Monday 31 March 2008

“Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi, từ những ngày con nước về”

(1P 1: 3-4; 1Cr 15: 17)

Hạnh phúc, có là tên gọi của ai đâu, mà sao nghệ sĩ họ Từ mải réo gọi. Gọi mãi, mà không thấy có trả lời. Có lẽ, nghệ sĩ nhà mình những tưởng hạnh phúc đời thường vẫn là bông hoa biết nói. Là, người con gái đẹp, rất như tranh. Là, bức hoạ trinh trong của cuộc đời, đó chăng?

Hạnh phúc, có đích thật là như thế, không?

Câu trả lời, hẳn là không. Không là bởi vì, với mọi người, hạnh phúc là cái gì khác hẳn. Người, cho đó một hành trình. Kẻ lại bảo, đấy là một gặp gỡ. Nói chung, mọi người đều hiểu: Hạnh Phúc là những gì ta có. Những gì ta thưởng ngoạn, rất mê say.

Nhưng kỳ thực, hạnh phúc là những gì?

Để trả lời, tưởng cũng nên đi một vòng kiểm chứng. Kiểm và chứng bằng câu truyện. Những truyện kể về một kinh nghiệm. Về định nghĩa. Kinh nghiệm và định nghĩa đơn giản, như câu chuyện, ở bên dưới:

“Cụ già tên Hứa nay cũng đã tròm trèm 90. Dáng người mảnh dẻ. Thân hình tương đối cao. Cụ ăn mặc rất gọn gàng. Mặt tươi sáng, luôn vui vẻ. Ở tuổi cửu tuần với ngày tháng cuối cuộc đời, mà sắc mặt cụ vẫn săn sái, hóm hỉnh. Mới đây, người vợ ít tuổi hơn cụ đến 20 năm, đã lặng lẽ đi trước. Thế mà cụ chẳng lấy đó làm buồn lòng. Từ khi bà ra đi, cụ được yêu cầu dời vào chỗ người già. Vì không ai chăm sóc cho cụ nữa.

Vào nơi mới, cụ theo nhân viên gia cư đến ngồi ở phòng đợi chờ làm thủ tục, rất lâu. Khá mệt. Nhưng, vẫn thấy nơi cụ phảng phất một nụ cười nhẹ, tuy không còn tươi như trước nhưng vẫn sắc nét. Khi được nhân viên dẫn đến vào phòng, cụ nhìn quanh quất, thấy không được khang trang cho lắm, nhưng vẫn vui vẻ chỉ vào tấm trải dùng làm màn gió che cửa, rồi nói: tôi thích cái kiểu chế biến màn che đầy sáng tạo như thế này.

Người dẫn cụ vào phòng, thấy vậy bèn nói:

-Cụ chưa biết phòng mình tốt xấu thế nào, mà sao cụ vẫn nói mình thích nó?

-Chuyện tốt xấu nơi ở của mình đâu có thành vấn đề. Này cậu, sở dĩ tôi nói mình thích nó, là bởi vì với tôi, Hạnh Phúc là thứ gì mình đã chọn trước khi có nó, ở trong tay. Lão tôi có thích cái phòng nhỏ này hay không đâu có tuỳ thuộc vào tấm màn che cửa xấu tốt. Mọi chuyện thích hay không, đều do mình chọn lựa cả thôi, cậu ạ. Nói thật với cậu chứ: ngay trước khi bước vào đây để ở, lão tôi nhất định đã nói trong đầu là mình sẽ thích cái đó. Và, nếu mình quyết định là thích, thì tất nhiên nó sẽ tốt và sẽ thích. Đây cũng là thói quen cố hữu của lão vào mỗi sáng. Cứ sáng sáng là lão tôi đều làm thế, ngay khi thức dậy.

Để lão tôi kể cậu nghe cho vui. Mỗi sáng, lão tôi có thể quyết định cứ nằm nướng như thế trên giường lo lắng đủ mọi thứ khó khăn xảy đến trong ngày, từ chuyện đau mình đau mẩy cho chí mấy chuyện ăn uống sao cho đầy bụng, vv. Hoặc, quyết định vụt dậy, đạp tung chăn gối vội ngồi dậy và nguyện thầm những lời cảm tạ trời đất đã cho mình còn đủ sức để sắp xếp mọi chuyện cho có lớp lang, đàng hoàng. Thế là tốt rồi.

Nói để cậu nghe đừng cười lão nhé! Lão đây, ngày nào cũng tâm niệm là mỗi ngày 24 tiếng trời cho, đó là món quà quý mình đừng nên phung phí. Thay vì ngồi đó nhăn nhó, rên la thì lão đây chọn: hãy cứ bằng lòng với hiện tại mình đang có! Rồi sau đó, tập trung xem mình sẽ làm gì cho đỡ buồn chán, vào những ngày còn lại. Thế là bao nhiêu kỷ niệm đẹp của những ngày vui sống với vợ con, cứ thế từ từ trở về trong ký ức, là thấy vui.

Nói của đáng tội, tuổi già nó giống như cái tài khoản trong ngân hàng, vậy. Ta có thể rút từ từ mỗi ngày một chút, xài lai rai trong suốt những tháng ngày còn lại mà mình vẫn chắt chiu và vẫn tiếp tục bỏ vào.

Bởi thế cho nên, bữa nay lão tôi đề nghị cậu hãy bắt chước lão mà rút ra từ từ mọi thứ mà cậu nghĩ đó là hạnh phúc. Rồi sau đó, hãy bỏ nó vào cái tài khoản đầy ắp những kỷ niệm. Và, cậu lôi nó ra mà nhớ mà hưởng lai rai ba sợi, như thế là hạnh phúc, chứ còn gì nữa, phải không? Để lão nói thêm, hãy bắt chước lão mỗi ngày ráng làm sao đừng để cho những chuyện bất ưng hoặc khó chịu nó xâm nhập, nằm mãi trong bụng. Cứ sống đơn giản, như lão đây từng sống. Cứ xài tiền nhà nước cấp, rồi đem cho bọn nít những gì chúng ưa. Và, đừng trông mong sẽ có người đem đến cho mình quà cáp này nọ. Được như thế, tự khắc thấy mình hạnh phúc nhất trên đời, cho mà xem.

Thế đó, là định nghĩa và quan niệm của cụ già 90, về hạnh phúc. Thế còn, nhà Đạo mình thì sao? Tản bộ vào vườn hoa Kinh thánh, ta bắt gặp những quan niệm, như:

Ở Cựu ước, ta thấy:

*”Hạnh phúc thay, kẻ được Ngài giáo huấn” (Thánh vịnh 94)

*”Người đặt niềm tin vào Đức Chúa, hạnh phúc dường bao!” (Châm ngôn chương 16)

*”Còn người gian ác, hạnh phúc làm sao được..” (sách Giảng viên chương 8)

Với Tân ước, thì:

*”Hỡi đầy tớ trung thành, hãy vào mà hưởng hạnh phúc với chủ mình. (Mt 25: 21)

*”Hãy tôn kính cha mẹ, để người được hạnh phúc trên mặt đất này” (Êp 6: 2)

*”Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần hạnh phúc tốt hơn…”

(Hp 11: 40)

*”Thiên thần bảo tôi: Hãy viết: Hạnh phúc thay

kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên.” (Kh 19: 9)

Tiệc cưới bày sẵn, nay mời con dân nhà Đạo đến dự. Đến, mà hưởng hạnh phúc tràn đầy, đã dọn sẵn. Thế nhưng, hạnh phúc của tiệc nhân gian, chỉ dành để cho những người đã nghe và nhận thức được điều Ngài chúc phúc, trong Hiến Chương Nước Trời. Nước Trời là “đệ nhất khung trời của hạnh phúc.

Nhưng, hiến chương “Hạnh Phúc” của Nước Trời không nằm ở những gì cao sang, lộng lẫy , rất hấp dẫn. Trái lại, chỉ ở vào những điều mà mọi con dân thấy rất đời thường, ở huyện. Những nào: nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại… được rao truyền như sau:

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương…

(Mt 5: 3-7)

Trên đây mới chỉ là phân nửa của Hiến chương 8 điều về Hạnh phúc đích thật. Nhất nhất, mỗi điều đều đề nghị những thứ mà mọi người từng ngán ngẫm. Thế nhưng, những gì mà con người chán ngán không muốn ôm vào mình, lại chính là nguyên tắc làm nền cho mọi thứ hạnh phúc.

Cố Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, CssR trong sách chú giải Tin Mừng về hạnh phúc đích thật Chúa rao truyền, đã hơn một lần xác định rằng:

Tin Mừng đã đáp ứng với nhu cầu hạnh phúc của con người. Nhưng, hạnh phúc mà Chúa Yê-su đem lại không phải là (cái) hạnh phúc rẻ tiền. Đây là thứ hạnh phúc phải tranh thủ và chỉ có những người không sợ nỗ lực, và nhiệt thành chết thôi, mới hưởng được…

Hạnh phúc này nâng cao con người lên và lên án mọi thứ hạnh phúc ươn hèn, biến đổi (cái) lòng mong muốn hạnh phúc mà con người chỉ muốn hưởng, chứ không muốn có nỗ lực nào hết.” (Lm Yuse nguyễn Thế Thuấn, Hiến Chương Nuớc Trời, giáo án nội bộ, tr. 49)

Nhưng cố giáo sư kinh thánh chú giải còn đi xa hơn, qua nhận định:

“Chúa Yêsu muốn sự cao trọng của người ta chứ không muốn lấy bất cứ thứ hạnh phúc nào để làm chiêu bài cho Tin Mừng Ngài đem đến.

Vậy, sự cao trọng mà Ngài muốn ban, lớn lao đến đỗi trí lòai người không thể nghĩ ra được; và ý chí của người ta cũng vô phương đạt thấu. Vì ở đây, chúng ta thấy (cái) hạnh phúc ấy cuối cùng là: (cái) hạnh phúc như chính mình Ngài sống trong ý định của Cha Ngài là một người “anaw”, nghèo khó thật trước mặt Thiên Chúa.

(Yuse Nguyễn Thế Thuấn, sđd, tr. 49)

Xem như thế, quan niệm về hạnh phúc giữa người đời và nhà Đạo, thật rõ khác. Người đời có thể là nghệ sĩ lẫn thi nhân. Nhà Đạo, có thể là thánh sử, người công chính hoặc chính Đức Kitô-đã-có-kinh-nghiệm-làm-người, tức những những vị có kinh nghiệm về cuộc sống.

Trong cuộc sống, còn có rất nhiều nhận định khác nhau về niềm an vui hạnh phúc mà mọi người kinh qua. Và, hầu hết những ai đã kinh qua cuộc sống hay không có hạnh phúc, chắc hẳn cũng đồng ý với những nhận xét rất ư là chí lý về kinh nghiệm hạnh phúc, như bên dưới:

“Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc hết.

Hạnh phúc chính LÀ con đường chúng ta đi.

Vì thế, bạn hãy trân quý và vui hưởng mọi phút giây cuộc đời mình.

Không nên chờ đợi gì nữa.

Bởi, hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là đích điểm.

Không giờ phút nào đáng quý trọng bằng chính hiện tại mình đang sống.

Vậy, xin đề nghị với bạn: hãy sống và tận hưởng mọi giây phút hiện tại.

Đừng chờ đợi nó đến vào ngay mai.”

(vô danh)

Để minh họa và cũng là phụ họa cho nhận định ở bên trên, xin ghi lại truyện cổ dân gian thần thọai về cái-gọi-là-hạnh-phúc, như sau:

“Vào buổi đầu đời, Đức Chúa dựng nên lòai chó. Và Ngài nói với chó:

-Ngươi hãy ngồi trước nhà mình và cứ sủa liên hồi mỗi khi có người qua lại hay vào nhà. Để làm việc này cho tốt lành hạnh phúc, ta cho ngươi cuộc sống kéo dài đến 20 năm.”

Chó ta nghe xong bèn thưa cùng Chúa:

-Sao con lại phải sống và sủa mãi những 20 năm, lâu quá. Hay, con dám xin Ngài chỉ muốn sống có phân nửa, phần còn lại xin trả Ngài để cho ai khác.

Đức Chúa nghe thấy có lý, bèn chịu ngay.

Ngày thứ hai, Đức Chúa lại dựng nên lòai khỉ và bảo:

-Ngươi hãy giúp vui cho mọi người. Hãy làm “trò khỉ” để thiên hạ cười. Được như thế, Ta cho ngươi sống 20 năm.

Cũng thế, loài khỉ thấy kinh hãi, bèn xin:

-Làm trò khỉ những 20 năm? Thôi, xin Ngài chỉ cho con sống giống loài chó, phân nửa thôi.

Và, Đức Chúa cũng lại đồng ý.

Ngày thứ ba, Thiên Chúa dựng nên loài bò và nói:

-Ngươi ra đồng mà làm lụng suốt ngày quần quật với nhà nông, có ánh nắng mặt trời soi rọi.

Hãy sinh sản cho đông, tạo nguồn sữa ấm cho gia đình nông dân nuôi ngươi làm lụng.

Để làm việc này, Ta cho ngươi tuổi thọ, sống 60 năm.

Loài bò nghe kịp, vội vàng thưa:

-Ôi chao, 60 năm cuộc đời dài vất vả lao động, con chẳng muốn. Dám xin Ngài, chỉ 20 thôi còn lại 40 năm xin dành để loài nào khác.

Thiên Chúa nghe được, lại cũng đồng ý.

Đến ngày thứ bốn, Thiên Chúa bèn dựng nên loài người và phán:

-Hãy ăn uống, ngủ nghỉ, rong chơi, lấy vợ gả chồng cho thoả thích, hạnh phúc. Được như thế, Ta thuận cho con sống đủ 20 năm ròng, sung sướng.

Nghe thấy thế, loài người lại năn nỉ:

Con dám hỏi Chúa, sao lại ngắn thế. Có thể nào, dám xin Ngài cho 20 năm phần riêng của con. Cộng 40 năm loài bò trả lại. Thêm vào đó 10 năm của loài khỉ buông xuôi và cộng nốt phần 10 năm của loài chó bỏ xó. Tổng cộng là 80 niên, Ngài đồng ý chứ, con dám xin?

Thiên Chúa nghe xong, thấy được và phán;

Đó chính là điều con mong muốn, chứ không phải do Ta.

Cứ theo quan niệm tưởng-chừng-như-hạnh-phúc mình mong muốn, loài người có 20 năm đầu toàn những ăn uống ngủ nghỉ và rong chơi, vui hưởng hạnh phúc của cuộc đời. 40 năm tiếp, làm thân nô lệ lao lực dưới ánh nắng chang của mặt trời để nuôi dưỡng gia đình. 10 năm kế tiếp chỉ chuyên làm trò khỉ giúp mọi người vui hưởng cuộc chơi. Và, 10 năm còn lại ngồi đó, trước cổng nhà và sủa mãi với bà con.

Nếu nhìn lại những gì mà được gọi là Hạnh và Phúc mà chúng ta thường trông đợi ở đời thường, đều là sung sướng, giàu sang, danh vọng, quyền lực, tình, tiền tài…những là của cải vật chất

Nhưng, câu hỏi vẫn còn đó, nỗi buồn. Hỏi rằng: thế đó, có phải là hạnh phúc, chăng?

Thế đó, có là cuộc đời? của con người?

Có là, đời người của người đời? hay, còn là cuộc sống của nhà Đạo?

Hỏi, tức đã phần nào trả lời. Trả một lời. Cho một người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ luôn hỏi

nhưng chưa dám

trả lời.

No comments: