Tuesday 29 January 2008

“Nếu vắng anh, ai dìu em đi trong chiều lộng gió”

(Mt 7: 20)

Lại một đầu đề cho chuyện phiếm. Đầu đề không mang dáng dấp của những khuyên răn, như trong Đạo. Đầu đề luận phiếm hôm nay, là câu hỏi có lời lẽ thanh tao, ý tưởng nhẹ. Thanh và nhẹ, như bản nhạc trữ tình mà nhiều nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng, đã từng viết.

Hôm nay, bạn và ta hãy khơi mào chuyện phiếm bằng đề nghị nhỏ: hãy cứ đổi thay cách xưng hô anh-em, thành mẹ-con, chú-cháu, cô-cháu vv… hẳn câu hát trên sẽ thành lời cầu êm ái, rất nên làm.

Rất nên làm, là bởi trên thực tế, không có cha - mẹ trần gian chỉ bảo hoặc hướng dẫn thử hỏi làm sao đàn con thân thương bọn mình có thể tự đứng vững. Đứng vững trong trời đất, trước những phong ba bão táp xảy đến với cuộc đời nhiều điêu đứng. Đời mình. Hoặc đời người.

Quả thật, nơi đời thường ở huyện, người dân thuộc mọi lứa tuổi vẫn có những giòng chảy đầy hỏi han. Những ưu tư thắc mắc, rất khó trả lời. Ưu tư còn đó nỗi buồn, cả vào khi người đời nghe bậc hiền nhân quân tử vẫn đưa ra những xác quyết tựa như: “Tất cả là ân huệ!” “Là quà tặng Chúa ban”.

Vâng. Thắc mắc ưu tư vẫn đậm đặc nét u buồn, khi một độc giả “Chuyện phiếm”, đã nhè nhẹ đưa vào giòng chảy điện thư, những lời lẽ sau đây:

“Đọc chuyện phiếm của ông, tôi nhận ra được một điều là: ở nhiều đoạn, ông có trích dẫn lời thơ hay ý nhạc của kịch tác/triết gia nào đó bảo rằng ‘tất cả là ân huệ Chúa ban’. Và ông, ông cũng đã trao đổi rồi còn chuyển tải ý tưởng ấy cho nhiều người, gọi đó là quà tặng hay đặc ân đặc sủng mình có từ Thiên Chúa. Vậy xin hỏi: Đạo Công giáo chúng ta quan niệm thế nào về ân huệ, để anh em mình còn biết mà cảm tạ Đức Chúa.”

Như mọi lần, khi tiếp nhận ý kiến phản hồi của bất cứ ai, từ hồi nào đến giờ bần đạo vẫn có thói quen để lòng mình trùng xuống. Suy nghĩ hồi lâu. Rồi mới bắt đầu gõ máy, từ từ phúc đáp. Phúc đáp lần này, trước nhất để trân trọng cái nhã ý mà độc giả nói trên đã có ý kiến phản hồi. Có ý kiến phản hồi, tức là bầu bạn/người thân đã quan tâm, đóng góp ý kiến. Đã hỏi han. Những hỏi han, thật ra là để gạn lọc tư tưởng, những gì bạn và tôi, ta từng tản mạn và phiếm đi phiếm lại nhiều cho thỏa lòng, về ân huệ.

Để đáp ứng những hỏi han từ bầu bạn từng thắc mắc, lần này bần đạo chẳng dám tự hào đưa ra những bàn bạc cao siêu, nhều ý. Hoặc, dám gợi lên những cao kiến viển vông ngông nghênh, và lòng vòng rất cứng. Nhưng, chỉ mượn ý mượn lời của vài đấng bậc vị vọng, từng thông suốt nhuần nhuyễn ý lực nhà Đạo, như các cụ đặc trách truyền thông vào độ trước, như Lm Brian Lucas thuộc Tổng Giáo Phận Sydney, như sau:

“Nói về đặc ân – đặc sủng, hoặc “những ơn phước cả” mà nhà thơ họ Hàn tên Mặc Tử từng nói đến, tưởng có viết ra nhiều pho sách thật Đạo hạnh để trả lời, cũng chẳng tài nào giải thích hết ý nghĩa của cụm từ này. Chí ít, là giải thích bằng một vài hàng tóm gọn. Có lẽ ở đây, ta cũng chỉ nên trích dẫn một số chương đoạn lược tóm trong cuốn “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, hy vọng giải đáp phần nào những khúc mắc khiến ta tạm hài lòng:

Ở đoạn 1996, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo có viết: “Mọi xác minh ta có được là do ân huệ đặc biệt Chúa ban. Ân huệ là đặc ân, đặc nhuận, tức sự hỗ trợ một cách “nhưng khôngvà chẳng do công lênh/tài cán gì của ta, mà Thiên Chúa phú ban, được công bố cho mọi người, ngõ hầu chúng ta đáp ứng lời kêu mời từ Ngài, mà trở nên con cái của Cha, những người con được bảo dưỡng. Những kẻ chung phần thừa hưởng cuộc sống thánh thiêng tự tại và vĩnh hằng, từ Đức Chúa.” (x. Yn 1: 12-18; 17: 3; Rm 8: 14-17; 2P 1: 3-4).

Tới đoạn 1997, ta lại có: Ân huệ là sự chung phần vào cuộc sống của Thiên Chúa. Ơn Ngài ban cho ta, là để hướng dẫn ta đi vào với sự mật thiết của cuộc sống Ba Ngôi Đức Chúa; nhờ có thanh tẩy mà mọi Ki-tô hữu mới được hiệp thông gia nhập vào ơn thánh sủng của Đức Kitô. Ngài chính là Đầu của Thân Mình Rất Thánh của Ngài. Với cương vị của người con đã bảo dưỡng, ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha; hiệp thông trở nên một với Người Con Yêu dấu của Ngài. Vốn là con, các Kitô hữu chúng ta được nhận lĩnh sự sống của Chúa Thánh Linh, Đấng phà hơi thương mến của Ngài vào người chúng ta và kiến tạo nên Hội Thánh Chúa.

Ở đoạn 2005, còn thấy nói: Vì thuộc giới siêu nhiên, ân huệ vượt lên trên kinh nghiệm của ta. Và, ta chỉ có thể nhận biết đó là ân huệ Chúa ban, bằng niềm tin tưởng mà thôi. Vì thế, ta chẳng thể nào trông chờ nơi những cảm nhận hoặc vào tài cán/công lênh gì của ta, để rồi mau chóng kết luận rằng: ta xứng đáng có được ân huệ; và nhờ đó, được cứu rỗi.” (x. Nghị quyết Công Đồng Triđentinô 1547 câu 1533-1534)

Đấy là những quả quyết rất chắc nịch từ Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Trong Sách thánh, chắc chắn, bạn và tôi sẽ còn tìm gặp được nhiều chỗ, nhiều nơi nói đến ân huệ, đến đặc sủng Chúa thương ban. Như, trong Tin Mừng thánh Yoan, trích đoạn sau đây:

“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban

và ai là người đang nói với chị

thì hẳn chị sẽ xin

và Người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

(Yn 4: 10)

Hoặc:

“Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban,

các tông đồ làm chứng Chúa Giê-su sống lại.

Và,Thiên Chúa ban cho tất cả các ông

Dồi dào ân sủng.

(Cv 4)

Nói theo kiểu người đời, “có phần không cần gì lo”, tức là những ơn những quà tặng Trời cho, thảy đều do phần số, hết. Phần số hay số mệnh, là lối nói để chỉ ơn tiền định được Trời, được Đức Chúa phú ban cho những người ăn hiền ở lành. Những người có phần có số, được Trời Cao có mắt, vẫn dành để cho mình từ lâu.

Xem như thế, nếu bạn và tôi có hát lời ca của nhà thơ Nguyên Sa trong nhạc bản “Nếu vắng anh” do nghệ sĩ Anh Bằng sáng tác, hẳn là ta cũng sẽ đồng ý với hết mọi người, rằng: không có anh (ở đây đổi thành nếu vắng Cha vắng Chúa, con cũng chẳng ra “cái tích sự” gì.

Để minh hoạ cho một trong những điều mà ta gọi là “ân huệ, ân sủng”, hãy để lòng mình trùng xuống, hít một hơi thật đầy vào lồng ngực, rồi đọc hoặc nghe truyện kể tiếp nối ở đoạn sau:

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:

- Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

- Đây là vé trẻ em.

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

- Anh là người tàn tật?

- Vâng, tôi là người tàn tật.

- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

- Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.

Cô soát vé cười gằn:

- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.

Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

- Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật," có đóng con dấu của Hội người tàn tật !

Với khuôn mặt như quả dưa đắng, người đàn ông đứng tuổi cố giải thích:

- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi tai nạn xảy ra ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...

Trưởng tàu nghe chuyện, đến hỏi tình hình.

Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật…

Trưởng tàu cũng hỏi:

- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời là anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cũng cho trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.

Trưởng tàu nói kiên quyết:

- Không được.

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:

- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:

- Cũng được.

Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

- Anh có phải đàn ông không?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

- Đương nhiên tôi là đàn ông!

- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên.

Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:

- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.

Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao. Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:

- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:

- Cô hoàn toàn không phải người!

Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.

Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận. (truyện kể do Trần Văn Giang sưu tầm)

Điểm đặc thù rút ra từ truyện kể ở trên cho thấy: làm trưởng tầu hay anh hay chị soát vé chuyến tầu nào đó, cũng đâu phải do công lênh/tài cán gì của họ. Tất cả, chẳng qua chỉ là do ân huệ, hay còn gọi là đặc sủng từ người nào đó, mà ta có thói quen gọi là Trời cho. Chí ít, là người. Làm người. Nhất thứ lại là người có quyền cao chức trọng, ở ngoài đời hay trong Đạo đâu phải do cha do mẹ để lại. Như người đời vẫn nói con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa vẫn quét lá đa…

Một khi ta đã biết tất cả chỉ là ân huệ, hẳn là ta sẽ có thái độ đúng đắn để xử sự. Xử sự với người thân quen hoặc không quen, ở mọi nơi. Xử sự với tất cả những người ta từng gặp và đang sống với - sống cùng, trong nhà Đạo. Trong cuộc đời

Tóm lại, “nếu vắng anh” hay nếu vắng Cha, vắng Thầy, thì không những bạn và tôi sẽ còn hỏi: ai dìu mình đi trong chiều lộng gió. Những buổi chiều có gió lộng, có mưa giông bão tố. Cả trời đen. Một trời và một đời toàn những nghịch cảnh, rất cứng của cuộc đời. Đời người. Đời mình. Nơi gian trần.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc vẫn cứ hát

và cứ hỏi

phải chăng đó là ân huệ

từ nơi Chúa.

Monday 21 January 2008

“Tôi thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ cây”

(Yn 1: 9-10)

Có dịp đọc báo Ephata Việt Nam do Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách, bạn và tôi sẽ bắt gặp những giòng chảy về một vị linh mục Dòng đã một thời rất nổi tiếng, Lm Trần Hữu Thanh CssR, như sau:

“Một lần cuối cha Thanh chủ động dấn thân vào chính trị: đó là năm 1974 ở Sàigòn. Cha cùng với 301 linh mục khác ký tuyên ngôn lập Ủy Ban Chống Tham Nhũng. Cha Thanh trăn trở đã nhiều về tiền đồ đất nước, cha cũng đã xoay xở nhiều bề, nhiều phía. Càng ngày càng thấy rõ một điều: sự tham lam ích kỷ như một thứ tà khí bao trùm lên xã hội, nó gặm nhấm, nó làm tiêu tan, nó vô hiệu hóa những ý đồ tốt đẹp nhất. Cha cũng có kinh nghiệm về chống tham nhũng: trong những năm ’50 với việc phanh phui vụ “Gạo miền Trung”, cha góp phần làm cho nhiều quan chức đứng đầu 6 tỉnh miền Trung mất chức. Nhưng lần này không chỉ là chuyện của những quan chức cấp tỉnh. Lần này vấn đề lớn hơn nhiều: tham nhũng là quốc nạn, nó biến thành thói tục, thành cơ chế, thành cái nếp xuyên suốt xã hội từ trên xuống dưới, từ đưới lên trên. Nó khiến xã hội trở nên vô hồn, nó đầu độc sinh khí cộng đồng.” (Lm Vũ Khởi Phụng – Nhớ Cha Trần Hữu Thanh, Ephata Việt Nam số 343, 09/12/2007 tr. 16)

Đọc những giòng trên đây, bạn cũng như tôi, chắc có lúc cũng mang trong đầu rất nhiều câu hỏi. Nhưng câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ “tại sao”. Chẳng hạn: tại sao truyền thông báo chí hôm nay đề cập nhiều về các nhóm Hồi giáo như Jamaar Islamir, Muslim Shiite, Suni … đến như thế? Tại sao Giáo hội mình cứ nhắc nhở dân con nhà Đạo hãy cẩn thận về những chuyện chính trị? Và, một trong những nhắc nhở dẫn tới vấn nạn nhiều nhất, là: ta có nên tham gia vào chuyện chính trị, đảng phái hoặc bày tỏ chính kiến/ý thức hệ, trong và ngoài nước, không?

Hỏi thì nhiều người cũng đã hỏi. Nhưng cho đến nay, đã được bao người đưa ra câu trả lời khiến bạn và tôi rất mãn nguyện? Hỏi thì như hỏi thế. Nhưng, có trả lời thì cũng chỉ để mà trả lời, thôi. Chứ, ai nào biết được câu trả lời sẽ đúng hay sai. Có hợp với lẽ Đạo nhà mình? Có ăn khớp với chuyện đời thường hay không? Đó mới là vấn đề.

Và, vấn đề của bạn và tôi hôm nay, là: ta chớ vội tìm câu trả lời, ngay lập tức. Nhưng hãy thử đưa mắt nhìn rất thoáng qua về một số vấn nạn muôn thuở. Thứ vấn nạn bao giờ cũng có đó. Và, lúc nào cũng xảy ra. Nó xảy ra, từ lúc con người manh nha ý thức về gốc gác tinh thần và đạo giáo nhà mình. Gặp những vấn nạn và câu hỏi tương tự, bạn và tôi cũng chớ nên vội vã đi thẳng vào vấn đề, nhưng hãy phiếm. Cứ phiếm trước đã. Phiếm cho ngã ngũ vấn đề, rồi sẽ hay.

Và khi phiếm, bạn và tôi cũng sẽ nhận ra rằng: các thắc mắc về chuyện tham gia chính trị của người nhà Đạo là chuyện rất bình thường. Bản thân bần đạo cũng đã từng có những thắc mắc tương tự vào thập niên ’60, hồi còn ở quê nhà. Lúc ấy, cục diện chính trị trong và ngoài nước đã bắt đầu sục sôi. Sục sôi ngay tại môi trường sống tách rời trần thế. Cụ thể, lúc ấy đã nảy sinh những vấn đề rất mới về triết lý Đông Tây. Thứ triết lý hiện sinh thu hút các văn nhân thi sĩ, khắp nơi trên thế giới.

Bần đệ còn nhớ. Trong khoảnh khắc mới chớm của cái-gọi-là triết lý hiện sinh Phương Tây, đã thấy xuất hiện ở Pháp một số các triết gia nổi bật như: Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, F. Sagan… đã gợi ra thứ tư tưởng làm bận lòng người suy tư, ở khắp nơi. Trên thế giới. Ngay cả môi trường tách biệt như Học viện trường Dòng, rất nhỏ bé. Và, những ông thầy Dòng bé nhỏ cũng từng hỏi: sau này làm linh mục, mình có nên gia nhập quỹ đạo quay cuồng nồng nhiệt ấy không? Nói cách khác, có nên tham gia môi trường chính trị luôn tạo những thói quen không chính đạo cho lắm?

Đề cập chuyện chính đạo hoặc tà đạo, là đề cập đến lập trường/đường lối của nhiều người, về Đạo. Về Đường. Về những con đường dẫn đến Đạo. Thứ Đạo ở đời. Với đời và trong đời. Nào giờ đây, ta hãy phiếm.

Quả là, khi Ngôi Hai nhập thể và nhập thế, toàn bộ đời người đã mang sắc thái, rất Đạo. Và, lẽ Đạo của ta nay dính nhiều đến đời. Dính chuyện người ở đời thường. Những chuyện đời người và người đời. Chuyện, mà người người vẫn gọi là chính trị. Hoặc, phát âm theo giọng Bắc -mà lúc ấy có người quen gọi là giọng “Bắc kỳ di cư”-, đó là chuyện “chính chị chính em”. Chính chị hay chuyện rất chính để trị, tựu trung vẫn là nhân sinh chuyện dài, ở đời.

Nhân sinh chuyện dài chính trị nói ở đây, tuyệt nhiên không nên hiểu theo nghĩa sức mạnh hoặc quyền lực. Cũng chẳng nên quan niệm. là: nó mang tính nghệ thuật của công tác quản lý hay quản trị, gì hết. Hoặc, quản trị đất nước hay quản lý gia đình, xã hội. Mà là, quản cai nhóm nào, đời người nào một cách chính đáng/chính trực, để mà sống. Sống rất chính. Rất đáng, là được rồi.

Nói cho cùng, chính trị chỉ là cách sống ở đời sao cho thích hợp với Đạo. Vì Đạo đã nhập thế. Vì, Ngôi Lời đã nhập thể. Đã vào đời. Nhập như thế, tức: Ngài đã đi vào với thế giới nhân trần, mặc cùng thể tạng, thể lý với những hình dạng, rất Đạo. Và rất đời. Thứ đời và Đạo quyện lẫn vào nhau. Trong nhau. Bên nhau.

Để dẫn chứng chuyện này, đây một Lời hằng sống:

“Và, Ngài đến trong thế gian.

Ngài có trong thế gian,

Và thế gian đã nhờ Ngài mà có.”

(Yn 1: 9-10)

Như thế, nói đến chính trị là nói đến đời. Đến Đạo. Nói đến Đạo, là nói chuyện nhập thế, và nhập thể. Nhập thế hay nhập thể, cũng là quanh một chữ “nhập”. Vẫn gọi là dẫn nhập, thấm nhập và hội nhập. Và như vậy, nhập thế hay nhập thể còn là hội nhập. Hội nhập chứ không nhập hội, như nhiều người lầm tưởng. Những người từng nhập hội này hội nọ, nhưng không thấm. Và cũng chẳng nhập. Bởi, hội nhập không có nghĩa thấm nhập, gia nhập bất cứ một hội nào. Mà là, đi vào với thế giới của mọi nhóm hội. Mọi đoàn thể. Như Lời đã đi vào trần thế. Vào với vũ trụ của đời sống. Lời đi vào, bằng tất cả tình thương yêu của người nhập cuộc. Ở trong cuộc.

Cụ thể hơn, khi Ngôi Lời nhập thế và nhập cuộc, Ngài đã yêu người và yêu đời. Ngài mặc lấy cho mình toàn bộ nhân gian cuộc đời. Tòan bộ loài người, nơi trần thế. Và như thế, Ngài đã thực sự hội nhập. Hết mình nhập cuộc.

Thế giới hôm nay nói nhiều đến Nhập. Đòi hỏi nhiều về hội nhập, và nhập hội. Ngày nay, người ta vẫn khuyên người đời hãy “Đáo giang tùy khúc, “nhập” gia tùy tục”. Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy: thế giới loài người tuy có “nhập” đấy, nhưng thật ra, họ cũng vẫn chẳng nhập chút nào. Chưa “nhập” thì đúng hơn. Họ, mới chỉ nhập môn, nhập nhằng, chân trong chân ngoài, chứ chưa thật sự nhập cuộc. Hoặc, chưa nhập tâm, nhập Đạo. Nói khác đi, người đời vẫn chưa thẩm nhập vào chính trọng tâm của Lời. Và cũng là trọng tâm của đời. Chí ít, là vào Đạo của Đức Chúa Nhập thể. Của đời.

Xem như thế, đời vẫn là nơi để ta đón nhận Đạo. Để giúp ta sống Đạo. Sống yêu thương và tha thứ. Đạo đã tháp nhập vào đời. Tháp nhập, để rồi giúp ta dõi theo những bước chân mềm của Đức Chúa. Bởi Đạo chính là Đường. Và bởi, đời đã có Đạo. Và, đời đã có Lời Hằng Sống nơi Đạo. Của Chúa.

Thánh Gio-an từng quả quyết như thế, trong chương mở đầu Tin Mừng của ngài, rằng:

“Lúc khởi nguyên đã có ngôi Lời.

Và Lời ở nơi Thiên Chúa,

Và Lời là Thiên Chúa.”

(Yn 1: 1)

Và, thánh nhân còn ghi thêm:

“Lời đã thành xác phàm,

và đã lưu trú nơi chúng tôi,

và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài,

vinh quang như của Con Một tự nơi Cha,

tràn đầy ơn nghĩa và sự thật.”

(Yn 1: 14)

Lời đã thành xác phàm. Và lưu lại ở với chúng tôi. Lời như thế là nhập cuộc. Là, thẩm nhập vào đời. Và, Lời không đứng ngoài nhìn đời, để chỉ biết phán và bảo ban, rất dửng dưng. Nhưng, Lời đã nhập thế. Và, Lời cũng nhập cuộc, rất trọn vẹn. Lời nhập thế/nhập cuộc, cốt là để ta có tự do gia nhập với đời. Với người. Nơi dương gian trên trần thế.

Bằng vào quả quyết tương tự, một Gio-an khác, Đức Gio-an Phao-lô ở thời đương đại, đã thổ lộ với các người trẻ khi họ tham gia lễ hội nọ. Lễ hội của những người trẻ trên thế giới năm 1996, như sau:

“Mục tiêu đời sống chúng ta luôn nhắm tới, chính là Đức Kitô. Ngài đang chờ chúng ta -mỗi người với tư cách cá nhân cũng như tất cả mọi người- để đưa ta ngang qua ranh giới của thời gian mà đến với Thiên Chúa Vĩnh Hằng, vì Ngài hằng thương yêu chúng ta, suốt cuộc đời.” (trích lời phát biểu của Đức Gio-an Phao-lô II tại Đại Hội Giới Trẻ năm 1996 ở Toronto)

Xem như thế, nhập cuộc là việc phải làm. Nên làm. Bởi, nếu không nhập cuộc với đời, ta chẳng thể hành trình đi vào đời. Và, cùng với đời, tháp nhập vào với Đạo. Hiển nhiên là như thế. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa ta bắt buộc phải tháp nhập vào những gian manh, nhập nhằng của một thể chế chính trị nào đó. Thái độ này, cần minh định cho dứt khoát. Bởi lẽ, gian manh không khi nào thể hiện và đi đôi với tình yêu của nhà Đạo. Và, nhập nhằng không thể nào phản ánh được tính vĩnh hằng của Lời đã nhập thế, vào đời. Nhờ có Lời nhập thế và nhập thể, đời cũng trở nên hoà đồng, với Đạo. Đi vào Đạo.

Cuối cùng, vấn đề còn lại, là: thế gian (hay còn gọi là chính trị) có phảng phất một nhập nhằng nào đó hay không? Chắc là có người sẽ trả lời: dĩ nhiên là có. Bởi, đối với những người này, chính trị là lem nhem. Là, tranh giành và biển lận. Là giối dan và tạm bợ. Và như thế, sẽ không có chỗ đứng nơi Đạo. Rất khó mà đồng hành với đời.

Nhập thế hay nhập cuộc luôn dẫn đến những ma sát, va chạm. Luôn có đấu tranh. Va chạm sự xấu. Đấu tranh, chống lại những khuynh hướng tệ hại. Nhập thế và nhập cuộc, còn đưa đến tình huống có quan tâm. Có hy sinh. Hy sinh, để rồi sẽ dấn thân. Hy sinh, để nhập cuộc một cách trọn vẹn. Hy sinh trọn vẹn như Ngôi Lời từng hy sinh sự sống của chính mình, cho thế gian. Hy sinh, để thực hiện ý của Cha, như Ngài từng bộc bạch:

“Lạy Cha, nếu có thể được,

xin cho chén này qua đi khỏi Con!

Song, không phải như ý Con,

Mà là như ý Cha.”

(Mt 26: 30)

Qua phong cách nhập thế, nhập cuộc (còn gọi là thái độ chính trị), ta cũng nên tìm đến những gì không mang tính chóng qua, tạm bợ. Bởi lẽ, chỉ có Đạo và riêng Đạo mới mang tính vĩnh cửu, thôi. Tháp nhập vào Đạo để trở nên vĩnh hằng. Trở nên Một thân - một Mình với Ngài. Trong Ngài. Và trong Đạo.

Ở vào không gian và thời gian khác, chính Đức Gio-an Phao-lô II cũng đã khẳng định với những người trẻ về tính vĩnh hằng ấy, như sau:

“Kỹ thuật hiện đại có thể cung ứng tạo niềm vui cho cuộc sống của chúng ta. Cả việc giúp ta tạm thời thoát rời, khỏi cuộc sống. Nhưng, cái mà thế giới không bao giờ cung ứng cho ta được, chính là niềm vui và sự bình an muôn thuở. Có những món quà, mà chỉ có Chúa Thánh Linh mới ban cho ta được mà thôi.” (Trích phát biểu của Đức Gio-an Phao-lô II nhân buổi họp mặt giới trẻ ở New Orleans, Hoa Kỳ năm 1987).

Với xác quyết của Đấng đại diện cho Đạo ở trần thế, khi nhập cuộc đi vào với Đạo, người người sẽ tìm được niềm vui muôn thuở. Niềm vui ấy, những người dấn thân nhập cuộc vào chính trị, có được những cảm nhận như thế hay không? Hay là, họ vẫn trên đường tìm kiếm?

Nói cách khác, nhập thế - nhập cuộc sẽ còn mang đến cho con người niềm vui khôn tả, nếu mọi người vẫn ở trong tư thế có thái độ đúng đắn, trên trường chính trị. Hợp lẽ phải.

Thành thử, trong đời thường, có thái độ sống mới là điều quan trọng. Tựa như thái độ vui buồn, ỉ ôi đủ bẩy thứ tình ta vẫn có, thoạt khi gia nhập vào đời. Đó là điều, đáng để ta quan tâm. Và, điều đáng ta quan tâm trước nhất, vẫn là thái độ để ngỏ. Để ngỏ, hầu Chúa có thể nhập thế và nhập cuộc vào với đời mình. Có như thế, ta mới không khoá cửa lòng mình. Không thờ ơ, lãnh đạm. Vì thờ ơ lãnh đạm, chắc chắn sẽ không có được niềm vui muôn thuở. Như Đức Gio-an Phao-lô II đã phát biểu, ở trên.

Thái độ sống là Đường. Là lối dẫn ta về với Đạo. Dẫn ta đến niềm vui miên trường. Mãi mãi lưu lại trong tình thương yêu của Đức Chúa. Thái độ chính trị như thế ấy, không là tư thế gian manh, tranh giành quyền bính. Không là phong thái tìm lấy cho mình, mọi lợi lộc quyền bính ở nơi chính trường. Vì tranh giành lợi lộc, quyền bính vẫn là thái độ chính trị, mang ý nghĩa thấp kém nhất. Đớn hèn nhất.

Có lẽ câu để đời của Ngôi Lời Nhập Thể và nhập thế dưới đây sẽ là kim chỉ nam cho những ai còn thắc mắc về thái độ chính trị phải có, trong cuộc đời. Câu ấy như sau:

“Nước Tôi không thuộc về trần thế.”

Và:

“Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi,

Ngài đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria

Và đã làm người.” (Kinh Tin Kính)

Cuối cùng, nếu cần một ngôn từ nhẹ nhàng hơn, ngõ hầu diễn tả phong thái ở trên, thì dưới đây là đề nghị của tác giả Nguyễn Ngọc Lan trong “Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím:

“Nhập thể như thế cũng là “nhập tịch”,

là đi vào giòng dõi loài người,

trở nên anh em bà con với mọi người”. (sđd, tr. 29)

Đó mới là thái độ chính trị. Đó mới là chọn lựa chính đáng. Cho mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Và một vài suy tư đứt đoạn

Về một chữ “nhập”

nhân đêm giao thừa và giao thời

một năm mới.

Tuesday 15 January 2008

“Có một lần, tôi đưa em về trên đỉnh yên bình hiền hòa”

(Lc 2: 13-14)

Vâng. Nếu “đỉnh yên bình hiền hòa” trên ấy, là chốn náu nương để đưa em về, thì miền đất phía dưới nơi đây, sẽ mãi mãi là mùa xuân. Mùa của yêu thương. Xuân bất diệt, nhà Đạo.

Xuân nhà Đạo, vừa là thời gian vừa là không gian, nơi có bạn và tôi, lúc nào cũng nghe văng vẳng đâu đây, lời trình thuật rất sáng của thánh sử Luca, như sau:

“Và bỗng đâu

đến hợp với đoàn thiên thần,

có đoàn lũ cơ binh trên trời

Ngợi khen Thiên Chúa rằng:

Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm

Và ở dưới đất cho kẻ Ngài thương.”

(Lc 2: 13-14)

Bình an cho kẻ Ngài thương, là người trong đó có bạn và tôi, những kẻ còn ở đất miền phía dưới nơi đây. Và, lời bình an Chúa nói còn là giáo huấn quan trọng của nhà Đạo. Giáo huấn rất quan yếu. Rất trọng sự thực.

Bần đệ còn nhớ, khi chuyển ngữ đoạn thánh sử quan yếu buổi đầu đời, từ tiếng A-ram của Do Thái, cố giáo sư Kinh thánh, Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR có để lại một chú giải nhỏ, như sau:

“Theo văn kiện Qumran

thì kiểu nói thông dụng của người Do Thái

‘bình an cho kẻ được Ngài thương’ là cốt để hiểu cái nhã ý,

(và) lòng đoái thương của Thiên Chúa”.

(Kinh thánh, 1976, bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, tr.128)

Hiểu như thế, tức “lòng đoái thương của Thiên Chúa” đang ở trên đỉnh yên bình hiền hoà, chốn non cao xanh biếc. Hoặc, nơi an bình ở đất miền phía dưới, mà dân thường ở huyện từng có, là do từ ‘cái nhã ý’ của Thiên Chúa, mà ra.

Theo lẽ thường tình, ta không thể có được “cái nhã ý” về “lòng xót thương của Thiên Chúa” tại những nơi cao sang đền đài vua chúa, hoặc chốn nguy nga, mà ta gọi là “điện Cẩm Linh”, cung Vẹrsailles, hay Tòa bạch Ốc… Nhưng có điều chắc: ta chỉ tìm thấy “đỉnh yên bình hiền hòa” ở dưới đất này. Ở nơi đây, luôn có những kẻ được Ngài đoái thương, rất nhiều.

Vậy, kẻ được Ngài đoái thương rất nhiều là những ai? Có phải, những Hê-rô-đê đương đại? Những nhà độc tài toàn trị dũng mãnh có quyền sát quyền sinh, chỉ cần bấm nút đen hoặc nút đỏ, là có thể bắn ra đủ mọi thứ vũ khí nguyên tử, hủy hoại hàng ngàn thành phố lớn? Và, sẽ làm cả trăm ngàn, triệu triệu người sẽ chìm ngập trong máu lửa điêu tàn?

Nhìn vào thế giới hôm nay, ta càng thấy có nhiều phân rẽ tách biệt nơi con người. Những phân biệt, chênh lệch giàu - nghèo. Phân biệt, là phân ly trong cuộc sống. Là, tách biệt trong yêu thương, giùm giúp. Ở nơi con người đang sống, có những “đại gia” nhởn nhơ vui thú, chỉ muốn thưởng ngoạn những xa hoa đàng điếm nơi khách sạn 5, 7 sao, hoành tráng. Trong khi đó, kẻ nghèo người hèn vẫn cứ nghèo hèn. Vẫn ốm o gầy mòn, tìm không ra chỗ trú chân. Không hột gạo trong bụng.

Giữa giòng đời sinh sống hôm nay, cách biệt sang - hèn ở dưới đất, vẫn là điều khiến ta quan ngại. Cần lưu tâm để ý. Lưu tâm để ý, vì cách ly - phân biệt là do con người tạo ra. Chứ đâu phải từ một định mệnh đã an bài. Hoặc tệ hơn, từ Chúa Quan phòng, đã tiền định.

Trong cuộc sống đời thường, con người khi thừa hưởng giàu sang thoải mái, lại cứ tưởng những thứ ấy do chính mình đem lại, hoặc tạo ra. Và khi bê tha, xuống cấp, họ lại đổ lỗi cho Đấng Bề Trên, hay Đức Chúa. Thực tế, khó có thể có được câu trả lời nêu trên, nếu ta không chấp nhân lập trường rất đúng như triết gia Pascal từng nhận định: “Tất cả là ân huệ”, dù vào lúc ta gặp đủ mọi khó khăn, nghịch cảnh.

Trong tiếp xúc với người thường ở đời, một thiền sư đã đề ra một số phương cách thực tiễn hầu giúp người đời thời nay thực hiện chuỗi ngày “bình an” ở miến đất phía dưới này, như sau:

-SỐNG không giận hờn, không oán trách mới là sống

-SỐNG mỉm cười với thử thách, chông gai, ấy mới hay

-SỐNG vươn theo nhịp ánh ban mai, ta vẫn biết

-SỐNg an hòa với người quanh ta, đó mới là

-SỐNG sinh động, nhưng lòng luôn bất động

-SỐNG yêu thương, mà lòng chẳng vấn vương

-SỐNG hiên ngang nhưng danh lợi vẫn không màng

-Tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến. Nay SỐNG đúng.

Thật ra, sống đúng giữa giòng đời vạn biến, vẫn là chọn lựa của mỗi người. Là tự do chọn lựa của con cái Chúa. Chọn sống đúng. Chọn thực hiện điều xưa nay ta được dạy để sống đúng. Sống cho đáng sống. Đó mới là điều quan trọng. Đó là điều cần làm.

Trên thực tế của cuộc sống, có những điều giúp ta sống đúng, nhưng ta không làm. Hoặc vẫn chưa chịu làm. Và, theo nguyên tắc hành động, có những điều ta chẳng nên làm, nhưng nhiều người vẫn cứ làm. Có những điều thấy vậy mà không phải vậy, như truyện tích thời đại ở dưới đây.

“Hai thiên thần được Đấng Bề Trên cho ngao du xuống trần một chuyến, để thêm lòng xác tín về tình thương, đã ghé bến lưu lại nhà của gia đình giàu có, khi ấy. Gia đình giàu có từ chối không cho nhị vị ngủ lại ở căn buồng đẹp. Vì buồng này chỉ dành cho thượng khách mà thôi. Trái lại, họ dẫn nhị vị xuống căn hầm rất lạnh, ở phía dưới.

Ngả lưng xuống nền xi-măng lạnh buốt của căn hầm, vị thiên thần trọng tuổi thoáng nhận ra lỗ hổng nhỏ nơi bờ tường. Ở phía trước. Thiên thần ấy bèn giơ tay hóa phép, quyết bít kín lỗ hổng, mất dấu.

Thiên thần nhỏ, vị tháp tùng đấng bậc trọng tuổi kia, thấy thế bèn hỏi:

-Sao tiền bối lại làm như thế, có ý gì?

Và thiên thần trọng tuổi trả lời:

-Như thế tức là, mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy, đâu đấy bạn ạ.

Đêm sau, hai vị thiên thần nọ bèn đến nhà bác nông dân khác rất nghèo, trọ nhờ qua đêm. Hai vợ chồng bác nông dân tuy nghèo, nhưng hiếu khách. Sau khi chia sớt phần lương thực ít ỏi của mình, hai vợ chồng bác nông dân nghèo bèn nhường chiếc chiếu nan cũ kỹ, cho nhị vị thiên thần nằm đỡ, rồi ra sau hè ngủ.

Sáng ra, khi mặt trời vừa lấp ló, nhị vị thiên sứ nhà trời đã thấy vợ chồng bác nông gia nghèo, ngồi khóc than rất ư là thảm thiết. Hỏi ra mới vỡ lẽ: hai vợ chộng nghèo tằn tiện lâu lắm mới sắm được mỗi con bò sữa, làm nguồn lợi tức duy nhất, ở tuổi già. Ngờ đâu, đêm qua, bò ta lăn đùng ra chết, trước chuồng trại.

Vi thần nhỏ rất bực dọc, bèn lên tiếng hỏi tiền bối của mình:

-Sao ngài thấy chuyện bất ưng mà sao không ra tay cứu giúp? Sao cứ để yên cho bò béo mộng chết cứng, vô lý thế? Người có đủ thứ, thì ngài lại giúp đỡ cho họ thêm bằng cách trám bịt lỗ hổng, nơi bờ tường. Còn ở đây, gia đình bác nông dân đã nghèo kiết xác không có gì để sống qua ngày, thế mà họ vẫn tốt bụng chia sẻ phần cơm ít ỏi cho ngài, ngài lại để họ mất đi nguồn lợi tức độc nhất, là chú bò béo mập kia. Làm như thế không là bất công thì còn gọi là gì nữa cơ chứ?

Vị thần trọng tuổi đáp lời:

-Mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy, đâu bạn ơi. Khi bọn mình nằm tại căn hầm ở dưới đất, ta phát hiện ở bờ tường nhiều thỏi vàng ròng cất giấu bên trong. Họ giấu vàng, chỉ chừa một lỗ nhỏ để làm dấu vết sau này tìm kiếm. Chủ nhà đã giàu lại keo kiệt không biết san sẻ của dư của để cho người khác. Dù, một chỗ trú chân nhỏ bé với chăn chăn ấm nêm êm cũng không cho. Nên, ta quyết định bít kín đầu mối kia đi, để họ không tìm ra chỗ cất giấu vàng ròng, của cải dư thừa ấy. Thế rồi, hôm sau khi nằm bên chiếu nan của hai bác nông gia nghèo, ta chợt phát hiện một điều: tử thần gian ác đã ghé thăm căn nhà tiều tụy của bác nông gia nghèo này, định đòi mạng người vợ hiền làm của lễ tế thần, thay cho chúng. Ta bèn cho chúng con bò mẹ béo ngậy để thay thế. Đổi lại, vợ bác nông gia sẽ tiếp tục được sống cho đến mãn kiếp đời. Như thế, mới hợp với triết lý phục vụ. Triết lý dạy rằng: còn người thì còn của. Của cải vật chất là để phục vụ loài người, chứ loài người đâu nào phục vụ của cải vật chất, đâu! Thành ra ta bảo: mọi chuyện coi vậy mà không phải vậy đâu là như thế, bạn hiểu chứ?

Chuyện cổ tích thời đương đại ở trên có thể đã nói lên quan niệm/lập trường rất chung của một số người nơi nhà Đạo. Lập trường ấy là: đi đâu, làm gì, ta cũng nên nghĩ và nhớ đến thân phận và hoàn cảnh của người khác. Thân phận của những người ở dưới đất, được Ngài thương chúc bình an, suốt cuộc đời. Đời của những những người tuy rất nghèo về vật chất lẫn tinh thần, thường vẫn thấy. Nhưng thực tế cuộc đời, họ vẫn hy vọng đạt “đỉnh yên bình hiền hòa”, trên nơi ấy. Nơi có người nghệ sĩ luôn hát bài ca hiền hòa, bình an như sau:

“Trên đỉnh yên bình

môt mùa xuân ôm kín khung trời,

của tuổi thơ thôi rã, thôi rời

xin đừng làm bão tố đôi mươi

để vòng tay khắc khoải ôm xuôi

từng niềm vui bay theo biển gió.

(Nhạc và lời: Từ Công Phụng)

Đúng đấy. “Đỉnh yên bình hiền hòa” ấy, đang ở với bạn và với tôi. Nơi có Nước Trời Hội thánh, rất thân thương. Nước của những tâm can an hòa, với mọi người. Những người như bạn và tôi ở chốn địa cầu này luôn nhận lĩnh lời hứa Chúa ban vinh phúc an bình mà Ngài bày tỏ. Bày và tỏ ngày Chúa Giáng hạ, rất làm người.

Trần Ngọc Mười Hai.

Vẫn muốn vui hưởng

Niềm an bình Ngài thương ban

cho kẻ nghèo ở đất miền phía dưới.

Monday 7 January 2008

“Em, ngồi đây với anh trong cuộc đời này”

(Yn 1: 10-12)

“Ngài có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà được có, mà thế gian không biết Ngài”

Như mọi người đều biết, có lần học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng dõng dạc tuyên bố một câu “xanh rờn”, đại để bảo rằng: “Người Việt còn, thì tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn.”

Có người tng nói với bần đạo, là: khi tuyến bố câu để đời này, chắc học giả Nguyễn Văn Vĩnh đang công du nước ngoài. Như thế, còn hiểu được. Chứ, đang ở trong nước, mà lại nói thế, thì khác nào bảo rằng dân con nhà mình nay đà mất gốc. Mất cả bản sắc văn hoá của tiền nhân!

Nói đến bản sắc văn hóa của tiền nhân hay của đất nước mình, tưởng đây cũng là chuyện mà nhiều người đang ưu tư, khắc khoải. Rất nên phiếm.

Luận phiếm về bản sắc văn hóa người mình, chí ít là với kiều bào sống ở nước ngoài, còn là chuyện: có nên hội nhập vào với xã hội người nước ngoài hay không? Xã hội, mà có một bạn đã hùng dũng: “Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương…”

Vâng. Bàn về du nhập và hội nhập, còn là bàn chuyện trong nhà, ngoài phố. Trong nhà Đạo. Ngoài phố chợ. Bàn chuyện phố xá vừa mới quen. Sống từ lâu ở nước ngoài, hay mới vừa di tản về vùng đất mới, các cụ nhà ta thường khuyên con bảo cháu: “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.”

Nói đáo giang, thì từ ngày vượt biên, vượt biển quyết đặt chân đến “đệ tam quốc gia”, tìm cho mình một cuộc sống mới, người Việt chắc không còn chọn lựa nào khác để cứ đứng đó mà chờ khúc “giang đầu’ nào thật tốt mới chịu xuống thuyền. Mới chịu theo tắc-xi lên “cá lớn”. Nhưng, “nhập gia”, cho dù là đi “chui”, hay đi chính thức, du học, du lịch vv.. Nhất nhất, người thức thời đều bảo nhau “hãy tùy vào tập tục” của đất khách quê người mà mình nhận làm… quê hương.

Nói như thế, “hội nhập” vào gia đình mới, vào đất nước/xã hội mới.. đương nhiên là chuyện phải làm. Dù là ở đâu, nơi nào, ta cũng nên làm như thế. Làm, để không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Hoặc, lẽo đẽo theo sau bước tiến của thời đại Nhưng, nên làm không có nghĩa là “dễ làm”, hoặc “cần làm cho nhanh”. Cho chóng. Bởi, rõ ràng là: nói nguyên tắc bao giờ cũng dễ hơn là đi vào thực hiện, trong tích cực. Và, thực hiện cho thành công cũng là cả một vấn đề. Vấn đề thời gian. Vấn đề kiên nhẫn. Chịu đựng.

Những ai từng trải, ngang qua nhiều kinh nghiệm xương máu, đều thấy rằng “hội nhập” vào quê hương mới, đòi hỏi một “chuyển hệ” rất ý tứ, và khéo léo. Bởi, đối với người Việt, định cư hội nhập vào các nước ở phương Tây, có thể có khó khăn như khi thực hiện một dung hòa giữa nước và lửa. Giữa âm/dương, trắng/đen. Thực tế không dễ như nói chuyện lý thuyết.

Không dễ, là bởi vì Đông Tây luôn có khác biệt. Và, là khác biệt một trời một vực. Khác về triết lý. Khác nhân sinh quan. Khác cả phong cách, lẫn hình thái xử sự. Như trong giao tế chẳng hạn, người phương Tây có thói quen: thương ai nói rõ ra ngoài. Còn, ở phương Đông, người người có thương nhau lắm cũng để trong bụng. Đâu có ôm hôn, hoặc bá cổ choàng vai nhau giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngoài đường.

Người phương Đông, khi biết ơn nhau hoặc khi phạm lỗi lầm gì với nhau, nhất là đối với con cháu, bậc dưới thì cũng chỉ xoa đầu xoa lưng vài cái, rồi thôi. Chứ, đâu có tỏ bày bằng miệng bằng lưỡi, nói lời “Sorry”, “Thank you” “Pardon”, “Merci bien!” đâu. Người nào nói ra điều đó, đã bị chỉnh là: “Sao Tây quá vậy?” Tôi đây, chỉ thuộc lọai “tây đui/tui đây” hoặc Tây Ninh Trảng Bàng, chứ đi đâu rời làng, bỏ quê đâu mà biết lỗi với phải (?)...

Chính vì thế, với cương vị là “Việt kiều” nước ngoài, ta thường nghe mọi người nhắc đi nhắc lại rằng: Đông/Tây luôn xung khắc. Khó hoà hợp như chuyện xung khắc trong gia đình giữa ông bà cha mẹ - con cháu. Giữa hai văn hóa Việt-Âu. Chính vì thế, mỗi lần có chuyện không hay xảy đến từ một người thuộc giòng giống/sắc tộc đối lại với bản xứ phương Tây, ta bắt gặp những trường hợp được gọi là “kỳ thị”, là “phân biệt chủng tộc”…dễ như chơi. Lập trường và thái độ của cựu dân biểu Pauline Hanson ở Bắc Úc đối với người Á Châu, Hoa Kiều… là một chứng minh cụ thể. Thật khó hoà hợp, mỗi khi có sự cố, hiểu lầm giữa các sắc tộc với nhau.

Trong cung cách hòa hợp với xã hội mới, đất nước mới, vấn đề hội nhập bằng tín ngưỡng, đạo giáo, càng khúc mắc hơn. Đạo giáo ở đây, hiểu theo nghĩa cộng đoàn các kẻ tin vào cùng Đấng Tối Cao. Như Đạo Công Giáo, xưa nay vẫn được coi là Đạo “chung” của mọi người. Công là chung, giáo là Đạo, là tôn giáo.

Thành thử, vì là “Đạo chung” cho mọi người, nên người đi Đạo có là người gốc Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ hay Việt Nam, Phi… đi nữa, ai cũng đến nhà thờ, đọc kinh hoặc tham dự thánh lễ với nhau. Cùng sinh họat tỏ bày tình thương yêu đồng Đạo, với nhau. Cùng hội nhập vào Đạo, như Chúa đã hội nhập vào cộng đoàn kẻ tin, ngay từ đầu ngày lúc Ngài xuống thế làm người.

Hội nhập trong Đạo, như thánh Phao-lô từng khuyên, là:

“Hãy vui với kẻ vui

khóc với kẻ khóc.

Cùng nhau tâm đồng ý hợp;

đừng quá cao vọng về mình;

trái lại hãy biết bỏ mình

chuộng phần hèn kém; đừng có tự thị mình khôn…”

(Rm 12: 15-16)

Và, lý do để mình nhận mình thuộc phận hèn kém, còn là:

“Tự lượng lấy mình sao cho khiêm tốn

mỗi người tùy theo lường đức tin

Thiên Chúa đã phân phối cho.

Vì cũng như thân mình ta

Tuy nó là một, lại có nhiều chi thể,

Và các chi thể không đồng một công việc

Ta chỉ là một thân mình trong Đức Kitô.”

(Rm 123-5)

Đi vào thực tế, hẳn mọi người đã rõ: lúc đầu định cư, vì có trở ngại về ngôn ngữ tập tục, nên mới nảy sinh cái-gọi-là: Ban Tuyên Úy, Cộng Đồng Người Việt Công Giáo. Và, ban ấy vẫn tồn tại đến ngày hôm nay, kể từ ngày bà con bôn ba hải ngoại, vì lý do hoặc hoàn cảnh nào đó. Ban Tuyên Úy và Cộng Đồng Người Việt Công Giáo, vẫn có sinh hoạt riêng. Sinh hoạt ngoài khuôn khổ của giáo xứ. Giáo phận.

Chuyện này cũng có điều hay, nỗi phiền. Nay, trên thực tế đã có nhiều linh mục chánh xứ gốc Việt, hy vọng bà con ta sẽ hội nhập thật sâu thật sát, với Giáo hội sở tại hơn. Sinh hoạt đồng loạt và liên kết hơn. Lúc ấy, Đạo mình mới mang ý nghĩa phổ cập. Công giáo hơn.

Và lúc ấy, việc hội nhập mới trọn vẹn. Mới đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Hy Lạp với người Hy Lạp, Do Thái với người Do Thái”.

Có một lần, đề cập chuyện này với bạn bè đồng Đạo, có người anh em đề nghị: Chuyện Giáo Hội, hãy để Chúa Thánh Thần soi sáng. Chỉ cần một điều: hãy tin vào Chúa quan phòng. Cứ phó mặc cho Chúa, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.

Đành rằng, phó thác, tin vào ơn Chúa Quan Phòng là chuyện phải làm, vào mọi lúc. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa, đóng góp tích tực, ta phải làm sao đây?

Câu hỏi dành cho người đọc, và người nghe. Vì người đọc và người nghe cũng là người hỏi. Để kế thúc, xin có một câu chuyện khôi hài về cặp người tình kẻ tin rất tín thác vào chúa Quan Phòng đến tận cuối đời mình. Đến cả vào lúc, một người bị bệnh Alzheimer, như sau:

“Trong buổi họp mặt cựu chiến binh dịp lễ Memorial Day của Hội Cựu Chiến Binh Mỹ, bàn tụi tôi rất ồn với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, từ chuyện an sinh, hội nhập lẫn tiếu lâm xung quanh cuộc sống của người “Mỹ thầm lặng”. Đặc biệt là lớp tuổi nay phải đương đầu với chuyện nhà hưu dưỡng, tật bệnh, chí ít là bệnh Alzheimer…

Hôm ấy kể chuyện về cặp vợ chồng già rất tin tưởng vào việc Chúa Quan Phòng hết mọi chuyện, Bác sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khoẻ của ông nhà độ này, đã khá hơn trước rất nhiều. Ông đã tìm được niềm vui nơi Thượng Đế. Tin tưởng nhiều vào việc Chúa Quan Phòng, và Chúa Thánh Thần soi sáng hết mọi chuyện, trong cả bước đi. Ông còn nói: đêm qua, khi vừa mở cửa phòng tắm để giải quyết vấn đề nhân sinh cho thông thoáng, thì Chúa biết ý đã bật đèn sáng cho ông ngay…

Nghe thấy thế, bà vợ ông liền ngắt lời Bác sĩ: Thôi chết rồi, Lạy Chúa tôi! Ỗng lại làm bậy vào tủ lạnh của tôi, mất rồi…

Và mọi người nghe chuyện, đều nghĩ: Chúa có Quan Phòng thì Ngài cũng đâu làm những việc như thế…

Đúng thế, hội nhập vào đời sống mới, xã hội mới, Chúa vẫn dành để cho con người “tự do con cái Chúa”. Ngài đâu bao giờ xen vào “chuyện nội bộ” của riêng ai. Nhóm hội nào. Chí ít là, cả một tập thể như Cộng Đồng Công Giáo A, hay B.

Thành thử, Hội nhập hay Giáng nhập, vẫn luôn là vấn đề không của riêng ai. Một người, một tôn giáo đoàn thể nào. Nhưng là của tất cả mọi người. Những người có “tự do con cái Chúa”. Như bạn và tôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nhắc nhở chính mình

những điều như thế ấy.

Wednesday 2 January 2008

“Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng”

(Lc 3: 23-38)

Hồi còn nhỏ, ở Sài gòn, bần đạo được nghe các cụ rủ nhau tìm đến cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, để nhờ lập gia phả cho nhà mình. Không làm thế, sợ rằng rồi ra bọn trẻ không còn biết nguồn gốc tổ tiên, ai trên ai dưới. Ai thuộc thế hệ nào, đời nào. Thưa gửi làm sao…

Lớn lên, khi ngồi ghế ở nhà trường, nghe giảng giải về các lời kinh tu đức, bần đạo còn được bảo là: Đức Giê-su thuộc giòng tộc quý phái. Là, hậu duệ vua Đavít, rất nhiều đời. Lúc ấy, bần đạo càng xác tín thêm ý nghĩa cũng như vai trò rất hệ trọng của gia phả, cả tổ tiên.

Cách đây vài năm, nhân đọc cuốn “Chứng Nhân Hy Vọng, các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma năm 2000” của Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, bần đạo bắt gặp được một tư tưởng kính trọng nguồn gốc tổ tiên như sau:

“Đối với chúng tôi, những người Á Châu, đặc biệt là đối với người Việt Nam, việc tưởng nhớ các tiền nhân có một giá trị lớn lao. Theo văn hóa Việt nam, trong niềm hiếu kính, chúng tôi vẫn giữ một cuốn gia phả của gia tổ trên bàn thờ, trong gia đình. Chính tôi cũng biết được tên của 15 thế hệ các tổ tiên của tôi, từ năm 1698, khi gia tộc tôi được lĩnh nhận phép Thánh Tẩy. Qua gia phả, chúng ta thấy rằng mình thuộc về một lịch sử rộng lớn hơn. Và chúng ta ý thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử của mình.

Tôi xác tín rằng những lời trong “Sách gia phả Chúa Giê-su Kitô” chứa đựng lời loan báo chủ yếu về Cựu Ước và Tân Ước, chính yếu của Mầu Nhiệm Cứu Độ liên kết tất cả chúng ta với nhau, các tín hữu Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành”.

(F.X. Nguyễn VănThuận, sđd năm 2001, tr. 25-27)

Vừa qua, trên tờ The Catholic Weekly số đặc biệt Giáng Sinh 2007, (đề ngày 23.12.2007, tr.10), bần đạo thấy có tín hữu phương Tây, mang nặng cùng một ưu tư thắc mắc về gia phả Đức Giê-su được nhắc đến trong Tin Mừng. Nhưng, thay vì trích dẫn đoạn Tin Mừng nói về Gia-phả, thì nữ độc giả nọ lại càng thắc mắc nhiều về cây Giáng sinh, như sau:

“Là một bổn đạo mới vừa gia nhập cộng đoàn tín hữu Công giáo ở Úc, có nhiều điều tôi chỉ mới được nghe vài lần chưa quen tai cho lắm. Chẳng hạn, như: một số thói quen chỉ thấy nơi một vài nhà xứ nhà thờ họ lẻ mà thôi. Một trong những điều tôi chưa hiểu rõ, là: tên tuổi các vị tiền nhân rất lạ được treo trên cây No-en ở nhà thờ, mà một số người gọi là nhành Y-sai (bên tiếng Anh gọi là Jesse tree). Xin cho biết điển tích và ý nghĩa của nhánh cây gia phả này.

Đã hỏi về ý nghĩa của gia-phả hay về các nhánh giòng tộc, có lẽ cũng nên trích dẫn lời chú giải của Giáo sư kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn CssR, như sau:

“Gia phả được xây dựng theo những số nhất định (7 và 14): gồm có 3 đợt theo 3 thời kỳ lịch sử Israel; mỗi đợt là 2 lần 7 (nên đã bỏ sót ít là 4 đời). Mục đích của gia phả là cho thấy nơi Chúa Giê-su, các lời hứa cho Ap-ra-ham đã ứng nghiệm; và Ngài Đavít mới (số 14 là tổng số tiếng Đawid tính theo giá trị số của chữ Hip-ri). Đến sau 6 loạt 7 đời, Ngài khai mạc thời viên mãn vào đầu loạt thứ 7. Gia phả theo Luca đại đồng hơn là trong Mat-thêu: Luca lên đến A-đam. Hai gia phả không phù hợp với nhau, và không thể dung hòa. Phải nhận là có những điều nan giải vì đã quá xa trong quá khứ-‘EB 563’. “(Kinh Thánh 1976, Nguyễn Thế Thuấn, tr12,132)

Nay, ta hãy thử dõi theo câu trả lời của lm John Flader như sau:

“Cây gia phả mà cô có nhắc đến trong thư, có lúc được gọi là “cây Y-sai”. Cụm từ này được trích từ một đoạn sách tiên tri I-sai-a trong Cựu ước, có nói: “Một chồi sẽ xuất từ gốc Y-sai, và từ rễ của nó, lộc sẽ mọc lên.” (Is 11: 1)

Còn về câu hỏi: cây Y-sai này có liên quan gì với Giáng Sinh hay không? Thiết tưởng, cụm từ “cây Y-sai” nhắc nhớ chúng ta về gia phả của Đức Giê-su, bắt đầu từ Y-sai, cha của Vua Đavít. Lộc chồi hoặc nhánh gia phả mà tiên tri I-sai-a nói đến mang xuất xứ từ Đavít, và cuối cùng, ý nói Đức Giê-su là Đấng kế vị ngai vàng của tổ phụ mình là Đavít. (xem Lc 1: 32). Các nhánh gia phả này được điểm tô bằng tên tổ tiên Đức Kitô và Đức Maria ở trên đầu.

Cả hai thánh sử Mat-thêu và Luca đều liệt kê các người trong gia phả của Đức Giê-su. Thánh Mat-thêu ghi ngược về thế hệ của Áp-ra-ham ngang qua Y-sai và Đa-vít, rồi tận cùng bằng thế Đức Giê-su. Còn, thánh Lu-ca bắt đầu từ Đức Giê-su, rồi trở ngược về tới Đa-vít, Y-sai rồi đến A-đam.

Theo dõi gia phả từ chi họ Y-sai cho đến thời Chúa Giáng Sinh là để nhắc nhở ta về nhiều thế hệ nối tiếp cứ mãi không ngừng chờ đợi ngày Đấng Thiên Sai đến từ hậu duệ của Vua Đa-vít…” (Lm John Flader, The Catholic Weekly 23/12/2007, tr 10)

Ở đây, cũng nên thêm ý kiến của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan về gốc gác gia phả Đức Giê-su, như sau:

“Mat-thêu và Luca cho biết gia phả từ hàng mấy mươi đời trước. Nhưng gia phả ấy, không chỉ gồm những danh thơm tiếng tốt, vì trai bạo ngược cũng có mà gái giang hồ cũng có. Gia phả theo Luca không ghi lại một danh tính phụ nữ nào. Gia phả theo Mat-thêu (Mt 1: 1-17) nhắc tới vỏn vẹn bốn bà, nhưng đến ba bà chẳng quý hoá gì. Gia phả kia không phải thuộc loại gia phả tô hồng…

Người ta còn kể nhiều chuyện lạ, trước và sau ‘Giáng Sinh’. Chuyện thần tiên ẩn hiện, chuyện báo mộng phi thường, chuyện đoàn mục tử nghe tiếng nhạc huyền bí, chuyện ba nhà đạo sĩ lần bước theo một vì sao lạ.

Như thế, tất cả những anh em sống chung quanh chúng ta đều là “dấu” để nhận ra Chúa Kitô và tiếp xúc với Ngài, tất cả vạn sự to nhỏ đời họ cũng như đời chúng ta đều ăn liền vào chính cuộc sống Chúa Kitô.

Chúa đang đến giữa chúng ta, chúng ta sẽ tha hồ gặp gỡ Chúa làm người. Vợ gặp Chúa trong chồng, chồng gặp Chúa trong vợ. Vợ chồng gặp Chúa trong con cái. Vợ chồng con cái cùng có thể mở cửa tìm Chúa, đón Chúa, khi mở cửa nhà, trông qua nhà bên cạnh để tha thiết đến tiếng khóc, tiếng cười của kẻ khác, kể từ bạn láng giềng, đồng nghiệp, đồng học vẫn hằng ngày chung đụng, cho đến nét mặt trầm tư chỉ thoáng gặp một lần đâu đó trên đường…”

(Nguyễn Ngọc Lan, Chủ nhật hồng giữa mùa tím, tr.21-22)

Vâng. Nói đến Giáng Sinh, là nói đến gia phả. Nhắc đến gia phả, ta không chỉ khoa trương giòng dõi quý phái, vua quan của mình thôi. Nhưng, còn là nói và nhớ đến những người “chỉ thoáng gặp một lần đâu đó, trên đường”, hoặc trên trang sách báo, màn hình nhỏ như truyện kể về một David khác như sau:

“Tôi chạy vội ra cửa hàng doanh thương, định mua vét vài món quà Giáng sinh cho con, cho cháu. Nhìn quanh, xem người người tấp nập đổ xô, mua mua bán bán. Và, trong một thoáng rất nhanh, tôi tự trách mình sao không nhanh chân lẹ tay để giờ này cứ phải đứng đây chờ với đợi, sốt ruột quá.

Cuối cùng, tôi đến khu bán đồ chơi và lẩm bẩm một mình không biết bọn trẻ ở nhà có ưa các món tôi mua cho chúng không. Bất chợt, mắt tôi quay về phía chú bé kia đang ôm chặt con búp bê. Ra chiều ưng ý lắm. Một tay cầm búp bê, tay kia chú mân mê vuốt nhẹ lên tóc của búp bê.

Về sau, tôi thấy chú bé quay người, hỏi: “Dì ơi, Dì có chắc là mình không còn tiền để mua búp bê nữa không?” Người đàn bà khẽ trả lời: “David à, Emily không còn chơi búp bê nữa đâu”. Tôi thấy người phụ nữ lảng qua phía khác, lựa đồ. Cậu bé cứ lẽo đẽo đi theo. Tay ghì chặt lấy búp bê chưa trả tiền. Thấy David đứng thờ thẫn, tôi mon men đến gần và hỏi xem: hai dì cháu định mua búp bê cho ai vậy. Cậu bé trả lời: “Mỗi lần có Noel, là chị của cháu đều thích mua búp bê”. Tôi bảo: “Cứ từ từ cháu ạ, rồi thì ông Già Noẽl cũng đem búp bê đến cho chị của cháu thôi”. Chú bé nói: “Không có đâu, Ông Noẽl không sao đến chỗ của chị cháu được đâu. Cháu phải đem búp bê cho Mẹ, để Mẹ đi đến chỗ đó, mà đưa cho Emily. Chỉ có cách ấy thôi.” Tôi hỏi: “Thế chị cháu ở mãi đâu, mà ông Noel không đến được, xa lắm sao?”

David rơm rớm nước mắt “Chị cháu đã về chỗ Chúa Giê-su ở rồi, Bác ạ. Ba nói: Mẹ cũng sắp đến chỗ Emily và Chúa Giê-su hôm này thôi!” Nghe xong, tim tôi chừng như ngừng đập. Và, David tiếp: “Cháu có nói với Ba là làm sao thì làm, để Mẹ đừng có đi vội, phải chờ sao cho cháu mua được búp bê cho Emily cái đã. Cháu vẫn muốn Mẹ mang búp bê tới cho Emily, của cháu cơ.”

Thấy cậu bé không để ý nhìn, tôi vội đưa tay vào ví, lấy ít tiền và bảo: “David, cháu có biết đếm không?” Mắt bé sáng rực niềm hưng phấn. Và nói:”Đấy, cháu biết mà thế nào Chúa Giê-su cũng cho cháu tiền để mua búp bê cho Emily mà, chắc chắn là như thế.” Tôi dúi tiền vào tay bé rồi cả hai cùng đếm. Đếm xong, David nói: “Đúng là Chúa Giê-su sẽ cho cháu đủ tiền để mua búp bê mà.”

Vài phút sau, Dì của David quay lại. Thấy vậy, tôi vội đẩy chiếc xe chở đồ đi nơi khác, tránh thắc mắc của hai người. Trong bụng, tôi không khỏi suy nghĩ về bé David; và, thấy rằng hôm nay mình đã thực hiện chuyến mua sắm trong tình huống khác hẳn lúc ban đầu.

Về nhà, đọc lại câu chuyện đăng trên báo vào mấy hôm trước có nói về trường hợp: một người uống rượu phóng xe đụng phải xe khác làm chết một em bé gái. Mẹ của em đang thoi thóp trên giường bệnh phải dùng ống dưỡng khí, trợ thở. Cách đây hai ngày đọc thấy gia đình của người đàn bà xấu số trong cơn hôn mê ấy, đã quyết định rút máy trợ thở, tuyệt vọng.

Và, trước lễ Chúa Giáng Sinh, báo đài còn đề cập đến tang lễ của Julia Norris cùng con gái của bà, là Emily, được cử hành vào ngày lễ thánh Stê-pha-nô, tử đạo. Tên người đàn ông là chồng, và cha là Michael và tên người em nhỏ, em trai của Emily, là David.

Vào buổi Lễ đêm, gia đình tôi tụ tập nơi bàn tiệc nhiều thức ăn quá mức mà chúng tôi không thể ăn hết. Tay cầm món quà đắt tiền mà chưa chắc mọi người đã lấy làm thích thú. Còn bia và rượu thì uống say quá mức. Suy nghĩ kỹ, tôi thấy “tôi và gia đình mình đã để mất đi ý nghĩa của ngày lễ Chúa Giáng Sinh, làm người phàm”.

Sự kiện Chúa-ở-cùng-chúng-ta xảy đến thật đơn giản. Chỉ như một hài nhi bình thường đang cần tình thương yêu đùm bọc của mọi người. Thế mà, chỉ vì đây là ngày Lễ, ta lại phung phí bạc tiền quá sức. Ăn uống, thì vượt quá mức độ cần thiết. Đã thế, lại còn say sưa chè chén, đến lố bịch.

Tôi buồn rầu rời bàn tiệc về phòng, viết vội tấm thiệp gửi đến các thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi viết về điều mà trước đây chẳng khi nào tôi có thể nói bằng lời là: “Tôi muốn cho gia đình biết là: tôi luôn thương yêu hết mọi người.” Đọc tấm thiệp tôi viết, chắc mọi người sẽ nghĩ rằng tôi bị chứng mát thần kinh chăng. Dầu sao đi nữa, hình ảnh bé David, búp bê kia và cả Chúa Hài Đồng đã ghé thăm hồn tôi vào tuần lễ mới, của Mùa Lễ. Và với tôi, Giáng sinh mai ngày, sẽ chẳng bao giờ giống như Giáng sinh năm ấy.

Lẽ đáng ra, nên kể chuyện nào hấp dẫn hơn, cho bầy trẻ các nơi thưởng lãm, mới đúng. Nhưng, câu truyện và những cảm nghiệm về một Giáng Sinh ở trên cũng là điều bổ ích, nếu bạn và tôi, ta tản mạn qua câu truyện nào mà ít người đề cập tới. Truyện người già, những người vẫn muốn cho con cháu mình nhớ đến gốc gác tổ tiên. Nhớ giòng họ của mình, chẳng hạn.

Giáng sinh, không chỉ là lễ hội của hôm nay. Năm này mà thôi. Nhưng, là lễ hội diễn ra vào mọi ngày trong đời mình. Và đời người. Ở nơi đó, ta bắt gặp những khuôn mặt, những gia phả của các giòng họ, thân quen. Hoặc, chưa một lần quen biết. Vào lễ Giáng sinh, ta gặp một chân lý. Chân lý ấy, như sau: tất cả chúng ta đều có chung một giòng họ. Cùng gia phả giòng tộc. Cùng xuất tự giòng dõi của vua Đavít. Gia phả của vua Đa-vít, là chính gia phả Đức Kitô.

Và, thêm một điều nữa: một khi là tín hữu Đức Kitô, ta đã là Kitô-khác rồi. Vậy, hãy cứ vui lên, vì nay ta đã biết được gia phả rất cao sang của mình. Quyết giữ lấy danh hiệu “Kitô-khác” cho trùng hợp ăn khớp với đường lối của Đức Kitô, con cháu vua Đa-vít. Tức: Ông tằng ông tổ của tất cả chúng ta. Quyết sống cho sáng danh giòng dõi, gia phả Đức Kitô, rất đặc biệt. Một gia đình rất thân yêu. Đầm ấm.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn luôn tự nhắc mình nhớ

về một gia phả:

Gia phả Ngài.