẫn ngoài đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ cầu mong

cho tội ác

không còn ở trong ai.

No comments: